Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
551
115.980.258
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 1

Rung cảm

Tự dưng bố đem đâu về một gia tài sau những năm đằng đẵng con trâu cái cày. Đúng hơn là sau những năm bố về phục viên do bị ảnh hưởng chất độc hoá học. Với những người giàu có, gia tài ấy chẳng to. Với những người nghèo khó, gia tài ấy không nhỏ. Còn với tôi, một đứa trẻ chưa đầy sáu tuổi, đó là món quà vô giá. Tám chục chú vịt cỏ vừa ra lò được bố tậu về bằng số tiền bán ba ổ trứng gà, dăm thùng thóc bao phay lùn và một phần chiếc xe đạp Đi A Măng---tài sản có giá trị nhất của bố mẹ lúc bấy giờ.

Lũ vịt con thật xinh và ngộ nghĩnh. Lông tơ mịn như nhung, màu sắc độc đáo. Nhìn sơ cũng thấy mấy nhóm màu khác biệt. Có nhóm đen như mực, gọi là vịt chó mực. Nhóm khác nâu bã trầu, gọi là vịt bã trầu. Nhóm nữa lại xám đá---Màu của những hòn đá vôi bên bờ ao. Đẹp nhất là nhóm vàng óng như bột sữa bò. Quê tôi hồi đó, thứ sữa ấy chỉ có người ốm nặng mới được ăn. Lại còn nhóm bò khoang nữa. Gọi vậy bởi chúng có những đốm khoang đen, trắng trên mình. Những đôi mắt đen tròn thao láo nhìn chằm chằm vào bố con tôi ra điều lạ lẫm. Những chiếc mỏ tươi tắn bé xíu liến thoắng rỉa vào đám lông tơ đang phất phơ trên lưng như lối người ta dùng kẹp nhổ râu để bắt rận chó. Thỉnh thoảng, có chú cao hứng vươn cái cổ dài ngây ngô, cố hết sức lao vào đồng đội, hoặc kiễng hai chân rướn đầu lên nhìn ngó xung quanh như những con sóc tinh nghịch quan sát đối phương trong mùa dẻ rụng.

Tôi rất thích được cùng bố cho vịt con ăn cơm bung. Bố giải tấm ni long trắng cứng như tấm cót liếp, được cắt ra từ ruột bao đạm Urê xuống nền đất rồi mở tung chiếc quây. Lũ vịt rộng cẳng lao ra, thoát khỏi vòng tù túng trước khi thưởng thức món ăn sở trường. Bố tập cho các chú thói quen ăn uống nề nếp. Một tay bố đặt xuống nền ni lông, tay kia bốc bỏ từng nhúm cơm đã được trộn nước vào lòng bàn tay đang chờ dưới nền. Lúc đầu, vịt con bỡ ngỡ, mon men đến rìa bàn tay, dúi nhẹ mỏ vào đám cơm nước lẫn lộn thăm dò. Sau khi cảm nhận được hương vị thơm ngát ngọt ngào của thức ăn đó, chúng thọng nấy thọng để. Dều căng tận mang tai. Mấy chú ăn tham quá, cơm tràn ra miệng, đẩy phồng cả dều, không rụt cổ lại được, đứng ngây ra đó. Lúc sau xuôi cơm, chúng mới đi đứng được trở lại. Ngày nào bố cũng cho vịt ăn theo cách ấy. Lũ vịt đã quen với bàn tay bố. Những lần về sau, chỉ cần bố búng búng vào tấm ni lông và giơ bàn tay làm hiệu, cả đàn lại nhốn nháo. Biết là sắp được ăn, chúng xô đạp lên nhau, dồn hết về một phía. Có khi tấm quây vịt tự bung. Bố không cần mở chốt.

Một lần khoái chí, tôi xin bố cho vịt ăn thử. Bố đồng ý ngay. Ôi! Một cảm giác nhôn nhốt khi tôi vừa ngửa lòng bàn tay xuống tấm ni lông. Đàn vịt lao vào, trèo ùa lên đó. Những móng chân non nớt vô thức cứ gại gại. Những chiếc mỏ bé xíu cứ rúc rúc vào bàn tay ấy. Mơn man nơi bàn tay, cái mơn man non nớt, không thể nào tả nổi. Một thứ không thể thiếu trong tôi. Nó làm tôi yêu thương và nhớ nhung đàn vịt vô cùng. Cho dù đi học hay đi đâu chơi, tôi chỉ muốn nhanh chóng về để cho chúng ăn và nô đùa với chúng.

Đàn vịt về được một tuần, tôi xin bố cho đi chăn vịt. Bố tâm đắc lắm, xoa đầu tôi dịu dàng, mỉm cười mà nói: “Thích thì bố cho đi. Con sẽ là thần đồng chăn vịt.” Nào biết thần đồng là gì nhưng nghe vui tai, tôi chẳng đòi bố giải thích. Từ hôm đó, đàn vịt được ra đồng. Bố cho cả đàn vào hai cái lồng tre (gọi là lồng gà), gánh chúng ra một khoảng ruộng bỏ hoang ngập nước ngay trước cửa nhà.

Lần đầu ra nơi hoang vu, vịt con bỡ ngỡ. Trên bờ, chúng xúm lại, chen chúc bên nhau. Không mống nào xông xáo như lúc ăn mồi trong sân. Bố cho vịt xuống nước. Chẳng mống nào chịu xuống. Bố và tôi phải dùng tay đẩy một vài chú xuống trước. Vừa chạm nước, cả lũ rùng mình co dúm, chới với, ngượng ngùng xô vào bờ. Đó là thử thách đầu đời đối với những sinh linh bé nhỏ. Bố nhẹ nhàng đẩy vài ba chú ra xa. Tiếp sau là cả chục chú một bị đẩy xuống, tách biệt hẳn với bờ. Các chú không có cách nào quay trở lại bờ vì số lượng đồng đội bị đẩy xuống nước quá đông. Nhưng cũng nhờ đó, các chú được cảm nhận một cảm giác mới lạ: bâng khuâng, hẫng hụt. Những đôi chân nhỏ xíu giờ đây khua khoáy dưới nước chứ không phải là lon ton trên nền đất cứng. Lũ vịt quen dần với nhịp chèo của đôi chân. Không còn bỡ ngỡ gì nữa, có chú đã bơi đi, tách hơi xa một chút so với đồng đội như để tự mình khám phá xem xa hơn ngoài khơi còn có gì mới lạ.

Cuộc tập duyệt ban đầu kéo dài độ nửa canh giờ. Sau đó hai bố con sắp quang gánh cho vịt trở về. Trên sân, lũ vịt lại đánh chén món cơm bung. Nhưng hôm nay có sự khác biệt. Đàn vịt táo tợn hơn. Những sinh linh non nớt chạy nhảy tung tăng như bị động cỡn. Những móng chân tí hon giờ đây cào cấu thật đau vào da thịt tôi, chứ không còn mơn trớn như trước nữa. Mặc kệ, tôi vẫn rất thích cái cảm giác ấy.

Thử thách với nước vẫn tiếp tục trong các ngày tiếp theo. Đàn vịt quen dần với cuộc sống trên bờ dưới ruộng. Đã đến lúc bố quyết định thả vịt ngoài đồng và dạy tôi cách chăn vịt. Bố làm cho tôi một chiếc cờ vịt. Đó là một cây tre đực, rộng độ hơn phân, dài chừng mét rưỡi. Trên đó nham nhở những đầu mặt. Bố gọi là cán cờ. Gắn trên ngọn cán cờ là túm lá chuối khô. Bố gọi là lá cờ. Cờ lá chuối được dùng để điều khiển việc ăn, chơi, di chuyển và ngủ nghê của vịt. Từng động tác dụng cờ được bố hướng dẫn chi tiết. Rũ cờ trước mặt đàn vịt và nhấc lên nhấc xuống liên tục như người giũ áo có nghĩa là chặn đàn vịt lại không cho chúng tiếp tục tiến. Thúc cờ liên tục vào những chú cuối đàn đồng thời vuốt dọc cờ hai bên mạng sườn có nghĩa là giục lũ vịt tiến nhanh hơn nữa. Còn khi chúng vẫn không tiến nhanh hơn thì phải xoay ngang cán cờ mà đẩy vào đít những chú đi sau. Đôi khi, phải đẩy mạnh vào cả đàn mà thúc. Phất cờ lia lịa trên đầu đàn vịt là để bảo chúng nằm xuống nghỉ ngơi, rỉa lông và đi ngủ, chứ không được chạy nhảy lung tung. Đó là cách dụng cờ trên cạn. Khi đàn vịt xuống nước, về cơ bản không có gì khác biệt. Nhưng mỗi khi đập mạnh cờ xuống mặt nước theo nhịp bơi sải rồi vẩy nước tung toé lên đàn vịt có nghĩa là ra lệnh cho chúng ngụp lặn để làm sạch lông hoặc để xả hơi. Bố và tôi huấn luyện đàn vịt làm theo hiệu cờ trong vòng một tuần. Khi cả tôi và đàn vịt đều nhuần nhuyễn với các hiệu lệnh, bố chính thức để tôi một mình chăn vịt ngoài đồng.

Được bố trao toàn quyền chỉ đạo một đội quân gần trăm chú vịt, tôi tự hào và cảm thấy oai phong lẫm liệt vì có quyền tối cao trong việc điều động đạo quân vịt. Chiếc cờ lá chuối luôn phấp phới trong tay. Hai tuần đầu, bố để tôi chăn vịt ở cánh đồng gần nhà cho tiện trông nom tôi và đàn vịt. Hơn thế, bố muốn chỉ thêm cho tôi những chiêu thức khiển vịt trong những tình huống khó.

Giai đoạn thử thách trôi qua. Bố hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của tôi trong việc điều khiển đàn vịt và quyết định cho tôi “xuống núi”. Bố dẫn tôi và gánh vịt ra một cánh đồng cách nhà chừng một cây số. Nơi ấy dân quê tôi gọi là cánh đồng sau trạii . Bố mở lồng thả đàn vịt xuống một ruộng nấpii rậm um tùm rồi căn dặn đủ điều trước khi ra về. Tôi vẫn nhớ như in lời trầm trầm, thân thương của bố: “Con nhớ đừng đi đâu chơi. Đừng nghe lời ai dụ dỗ. Nếu có ai bắt vịt nhà mình thì bảo là bố cháu đang ra.”

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là lời bố hẹn: “Con cứ chăn vịt ở đây. Khoảng một tiếng nữa bố sẽ ra”.

Không hiểu một tiếng nữa là bao lâu, tôi hỏi bố: “Thế bố ơi, một tiếng nữa là bao nhiêu để con còn đợi bố”.

Tôi hỏi vậy một phần là để biết một tiếng là bao lâu, nhưng phần hơn, tôi muốn bố sớm quay lại cho đỡ tủi thân.

Chắc bí lắm bố mới phải để tôi, một thằng bé vừa nứt mắt, cao chưa quá mô rạ đi chăn vịt một thân, một mình giữa đồng không mông quạnh. Biết đâu tôi có mệnh hệ gì vì tuổi  còn quá nhỏ thì rồi bố lại ân hận suốt đời. Nghĩ ngợi một hồi, bố ngước mắt về phía mặt trời đỏ ối như quả gấc chín đang ló ra khỏi chân trời, đoạn nhìn tôi giải thích:

“Một tiếng tức là một giờ đồng hồ. Bố con mình không có đồng hồ nhưng sẽ dùng mặt trời để làm đồng hồ. Từ nay trở đi, con sẽ nhìn theo chiều cao của mặt trời để đoán giờ. Mỗi gang tay mặt trời sẽ là một tiếng đồng hồ. Giờ mặt trời đang bắt đầu mọc. Khi nào mặt trời cách xa chân trời một gang tay, là lúc bố sắp ra.”

Nghe bố giải thích thật rõ ràng, tôi rất yên tâm để bố về nhà.

Đó là ngày đầu tiên tôi đi chăn vịt xa nhà. Một cảm giác thật bâng khuâng mà tôi chưa từng thấy từ khi lọt lòng mẹ. Cánh đồng nấp xanh tía trải dài vượt ngoài tầm mắt của thằng bé sáu tuổi, sắp đi học vỡ lòng. Sự bao la của ruộng nấp; tiếng chim chẻo bẻo lảnh lót trên bầu trời xanh ngắt, cao vút; tiếng quác quác của những con quạ đen xì đang rình rập trong những bụi tre quanh trại; tiếng những con chuột đồng nô nhau chít chít; tiếng nước chảy rả rích giữa các ruộng nấp; và xa xa thấp thoáng mấy bà chăn lợn cong lưng cắt nấp tạo nên một thế giới cực kỳ sinh động. Những cơn gió đông nam buổi sớm đầu hạ không ngớt mơn trớn đôi má vẫn còn căng mịn và đùa gợn mái tóc rễ tre đen nhánh của tôi. Phóng tầm mắt ra xa là con đường duyệt xã vàng nhợt màu đất sét nhưng thẳng tắp dẫn ánh mắt tôi đến một dải xanh mờ ảo nhô lên giới hạn lại sự bao la của cánh đồng. Đó là màu xanh của làng quê nơi người ta trồng tre bảo vệ quanh nhà. Lần đầu tiên tôi được sống trong bức tranh thiên nhiên thật kỳ ảo. Mọi thứ trong bức tranh đều độc đáo, tinh khiết.

Sau những giây phút choáng ngập vì khung cảnh trữ tình, tôi quay xuống định bụng nô đùa với đàn vịt thì giật mình khi nhìn thấy cơ man nào là nhện. Những con nhện nấp mình đen, mắt đỏ, chân trắng, cao lênh khênh như những chiếc cần cẩu thu nhỏ đang chạy lao xao. Chưa bao giờ tôi lại thấy nhiều nhện đến vậy. Tôi chăm chú quan sát động thái của lũ nhện và cách đớp mồi của đàn vịt. Lúc đầu, lũ vịt còn dè dặt nên bơi tụm quanh nhau tạo thành hình chiếc rế xoay tròn như chong chóng đè bẹp những trở ngại ban đầu do những cành nấp cứ nhấp nhô như muốn trêu ngươi chúng. Lũ nhện đang náu trong những cành nấp bị mất thăng bằng, rớt xuống mặt nước, bỏ chạy thục mạng. Nhưng kìa, có những tiếng đớp mồi “Tóp… tóp…” và rồi những tiếng xấp mồi xép xép của các chú vịt con. Âm thanh ban đầu thật rời rạc, tẻ nhạt do lũ vịt còn bỡ ngỡ với việc tự săn mồi. Nhưng âm thanh ấy mau dần, mau dần hoà trong tiếng ríu rít của đàn vịt. Rất êm dịu. Rất thơ mộng. Tôi gọi tập hợp âm thanh đó là “bản giao hưởng vịt con bắt nhện”. Đàn vịt đã tản ra, lao theo và đớp như cắt vào những con nhện đang chạy trốn. Loáng cái, lũ vịt đã xa bờ. Tôi không còn nhìn thấy những hình ảnh bé xíu lanh lợi của các chú nữa. Hiện trước mắt tôi chỉ còn những đám nấp rung rinh nhịp nhàng theo những động tác săn mồi của vịt.

Mải quan sát đàn vịt săn mồi, tôi quên mất thời gian. Mới nãy thôi, mặt trời đã cao gần một gang tay. Cánh đồng chẳng còn ai. Mấy bà chăn lợn đi cắt nấp đã trở về trại. Lũ chèo bẻo đã bay đi hết bỏ lại bầu trời xanh ngắt và chói loà trong những tia nắng hè gay gắt. Đàn quạ cũng đã bay khỏi rặng tre. Bọn chuột chắc cũng hết giờ nô đùa. Nước ruộng đã ngừng chảy. Tiếng đàn vịt săn mồi cũng xa dần, xa dần. Tất cả dường như chỉ còn trong dĩ vãng. Cảnh vật bỗng dưng tĩnh mịch đến kỳ lạ. Không một âm thanh. Chẳng một bóng người. Khác chăng là những cơn gió mùa hè đang mỗi lúc một nóng lên, liên tục tát vào khuôn mặt non nớt của tôi đến rát bỏng.

Tôi thấy cô đơn và bắt đầu mong bố. Tôi thầm gọi bố. Cầu nguyện ông trời để bố đến sớm hơn. Tôi ném ánh mắt mỏi mòn về phía ngôi làng mờ mờ xa xa, cố tìm kiếm trong đó dáng vẻ khắc khổ nhưng rảo bước của người bố hết lòng vì đứa con bé bỏng. Nỗi khao khát được gặp bố cứ ngùn ngụt bùng cháy trong lòng khiến tôi đứng ngồi không yên. Hết đứng dưới đất ngóng bố, tôi lại trèo lên cây thông cong queo bờ ruộng để nhìn cho xa và rõ hơn. Trèo lên rồi, lại tụt xuống. Không nhớ bao nhiêu lần như vậy. Xước hết cả chân tay do vẩy thông cứng cọ vào. Cuối cùng tôi cũng thấy một bóng đen nho nhỏ đang đi về phía tôi. Tôi đoán đó là bố. Nhưng khi người đó đến gần, tôi nhận ra không phải. Đó là một ông nông giang xóm. Buồn, thất vọng, tôi lại tụt xuống đất, lẩn thẩn đưa tay đo mặt trời. Đã quá một gang tay. Bố vẫn chưa đến. Tôi nghĩ ngợi lung tung và thầm trách bố. Biết làm gì hơn, tôi đánh phịch ngồi lên mô đất đầu bờ. Nỗi tủi thân trong tôi trào lên. Sự hồ hởi trong tôi lúc đầu không còn nữa. Tôi cũng chẳng cần xem đàn vịt đang ở đâu. Tất cả trong tôi lúc này là sự tủi thân giữa cánh đồng và niềm khao khát gặp bố. Tôi nghẹn ngào trong nỗi tủi. Có cái gì đó nặng nề, cứ ứ ứ ở cổ, to dần, to dần cho đến khi nước mắt tôi ứa ra. Nhưng tôi không thể bật thành tiếng.

Bỗng từ xa, một bóng hình đang đi như chạy về phía tôi. Không cần nghĩ ngợi gì hết. Linh cảm báo cho tôi biết đó chính là bố. Tôi vui sướng vô ngần, đứng bật dậy, phất cờ lá chuối lia lịa rồi gào lên: “Bố ơi. Bố ơi. Chạy mau lên”. Từ xa, bố nghe thấy những tiếng gọi yếu ớt, nên chạy nhanh hơn. Khi nhận ra chính xác đó là bố, tôi vứt mạnh chiếc cờ lá chuối xuống gốc cây, lao như tên về phía bố.

Vừa gặp bố, tôi đã trách:

“Sao bố bảo là một tiếng nữa bố sẽ ra đây với con. Bố nói dối con. Giờ mặt trời đã hơn một gang tay rồi.”

Bố trấn tĩnh giải thích:

“ừ bố xin lỗi. Sáng nay bố dùng một gang tay của bố để giải thích cho con. Một gang tay bố là một tiếng. Với tay con, phải gang tay rưỡi mới là một tiếng. Bây giờ vẫn chưa được một gang tay của bố. Vậy là bố vẫn đến sớm chứ.”

Ra vậy, tôi tự nhủ và nói với bố:

“Như vậy một tiếng lâu lắm. Lần sau chỉ nửa tiếng là bố phải ra với con nhé.”

Câu đề nghị ngây ngô làm bố bật cười, đoạn ôn tồn:

“Bố rất muốn cùng con đi chăn vịt. Nhưng bố còn phải làm việc khác thì nhà ta mới có thóc để ăn. Con còn bé nhưng con đã biết chăn vịt. Vậy là tốt rồi. Nhiều bạn bằng tuổi con vẫn chỉ biết lêu lổng, đày nắng suốt ngày. Cố gắng rồi thì con sẽ quen. Vài ngày nữa bố sẽ vẫn đến với con sau một tiếng đồng hồ. Nhưng về sau, bố chỉ mang cơm trưa cho con thôi. Con sẽ ở lại cánh đồng với đàn vịt. Đến trưa bố hoặc mẹ sẽ mang cơm cho con. Rõ chưa, đại tướng của trung đoàn vịt?”

Nghe bố nói vậy, tôi hiểu thêm phần nào nhưng buồn lắm vì bố không thể ở bên tôi những lúc vắng vẻ như thế này. Tôi hiểu, bố phải đi làm mới có thóc nên miễn cưỡng gật đầu nghe theo.

Giải thích xong cặn kẽ, bố hỏi:

“Đàn vịt đang ở đâu con?”

Tôi chột dạ, nghĩ rằng chúng vẫn đang đâu đó trong ruộng nấp nên trả lời luôn:

“Nó vẫn đang ở trong ruộng nấp, bố ạ”.

“Dẫn bố ra chỗ đàn vịt nào.”--- Bố mỉm cười giục tôi.

“Nhưng con không biết nó ở đâu. Lúc sáng nó vẫn ở chỗ này này.”--- Tôi trả lời đưa tay chỉ về khoảng nấp trước mặt.

Nghe ngóng không thấy tiếng vịt kêu, nhìn ra không thấy những cây nấp rung rinh, bố tỏ vẻ hơi lo lắng nhưng không trách cứ gì. Bố bổ đi tìm vịt, vừa đi vừa gọi “cúc cúc”. Bặt vô âm tín. Bố đã đi qua ba bốn con bờ mà không thấy vịt. Tôi cũng bổ đi tìm, băng băng theo các bờ ruộng. Tôi cũng gọi cúc cúc như bố làm vậy. Qua mấy bờ ruộng, chân đã chồn, gối đã mỏi, tôi vẫn chẳng thấy tăm hơi vịt đâu. Bố cũng chẳng thấy chúng. Cả hai thất vọng quay lại chỗ gốc cây. Không nói không rằng, bố con buồn bã nhìn nhau. Tôi thương bố nhưng không biết phải làm gì. Bố bước bước nào, tôi bước theo bước đó, trong lòng đinh ninh là mất vịt.

Đột nhiên bố vui vẻ lạ thường, chộp lấy tay tôi vừa kéo vừa reo lên:

“Quay lại chỗ thả vịt lúc sáng. Bố nghĩ ra cách rồi.”

Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu bố sẽ làm gì, chỉ biết theo bố chạy lại đằng ấy. Bố kéo tôi ngồi xuống bờ ruộng và chỉ cho tôi những chỗ nấp bị xẹp xuống do vịt con đè lên:

“Con nhìn thấy chưa. Lối vịt đi đấy. Cứ theo đó mà tìm, nhất định bố con ta sẽ tìm ra.”

Suốt nãy giờ bị ức chế chẳng dám nói, nghe bố hồ hởi vậy tôi đập tay vào trán đánh đét tự trách:

“Giời ạ. Thế mà con không nghĩ ra.”

Bố nhìn tôi mỉm cười, mắng yêu:

“Bố anh. Nói thế ai chả nói được.”

Hai bố con lội theo những đường rạch nhỏ tí do các chú vịt tạo ra hy vọng tìm ra manh mối. Các đường rạch chạy lung tung không theo quy luật nào nên xem ra việc tìm được đàn vịt cũng chẳng dễ gì. Bỗng bố nhìn thấy một đám nấp ở giữa ruộng bị trũng hẳn xuống nên giục tôi chạy lại phía đó. Thật ngạc nhiên, cả đàn vịt đang nằm ngủ ngổn ngang xung quanh một ổ chim cút. Các cành nấp bị ẹp xuống, quang cả một khoảng. Lũ vịt đã kéo nhau đến đó và lăn ra ngủ sau khi đã đánh chén no nê. Thảo nào, gọi mãi chúng chả thưa. Hai bố con mừng quýnh quay lại bờ ruộng. Lũ vịt ngây ngô vẫn nằm đó, giấc ngủ vẫn say nồng.

Trong rung động của bao la, còn gì tuyệt hơn là cảm giác no nê, sảng khoái và sự yên bình của đàn vịt. Bố lại xoa đầu tôi, mỉm cười mãn nguyện, không dung nổi cảm xúc mà thốt lên: “Đồng nấp này thật là hứa hẹn!”

còn tiếp



i Cánh đồng này nằm ở đằng sau trại chăn nuôi của xã nên gọi là cánh đồng sau trại

ii Nấp là loại rau người ta dùng để nuôi lợn cho hợp tác xã

Chương : 1   2    3    4    5    6    7   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 2377
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả