Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.616.529
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 5

Mắc hợm

Ngày nào cũng vậy, mặt trời cứ cách đỉnh đầu một gang tay, tôi lại cùng đàn vịt an toạ dưới gốc cây đa giữa đồng làng chờ bố hoặc mẹ mang cơm tới. Hôm nay tôi phá lệ, theo lời thằng Ti con cô Tẹo cho vịt vượt sông tìm xứ sở mới. Đối với tôi, hễ nơi nào mới mẻ có nhiều cá để đàn vịt ăn thì đó là một xứ sở mới. Thằng Ti cũng chăn vịt như tôi. Nhưng đàn vịt nhà nó chỉ có 10 con. Lúc bấy giờ, cả vịt nhà tôi và nhà nó đã có lông cánh. Các cụ gọi là vịt móng nghé – Nom bộ thấy cánh vịt khum khum như hình móng nghé mà các cụ gọi vậy.

Thằng Ti khôn lắm. Nó học cùng lớp với tôi nhưng thứ gì cũng biết. Nó còn to con hơn tôi nhiều. Đi đâu nó cũng tỏ ra đàn anh. Hôm nay cũng vậy, nó thể hiện hết mình để làm anh trước tôi. Nó khoa chân múa tay, miệng nói liên hồi về một cánh đồng làng bên mà tôi chưa từng được bố nhắc đến: “Đồng đó nhiều cá lắm. Cá ở đó cũng to hơn cá ở đồng mình. Vịt ăn vào thì cứt trắng toát. Về bố mày chắc mừng lắm.” Chả là bố tôi thường nhìn cứt vịt mà đoán ra ngày hôm đó vịt ăn gì. Nếu vịt bậy ra cứt màu xám đất là nó ăn nhiều thóc. Nếu bậy ra cứt màu đen óng lại nhớt như cứt gà sáp tức là ăn nhiều rong rêu. Còn cứt trắng toát lại chạy thành dải dài sắc nét thì ăn nhiều chất tanh. Bố tôi thích nhất là lúc vịt bậy ra toàn cứt trắng vậy. Từ lúc nào, điều này đã thành ý niệm trong đầu tôi – Hễ cho vịt đi đâu ăn là chúng cứ phải ỉa cứt trắng thì tôi mới vui. Có nghĩa là bố tôi cũng vui. Tôi căng tai ra nghe thằng Ti nói, mắt chớp liên hồi để không bỏ sót một chi tiết nào về cánh đồng đó.

Ngặt nỗi, cánh đồng ấy là của làng bên. Lại cách đồng làng tôi một con đầm. Nước sâu xanh biếc. Rong rêu đen kít lờ lững dưới lòng – Có gì đó nguy hiểm và chết chóc lắm. Nhiều người trong làng gọi đây là con đầm thiêng bởi thỉnh thoảng có người đi làm trưa ngoài đồng xuống uống nước rồi sa chân bỏ mạng nơi đây. Nghe các cụ kể lại, ấy là do có nhiều vong hồn oan khuất, sống cô độc nơi hoang dã mà có thiện ý với người trần. Tranh thủ lúc người trần lơ đãng, các vong hồn rủ họ về cõi âm làm bạn. Ông bà tôi, bố mẹ tôi, nhiều người lớn khác nữa kể cho tôi những câu chuyện đó. Không biết từ lúc nào, tôi sợ bị các vong hồn rủ về làm bạn. Tôi muốn sống với người thân, với đàn vịt, chứ không thích làm bạn với người cõi âm. Trước mắt tôi là nỗi sợ hãi. Sợ các vong hồn lưu lạc. Nhưng còn đàn vịt, còn cánh đồng. Đó là xứ sở mới của chúng. Sang xứ sở mới, chắc chúng được đổi đời.

Tôi biết bơi, nhưng chưa bao giờ vượt sông cho dù là con sông nhỏ trước nhà. Thằng Ti bơi giỏi hơn tôi bởi con sông trước cửa nhà nó rộng hơn con sông trước cửa nhà tôi. Dễ hiểu thôi. Nó bơi giỏi. Điều đó ai cũng biết. Nó có thể bơi qua sông sang bờ bên kia, trèo lên cây dừa của hợp tác xã, ngắt mấy trái rồi lại đội dừa mà bơi qua sông. Nó nói, đấy là trò chơi tàu ngầm. Làm tàu ngầm dễ lắm. Bố nó là lái buôn tre luồng nên thường xuyên làm trò này. Bố nó dạy nó làm vậy. Nghe đến từ thằng Ti, thì trăm người như một trong làng, ai cũng gọi nó là Ti bơi.

Thấy tôi có vẻ do dự, ấp úng chưa kịp nói ra nỗi sợ hãi, thằng Ti hất hàm như không: “Sợ đầm sâu hả? Mang tiếng có sông mà không biết bơi. Nhìn đây này.”

Ngớt lời, nó nhảy thùm xuống đầm, lặn một hơi thật sâu rồi ngoi lên, tay trái cầm nắm rong rêu vẫn còn sùi bọt, tay phải cầm nắm bùn xoa lên mặt, miệng cười khằng khặc đắc thắng: “Đối với ta, tất cả chỉ là nắm bùn và đám rong rêu yếu ớt.”

Chưa hết, nó còn lặn tiếp một hơi, vừa lặn vừa lấy tay xua hết đám bùn trên mặt, rồi sải những bước tay dài cùng những nhịp đạp chân ngoạn mục vượt đầm. Sang tới bờ bên kia, nó chạy tung tăng như vừa được đặt chân tới một miền đất lạ. Một hồi, nó lại nhảy ùm xuống bơi trở lại không gặp khó khăn gì.

Tôi ngưỡng mộ những đường bơi và động tác lặn của nó. Nó đích thực là bơi giỏi chứ không phải do người ta ngoa nghoét mà gọi nó là Ti bơi. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra lúc được ngồi trên lưng nó để nó làm tàu ngầm. Cảm giác lúc đó chắc lạ lắm. Tôi đánh bạo hỏi: “Thế mày đưa tao qua đầm bằng tàu ngầm à?” Nó phụng mồm, ti toe đáp lại: “Lại còn hỏi. Mày thì thấm tháp gì so với buồng dừa nhà ông Oánh. Mày cứ yên tâm. Không chết đâu mà sợ.”

Thằng Ti cho 10 con vịt nhà nó nhập với đàn vịt nhà tôi. Tôi không sợ bị lẫn vịt vì 10 con vịt nhà nó mỗi con một vẻ chẳng giống vịt nhà tôi. Nó lùa đàn vịt xuống đầm rồi bơi theo sang bờ bên kia. Nó vừa bơi, lại vừa dùng cờ lá chuối để đuổi vịt. Nó giỏi thật đấy. Khi đàn vịt đã sang bờ bên kia, nó mới quay lại làm tàu ngầm cho tôi sang sông.

Thằng Ti khom mình còn tôi thì ngồi lên lưng nó. Nó lặn xuống, tôi hẫng hụt nhưng rồi cũng giữ được thăng bằng. Đây là lần đầu tiên nó làm tầu ngầm cho một thằng người, chứ không phải là dừa. Thằng đó là tôi. Thằng Ti đâu có kinh nghiệm. Nó chỉ bạo cái mồm mà nói vậy. Nó đâu biết lường trước điều gì. Nó đâu có biết là nó đã mất bao sức lực trong những lần bơi lặn trình diễn hồi nãy.Vậy nên đến giữa dòng, nó mới nguột sức. Không đủ không khí để thở, nó ngoi lên mặt nước vội vã. Tay chân nó quờ quạng, không cần biết đến trên lưng đang là tôi. Tôi ra sức ôm ghì lấy nó, hoảng sợ nghĩ đến các linh hồn đang đưa cả tôi và nó về cõi âm. Lúc này mới thấy lời của bà nói càng đúng. Tôi buột miệng chửi nó. Chửi thậm tệ bằng những từ tục tĩu nhất: “…Tao mà bị ma bắt thì về tao bóp cổ mày. Tao không muốn chết. Tao không muốn chết”. Hụt hơi, chới với nên thằng Ti không còn cách nào khác hơn, nó cố rướn để bứt khỏi tôi. Thật may. Cái rướn sức cuối cùng của nó vừa đủ để đáp hai đứa vào một chỗ nông nơi ấy rong rêu và cỏ năn mọc um tùm, đứng đến ngang ngực. Hú hồn. Người thằng Ti run bắn. Tôi cũng lẩy bẩy nhìn nó. Hai đứa câm như hến. Đàn vịt nháo nhác trên bờ rối rít gọi chủ…

Vượt được đầm thiêng, hai đứa mệt nhoài, lăn ve ra thảm cỏ bên bờ đầm làm một giấc. Những chú vịt ngây ngô thỉnh thoảng lại chũi mũi vào rúc nách hai ông chủ nhỏ. Chỉ đến khi một con vịt hiếng nhà thằng Ti đánh phẹt một bãi mặn đắng, thối um vào giữa mặt, thì tôi mới choàng tỉnh và giục nó đi tìm ruộng cho vịt ăn. Con vịt hiếng nhà thằng Ti thật đáng ghét. Tôi đã phải xuống đầm té nước như mưa vào mặt mà cái mùi thum thủm ấy cứ như dính vào mũi, chẳng thể nào gột hết. Cũng may nhờ nó mà hai đứa thức giấc để tiếp tục cuộc viễn chinh.

Hai đứa lùa vịt dọc bờ đầm. Lũ vịt cứ ì ra. Do trời nắng quá mà. Nóng làm người ta đổ mồ hôi đến vậy thì bọn vịt cũng chỉ còn nước vừa đi vừa ngáp, thỉnh thoảng lại đánh bẹt làm bãi, nóng bỏng chân. Chắc chúng cũng toát mồ hôi như người vậy. Phải đẩy vào đít thì chúng mới chịu đi cho. Rốt cuộc cũng đến cánh đồng mà thằng Ti kể. Từ đó nhìn về phía gốc đa, chỉ còn thấy một lùm cây xanh đen mờ, phập phùng trong cái nóng giữa hè. Mới biết hai đứa đã đi xa đến mức nào. Kể lấy làm lạ, đồng xa thế mà thằng Ti lại biết. Mà đúng rồi. Nó có bà cô họ làng bên. Vừa rồi bu nó sang gặt đổi công bên đó cho nó đi cùng.

Thằng thế mà giỏi. Mà nó giỏi thật. Cho dù nó có suýt làm tôi chết đuối giữa đồng, cho dù nó cứ lúc nào cũng hoa chân múa tay mỗi khi nói về điều gì đó thì những gì trước mắt tôi không thể nào phủ nhận được tài tiên tri của nó. Các ruộng nước sền sệt, cá chạy lăng xăng trải dài hàng cây số. Người ta đã gặt lúa, chừa lại những mô rạ được dựng khum như những túp lều tranh. Những mô rạ là nhà của lũ cá. Khi không động, lũ cá bơi ra kiếm mồi. Khi có động, hoặc nước nóng quá, chúng lại chạy về núp bóng. Lũ vịt thì thích rúc mỏ vào các mô rạ vì trong đó có nhiều cá, lại mát miệng vì râm. Thật hấp dẫn. Hai đứa lùa vịt xuống ruộng rồi chạy nhảy tung tăng trên bờ tìm bắt cào cào xuyên thành xâu đem về cho những con vịt đẹn.

Trời đã xế chiều. Cái nắng gay gắt hồi trưa biến mất nhường chỗ cho những đám mây nhiều hình thù quái dị cùng những cơn gió nồm nam mát rượi. Đàn vịt đã no nê. Con nào con ấy thẳng dều. Chúng chán ngấy, chẳng còn thiết gì đến việc bắt cá nữa, thủng thẳng bỏ lên bờ, đi về phía bờ đầm. Chúng muốn tắm. Giống vịt là vậy, ăn no là muốn tìm chỗ nào nước lớn để bì bõm. Chẳng khó khăn gì, chúng tôi tìm cho lũ vịt chỗ tắm rửa. Xong, chúng lại rục rịch lên bờ, đè lên nhau mà nằm. Đứa mắt nhắm, con mắt mở theo lối ngủ truyền thống của loài vịt, hồn nhiên trong ánh vàng choé của những tia nắng cuối ngày…

Mải chơi quên cả thời gian. Giờ cả hai đều đói. Bụng cồn cào như ai nạo ruột. Hai đứa bỏ đi đồng xa mà chẳng ai biết đó là đâu. Cả người và vịt đều không để lại dấu tích. Chắc người lớn đã nhốn nháo đi tìm cả buổi rồi. Họ đâu ngờ hai đứa tí tuổi đầu lại vượt đầm mà đi như vậy. Cơm canh người lớn đem đến hồi trưa chắc giờ đã nguội lạnh. Nhưng cơm nóng hay nguội thì có nghĩa gì trong lúc cơn đói đang hoành hành. Mặt thằng Ti nhăn nhó, mồm lụng bụng hệt như những lúc nó làm nũng bu. Tôi thì chắc mẩm lần này về bị bố đánh róc xác. Thằng Ti vốn là con một nên nó được cưng chiều. Nó có đi sang đồng làng bên, chứ đi xa nữa thì cũng không ai dám động vào lông chân nó. Thảo nào, nó cứ thích gì là làm. Tôi ước gì cũng được phong độ như nó.

Còn một điều ước nữa, thật đơn giản: “Con lạy bố. Con biết lỗi rồi. Bố đừng giận mà đánh đòn con. Con sợ những con lươn ở mông lắm. Bố đánh roi, mông con sẽ rất đau. Con vẫn còn bé lắm.

Tôi nhìn thằng Ti, giận nó, lại sợ bố đánh. Cơn đói không còn chỗ mà cào bụng. Tôi đòi thằng Ti cho vịt về: “Cho vịt về đi. Tao sợ bố đánh. Bố mẹ tao chắc đã tìm tao hết hơi rồi”.

Nó quát ầm lên: “Tao đang đói điên lên. Đừng nói gì đến việc về với tao.”

Tôi lý sự: “Vậy không về thì ở đây làm sao có gì ăn. Tao đói lắm rồi. Về đi. Chắc bố mẹ tao và bu mày đã cầm cơm ra gốc đa rồi. Mọi người đang đi tìm tao với mày đấy.”

Thằng Ti gân cổ cãi: “Mày điên à. Giờ này còn ai ở đó nữa mà về gốc đa. Từ đây về tới gốc đa phải mất cả tiếng. Mày thích thì mày về trước. Tao không có gì ăn, tao không về.”

Nghe nó nói vậy, tôi bủn rủn chân tay. Phần rủn vì đói, phần vì nó doạ mất cả tiếng. Theo cách tính của bố có nghĩa là mặt trời phải đi được hơn một gang tay nữa. Hơn một gang thì lâu lắm. Nó lại còn nói mày thích thì về. Nó không còn cần tôi nữa. Nó biết thừa tôi không thể bơi qua đầm mà nói vậy. Nó thật độc ác. Không còn cách nào, tôi quay sang hỏi nó:

“Thế bao giờ mày mới về?”

Nó nhìn tôi soi mói, không dấu nổi cái vẻ ma lanh đang ẩn sau đôi mắt ti hí một mí của nó, rồi nói như mặc cả:

“Có cái gì cho tao ăn vào bụng thì về. Không có thì ở đây đến đêm. Nếu không được thì ở đến mai… đến khi nào có ăn thì về. Tao đói, tao không về.”

“Thế lấy gì ra ăn lúc này?”

Thú thực tôi không thể nghĩ ra cái gì ăn được nên đành hỏi vậy. Thằng Ti hất hàm về phía đàn vịt, nói chắc như đinh đóng cột:

“Có đấy. Mày nhìn con vịt què nhà mày kìa. Để cho xấu đàn nhà mày ra. Giết đi thì mày khỏi phải khổ nuôi nó.”

Tôi giãy nảy, gào lên:

“Không. Không thể được. Tao nuôi nó lâu rồi. Tao vẫn cho nó ăn cào cào. Giờ nó rất quen và quý tao. Tao cũng quý nó. Nó là bạn tao.  Tao không thể giết nó. Sao mày không giết vịt nhà mày mà ăn?”

Thằng Ti lên mặt dạy đời:

“Mày ngu thế. Tao có mười con. Giết một con còn chín. Chín con thì nói với bu tao làm sao được. Vịt nhà mày nhiều. Mất con què thì có gì mà tiếc. Mày nghe tao, giết con què ấy rồi về không thì chết đói ở đây. Mày biết đây là đồng của làng khác. ở đây thì không ai giúp đâu. Không khéo nói, họ còn đánh cho.”

Tôi chẳng còn cách nào lựa chọn. Cái thằng cũng bằng tuổi tôi mà khôn hết phần người. Nó muốn làm gì là làm bằng được. Chả trách trong làng ai cũng bảo nó là đi ăn hiếp những đứa trẻ khác.

Nhưng mà nó giết vịt và nấu thịt vịt bằng cách nào nhỉ? Chắc nó chỉ nói chơi. Có cho nó giết con què thì nó cũng chẳng biết làm thế nào mà ăn được. Cái thằng ở nhà bu nó chiều nó vậy. Đến nồi cơm nó cũng không phải nấu thì làm ăn gì với con vịt què giữa đồng này. Nghĩ vậy, tôi đánh liều với nó:

“Tao đồng ý. Đồng ý cho mày giết con què. Mày làm gì để có thịt vịt ăn là được.”

Thằng Ti sáng mắt lên, nhổm phắt dậy. ánh mắt của một đứa khôn ra mặt, chẳng giống của đứa trẻ đang bị đói chút nào. Nó lao vào sát tôi nói như để khẳng định:

“Mày nói nhé. Mày nói thật nhé.”

Tôi vẫn tin là nó chỉ nói mồm chứ không thể làm ăn gì được nên khăng khăng:

“Tao nói thật. Chả nhẽ lại nói dối mày à. Mày thích thì mày đi mà giết.”

Tưởng nó đùa, ai dè nó làm thật. Nó lao vào vồ lấy con què tội nghiệp. Đàn vịt vẫn ngủ say không hề hay biết. Con què còn đang ngon giấc, phút chốc đã nằm gọn trong bàn tay thằng Ti. Con vật bé bỏng, tội nghiệp ngước mắt nhìn tôi cầu cứu. Đôi mắt ngây thơ bất lực của nó gợi lại trong tôi những phút thăng trầm mà đời nó đã trải qua. Con què bị khoèo từ khi nứt vỏ trứng. Chẳng hiểu sao một chân nó bé tí, co kéo đến sát bụng, không cử động được. Chân kia của nó bình thường nhưng cũng chỉ đủ để nó thất thểu theo chúng bạn. Thất thểu nhiều, cổ nó vạy hẳn sang bên, người nó dẹt hẳn xuống như tấm bánh dày, chẳng giống một con vịt bình thường. Nhìn nó vậy, ai chả thương. Tôi thương nó nhất. Nó què không bắt được mồi, nhưng chẳng bao giờ tôi để nó bị thiệt thòi. Bắt được con cào nào, tôi cũng nghĩ đến nó đầu tiên. Bạn nó bắt được con cá, tôi cũng đút vào mồm nó một con. Khi nó đi mệt, tôi bế nó vào lòng, vuốt ve nó, giơ ngón tay bé xíu cho nó rỉa. Nhiều lần nó bẹt cả vào áo tôi, thối um. Mẹ vừa giặt quần áo cho tôi vừa chửi: “Chăn vịt gì mà để cứt vịt bết hết cả vào quần áo thế này cơ chứ”. Chẳng biết tự hồi nào, tôi và con què đã giành cho nhau những tình cảm trìu mến, quyến luyến chẳng thể rời.

Hình như con què khóc---cái khóc yếu ớt không thành tiếng nhưng đủ làm mắt nó ngấn lệ. Những giọt nước mắt chát chúa ngầm cầu cứu tôi. Lòng tôi như xát muối, chân tay luýnh quýnh, đầu óc mông lung. Nhưng tôi hết cách. Thằng Ti ôm con què hùng hục chạy dọc bờ đầm. Chả hiểu nó đem con què đi đâu. Vừa chạy, nó vừa ngó nghiêng tìm kiếm cái gì đó vô hình như một thằng điên. Rồi nó reo lên: “Đây rồi. Cái mảnh sành cong. Mảnh sành làm nên điều kỳ diệu”.

Rõ dở hơi. Kỳ diệu cái quái quỷ gì cái mảnh sành cong giống mấy mảnh vỡ từ cái chậu nước giải khai mù ấy. Thằng Ti giơ lên một miếng sành nâu bóng, có cạnh sắc. Tôi thất sắc chợt nhận ra dã tâm của nó. Nó sẽ dùng mảnh sành đó để giết con què. Nước mắt tôi ứa ra đường đột. Đầu óc tôi văng vẳng những tiếng than:

“Què ơi. Tao hại mày rồi. Chỉ chốc nữa, mày sẽ vĩnh viễn lìa khỏi cõi đời. Tao đã hại mày thật rồi què ơi. Nhưng tao hết cách. Thằng Ti nham hiểm lắm. Nếu rủi mày có ra đi, thì đừng trách tao què nhé. Cầu trời cho linh hồn mày được siêu thoát.”

Chưa bao giờ tôi thấy thằng Ti nham hiểm hơn lúc này. Cái gì nó cũng có thể làm. Nó cười khằng khặc, lộ hết ác tâm. Con què ngắc ngoải trong đôi bàn tay thô bạo của nó. Cay đắng, xót xa, nhưng bất lực, tôi không đủ can đảm mà nhìn, đành quay đi chỗ khác, nín thở lắng nghe những âm thanh thật nhỏ, thật yếu ớt… và rùng rợn. Toàn thân tôi rụng rời sau mấy tiếng khẹc khẹc và những tiếng đạp chân vội vã nhưng vô lực của con què. Quay lại đã thấy con vật tội nghiệp nằm vật ra đó, đầu cổ bê bết máu. Chân nó cựa quậy một hồi rồi đờ ra, tắt lịm. Tai tôi hoá ù, bặt mọi âm thanh. Tôi muốn chạy lại ôm con què lần cuối trước khi thằng Ti tiếp tục hành hình. Nhưng đôi chân không nghe, khuỵu xuống. Nước mắt tôi lại ứa ra vô thức, nhiều lắm, ướt sũng khuôn mặt thơ dại.

Tôi đã khóc và còn đang khóc. Đôi chân vẫn không chịu đứng dậy. Tôi lấy hết can đảm, mở to mắt nhìn mặt thằng Ti định bụng nguyền rủa nó cho hả dạ. Nhưng tôi chẳng biết rủa nó thế nào bởi từ khi có ý thức về sự sống, tôi chẳng bao giờ cãi nhau với ai. Đành ngậm bồ hòn, nức nở theo những động tác thô bạo và những tiếng cười man rợ của thằng Ti. Hì hục một hồi, nó lôi ra bộ lòng, khoắng khoắng mấy cái rồi vứt tung xuống đầm. Lũ cá nhao lên rỉa. Bộ lòng chạy lăng xăng trên mặt nước. Một lúc sau, cá kéo bộ lòng ra tít xa. Váng mỡ nổi lai láng.

Tôi đâm ghét thằng Ti. Cái ghét làm tôi hết ngưỡng mộ nó. Đối với tôi lúc này, nó bơi giỏi thế chứ giỏi nữa cũng chẳng nghĩa lý gì. Nó có nói hay thế chứ hay nữa, tôi thề cũng chẳng bao giờ nghe lời nó nữa.

Phớt lờ sự có mặt của tôi, thằng Ti vẫn loay hoay, rồi lại nhìn đông ngó tây. Chắc nó lại muốn kiếm thứ gì đó nữa. Nó nhìn xa lắm. ánh mắt nó đáp tận đến một dải khói trắng mờ mờ phía cuối mương. Chỗ đó người ta đang hun chuột. Nó đã biết được chỗ có lửa, và cứ vậy ba chân bốn cẳng chạy lại phía ấy. Loáng sau, đã thấy nó đem về đống tàn tro nóng bỏng đựng trong đáy một cái chậu tôn dúm dó. Sự quỷ quyệt của nó lúc nào cũng cho nó một giải pháp. Không hỏi tôi một câu, cũng chẳng nói với tôi một lời, nó nhảy ùm xuống đầm, giậm chân vài cái rồi cúi xuống móc lên một đống đất sét pha bùn. Miệng nó hồ hởi:

“Hôm nay tao cho mày biết thế nào là vịt nung đất. Thỉnh thoảng bu tao có nướng gà cho bố tao kiểu này. Hôm nay không có gà thì làm vịt.”

Dứt lời, nó lấy đất bọc kín con vịt còn nguyên lông lá. Phao câu – cái thứ hôi nhất của con vịt, nó cũng chẳng lấy ra. Rõ là đồ học mót không hết chữ. Bọc vậy mà nướng tí nữa hôi òm thì có mà ăn.

Nó sai tôi đi lấy những mô rạ khô. Nhưng tôi một mực không đi:

Mặc kệ mày. Mày đòi làm thì mày làm hết. Tao không làm gì. Mày đói mày ăn chứ tao nhất định không ăn.

Vậy thì mặc mày. Tao làm tao ăn.

Nó chạy ào xuống ruộng, vơ những khóm rạ trên thì khô do nắng sấy, dưới thì ướt do ruộng chưa hết nước. Nó chất rạ quanh hòn đất bọc vịt rồi thổi lửa. Lửa cháy, phả khói khét lẹt. Nó vừa hun, vừa nằm bò ra thổi, vừa lấy cán cờ lật hòn đất cho lửa bắt đều. Đoạn nó ngừng lại, đứng lên vươn vai nói vẻ hả hê:

“Không thổi nữa. Lửa đã bén khắp hòn đất. Thịt vịt bên trong đã chín rồi. Đợi tí nữa cho nhừ xương tao mới đem ra ăn cho mày thèm.”

Tôi phớt lờ trong xót xa:

“Tao cóc cần. Giờ thì mày đem ra mà ăn. Có đói chết tao cũng không thèm.”

Một tiếng nổ đụp phía đống lửa làm cả hai giật mình. Hòn đất nứt tung như một quả mít chín cây bị bửa ra làm hai nửa. Lông vịt dính đầy miếng đất. Đầu con què bị lột da trơ sọ. Những tia máu đen sì như nhựa đường còn sót lại cũng chảy ra, bốc khói nghi ngút. Không còn hình hài con què nữa. Nó đã bị biến dạng dưới bàn tay thô bạo của thằng Ti. Thịt vịt đen đen, thơm phức bốc ra. Nếu không phải con què là bạn thân của tôi thì ôi thôi còn gì ngon hơn thế. Một món đặc biệt thơm chứ không còn là món thịt vịt bình thường nữa. Mùi hôi tanh của cái phao câu cũng không có phước mà nhen lên được. Cố hít cũng chẳng thấy mùi hôi của vịt.

Thằng Ti reo lên:

“Xong rồi. Vậy là được ăn rồi. Giờ cho mày ngồi mà nhìn tao ăn nhé.”

Nó vô tư lự, đưa bàn tay nhem nhuốc bốc từng miếng thịt bỏ vào mồm, nhai nhồm nhoàm. Nó là thằng háu ăn. Đã ăn thì không nhìn ai sất. Hôm nay nó lại bị đói. Nhìn những miếng thịt vịt ngồn ngộn trong mồm nó, người lớn chắc khen là nó ăn ngon miệng, nhưng tôi thì chỉ thấy nó ăn tục.

Thằng Ti phụng má trợn mắt ăn được ba bốn miếng thì ngừng lại. Vừa unốt cố, nó vừa ấp úng trong miệng: “Thôi, ăn đi. Tao cho mày mấy miếng. Công mày chăn nó không phải tội.”

Tôi ớn cả người, lại lấy cớ này mà trách nó:

‘Thèm vào. Mày là đồ ác. Về tao mách bu mày.”

Thằng Ti phớt lờ, lại ngấu nghiến cho đến khi xung quanh đống đất nung chỉ còn trơ lại những chiếc lông và đống xương méo mó.

Mặt trời đã đỏ quạch, vẽ ra phía chân trời đằng Tây những rẻ quạt khổng lồ màu mỡ gà. Những chú vịt đẫy giấc đứng dậy vươn vai, vỗ những đôi cánh vẫn còn nặng thịt rồi thi nhau đánh phẹt xuống thảm cỏ những đống nước sền sền trắng toát. Nếu không phải là con què gặp nạn thì hôm nay quá vui vì lũ vịt đã bắt được rất nhiều mồi. Theo lẽ thường, thể nào về bố cũng khen thằng cu hôm nay thật giỏi.

Thằng Ti no bụng, buồn ngủ díp mắt nhưng cũng đành theo tôi lùa vịt về phía gốc đa. Đến bờ đầm đối diện với gốc đa thì mặt trời đã sắp kéo màn đi ngủ, chỉ chừa lại một nửa đỏ lòm. Chưa kịp nhìn đông ngó tây, tôi đã thấy mẹ hô hoán ầm ĩ phía bờ bên kia:

“Con tôi đây rồi. Sao con lại dại thế hả con? Bố mẹ đã dặn không được đi đâu xa khi không có bố mẹ…”

Vừa nói, mẹ vừa băng mình xuống bờ đầm rồi lội ào ra giữa dòng. Mẹ nào biết bơi. Tôi gào khan cổ: “Mẹ quay vào bờ ngay. Đầm sâu lắm. Chết đuối mất. Mẹ đừng lội nữa.” Mẹ vẫn lội phăng phăng.

Điều tôi sợ thật vô lý vì đầm có sâu lụt đầu tôi và thằng Ti thì cũng chỉ đến cằm mẹ. Mẹ đã lội sang bờ bên này, quần áo ướt sũng, chạy một mạch từ dưới đầm lên. Mặt mẹ tái xanh. Chưa hoàn hồn, mẹ trách tôi và thằng Ti:

“Các con làm khổ bố mẹ. Các con có biết đi xa một mình như vậy là nguy hiểm không? Có biết bao nhiêu người bị chết đuối ở đầm này không mà dại dột vậy? Lần sau không thể vậy được. Hôm nay về thì chắc róc xác với bố rồi. Mẹ không bênh được đâu.”

Thằng Ti cúi đầu thinh lặng, đưa tay lên mồm cắn móng tay. Mẹ lần lượt bế tôi và nó qua đầm, sau đó mới quay sang lùa đàn vịt. Sức nặng của hai đứa làm cơ thể mẹ lún sâu xuống bùn. Bọt sủi ùng ục theo bước chân mẹ. Nước ngập đến tận mũi làm mẹ suýt sặc. Nhưng rồi mẹ vẫn qua được. Mẹ thật dũng cảm. Mẹ không biết bơi. Chắc cả đời mẹ cũng chưa từng lội qua đầm bao giờ. Có chăng mẹ phải đi vòng đến đến bờ đập ngang đầm mới sang được bờ bên kia. Hôm nay mẹ đã làm một điều khác biệt. Tôi hiểu đó là vì tình thương mẹ giành cho hai đứa. May mà mẹ không sao. Nhưng tôi thấy thương mẹ, thấy mình đã làm điều gì thật không phải để mẹ phải lo.

Chắc giờ này bố vẫn đang tìm kiếm tôi trong vô vọng, ở đâu đó. Không khéo trong đầu bố lúc này toàn là những câu chuyện kinh dị về cảnh một đứa bé bị chết đuối hoặc bị ma dìm. Như linh tính mách bảo, bố vừa đi vừa chạy về phía gốc đa. Chưa kịp nhìn thấy gì, bố đã cất tiếng hỏi những người đi làm về:

“Thằng Tung nhà tôi có đó không bà con ơi? Con nó có đó không mẹ nó ơi.”

Không một câu trả lời.

Mẹ bật khóc. Chắc mẹ vui vì tìm thấy tôi. Mẹ lại khóc nữa. Chắc mẹ lo bố đánh tôi. Tôi biết vậy vì đó là bản tính của mẹ. Mẹ vẫn lường trước được những trận đòn bố giành cho tôi. Tôi cũng hiểu rằng tội của tôi thật đáng bị đánh. Bố gọi vậy, mãi mẹ mới lên tiếng:

“Con đây rồi anh ơi. Con không sao. Đàn vịt cũng không sao.”

Bố chạy nhanh hơn nhưng không nói gì. Tới nơi, bố giận tím mặt, giật phắt chiếc cờ lá chuối từ tay tôi mà quát:

“Sao con lại làm khổ bố mẹ vậy?”

Tay bố nổi lên những thớ cơ như đang dồn hết cơn giận vào đó, như đang muốn xách tôi lên rồi ném ra thật xa như ném một con chão chàng cho bõ tức. Tôi biết, khi bố giận, bố thường đánh tôi. Bố đánh đau lắm. Bố tát hoặc dùng roi đánh vào mông tôi cho nó hằn lên những con lươn, cảm giác nhũn ra như đậu phụ. Thấy bố nổi giận, mẹ lao vào, nước mắt vẫn giàn dụa:

“Cả ngày trời con tôi bị nắng gió đày đoạ, giờ mà bị đòn nữa thì còn gì là con. Anh tha cho nó đi.”

Nước mắt cùng lời van xin của mẹ làm bố dừng lại. Cơ bắp bố thôi không vằn lên. Bố buông tôi ra. Tôi vẫn chưa hoàn hồn. Thằng Ti sợ khiếp vía, lủi ra một chỗ xa, vờ vơ mấy cái rạ để cố lấp liếm đi nỗi sợ bị bắt vạ.

Mẹ gọi với thằng Ti:

“Về đi cháu. Bố mẹ mày chắc cũng đang mong lắm. Lần sau đừng dại thế nữa nhé.”

Thằng Ti không nói gì, cứ lủi thủi vừa đi vừa rê chân xuống cỏ như thể biết lỗi. Thật chẳng giống với lúc nó hoa chân múa tay nói về cánh đồng màu mỡ hồi trưa.

Mặt trời đã lặn hẳn sau rặng tre. Những ráng mỡ gà sót lại phía cuối trời chỉ đủ cho chúng tôi nhận ra trước mắt là những bóng đen đang chạy lon ton về phía làng. Đó là bóng của những chú vịt, nhưng thiếu dáng thất thểu của con què. Nó vẫn thường đi cuối đàn vì luôn bị đuối sức. Nó vẫn thường được tôi ẵm sau những ngày kiếm mồi dài nhẵng. Hôm nay không vậy. Tôi rợn tóc gáy khi thấy sự trống vắng quá hiển nhiên ấy. Rất có thể bố sẽ nhận ra và lại nổi giận…

Không ngoài dự đoán, bố quay sang hỏi tôi: “Con què đâu?”

“Nó mất rồi.” Tôi ấp úng.

“Sao lại để mất?”

Tôi sợ hết vía, lúng búng lấp liếm:

“Thằng Ti nó biết. Bố hỏi thằng Ti.”

Bố quay sang thằng Ti:

“Con què nhà chú làm sao vậy?”

“Nó chết rồi. Hồi trưa nó bị cảm chết rồi. Chúng cháu giết thịt rồi.”

Đúng là dân chăn vịt mà không biết gì. Vịt cảm mà chết thì mới thật lạ. Nó toàn khôn ngoan ở đâu ấy. Lúc này thì mới thật là thằng dở hơi. Đến tôi mà còn nhận ra sự dở hơi của nó huống chi là bố.

Bố biết thằng Ti đang nói dối, nên gặng hỏi:

“Cháu kể thật chú nghe. Chú không trách. Nhưng nói dối thì chú nhất định sẽ không tha.”

Thằng Ti lặng im như trời trồng. Nó không bước chân đi tiếp. Tôi đành khai thật với bố mọi tình tiết đã xảy ra.

Bố nói với thằng Ti:

“Cháu có biết là cháu làm vậy là hỏng em không? Thằng Tung nhà chú không có tính láu cá như cháu. Cháu làm như vậy là sai rồi. Nói dối càng sai nữa. Còn nhỏ phải biết nghe lời bố mẹ thì lớn lên mới thành người tốt được.”

Thằng Ti cúi đầu im lặng, nhưng chân lại nhúc nhích theo đàn vịt. Đối với một thằng suốt ngày cảng cổ cãi bố mẹ nhem nhẻm như nó thì đây quả là chuyện lạ. Khéo đêm nay trời lại làm giông (ở quê tôi, cứ ai làm gì đó khác với bản tính của mình thì người ta vẫn nói là khéo trời có giông hoặc mưa). Mẹ kéo tay hai đứa giục đi nhanh. Bố cứ lầm lì, thúc cán cờ vào đít các con vịt đẩy chúng đi thật nhanh.

Tôi chắc mẩm bố tha không đánh. Ai dè, ăn tối xong, bố lấy từ ránh bếp một cây mây nâu đen, nhẵn bóng. Không ổn rồi. Những lời van xin của mẹ chỉ có tác dụng kìm cơn giận của bố lúc nãy chứ không thể làm bố từ bỏ ý định dạy cho tôi một bài học nghiêm túc bằng roi vọt. Cây roi mây được chính tay bố vót từ gần một năm nay, chỉ để dạy tôi theo cách như vậy. Hễ bố đã xuống lục ránh bếp, thì tôi chỉ còn cách là nằm chổng mông xuống nền chờ bố ra tay.

-    Tung đâu?

-    Dạ.

-    Nằm sấp ra đây.

-    Vâng ạ.

Theo thông lệ, tôi nằm xuống, mông đít chổng thật cao, má đặt xuống đất nghiêng sang bên, mắt nhắm lại, mặt nhăn hết cỡ. Đó là tư thế chịu đòn truyền thống của tôi. Cách này đã được bố mẹ thống nhất với nhau và dạy cho tôi để nhận đòn. Lâu dần thành ra quen.

Bố đánh bảy roi. Không! Phải hơn thế. Tôi không thể nhớ. Chỉ nhớ là đau lắm. Mỗi lần bố đánh một roi là một lần tôi nảy lên như con cá phải bỏng trên chảo. Đánh xong một hồi, bố cho tôi nợ mười roi đến lần sau. Khi bố đánh xong, mẹ đem tôi ra giếng tắm. Mông đít tôi rớm máu, hằn những vết lươn, chạy đan xen chồng chéo. Mẹ nói nửa thương nửa trách:

Sướng chưa con? Lần sau đừng nghe lời bạn xấu nhé. Mẹ có can, bố cũng không tha. Nhớ phải nghe lời bố mẹ.”

Tôi oà khóc to hơn, nức nở nghẹn lòng mẹ. Mẹ không nén nổi xót xa:

Khóc nốt tí dở đi con. Khóc rồi nín đi không bố mày lại điên tiết lên cho trận nữa thì khổ.”

Sau sự kiện ấy, tôi với thằng Ti chẳng nói với nhau câu gì. Hễ gặp nhau là lại tránh mặt. Hai tuần sau thì bố làm nhà, gửi đàn vịt sang nhà thằng Ti. Tôi cũng phải sang ngủ nhà nó cho tiện trông coi. Chẳng có cách nào tránh mặt nó cả.

còn tiếp

Chương : 1    2    3    4    5   6    7   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 3551
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả