Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
653
115.984.027
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 6

Tiếng đêm

Trời đổ đêm, không trăng, cũng chẳng sao, đen kịt như phủ mực. Tôi lần theo bờ tre bên đường. Những chiếc lá loà xoà sắc nhọn cứa vào da xoèn xoẹt như muốn cảnh báo về một đêm dài não nề. Mấy nhà hàng xóm vẫn còn lên đèn đỏ hoe, phập phùng theo những làn gió cuối hạ. Thỉnh thoảng có tiếng rít thuốc lào lọc xọc tẻ nhạt vang lên từ những ngôi nhà mái tranh. Lại là mấy ông hàng xóm rít cố trước khi tắt đèn đi ngủ. Lũ dế mèn gọi nhau inh ỏi. Bọn ve sầu vườn nhãn thi nhau ca hát. Lũ ếch dửng mỡ khoe giọng ngoài vườn bèo tây trên con sông sau nhà thằng Ti. Tất cả những âm thanh ấy là sản vật của thiên nhiên, làm nền cho một đôi tình nhân đang thủ thỉ trên chiếc cống làng, giáp ranh với con đường gạch dẫn vào nhà nó. Thường thì tôi rất tò mò và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội xem đôi tình nhân ấy nói gì với nhau. Nhưng đêm nay, trời đen đặc, lại có những con đom đóm lập loè thoắt ẩn thoắt hiện. Cảm giác sợ tối trong tôi còn lớn hơn cả sự tò mò.

Những đám sáng đỏ ửng màu vỏ quýt in hình hai cánh cửa đại xuống chiếc sân gạch buộc tôi dừng bước trước cái cổng rào mà ban ngày nhìn vào sẽ thấy nham nhở những cành tre khô khốc phủ gai sắc như đinh. Cái cổng nhà nó không hiếu khách. Chẳng dại gì mà đụng tay vào cho tổ gai đâm, tôi gọi toáng lên:

“Cô Tẹo ơi. Cô ra mở cửa cho cháu vào với.”

Nghe thấy tiếng tôi, cô giục thằng Ti ra mở. Nó cảng cổ cãi lại nhem nhẻm:

“Con không ra. Bu cho nó sang đây thì bu ra mà mở.”

Tôi thì hiểu rõ vì đâu mà nó cãi bu như vậy. Cô Tẹo đành đích thân mang theo chiếc đèn bão ra mở cửa dẫn tôi vào nhà.

Chiếc đèn được cô Tẹo vừa đặt giữa bàn nước toả sáng khắp gian nhà rộng rãi, tường vôi trắng toát. Hai cửa sổ mở toang ra phía đường cái sau nhà. Gian nhà không có gì đặc biệt ngoài bộ bàn ghế làm bằng gỗ xà cừ lâu ngày không được đánh vecni nên xám xịt, và chiếc giường một của thằng Ti nằm ở gian thò ra phía sân. Tôi đứng giữa nhà, chằm chằm nhìn cô Tẹo. Cô hất hàm lại phía chiếc giường và nói: “Lại đó mà ngủ với anh mày.”(Theo nguyên tắc tôi phải gọi thằng Ti là anh vì cô Tẹo là chị họ bố tôi.)

Thằng Ti đang ngồi trên giường ôm gối tư lự. Khi thấy tôi chậm rãi bước lại, nó đứng dậy, chạy ra sân bỏ lại chiếc giường có thành đen láy. Sau này tôi mới biết chiếc giường đó được làm bằng gỗ lim, một loại gỗ tốt và được ưa chuộng nhất trong làng bấy giờ. Chiếc chiếu cói mới tinh màu xanh lục vẫn còn thơm phức mùi cói. Cái gối đỏ tươi có hình con công con trĩ thằng Ti quẳng lại mới thật đẹp. Tôi rón rén vuốt rất nhẹ mấy ngón tay lên mặt gối. Mịn màng và mát rượi, thích thú kỳ lạ! Chưa kịp lật mặt gối lên xem, đã nghe tiếng chân nó thình thịch. Tôi rời chiếc gối, ngồi im phắc cuối giường đợi thằng Ti lên. Nó lao vào vồ lấy chiếc gối, dán mắt vào đó như phát giác ra điều gì khác lạ. Tôi thót tim, sợ nó mắng. May quá, nó ôm chặt gối, quay mặt vào tường không để ý gì đến tôi nữa. Đột nhiên, nó vùng dậy, chạy ra phía chiếc bàn, giật mạnh cái lẫy đèn một cách thuần thục và thổi phụp làm ngọn đèn vụt tắt, trả lại màn đêm cho căn phòng vốn rất đơn điệu. Đó hẳn là nhiệm vụ cô Tẹo giao cho nó làm trước khi đi ngủ. Xong việc, nó chạy lại phía giường, cởi trần trùng trục chỉ mặc cái quần xà lỏn (ở quê gọi là quần đùi), ôm gối, và lại úp mặt vào tường mặc tôi ngồi đó ủ dột.

Chiếc đèn kỳ đỏ lòm le lói từ nãy đến giờ trong buồng thày bu nó cũng vụt tắt. Loáng cái căn buồng tối đen như mực đã vang lên những tiếng khò khò như ai kéo gỗ. Ngôi nhà thêm phần tĩnh mịch. Thỉnh thoảng âm thanh ấy bị gián đoạn bởi những tiếng ọc ọc, rồi khặc khặc phát ra từ ngay chính căn buồng. Theo đó là những tiếng trở mình ken két trên cái giường đôi làm bằng tre đực mà hôm nọ sang nhà nó vay gạo tôi được mục kích. Những âm thanh khô khốc chát chúa ấy làm cô Tẹo thức giấc buông giọng ngái ngủ:

“Gớm nhà cái nhà ông này. Người đâu mà ngáy kinh thế cơ chứ. Làm người ta giật cả mình.”

Rồi thịch một cái như mấy ông phu hồ dùng đầm nện xuống nền đất ẩm. Chắc cô Tẹo bực tức vì bị đánh thức nên mới đấm vào lưng bố nó.

Lắng đi độ vài phút, lại có tiếng loảng xoảng như thể xoong nồi bị rơi từ trên cao xuống nền lát chạt*. Đúng rồi. Tôi nhớ ngay đến con mèo mướp nhà thằng Ti. Chắc nó mải bắt chuột nên đánh rớt xoong. Bị quấy nhiễu, cô Tẹo chửi um lên:

“Bố cái con mèo này. Mai tao thiến mẹ nó cho hết bắt chuột.

Chửi xong, cô ấn tay xuống lạch giường nghe ken két, chồm dậy bật chiếc đèn kỳ lên soi. Sợ cô ra nhà ngoài nhìn thấy, tôi nhanh nhảu đặt lưng xuống cạnh thằng Ti. Nó vẫn quay mặt vào tường như đã ngủ say. Tôi không dám động vào người nó vì sợ nó dậy lại gây chuyện. Trong buồng, cô Tẹo đang soi nền nhà để nhặt mấy cái xoong vừa bị rơi xuống. Lại nghe tiếng cô chửi thề:

“Tiên sư nhà con mèo này. Thế là méo cái xoong nhôm bà vừa mua hôm qua rồi. Mai thì bà hoạn. Bà mà bắt được thì bà cột tiên sư mày vào chân giường để mai bà thiến.”

Vừa chửi, cô vừa cầm cái gì đó, mà hình như là chiếc chổi cán dài vẫn dùng để quét lá chè, vung lên khua vù vù trong buồng đuổi đánh con mèo: “ự… ự…ự ” rồi cạch một cái khô khốc vào chân giường cứ như cô đang cố hết sức nhưng lại vụt hụt. Con mèo sợ hãi vụt chạy ra ngoài kéo theo tiếng gió vun vút và tiếng cái mành mành đánh phành ngoài cửa lớn.

ánh đèn kỳ le lói sáng dần ra phía cửa đại rồi khuất hẳn khi cô Tẹo vén bức mành mành đi ra sân. Tiếng dép lê lẹp xẹp hướng về phía vườn chanh. Mồn một trong đêm xoẹt một cái rất nhẹ giống thứ âm thanh tôi vẫn thường nghe khi mấy chị đi cấy cởi xà cạp lúc rửa chân cầu ao. Thêm một chuỗi âm thanh xè xè nhưng vang vọng và kết thúc bằng những tiếng nhỏ giọt bong bong. Thế mà lúc đầu tôi cứ tưởng cô vác đèn đi tìm con mèo vừa tẩu thoát. Cô Tẹo trở vào trong buồng, thổi phù phù mấy cái vào ngọn đèn đang le lói, trả lại màu mực cho đêm. Ken két tiếng cô bước lên giường hoà trong giai điệu kéo gỗ của thầy nó. Tập hợp âm thanh trong căn buồng đều dần, đều dần, rồi tự lúc nào vượt khỏi sự chú ý của tôi.

Thằng Ti vẫn nằm co quắp quay mặt vào tường, chổng cái mông cong tít vào tôi. Chân nó xoay ra choán quá nửa chiều ngang chiếc giường. Khéo lắm tôi mới giữ được chân trên giường. Thằng Ti không ngáy nhưng nhịp thở của nó không thật đều như khi người ta rơi vào trạng thái ngủ say. Nó cử động. Hình như nó co tay lên ôm đầu. Không dám nhìn về phía nó, tôi chỉ nghe theo tiếng cử động mà đoán mò vậy. Nhịp thở của nó như có tiếng rít rít, xì xì. Hay nó ngủ say để tay che mất hai lỗ mũi. Rồi cả người nó sục xoạy như bị rôm đốt. Tiếng rít và tiếng xì càng lúc càng to và gấp gáp. Nó lụng bụng gì đó nhưng tôi không hiểu. Nó lại mơ ngủ nên nói linh tinh. Dăm bảy phút sau, nó bật dậy thở hổn hển ở phía cuối giường, hét vào mặt tôi:

“Thằng này hôi như vịt. Bố đếch ngủ được. Cút mẹ mày xuống dưới đất để cho tao ngủ. Bẩn như ma. Hôi như cú.”

Hoá ra nó không chịu được cái mùi vịt trên người tôi. Bất quá, tôi nhảy phắt xuống, nằm dài ra đất, nhắm mắt vờ ngủ. Cô Tẹo bật dậy la ó om xòm: “Chúng mày làm gì mà hét toáng lên thế?”

Thằng Ti giận dỗi đáp lại: “Tại bu cho nó sang đây ngủ. Nó hôi lắm. Nó ngủ trên giường, con không ngủ được. Con đuổi nó xuống đất rồi.”

Tôi nhắm nghiền mắt để khỏi phải chạm trán hai người. Bu nó mới trách: “Cậu ấy làm nhà nên mới cho nó sang đây ngủ. Mày làm vậy phải tội chết.”

Thằng Ti vẫn không chịu: “Nếu bu muốn nó ngủ trên giường thì con ra ngoài sân con ngủ. Bu thử ngửi nó mà xem. Nó hôi như con cú.”

Cô Tẹo thuyết phục: “Thôi con cho em nó ngủ với. Mấy tối rồi nó sẽ về nhà nó. Hôi tí cũng cố mà chịu.”

Tôi thấy cảm động đến rơi nước mắt khi nghe thấy cô Tẹo nói vậy. Cô thật tốt bụng với tôi chứ không quá đáng như nó. Nghe cô Tẹo nói vậy, thằng Ti mếu máo, giọng xụt xịt: “Kệ bu đấy. Bu muốn làm gì thì làm. Con không ngủ trong nhà nữa.”

Cô Tẹo cũng đành chịu, đi lại lay vào vai tôi an ủi: “Thôi cháu đừng chấp với anh ấy nữa. Để cô lấy cái chiếu ăn cơm giải ra đây cho cháu nằm. Cố gắng nhé. Không thèm ngủ với anh mày nữa.”

Tôi nhẹ cả lòng vì những lời lẽ nhẹ nhàng và cử chỉ ân cần của cô. Cô đối với tôi thật tình cảm, chẳng giống như lúc cô quát con mèo tí nào. Tôi hết tủi thân. Giá như lúc đó cô không an ủi tôi mà lại mắng mỏ hoặc buông lời miệt thị, chắc tôi đã khóc tức tưởi và chạy ùa ra ngoài như con mèo mướp hồi nãy.

Dẫu sao những lời thằng Ti nói với tôi hồi nãy cứ canh cánh. Tôi kéo vạt áo lên mũi hít thử mấy cái nhưng không thấy gì khác thường. Tôi thắc mắc sao nó lại nói là mình hôi như cú. Chưa ai nói với tôi như vậy. Nhưng chắc nó có lý vì một tuần nay bố mẹ tôi bận làm nhà chưa giặt chiếc áo trên mình tôi. Vạt áo két lại như cao vì đất cát bám vào trong lúc tôi chăn vịt. Đó là chưa kể thỉnh thoảng tôi còn bế mấy con vịt đẹn vào lòng cho chúng ăn cá và cào cào. Mùi của chúng đã ám vào chiếc áo. Cái mùi tanh hôi đặc trưng ấy đã trở nên quen thuộc với tôi nhưng với thằng Ti, cái thằng suốt ngày lêu lổng với mười con vịt, thì lại là một cực hình. Chiếc áo đã rất tồi tàn, nhăn nheo như đống giẻ nhàu nát bị mèo, chó quần xéo. Màu xanh da trời ban đầu của nó giờ loang lổ những đám đen bẩn do bùn đất của đồng ruộng, và chất thải từ những chú vịt tồn tích hết ngày này qua ngày khác. Có những mảnh áo bị gồ lên đen kít do bị giây nhựa chuối, nhựa sung rồi bắt bụi mà chai thành mảng như bị chà nhựa đường.

Đang đuổi theo ý nghĩ về cái áo thì con mèo mướp nhà thằng Ti gào lên thất thanh từng hồi để gọi mái nghe như tiếng đứa trẻ khóc thảm thiết. Tiếng mèo gào thét cùng những ánh sáng xanh lét của lũ đom đóm lập loè ngoài song cửa làm tôi có cảm giác như có ma đâu đó quanh đây. Thế là những câu chuyện về ma do người dân trong làng vẫn thường kể với nhau cứ tới tấp hiện lại làm tóc gáy tôi dựng đứng, toàn thân nổi gai ốc, mắt nhắm nghiền, không dám thở mạnh. Tôi nghĩ lại câu chuyện do ông chú mới kể cách đó hai ngày rằng có một ông quê ở Đông Hồ (cách nhà tôi chừng 5 cây số) bị chết. Người ta đã khâm liệm thi thể ông, cho vào trong ván. Mọi người đang làm lễ khấn vái, tự nhiên có một con mèo từ đâu nhảy ngang qua. Cái ván đứng dậy đi theo con mèo. Ông chú còn nói, con mèo đó bị ma làm nên dở trò tắc quái. Tôi tin đó là thật. Con mèo nhà thằng Ti chắc cũng bị ma làm nên mới kêu giống đứa trẻ khóc vậy. Chưa dứt câu chuyện mèo ma thì lại đến chuyện ông Chít bị ma bù lọ trêu. Chuyện kể rằng một buổi trưa, đúng giữa trưa, ông ra bờ ao đi tè. Thấy cái lộc bình rất đẹp, ông nhặt lên ngắm nghía, định đem vào làm lọ cắm hoa. Đột nhiên có con ma thò đầu tròn xoe, đỏ lòm, lè lưỡi doạ ông. Ông cho lộc bình vào chảo rang lên. Lộc bình nóng bỏng, quay như chong chóng. Con ma khiếp quá chui ra lạy ông như tế sao. Ông tha cho con ma, trả lộc bình về chỗ cũ. Rồi đến chuyện ông Lún đi đơm đó trong đêm trăng thấy một người mặc quần áo trắng muốt, tóc đen óng mượt ngồi dưới gốc cây đa đầu làng. Tưởng đó là người thường, ông Lún đến xoa đầu người ấy và hoảng hồn vì cái đầu nũn như đống đậu phụng. Ông vứt cả đó, bỏ chạy thục mạng về nhà đắp chăn kín, rên hừ hừ. Mấy tuần liền sau đó ông bị ốm liệt giường vì hoảng loạn. …

“Quác quác… quác.”

Tôi toát mồ hôi hột bởi tiếng kêu thất thanh, náo loạn ngoài vườn. Biết có chuyện chẳng lành, tôi bật dậy khỏi giường, quên hết những ý nghĩ sợ hãi, chạy ra vườn. Đêm đen đặc. Mọi thứ được dấu kín trong màn đêm. Chẳng nhìn thấy gì sất. Những tiếng vịt thất thanh là cái đích để tôi lao tới. “Bịch”. Đầu tôi va vào cột giàn mướp. Choáng váng, tôi ngã lăn ra nền gạch. Vuốt mặt thấy máu đầm đìa. Tôi đau điếng, nhưng chắc đàn vịt còn đau hơn. Nghĩ thế, tôi vụt chạy vào trong vườn. Những gai táo nhọn hoắt, thâm độc, thi nhau đâm vào da thịt, nhói buốt. Đàn vịt ào lên, xô chạy tán loạn. Quá sợ hãi, chúng không nhận ra tôi. Tôi gọi cúc cúc. Đàn vịt lặng đi, ngơ ngác. Trong đêm, tiếng gọi ấy là tín hiệu duy nhất để chúng nhận ra tôi. Tôi lần mò gỡ cái quây vịt, bước vào giữa đàn, tay vuốt ve từng con an ủi. Cả đàn xúm lại rúc mỏ vào tôi. Tôi vui vì đã đem đến cho chúng một niềm an ủi.

Bỗng tôi rụng rời chân tay. Chân đá phải một cái xác. Là xác một con vịt. Một cái xác không đầu. Sờ tay vào cổ nó, máu mê lai láng. Cách đó vài bước chân, lại một cái xác nữa. Một cái xác không đùi. Sờ tay vào, mau mê cũng lai láng. Thêm một cái xác nữa. Một cái xác còn nguyên vẹn. Sờ tay vào, ruột gan phòi ra bùng nhùng. Lũ vịt đã bị chuột cống tấn công. Tôi lặng đi, không cất nổi tiếng gọi cúc cúc. Đàn vịt cũng lặng đi. Không chú nào lao vào rúc mỏ. Tôi ngồi bệt xuống. Xung quanh là ba cái xác vịt. Tôi oà khóc. Nước mắt chảy vào vết thương, xót đau. Tiếng khóc nức nở trong đêm. Đàn vịt lặng lẽ vây quanh tôi, rồi nằm ẹp, im phắc…

Đột nhiên cả đàn nhớn nhác, rúc mỏ liên tục vào tay tôi. Không thể hiểu được ý đồ của chúng, tôi ngoảnh nhìn xung quanh. Màn đêm vẫn đen đặc. Mọi thứ chìm trong đêm. Lũ vịt càng nhớn nhác. Hay là lũ chuột lại đến rình mò? Phải trả thù cho vịt. Tôi đứng dậy giậm chân thật mạnh. Không thấy một tiếng động. Lũ chuột này thật to gan. Tôi trở ra, vơ lấy cây gậy dùng để chốt quây vịt, rồi mò mẫm xung quanh cái quây. Nếu có va phải con chuột nào thì ra sức mà phang, may ra thì trúng. Đàn vịt xô vào nhau, cất tiếng báo động inh ỏi. Càng nghĩ là lũ chuột vẫn đang rập rình, tôi vừa mò mẫm vừa giậm chân để báo cho lũ chuột biết: “Cứ liệu thần hồn. Tao vẫn còn ở đây.” Khi đến sát cổng quây, tôi rùng mình thất kinh vì động tay vào hai bàn chân người. Tôi rụt tay lại, hét lên: “Ma. Cô Tẹo ơi. Ma trong vườn nhà cô”. Ba chân bốn cẳng, tôi bỏ chạy vào nhà. Gai táo đâm chi chít vào da. Nỗi sợ hãi át đi cảm giác đau. Có tiếng chân người đuổi theo. Nhất định con ma đang đuổi. Tôi thót tim, thở dốc, hồn siêu phách lạc, không thể nhấc nổi chân. Con ma vồ được tôi, ôm ghì. Một tay nó bịt chặt miệng tôi.

Trong nhà, ánh đèn kỳ vụt sáng. Tiếng cô Tẹo the thé, ngái ngủ: “Đứa nào vừa kêu la gì đó?” Tôi muốn gào lên gọi cô, nhưng bàn tay con ma vẫn ghì chặt mồm, không cho tôi nói. Tôi ú ớ ra sức giằng co cố thoát khỏi nó. Hình như cô Tẹo đã nghe thấy, cô không gọi, cũng chẳng quát, lặng lẽ vừa giơ cái đèn kỳ le lói, vừa rón rén từng bước đi về phía tiếng động. Cô Tẹo càng lúc càng gần. Tôi mừng quýnh, mong cô rảo bước. Cô đã đến rất gần. Con ma kéo tôi ngồi thụp xuống. ánh đèn len lỏi vào khu vườn. Đàn vịt lại nháo nhác. Tôi mừng quýnh vì sắp được giải thoát. Cô hỏi: “Có ai ngoài đó không?” Tôi đáp lại nhưng chỉ có tiếng ú ú. Cô Tẹo dừng lại nghe ngóng rồi lên tiếng: “Đứa nào ngoài đó đấy? Sao không lên tiếng?” Rồi cô rảo bước thẳng tới chỗ tôi. Chỉ còn cách tôi ba bước chân, cô sững người hét toáng: “Thằng Ti. Sao mày bắt nạt em?”

Tôi giật mình ngoảnh mặt lại nhận ra con ma chính là thằng Ti. Sao nó lại ra đây? Hay là nó vì ghét tôi mà giết chết ba con vịt trong đêm? Tôi chưa kịp nói gì, thằng Ti đã lên tiếng: “Con thấy nó khóc trong vườn nên chạy ra xem.”

Cô Tẹo hỏi tôi: “Sao cháu lại khóc?” Tôi xụt xịt kể cô nghe về ba con vịt chết. Cô soi đèn vào trong. Tôi và thằng Ti đi theo. Ba xác vịt chết nằm đó. Thằng Ti nheo mắt kinh hãi. Cô Tẹo suýt xoa thấu hiểu:

“Lại mấy con cầy hương xóm nhà này rồi. Hồi trước, nó cắn chết một con vịt nhà cô. Giờ chỉ còn mười con. Sợ nó cắn tiếp, cô nhốt hết vào trong nhà bếp, khoá cửa lại. Vịt nhà mày để ngoài vườn thế này, khó tránh lắm. Mai bố mày sang, cô bàn cách nhốt để cầy hương không cắn vịt.”

Tôi lại khóc, đòi cô Tẹo cho về gọi bố sang ngay. Cô không cho tôi về, doạ rằng bây giờ tôi mà về, cầy hương sẽ lại đến cắn vịt. Nói xong, cô để lại chiếc đèn kỳ trong vườn, bỏ vào trong nhà.

Thằng Ti đứng đó nhìn tôi chằm chằm. Tôi bối rối quay mặt đi. Cô Tẹo giục nó vào ngủ, nó cũng không vào. Một lúc, nó sán lại nắm tay tôi, nhưng không nói gì. Tôi cũng không nói, mặc nó nắm tay tôi vậy. Một hồi nó bảo:

“Vào ngủ tiếp đi. Tao cho mày ngủ trên giường của tao.”

Kể từ ngày thằng Ti giết con vịt què của tôi, hai đứa không hỏi chuyện. Đêm nay, nó chủ động hỏi. Tôi ngượng, chẳng biết làm sao, nhắm mắt nói đại:

“Mày vào ngủ đi. Tao ở lại với đàn vịt. Con cầy hương to lắm. Tao sợ nó quay lại cắn vịt.”

Thằng Ti siết tay tôi, cất tiếng từ đáy lòng:

“Vậy thì tao sẽ ở lại với mày.”

còn tiếp



* Lát chạt là hỗn hợp giữa vôi tôi và xỉ than lò gạch mà người dân quê tôi hay dùng để lát đường đi hoặc làm nền nhà. Khi lát làm nền nhà, hỗn hợp ấy trở nên cứng có màu xám và sáng bóng như vỏ ngoài của lớp sắt tây.

Chương : 1    2    3    4    5    6   7   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1458
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả