Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
416
116.818.047
 
Dầu máu
Vĩnh Trà
Chương 10

14

 

Uống cạn chai rượu mà Hóp má vẫn chưa quyết được trận càn tới đây là ở đâu. Vào làng Thượng phải qua lòi Dầu máu, phải đương đầu với bà Khế, (mà cha mẹ hắn vẫn phải nể sợ). Ông Liên mắt lúc nào cũng trợn ngược nối liền với đôi lông mày rậm. Thoáng trông đã phát khiếp. Ấy là chưa kể đến cảm giác lành lạnh sau gáy, lúc nào cũng như có mũi dao sắc lạnh của Thục, của Câm - Ôi chao! Nghĩ đến hầm chông tre, bàn chông sắt, đạn đạp, lựu đạn cài xung quanh lòi Dầu máu mà lạnh cả xương sống. Phải càn quét ở làng khác, yếu bóng vía hơn. Cái mà Hóp má cần là bắt cho bằng được một du kích để tâng công với Tây lai. Hóp má ngửa cổ dốc nốt ngụm rượu cuối cùng rồi ném mạnh chai xuống sàn, vỡ tan tành, ngón tay day day vào tấm bản đồ được khoanh tròn hai chữ Trằm Nổ? Hóp má cầm quân, Tây lai đi kèm, một trung đội lính ô hợp bất thần ập vào làng Trằm Nổ. Con gà trống vươn cổ cất tiếng gáy bị trúng đạn, giẫy đành đạch, thằng bảo vệ nhét vào túi quần. Lợn, gà, chó, mèo chạy tan tác. Đàn bà, trẻ con dồn về góc nhà khóc như ri, tuyệt không thấy bóng đàn ông. Đốt mấy căn nhà lá ngoài rìa làng để lấy oai, Hóp má hậm hực ra hiệu rút quân. Sau hàng dứa dại là hàng rào tre gai bao bọc làng Trằm Nổ, tiếp đến là cây dẻ, cây nen, chạc chìu xoắn xuýt, đan ken như tấm liếp màu xanh trải dài tận đường cái quan. Biết đâu trong mớ cây lá, bòng bong ấy lại có du kích đang ẩn náu. Đùng một cái, lựu đạn từ trên trời rơi xuống, nổ tan thây  như ở lòi Dầu máu thì sao?!

            Hóp má rùng mình rồi hét to như trấn an:

-                      Thằng du kích kia, trốn trong bụi cây thì ra ngay, không quan bắn vỡ sọ.

Gió biển từ Thái Lai, Mạch nước thổi ào ào, rừng cây xao động - Hóp má dặng hắng:

-                      Thằng kia không ra hàng phải không? Tao bắn này!

            Ba phát súng lục bắn hú hoạ vào rừng cây. Từ lùm dứa dại, người đàn ông ngoài năm mươi mặt méo xệch, tứa máu vì gai cào, run rẩy bò ra.

-                      Thưa quan, lạy quan tha chết. Tui không phải là du kích.

-                      Không phải là du kích Trằm Nổ, thì du kích của làng nào hả?

-                      Thiệt tình tui là dân mần thuê…. A.. ơ … - ai như là cậu Hóp?..

-                      Ai là cậu Hóp của mi?

-                      Đúng là cậu Hóp, con ông mụ Lỗi rồi, tui là Đam, thợ cày đây mà…

-                      Á … a….

            Hóp má nhận ra, hắn nói với Tây Lai.

-                      Tui nhớ ra rồi. Đúng, thằng cha này là thợ cày giỏi của nhà “moa”. Hồi “bốn lăm” hắn đi biệt tích theo Việt Minh, giờ về làm cán bộ, du kích nằm vùng.. ố là la …. Bắt được cá xộp rồi!

            Hóp má giải Đam về làng Thượng.

            Đam bị trói giật cánh khuỷu, đầu vươn ra phía trước, ngực vẫn căng, một bước đi là một lời kêu than. Hóp má dí súng lục sau lưng, lạnh toát, Đam kho khè:

-                      Câu chủ ơi… thương tình, nới giây một chút đi… căng quá…. chết mất

-                      Im.... về làng Thượng mà nói….

-                      Dưng mà…. dưng mà oan cho tui quá…

-                      Nói nữa, tao bắn!

            Đam im bặt.

            Đi qua lòi Dầu máu, Hóp má và bọn lính đặt đúng bàn chân vào dấu chân của Đam đi trước. Chúng sợ hầm chông, đạn đạp. Gió rì rào trên ngọn dầu máu, bứa, bời lời. Quả bứa chín mọng rơi bịch xuống đất. Cả lũ quan lính nằm sát mặt đường. Đam chẳng biết gì, đừng chòng chọc – Hóp má giật giọng:

-                      Coi chừng lựu đạn…

            Bụp một quả bứa vàng ươm rơi cạnh chân, Đam nằm bẹp dí, mặt úp xuống cát. Tây lai càu nhàu:

-                      Mẹ cha nó - quả bứa mà thần hồn nát thần tính. Tụi bay, đi…

            Cả lũ đứng dậy, chưa chịu đi, bởi lão Đam vẫn như thằn lằn mất đuôi… run rẩy.

Hóp má lùa thợ cày, thợ cấy đứng chen chúc trước ao nhà. Hắn đẩy lão Đam ra bãi cát lẫn phân trâu, hất  hàm:

-                      Dân làng Thượng coi đây. Hôm nay quan Tây lai với choa xử án thằng du kích Việt minh này.

            Lão Đam ỉu xìu, lẩy bẩy:

-                      Tui … không phải là du kích Việt minh, oan quá.

-                      Rứa thì tau hỏi từ hồi bốn lăm đến chừ, mi đi đâu? Làm gì?

-                      Tui đi mần ăn.

-                      Á a… “choa” hiểu rồi. Mi đi mần du kích, ăn cơm Việt Minh đúng chưa? Mi lừa phỉnh được ai, chớ với tau thì không xong rồi. Hứ!

-                      Tui nói sai thì xin chết dưới chân cậu, cậu chủ ơi!...

-                      Hớ hớ… mi không muốn sống thì tau cho toại nguyện luôn.

            Hóp má di nòng súng vào tai lão Đam

-                      Dừng tay! Hóp má, dừng lại!

            Hóp má há hốc mồm - Mụ Lỗi đứng trước mặt.

-                      Mệ ra đây mần chi? Việc của tui, việc nhà binh mà!

-                      Tau coi mi xử du kích…. dưng mà ngứa mắt lắm.!

-                      Thằng cha ni là du kích, tui bắt được ngoài Trằm Nổ.

-                      Ông ny không có gan mần du kích. Ví thử ông ta là du kích mười mươi thì cũng không được bắn!

-                      Lạ quá hè.

            Hóp má ngơ ngác. Tây lai không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao cả. Bọn lính đứng như trời trồng. Đám thợ cày lao xao… Trong nhà lão Lỗi húng hắng ho… khan…

 

15

            Ra tết.

 

Cấy hái xong, thợ cày, thợ cấy ai về nhà nấy. Nhà lão Lỗi yên ả. Thư thả quá… Trời đât ấm dần lên, căn buồng nồng nàn. Mụ Lỗi ở tuổi bốn mươi, ăn uống đầy đủ nên sung sức lắm. Hai má lúc nào cũng ửng hồng, mắt chứa chan. Lão Lỗi mới ngoại ngũ tuần mà xem ra sức trai xuống hẳn. Cả tháng nay không thấy lão hăng hái “đổ cây chuối”. Mụ Lỗi thở dài đánh thượt rồi mò sang gường lão Lỗi. Cái việc mà xưa nay thuộc quyền của ông nhà. Lão Lỗi vồ vập, “đổ cây chuối” như mọi khi. Nhưng chưa đâu vào đâu thì mụ Lỗi đã ướt nhàu. Mụ trừng mắt, hứ rõ dài, thuận chân đạp lão Lỗi xuống đất:

-                      Đồ vô tích sự, mất công rửa đít, giặt quần.

            Lão Lỗi nằm sóng sượt, mồ hôi lấm tấm trên trán, cổ họng uất nghẹn.

 

Năm nào cũng vậy, mụ Lỗi chọn vài thợ cày được trai, khoẻ mạnh, hiền lành ở lại sai phái trong mấy ngày tết. Lần này mụ chọn một thợ cày giúp việc. Cơm nước xong là anh chàng thợ cày nhảy ào xuống ao sau nhà tắm táp. Cổ to, vai lẳn, bắp tay, bắp chân cuộn lên, chắc nịch. Hàm răng trắng đều khiến điệu cười càng dễ mến. Kể ra anh chàng cứ nhìn thẳng vào cổ, vào ngực mụ thì dễ chịu hơn là cúi mặt nể sợ, mà ghét nhất là nhiều lúc như ngớ ngẩn, chực bỏ chạy…

 

Đêm xuân. Mụ kêu chàng trai cày lên buồng nhờ chút việc. Chàng trai đã ngoài ba mươi, lần đầu tiên bước vào buồng đàn bà, lại là mụ chủ nên ngập ngừng, ái ngại. Mụ Lỗi nửa nằm, nửa ngồi, ống quần lụa đen cứ kéo lên lại chảy xuống. Mụ phàn nàn:

-                      Mấy hôm trở trời, tui đau ống chân lắm. Mấy đứa con gái yếu tay quá, nên đấm bóp chẳng đâu vào đâu cả. Anh mạnh tay khoẻ chân đấm bóp giúp tui hý.

Anh chàng ngẩn người trước đôi chân trắng, hai tay lập bập không biết đặt vào đâu cho phải. Mụ nhẹ nhàng cầm tay chàng trai thợ cày đặt vào bụng chân. “Cứ rứa mà bóp, hý”. Mắt mụ lim dim, giọng nhỏ nhẹ “lên một chút nữa”! Tay chạm đến đùi, nóng rực, chàng trai ngước lên, mụ chủ bật cúc áo. Chỉ một chiếc cúc cài sơ sài mà bên trong không có yếm. Chàng trai thở gấp gáp, mụ ôm vào lòng, hối hả. Chàng thợ cày lắp bắp: “Ông nhà mà biết được thì tui chết mất”! “Quên lão già khọm, bất lực ấy đi”, đêm nay chỉ có tui với anh hý”. Đêm ấy, đêm nữa, đã lâu rồi mụ Lỗi mới cảm nhận hết đêm xuân, nồng nàn, tròn đầy. Cuối năm, bé gái Mưng ra đời. Bà đỡ hồn nhiên khoe:

-                      Ông chủ ơi! Cháu gái kháu lắm.

-                      Rứa à?

            Lão Lỗi lạch cạch vào buồng trong, nuốt một hơi thuốc phiện cho quên sự đời. Rồi cũng một đêm xuân, mụ Lỗi bắt chàng trai thợ cày phải đi khỏi làng. Mụ gói một bọc áo quần, xâu tiền, đưa chàng trai ra khỏi làng Thượng. Mụ nói đủ cho chàng trai nghe, nhỏ mà lạnh tanh:

-                      Quên hết mọi chuyện! Đi biệt tăm, hỷ!

 

                                                           

16

Chàng thợ cày trở lại làng Thượng già nua, đen đúa, tiều tuỵ, run rẩy:

            Tây lai gõ gõ báng súng xuống chiếc bàn gỗ xiêu vẹo, tróc sơn. Hóp má lăm lăm súng, đạn đã nên nòng. Lão Đam nhũn như sợi bún. Mụ Lỗi nhìn chằm chằm. Không còn đôi tay xiết chặt mụ đến nghẹt thở. Không còn bộ đùi chắc như gỗ lim. Không còn bộ ngực nở nang, căng tròn sức trai….

            Lão Đam ngước mắt. Có gì đó hèn hèn, van xin tha tội chết. Hóp má trịnh trọng:

-                      Thưa mạ. Thằng du kích nằm vùng ni là đáng tội chết. Tui với quan Tây lai bắt hắn trong Trằm nổ. Hắn phải chết trên đất làng Thượng, cho dân làng này biết: Chống lại quan tây thì chỉ có chết.

            Tây lai cười ha hả

-                      Nói cho đúng là thằng du kích này nằm trong bụi dứa gai, mắc bệnh đái dầm nên khi súng nổ vu vơ… hơ …. Hơ.. hơ. Thằng này mà là du kích thật thì chưa bắn đã chết vì sợ vãi đái ra. Để hắn sống cũng chỉ tổ bẩn mắt mà thôi. Nhưng ta nói cho dân làng Thượng hay. (Tây lai đứng bật dậy, khua nòng súng trước mặt dân thợ cày). Trong đám thợ ở đây thế nào cũng có du kích trà trộn. Đi qua lòi Dầu máu ta ngửi thấy mùi du kích, nặng lắm. Tụi bay, dương mắt nhìn thằng du kích nằm bụi dứa này chết mà đặt tay lên trán suy nghĩ, nghe chưa? Hóp má, ông còn chần chừ chi nữa. Mần luôn!

-                      Không

 

Mụ Lỗi tiến lên, vạt áo chạm mũi lão Đạm. Mụ rõ mười mươi là thời trai trẻ Đam chỉ biết làm theo lệnh của người khác. Bản tính nhu nhược đeo đẳng anh ta suốt cuộc đời. Khi đẩy anh ra khỏi làng Thượng mụ đã dặn: “ tướng anh chỉ biết mần ăn, rồi lấy vợ, tạng anh có cả một đàn con. Anh không có gan mần việc chi to tát - Đi đi!”. Mụ vỗ mạnh vào tấm mông chắc nịch - Đam chúi về phía trước, đi thẳng. Lão là du kích? Chắc gì đã đúng? Nhưng lão là cha đẻ của con Mưng, là cái chắc. Đam chết ư? Tội quá. Đam chết trước mũi súng của Hóp má ư? Oan nghiệt quá. Đam chết. Con Hừng Mưng vĩnh viễn không có cha ư? Rồi sẽ quả báo… Mụ Lỗi đặt tay lên vai Đam, nhìn thẳng vào Hóp má:

-                      Ông đây là cha của con Mưng đó.

            Hóp má mở tròn mắt, con ngươi như lồi ra ngoài:

-                      Thiệt à? Lạ quá hè… lạ quá….

            Mụ Lỗi thủng thẳng:

-                      Từ lâu ta dấu, ta không nói với ai. Con Mưng cũng không biết. Nhưng … cha mi biết hết. Cha mi biết, nhưng cũng không nói. Ta hiểu nỗi đau không nói được của ông ấy.

            Hóp má giang tay chỉ lên trời.

-                      Thiệt không cha? Trời ơi là trời

            Hóp má chạy vào nhà. Lão Lỗi đứng như trời trồng giữa sân, lắp bắp: “Thiệt, thiệt mà”, rồi ngã sóng xoài bất tỉnh. Hóp má dí súng vào mang tai lão Đạm

-                      Tao phải bắn, bắn nát óc mi. Đồ khốn nạn.

 

Một tiếng nổ chát chúa. Rồi cả băng đạn nổ. Nóng súng chĩa lên trời. Đẩy nòng súng ra khỏi đầu lão Đam là cánh tay mụ Lỗi. Mụ đá vào bị thịt, hét lạc cả giọng: “Chạy đi!”

            Lão Đạm chợt tỉnh, chạy ra vệ đường. Không phải chạy mà lão lủi theo bờ mương như con cuốc qua phen hút chết.

            Tây lai nhìn theo đám thợ cày nháo nhác. Kéo một băng đạn lên trời, ra lệnh:

-                      Rút quân!

            Mụ Lỗi mặt tái xanh, khuỵu xuống, lần đầu tiên người ta thấy mụ làm dấu thánh, mặc dù chưa một ngày theo đạo

 

Hóp má nhìn chòng chọc cho đến khi lão Lỗi lai tỉnh, cho đến khi mụ Lỗi đầu tóc rũ rượu đi vào buồng như một kẻ mất hồn. Hắn ôm chặt thằng Lỗi vào lòng. Cu con chưa bao giờ được cha ôm ấp trìu mến như thế. Lỗi bạo tay vê vê túm râu xoắn trên cằm nhọn của cha. Hóp má vòng tay ôm xiết Câm. Hắn đặt nụ hôn lên đôi môi xám ngoét vì hoảng sợ của Câm. Từ ngày chiếm đoạt thể xác của Câm chưa bao giờ hắn làm như thế. Hít một hơi dài, rồi Hóp má cũng buông cả hai mẹ con thằng Lỗi ngã bệt xuống đất, Câm bị hất vào tường đau điếng. Hắn  hét toáng.

-                      Đam, thằng chó chết. Tao phải bắn nát mi như một con chó dái chớ không phải bắn một thằng du kích. Mi không phải là du kích… thằng Đam… chết tiệt kia, nỗi nhục của nhà choa…..

 

Hóp má lia súng, chạy dọc theo bờ mương. Càng gần đến đến cây mưng già, bờ mương như thít chặt lại. Hóp má thấy rợn rợn, ngoặt lên lòi Dầu máu, may ra theo kịp Tây lai. Hắn chạy thục mạng, nhưng vẫn để ý đặt chân vào đúng dấu chân bọn lính vừa chạy qua. Mệt lả, hắn ngồi bệt xuống rễ cây Dầu máu như đôi chân đàn bà chìa ra vô tình. Có giọt nước gì đó đặc quánh rơi vào đỉnh đầu thưa tóc của Hóp má. Bãi phân con chim nào đó tình cờ bay ngang qua, vừa ỉa vừa đái ư? Hay giọt Dầu máu. Thế nào cũng mang điềm gở cả. Hóp má không dám vuốt tóc. Hắn cúi gập người xuống gốc Dầu máu cổ thụ sần sùi cầu khấn: “Trăm ngàn lạy ông thần Dầu máu cho Hóp được yên ổn… Trăm, ngàn van lạy….”. Hắn chưa một lần khấn vái thổ thần, ông bà, tổ tiên. Mọi việc thờ cúng do lão Lỗi đảm trách. Không trông nhờ vào thằng con bất hiếu, lão chỉ dạy cho thằng cháu đích tôn. Được cái, thằng Lỗi nhập tâm mau chóng, lưng bái, ô - hô…. rất giống ông Nội. Bất giác, Hóp má sờ lên đỉnh đầu, ngón tay dính bết chất keo đỏ sẫm như máu. Hắn tái mặt, rồi định thần lại, rút chai rượu trong túi, dốc cạn. Hắn loạng choạng bước đi. Những dấu chân trên đường cát mịn cứ lao xao, nhảy múa. Đến ngã ba đường. Hóp má sựng lại: Rẽ phải là xóm Mội, rẽ trái là ra Trằm Nổ, đi thẳng là xuống Hồ xá. Cứ hướng phủ đường mà đi, đếch cần dấu chân thằng nào hết. Đi! Đoàng! Tiếng nổ phụt lên từ lòng đất. Hóp má sập hầm của du kích làng Thượng. Viên đạn xuyên từ mông lên đầu. Hóp má chết ngay tại chỗ.

 

Lão Lỗi ốm liệt gường. Mụ Lỗi hoá điên, chỉ có O Câm ôm đầu Hóp má đặt lên cáng. Câm không khóc, không làm dấu, lặng lẽ đưa cha thằng Lỗi đến miếng đất cuối cùng bằng hai chiếc chiếu trong hàng sào, hàng chục,  mẫu đất ruộng nhà lão Lỗi.

*

            Tháng sau, nhà lão Lỗi chìm trong u uất, não nề thì cả làng Thượng bật dậy. Người lớn, trẻ con đốt đuốc chạy khắp làng hô vang:

-                      Hoà bình rồi

-                      Thắng lợi rồi!

-                      Kháng chiến thành công rồi

            Người ta say sưa ca hát, nhảy múa.

            “Hoà bình tưng bừng từ Liên Xô về bốn phương….”

            “Dân Liên Xô, ai hát trong rừng hoa. Đây bao la, hương sắc chan hoà…”.

            Bà Khế đã ngoài sáu mươi mà thanh niên vẫn bắt bà nhảy.

                                                “sòn sòn sòn đô sòn”

                                                “Sòn sòn sòn đô rê”

            Không ai nhảy cùng thì họ ôm gốc chuối, đu đủ làm bạn nhảy. Cả làng Thượng ngập tràn cờ hoa, hát múa

            Lão Lỗi mới bảy mươi mà tóc bạc trắng, tai điếc đặc. Thằng Lỗi hét vào tai ông Nội

-                      Hoà bình rồi

-                      Hử?

-                      Thành công rồi?

-                      Như năm bốn lăm hử

-                      Kháng chiến thắng lợi rồi!

            Mụ Lỗi đập mạnh vào đầu gối củ lạc của Lão (chỉ tổ rát tay) hét to không kém thằng cháu đích tôn:

-                      Việt minh thắng. Pháp thua rồi!

            Lão Lỗi nghe ra, mắt mờ đục, mồm mở to:

-                      Việt minh thắng to, Pháp thua to hử!

            Rứa thì nguy to rồi. Mụ cho thu hết tiền gạo về. Đứa mô nợ một cắc, một đồng cũng thu về, nghe chưa!

 

Nói rồi, Lão lập cập đi đếm từng đôn lúa, sờ soạng cánh cửa gỗ đóng im ỉm, đếm từng ao cá, chuồng bò, chuồng lợn. Đám chó trực canh chạy theo sau kêu ăng ẳng ra chiều ve vãn. Bởi lâu lắm, chúng mới thấy ông chủ ra khỏi nhà. Khốn khổ cho lão, điếc đặc, sợ không ai nghe, càng nói to.

-                      Con mẹ thằng Lỗi đâu? Mua thêm mấy con chó nữa, giữ nhà cho chắc.

            Khốn nỗi, con dâu cả của lão vừa câm, vừa điếc. Thấy bố chồng khua chân múa tay, Câm hiểu ra phần nào, liền cười ngu ngơ. Cười lấy lòng

 

            Đám rước đuốc mừng hoà bình như con rồng lửa uốn lượn khắp làng, khép vòng cung quanh khu nhà lão Lỗi. Lão lẩy bẩy, hốt hoảng, kêu toáng.

-                      Việt minh đốt nhà mụ nó ơi! Việt minh đến! Chết mất thôi!

            Lão ngồi bệt, rên ư ử. Con chó già nhất đàn cọ cọ đầu vào chân chủ, tru dài não nuột…..

Mụ Lỗi thở dài đánh thượt:

-                      Ôi cái lão già này, chưa chi đã lẫn rồi, lại thêm chứng tè vặt nữa chớ. Ôi! quả báo! quả báo!

            Ngoài kia, đường làng, ngõ xóm, bờ mương đuốc sáng như ban ngày. Cờ hoa rợp trời.

             Đêm hoà bình đầu tiên, cả làng Thượng không ngủ!

 

 

Phần III

 

1

            Thằng Đái, tay cầm cờ đỏ sao vàng bằng giấy, vai vác tấm biển bằng gỗ nhỏ hơn cái bảng đen vừa nhảy chân sáo, vừa hát:

            Đội về đây

            Đội về đây

            Dân vui ấm no

            Có ruộng cày

            Là lá la la

            Hai ba….”

            Lũ trẻ con làng Thượng theo sau cùng hát vang từ xóm trong ra xóm ngoài. Đến gốc cây Dầu máu cổ thụ, chúng ngồi bệt, lấy hơi. Chúng vui quá, rước cờ chạy khắp làng, chân mỏi nhừ mà miệng vẫn hát. Cu Lâm huých vai thằng Đái.

-                      Ê Đái con, mi cầm cờ ngược à?

            Đái trố mắt. Cờ nó ngược thật. Sao vàng chúi đầu xuống dưới, hai chân ngược lên trời. Đái bẻ cán cờ, xoay ngược lại. Cả lũ cười ồ. Thi, cô bé nhỉnh nhất trong đám trẻ con cười ngả nghiêng.

-                      Ê, Đái con, cờ xuôi mà không có cán thì lấy chi mà cầm

Đái chưng hửng. Cụ cậu đặt lá cờ không cán vào tay Thi rồi cầm lá cờ của cô bé vừa chạy vừa hát “Đội về đây…..”. Lâm kêu lên:

-                      Ê, Đái, con trai lấy của con gái mà không biết hổ à?

            Đái đỏ mặt sừng sộ:

-                      Từ bữa ni, tau tên là Phương rồi. Không được đứa mô kêu là Đái con, Đái nhỡ nữa, nghe chưa?

            Cả lũ lăn ra cười, cát bay mù mịt

-                      Ai đặt tên cho mi hè.

-                      Ba tau đặt tên Phương, nhưng mệ nội tau đặt tên Đái để ma khỏi bắt. Chừ tao lớn rồi, ma không bắt được nữa, nên kêu là Phương.

            Thi phủi cát trên người Đái con, ra vẻ người lớn

-                      Được rồi, được rồi. Phương cầm cờ đi nào.

Lũ trẻ vừa nhảy chân sáo vừa hát. Phương mếu một chút, rồi cười toét, dẫn đầu đoàn trẻ con vui nhộn, vô tư. Đến thửa ruộng bên cây mưng già, Thi lễ phép.

-                      Cháu chào thím Thục.

-                      Ừ, chào cháu, ui chao, các cháu vui vẻ quá hỷ. Cháu có chộ thằng Đái của thím không?

            Lâm cười nắc nẻ:

-                      Có, có thằng Đái con, Đái nhỏ đấy thím ạ.

            Phương phụng phịu.

-                      Mạ đã hứa từ nay kêu con là Phương mà không nhớ à. Con bắt đền… hu…. hu….

-                      Ừa, ừa – tại mạ quên. Nhưng con có nhớ vác thẻ nhận ruộng cho mạ không.

-                      Có đấy ạ. Cái thẻ này quý lắm phải không mạ.

-                      Ừa, hiếm có lắm con ạ.

 

Thục cầm thể ghi đúng họ tên mình cắm xuống, chính giữa sào ruộng. Hai tay cầm khúc gỗ to nện đúng đầu cọc tre, gỗ chạm tre phát ra âm thanh trầm đục, vang vọng như sấm đất. Sào đất hồi cấy thuê, cho lão Lỗi, sao nhỏ nhoi, chật chội mà bây giờ dài rộng đến vậy. Thục ngồi gốc mưng già nghĩ miên man. Hơn mười năm trước, Thục ngồi bên này, Thuận ngồi bên kia, cách nhau một hơi thở nhẹ, một đọt mưng mới nhú sẫm đỏ…. Thục lo xa “con hai nhà nghèo mà lấy nhau, rồi lấy chi nuôi con hở anh”. Thuận nhìn ra phía chân trời xa xăm: “… rồi chúng mình sẽ có ruộng cấy, trâu cày!”. Thục bảo anh nói phỉnh cho người yêu yên tâm, Thuận thề là ngày dân cày có ruộng sẽ đến. Đứa nói không, đứa nói có.… rồi hoà vào tiếng cười khanh khách, giòn tan của Thục, nụ hôn ban đầu nồng cháy của Thuận. “Bây chừ, mẹ con em đã có hơn sào ruộng, nửa con trâu quả thực. Em với con đã cầm chắc thẻ lên ruộng của mình rồi, bên gốc mưng già ấy anh nhớ không? Sống khôn chết thiêng, anh về vui với mẹ con em…. anh ơi… “. Thục khóc tức tưởi, đầm đìa nước mắt. Trên bờ mương lũ trẻ vẫn gào khản cả cổ:

…… Dân vui ấm no

            Có ruộng cày

            Đoàn kết một lòng

            Không phân chia

            Hai… ba…

            Dẫn đầu đoàn, hát to nhất vẫn là thằng Đái, mặc quần thủng đít, bị bạn cười lại xoay ra đằng trước

*

 

            Lão Lỗi là địa chủ duy nhất của làng Thượng chịu án tử hình.

 

Người ta chặt cây mâấc thường làm choái cho cây tiêu leo làm cột hành hình chôn bên hố đào sẵn khá sâu. Đối diện là khán đài bằng tre. Các cột cổng chào kết lá đung xanh đậm. Nối hai đầu cột là lá dừa uốn cong. Thoạt nhìn giống sân khấu dã chiến dựng vội hơn là khán đài của toà án nhân dân đặc biệt xét xử địa chủ cường hào, ác bá. Người đến dự ngồi kín bãi cỏ. Trên khán đài, hội đồng xét xử ngồi thẳng đơ. Đội du kích làng Thượng khoác súng trường, đứng hình chữ “vê” (V). Chỉ huy đội cải cách ruộng đất là một phụ nữ ngoài ba mươi, mặt tròn, trán ngắn, cằm hơi lẹm, nói giọng Quảng, dân làng Thượng nghe mãi mới hiểu ra dăm ba phần.

Lão Lỗi được giải ra vành móng ngựa, hay nói đúng hơn là hai du kích xốc nách đặt lão ngồi vào chiếc ghế dài, phía vành trước là những cây tre uốn cong, buộc chặt thành hình vòng cung. Qua mấy ngày đấu tố, lão rũ rượu, mặt xanh dớt. Mái tóc bạc bết mồ hôi như cò bợ gặp mưa. Toà tuyên địa chủ Hoàng Lỗi chịu hình phạt tử hình. Lão điếc đặc, không biết có nghe được không mà đầu cứ gục xuống, gấp sát ngực. Toà tuyên tịch thu toàn bộ ruộng đất, trâu bò, của địa chủ Hoàng Lỗi chia cho dân nghèo. Thợ cày thuê, thợ cấy mướn vỗ tay ầm ầm, lão vẫn ngồi im cho đến khi hai du kích kéo lê lão đến bên mép hố hình chữ nhật đủ lọt chiếc quan tài, trói tay, trói chân lão vào cột, lão mới ngước nhìn hàng nghìn cánh tay giơ lên cao, chém xuống đều đặn theo nhịp hô: “Đả đảo địa chủ, cường hào, ác bá”

-                      Đả đảo

-                      Đả đảo

“Ruộng đất về tay dân cày”

-                      Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô.

            Chắc lão nhìn thấy, nghe được nên mặt tái dại, như con nợ chất chồng đến ngày bung bét. Đầu gấp xuống nghẹo hẳn sang một bên, cả người lão tụt xuống như chiếc quần lụa đột ngột đứt dây lưng

            Lão ngất xỉu

            Hình như lão Lỗi tắt thở trước khi súng nổ.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10   11    12   
Vĩnh Trà
Số lần đọc: 1846
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Dầu máu (truyện dài)