Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
539
115.980.353
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 8

8

THAM THÌ THÂM

 

Danh hiệu thần đồng bắt cá tưởng như đã bị người ta lãng quên thì mùa xuân lại đến, thôi thúc dân làng trẩy hội câu tôm. Tết đến, xuân về. Mưa phùn triền miên. Cây cối lại đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở. Nhưng trời thì vẫn rét đậm, lòng mương đã hết cá, nước sông thì lạnh cóng nên chỉ có người điên mới lặn ngụp dưới sông hoặc ra mương mà mò tôm cá. Sau Tết là thời gian nhàn rỗi nhất trong năm. Nếu ai không đi chơi hội (đánh cờ, gà chọi, vật) thì cũng vác một mớ cần câu làm bằng tre mềm hoặc gắn cậng dừa để đi câu tôm. Tôi và Bống cũng sắm một bộ như vậy theo gót các liền anh liền chị tới những đoạn sông màu mỡ và những ao cá công cộng đáp cám thả cần.

Còn nhớ hồi đó gần nhà chúng tôi có một ao cá rất to gọi là ao trạm xá, rộng hàng mẫu được thả đủ loại cá. Ở đoạn cuối ao nơi gần những ngôi nhà dùng để khám bệnh có một góc nước khá nông, do trước kia người ta chưa đào hết nên cỏ mọc um tùm. Chỗ đó trông giống như rừng năn ở đầm cai học nơi mà chúng tôi đã từng bắt được con ba ba. Đó là cái ao mà chúng tôi thường đến để câu tôm nhất.

 

Sẽ chẳng có gì đặc biệt ngoài những bát tôm câu được nếu như không có một ngày trở trời đánh thức tôi và Bống dậy từ thật sớm để ra ao trạm xá nhận chỗ. Trời hôm đó đẹp lắm. Nắng ban mai ửng hồng trải dài trên khắp làng quê, rọi lên những khuôn mặt hồ hởi của các bà các chị đang í ới gọi nhau đi cào cỏ cắt đứt một chuỗi những ngày mưa phùn nhày nhụa và ảm đạm của làng quê vốn rất bình yên. Hai đứa vừa đi vừa chạy ra phía ao cá để cố là người đầu tiên buông cần vào những nơi người ta thường câu được nhiều tôm. Mới cách bờ ao độ vài chục mét, chúng tôi đã nghe những tiếng thùm thùm rồi sành sạch như có người đang tắm hay bơi lội gì đó trong ao.

-Quái lạ! Mới sáng sớm ngày ra mà đã có ai đi tắm vậy nhỉ.

 

Tôi nói với Bống vẻ ngờ vực. Những âm thanh rõ mồn một cứ mỗi lúc một gần làm tôi thật ngạc nhiên nhưng vẫn rảo bước kéo tay Bống đi về phía ao.

Tới bờ ao, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi những âm thanh đó lại phát ra từ những đám nước bắn tung toé và di chuyển rất nhanh ơ phía đám cỏ cuối ao.

 

Thì ra không phải có người tắm mà là có đàn cá gì đó rất to đang lao phóng như điên trên đó.

Chúng tôi vứt bỏ cần câu, chạy lại phía đó. Cả hai há hốc mồm khi nhìn thấy những con cá mu lưng đen xì, bụng trắng như bạc quằn lên, quặn xuống, phóng vô phương hướng trong đám cỏ tranh. “Cá chép đẻ!”- Tôi thốt lên, rồi nhảy ùm xuống ao, mặc nước bắn tung toé, ướt hết quần áo lao thẳng vào chỗ những con chép đang động cỡn đưa tay vồ chụp. Bống đứng trên bờ nín thở dõi theo đàn cá lạ và những động tác vụng về của tôi. Lạ thay, lũ chép không chạy đi mà cứ thế húc như điên vào chân tay tôi như chọc tức. Tay tôi chụp liên tục nhưng vừa động được vào cá thì nó lại đánh nhoằng vụt mất. Tôi cảm thấy bất lực vì hai bàn tay quá bé và yếu ớt nên không thể nào vồ được những con cá to như thế. Mỗi lần vồ hụt lại một lần tôi suýt xoa vì tiếc của giời. Không ngờ, một con chép thật to bất thình lình lao vào giữa khe chân tôi rồi bị kẹt lại đó. Tôi khép chặt hai chân lại và dùng hết sức lấy tay bóp vào mắt và mồm chép lôi nó lên bờ. Cứ thế, đến khi đàn cá phát hiện ra là đang gặp nguy hiểm thì tôi đã bắt được năm con chép to bự. Hai đứa nhìn nhau vui mừng khôn xiết. Nhưng thật khổ cho những con chép bụng đầy trứng, hôm nay trở trời đi đẻ, không may lại bị tôi bắt được giờ đang tuyệt vọng nằm đó ngáp ngáp mặc cho

những cái dây trong suốt lòng thòng dưới bụng đang đẩy những đụn trứng ra ngoài.

 

Bắt được những năm con chép bự đời, hôm đó chúng tôi chẳng cần câu tôm nữa mà cứ thế bỏ áo ra gói cá vác về. Vừa đi hai đứa vừa cười nói bô bô vẻ rất mãn nguyện, gặp ai cũng giở cá chép ra khoe. Thế là câu chuyện được người ta thổi phồng trong cái làng vốn chật ních người, khơi dậy sự tò mò và ham muốn của cánh thợ câu tôm. Nhiều cao thủ câu tôm tìm đến chúng tôi hỏi tỉ mỉ về việc bắt cá, bỏ câu tôm mấy ngày liền để ra ao trạm xá câu chép đẻ. Một số người khác không có lưỡi câu chép nên vẫn tiếp tục đi câu tôm nhưng cố rủ chúng tôi đi cùng hy vọng sẽ lấy được may mắn từ hai con rái cá nhỏ tuổi này.

 

Trong làng hồi đó có anh Thũn, con bác Thi, còn gọi là Thũn Thẹo vì anh ấy bị bỏng ở góc mắt, thẹo sần sùi co kéo làm méo cả mặt đi. Anh ấy hơn tôi bốn tuổi và nổi tiếng là người khôn ngoan. Trong khi những thợ câu tôm khác rủ tôi đi đến những ao cá công cộng để câu và nhường cho chúng tôi  những chỗ câu tốt nhất, thậm chí có người còn cho chúng tôi cả những chiếc lưỡi câu, thì anh Thũn lại có cách rất khác. Tối hôm đó, anh đến trước cổng gọi tôi ra ngoài thủ thỉ về một cái ao cấm của hợp tác xã nằm trong khu nuôi lợn. Anh ấy nói, đó là cái ao có lắm cá nhất trong xã, chưa ai câu cả, đến đó không những câu được tôm mà còn có cả rô phi nữa. Anh dặn tôi là phải giữ bí mật, không được cho ai biết, rồi cho tôi ba lưỡi câu tôm sáng choang, rất sắc, chắc anh ấy vừa uốn hôm trước. Tôi sướng rên lên vì sờ tay vào mũi lưỡi câu thấy bắt chặt vào da thế này thì chẳng con tôm nào có thể thoát được khi đã cắn mồi. Tôi gật đầu nghe theo anh Thũn sáng mai sẽ đi câu trộm. Trước khi về, anh ấy còn dặn là đi câu trộm nên chỉ đi một mình và không được mang theo giỏ. Thấy anh không nói gì đến Bống, tôi lên tiếng:

- Nhưng anh phải cho cả Bống nhà bác Khang đi nữa. Không có Bống, em sẽ không đi đâu.

Nghe tôi nói cho cả Bống đi, anh Thũn có vẻ ái ngại, nói giọng to nhỏ ra vẻ rất quan trọng:

- Đây là đi câu trộm. Mày mà cho con Bống đi thì dễ lộ lắm. Nó mà bắt được thì nó trừ thóc của bố mày đấy.

Nói đến đoạn trừ thóc của bố thì tôi rất sợ. Nếu vậy thì lại bị bố đánh đòn nữa, nên tỏ vẻ lo lắng:

- Vậy em sợ lắm. Thôi sáng mai anh đi câu một mình đi. Em đi câu với Bống ở ao trạm xá thôi. Nếu họ phạt thóc bố em thì em cũng bị đòn.

Anh Thũn chắc thấy nói bị hớ nên tìm cách chữa lại:

- Nói thì nói vậy chứ tao làm gì để mày bị bắt. Yên tâm đi. Mai vẫn cứ đi nhé.

Tôi vẫn ngần ngại, chưa thể dứt khoát thì anh Thũn lại nói tiếp:

-Thôi thế này. Mai cho cả cái Bống đi nữa. Tao sẽ cho mày thêm ba chiếc lưới câu nữa để mày buộc vào cần câu cái Bống.

 

Vừa nói, anh Thũn vừa dỡ cái bao diêm Thống Nhất chứa đầy những lưỡi câu to nhỏ đủ cỡ lấy ra ba chiếc lưỡi câu tôm đen ngòm đã được lau luyn bóng loáng. Nom chúng đẹp hơn những chiếc lưỡi câu vừa nẫy anh cho tôi. Sờ vào cũng bắt như thế. Tôi nghĩ, chắc đó là những lưỡi câu rất quý anh ấy đi mua chứ không phải là tự làm. Nhìn những chiếc lưỡi câu thật đẹp, tôi thích vô cùng vì từ trước đến giờ tôi và Bống chỉ tự lấy rướng xe đạp mài vào hòn đá cho sắc rồi tự uốn cong lên làm lưỡi chứ có bao giờ được dùng những lưỡi câu xịn thế này đâu. Thỉnh thoảng cũng có người cho lưỡi câu nhưng cũng là lưỡi câu tự uốn, chỉ đẹp hơn lưỡi câu chúng tôi uốn một tí nên chẳng có gì đáng nói. Đi câu tôm mà có loại lưỡi này mới gọi là hết ý. Tôi không rời mắt khỏi ba chiếc lưỡi câu đen ngòm, trông vui ra mặt. Anh Thũn bắt được thóp nên hỏi:

- Thế mày muốn nữa không, tao cho thêm mấy cái nữa.

Tôi mừng lắm nhưng vẫn hỏi lại cho chắc:

- Thật vậy hả anh? Anh cho em nữa à?

- Thế tao nói đùa à. Ba chiếc nữa nhé. Nhớ là phải cất cẩn thận đấy. Nếu chưa dùng phải để vào trong bao diêm không chuột nó tha mất.

Vừa nói, anh Thũn vừa mở bao diêm lấy thêm ba chiếc lưỡi đen xì nữa. Tôi mừng quýnh cầm lấy và cho vào túi áo

 

ngực định bụng chạy vào nhà quên mất về việc đi câu trộm ngày mai thì anh Thũn gọi giật lại:

- Thế mai đi sớm nhé. Cho cả cái Bống đi. Cứ ở nhà. Mai đi tao gọi. Đừng nói với ai là đi câu trộm nhé.

- Vâng. Anh nhớ sang gọi em nhé. Em và Bống sẽ đợi anh. Anh nhớ đến sớm nhé.

Khi anh Thũn đi rồi, tôi quay vào trong nhà, lôi hết sáu cái cần câu tôm ra cắt bỏ hết những chiếc lưỡi câu cũ kỹ vênh váo và không còn sắc nữa để lắp những chiếc lưỡi câu của anh Thũn vào. Đó là sáu chiếc cần mà tôi và Bống vẫn dùng để câu chung và chia đều sau mỗi buổi câu. Vẫn còn ba chiếc lưỡi câu sáng bóng anh Thũn cho, tôi gói giấy lộn và đút vào trong chiếc vỏ bao diêm giấu kỹ dưới chân giường.

 

Đêm hôm đó tôi thao thức mãi mới ngủ được vì nghĩ về những chiếc lưỡi câu và những lúc ràng tôm bật bình bịch. Từ trước đến giờ đã bao lần ràng tôm bị suỷnh vì lưỡi không sắc. Nhưng ngày mai thì khác. Ao vừa lắm tôm, lưỡi câu lại vừa sắc thì không con nào có thể thoát được. Có lẽ từ khi biết câu tôm đến hôm đó, tôi chưa bao giờ có cảm giác khấp khởi lạ lẫm vậy. Rồi tiếng những con dế chũi chin chít đều đều ngoài khung cửa cũng vô tình ru tôi vào giấc ngủ lúc nào không biết để rồi choàng tỉnh lúc trời vẫn còn lờ mờ sương muối.

 

Vừa tỉnh giấc, tôi đã vụt chạy sang nhà bà Khang để rủ Bống đi câu tôm. Thật lạ, tôi tưởng mỗi tôi dậy sớm, ai dè Bống cũng đã dậy từ lúc nào đang cuốc giun ngoài vườn làm mồi câu. Hay quá, thế là tôi không phải cuốc giun rồi. Chứng tỏ Bống cũng háo hức đi câu chẳng kém gì tôi. Tôi nói nhỏ với Bống về kế hoạch câu tôm ngày hôm nay và về những chiếc lưỡi câu đen bóng, bắt như nam châm mà anh Thũn cho tối qua. Bống thích thú vô cùng, vừa định reo lên thì bị tôi suỵt một tiếng chặn họng:

-Bí mật. Anh Thũn bảo là không được nói với ai. Thôi chuẩn bị đi đi.

 

Bống đưa tôi túi giun, chạy vào trong nhà, lôi cái rổ xề từ trong gầm giường ra nhặt hai củ khoai lang luộc lạnh ngắt để làm bữa sáng và đi theo tôi.

 

Hai đứa vừa rẽ vào cái ngõ dẫn vào nhà tôi thì thấy anh Thũn đã đứng đợi ở cổng vẻ sốt ruột nên cứ ngó vào ngó ra qua cái cổng tre. Nhìn thấy chúng tôi, anh Thũn thở phào nhẹ nhõm và giục cả hai mau vào lấy cần đi theo.

Khi cả ba rời ngôi nhà mái ngói mốc meo thì ngoài đồng vẫn chưa có bóng người. Trên đường cái ven thôn chỉ có mấy bà mấy chị đang ngoeo nguẩy mấy gánh don để đi chợ buổi sớm bán cho chạy hàng. Chân trời phía xa còn chưa kịp ửng đỏ vì một màn sương mờ mờ bao la vây quanh như ai hun khói. Thế mà anh Thũn vẫn không đi theo con đường mòn thường ngày dẫn những người dân đến trại chăn nuôi của hợp tác. Anh dẫn chúng tôi đi vòng qua một cánh đồng rồi mới ngược trở lại để áp hàng tre đực đang sừng sừng bao quanh những chiếc ao dài chạy dọc theo bờ tre như một dải hào ngăn không cho lũ lợn chạy ra khỏi trại. Là một người am hiểu về mọi ngóc ngách của bờ tre và ao trại, anh Thũn một mạch dẫn chúng tôi đến một con lạch nhỏ cắt qua bờ tre thông ruộng nấp ngoài trại với ao. Chắc người ta đào vậy để dẫn nước vào trong ao nuôi cá.

 

Tôi đã biết đến cái trại chăn nuôi này từ hồi học vỡ lòng, vậy mà hôm nay mới được vào trong. Đúng là một trang trại khổng lồ được tách biệt hẳn ra với dãy tre bởi cái ao rộng đến hàng chục mét, và dài tít mít, vây bốn bề doanh trại. Thoạt nhìn tôi có cảm tưởng toàn trại là một rừng chuối hột được trồng không theo hàng lối. Khóm nào cũng có ít nhất một buồng to như cái cối xay xanh lè, rủ xuống nom đến thích mắt. Tinh ý mới thấy bóng dáng của những hòn ngói tím thâm nhấp nhô ẩn hiện trong những đám lá chuối mà từ đó vang lên vô vàn những tiếng ụt ịt của lũ lợn đang đòi ăn sáng. Đối với tôi và Bống, cảnh vật trong đó thật lạ nên hai đứa cứ nhìn thao láo về những ngóc ngách của khu vườn trại.

 

Nhưng anh Thũn thì lại quan tâm hơn đến việc tìm một chỗ ẩn nấp thật tốt cho cả ba người để tránh bị những người coi trại phát hiện. Suỵt một tiếng như để nhắc nhở là chúng tôi không được nói, anh Thũn cúi tay ra hiệu và lom khom mon men trên những đám đất gồ ghề phía bờ trong của rặng tre tìm đến ba gốc chuối sát nhau, kéo những lá chuối đã bong ra chắn ngang trước mặt để từ đó chúng tôi có thể quán sát được phao câu trong khi vẫn tránh bị phát hiện từ phía bên kia bờ ao. Xong việc, anh Thũn để giỏ vào một cái hốc thật chắc chắn (chỉ có anh Thũn là mang giỏ), rồi vừa ném cám xuống ao để nhử lũ tôm vào ăn vừa dặn dò chúng tôi cách đánh dấu tôm: “Ba chúng ta chỉ có một giỏ để đựng tôm nên phải có cách để đánh giấu. Tôm của Tung sẽ bị cấu hết đuôi còn tôm của Bống sẽ bị cấu một bên đuôi rồi mới cho vào trong giỏ. Khi về gần nhà tao sẽ chia tôm cho từng đứa.”

Hai đứa gật đầu đồng ý với cách anh Thũn chỉ bảo. Bản thân tôi thì không thấy cách đó là lạ. Chắc là Bống cũng

 

vậy. Nhưng nhìn cái giỏ của anh thì mới thật lạ vì không có hom mà cứ tông hốc ra vậy nên tôi buột miệng hỏi:

- Sao anh không đậy hom giỏ lại?

- Cái thằng này. Cần gì phải hom. Để vậy cho dễ bỏ tôm vào. Đi câu trộm lại cứ đòi hom giỏ. Tao cũng thấy mày là lạ - anh Thũn gắt.

 

Thấy anh Thũn có vẻ cục cằn, tôi thôi không hỏi gì nữa mà lẳng lặng thả cần cắm xuống bờ ao chờ tôm cắn.

Đúng như anh Thũn nói, tôm nhiều vô kể, nên phao dúi liên tục. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng luôn tay ràng tôm. Do lưỡi câu bắt nên rất ít khi có con tôm nào đã cắn mà lại bị mất. Bống cũng vậy, thường thì ràng tôm rất vụng nhưng hôm nay liên tiếp nhấc tôm lên. Nhiều lúc cả ba bốn cần đều có tôm cắn, chúng tôi chẳng cần nhấc từ từ như động tác ràng bình thường mà cứ thế lôi tôm lên. Hai đứa vui lắm vì chắc mẩm hôm nay sẽ đem về thật nhiều tôm.

Chuyến câu trộm xem ra không có gì khúc mắc ngoại trừ thỉnh thoảng có bác coi trại đi qua đi lại trong vườn chuối và ngó nghiêng loanh quanh xem có động tĩnh gì. Những lúc như vậy, chúng tôi nép sát vào gốc chuối, không hề cử động đợi bác đi xa, mặc lũ tôm cắn mồi kéo theo những chiếc phao làm bằng thân tỏi khô chìm nghỉm trong nước rồi kéo dây cước căng ra phía xa. Khi bác đó đi rồi, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm để quay lại ràng tôm...

Mải lao theo nhịp ràng tôm, cả ba giật mình khi tiếng chuông trại vang lên báo hiệu đã đến giờ nghỉ trưa. Chẳng hiểu sao, tự nhiên anh Thũn tỏ ra hốt hoảng, đứng phắt dậy, vội vã cuốn cần câu, và tới tập giục chúng tôi:

- Mau thu cần. Mau lên. Giờ này họ sẽ dắt chó đi kiểm tra xung quanh bờ tre. Mau lên không thì không kịp.

 

Hai đứa thót tim, mê man kéo các cần câu khỏi mặt ao, không còn kịp quấn cước vào thân cần như thường lệ nữa. Rồi cả ba vượt ra ngoài con lạch bỏ chạy thục mạng về phía cánh đồng nơi sáng nay chúng tôi men theo để đến trại.

 

Đến chiếc cống đầu làng thì anh Thũn dừng lại, đem giỏ ra chia tôm. Nhìn giỏ tôm gần như đầy ắp những con tôm trắng óng, chúng tôi vui khôn tả xiết, nhao lên định thò tay vào trong giỏ thì anh Thũn ngăn lại:

- Làm gì đấy. Cứ từ từ để tao chia cho.

- Vừa nói anh vừa cho tay vào giỏ lấy ra từng con tôm và xếp thành hai đống cho tôi và Bống theo đặc điểm đuôi của chúng.

Thật lạ, khi anh Thũn nói là đã chia xong thì đống tôm của cả hai chúng tôi bé cỏn con nằm trơ ra đó (mỗi đứa chỉ được chưa đến hai mươi con tôm) trong khi trong giỏ của anh Thũn vẫn còn rất nhiều. Tôi sợ là anh Thũn đếm không đủ nên nói:

- Sáng nay em và Bống câu được bao nhiêu cơ mà. Sao giờ lại ít thế này. Chắc anh chia chưa hết.

- Thế chưa hết thì mày vào giỏ mà kiểm tra - Anh Thũn hất hàm nói với vẻ rất phớt đời nhưng tôi vẫn quyết định lục giỏ anh ấy để tìm những con tôm cụt đuôi. Lạ lắm, tìm mãi chẳng thấy thêm được con nào cả. Anh Thũn thấy vậy làm bộ:

- Đã bảo mà. Làm gì có. Chúng mày tưởng tao ăn cắp tôm à. Đây nếu còn nghi ngờ thì tao đổ cả giỏ tôm ra đây cho mà chọn.

 

Vừa nói, anh Thũn vừa dốc giỏ đổ hết tôm ra nền đất, đoạn lăn xả vào dùng tay xốc xốc mớ tôm cho chúng tôi thấy là không còn thêm con nào cụt đuôi nữa. Nhưng tôi vẫn chưa hết nghi ngờ. Câu được bao nhiêu là vậy mà tại sao lại có ngần ấy tôm. Mà chính tay chúng tôi cấu đuôi tôm trước khi bỏ vào giỏ chứ không phải do anh Thũn cấu nên không có cách nào mất tôm được. Chả nhẽ tôm mọc lại đuôi. Không thể như vậy được. Bống chẳng nói gì, cứ lặng lẽ lúc thì nhìn tôi, lúc nhìn anh Thũn, lúc lại nhìn chiếc giỏ vẻ hoài nghi và luyến tiếc. Nhưng tôi thì đã chắc chắn như đinh đóng cột là anh Thũn dùng cách gì đó lấy tôm, chỉ có điều là tôi chưa nghĩ ra được thủ đoạn của anh.

 

Trong lúc tôi đang nghĩ liên miên, anh Thũn nhặt số tôm còn nguyên vẹn vào giỏ. Đúng lúc anh Thũn nhấc đít

 

đứng lên định bụng đi về, thì tôi phát hiện ra dáng vẻ của anh Thũn có cái gì đó khang khác với lúc sáng nay đi. Đúng rồi, sáng nay anh ấy thả quần đi câu, nhưng bây giờ thì lại xắn quần. Mà chỗ xắn ấy phùng lên rất to chứ không gọn gàng như lúc người ta xắn một chiếc quần bình thường. Tôi nghĩ ngay đến việc trong lúc đang câu, anh Thũn đã lợi dụng lúc chúng tôi không để ý nhặt những con tôm cụt đuôi và xắn vào gấu quần. Cơn ức trong tôi trào lên. Tôi cảm thấy mình bị đánh cắp, bị lừa dối, nhưng cảm giác Bống bị anh ấy bắt nạt thì còn mạnh mẽ hơn nhiều. Không cần biết anh ấy sẽ làm gì với chúng tôi, tôi lao vào chỗ gấu quần đang phùng phình của anh và kéo tuột nó xuống đất. Đúng như tôi dự đoán, hàng trăm con tôm có con cụt đuôi hết, có con chỉ cụt đuôi một bên rơi ra nhảy tanh tách dưới đất như reo lên vì nhìn thấy chủ nhân của chúng. Anh Thũn co chân đạp mạnh vào vai tôi làm tôi bật ra xa rồi ngồi thụp xuống vơ vội số tôm vừa rơi ra bỏ vào giỏ. Anh Thũn vừa định cất bước bỏ chạy thì tôi lại lao theo, ngã sấp mặt xuống đất nhưng vẫn kịp kéo tuột bên gấu quần còn lại làm lũ tôm cụt đuôi bên trong nháo nhác rơi ra. Lần này anh Thũn lại giơ chân đá rất mạnh vào cằm tôi làm tôi choáng váng, hoa hết cả mắt và máu mồm ròng ra. Tôi không còn nhìn thấy gì cả nên chỉ biết cắn răng chịu đau và đưa tay vuốt máu. Còn Bống thì kêu gào gọi người ra cứu tôi. Trong khi đó anh Thũn ra sức vơ vét hết chỗ tôm vừa bung ra rồi ba chân bốn cẳng theo đường mương định bụng trốn về nhà. Ơn trời, lúc đó có chú bộ đội trọ ở nhà bên đang rửa mặt ở cầu ao nghe thấy tiếng Bống kêu thất thanh và thấy anh Thũn đang có vẻ trốn chạy thì giữ anh ấy lại kéo về phía chúng tôi để hỏi cho ra nhẽ.

 

Lúc đó mắt tôi vẫn còn toàn đom đóm chứ chưa trở lại bình thường nên nhìn ai cũng chỉ thấy loang loáng. Bống nói như sợ người ta cướp mất lời, ra sức phân bua với chú bộ đội:

- Anh ấy... ăn cắp tôm của cháu và anh Tung. Anh Tung phát hiện ra anh ấy để tôm ở cạp quần... Anh Tung mới lao vào kéo quần anh Thũn xuống nên bị anh Thũn đá hộc máu mồm. Chú bắt anh Thũn trả lại tôm cho chúng cháu đi.

Nói xong, Bống oà khóc còn anh Thũn mặt biến sắc tái mét không nói không rằng, cố gắng xoáy vặn nhưng không thể thoát khỏi hai cánh tay ngày nào cũng đánh bóng chuyền đầy gân guốc của chú bộ đội. Chú bộ đội không hiểu mô tê gì nên lại hỏi Bống:

-Thế làm sao chú biết đâu là tôm của các cháu?

 

Bống vừa nấc, vừa nói với chú về những con tôm bị cụt đuôi. Nghe Bống kể vậy, anh Thũn càng cố sức giãy giụa, đấm vào tay chú bộ đội nhưng không được nên đành lấy mồm cắn đổ máu tay chú ra. Thật lạ, sao chú bộ đội lại không lấy tay tát cho anh Thũn một cái vì anh ấy cắn chú đau vậy cơ mà. Nhưng chú không tát mà nhoài người định lấy cái giỏ tôm để xem sự thể ra sao thì anh Thũn vung tay ném cái giỏ tôm ra xa. Thiếu một chút nữa thì nó bị rơi xuống sông mất teo tang vật. Cái giỏ không hom làm lũ tôm rơi vãi đầy ra đường. Giờ thì chú bộ đội đã nhìn thấy những con tôm cụt đuôi đang khe khẽ nhúc mình vì bị đuối sức còn những con tôm nguyên vẹn của anh Thũn thì ra sức bật tanh tách tràn đầy sức sống.

 

Mọi việc đã được phanh phui. Chú bộ đội nghiêm nét mặt nhìn vào anh Thũn, đoạn nói:

- Sao cháu đã lấy tôm của hai em lại còn đánh nó thế. Chú sẽ trói tay cháu vào để nộp cho cờ đỏ xã. Họ sẽ nhốt cháu trên uỷ ban và phạt thóc bố mẹ cháu.

- Cháu xin chú. Cháu biết sai rồi. Chú đừng nộp cho cờ đỏ. Bố mẹ cháu mà biết thì bố mẹ cháu sẽ giết cháu mất. Chú tha cho cháu, lần sau cháu không vậy nữa - Anh Thũn hốt hoảng van xin nhưng nét mặt thì nom mới thật lì lợm.

 

Lúc đó mắt tôi cũng đã nhìn trở lại bình thường nhưng cằm thì vẫn còn đau nhói và đầu thì vẫn còn ong ong nên chưa thể đứng lên ngay được. Bống lo lắng, nhăn mặt nhìn tôi như thể cảm nhận được hết nỗi đau đớn trong tôi. Anh Thũn thì lúc này mềm như con chi chi. Ngay cả tôi và Bống mà anh ấy cũng không dám nhìn mặt. Còn chú bộ đội thì vẫn có vẻ cương quyết là sẽ mang anh Thũn nộp cho cờ đỏ nên kéo anh ấy về phía ủy ban nhân dân xã nơi đội cờ đỏ xã thường trực. Lần này thì anh Thũn thật sự thất kinh, gào thét van xin nghe rất thảm:

-Chú ơi. Cháu lạy chú rồi. Chú tha cho cháu. Lần sau cháu không vậy nữa. Cháu biết lỗi rồi.

Rồi anh Thũn oà khóc.

 

Chú bộ đội dừng lại, chỉ tay vào mặt anh Thũn, nghiêm nét mặt quát trong khi vẫn giữ chặt hai tay anh Thũn:

 

- Thế biết lỗi thật chưa?

- Dạ cháu biết rồi. - Anh Thũn trả lời trong những tiếng sụt sịt do nước mắt nước mũi đang tràn ra.

- Biết lỗi rồi thì phải làm gì? - Chú bộ đội hỏi tiếp.

- Dạ. Cháu sẽ trả lại tôm cho chúng nó. - Anh Thũn ngượng ngùng trả lời.

- Thế còn phải làm gì nữa?

Anh Thũn không biết nói gì hơn nữa, cứ ấp a ấp úng trong họng như không thể tìm ra câu trả lời thích hợp.

Thực ra lúc đó nếu trong địa vị anh Thũn thì tôi cũng chẳng biết là phải trả lời ra sao. Biết chắc anh Thũn không thể trả lời đúng, chú bộ đội nói tiếp:

- Bây giờ cháu nhặt tôm trả lại cho hai em và phải xin lỗi hai em. Nếu cháu không làm được thế, chú sẽ dẫn cháu về nhận lỗi với bố mẹ hai em và sau đó đưa cháu lên giao cho uỷ ban.

Anh Thũn cuống quýt nghe lời:

- Vâng cháu sẽ nhặt tôm và xin lỗi chúng nó.

Buông tay anh Thũn để anh ấy ngoan ngoãn nhặt tôm, chú bộ đội giờ mới ra nhấc cằm tôi lên sờ nắn và hỏi:

- Có đau lắm không cháu?

 

Tôi không nói được thành lời, nước mắt tự nhiên trào ra. Từ nãy đến giờ bị đánh thế mà giờ nước mắt tôi mới trào ra được. Không biết đó là những giọt nước mắt do tôi đau quá mà trào ra hay do cảm động vì sự quan tâm của chú. Tôi chỉ biết sụt sịt rồi lấy vạt áo lau nước mắt trước khi anh Thũn đem tôm đến trả lại và nói lời xin lỗi với tôi và Bống. Chú bộ đội dường như thấu hiểu được những gì đang diễn ra trong tôi nên ngồi xuống, lấy chiếc khăn mặt đang vắt trên vai lau nước mắt và máu cho tôi, đoạn vỗ vai an ủi:

-Thôi. Từ nay anh ấy không bắt nạt nữa. Nín đi rồi đem tôm về nhà.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9    10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1294
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả