Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.546.392
 
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời
Imre Kertész
Chương 2

Nguy hiểm hơn, dường như tôi có năng khiếu, phù hợp với thể chất đáng hổ thẹn, của một nhà văn Hung không thành đạt, thậm chí một nhà văn Hung thất bại, ở đây, lại đụng phải quan điểm đúng đắn của vợ tôi, bởi vì nếu ai bước lên con đường công danh, hoặc thành công, hoặc thất bại, không có con đường thứ ba, tất nhiên, dù dưới nhiều hình thức khác, nhưng cả hai con đường đều đáng hổ thẹn như nhau. Từ lúc đó trở đi, tôi chạy trốn vào cảm giác vất vưởng mặc nhiên của công việc dịch sách, như vào một cơn nghiền rượu…

 

Tóm lại, khi nhớ ra những lời nói của vợ, tôi cũng sực nhớ ra vợ tôi, người, đã từ lâu lắm, không mấy khi tôi nhớ đến, đúng hơn, kể cả khi rất hãn hữu, vô tình hay hữu ý, chúng tôi chạm trán nhau, chính xác hơn, theo sự sắp xếp chủ động của người vợ (cũ) của tôi, người, tôi nghĩ, luôn hồi tưởng về tôi bằng một cảm giác tội lỗi hoàn toàn vô nguyên cớ xa xôi gì đấy. Những lúc đó, tôi nghĩ, cái sự nàng cảm thấy, nếu nàng cảm thấy, ký ức này, là bởi tuổi trẻ của nàng và vài ba năm ngắn ngủi phung phí cho tôi mang lại, còn cảm giác tội lỗi vô nguyên cớ là do cái ý thức luôn luôn cho mình là đúng, không bao giờ và không cần phải nghi ngờ, của nàng, hay nói cách khác, tôi không bao giờ trách cứ nàng vì điều gì cả, gây nên; nhưng – lạy Chúa! – tôi có thể kết tội hoặc đã kết tội nàng vì điều gì kia chứ, khi mà nàng chỉ muốn sống?

 

Thế là, tôi chợt nhớ ra những câu nói của nàng, nhớ đến nàng, nhớ đến cuộc hôn nhân ngắn ngủi và thất bại của mình, rõ ràng như thể nhìn thấy nó trên bàn giải phẫu. Và nếu tôi có xem xét nó, tuy ân cần, trìu mến, nhưng trong mọi trường hợp với sự am hiểu lạnh lùng, như thể tôi muốn nhìn mọi thứ đến cùng, kể cả cái tử thi đóng băng từ lâu của cuộc hôn nhân của tôi, thì tôi cần phải thận trọng để đừng khuấy động lên trong lòng những cảm xúc rẻ tiền, bẩn thỉu khi nhớ đến những lời nói của nàng, như một bạn đời, nói thế nào nhỉ, còn tôi đã nghe một cách bực bội. Nhưng trong cái đêm tỉnh ngộ ấy, tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình thật xa cách, quả thật không thể hiểu, điều vô lý của đời mình sao mà giản dị và dễ hiểu đến thế, trong cái đêm bừng sáng ra tất cả mọi điều này, tôi cần phải biết rằng, bản năng sống của vợ tôi đã bắt nàng thốt lên những lời nói ấy, bản năng sống của nàng cần thiết những thành công của tôi, để làm quên đi những thất bại to-lớn, những thứ đến với nàng từ khi ra đời, như dấu ấn giai cấp; sự thất bại đáng căm ghét, sự thất bại thật vô lý, sự thất bại không thể chấp nhận được, những thứ, đúng ra không phải như một thất bại, thậm chí ngược lại, như một ánh hào quang, không, nói vậy hơi quá, đúng hơn, như một mảnh vỏ trai thanh mảnh, óng ánh đúc sát thân thể nàng, lúc mới quen nhau, tôi lập tức, nói thế nào nhỉ, tôi lập tức nhận ra ở nàng một cách vô thức, trong căn nhà, trong cái gọi là đám bạn bè, nàng chợt nổi trội giữa đám người ba hoa, như thể một cái gì đó xấu xí, không cân đối, nhưng đầy thiện cảm, bằng xương bằng thịt, một cái gì đó nhấp nhô, trải rộng và quằn quại, như một cơn đau đẻ; khi nàng tách ra và bước đi trên tấm thảm màu xanh non, như thể đi trên biển, để lại sau lưng xác con delfin phanh ruột, nàng bước đi uyển chuyển, kiêu hãnh nhưng rụt rè về phía tôi, còn tôi, ngay lập tức, tự bảo mình, một cách bản năng: „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!”.

 

Cho đến giờ, điều này vẫn xảy ra, khi rất hãn hữu chúng tôi gặp nhau, tôi ngắm mái đầu cúi về phía trước, mái tóc dày óng mượt rủ xuống cạnh khuôn mặt nàng, khi bên cạnh chiếc bàn trong hiệu giải khát, nàng ghi liên tiếp các loại đơn thuốc cho tôi, những thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc tê, thuốc làm đần độn… để tôi chịu đựng tiếp, chừng nào còn cần phải chịu đựng, và nếu cần phải chịu đựng, ít nhất tôi sẽ chứng kiến, nghe thấy, và cảm nhận một cách tê dại, những thứ cần phải chứng kiến, phải nghe và phải cảm thấy, tuy vậy, tôi chưa nói tới điều này, nhưng cần gì phải nói, tự bản thân tôi cũng biết, tại sao tôi lại làm như vậy, như thể những ghi chép này, ngoài tôi ra, tự nó cần thiết, cần thiết, vì tôi viết, vì cần phải viết, và nếu chúng ta viết, chúng ta tiếp tục đối thoại, tôi đọc ở đâu đó, chừng nào còn Thượng đế, hình như chúng ta còn tiếp tục đối thoại với Thượng đế. Giờ đây vì Thượng đế không tồn tại, chỉ đôi khi con người đối thoại với kẻ khác, hoặc tốt nhất là tự đối thoại với bản thân, tự nói một mình hoặc lẩm bẩm, theo cách họ muốn.

Tóm lại tôi quên chưa nói, vợ cũ của tôi (từ lâu đã là vợ kẻ khác) là bác sĩ, nhưng là một bác sỹ vừa phải, vì nếu không, tôi đã không thể  chịu đựng, dù chỉ tạm thời, nàng chỉ là bác sĩ da liễu, dù nàng coi nó rất quan trọng, như với nhiều thứ khác. Đúng thế, cái cách nàng viết các loại đơn thuốc cho tôi (vì tôi khôn khéo phát hiện và sử dụng thiết thực những cuộc hò hẹn ít ỏi và hoàn toàn trong sáng của chúng tôi), đôi khi, tận bây giờ, tôi vẫn thoáng nghĩ: „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!”

Ôi! tôi nghĩ điều này giờ đây một cách như thế nào nhỉ, một cách lờ đờ, thảm hại, từ bản thân mình, về nàng, về tất cả mọi người và mọi thứ, một cách mới thảm hại, rầu rĩ, không như vậy, như khi tôi nghĩ „Trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao!” đúng như thế, như khi tôi nghĩ, một cách tự nhiên và khúm núm, như một đấng mày râu, một loại giống đực thô bỉ nghĩ về những điều như sau: trời, cô gái Do thái mới đẹp làm sao, cô gái Digan mới đẹp làm sao, ô! một cô nàng da đen ngon lành, đám đàn bà Pháp này, cô bé đeo kính, trời! cô nàng có bộ ngực vĩ đại, nàng mông nẩy, nàng ngực con con, ô! nàng mông vĩ đại… v.v… và v.v...

 

Thậm chí, nếu tôi đã từng không biết, người ta sẽ soi sáng cho tôi, rằng tuyệt đối không chỉ những giống đực thô bỉ, mà cả những giống cái thô bỉ cũng tuyệt đối nghĩ đúng như vậy, hoặc chính xác đúng như vậy, chỉ ngược lại, khi trong một quán giải khát dưới ánh đèn nhợt nhạt, tôi – đúng lúc đó đang ngồi đợi vợ – cũ – của mình, ngay bàn bên cạnh là hai cô gái trẻ đẹp đang trò chuyện, thế giới đột nhiên bỗng quay cuồng quanh tôi, theo đúng nghĩa đen của từ này, một cảm giác bóp thắt dạ dày, kiểu như lao xuống vực, gợi về miền thơ ấu, một ảo ảnh quá xa vời, gốc gác của nó,  nói thế nào nhỉ,  gợi lên từ một hình ảnh khủng khiếp tôi nhìn thấy, một hình ảnh khủng khiếp ám ảnh cả cuộc đời, và sau cùng, ai mà biết được tại sao, ai có thể nhận ra mọi nguyên nhân của linh hồn, mà nếu có nhận ra, đã chắc dám, thử tìm cách thoát khỏi chúng, bởi vì đấy là một hình ảnh không chỉ kinh tởm, mà còn chán ngán đến cùng cực, vì sau đó, tôi đã đồng nhất mình với cái hình ảnh ấy, đến mức, nếu không phải hoàn toàn hiện thực như bản thân hình ảnh đó, thì ít nhất tôi đã cảm thấy mình biến thành chính ảo ảnh đó.

Vâng đó chính là tôi, trong một làng đồng bằng bụi bặm và ngột ngạt, khi người ta gửi tôi đến để nghỉ hè. Đấy là lần đầu tiên tôi sống giữa cộng đồng người Do thái, tôi muốn nói là giữa những người Do thái chính cống, không phải Do thái như chúng tôi những người Do thái thành phố, Do thái thành phố Pest, hoặc không phải những người Do thái khác, tất nhiên không theo thiên chúa giáo, những kẻ Do thái không phải Do thái, thường vì thế ăn chay dài ngày, ít nhất bắt buộc đến trưa, không, một bà bác họ hàng và một ông bác họ hàng (tôi quên mất, họ là những họ hàng gì, mà nhớ để làm gì cơ chứ, họ đã tự đào mồ cho mình từ tám đời trong không khí, nơi người ta đã thổi họ bay đi từ lâu).

Tóm lại, đấy là những người Do thái chính cống, sáng cầu nguyện, tối cầu nguyện, trước bữa ăn cầu nguyện, bên cạnh chai rượu cầu nguyện. Thực ra họ là những người đáng yêu, với một thằng bé từ thành phố Pest về, họ là những kẻ béo mập, buồn tẻ, bẩn thỉu, như những con ngỗng, như món xúp đậu nhạt nhẽo, như món bánh ngọt nhồi hổ lốn các loại quả. Lúc đó chiến tranh thế giới đã bùng nổ, nhưng ở chỗ chúng tôi vẫn yên ả và thanh bình, ở hòn đảo hòa bình Hungary và châu Âu lửa cháy, người ta mới đang thực tập một sự ám muội. Điều đó không thể xảy ra được, thứ, mà chúng tôi nói ở Đức, hay ở Balan, hoặc „ở chính quyền bảo hộ Séc”, hoặc Pháp, hoặc Croatia, hoặc Slovakia, tóm lại, là thứ đang xảy ra khắp nơi và không thể dừng lại, không, không thể xảy ra ở đây; đúng vậy.

 

Một buổi sáng tôi vô tư khẽ mở cửa phòng ngủ, và bỗng thét lên trong lòng, tôi quay ra ngay lập tức, vì tôi vừa nhìn thấy một cái gì khủng khiếp, tác động như một sự hỗn xược vào mặt, so với tuổi đời, tôi chưa từng chuẩn bị để đón nhận bao giờ: một người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước một cái gương, trong chiếc áo ngủ màu đỏ. Phải mất một hồi lâu, cái đầu hãi hùng và hỗn loạn của tôi mới đồng nhất được người đàn bà đó với bà bác họ hàng của tôi, người mà sau sự kiện này, tôi thường gặp với mái tóc nâu đỏ bình thường, tuy các sợi của nó cứng và mỏng một cách khác thường; tất nhiên tôi không dám mở miệng hỏi, bằng toàn bộ sức lực, tôi cố gắng cho rằng mình  không nhìn thấy gì, không nhìn thấy một hình ảnh khủng khiếp, một bà bác với cái đầu bóng nhẫy, trần trụi như của manơcanh trong tủ kính, lúc tôi thấy giống như của một xác chết, hay của một người đàn bà dâm đãng, kẻ đêm đêm biến đổi trong phòng ngủ; tất nhiên, chỉ khi về nhà, tôi mới dám gợi lại câu hỏi, có đúng là mình đã nhìn thấy, cái mà tôi đã thấy hay không, vì ngay chính trong tôi cũng đầy ngờ vực;

Bộ mặt cười cợt của cha tôi tuyệt nhiên không làm tôi dịu đi, không hiểu sao, tôi cảm thấy nụ cười của ông nông nổi và tàn nhẫn, kể cả khi tự tàn nhẫn mà thôi. Tất nhiên, những từ ngữ này lúc đó - với tôi, một đứa trẻ- thật xa vời. Đơn giản tôi cho là cha tôi đã cười một cách ngu ngốc, vì ông không hiểu được sự khiếp đảm, nỗi hãi hùng, ấn tượng khắc sâu vào tâm khảm, lần đầu tiên trong đời của một đứa trẻ: thay vào chỗ của bà bác là một người đàn bà có cái đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Không, ông không thể nào hiểu nổi sự hãi hùng này của tôi, ngược lại ông gợi thêm những nỗi hãi hùng khác, đúng là ông rất ân cần, giải thích cho tôi, những điều tôi chả hiểu gì hết, chỉ cảm thấy nỗi hãi hùng bí hiểm của bản thân sự việc trần trụi, khi ông bảo, họ hàng bác tôi là những người polis, là những phụ nữ Do thái Balan, vì lý do tôn giáo, người ta cắt tóc của mình và đội sáli, nghĩa là đội tóc giả; Sau này, khi mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn, khi tôi cũng là Do thái, như thể từ từ ta biết, điều này đi kèm theo án tử hình, có thể chỉ vì đấy là một nhân tố đặc biệt, và không hiểu được – rằng: tôi là người Do thái - tự điều này thật kỳ quặc, nhưng ít nhất đã trở nên quen thuộc với tôi, một thời gian sau bỗng tôi nhận ra mình là ai: là người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Sự thật mới hiển nhiên làm sao, không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, nhưng suy cho cùng, không thể phủ nhận, nó định nghĩa một cách tuyệt vời cho vị trí không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được của tôi, là tôi đừng nói ra xuất xứ của mình. Sau cùng, mọi việc trở nên đơn giản hơn, không cần đến tôi nữa, vì tôi đã quen với ý nghĩ này, cũng như dần dần theo trình tự, những ý nghĩ khác không dễ chịu, nhất là không thể hiểu nổi cũng trở nên quen thuộc nốt, với sự yên bình hoàng hôn. Cần biết, những ý nghĩ không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được sẽ biến mất, khi tôi biến mất.  Đây là những suy nghĩ rất có tác dụng, trước tiên ý nghĩ tôi là Do thái, thuần túy không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, hiện diện như một hiện thực, trong thời hêber còn là sự nguy hiểm chết người. Nhưng với tôi (tôi hy vọng, thậm chí tin tưởng, tuyệt đối không ai đồng ý với tôi, tôi tin  có người sẽ nổi giận, thậm chí, tôi thành thực hy vọng, người ta sẽ chán ngấy, những người bài và không bài Do thái)  suy nghĩ này có tác dụng thiết thực, tuy không ngoài nhận thức: đấy một hiện thực không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, thậm chí nguy hiểm chết người, duy nhất vì sự nguy hiểm của nó, ta cần thử yêu lấy nó. Tôi không tin, vì từ lâu rồi, tôi không cố gắng sống hòa đồng với con người và thiên nhiên, với cả bản thân mình, hơn thế nữa, tôi còn mường tượng đến một nỗi tủi nhục đạo đức, một cái gì đó tha hóa đáng kinh tởm, như trong mối quan hệ ơdip, hoặc sự loạn luân xấu xa cùng dòng máu, giữa hai anh em.

Vâng, tôi ngồi như thế, đợi vợ (cũ)  trong một tiệm giải khát có ánh đèn mờ ảo, với hy vọng về vô vàn đơn thuốc mới, không hề nghĩ  đến cái vị thế không dễ chịu, nhất là không thể hiểu được, đôi khi nguy hiểm chết người của mình, khi cạnh bàn tôi, hai phụ nữ đang trò chuyện, tôi rất tình cờ, lắng nghe. Những người đẹp, một cô tóc vàng, một cô tóc nâu, cho dù họ làm tôi cụt hứng bao nhiêu lần và đến thế nào (tôi chỉ nói thế thôi về điều này), bí mật và lặng thinh, tôi lắng nghe sự tuần hoàn của máu, và những giấc chiêm bao kinh sợ của mình. Một cách bí mật, tôi vẫn yêu những người đàn bà đẹp, họ có  sức quyến rũ không lay chuyển, không bày tỏ, có thể nói rất tự nhiên,  dù họ ra vẻ muốn tầm thường hóa đi chăng nữa, về bản chất vẫn có cái gì bí hiểm, không liên quan đến tôi. Dù tôi có bực bội, cũng không dễ dàng tiếp cận họ, như tiếp cận với cây plantán chẳng hạn,  tôi yêu nó vì tán lá xòe rực rỡ, vì rễ cây lấm tấm, vì những chiếc lá đung đưa theo mùa, to bằng bàn tay của chúng. Tôi còn chưa kịp hiểu, dù như một kẻ tham gia thụ động, vào câu chuyện của họ, được thì thào với một giọng tin cậy, ngay lập tức, một đề tài rào đón tức khắc lọt đến tai tôi, với những lời sau đây: „…tớ không biết, nhưng tớ không thể, với một kẻ lạ… với một gã da đen, một gã Di gan, một thằng Ả rập…” giọng nói đến đây dừng lại, tôi cảm thấy cô ta ngập ngừng, cảm giác nhịp điệu thì thầm trong tôi, cô ta chưa nói hết, rõ ràng cần phải có câu tiếp theo, tôi nghĩ, nếu cô ta nghĩ lâu đến thế, tôi sẽ nhắc hộ, giữa lúc đó cô ta cay đắng nói tiếp: „…một thằng Do thái” thế là cùng lúc, hết sức bất ngờ, vì đã đoán trước, đã chờ đợi, nghe ngóng, cùng lúc, thế giới quay cuồng quanh tôi, với một cảm giác buốt thắt ruột, như lao xuống vực, tôi nghĩ thầm, nếu cô gái nhìn tôi lúc này, tôi sẽ biến đổi: tôi sẽ biến thành người đàn bà đầu trọc lốc ngồi trước gương, trong cái áo ngủ màu đỏ. Sự nguyền rủa này, tôi nghĩ, không có đường thoát, không có, không có, tôi đã nghĩ, đã nghĩ, chỉ  con đường duy nhất tôi nhìn thấy, nếu, tôi đã nghĩ, nếu ngay bây giờ mình đứng dậy, hoặc tát cho cô ta một cái, hoặc dằn ngửa cô ta ra…

 

Có cần phải nói không nhỉ, tôi chẳng làm gì hết, cũng như tôi đã không làm nhiều cái khác, những việc thường xuyên đủ lý do để tôi cần phải làm. Nó cũng không nằm trong lĩnh vực nhu cầu thiết yếu, mà tôi đủ lý do lắc đầu không vi phạm; Nhưng động cơ của tôi, có thể nói, chưa được cổ vũ đã tắt ngấm, và, những ý nghĩ hèn kém nhưng quen thuộc đến gần tôi ngay lập tức – cần quái gì phải chiến thắng con đàn bà này, hay chiến thắng bản thân mình, bởi vì từ lâu, lâu lắm rồi tôi đã biết như vậy, tôi làm vì cần phải làm, mặc dù  không biết tại sao lại cần, tôi làm với một hy vọng, thậm chí với một ý thức, sẽ đến lúc không cần phải cần làm , tôi sẽ tự do lựa chọn một chỗ nằm cho mình, trước khi người ta bắt tôi làm điều ấy, người ta huýt còi bắt tôi phải đào huyệt cho bản thân tôi, để giờ đây, mất bao nhiêu thời gian – ôi lạy Chúa! – tôi vẫn mới chỉ dừng ở việc đào huyệt.

 

Sau rồi vợ tôi cũng đến, tôi, với những cảm giác được giải thoát, ngay lập tức, nói thế nào nhỉ, một cách bản năng tôi nghĩ: „Trời! cô gái Do thái mới đẹp làm sao!” khi nàng bước trên tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển, nàng rụt rè bước về phía tôi, vì muốn nói chuyện với tôi, vì biết tôi là tôi, B, nhà văn và nhà dịch giả, người mà nàng sẽ đọc cho nghe „một ghi chép”, người mà mọi giá cần  gặp cho được, nàng (lúc đó sẽ, bây giờ đã) là vợ tôi bảo. Nàng còn rất trẻ, kém tôi mười lăm tuổi, tuy tôi chưa đến nỗi già lắm, mặc dù lúc nào tôi cũng già.

Vâng, giờ đây tôi lại thấy nàng, trong cái đêm vĩ đại, sáng rực ánh chớp của sự ngộ tỉnh, cả sau này, trong cái đêm tăm tối đổ ụp xuống đầu tôi: I wonder why I spend my lonely nights dreaming of the song…and I am again with you, tôi huýt sáo, mơ màng vì nỗi mình đang huýt sáo bản Stardust Melody, mà chúng tôi thích, đúng hơn tôi chỉ thích huýt sáo bản Gustav Mahler, bản giao hưởng Số Chín. Thật vớ vẩn. Nếu chẳng may ai không biết bản giao hưởng này, để từ ấn tượng của nó, có đủ lý do và cơ sở rút ra đặc điểm tâm hồn của tôi, nếu họ tò mò, và không thỏa mãn với những thông tin khác về tôi. When our love was new and each kiss a revelation…

 

„Không”, có một cái gì đó gào rú trong tôi, tôi không muốn nhớ lại, ở nơi hưu quạnh này, thay thế món bánh quy Madeleine quen thuộc là loại bánh cho trẻ em, dúng vào cốc nước chè Garzon, nếu, tôi muốn nhớ lại, tất nhiên. Tôi muốn, tôi không muốn, không làm khác được, nếu tôi viết, tôi nhớ lại, cần phải nhớ lại, dù không hiểu tại sao cần nhớ lại. Chắc chắn vì tri thức, tri thức của sự hồi tưởng, chúng ta sống, để nhớ ra tri thức của mình, vì chúng ta không quên  cái chúng ta đã biết, đừng sợ, các bạn, không phải từ „nghĩa vụ đạo đức”, không, đơn giản chỉ vì chúng ta không có cách nào, chúng ta không thể quên. Ta sinh ra như thế, ta sống để biết và nhớ.  Có thể,  rất có thể, thậm chí chắc chắn, ta biết và nhớ lại, có một kẻ xấu hổ thay chúng ta, nếu kẻ đó đã sinh ra, ta cần nhớ đến, còn kẻ có tồn tại hay không, như nhau; Về cơ bản ta cần nhớ lại, cần biết và nhớ lại có một kẻ - kẻ nào cũng được - xấu hổ thay, và xấu hổ cho chúng ta. Bởi vì, cái xúc phạm tôi, nếu người ta hỏi, từ những hồi ức đặc ân, trang trọng, có thể nói, đã được thần thánh hóa của tôi, không sao, nếu ta đã dùng những từ ngữ đao to búa lớn, vậy thì: trong buổi lễ rửa tội ám muội của loài người, từ những hồi ức được thần thánh hóa của tôi, hơi ga ngạt ngụa xì ra, những tiếng gào rú từ các cuống họng gào thét lên: Der springt noch auf, Somá Jiszroél của bản Trốn chạy Vác-sa-va, tiếp theo là tiếng đổ sụp tan tành của dương thế… Sau rồi, ngày mỗi ngày, những nỗi kinh ngạc mới, có thể nói, những nỗi kinh ngạc đáng dấu diếm nảy mầm khe khẽ, úi chà, úi chà, tôi cứ phải nhảy dựng lên, ich sprang doch auf, thậm chí tôi vẫn tồn tại, không biết tại sao, rất ngẫu nhiên, như sinh ra. Tôi đồng lõa với sự tồn tại, sự ra đời của mình, tôi cho phép,  chút nhục nhã ẩn náu trong sự sống còn, nếu vì thế ta làm tất cả những gì có thể: vậy thôi, không nhiều hơn, tôi không sa đà vào cách ngoạc mồm ra rên rỉ hoặc đấm ngực thùm thùm, lạy Chúa! Con người kiểu gì cũng lầm lẫn đôi chút.  Tất cả chỉ có vậy, tôi sống sót, như vậy tôi tồn tại, tôi nghĩ thế, không, không, tôi chả nghĩ gì, tôi chỉ đã tồn tại, đơn giản cực kỳ, như một bản Trốn chạy Vác-sa-va, như một kẻ sống sót của Budapest, kẻ không làm gì với sự sống sót này, không cảm thấy cần thiết phải chứng nhận sự sống sót, không cần đính ảo tưởng mục đích vào sự sống sót, đúng thế, để biến sự sống sót thành bản khải hoàn ca, do dù điều này lặng lẽ, cụ thể và đáng tin cậy, nhưng bản chất cũng chỉ là sự hiện hữu có thật, là khả năng tồn tại của bản khải hoàn ca, như sự sống sót cần đến. Như vậy trong bản thân tôi và các thế hệ sau – trong thế hệ của con-trong con-là sự tiếp nối gia truyền và nhân bản, đấy sẽ là – đã là – sự sống sót.

 

Không, tôi không nghĩ đến điều đó, không cần nghĩ, cho đến tận khi một đêm ập xuống đầu tôi, cái đêm ngộ ra tất cả mà vẫn tối đen làm sao, trong tôi, chưa đinh ninh một câu hỏi (chính xác là sau tôi, sau quãng đời đã sống của tôi, bởi vì, ơn Chúa, đã muộn rồi, và luôn luôn sẽ muộn mất) một câu hỏi, đúng thế –  con sẽ là một cô bé mắt đen? quanh mũi con là những chấm tàn hương mơ hồ rải rác? Hay  một cậu bé nghịch ngợm? đôi mắt vui tươi và bướng bỉnh của con như những viên sỏi nhỏ màu xám? Đúng thế, cuộc đời của ta, như một khả năng sự tồn tại của con, nói chung, xét cho cùng, một cách nghiêm khắc, một cách buồn bã, không giận giữ và không hy vọng, như khi ta quan sát sự vật vậy. Tôi nói, tôi đã không nghĩ gì hết, cho dù, tôi nói, cần thiết biết bao. Vì có một công việc chuột chũi  bí mật nào đó ở đây, sự đào bới, sự kiếm tìm, thứ tôi cần biết, tôi đã biết, tất nhiên, nhưng cứ nghĩ là cái khác, để làm gì? Không rõ, nhưng tôi ngờ, có một sự lộn xộn nào đấy, như một lão già mù lòa cứ ngỡ tiếng  loong coong, lạo xạo là công việc khai mở đường ống chinh phục trái đất, biết đâu, người ta đang đào mồ, thậm chí đang đào mồ cho chính lão. Tóm lại, tôi bắt gặp mình viết, vì cần phải viết, dù tôi không biết, tại sao cần, sự thật là tôi bắt gặp mình viết, tôi làm việc bền bỉ chuyên cần, có thể nói như điên, lúc nào tôi cũng làm việc, không chỉ để sống, vì nếu không làm việc, tôi vẫn tồn tại, nếu tôi vẫn tồn tại, không biết cái gì bắt buộc, tốt hơn hết, tôi không nên biết điều này, cho dù các tế bào, nội tạng của tôi vẫn cảm thấy, vì thế tôi làm việc không ngừng: chừng nào tôi còn làm việc, chừng ấy tôi còn hiện hữu, nếu tôi không làm việc, có giời biết, tôi còn hiện hữu hay không, vậy nên tôi cho là quan trọng, cần phải thấy quan trọng, đây là cả một tổng thể đặc biệt quan trọng, tồn tại giữa sự sống còn và công việc của tôi, tất nhiên rồi. Điều này rõ ràng, tuy không bình thường cho lắm, khối người viết, vì cần viết, nhưng không phải ai cũng cần viết ; đối với tôi rõ ràng cần, đã cần, tôi không biết, tại sao, có vẻ đây là giải pháp duy nhất dành cho tôi, dù chả giải quyết được gì, dù từ góc độ khác cũng không phải là giải pháp, nói thế nào nhỉ, trong chất lượng của nó, tuy không phải giải pháp, tôi vẫn bắt buộc  cảm thấy, sự bế tắc như một giải pháp, ngoài ra, nỗi bất mãn bế tắc và những bất mãn khác cũng giày vò tôi. Xem xét lại,  tôi tưởng viết là chạy trốn (dù không hoàn toàn sai, ít nhất sang  hướng khác, mục đích khác, so với cái tôi cần chạy trốn), thậm chí là sự cứu vớt, là sự phơi bày mọi giá nỗi cứu vớt tâm hồn mình cho kẻ - bất kỳ kẻ nào - kẻ xấu hổ thay và cho chúng ta;

 

Trong đêm ấy, rốt cuộc tôi đã nhận ra bản chất công việc của mình, không là gì khác, ngoài việc đào mồ, tiếp tục đào mồ, mà kẻ khác bắt đầu đào cho mình trong không khí, đơn giản vì họ không đủ thời gian hoàn tất, không phải bằng sự giễu cợt quỷ sứ, mà chỉ lơ là, không nhìn quanh, họ ấn công cụ vào tay tôi, rồi mặc xác tôi ở đấy, để tôi tự xử lấy mình, theo trình độ bản thân, một công việc tôi làm vì họ. Thế là, nhận thức vẫn chỉ là nhận thức, dù tôi làm bất kỳ cái gì, tôi nhận ra cuộc hôn nhân của mình:

„Không!” – tôi nói luôn và ngay lập tức, không do dự, có thể nói là theo bản năng, bởi vì tất cả quá tất yếu, rằng những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại bản năng, có thể nói,  những bản năng chống đối của chúng ta hoạt động thay bản năng, thậm chí  biến thành bản năng của tôi, – đã thành – sẽ thành – bản năng của tôi; Cái ”không” không phải một quyết định, như  ta được phép tự do quyết định – đã quyết định – giữa ”không” và ”có”.

 

Cái ”không” này chính là nhận thức, là quyết định, không do tôi mà chính về tôi, đây là nhận thức về bản án của tôi, cùng lắm, được coi là quyết định ở chỗ, tôi không quyết định chống lại quyết định này. Thật sai lầm nếu tôi quyết định, con người làm sao có thể quyết định chống lại được số phận của họ.

Hãy để tôi diễn đạt thật kêu, rằng ta thường hiểu ít nhất, về chính bản thân mình, về sự xảo quyệt, xa lạ, về những nhân tố liên tục sinh ra để chống lại chúng ta, những thứ, một cách xa lạ và cách biệt, cúi đầu nhục nhã trước các thế lực, thế mà ta giản dị gọi nó là số phận.  Nếu tôi không muốn nhìn, cuộc đời tôi chỉ là một ngẫu nhiên tự thân trong hàng loạt ngẫu nhiên, nói thế nào nhỉ, một quan điểm tồi tệ, trong một chuỗi nhận thức mà ít nhất niềm kiêu hãnh của tôi được thỏa mãn, với hiện diện của tiến sỹ Obláth, tôi có thể nói, vấn đề được khoanh lại : Sự hiện hữu của ta chính là khả năng tồn tại sự hiện hữu của con, xét cho cùng, trong ánh sáng của sự nhận thức liên tục, và những bóng râm quá khứ, một lần và mãi mãi, vấn đề này có thể sửa như sau: Việc không hiện hữu của con chính là sự thanh toán cần thiết và tận gốc rễ sự hiện hữu của ta, xét cho cùng.

Bởi vì chỉ như vậy mọi cái mới có ý nghĩa, những cái đã xảy ra, những việc tôi đã làm, những việc họ gây cho tôi, chỉ thế cuộc đời vô nghĩa của tôi mới có ý nghĩa, để tôi tiếp tục, cái tôi bắt đầu, sống và viết, không quan trọng, cái nào trước, hai cái cùng một lúc, vì cây bút bi là cái xẻng của tôi, nếu tôi nhìn về phía trước, đặc biệt nhìn về phía sau, nếu đờ người  trên trang giấy, tôi chỉ nhìn thấy quá khứ: nàng bước nhẹ nhàng trên tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển, vì muốn nói chuyện với tôi, vì biết tôi là tôi, B., nhà văn, nhà dịch thuật, người, nàng đọc cho nghe một „ghi chép” của nàng, về những điều mọi giá phải nói với tôi, nàng bảo, chúng tôi nói về chúng, chừng nào chưa nói về mình trong giường ngủ – lạy Chúa! –sau đó chúng tôi vẫn nói, giữa chừng nói, liên tục. Đúng thế, tôi nhớ, nàng bắt đầu bằng việc hỏi tôi có nghĩ nghiêm chỉnh hay không, những gì tôi vừa nói trong cuộc tranh luận khốc liệt, tôi không biết, tôi đã nói gì, tôi bảo, tôi không biết, vì tôi đã nói nhiều thứ, một cách thản nhiên (theo kiểu ” phớt Ăng-lê”) tôi chuẩn bị ra đi, vì cuộc tranh luận ấy làm tôi buồn nôn và ngao ngán. Bài diễn văn bắt buộc của tôi mới quen thuộc và chán ngấy làm sao, tôi bảo, nó thường xổ ra, khi tôi muốn im lặng, lúc đó nó không khác một nỗi im lặng to tiếng, một sự im lặng được nhấn mạnh, nếu tôi được phép trình bày nghịch lý khiêm tốn này: em hãy nhớ lại đi, tôi đề nghị, nàng, với giọng nói run rẩy nghẹn ngào nêu vài quan điểm, một cách nghiêm khắc, gay gắt, trong toàn bộ có cái gì đấy hồi hộp sợ hãi và đen tối-một sự đổi chỗ hoặc quan trọng hóa khái niệm của giới trí thức, hay đơn giản hơn, một hành vi tính dục đội lốt phạm trù trí thức, tôi nghĩ lơ đễnh với vẻ không thể lầm lẫn, mà chúng ta thường nhầm lẫn, nghĩa là bằng sự mù lòa hoàn hảo, nên chẳng bao giờ chúng ta nhận ra sự tiếp tục trong phút chốc, sự tiếp nối trong ngẫu nhiên, sự va chạm trong những tiếp xúc, những thứ mà từ đó ít nhất một trong những điều trên, được kéo theo như một miếng giẻ, một sự kích dục, tôi nghĩ một cách hiển nhiên và nhục nhã, đúng cái cách chúng ta thường đổi chỗ hoặc quan trọng hóa những khái niệm của sự lấp liếm tính dục, hoặc chúng ta ngụy trang cho toàn bộ một cách hết sức đơn giản. Đúng thế, đặc biệt ngay lúc này, trong đêm đen sâu thẳm của tôi, tôi nhìn thấy thì đúng hơn là nghe thấy câu chuyện tâm tình ngày ấy, tôi nhìn thấy quanh mình những khuôn mặt buồn bã âu sầu, như những mặt nạ sân khấu, với những vai diễn khác nhau, của kẻ khóc, kẻ cười, của con chó sói và con cừu, của con khỉ, con gấu, cá sấu, cả bầy đàn này ồn ào một cách lặng lẽ, như trong một đám bùn lầy bất tận, nơi các nhân vật chính, như thể trong câu chuyện cổ tích Êzôp hãi hùng, người ta tước nốt những bài học cuối cùng, bỗng có một ý tưởng buồn bã của ai đấy nổi lên rằng, mỗi người hãy nói xem, mình đã từng ở đâu, và thế là những cái tên rơi lả tả xuống như thể từ một đám mây bay ngang: Mauthausen, sông Đông, Recsk, Siberia, a Gyűjtő, Ravensbrück, phố Fő, số nhà sáu mươi phố Andrassy, những cái làng tập trung, những nhà tù sau năm 56, Buchenwald, Kistarcsa, tôi bắt đầu hoảng sợ vì sắp đến lượt mình, may quá người ta lên tiếng trước: „Auschwitz”, một người nào đó nói, và cả đám đông gật gù: „Không thể thoát được”, còn chủ nhà, trước sự kiện ấy, nửa ghen tỵ, nửa băn khoăn,  sau rốt, làm dịu lòng bằng một nụ cười quen thuộc. Rồi bỗng nhiên nhan đề của một cuốn sách thời thượng hiện ra, thời đó, thậm chí cả hôm nay vẫn thế, thậm chí sẽ vĩnh viễn thời thượng, với câu nói, mà tác giả, sau khi vô ích đằng hắng, vẫn run rẩy một cách cần thiết khi thốt lên: „Về Auschwitz không có lời giải thích” – đúng thế, ngắn gọn, cảm động, khẽ nghẹn ngào, và tôi nhớ đến sự ngạc nhiên của mình, khi thấy đa số cái đám đông đã bị cọ xát này thừa nhận câu nói ngu ngốc đó, phân tích, tranh cãi, những đôi mắt sau những cái mặt nạ liếc trộm đâu đấy một cách ranh mãnh, hoặc phân vân, hoặc nhìn xuống một cách không hiểu nổi, như thể câu nói đã bóp chết ngay từ phôi thai của nó mọi ý nghĩa, muốn trình bày một điều gì đó, để con người hiểu rằng: mới chỉ lưu ý đến logic ngôn ngữ, câu nói đó đã sai, cùng lắm phản ánh được khát vọng, giá trị đạo đức giả hoặc ấu trĩ, cùng các bản năng bị dồn nén khác, nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Tôi đã trình bày những ý kiến này, một cách liên tục, khoáng đạt,  suốt trong thời gian ấy, một cái nhìn phụ nữ dán chặt vào tôi, như thể muốn tìm một suối nguồn từ tôi, giữa bài diễn văn tuôn chảy bắt buộc,vội vã, có thể đầy sai lầm, cùng lắm phản ánh những khát vọng, những bản năng bị kìm hãm khác nhau, tôi nói, và nhận ra: đó chính là nàng, vợ sau này, nhưng trước hết là tình nhân của tôi, người chỉ sau buổi nói chuyện ấy tôi mới quen. Khi tôi mệt mỏi, ngượng nghịu, quên hết thảy, tôi lặng lẽ (theo kiểu „phớt Ăng-lê”) định chuẩn bị đi, thì nàng nhỏm dậy từ một tấm thảm xanh non, như thể đi trên biển. Tôi quên mất mình từng nói gì, chắc nêu ý kiến của mình, ý kiến từ bấy đến nay không mấy thay đổi, và nếu có thay đổi, có thể vì tôi ngờ vực ý kiến của mình,  tuy tôi không tin chúng thay đổi, chỉ có điều giờ đây tôi ít nêu ý kiến hơn.

 

Nhưng tôi nêu ý kiến của mình để làm gì và cho ai cơ chứ, nhất là nêu ở đâu, vì tôi không trú ngụ thường xuyên, trong khu nghỉ mát vùng núi trung du, để cùng  tiến sĩ Obláth và đám trí thức cao sang  thoảng đầy  mùi vị quyền lợi, vật vã qua ngày bằng việc phát ngôn sang sảng các loại ý kiến. Tôi sống thường xuyên, hoặc gần như thường xuyên trong không gian một phòng rưỡi, tầng mười một của một khu nhà lắp ghép, Chúa hãy tha tội cho cái gọi là căn hộ của tôi, nơi lúc nắng chiếu, khi gió lùa (đôi khi cả hai thứ này hội ngộ cùng lúc), tôi thường trực trong cái chuồng của mình, ngước nhìn lên không gian rực rỡ, bằng cái bút bi, đào huyệt cho mình, chăm chỉ, như một công nhân bị cưỡng bức, ngày nào cũng bị huýt còi để ấn sâu hơn cái xẻng, để kéo bản viôlông chết chóc một cách đen tối hơn, não nùng hơn; Cùng lắm tôi tranh luận ý kiến của mình với những ống dẫn nước kêu u u, những ống dẫn sưởi kêu răng rắc, với tiếng gào hét của nhà hàng xóm, giữa trái tim quận Jozsef, đâu phải giữa trái tim, phía  tận cùng của quận thì đúng hơn, khu nhà lắp ghép nom khiêu khích bất ngờ, như một bộ phận chân tay giả quá cỡ : nhưng từ cửa sổ, ít nhất tôi nhìn thấy – thật đáng ngạc nhiên – đằng sau hàng rào cũ kỹ  luôn đứng đó, tôi nhìn thấy bí ẩn rách rưới của một mảnh vườn cằn cỗi, thuở thơ ấu luôn cuốn hút tôi, giờ đây không mảy may khiến tôi động lòng, thậm chí làm tôi chán ngấy, kể cả ý nghĩ này nữa, rằng những hoàn cảnh nhất định (cuộc ly hôn của tôi, là điều dở nhất, cho dù không phải lúc nào tôi cũng thích cách giải quyết đơn giản nhất, và không tốn tiền) tóm lại, sau những hoàn cảnh nhất định, tôi lại quay về nơi, thuở thơ ấu tôi đã trải qua vài kỳ nghỉ hè và nghỉ đông buồn bã, nơi tôi thu lượm vài ba kinh nghiệm buồn rầu từ tuổi thơ. Đấy là ý nghĩ, tôi lại sống ở đây, chừng nào cần phải sống, cao hơn tuổi thơ mười một tầng gác, không thể tránh khỏi, giờ đây như thể trêu ngươi tôi, những kỷ niệm thơ bé và vớ vẩn lại hiện về, bởi vì những kỷ niệm này đã chết từ rất lâu, những thứ cần phải tiêu diệt hết: một loại gặm nhấm quỷ quyệt và vòi vĩnh, đáng ra phải ngủ yên từ lâu. Tôi đã quay trở về, về đâu ? về ý kiến của mình- lạy Chúa!- hình như tôi nói rồi, chỉ riêng về mặt lôgic ngôn ngữ, câu này đã sai, ” Về Auschwitz không có lời giải thích”, thiết tưởng cái gì tồn tại, luôn có lời giải thích, dù thuần túy tự thân. Trong thực tế, một hiện tượng ít nhất có hai đời sống, một đời sống hiện tượng, và một đời sống, tôi có thể nói, một đời sống tâm linh của nó, một hình thức biểu hiện tâm linh của nó, và điều này không khác, ngoài chính bản thân sự giải thích, giải thích chính hiện tượng ấy. ” Về Auschwitz không có lời giải thích” chính là lời giải thích, tác giả bất hạnh của nó muốn nói, chúng ta hãy im lặng trước Auschwitz, không có Auschwitz, chưa từng có, không có lời giải thích, biện bạch cho cái thứ không có hoặc chưa từng có.

 

Nhưng tôi nói, đã từng có Auschwitz, vẫn có, vậy phải có lời giải thích. Thực ra, không có lời giải thích: chưa từng có Auschwitz, nghĩa là không thể tìm ra lời giải thích Auschwitz đã chưa từng có, đã không xảy ra, hiện tượng mang tên „Auschwitz”đã không hiện thực hóa (nói điều này, tôi kính cẩn nhớ đến tiến sỹ Obláth), đúng thế, chính vì không giải thích được sự không xuất hiện của Auschwitz, nên có thể từ rất lâu rồi, ai biết được, có thể từ hàng thế kỷ trước, nó đã sừng sững trong không khí, như một thứ quả độc được nhào nặn trong những tia sáng phản chiếu của sự nhục nhã, nó chờ đợi, để khi nào đó bổ nhào xuống đầu con người, để sau cùng cái gì tồn tại vẫn tồn tại, một cách cần thiết, vì sự tồn tại của nó: lịch sử thế giới là hình ảnh và hành động của bộ não (trích dẫn từ H.), và bởi vì, tôi cần nhìn thế giới như một chuỗi ngẫu nhiên, một quan điểm vô lý (tôi trích dẫn từ tôi). Như vậy ta hãy đừng quên: ai nhìn thế giới một cách hợp lý, thì thế giới cũng sẽ được nhìn một cách hợp lý như thế: hai điều này bổ sung cho nhau –  H. nhắc lại, không phải H., nhà lãnh đạo, thủ tướng, mà là H.,là  tất cả các nhà lãnh đạo, thủ tướng, mọi nhà tiên tri vĩ đại nhân danh quyền hành, các nhà triết học, những anh hề cung đình, những tôi tớ phục vụ cho nhu cầu chọn lọc của nó, những kẻ, tôi cho rằng hoàn toàn có lý, ta chỉ cần trầm ngâm phân tích xem đây là loại bộ não gì, mà hình ảnh và hành động của nó là lịch sử thế giới, hơn nữa, những ai là kẻ hợp lý nhìn thế giới một cách hợp lý, sau đó hai thứ này sẽ xác định lẫn nhau – như, rất tiếc, họ đã xác định xong, tôi có thể nói như vậy, họ đã xác định xong Auschwitz, tôi có thể nói, điều này đã xảy ra, thậm chí đây là ý kiến của tôi, theo tôi những lời giải thích ẩn náu trong những cuộc đời, chứ không phải ở chỗ khác. Auschwitz theo tôi là hình ảnh và hành động của những cuộc đời, là dấu vết của những tổ chức nhất định, xét cho cùng. Nếu toàn bộ nhân loại còn mơ hồ, Moosbrugger, kẻ giết người phóng đãng nhất định phải được sinh ra, như trong cuốn sách của Musil, cuốn Con người không có những đặc tính, tôi có thể nói như vậy. Đúng thế, đấy là toàn bộ những mảnh đời, và những rối rắm kỹ thuật của nó: lời giải thích có thế này, không nhiều hơn, không khác hơn, tất cả, những gì có thể xảy ra, đã xảy ra, những cái có thể, chính là những cái đã xảy ra. K. kẻ thông thái lớn lao và buồn bã đã nói thế, kẻ, từ các cuộc đời biết chính xác sẽ như thế nào, khi lũ tội phạm điên rồ nhìn thế giới một cách hợp lý, và thế giới cũng nhìn lại chúng hợp lý, hay nói đúng hơn đã ngoan ngoãn cho phép chúng nhìn như thế.

 

 

Chương : 1    2   3   
Imre Kertész
Số lần đọc: 1128
Ngày đăng: 11.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường