Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
514
116.605.208
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 11

11

NGƯỜI LỚN TRONG CON MẮT TRẺ THƠ VÀ QUYỂN VỞ CÔ TẶNG

 

Kỷ niệm giữa hai đứa năm ấy không dừng lại ở việc tôi giúp Bống học bài và đạt được thành tích giỏi trong học tập mà còn liên quan đến cả những chuyện thương tâm khi mà chính tôi, một đứa bé gầy yếu, bị người lớn cậy sức hành hạ. Tôi nhớ lại từ sau kỳ thi học sinh giỏi đó, hai đứa lúc nào cũng đi học cùng nhau. Khi đi, hai đứa bao giờ cũng đợi nhau ở cổng làng rồi mới cùng nhau đến trường, khi về thì lại đợi nhau dưới gốc bàng giữa sân trường rồi mới cùng nhau về nhà.

 

Một hôm trên đường về nhà, hai đứa thấy người ta xúm đông ở trước cửa văn phòng UBND xã nên chạy lại xem có chuyện gì. Hoá ra hôm đó có mấy chú công an hộ khẩu về xã chụp ảnh làm chứng minh thư nhân dân cho những người chuẩn bị đi bộ đội. Hai đứa tản ra chen vào đám người để được nhìn thấy người ta chụp ảnh (lúc đó ở xã tôi chỉ có vài người làm nghề chụp ảnh nên nhìn thấy máy ảnh chúng tôi rất thích).

 

Thấy cái máy ảnh có cái mắt kính lồi ra phía ngoài tôi nhớ lại bài học vật lý của Bống tuần trước là về thấu kính mắt lồi. Tôi đã đọc sách vật lý của Bống và giảng cho Bống về bài đó khi Bống không hiểu. Hôm nay được tận mắt nhìn thấy thấu kính mắt lồi thì tôi vui lắm mới gọi Bống lại để xem:

- Bống ơi. Lại đây mà xem. Máy ảnh này có thấu kính mắt lồi đấy.

Thật không may, khi tôi vừa cất tiếng gọi Bống thật to như vậy thì một chú công an ở đâu chạy sồng sộc lại, kéo tôi ra khỏi đám đông, dơ thẳng tay tát hết cỡ vào má trái tôi làm tôi choáng váng, lùi lại và tụt xuống cái sân cỏ, chỉ thiếu một chút nữa là ngã lăn ra đó. Tai tôi ù ù như tiếng cối xay lúa. Mắt hoa như cả trăm con đom đóm đang lượn loang loáng trước mặt. Mồm tôi chảy máu. Lúc đó tôi không kịp để ý đến Bống có phản ứng như thế nào nhưng không hiểu tại sao lại bị tát nên ngơ ngác hỏi chú công an:

- Sao chú lại tát cháu vậy?

Lẽ ra chú công an đã quay trở lại phía đám đông nhưng khi tôi hỏi vậy thì bất thần quay lại, túm ngực tôi giơ tay tát tiếp bên má còn lại. Vừa tát mạnh như vậy, chú ấy vừa nói như để cho hả giận:

- Này thì sao lại đánh này. Tao đánh cho mày hết nói láo.

Chú công an vừa buông tay ra thì toàn thân tôi đổ xụp xuống sân cỏ, máu mồm ộc ra hai bên mép, và chảy cả xuống cằm. Tôi bị choáng, không thể đứng lên được. Nhìn mọi vật cũng chẳng rõ chỉ thấy nhao nhao những bóng đen cứ mỗi lúc một đông vây quanh tôi. Rồi tôi cảm nhận được bàn tay nhỏ bé, gầy guộc nhưng dịu dàng quen thuộc của Bống đang lấy chiếc khăn quàng học sinh lau máu cho tôi. Tôi cũng cảm nhận được những tiếng thở hổn hển ngắt quãng của Bống chắc do lúc đó Bống phẫn uất với chú công an lắm. Chưa bao giờ Bống kêu ca về ai cả, vậy mà hôm nay Bống cũng phải thốt lên:

- Sao chú ấy lại ác thế? Sao chú ấy lại đánh anh vậy chứ? Anh nói như vậy thì có làm sao mà chú ấy lại đánh anh đau thế cơ chứ.

 

Được Bống chăm sóc, tôi cảm thấy đỡ đau hơn nhiều. Những người xung quanh thấy tôi bị đau vậy mà không khóc thì lạ lắm nhưng hình như họ vẫn cho rằng chú công an đánh tôi là vì tôi nói bậy. Chính Bống còn không hiểu tại sao tôi lại bị đánh. Chỉ có tôi mới biết rõ ràng. Khi tôi nói đến từ “thấu kính mắt lồi” thì chú công an kia lại nghe thành từ “thấu kính mắt gì đó..” nên cho rằng tôi nói láo mới đánh vậy.

 

Hôm đó quả thật tôi không khóc. Tôi chỉ khóc khi xúc động, chứ rất ít khi khóc do bị đánh đau. Hôm nay bị đánh oan, trong lòng tôi bực lắm, muốn tìm đến chỗ chú công an nói cho ra nhẽ, nhưng vừa định lồm cồm đứng dậy thì lại bị choáng nên ngã lăn ra sân. Mắt tôi vẫn chưa nhìn rõ hẳn chỉ bắt đầu lờ mờ nhận ra khuôn mặt đang lo âu của Bống và chiếc khăn quàng đang được vo tròn trong bàn tay xương xẩu của cô bé. Lúc đó các bạn học cùng

 

lớp của tôi cũng chạy tới tíu tít hỏi tôi có chuyện gì xảy ra. Tôi đau không muốn nói, nên Bống thay tôi kể lại đầu đuôi như vậy. Mọi người nghe xong câu chuyện thì giục tôi đi về bằng được đừng có dây với công an kẻo lại bị đánh tiếp thì khổ. Thế rồi tôi được ba bốn bạn nam cùng lớp dìu đứng dậy và cố gượng ghịu bám vào tay các bạn về nhà. Đi được một quãng thì mắt tôi rõ dần và nhìn được mọi thứ bình thường. Tôi quay lại đằng sau thì thấy Bống bé bỏng đang xách hai cái cặp rõ to, một của Bống và một của tôi, lê từng bước nặng nề, với vẻ mặt vẫn còn đăm chiêu khó hiểu. Bống thường là vậy. Hễ tôi bị đau hay bị ai đó đánh thì phản ứng đều tiên của Bống là xị mặt ra lo lắng đợi đến lúc tình cảm dồn nén hết cỡ rồi mới bật khóc. Bống giống hệt tôi ở điểm này. Tình huống hôm nay thật ra là chỉ có uất ức chứ chưa có điều gì làm cả hai xúc động đến mức phải khóc. Tuy nhiên, nom Bống lúc này thật đáng thương. Tôi có cảm giác thương cho Bống hơn là thương cho nỗi oan ức của tôi.

 

Chắc Bống vẫn còn đang thắc mắc là tại sao tôi lại bị người ta đánh dã man đến vậy. Cho đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn chưa giải thích cho Bống là tại sao tôi lại bị đánh như vậy nhưng có lẽ kinh nghiệm và những từng trải của cuộc sống đã giúp Bống tìm ra câu trả lời.

 

Lại một kỷ niệm thương tâm khác vào đợt rét đậm của năm đó. Lúc đó là mùa gạch mộc (tức là loại gạch được đóng thành khuôn từ đất sét rồi để cho khô tự nhiên trước khi đem vào lò nung). Người dân thi nhau đóng gạch để chuẩn bị vào lò. Vừa tan học buổi sáng, hai đứa lại rủ nhau về như thường lệ. Khi đến gần cống làng thì gặp một chú đang ì ạch đẩy chiếc xe thồ đầy gạch mộc lên dốc. Xe nặng quá, chú không lên nổi mới nhờ tôi đẩy giúp một tay. Chẳng kịp cởi chiếc cặp vứt lại cho Bống, tôi lao vào ra sức đẩy vào cái gác ba ga tiếp sức. Có thêm tôi, chú thợ thồ gạch lao vọt lên dốc chẳng khó khăn gì. Nhưng với bản tính trẻ con nghịch ngợm, tôi cứ thế đẩy xe thồ lao băng băng mặc cho chú thợ thồ la hét bảo tôi dừng tay lại. Tôi không hề dừng lại mà vẫn tiếp tục đẩy làm chiếc xe cứ đà ấy lao xuống dốc vùn vụt không có sức nào có thể cản được. Tốc độ xe lao quá nhanh làm chú lái thồ không theo kịp nên mất thăng bằng và làm đổ xe. Gạch mộc văng ra tung toé. Có viên bị vỡ làm mấy mảnh. Tôi sợ quá buông tay thì đã quá muộn. Tôi bỏ chạy thục mạng nhưng với đôi chân bé nhỏ và đôi dép cao su lẹp kẹp thì làm sao tôi có thể chạy thoát được trong khi chú lái thồ quẳng ráo xe và gạch đó lao như tên cố chộp lấy tôi. Cuộc dượt đuổi kết thúc trong khoảnh khắc. Vừa túm được tôi, chú lấy một tay giữ tay tôi, một tay dí vào cổ tôi đẩy ra phía bờ sông rồi dùng hết sức hất tôi ra giữa sông như cách người ta quẳng đi một cái lồng gà bị mò vậy. Tôi ngoi ngóp một lúc cố vùng vẫy với những động tác mà ngày trước tôi thường dùng để bơi bắt tôm cá. Nhưng hôm nay trời quá lạnh, tôi lại mặc áo bông chấn thủ nên nước ngấm nặng trĩu dìm tôi chìm nghỉm. Chiếc cặp mang theo dắt trên cổ càng làm tôi khó xoay sở rồi ực từng ngụm nước lạnh đến tê răng. Khắc khoải, hoảng loạn, giãy đạp trong vô vọng, tôi nghĩ phen này chắc chết đuối.

 

Mặc dù biết tôi đang có nguy cơ chết đuối như vậy nhưng chú thồ mặc kệ không thèm nhảy xuống vớt tôi lên. Trong khi đó Bống ra sức gào thét mấy người đang xới khoai tây trên đồng ra cứu. Một anh thanh niên to khoẻ cùng thôn thấy Bống kêu cứu vội bỏ cuốc xẻng đó nhảy ùm xuống sông kéo tôi lên. Tôi rét run cầm cập. Miệng cứng như khoá không thể nói được cứ ú ú trong họng, còn mười ngón tay và mười ngón chân thì tê dại không thể nào co duỗi theo ý tôi được. Toàn thân tôi run bần bật phải dựa vào anh thanh niên kia thì mới đứng nổi. Tôi đảo nhìn xung quanh xem Bống đang ở đâu thì thấy mẹ và Bống đang hớt hải chạy ra phía tôi.

 

Thì ra trong lúc anh thanh niên nhảy xuống sông cứu tôi, Bống đã kịp về nhà gọi mẹ tôi ra. Chú lái thồ vẫn tỏ ra làm ngơ không hề để ý gì đến tôi mà lúi húi nhặt những viên gạch mộc xếp lại vào xe. Mẹ nhìn thấy tôi tím ngắt, hai hàm răng va vào nhau lập cập và không thể tự đi được thì thương tâm vô cùng. Mẹ lao vào dùng hết sức để bế tôi ghì vào lòng cho tôi bớt lạnh rồi xoay ngang tôi ra mang về nhà. Lúc đi qua chỗ chú lái thồ đang xếp gạch, mẹ tôi mắng như té tát vào mặt chú ấy:

- Chú lớn rồi mà sao chú ác thế. Con thú nó còn biết thương nhau huống chi chú là con người. Cháu nó bé. Nó còn trẻ con. Nếu nó chưa hiểu hết thì chú giữ cháu lại, dạy cho nó để nó biết. Nếu không chú cứ đem nó về cho tôi dạy bảo cháu. Sao chú dã man thế. Chú nỡ dìm để nó sắp chết rồi mà chú không động lòng gì sao? Chú làm cháu nó cứng hàm ra không nói được thế này mà chú vẫn xếp gạch à. Chú thật không còn tính người. Thôi chuyện đã rồi, tôi có chửi chú thế chứ nữa chú cũng chẳng làm khác được. Chỉ mong lần sau gặp tình huống như này, chú hãy cư xử cẩn thận.

 

Chú lái thồ nghe mẹ tôi mắng thì im như thóc, chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ nhặt gạch vào xe.

Nói xong một tràng dài như vậy, mẹ tôi oà khóc, nước mắt chan hoà. Tôi hiểu, đó là những giọt nước mắt của một người mẹ thương con chứ không phải do bất lực trước người đàn ông ác tâm kia. Tôi biết mẹ tôi rất cứng cỏi và công bằng. Việc gì mẹ cũng làm trắng đen rõ ràng. Việc hôm nay ông lái thồ kia sai như vậy chắc mẹ tôi chả để yên.

 

Nhưng trước tình thế tôi đang bị đe doạ đến tính mạng, cứu tôi vẫn là hơn nên mẹ bế tôi chạy băng băng về nhà nhóm lửa thay quần áo cho tôi. Bống cũng lon ton chạy theo như muốn là nhân chứng đến cùng về câu chuyện. Bống cùng vào bếp ngồi sưởi với tôi đến khi tôi ấm người trở lại và nói được bình thường mới chào mẹ và tôi ra về.

Tối hôm đó, vợ chồng nhà chú xe thồ đem cam quýt đến xin bố mẹ tôi tha lỗi. Vừa ngồi xuống ghế, chú lái thồ đã lên tiếng van xin:

- Em xin lỗi hai bác. Sáng nay em nóng quá nên không kìm lòng được. Mong hai bác bỏ quá cho em.

Mẹ tôi tính nóng nảy là vậy còn bố thì ít nói nhưng những chuyện tầy đình như thế này là không bao giờ bỏ qua. Nói thì nói vậy, trước sự ăn năn của chú kia, mẹ tôi cũng không muốn làm căng, đoạn nói:

- Chú biết nhận ra lỗi như vậy là được rồi. Thôi chuyện đã xảy ra rồi. Cũng may cháu nó chỉ bị cảm lạnh. Hôm nay nhỡ nó có mệnh hệ gì thì chú hối cũng không kịp. Tôi mong rằng từ lần sau chú làm việc gì cũng phải cân nhắc, không nên để tính bồng bột nhất thời làm mất nhân tính như vậy được. Mẹ tôi đã nhanh nhẹn phủ đầu như vậy rồi nên bố tôi đành phải nén giận vào trong lòng mà không nói gì thêm cả. Tuy nhiên, bố tôi cứ lừ lừ nhìn vợ chồng chú lái thồ làm cả hai lấm lét vì sợ. Mãi người vợ mới dám lên tiếng:

-Thôi thì nhà em có lớn nhưng vẫn còn dại lắm hai bác ạ. Bao nhiêu lần nổi nóng vậy, em đã nói rồi mà vẫn chưa hết. Em cứ cúi lạy hai bác tha thứ cho nhà em. Từ nay anh ấy sẽ không vậy nữa.

Người chồng cúi đầu không dám nhìn ai vẻ hối hận. Ngồi suốt từ đầu đến giờ, bố tôi mới lạnh lùng

lên tiếng:

-Thôi. Cả hai đứng lên rồi về đi. Đem cả cam quýt về mà ăn. Cháu nó không cần đến những thứ đó. Lần này coi như tôi không chấp với chú. Lần sau còn vậy, chắc chú biết điều gì sẽ xảy ra.

 

Nghe bố nói vậy, tôi biết bố không chấp với chú kia nữa nhưng nhất định là rất giận. Lẽ ra hôm nay ông phải cho nhà chú kia một bài học về đạo làm người nhưng mẹ tôi đã rào trước đón sau thế nên bố không ra tay nữa. Hai vợ chồng chú kia nãy đến giờ mới chỉ nghe mẹ tôi nói nên còn có chỗ để mà nói đôi ba điều, giờ nghe bố tôi nói vậy thì chỉ còn biết im bặt, lặng lẽ kéo áo nhau ra về không dám cầm túi cam quýt.

 

Liền mấy ngày sau tôi bị cảm nặng không thể đến lớp được. Cô giáo chủ nhiệm nghe tin cũng đến thăm mang cho tôi mấy quả chuối mít - loại chuối mà người dân quê tôi cho là rất bổ. Biết cô đến thăm, tôi đang trùm chăn ngồi bật dậy, nhận chuối từ tay cô, bóc ăn hết một cách ngon lành. Cô nhìn tôi âu yếm, đoạn cầm tay tôi, nắn nắn và vỗ về:

- Cô mong em sớm quay lại lớp với các bạn. Hai hôm nay không có em ở lớp, các bạn nhắc suốt đấy.

Câu nói của cô thật đơn giản nhưng làm tôi cảm động vì cô không bảo tôi đến lớp để khỏi bị chậm bài vở mà đến lớp vì các bạn đang mong tôi. Đã bao ngày qua tôi làm cán sự toán nên sáng nào cũng đến lớp để thay mặt cô chữa bài cho các bạn. Tình cảm giữa tôi và các bạn đã trở nên quá đỗi thân thiết. Cuộc sống của tôi, niềm vui của tôi đã gửi gắm rất nhiều nơi lớp học. Hai hôm nay không được vậy, tôi thấy buồn và cô đơn lắm. Giờ cô gợi lại không khí trên lớp làm tôi nhớ lớp quá. Tự nhiên tôi thấy nghẹn ngào rồi hình như nước mắt lại rơi, cố kìm cũng không được. Chắc cô hiểu đó là những giọt nước mắt của sự khao khát được quay lại lớp nên động viên tôi:

- Em cố gắng ăn uống thật tốt cho chóng khoẻ để sớm trở lại với các bạn nhé.

Nói rồi cô mở chiếc túi xách tay tặng tôi một quyển vở, song chào bố mẹ tôi ra về không quên gửi tôi một nụ cười thật thân thiện.

 

Hình ảnh cô tặng tôi quyển vở lại làm tôi xúc động. Cả sáu năm trời là học sinh, tôi cũng nhiều lần bị ốm nhưng chưa có một cô giáo nào đến thăm tôi, và cũng chưa có ai tặng tôi quyển vở như vậy. Nên món quà cô tặng mới thật giá trị với tôi. Chưa kịp mở quyển vở ra xem thì Bống hối hả chạy vào tay cầm một túi khế chua giờ đã chín đỏ và một gói ni lông nhỏ tôi nghĩ đó vẫn là gói mắm tôm. Khác với những năm trước đây Bống phải vụng trộm mang khế sang cho tôi, hôm nay cô bé đem cả túi vào đưa cho mẹ tôi đang dọn dẹp trong bếp và nói:

- Cô ơi. Khế nhà cháu chín nhiều, cháu đem cho anh Tung. Cô gọt khế cho anh ấy ăn đi. Anh ấy ốm thế này chắc là thích ăn khế chua chấm mắm tôm lắm đấy.

Mẹ tôi nhận khế từ tay Bống nở một nụ cười thật tươi và nói:

- Khế ngon quá nhỉ. Thằng Tung nhà cô nó thích ăn chua lắm. Nhất là khi nó bị cảm lạnh thì chua như khế nhà cháu, nó sẽ rất thích. Cháu cứ để đó. Dọn dẹp xong rồi cô bổ khế chó nó.

Tôi biết, trong lòng Bống chỉ muốn tôi được ăn khế càng nhanh càng tốt vì không ai ngoài Bống biết tôi thích ăn khế đến mức độ nào. Thấy mẹ nói vậy, Bống nhanh nhảu đáp:

- Hay cô để cháu rửa khế và gọt khế cho anh Tung nhé. Cháu gọt cũng được mà.

Mẹ tôi chắc đã hiểu Bống hơn qua lần tôi bị ông lái thồ quẳng xuống sông nên không do dự gì cả:

- Ừ. Vậy cháu cứ làm thế đi. Tí nữa rồi cô lên. Con bé ngoan quá.

 

Bống tươi cười đổ khế ra rổ tráng nước mưa rồi cầm vội con dao lên nhà gọt khế cho tôi. Cả mấy đứa em tôi cũng đang ở đó, thao láo nhìn những quả khế vẻ thèm thuồng. Bống cắt khế ra đĩa thành từng khoanh hình sao và đổ mắm tôm ra một chiếc đĩa nhỏ xíu. Cả bọn chấm khế ăn xì xoạt.

 

Khi mấy đứa em tôi còn đang tranh nhau mấy miếng khế thì tôi gọi Bống lại mở quyển sách để Bống đọc những dòng chữ do chính tay cô giáo ghi trong đó:

 

“Em ngoan của cô. Em là niềm tự hào của cô và là một tấm gương tốt về học tập, về tình bạn. Em từng là một học sinh ở mức trung bình trong sáu năm học đầu tiên nhưng em đã nỗ lực vượt bậc để trở thành học sinh giỏi toán. Em cũng có một tình bạn thật đẹp và cao cả. Tình bạn ấy sẽ theo em suốt đời để mỗi lần nghĩ đến nó, em sẽ được cảm nhận về những kỷ niệm vui buồn mà chỉ em và bạn em mới có. Mong em luôn có những tình bạn đẹp như vậy.

 

Tung của cô! Em hãy giữ quyển vở này làm kỷ niệm để mỗi lần mở nó ra, em sẽ thấy lời của cô trong đó và tiếp tục phấn đấu như em đã từng phấn đấu. Cô tin tưởng ở em. Chúc em nhiều thành công hơn nữa.”

Bống cầm quyển vở, đọc đi đọc lại những dòng chữ đó rồi nhìn tôi thắc mắc:

- Cô giáo anh thật tình cảm. Cô tốt thật đấy. Nhưng cô nói là anh có một tình bạn thật đẹp và cao cả có nghĩa là gì nhỉ?

Lúc này tôi mới có dịp kể cho Bống nghe về câu chuyện tôi đi thi học sinh giỏi và cuộc trò chuyện giữa tôi và cô giáo chủ nhiệm về lý do tại sao tôi lại nộp giấy trắng. Nghe xong, Bống ngỡ ngàng xúc động vì đã cảm nhận được tất cả những gì tôi giành cho Bống, nhưng không giấu được niềm vui sướng, đoạn hỏi tôi:

- Anh nghĩ về em nhiều thế thật sao? Anh làm em bất ngờ quá!

Câu hỏi ấy làm mấy đứa em tôi ngừng ăn khế tròn mắt nhìn Bống khiến Bống xấu hổ đỏ hết cả mặt...

 

Từ ngày cô giáo chủ nhiệm tặng quyển vở, tôi không viết gì vào đó mà giữ gìn nó như một kỷ vật thiêng liêng. Mãi đến hồi đi thi đại học, tôi bị mưa ướt hết nên quyển sách cũng theo đó mà mục nát không còn nguyên vẹn nữa. Những chữ cô viết bị nhoè đi, nếu ai chưa từng được đọc chúng thì sẽ không thể nào đọc nổi. Tuy sau này không còn quyển vở đó nữa nhưng hình ảnh của nó cùng những dòng chữ của cô đề tặng vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi và luôn khuyến khích tôi liên tục phấn đấu để hướng tới một tầm cao mới trong con đường học vấn và phát triển tình bạn. Cuốn sách đó cũng đánh dấu một cái nhìn đúng đắn về tình thầy trò và tình bạn để mãi về sau, ngay cả khi tôi đã học tiến sĩ ở Mỹ thì những giá trị đó vẫn không hề mai một mà ngày càng được củng cố và hoàn thiện.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1388
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả