Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
799
116.527.568
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 3

3

TAI NẠN SÔNG NƯỚC VÀ BÍ MẬT VỀ CÁ BÒ

 

Kể từ ngày biết bắt tôm, ngoại trừ lúc Bống bị sẩy chân ngã xuống sông suýt chết đuối, cuộc sống sông nước của tôi diễn ra thật êm đềm. Nhưng rồi một hôm, cuộc sống ấy bị xáo trộn bởi một tai nạn không may xảy ra. Khi đang lặn và lần theo đường viền đáy cống để bắt lũ tôm lang thang thì đột nhiên tôi chạm mạnh vào một con cá gì trơn truội. Khi nó vừa vuột khỏi tay tôi thì cũng là lúc tôi cảm thấy buốt chói đột ngột đến tận xương ở cẳng chân phải như có ai cầm chiếc dùi của mấy ông lò rèn đâm hết cỡ vào đó. Tôi bật thẳng người ngoi lên mặt nước. Nhưng tôi chưa kịp duỗi thẳng chân thì nhận liên tiếp hai nhát đâm tương tự ở ngay phía trên nhát đâm ban đầu, tạo thành một chuỗi ba nhát đâm nằm trên một đường thẳng cách nhau vài phân. Tôi hoảng hồn nghĩ đó là con cá ma nên lấy hết sức bình sinh đạp chân thật mạnh cố thoát khỏi mặt nước. Tôi bơi đến đâu, máu loang đỏ chảy ra từ chân đến đó. Đứng trên bờ thấy vậy, Bống kêu thất thanh:

- Chết rồi anh ơi. Chân anh chảy nhiều máu quá.

 

Tôi cắn răng chịu đựng không nói nửa lời nhưng trống ngực thì nghẹn lại. Toàn thân tôi hầu như cố co cứng để phản ứng lại những vết thương đột ngột và nhức nhối đến kỳ lạ. Vừa đặt chân lên bờ, tôi giật tung chiếc quai giỏ, vứt nó ở lại, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà lấy chiếc áo mưa của bố đang phơi trùm kín đầu rồi lăn vào chiếc giường một tiêu điều dưới bếp, mặc Bống bơ vơ với chiếc giỏ méo mó và chiếc sà cạp quen thuộc. Bống

không hiểu chuyện gì đã xảy ra với tôi nên vừa mếu máo, vừa vác hai thứ đồ quen thuộc lếch thếch chạy về nhà tôi xem sự thể ra sao.

 

Khi mẹ và Bống xuống bếp thì tôi đang rên hừ hừ, mồ hồi toát ra như tắm. Máu chảy lai láng trên chiếu và dây cả sang chiếc áo mưa. Thấy thế, mẹ lấy chiếc xà cạp khô đang treo trên giây phơi trong bếp, ấn vào những chỗ đang chảy máu định nặn hết chỗ máu còn sót lại. Nhưng tôi gào lên như điên dại vì đau buốt buộc mẹ buông tay và gặng hỏi vì sao lại ra nông nỗi ấy. Tôi không tả lại được, chỉ nói:

- Con gì nó đâm con từ đáy sông. Thấy lạ, mẹ tôi ngờ vực hỏi Bống:

- Cháu có thấy ai làm gì thằng Tung nhà cô không?

Bống lắc đầu ấp úng:

Cháu chỉ thấy tự nhiên anh ấy gào lên, và đạp chân mạnh trên mặt sông. Máu đỏ cứ thế chảy ra ở chân anh ấy làm cháu sợ thét lên.

Mẹ thất sắc vì lo lắng trong khi tôi cứ rét run cầm cập. Bao nhiêu quần áo, chăn chiếu cũng không làm tôi ấm lên được. Mẹ lấy một chậu nước muối đem vào rửa qua vết thương rồi rịt mấy mồi thuốc lào cầm máu. Tôi vẫn rét run còn mẹ vẫn thỉnh thoảng lại gặng hỏi Bống xem điều gì đã xảy ra với tôi. Có lúc mẹ còn buột miệng nói hay bị con chó nhà nào cắn. Thấy Bống cứ ấp úng chẳng biết nói năng ra sao, tôi định đỡ lời nhưng rét và đau quá nên không thể nào tả lại được.

 

Mấy ngày tiếp theo, tôi vẫn cứ hừ hừ rét và sốt cao hơn. Vết thương đã sưng đỏ căng mọng liên kết với nhau tạo thành một dải đỏ ửng nóng bỏng như quả cà chua chín phơi nắng. Thấy chuyện không ổn, mẹ đưa tôi lên trạm xá khám bệnh. Không xong rồi, sau khi khám xong, cô y sĩ nói với mẹ vẻ lo âu:

- Nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Chúng tôi không biết do đâu cháu bị thế này, nhưng rất có thể sẽ bị viêm xương và phải cưa chân.

Mẹ rơi nước mắt sụt sùi:

-  Cô ơi. Tôi lạy cô. Cô thương cháu. Nó còn bé dại lắm. Cô cố gắng cứu chữa cho cháu để cháu còn đôi chân đi học. Cô đừng cưa chân cháu.

 

Nghe mẹ tôi van xin, nước mắt tôi trào ra. Lòng tôi nghẹn lại, và một cảm giác đau nhức từ những vết thương đột ngột tăng mạnh làm tim tôi cũng nhói đau. Nỗi sợ hãi bị cưa chân càng lúc càng tăng và tôi tuyệt vọng.

Lời van xin của mẹ xem ra có hiệu nghiệm. Nhìn lại vết thương của tôi, nheo mắt một lúc như để cố suy nghĩ về một giải pháp nào đó, cô y sĩ quay lại an ủi mẹ tôi:

- Bây giờ muốn cháu không bị cưa chân, chị phải cho cháu nằm lại đây để tiêm pê ni hai mũi một ngày. Chị muốn đi làm gì thì làm nhưng trưa và tối phải ở đây với cháu và cho cháu ăn uống. Chúng tôi có giường để cháu nằm. Nhiễm trùng nặng như thế này nhất định phải nằm lại. Về nhà thì ông tướng này chẳng chịu yên một chỗ đâu.

Tôi nào có biết pê ni là gì nhưng nghe cô y sĩ nói tiêm thuốc ấy sẽ không phải cưa chân nên cứ giục mẹ đồng ý cho tôi ở lại bệnh xá.

 

Tôi nằm lại điều trị. Mẹ ở trạm xá với tôi tranh thủ đan võng kiếm tiền, còn bố đi làm đồng đến trưa và tối thì dẫn các em đến thăm và mang cơm cho mẹ con tôi. Bống thì ngày nào cũng đến nhưng không dám vào trong bệnh xá mà chỉ thập thò ngoài cửa sổ vì sợ mẹ tôi (thực ra mẹ tôi chẳng bao giờ mắng Bống cả. Nhưng không hiểu sao cô bé cứ sợ mẹ tôi như chuột sợ mèo). Tại bệnh xá, mỗi ngày tôi chịu hai mũi tiêm buốt đến tận xương tuỷ. Lần đầu tiên kể từ khi ý thức được sự tồn tại của tôi trên đời, tôi mới biết thế nào là đau đớn do mũi tiêm pê ni. Chả thế mà mấy bà hàng xóm vẫn kể với nhau là tiêm pê ni buốt lắm, có người còn chết ngất đi vì đau quá. Bống thương tôi nên cứ đợi đến khi trong phòng bệnh không có ai, là lại thò đầu từ ngoài cửa sổ ra hiệu cho tôi vén tay lên để xem chỗ bị tiêm. Thỉnh thoảng Bống bảo tôi chìa hẳn chỗ tiêm ra ngoài cho Bống xem rồi thổi phù phù vào đó như để xoa dịu nỗi đau trong tôi. Một lần khi Bống đang say sưa thổi vào chỗ tiêm thì cô y sĩ bắt gặp quát um lên:

- Con kia, mày muốn nó bị cưa tay hay sao mà lại chõ mồm vào đó mà thổi. Nó mà bị áp xe thì nó phồng lên như

cái bát. Lại mổ. Không mổ được thì cưa tay.

 

Bống nghe vậy khiếp quá, bỏ chạy và từ đó không bao giờ dám bảo tôi đưa tay ra ngoài để thổi nữa. May quá khi đó mẹ tôi ra ngoài, chứ nếu không thì lộ hết mọi chuyện. Nhưng không vì cô y sĩ quát mắng mà nản. Hàng ngày Bống vẫn đến bên cửa sổ để nói chuyện cho đỡ buồn và cho tôi hai quả khế chua của nhà mà những lần đi bắt tôm Bống vẫn đem cho tôi ăn. Sợ mẹ biết chuyện, nên ngay cả những quả khế Bống cho, tôi cũng phải cất giữ kín đáo dưới chiếc khăn tay ở đầu giường. Mỗi lần mẹ đi rửa bát hay đi đâu đó ra ngoài, tôi mới đưa lên miệng cắn lấy cắn nể cho bõ cơn thèm.

 

Đã hơn một tuần mà chân tôi vẫn sưng tấy. Giờ đây nó không còn đỏ ửng nữa mà chuyển thành màu xanh đục căng bóng như đang chứa hàng ổ mủ bùng nhùng ở dưới. Lúc đến khám, cô y sĩ ấn ấn tay vào chỗ sưng như nắn soài và nói với tôi giọng như đùa:

- Chuẩn bị lên bàn mổ nhé.

 

Chết thật, mới hôm nọ cô bảo tiêm mỗi ngày hai mũi thì thôi không cưa chân cơ mà. Sao nay cô lại nói vậy, thế là sao nhỉ. Tôi gọi mẹ thật to để mẹ vào bắt đền cô ấy. Nhưng mẹ lại vừa về nhà lấy cơm cho tôi vì hôm nay bố đi họp xa nhà. Tôi khóc vì đinh ninh lần này sẽ không còn chân để đi bắt tôm nữa. Vừa thấy mẹ chân thấp chân cao bước lên thềm cửa, tôi nhổm dậy mặc kệ cái chân phải bị chấn động nhức nhối và gọi thật to:

- Mẹ ơi! Người ta sắp cưa chân con rồi. Mẹ cứu con với. Đừng để họ cưa chân con. Con muốn còn chân để đi bắt tôm.

 

Mẹ chạy vào ngồi xuống bên tôi, mắt đỏ ngầu như muốn khóc, vỗ về an ủi:

- Con ạ. Các cô ấy không cưa chân con đâu. Con vẫn còn chân để đi bắt tôm và đi học. Bây giờ con lên bàn để các cô ấy chích mủ. Chích xong là sẽ khỏi. Không chích thì sẽ phải cắt chân.

 

Ra là cô y sĩ đã nói với mẹ tôi hết thẩy. Thế mà mẹ chẳng hề nói gì với tôi cả. Nhưng giờ nghe mẹ nói ân cần, tôi yên tâm để mẹ bế lên bàn chờ cô y tá chích mủ.

 

Mấy ngày nay tôi mới chỉ nhìn thấy bơm tiêm, lọ thuốc, cái kéo và nồi nước luộc bơm tiêm. Hôm nay khung cảnh thật khác lạ. Cô y sĩ và một người giúp việc quấn khăn trắng kín mặt, chỉ để hở ra đôi mắt, lại còn xoa cái bột gì trắng như phấn lên tay và huơ huơ con dao trắng toát nom ớn lạnh đến dựng cả tóc mai. Tôi nhắm mắt lại vì sợ hãi và cảm thấy có bàn tay ai đó giữ thật chặt hai chân tôi, ghì xuống chiếc bàn tôi nằm. Rồi tôi cảm nhận được mũi dao sắc lạnh bắt đầu chạm vào vết thương, nhẹ nhàng mơn trớn trên mặt da như dò tìm chỗ nhiều mủ nhất. Rồi bục một cái, mũi dao đã chọc xuyên lớp da để ổ mủ căng mọng bung ra. Tôi không thấy đau đớn gì cả mà chỉ thấy có gì đó hâng hẫng nơi vết thương. Tôi tự nhủ, chích mủ mà không đau thế này thì thà họ chích luôn cho mình từ trước còn hơn và mở mắt thở dài nhẹ nhõm. Vừa lúc đó, tôi nghe cô y sĩ ra lệnh cho người giúp việc:

- Đem hộp bông khô lại đây.

 

Người giúp việc chạy lại chiếc tủ lấy hộp bông trắng  muốt ra, đoạn nói:

- Khéo mủ của thằng này chả tốn đến cả hộp bông chứ chả chơi.

Cô y sĩ không nói gì, lặng lẽ vê một nắm bông, đặt xung quanh vết thương rồi lấy hai ngón tay ấn liên tục vào chỗ vừa bị bục để lấy mủ ra. Tôi đau đớn, nhăn nhó, ra sức giẫy đạp nhưng toàn bộ hai chân đã bị cô giúp việc ghì chặt còn hai tay thì bị mẹ tôi giữ chặt. Giãy giụa cũng chẳng ích gì trong khi các cơn đau cứ dồn dập hoành hành theo nhịp ấn tay của cô y sĩ. Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ giàn giụa. Có lẽ khi đau quá, người ta cũng rơi nước mắt như vậy, rồi tôi vô hồn nhìn ra bốn phía cố tìm kiếm một cái gì đó cho giảm cơn đau.

- Kìa, Bống. Ôi Bống thật rồi. Bống cũng đến với người ta sao.

 

Tôi reo thầm trong bụng khi nhìn thấy Bống thập thò ở ngoài cửa sổ, ngó vào, dõi theo từng động tác của mấy người và chắc cũng là để động viên tôi nữa. Bắt gặp ánh mắt tôi, cô bé nhoẻn miệng cười để lộ mấy chiếc răng xỉn do suốt ngày ăn chuối xanh nhưng rất duyên rồi lúi húi như đang cố lục lấy thứ gì trong túi áo và giơ ra hai quả khế xanh óng, chắc vừa hái từ cây xuống. Lại khế chua rồi. Nước miếng tôi trào ra. Càng nuốt nước bọt vào trong, thì miệng tôi là càng ứa nước.

 

Như thường lệ, nếu không thấy mẹ tôi, Bống thường giơ một quả qua khe cửa sổ để hai đứa cắn chung. Miếng khế đầu tiên vào mỗi buổi sáng bao giờ cũng là miếng khế thơm ngon nhất. Bàn tay bé nhỏ của Bống cầm vào phần cuống, nhẹ nhàng đưa quả khế xanh biếc to như quả trứng vịt bầu vào miệng tôi chứ nhất định không để tôi tự cầm khế ăn và nói như làm nũng:

- Ứ, anh cắn trước đi rồi đến lân em.

 

Bống lại nhoẻn miệng cười rõ tươi, hồn nhiên, và thật ngọt ngào chứ không chua đậm như quả khế đang trong tay Bống. Tôi làm một miếng rõ to choán phân nửa quả khế, nghe rào rào, nước khế trào ra cả hai bên mép. Vừa cắn vừa day một hồi mới cắt hết miếng khế đưa vào miệng nhai. Ôi. Chua thật. Nước khế của Bống mà vắt vào mắm tôm để chấm ốc thì chả có loại mắm nào là không sủi bọt. Đối với người khác, khế nhà Bống là chua gắt nhất làng nên họ chỉ dùng nấu cá, nấu cua hoặc pha nước chấm ốc thôi chứ mấy ai dám cắn răng vào. Chẳng thế mà có mấy người ăn thử khế nhà Bống và đồn nhau ầm ĩ rằng “chua vãi cả đái ra” là gì. Nhưng đối với tôi, sao những quả khế ấy lại chua dịu và mát đến lạ thường. Tôi chả hiểu sao, hay là ngưỡng chịu chua của tôi cao hơn nhiều so với người khác. Mà chắc không phải. Bống cũng cắn những miếng khê to như miếng của tôi. Cũng phùng mang trợn mắt nhai khế rau ráu chứ có kém gì.

 

Chỉ độ hai ba lần cắn chung là quả khế dù to mấy cũng đi bay. Ăn hết quả thứ nhất, Bống thường hỏi:

- Anh có thích khế của em không?

 

Quả thực đối với tôi, không có khế nhà ai lại ngon như khế của Bống nên tôi chẳng tiếc lời khen:

- Khế của Bống ngon lắm. Người ta thích lắm. Mai Bống lại đem cho người ta hai quả to nữa nhé. Rồi chúng mình lại cắn chung nhé.

 

Xong, Bống mới giúi quả khế còn lại vào tay tôi và chạy miết để lại một cảm giác hơi trống vắng trong tôi giữa căn phòng khám hiu quạnh sặc mùi thuốc Tây và những thứ bông gạc dây máu mủ tanh nồng. Đó là những lúc cùng Bống ăn khế chay, tức là không có đồ chấm. Đôi khi Bống còn cầm theo một túi bóng mắm tôm để chấm khế. Lúc đó thì mới gọi là ngon tuyệt cú mèo. Vị mặn đượm đà và mùi thơm đặc trưng của mắm tôn trộn lẫn với vị chua của khế làm nên một món khoái khẩu mà cả đến chục năm nay tôi chưa có dịp thưởng thức lại.

 

Hôm đó, cảm giác thèm khế và niềm hân hoan khi nhìn thấy Bống thập thò ngoài cửa sổ với những nụ cười thật duyên và hai quả khế chua trên tay làm tôi lãng quên những cơn đau đang hoành hành dưới tay người thợ mổ. Nhờ có Bống mà cuộc mổ qua đi nhanh chóng. Lúc người ta nặn mủ cho tôi xong thì cũng là lúc tôi thấy bóng Bống vụt thoát khỏi tầm mắt, ẩn vào bức tường trắng xám nham nhở đang vây kín lấy cái phòng mổ hôi hám ngột ngạt.

 

Cô y sĩ thở dài một cái như trút hết được gánh nặng gì đó ra ngoài, đoạn sai người giúp việc và mẹ khiêng tôi trở lại giường. Tôi không còn cảm giác đau đớn căng tức ở chân mà như có cái gì gai nhột nơi vừa được chích mủ. Lúc này đây tôi nghĩ nhiều đến hình ảnh của Bống và hai quả khế bên cửa sổ. Tôi chỉ mong sao Bống tìm cách vứt lại hai quả khế cho tôi rồi hãy bỏ về. Hôm nay không có khế của Bống, chắc tôi chịu không nổi. Khi mẹ và cô giúp việc đặt đầu tôi vào chiếc gối đầu giường, tôi có cảm giác có hai cục gì cồm cộm, xù xì dưới gối. Nghĩ bụng chắc đó là hai quả khế Bống cố tình để lại, tôi nở một nụ cười trước sự ngạc nhiên của mẹ và cô giúp việc. Hai người nhìn nhau vẻ hài lòng rồi đi ra ngoài vô tình dành cho tôi một khoảng riêng tư cần thiết để lấy hai quả khế ra ngắm nghía. Vừa định đưa vào miệng cắn miếng sở trường thì mẹ tôi quay vào cầm trên tay một cốc nước đường còn đang bốc khói. Mẹ cúi xuống định đỡ lưng tôi dậy cho uống nước đường nhưng tôi ngăn lại:

- Mẹ để tí nữa con uống. Bây giờ con không khát. Hôm nay bố đi họp rồi. Mẹ về nhà cho các em ăn đi.

Từ trước đến giờ, bao giờ tôi cũng uống ngay và chưa bao giờ tôi lại nói với mẹ với vẻ người lớn như vậy nên mẹ lấy làm lạ:

- Vừa mổ xong, uống đi cho lại sức con. Hay hôm nay có chuyện gì, nói mẹ nghe xem nào.

Quả thật, lòng tôi vui lắm nhưng không dám hở ra với mẹ. Mẹ mà biết Bống đến thập thò ở cửa sổ và lại còn mang khế cho tôi thì chắc sẽ không cho tôi chơi với Bống nữa. Vậy tôi sẽ rất buồn và Bống cũng sẽ rất buồn. Nghĩ thế, tôi đánh trống lảng:

- Mẹ mới mua đường hay vay của nhà ai vậy? Chốc nữa con uống hết cốc này thì mẹ lại pha cho con cốc khác nhé?

Đó mới là câu hỏi mẹ tôi mong đợi từ đứa con nũng nịu nên vui vẻ mắng yêu tôi như mẹ vẫn làm:

- Bố anh. Mãi vẫn chưa bỏ được tính no bụng đói con mắt ấy. Bà Tí đặt tên là Tung thật chẳng sai.

Nói rồi mẹ vơ lấy rổ bát sắt tây đi ra phía cửa để về nhà. Tiếng loảng xoảng leng keng của chồng bát đũa cứ thế theo chân mẹ xa dần rồi mất hút trả lại cho tôi khoảng tĩnh lặng và một thế giới rất riêng cùng hai quả khế và hình bóng hồn nhiên của Bống trong tâm trí.

Đang ôm gối hồi tưởng lại hình ảnh tươi vui hồn nhiên của cô bé hàng xóm thì những tiếng gọi líu lô nghe câu được câu chăng của một ông ngọng sồng sộc chạy vào phá tan khoảng riêng trong tôi:

-Ô i á âu ồi. Au a ây ứu ằng on ôi ới. Ó ị ốt uốt êm oa ến ờ. Ẹ ó ấp ước ái ò ên án ó ãi à ũng ông ăn ua. Ỉ ó ô ới ứu ược áu ôi.

 

Tôi tạm dịch lại đoạn ông ấy muốn nói như sau: “Cô y tá đâu rồi. Mau ra đây cứu thằng con tôi với. Nó bị sốt suốt đêm qua đến giờ. Mẹ nó đắp nước đái bò lên trán nó mãi mà cũng không ăn thua. Chỉ có cô mới cứu được cháu thôi.” Vừa nói, ông vừa lao vào buồng trong lùng xục kéo được cô y sĩ ra mới chịu. Nhìn ông này dữ dằn, miệng thì méo sệch, môi bị lẹm ở đoạn giữa như có ai nhỡ tay cắt mất một miếng, răng thì vàng kệch do hút thuốc lào, mặt thì đen nhẻm như trát nước than, trán dô lồi như hũ mắm tép, hai gò má gồ lên như hai cái chuông xe đạp, mũi tẹt dí và dăn dúm như quả cà muối bị nén vội, cằm nhọn hoắt chìa ra vạy sang một bên làm cho cả nét mặt ông khô quắt, nom như chiếc lưỡi cày bị người ta làm dối. Cô y sĩ bối rối trước sự đường đột và xô bồ của ông ta nhưng vẫn theo ra đo nhiệt độ và đặt thằng bé chừng sáu tuổi xuống chiếc giường song song với tôi chờ làm thủ tục.

Ông ngọng thao láo nhìn tôi từ đầu đến chân khiến ánh mắt tôi phải tránh đi chỗ khác. Tôi sợ ông ấy. Tiến sát lại phía tôi và ngó nghiêng xung quanh chỗ chân bị sưng của tôi, ông ta tò mò hỏi:

- Mày bị làm sao thế cu?

 

Tôi cố gắng hiểu câu hỏi của ông như vậy và lắp bắp từng từ kể lại từ đầu câu chuyện diễn ra như thế nào dưới đáy sông. Vừa mới đến chỗ tôi tự nhiên thấy có con gì trơn trượt và cảm thấy đau buốt cẳng chân thì ông ấy vỗ đùi đánh đét mở miệng tuôn ra một tràng chẳng đâu vào đâu. Nhưng tôi cố gắng nghe và tạm dịch lại là:

-Đéo mẹ, thế thì giống hệt tao mấy năm trước, đi chài lưới bị giắt lưới vào hòn gạch ở cống Quán Tính. Tao xuống mò bị một con cá bò lao lên đánh bốn nhát liền vào vạng mỡ. Bị mưng mủ, sốt run cầm cập. Ốm tưởng chết. Chỗ nó đâm mưng mủ thối lắm. Ruồi nhặng thi nhau bâu vào hút mủ. Tao cứ để cho nó hút. Lúc nó hút tao thấy nhôn nhốt sướng lắm. Chứ nặn mủ thì đau chết. Giờ thì khỏi rồi nhưng còn đống sẹo.

Tôi thấy ông ta nói đó là do cá bò đánh, tôi mới gặng hỏi:

- Thật là cá bò hả bác? Sao bác biết đó là cá bò? Ông ta lại tuôn ra một tràng nữa:

- Mày còn bé không biết là phải rồi. Tao đã mấy chục năm làm nghề đánh cá dưới sông. Giống cá bò là hay bám trên thành cống. Hễ động mạnh vào thân nó là nó bao giờ cũng phóng từ dưới đáy phóng lên dọc theo những gì nó có thể bám và leo lên được. Nó thường xoay tròn người và đâm vào bất cứ chỗ nào nó chạm phải. Hễ nó đã đâm ngạnh vào chỗ nào, là y rằng nó sẽ đâm tiếp theo vài nhát nữa.

 

Ra vậy. Cái giống cá bò thật hung hăng, đâm gì mà đâm ghê thế cơ chứ. Nhưng sao ông ấy đã bao nhiêu năm đánh cá rồi mà mấy năm trước vẫn bị cá bò đánh thảm hại vậy nhỉ? Tôi tự hỏi vậy và thấy ớn cá bò quá. Quả là không dễ chơi với giống cá này. Nói thêm một chút về giống cá này. Nó có ba ngạnh lớn. Hai chiếc ở hai bên mang rất cứng và luôn chĩa ra để tự vệ. Lưng nó có thêm một chiếc ngạnh lớn hơn, luôn dương lên như một mũi chông. Con thường nặng độ 3-4 lạng. Con lớn có khi cũng phải đến một cân. Sau này lớn lên biết thêm về loài cá mập, tôi thấy giống cá bò đồng quê nom y chang loài mập biển chỉ có điều khác là cá bò thường có màu vàng óng kiểu như da bò tươi. Có lẽ vì thế mà dân quê tôi gọi là cá bò. Ngay cả lúc nó chưa tấn công nhìn nó đã hung tợn. Nay nghe ông ngọng nói, lúc nó xoay mình lắc ngạnh thì không biết hung hãn đến mức độ nào.

 

-Thế khi gặp cá bò phải làm gì mới không bị nó đánh hả bác?

Tôi háo hức hỏi bác ngọng. Nheo mày nhìn tôi vẻ hơi ái ngại, bác ngọng lại trả lời làm tôi phải căng tai ra mới hiểu:

-Thằng này lại muốn đi bắt cá bò phỏng. Không sợ bị cá bò đánh sao?

Tôi lập tức trả lời:

- Không ạ. Bác cứ dạy cháu đi. Lần sau gặp, cháu nhất định bắt được cá bò.

Rồi bác ngọng thao thao bất tuyệt:

- Giống này hung hăng nhưng lại thích được vuốt ve, chiều chuộng. Chạm mạnh thì nó phóng và phản công. Nhưng nếu mân mê mang tai nó rồi vuốt nhẹ vào góc ngạnh của nó thì nó sẽ nằm ì ra. Lúc đó chỉ cần bất ngờ chịt mạnh vào hai góc ngạnh là nó cứ để im cho mà nhấc lên. Đừng có dại mà động vào râu nó. Giống này cứ bị chạm vào râu là nổi giận. Nếu vô tình động vào râu cá bò thì khó thoát lắm. Đợt trước cũng vì không may động vào râu một con bò cỡ một cân, chưa kịp xoay tay chộp vào mang tai nó thì đã bị nó tấn công liên hoàn rồi. Bây giờ nghĩ đến cảnh chạm trán với cá bò, tao hãi quá. Thà tóm được vài con rô con giếc, còn hơn là được một con cá bò rồi ốm vài tháng trời.

 

Chưa để tôi kịp hỏi gì, bác lại nhắm mắt nhắm mũi, khuơ chân múa tay nói luôn như sợ ai đó nói hết phần mình:

- Nhưng mà cũng may, giống táo tợn này chỉ thường ăn cáu cống và hay đi một mình, nên ít khi gặp phải nó. Ở những chỗ có nhiều bùn lầy, nó không có chỗ dựa để đánh liên hoàn được. Nếu có đánh trúng người, thì cũng chỉ được một nhát là cùng, và cũng nông lắm nên vết thương thường rất chóng khỏi.

 

Tôi biết thêm rất nhiều về cá bò qua câu chuyện với bác ngọng. Trông bác cau có và dị tướng thế mà lại rất cuồng nhiệt trong khi giảng giải cho tôi về những đặc tính của loài cá này. Toàn những điều mới lạ chưa ai từng nói với tôi cả. Suốt ngày hôm đó, tôi chỉ nghĩ về cá bò và ao ước tận tay bắt được một con theo cách bác ngọng chỉ bảo. Đang là nạn nhân của cá bò đánh, nhưng tôi vẫn tin một ngày nào đó sẽ chinh phục được loại cá bất nhân này.

Buổi sáng cuối cùng tại bệnh xá, tôi đem chuyện cá bò kể cho Bống nghe khi cô bé mang khế và gói mắm tôm đến cho tôi như thường lệ. Bống nghe lạ lắm, mắt tròn mắt dẹt dõi theo từng tình tiết trong truyện tôi kể và ao ước được cùng tôi đi chinh phục cá bò. Tôi nửa đùa nửa thật nói với cô bé:

- Nhất định người ta sẽ cho Bống đi bắt cá bò để trả thù cho mối hận này.

Chắc Bống biết tôi đùa nên cũng đùa theo:

- Em cũng rất muốn được trả thù cho anh.

 

Rồi chúng tôi bắt tay nhau thật chặt qua khung cửa sổ. Đây là lần đầu tiên tôi nắm tay Bống. Bàn tay cô bé gầy gò với những ngón tay rất nhỏ, vương đầy nhựa chuối, thỉnh thoảng lại gồ lên một chút do những vết sẹo thái rau và đẽo cù để lại. Hai gò má Bống ửng hồng bối rối, ngượng ngùng để ánh mắt nhanh nhẹn và hồn nhiên không dám nhìn thẳng vào tôi nữa. Tôi thì chẳng thấy gì là bối rối cả. Trong tôi lúc đó tràn đầy quyết tâm bắt bằng được cá bò để thoả chí tò mò về một loại cá rất gần gũi với đồng quê nhưng lại hung hãn như thứ cá mập ngoài khơi vậy. Tự nhiên Bống rụt tay lại một cách yếu ớt nửa như muốn rút khỏi bàn tay tôi, nửa như cứ muốn được tôi giữ vậy, mãi mới nói lên lời:

 -Em phải về rút rạ nấu cơm cho bu đây. Anh ở lại chiều về nhé.

Thật chẳng ra sao, tôi nào có hiểu ý Bống muốn gì nhưng thấy Bống nói vậy là lập tức buông tay ra để Bống lon ton chạy một mạch khỏi tầm kiểm soát của ngôi nhà không hề ngoái đầu trông lại.

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1574
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả