Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
792
116.542.392
 
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông
Trang Thanh Trúc
Chương 3

47.

 Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là con mở máy vi tính. Sáng nay thức dậy, thì không. Con loay hoay bước xuống giường tìm đôi dép nhựa. Con ra ngoài bếp châm nước pha café. Trong lúc đợi nước sôi con nhặt chiếc lá sâu trên cành rồi lơ là nhìn ra bóng đêm ngoài kia. Ngoài kia là hàng cây trụi lá. Ngoài kia là mùa Đông vất vả. Nước sôi. Con bấm nút tắt. Một muỗng rưỡi café. Hai muỗng sữa Nestlé. Đổ nước sôi vào nửa ly rồi lấy cái muỗng quậy đều. Vào phòng vệ sinh, mang theo café. Vào phòng tắm cũng bê theo café. Chỗ nào con đến, con cũng thích rắc hương café sáng như thế. 6 giờ 30, trời vẫn còn tối và phố vẫn còn vắng. Con mở máy vi tính. Hơn bốn mươi lá thư trên hộp Yahoo. Việc con làm đầu tiên là nhìn tên người gởi. Rồi tùy lá, có lá con mở ra đọc. Có lá con xóa luôn không tiếc. Thế mới biết, không ai viết cho thì mong. Mà nhận nhiều quá, thì lại bày ra cái trò chọn lọc.

 

Con mân mê con chuột nhỏ mầu đen. Cứ thế mà con đọc tên người gởi. Cứ thế mà con xóa, con mở. Cứ thế mà con nhìn từng tấm hình đầy ắp thương yêu từ bên nhà gởi sang. Hôm qua, con nhớ con còn thấy Ngoại mặc chiếc áo đươm hoa mầu xanh nhạt mà.

 

Hôm nay, Ngoại mặc chiếc áo gấm mầu đỏ, dài chấm đến chân rồi. Con có cảm giác, Ngoại đang nghỉ trưa. Ai đó thoa lên đôi môi Ngoại chút mầu đỏ nhạt. Con thấy Ngoại ton sur ton lắm! Ngoại ngủ như vậy, khi thức dậy, có nhớ cho con tiền chạy qua xe kem nhà hàng xóm mua về hai que kem đậu xanh. Một cho Ngoại. Một cho con không?

 

Con không rời màn hình. Chỗ Ngoại đang nằm là trong phòng khách. Cái phòng này hồi xưa là giang sơn của con đó nha. Lúc ấy, con nằm ở trên sàn gạch bông. Ngoại hay nói, chỗ nào có con lăn qua, là mấy miếng gạch đó bóng lắm. Khỏi cần lau. Sau con sợ muỗi cắn quá, sáng sáng thức dậy lại phải dọn dẹp mền chiếu, nên con tìm về phòng Ngoại, trèo lên giường nằm ngủ cạnh Ngoại cho chắc ăn. Ngủ chung với Ngoại không trả tiền thuê giường, mà còn ra điều kiện là Ngoại phải quạt cho con ngủ. Mà khi con ngủ say Ngoại mới được ngừng taỵ Chứ ngủ chưa say mà quạt của Ngoại ngừng tay nóng chết chịu gì nổi!

 

Sáng nay, hết café, rồi đến sâm. Uống lung tung thứ mà sao đầu óc lơ tơ mơ. Vào văn phòng không biết hôm qua ông chủ có bị vợ mắng nhiếc, hay là kinh tế xáo trộn, hay là mình không tập trung nên làm việc cứ bị ổng rày rà riết. Mãi cho đến trưa, hỏi ổng vậy chứ có thích ăn bánh ngọt không đi mua ? Ổng nói, bộ tui la cô quá, cô dỗ ngọt tui bằng bánh ngọt hả! Con nói, không. Thích ăn bánh gì, thì tui đi mua. Vì hôm nay Sinh Nhật tui. Ổng nói, thiệt hả? Con nói, thiệt. Ổng bỏ hết giấy tờ đang làm. Ổng đứng dậy ra hôn con hai cái trên má. Ổng nói, tui biết hôm nay Sinh Nhật cô tui đâu có rày rà cô như vậy đâu! Con nói, chuyện ông cằn nhằn cho tui hiểu ra, chuyện nhỏ. Chuyện tui vừa mất Ngoại tui kìa mới là chuyện lớn. Ổng mở to mắt nhìn con. Ổng hỏi Ngoại mất bao giờ. Con nói sáng nay. Ổng nói, sao con biết là mất sáng nay? Cha nội này chắc điên rồi! Có điên nên mới hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy. Ổng tưởng thời buổi này ở Việt Nam không có hệ thống điện thoại, không có nối mạng Internet hay sao á. Rồi ổng hỏi han về đạo Phật. Về cái chuyện, khi một người qua đời, chôn hay là thiêu? Rồi, thôi đừng nói chuyện chết chóc nữa nghe! Coi vậy, ổng cũng sợ chết quá há! Rồi ổng đề nghị, ổng trả tiền bánh cho con. Con nói, không. Ổng nói, con định mua bánh ở đâu. Con nói con có biết đâu vì cái tiệm cạnh bên văn phòng đóng cửa rồi. Ổng nói, vậy ổng đưa con đến siêu thị Carrefour. Mua bánh vậy cho rẻ. Con nói sao cũng được. Thế là hai “Thầy Trò” đi mua bánh về ăn. Ổng hỏi con sanh năm mấy. Ổng khoe ổng lớn hơn con 10 tuổi. Ổng hỏi Ngoại thọ bao nhiêu tuổi. Rồi ổng nói sao ổng vô ý quá. Hồ sơ lý lịch con ổng có hết mà sao mỗi có cái ngày sanh, ổng không để ý vậy cà.

 

Trưa nay, bao tử con đói mà bụng con đầy. Ổng nói, bánh bán ở trong Carrefour ăn cũng được chứ há. Con gật đầu. Mà thiệt tình, con không biết là có ngon hay không nữa. Đầu óc con trên mây mất rồi …

Ngoại nuôi từng đứa cháu. Đứa nào nghịch ngợm thì con không biết chứ con biết con là đứa cháu lười. Có lúc Ngoại sai không làm. Để Ngoại giận, Ngoại không thèm đả động đến nửa lời. Những lúc ấy, là những lúc vui sướng lắm. Vì hễ Ngoại giận là con khỏi được Ngoại sai bảo. Thế là xách xe đạp đi chơi rong ngoài đường. Mãi sau này, Ngoại mới thấy cái thế giận không thèm đả động áp dụng với con không xong cho nên dù có giận con, Ngoại cũng phân công việc nhà cho con làm như thường. Thế là hết cà nhỏng!

 

Bây giờ là 01:26, ngày 06 tháng ba. Không biết sáng mai khi dậy con sẽ ngắm Ngoại như thế nào …

 

48.

- Cháu ơi…

- Dạ.

- Sáng nay cháu có bận đi đâu không?

- Dạ cháu có chút việc phải xuống chợ thôi. Bác cần cháu mua gì không bác?

- Trời, may quá! Bác nhờ cháu chuyện này nha cháu?

- Dạ, bác cứ nói.

- Cháu à…

Bà cụ lại gọi giật ngược. Cái nốt ơi à nghe mà bùi tai.

- Sao bác đau xương chậu quá cháu à. Nằm trên tấm nệm này cấn cái lưng ngủ không được.

- Sao bác không đổi tấm nệm khác vậy bác?

- Hồi trước bác đã đổi một lần rồi. Hồi lúc bác trai còn đó. Nay bác trai mất rồi…

Thôi, thua! Không để bà cụ quay về chuyện cũ được. Cô bẻ chiếc ghe, lèo lái về hướng trái. Và chèo cho lẹ:

- Bác ơi, bây giờ bác muốn cháu xuống chợ mua gì cho bác nè?

Bà cụ ngừng ngay câu chuyện (mà cô đã từng nghe qua không biết lần thứ bao nhiêu) :

-  À, cháu tìm coi có tấm chăn bông nào thật dầy cháu mua giúp bác, để bác lót trên tấm nệm, nằm cho êm.

 Ồ tưởng chuyện gì. Cô hăng hái :

- Cháu mua được mà. Bác còn cần gì nữa không bác?

- Nhiêu được rồi cháu. Bác phiền cháu, cả gia đình cháu, bác không biết làm sao mà trả ơn đây…

Rồi, lại nước mắt sắp tuôn trào. Không được. Cô kéo chiếc ghe bẻ sang hướng phải. Cứ thế mà ngắm sông ngắm nước sáng nay.

- Bác còn da-ua mận, hành tây, khoai lang không? Cháu mua thêm cho bác nghe?

- Bộ cháu mua thêm cho bác « bao nhiêu đó thứ » được hả!

- Trời, gì mà không được bác!

- Ồ, bác hết từ hôm qua rồi cháu à. Mà cháu xách cái chăn bông dầy như vậy nặng lắm rồi.

- Cháu có xe kéo. Mà bác cần gì nữa không bác?

- Thôi cháu. Vậy là nhiều lắm rồi. À, suýt chút lại quên rồi thấy không! Cháu lựa giúp bác cái bao chăn bông luôn nghe cháu. Cái bao có mầu xanh hạnh nhân đó. Hôm trước mẹ cháu chỉ cho bác coi. Đẹp thiệt là đẹp, vải lại mềm. Bác thương tấm đó quá!

 

Xong thôi, “Bác thương tấm đó quá”  thì cô sẽ mua thôi. Chỉ hy vọng lúc xuống chợ tấm chăn bông ấy người ta còn bày bán. Không thì cô sẽ một mình ngồi nghe nguyên bản tình ca đầy tiếc nuối!

 

*

 

Trong chợ, lựa một lúc cô cũng chọn ra được một tấm chăn  rộng cỡ 240cm x 240cm. Cụ tha hồ mà xếp lại làm đôi rồi nằm trên tấm chăn bông ấy chắc chắn sẽ “siêu êm”. Cô hí ha hí hửng mang ra quày trả tiền rồi ngay sau đó cô mang thẳng đến nhà cụ luôn. Nhưng tấm chăn bông này không nhẹ như cô tưởng. Đường bộ đi càng ngoằn ngoèo, càng phê (phê ở đây hiểu theo nghĩa bóng là mệt chứ không phải là sướng). Đến nơi, cô nhận chuông. Cụ thò đầu ra mở cửa rồi ra dấu cho cô im lặng đi theo cụ vào phòng.

- Tụi nó đang ở ngoài phòng khách, cháu đừng để tụi nó thấy cháu cầm cái chăn bông này nghe.

 

Cô ngạc nhiên nhìn cụ. Đo lường từng lời cụ vừa nói. Nhưng cụ nói sao thì nghe vậy cho rồi. Hỏi ra biết đâu cụ lại kể tỉ mỉ nguồn gốc nguyên nhân thì dài lắm, phiền lắm. Cô đề nghị cụ ngồi trên cái bục gỗ kê cạnh chiếc truyền hình. Cô loay hoay lấy chiếc gối ôm, chiếc gối nằm rồi đặt tất cả trên bàn viết. Cô luồn chiếc áo đớm hoa mầu hạnh nhân vào chăn bông mới. Cụ khen, đẹp quá, rồi dịu mắt quá, cái mầu hạnh nhân này. Đôi mắt cụ rưng rưng. Cái dáng gầy gò của người đàn bà hơn 80, con, cháu, dâu, rể không thiếu mà sao người ta có thể để cụ côi cút trong căn phòng với bốn bức tường vô cảm như thế này.

 

Thôi, hãy gắng đừng suy nghĩ nữa. Hãy tập bỏ ngoài tai! Những gì mình có thể làm được, mình cứ làm. Phân tích chi cho mệt. Ai xử tệ ai cũng mặc kệ. Nhưng mà mình có phải là Thần Thánh đâu chớ. Mình là phó thường dân mà! Phó thường dân thì có trái tim lãng mạn, lúc vui, lúc buồn, làm sao không biết xúc động chớ. Nhưng không phải chuyện gia đình mình mà. Nhớ thế nhé! Chuyện gia đình thiên hạ. Và ai nhờ gì, mình giúp. Rồi chấm xuống hàng ở đó. Mình không cần phải tìm hiểu nguyên do tại sao người ấy nhờ mình. Cứ hiểu một cách đơn thuần có yếu thế vô phương người ta mới nhờ. Nhớ thế đi!

 

Cô lẳng lặng tiếp tục công việc của cô là đặt chiếc áo mới, tấm chăn bông mới trên kệ sách cạnh giường của cụ. Trong phòng cụ giờ nơi nào cũng được sở hữu! Xong, cô kéo tấm chăn bông cũ mèm cụ đấp thường ngày ra. Rồi cô kéo luôn tấm mền mỏng dính cụ kê dưới lưng ra. Sao cái gì cũng mỏng mảnh thế này không biết! Khi tấm mền mỏng dính lót lưng rời khỏi chiếc giường cô tưởng cô từ trên mây vừa rớt xuống. Cô nói không thành lời. Cô đứng chết lặng nhìn « kho tàng » cô vừa khám phá. Cái gì mà đầy ứ, đầy ấp như thế này hở Trời. Trái tim cô đau nhói lên như chính cô là thân chủ của chiếc giường lâu năm này vậy. Cô để mặc cụ ấp a ấp úng, cụ phân trần, cụ giải thích. Tai cô lùng bùng. Những ngón tay cô run run. Cô lôi ra: từng  khúc vải thừa, cái khăn bàn, chiếc khăn lông, khăn lau chén, từng miếng vải lau nhà, kể cả tấm thảm lót bàn cầu! Thì ra tấm nệm cụ ngủ bấy lâu nay có khác gì con đường đổ nát đầy vết bom đạn. Tùy chỗ trũng sâu, cạn như thế nào, cụ tìm cách lấp cho bằng phẳng bằng cách nhét và trong đó mọi thứ khăn lông, vải khúc, áo quần gì đó.

 

Đầu óc cô lâng lâng. Không phải cảm giác hạnh phúc mà là cảm giác của người không biết uống rượu mà dám bưng ly rượu lên nốc một hơi. Cảm giác chua, chát, đắng.

 

Mình đang ở Pháp mà, phải vậy không? Con người có trình độ văn hóa lắm mà, phải vậy không?

 

Cô đau nhói. Cái đau nghẹn ngào không tả được.

 

Hèn chi cụ than đau xương chậu quá, rồi đau lưng quá. Chỗ lót lưng mà lụp xụp, khấp khểnh như thế này thì xương sống ai mà chịu cho thấu chứ.

 

Cụ không muốn cho đám con của cụ biết cô là người hay mua giúp cụ nửa ổ bánh mì, vài củ khoai, vài cọng hành tây, da-ua mận cho đến cái chăn bông bành ki 240cm x 240cm. Cụ không muốn đám con cụ xấu hổ vì không lo được cho mẹ già mà phải để mẹ nhờ cậy ở người dưng khác họ. Cụ thương con, cụ lo lắng cho con như vậy mà sao những người con của cụ đó, chúng ở đâu?

 

 

49.

- “Em đang làm gì đó, cưng?”

- “Em đang nói chuyện điện thoại với anh… “

- “Thì biết là vậy rồi.  Mà em có nhớ anh không?”

- “Em không biết… “

- “Trời ơi, người ta thương người ta nhớ như thế này mà nói không biết”

 

*

 

- “Anh khoẻ không anh?”

- “Anh thì khoẻ. Mà lòng cuồng điên vì nhớ… “

- “À, Hoài Cảm của Cung Tiến”

- “Bên em bớt lạnh chưa cưng?”

- “Dạ bớt chút rồi anh. Nhưng vẫn còn lạnh lắm. Giọng anh sao có vẻ nghẹt mũi quá vậy. Anh bệnh hả? “

- “Nắng mưa đó mà”

Vậy là cũng quan tâm một chút.

- “Em có nhớ anh không cưng?”

Hỏi gì hỏi hoài. Chắc trả lời có đại cho xong.

 

*

 

Hôm trước nói câu gì đó, quên mất tiêu. Chỉ nhớ anh trả lời cô đầy tự tin, chắc ăn như bắp:

- “Không hề!”

Hôm nay, cô hỏi anh vậy chớ có bao giờ anh… ghen không. Nhưng đường dây khi không mất sóng. Rồi tự dưng anh biến đâu mất tiêu. Cô chờ anh gọi lại nhưng chuông không reo. Thành ra cô đi súc miệng, rửa mặt, xong trèo lên giường ngủ.

Cô đếm đủ : 100 con trừu, 100 con gà, 100 con heo mọi.

Sáng dậy,  truyền hình thông báo Hội Chợ Nông Nghiệp khai mạc ở Paris – Porte de Versailles.

 

 

50.

- Sao mấy ông hay về Việt Nam kiếm vợ quá há?

- Người Việt Nam, về Việt Nam tìm vợ để cưới là chuyện bình thường. Người Việt Nam mà sang Phi Châu tìm vợ để cưới mới là chuyện bất thường!

- Bà lại bênh vực!

- Không phải bênh vực.

- Không phải gì! Làm cứ như bên đây thiếu phụ nữ không bằng.

- Không phải thiếu. Mà là thừa! Phụ nữ Việt Nam học càng lúc càng cao. Có việc làm, biết lái xe, kể cả những chuyện đòi hỏi cần có sức lực. Bà thấy bà Oanh cầm cái máy khoan bê-tông trong lúc ông chồng thì lo dỗ con ngủ không? Bà mà thấy cái nhà bếp, một tay bả cắt gạch, lót gạch, bà không ớn nữa tui thua!

- Nói như bà, phụ nữ không muốn mất chồng thì nên học ít lại chút. Càng ít hiểu biết chừng nào gia đình càng êm ấm chừng ấy hả?

- Đại khái thôi. Bà thấy hồi xưa, ông bà ta đâu có cơ hội quen biết nhau, tìm hiểu nhau gì đâu. Cứ đến ngày đến tháng Cha Mẹ đặt đâu con ngồi đó. Rồi cũng thương nhau, chăm sóc nhau, ở đời với nhau. Bà thấy mấy người lớn tuổi có ai ly dị đâu. Bên đây, đụng đụng chút là nhấc phôn tìm Văn Phòng Luật Sư rồi!

- Vậy ra, phụ nữ tiến bộ quá cũng không sướng lắm hỉ. Nhưng phụ nữ mà không biết làm gì cả thì bị đì rục xương. Thôi dẹp đi bà ơi. Lý luận kiểu bà, yêu không vô!

Cô cho hai nhân vật cãi vã nhau được có bấy nhiêu thì điện thoại reng.

Paris năm nay mùa Đông lạnh hơn năm ngoái nhiều quá.

Nhớ hồi 8 giờ tối đi ngang qua tiệm bánh mì. Ngẩn người khi nhìn thấy những hình trái tim treo đằng sau khung kính.

Mùa Saint-Valentin thấp thoáng đâu đây.

 

51.

- Lâu quá không dùng métro, tự dưng nghe lại tiếng đàn gió nhịp nhàng bên điệu Tango thấy thương Paris gì đâu á.

- Bà nói cứ như đang mần thơ!

- Thiệt tình lâu quá rồi đó chứ. Sáng nay đi lại. Chuyển hướng lộn tới lộn lui. Tình cờ tui đi tuyến đường số 13, đi được chiếc métro mới toanh. Ghế nệm bộc mầu tím, đen, đỏ, xanh. Ngó sang trọng cứ như đang ngồi trong một nhà hát nào đó. Đẹp quá Thoa.

- Tuyến đường ấy xui thấy mồ đi! Lúc nào cũng trễ và đầy người. Bà nói sao ấy chứ?

- Tui biết tuyến đường ấy thiên hạ phàn nàn dữ lắm. Chắc tại sáng nay tui đi khách không vào lúc cao điểm cho nên métro chạy bình thường thôi Thoa ạ.

- Bà nói, bà đi đâu sáng nay?

- Tui đi khách….

- Đi đâu?

- Đi khách!

- Đi khách?

- Ừa, đi gặp khách để lấy hồ sơ mang về lo tổng kết cuối năm đó mà.

- Trời ơi, đi gặp khách thì nói đi gặp khách. Nói tiếng Việt ngắn gọn kiểu bà nguy hiểm quá con à!

- Biết ngay. Nói vậy bà sẽ tỉnh ngủ mà. Bà khoẻ không nè?

- Cám ơn. Bình thường. Miền Tây vẫn yên tĩnh.

Nói lung tung cốt ý là rơi vào lá thư, bản chuyển ngữ câu chuyện “Ma fille, Marie” của Nadine Trintignant gởi Thoa hôm qua, nhưng Thoa không hề đề cập!

 

52.

- Chiều nay, nếu cô muốn cô có thể về khoảng bốn giờ đó …

- Ồ, cám ơn Vous nhiều!

Đương nhiên là muốn rồi. Ai lại chẳng ham cái lời đề nghị dễ thương này mặc dù cô không phải chuẩn bị gì hết để đón mừng năm mới. Công việc chồng chất, tổng kết trong năm cho các cơ sở thương mại sẽ chuẩn bị giùm cho cô ngay sau ngày 01 tháng giêng. Yên tâm, đừng lo trống vắng. Có thể vì lý do ấy nên cô đâm ra ngại “đón mừng” năm mới như người ta. Cô sợ bị trúng sương trúng gió. Cô lo xa. Năm ngoái lúc ba cô bị tim đó, các cô cậu y tá đã chẳng nói à,

- “Trước ngày Giáng Sinh, bệnh viện tương đối vắng nhưng ngay sau đó thì ơi hỡi. Bệnh nhân đếm không nổi. Phòng thiếu, giường thiếu. Ăn uống quá độ, rượu, thuốc lá, thức khuya, gió trời, cơ thể con người rất dễ bị nhiễm lạnh”.

 

53.

- Em ơi, sao anh thương em quá vậy nè!

- Đâu biết đâu …

- Trời ơi, người ta thương người ta nhớ như vậy mà nói đâu biết đâu!

 

54.

Mới vừa tuyên bố, 4 giờ chiều có thể về, ông chủ lại ra lệnh khác sau giờ ăn trưa:

- 3 giờ đóng cửa nghe. Về sớm! Tôi còn phải mua quà cáp, còn phải chuẩn bị đón năm mới nữa.

Rồi ông hăm hở khoe:

- Đặt được vé đi xem nhạc kịch tối nay rồi!

- Vậy là ông may mắn quá rồi!

Nụ cười ông tươi tắn:

- Tôi nói với vợ tôi, đêm nay tôi sẽ dắt vợ tôi đi dự một nơi rất đặc biệt. Bí mật đến giờ phút cuối. Coi như cô biết hết chuyện rồi đó nghe!

Rồi bất ngờ ông suýt xoa ôm bả vai bên cánh tay phải. Chắc thuốc giảm đau hết hiệu quả rồi chứ gì. Cô hỏi một câu không liên can gì đến chuyện đón giao thừa hết:

- Vẫn là cánh tay phải hả ông?

- Yes, vẫn là nó! Còn đau lắm. Nhưng sợ cô nhăn nhó nhắc tôi đi rọi kính, tôi dìm luôn! Hồi nãy tôi viết thiệp chúc năm mới cho khách thật khó khăn. Gần như tê liệt các đầu ngón tay.

Cô nháy mắt:

- Rồi ông định đợi thêm đến bao giờ?

Ông điềm nhiên cười:

- Chắc lần này phải đi khám bác sĩ thôi. Mà tôi thật sự không có thời giờ, cô thấy không? Nhưng chắc lần này phải đi gặp bác sĩ thôi. Nếu mà phải ngưng lái mô tô vì cánh tay đau thì không được. Sự đam mê của tôi là chiếc mô tô BMW  với vận tốc lẹ 260 cây số giờ. Ở bên Pháp, chỉ có thể điều khiển chiếc mô tô đến 200 cây số giờ thôi! Cô biết đó, cái nghề của chúng ta là những con số. Mỗi người cần phải có một đam mê khác cho đời sống bớt vất vả, lo âu. Như đam mê của cô là âm nhạc. Đam mê của cô “trí thức” hơn của tôi! À đúng rồi, tôi phải nghĩ đến chuyện lái mô tô để động viên tinh thần tôi đi gặp bác sĩ sớm mới được.

Chữ sớm mà ông vừa thốt ra kéo dài cơn đau gần hơn tháng rưỡi nay rồi…

 

55.

- Bên ấy có lạnh lắm không em?

- Dạ hôm nay bớt lạnh hơn hôm qua một chút rồi …

Cô liếc nhìn ra cửa sổ, những bông tuyết rơi ngoài kia. Ly trà thứ sáu đang bốc khói. Cô không uống để thưởng thức mà uống như một lối đi bị đống băng cần có chất muối làm tan đi cái lạnh ngay tức khắc. Một lốp áo, hai lốp áo, ba lốp áo. Thêm khăn choàng cổ nữa cho giống bản tình ca mùa Đông. Đang ở trong văn phòng chớ không có phải ở ngoài đường đâu mà trùm và quấn chi nhiều dữ vậy. Khi nhiệt độ xuống thấp hơn phải làm sao?

Cô không biết phải làm sao, bởi cô không thích chia động từ ở thì tương lai.

Qua hộp thư Yahoo.fr cô nhận được một tài liệu nói về 24 điều đẹp cho cuộc sống. Cô mở ra xem, phải công nhận 24 điều ấy đầy ý nghĩa. Bao giờ mình thấy tinh thần yếu đuối hãy nghĩ đến điều vui vẻ, may mắn, hạnh phúc nhất mình đã có.

Trong lớp học hôm nào hãng tổ chức cũng có bộ môn Tâm Lý này.

Lúc bình thường, nghe rất ổn. Nhưng lúc không bình thường, đầu óc tối mù, tối mò, ngại làm sao ba cái câu lý thuyết này.

Mà chắc là anh không nhận ra, cho nên anh mới nhắc chừng cô mở ra đọc-chi-đọc-lại hoài!

 

56.

Anh than phiền:

- Mua nhà sao mua ở Paris. Lại mua chi ngay khu 13.

- Khu 13, Chệt nhiều quá trời.

- Đường phố chật chội. Ngộp.

Anh quyết liệt với ý nghĩ:

- Con cái sợ nhất là Cha Mẹ chúng ly dị.

- Không bao giờ anh để cho chuyện ấy xảy ra. Không bao giờ.

Chưa đến 10 năm. Cô thấy anh dọn ra Paris. Anh thường xuyên ghé khu 13 đi chợ. Và hăng hái thông báo cô biết tin anh đã xong giấy tờ ly dị.

Cô không thích viết mà bỏ nhiều dấu chấm than. Thấy rối mắt quá. Nhưng lần này cô phá lệ. Cô kết bằng một dấu chấm than!

 

57.

 Đã nhiều năm không quay trở lại sau lần dọn nhà vào năm 1980. Không biết con đường ấy bây giờ ra sao?

Những căn nhà không có buồng tắm. Toa-lét công cộng. Chỉ riêng mỗi căn nhà của gia đình cô mướn là có toa-lét và buồng tắm mà thôi. Trong buồng tắm có một cái bồn tắm cao, nhỏ, vuông vức y như ngày xưa người ta đóng phim cao bồi vậy đó. Vì chủ nhà là một người Việt Nam nên họ đã cho sửa sang lại như vậy. Thành thử căn nhà tuy cũng có hai phòng nhưng so với những nhà hàng xóm khác thì căn nhà của gia đình cô mướn chật chội hơn nhiều lắm.

Nhà lúc đó chưa gắn điện thoại, chưa sắm được truyền hình nên mọi liên lạc, mọi tin tức đều qua thư từ, qua báo chí, qua cái máy radio dài gần hai gang tay. (Chưa có tiến bộ như thời bây giờ, liên lạc và đọc tin tức, nghe tin tức qua mạng lưới Internet đâu) Nhưng ở thời đó hộp thư tuần nào cũng có thư của người thân, bạn bè. Hình như trong cái thiếu vật chất luôn nẩy sinh niềm hy vọng. Dù đó, chỉ là niềm hy vọng nhận thư, đọc thư. Ai viết thư mà không mong nhận được thư trả lời bao giờ chứ!

 

58.

Hồi nãy anh nói cái gì, “Em nên đi học chụp hình. Trước nhất là mua vui sau làm nghĩa. Sau này, anh có già nua, xấu xí, nhờ em may ra sẽ có được mấy tấm hình ngó coi được”.

Anh nói gì nghe thấy ghê luôn!

 

59.

- Bỏ máy hình trong giỏ sách, đeo trên vai nguyên buổi chiều, không sợ ê vai à cưng?

- Máy hình em mỏng dính. Nhét trong túi áo còn được mà anh.

- Vậy hả. Vậy thì anh yên tâm. Em đang làm gì đó? Khỏe không cưng?

- Dạ khỏe …

Cô vừa nói chuyện, vừa với lấy miếng giấy cây viết. Cô vẽ những vòng tròn nho nhỏ, vẽ lung tung. Rồi bất chợt, cô nói như reo:

- Anh à, phải công nhận Paris của em đẹp thiệt đó!

- Em ở ngay tại chỗ em còn thấy điều đó. Huống chi người nước ngoài đến…

- Bao giờ anh ghé Paris há?

- Nếu anh ghé được anh đã ghé từ lâu rồi. Bây giờ thì chưa…

- Không sao! Bao giờ anh ghé em sẽ cho anh đi thăm viếng nhiều nơi lắm á. Em nghĩ là anh sẽ thích. Nói trước, em không có xe nha. Mình sẽ dùng métro, xe buýt, tramway, hoặc đi bộ. Anh sang Paris, anh phải mang theo giày thể thao. Mà anh có thói quen đi lang thang không chớ?

 

60.

- Dừng xe lại được không Dũng?

- Trúc muốn chụp hình hả?

- Mặt trời lặn đẹp quá!

- Trúc biết sao không …

- Gì Dũng?

- Đậu xe chỗ này coi bộ hơi khó.

- Ồ, khó thì mình đừng dừng lại. Chạy luôn đi Dũng. Đừng bận tâm.

- Không dừng lại làm sao mà chụp chớ!

- Không sao đâu mà …

“Đậu xe chỗ này coi bộ hơi khó”, nói là nói vậy, nhưng loay hoay không bao lâu Dũng cũng tìm ra một chỗ mà vừa mở cửa xe bước xuống là bờ cát.

- Trúc xuống trước đi. Chụp cho lẹ không thôi mặt trời lặn mất!

- Lạnh quá!

- Trúc ơi, lấy áo không …

- Không sao đâu Dũng. Trúc xuống biển trước nghe.

Chạy vội vàng về hướng vòng tròn mầu đỏ cam. Dũng khóa cửa xe theo sau.

Đứa này chụp cho đứa kia một tấm hình. Tóc bay rối lòa xòa không giống ai. Giữa biển và, mây chiều.

10 năm, giờ mới quay trở lại.

Huntington Beach.

Con đường ra biển thay đổi. Mầu sắc con phố thay đổi. Nhưng tấm lòng của một người bạn – vẫn vững vàng – không đổi thay.

Don Hồ đó …

 

61.

Chúng ta chưa một lần ký giao kèo với nhau rằng, hễ sau này một trong hai người, nếu ai muốn đi xa, sẽ thành thật khai báo cho người kia biết.

Biết thôi!

Chớ không cần giải thích nguyên do làm gì!

Cô xem giờ trên chiếc đồng hồ đeo ở tay anh.

Chuyến xe Paris-Deauville khởi hành trong vài phút. Bên ngoài khung kính, mùa Xuân đang trở về. Lâu lắm rồi mới tìm lại được tia nắng mặt trời tuyệt vời như vấy. Hay là khi mình ngồi cạnh bên người mình thương, tất cả mọi thứ đều trở nên ấm áp, tuyệt vời? Nôn nao làm sao đường đi ra biển. Trong vòng hai tiếng, cô và anh sẽ dừng chân ở trạm Trouville-Deauville. Đường từ nhà ga vào quán trọ không bao xa. Chúng ta sẽ lấy phòng, cất đồ đạc trước cái đã. Cô đặt cái phòng quen thuộc, không quay vào sân vườn. Bởi cô nghĩ, ra biển là để ngắm lúc thủy triều lên và, rút xuống. Chớ ai ra biển để ngắm sự yên tĩnh của những cành thông bao giờ!!

 

Cô cúi xuống mở tờ tạp chí xem. Chuyến xe chưa rời bến mà lòng cô như muốn nhảy múa theo từng giọt sóng li ti. Mặt trời đẹp như thế này mà đậu trên những giọt li ti ấy sẽ biến sóng biển thành chuỗi hạt kim cương. Cô lật từng trang trong Elle, xem hình các người mẫu. Tự dưng cô thèm làm một điều gì đó quá đỗi. Ví dụ như, cho giống người ta đó. Người ta hôn nhau dễ dàng trước đám đông, Mà sao cô thì không. Làm vậy có giống hôn biểu diễn, phô trương quá không? Cô ở bên Tây cũng lâu rồi mà sao cô không biết thích nghi gì hết trơn! Ai đó nói, biết hôn và được hôn một cách thoải mái tự nhiên phải là dân Tây! Mà bản mặt cô thì mít thấy mồ đi, giống Tây cái gì nổi. À, anh ghé mắt sang nhìn Cô tưởng anh cũng thích xem tạp chí Elle giống cô nên cô nhường, nhưng những ngón tay anh chặn lại:

- Anh có hiểu tiếng Tây đâu mà đọc!

- Thì em cũng xem hình như anh thôi. Mấy tờ báo này, quảng cáo không hà!

Nói xong cô cười. Hai cái đầu chụm vào nhau xem hết tờ tạp chí, rồi tự dưng anh kề tai cô nói nhỏ:

- Đổi chỗ ngồi với anh đi!

Cô ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy anh ?

- Đâu có gì đâu. Anh thấy cái tên ngồi kế bên em sao hắn ho quá. Ho mà phát lo. Em ngồi kế bên coi chừng lây bệnh, phiền lắm. Đổi chỗ với anh đi!

Thấy chưa! Cô nhớ hết …

 

Xe lửa từ từ rời sân ga.Tâm hồn cô bỗng dưng nhớ nhà. Xúc động bởi sự rời xa. Dù gì đi nữa, khởi hành có đôi, quay về sẽ chung một lối. Sẽ không bắt ai chờ, ai đợi.

Hãy nhìn xem những cuộc tiễn đưa trên sân ga mà biết. Người ta ôm nhau, bịn rịn. Người ta hứa hẹn nhau, ngậm ngùi quá chừng. Nhưng không biết người ta có nhớ nhau mãi, cần nhau mãi, như cây cỏ thủy chung trong sự đợi chờ nắng mưa hay không?

 

62.

Ăn tối xong, cô hỏi thăm ông chủ quán bao giờ thủy triều sẽ trở lại. Ông nhìn vào đồng hồ đeo tay, tính lẩm nhẩm một lúc ông nói:

- Khoảng mười một giờ đêm. Rồi ông thêm:

- Một lát đây, trời sẽ mưa. Chậm lắm là sáng sớm mai!

- Cám ơn ông!

Anh để lại tiền boa trên bàn rồi nắm tay cô. Chúng ta đi dọc theo vỉa hè tháng Tư.

Trouville, 9 giờ đêm. Con đường đầy quán ăn chạy dài ra biển. Cô kéo khăn choàng, kéo nón phía sau lưng lên đầu cho kín gió. Chúng ta đã đi qua không biết bao nhiêu là quán, là tiệm. Những con đường không biết tuổi tên. Thật lạ, không hiểu vì sao mùi cá, nghêu, sò, ốc, hến ở đây có mùi thơm tuyệt vời, chứ không tanh ngay ngáy như các tiệm bán đồ biển ở thành phố chút nào. Chắc mấy con cá, con tôm, được lội trong dòng nước thiên nhiên, ướp hương mặt trời của nắng, ướp hương dịu ngọt của những ngày trăng tròn cho nên hương vị của chúng thơm nồng nàn hơn chăng? Bởi khi chuyển về thành phố chúng đã phải chịu cơ cực với bao hơi lạnh ướp từ nước đá bào, cho nên từ đó biến thành những mùi tanh ngay ngáy! Cô bật cười với ý nghĩ này. Lời ông chủ quán dặn khi nãy:

- Tiếp tục đi thẳng là ra biển. Quẹo bên tay trái là sòng bài với các rạp chiếu bóng. Bên tay mặt ngoài các quán ăn, tiệm bán quần áo, đồ kỷ niệm. Đặc biệt có rất nhiều ngân hàng khác nhau và chỗ rút tiền thì không thiếu. Cô cậu yên tâm!

 

Khi đi đến một ngã ba, do dự một chút chúng ta quẹo bên tay trái. Viện cớ cho riêng mình là bên tay mặt, các tiệm bán đồ kỷ niệm cũng sắp đóng cửa, đi thẳng ra biển vào giờ này thì chỉ để nghe màn đêm xuống rồi, chứ đâu thấy gì khác đâu. Thôi, cái hay nhất là quẹo bên tay trái, chúng ta hướng về sòng bài! Từ xa, quan sát một lúc cô thấy hình như khách viếng thăm không cần phải diện “xì-mốc-kinh” mới vô được. Khách đi bộ cà tàng lắm chứ không phải trước khi xuống xe cần phải tìm người gác cửa lăng xăng chạy đến mở cửa xe cho rồi mới chịu bước xuống. Có thể sòng bài ở Trouville bình dân hơn ở phía Deauville. Mặc dù hai thị trấn ở cách nhau có mỗi con cầu bắt ngang. Ga xe lửa để đến hai thị trấn này cùng mang tên: “Deauville-Trouville”. Nhưng Deauville có sân đua ngựa nổi tiếng bao nhiêu, các tay chạy xe xịn bao nhiêu, thì sòng bài càng “ác liệt” bấy nhiêu (sự thật thì cô chưa một lần ghé vào, vì không có “xì-mốc-kinh” để diện, kể cả cách đi đứng cũg không có vẻ gì thượng thặng cho lắm, cho nên chỉ biết đứng bên kia đường mà ngó qua một cách rất tha thiết). Các quán ăn bên Deauville mắc hơn nhiều lắm. Bởi người địa phương, và khách viếng thăm cũng “xì-nốp” hơn. Chỗ đậu xe thì tìm rất khó khăn. Trong khi đó, Trouville kế sát bên, thị trấn bình dân nên được mọi người kéo đến đông đúc. Phòng trọ của anh và cô bên Deauville, kế bên ga xe lửa, đi bộ mất có 7 phút. Nhưng sao cô chẳng thấy mình “xì-nốp” chút nào hết vậy cà!

 

Ngừng lại giữa đường, quan sát xong, yên tâm, anh và cô thong thả bước về hướng “nhiều bóng đèn sáng chói” tên gọi vắn tắt là: “Casino”. Vào trong đó rồi mới thấy thế giới đổi thay! Tiếng đồng xu rơi lẻng kẻng. Tự dưng cảm thấy trái tim mình cũng đập khác thường hơn. Hầu như ai cũng cầm trên tay một cái ly giấy thật to dành để uống bia loại hai, ba lít! Và ngạc nhiên lớn nhất của cô là sao có mặt nhiều phụ nữ đến như thế? Hôm đó là một ngày đầu tuần, và giờ này là cái giờ đã khuya. Chín giờ rưỡi tối, các cô, các bà bộ không phải làm việc gì ở nhà hay sao? Vậy thì cũng vui chứ, đời sống có vẻ an nhàn quá.

Anh nháy mắt cô:

- Thử thời vận nghe! Vô đây rồi phải giúp đỡ «công nhiên vân» chứ không thôi người ta không có tiền thay bóng đèn!

Đến quày thu ngân, đổi tờ 20€ để đổi một mớ bạc cắc. Thế là mình không còn xa lạ nữa, mình cũng giống mọi người, được “phát” cho một cái ly to bằng giấy loại uống bia hai, ba lít để chứa bạc cắc loại thật đặc biệt! Nhìn quanh quất, thật tình không biết phải chơi cái trò gì, nhưng cố gắng làm mặt tỉnh cho người ta đừng có nói mình dân ruộng mới đáp tàu lên thành thị, ra phố.

Không biết những ai vào sòng bạc với giấc mơ như thế nào, ra sao? Chứ cô nghĩ rằng đến sòng bạc là để … thua! Cho nên vừa hùng dũng đổi xong tờ 20€ là muốn thua cho sớm, để đi về! Và thế là chọn đại trò chơi “kéo máy”. Không phải tính toán làm chi cho mệt. Cứ việc thoải mái móc tiền từ trong cái ly rồi bỏ vô máy xong rồi kéo, máy tự động chạy một tua, nếu có vận may thì máy bố thí cho vài đồng bạc. Còn không thì ta cứ việc thoải mái mà ngồi móc tiền bỏ vào máy rồi kéo cho đến khi cái ly không còn kêu lẻng kẻng nữa thì đi về. Và cô với anh bỏ đi về thật. Khi ra gần đến cửa không hiểu trời xui đất khiến như thế nào cô lại tạt ngang cái chỗ mình “ưu tư” ban nãy thì thấy chỗ ngồi đã được một bà đầm già chiếm giữ, và bà ta đang ngồi nhìn tiền thơ mộng từ trong máy cứ thế mà tuôn như mưa! Mặc dù không có máu hơn thua cờ bạc, nhưng sao thấy cảnh tượng này lòng cũng chới với theo!

 

Trở về phòng trọ, ngang qua một quán cà phê trước ga Deauville-Trouville, cô bước vào mua chai nước suối để mang về phòng uống. Bình thường chai nước suối bằng ny-lông này tìm trong các siêu thị giá chỉ có 60 cắc thôi, không đến 1€. Nhưng vào cái giờ “chuông đồng hồ điểm nhẹ 10 tiếng”, giá chai nước tự động tăng lên một cách êm đềm là 3€ 50 cắc. Rẻ ớn!

Khi không, cô nhớ từng chi tiết nhỏ …

 

63.

Kéo tấm màn voan mỏng lại xong, mỗi đứa chọn một góc ngồi. Thật lạ kỳ! Lúc khởi hành đằm thắm bao nhiêu thì khi quay về lại xa cách bấy nhiêu. Nhưng anh không để cô ngồi xa cách anh lâu hơn. Anh đứng lên đi về chỗ cô ngồi. Anh dỗ dành. Anh nói:

- Mọi khi em có nhiều chuyện kể anh nghe lắm mà. Sao hôm nay ít nói vậy?

Cô viện cớ buồn ngủ. Hết buồn ngủ rồi mệt nên không có chuyện gì kể hết trơn! Anh đề nghị cô ngồi y vậy, tựa lưng vào thành ghế, để anh ghi lại cho cô tấm hình trên xe lửa. Anh chụp bằng cái máy anh cho cô, năm đầu tiên hai đứa gặp nhau. Bấm máy xong, anh đưa cho cô xem. Tấm hình ngó buồn, mệt mỏi gì đâu! Cô không thích chút nào. Cô so sánh với tấm hình lúc anh chụp cô đứng ở lan can ngày mới đến phố biển. Cô thích tấm đó hơn. Cô hết viện cớ buồn ngủ, mệt, giờ đến “chỉ muốn ngủ một giấc thôi!”. Khi xe lửa chuyển bánh, sóng biển im vắng. Nỗi buồn bâng quơ khi không đậu lại. Anh đề nghị, cô hãy nằm dài trên băng ghế. Anh cho cô mượn phần đùi của anh để làm gối cho cô tựa đầu. Nghe có lý. Cô có vẻ xúc động hay là thật sự cô buồn ngủ lắm rồi. Cô ngả người xuống ghế. Bao nhiêu giận hờn tan đi phân nửa. Vậy coi như anh lấy lại được mấy phần công lực trong việc dỗ dành! Anh kể cô nghe mầu mùa Đông ở Houston. Anh kể cô nghe, mầu nỗi nhớ cuối năm trong Starbucks Coffee. Anh kể chuyện tếu lâm cho cô nghe, lần đi hát Karaoké trong một quán cà phê nào đó ở Sài Gòn, dàn máy sáng chói hiện lên được đến 100 điểm. Cô khen, anh hát hay vậy mà sao không chịu hát thu vào CD của cô làm kỷ niệm. Biết đâu chừng sau này, anh trở thành ca sĩ thượng thặng, anh không thèm nhìn cô nữa. Thôi em! Anh cười. Anh huyên thuyên kể cô nghe, lần ghé Moscou. Métro bên ấy đẹp một cách cổ kính. Cô cắt ngang, anh quen ai mà sang tận cái xứ mùa Đông lạnh dưới mấy chục độ vậy? Anh nói, thì anh đi công tác. À, anh đi công tác! Cô lập lại nguyên bốn chữ cuối của anh. Khỉ! Anh chấm dứt câu chuyện bằng cách ví cô như … con khỉ!

 

Có lẽ, người ta phải thân và thương nhau lắm cho nên người ta mới nhớ từng chi tiết nhỏ như thế này. Bao giờ buồn buồn giở ra đọc lại anh sẽ thấy chuyện của anh và cô có thua gì chuyện tình Lan và Điệp đâu.

 

64.

Cô gom hết mấy bài thơ, nhạc, anh viết cho cô xong cô cuộn tròn tất cả nhét vào một cái chai. Cô cẩn thận cài nơ, thắt hoa bên ngoài. Cô không để lại gì hết ngoài bài viết này. Di chúc của cô ngộ và ly kỳ hết sức. Lát nữa đây cô sẽ bỏ cái chai này xuống biển.  Nó sẽ sống sót.  Nó sẽ trôi bồng bềnh sang bên kia đại dương.

Bên kia đại dương là ở đâu? Địa chỉ ai thì người ấy nhận. Ai đó nói đùa với cô rằng cô có lối viết sương khói. Ồ, hơi đâu thắc mắc. Muốn hiểu sao thì hiểu. Nếu anh nghĩ cái mầu ve chai này thuộc về anh thì anh vớt nó lên. Anh làm gì sau đó lúc ấy cô không biết. Có thể anh sẽ quăng nó vào sọt rác cho bớt ô nhiễm phố xá. Có thể anh sẽ mở nút chai tò mò mở ra đọc mấy tờ giấy ghi chép bên trong. Thơ, Nhạc quyện vào nhau ngả theo mầu thời gian. Biết đâu lúc ấy anh sẽ hiểu, anh sẽ tiếc, anh sẽ hối hận, vì sao cô tìm bằng mọi cách nhắc nhở anh. Nhưng anh không nhận ra hay anh không muốn nhận ra? Biên làm chi nhiều chữ ở đoạn này quá. Cô gắng viết không kết dấu chấm than ở cuối câu. Tựa như mọi ý nghĩa giờ đây trở nên bình thường. Thật bình thường.

 

Cô chuẩn bị ký trả hết các giấy nợ thuế má. Cô muốn, sau khi cô đi xa thật xa, nhà nước sẽ không hờn trách phạt cô điều gì.

 

Nắng tháng tư lúc ấm lúc lạnh. Cô nghĩ ngợi lung tung. Khi còn nhau, chữ Thương luôn đứng ở vị trí bao la. Thương là biết ân cần, chịu đựng, thứ tha. Bước sang chữ Yêu, sự đam mê rối rắm hơn nên có thể vì đó mà biến người ta trở nên ích kỷ hơn. Anh với cô có bao giờ tỏ tình nhau bằng chữ Yêu mà sao cũng để mất nhau dễ dàng như trở bàn tay đó. Anh đã chẳng nói, không ai thương cô bằng anh. Rồi rốt cuộc anh quên mất đất câu anh nói. Anh quên cô nhanh như mưa tháng bảy quê nhà.

Giờ đây mình cô ngồi tư lự. Trước khi người ta đưa đến quyết định dứt khoát nào đó chắc hẳn người ta phải suy nghĩ dữ lắm. Anh chắc cũng đã phải trải qua những do dự chứ làm sao anh có thể dứt khoát “bỏ” cô sau hơn mấy chục tháng thân quen. Ơi, đến hôm nay cô đã thốt ra được cái âm thanh trắc trở rồi. Bỏ. Một chữ duy nhất thôi. Nghe lãng mạn hết sức. Anh bỏ cô. Nghe lạ lẫm gì đâu. Tự dưng cô rùng mình như lần đầu tiên anh hôn cô ở trạm buýt. Giờ anh bỏ cô. Anh bỏ cô. Thôi, gắng mà tin đi. Mọi việc sẽ qua. Nhớ làm chi mấy nhánh ngậm ngùi. Con phố ngoài kia, nắng ngoài kia, có gì lạ, có gì yên vui? Cô biết là khó khăn lắm nhưng cô vẫn cố dẹp tự ái. Cô nhắc nhở anh. Biết đâu chừng anh trách, “Tại sao đã có cảm giác anh đi lạc mà em không tìm cách nắm giữ bàn tay anh lại. Em đẩy anh đi xa, để rồi anh đi lạc luôn.”

Ừ, thì cô nhắc mà anh thì không nhớ.

 

Câu chuyện đến lúc kết thúc rồi. Thủy triều lúc rút xuống thì chậm nhưng lúc lên thì rất lẹ. Cô có cảm tưởng như vậy đó. Còn muốn viết gì nữa không. Mau lên đi chứ. Đường hầm nào cũng phải có lối ra cả. Anh đã từng nói thế. Nghị lực đâu? Dạ, nghị lực đây nhưng mà sao lúc này nó yếu như con ốc sên. Bất giác cô nghe trái tim mình rên nho nhỏ. Chắc là cũng biết đau. Chắc là cũng biết thế nào gọi là tuyệt vọng. Cô nhìn ra khoảng trống. Điều gì cuốn hút cô mãnh liệt như thế. Biển ngoài kia. Cô lại không biết bơi. Nếu tiếp tục bước thêm vài bước như thế này nữa: gió lạnh, nước biển lạnh, mặt trời lạnh, không gian lạnh, tất cả sẽ dìm cô xuống thôi.

 

65.

Sáu tuổi, em bước vào trường học. Ngôi trường có nhiều lá hoa và cây cỏ đẹp. Những gương mặt rạng ngời. Những giờ ra chơi dễ thương, hạnh phúc. Nhưng tiếng cười nơi em không hiện hữu bao lâu. Cô giáo đã sớm nhận ra điều ấy. Những nét vẽ trên trang giấy có ghi tên Magalie. Nét vẽ của em là những hình ảnh không bình thường, đầy sợ hãi. Nét vẽ của em không là một mặt trời. Không là một ngọn cây nhiều lá hoa và chim chóc. Mà chỉ là những người lớn chập chờn trong đó. Bóng dáng em đâu đó. Thật nhỏ nhoi. Hình ảnh người mẹ của em cũng hiện hữu đâu đó. Đơn côi. Thụ động.

 

Sáu tuổi, rồi đến 10. Trong sân vườn mùa hè. Giữa cái nắng chói lọi. Em nắm tay Quân, chú bé 4 tuổi chạy vào chuồng gà thăm chị gà mái xem có đẻ thêm được trứng nào không? Rồi em dạy cho Quân chơi xích đu. Em bày đủ thứ trò chơi. Và có một lúc em căn dặn luôn chú bé 4 tuổi rằng: ” Quân nhớ đó nhé, không để cho ai cởi quần mình ra hết!”

 

Sáu tuổi. Sao người ta lại có thể, hay nỡ nào chiếm lấy một thân thể chưa phát triển của một thiên thần như thế? Người ấy, không ai xa lạ hơn chính là mẹ của Magalie. Thế mới thê thảm! Từ mẹ rồi đến người đàn ông xa lạ nào đó thay thế ba của Magalie. Rồi đến bạn của mẹ Magalie nữa. Những bóng dáng chờn vờn vây kín em. Những con người không mang vóc dáng con người. Những con thú không có trái tim nhân loại.

Từ 6 đến 10. Em có những cơn khủng hoảng tiếp nối thật bất thường, đáng thương. Chỉ mới cách đây vài ngày thôi, em bớt tiêu tiểu ra quần. Bớt nhưng có chắc gì là hết? Vết thương đã xâm chiếm tâm hồn em, thể xác em. Thời gian và tình thương chân thật ban bố của người khác, nếu có, hy vọng gì rửa sạch được những tỳ vết ấy? Hay vết tích muôn đời vẫn sẽ là vết tích mà thôi?

 (Viết cho Magalie. Em chết cháy vào mùa Thu 2001. Ngay căn phòng em cho cô, Trực, Quân  tạm trú trong mùa Hè. Căn phòng mầu trắng, tấm màn mầu trắng, tập giấy mầu trắng và một con mèo cũng trắng …)

 

66.

Tờ nhật trình sáng nay có đăng mẫu tin nhỏ:

“Nghĩa trang cần người quét dọn lau chùi các nấm mộ và, nhặt lá úa“.

Khủng hoảng kinh tế cao độ, ở đâu thất nghiệp, chứ những con đường mang cả hồn Kim Cổ luôn cần sự thăm viếng và người chăm sóc.

Chương : 1    2    3  
Trang Thanh Trúc
Số lần đọc: 1251
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân
Cùng một tác giả
Chết đuối (truyện ngắn)
Phượng Vỹ (truyện ngắn)
Cô dâu 20 tuổi (truyện ngắn)
Café Đắng (truyện ngắn)