Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
639
116.548.269
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 5

5.

 

Mùa hè đang hết.  Năm Do thái gần qua.

Trong lễ Rosh Hashanah, ngày cuối của cái năm đáng nguyền rủa này, toàn trại sôi nổi với tâm hồn tràn đầy căng thẳng của chúng tôi.  Dù sao đi nữa, ngày ấy vẫn không giống bất cứ ngày nào khác.  Ngày cuối năm.  Tiếng “cuối” ngân vang lạ lùng.  Nếu đây thật sự là ngày cuối thì sao?

Bữa ăn tối đó người ta cho chúng tôi nhiều xúp nhưng chẳng ai chạm tay vào dĩa.  Chúng tôi muốn chờ cho tới khi cầu nguyện xong.  Tại nơi tập họp, bốn phía là hàng rào kẽm gai có truyền điện, hàng ngàn người Do thái im lặng tụ tập, nét mặt xúc động.

 

Đêm xuống.  Từ các ba-rắc, tù nhân nối tiếp nhau lũ lượt kéo tới, người ta bỗng dưng làm chủ được cả thời gian lẫn không gian, và trịnh trọng đưa chúng vào lời ước nguyện của mình.

“Hỡi Thượng đế, Ngài là cái gì?” tôi suy nghĩ một cách giận dữ,  “so với đám đông khốn khổ này, những kẻ đang bày tỏ với Ngài đức tin của họ, cơn thịnh nộ của họ, sự nổi loạn của họ?  Hỡi Chúa Tể Càn khôn, sự tối thượng của Ngài có nghĩa lý gì trước toàn bộ yếu đuối, phân hủy và thối rữa này?  Tại sao Ngài tiếp tục gây khủng hoảng cho những tâm trí thương tật của họ, cho những hình hài què quặt của họ?”

 

Mười ngàn người tới dự lễ phụng vụ trọng thể, các trưởng ba-rắc, các Kapo, những chức việc của Thần chết.

“Nguyện xin Đấng Hằng cửu...”

Tiếng vị chủ tế chỉ vừa đủ nghe.  Ban đầu tôi tưởng tiếng gió.

“Nguyện Danh Ngài Đấng Muôn Đời!”

Hàng ngàn tiếng nói lặp lại lời kinh ấy, hàng ngàn người sấp mặt rạp mình xuống đất như cỏ cây trước bão tố.

“Nguyện Danh Ngài Đấng Muôn Đời!”

 

Tại sao?  Tại sao tôi nên cầu khẩn danh Ngài!  Tôi nổi loạn trong từng đường gân sớ thịt.  Vì Ngài đã có hàng ngàn trẻ em bị thiêu trong các nhà trạm của Ngài ư?  Vì Ngài giữ cho sáu lò thiêu hoạt động suốt ngày suốt đêm,  luôn cả Chúa nhật và các ngày lễ?  Vì bằng sức mạnh của mình, Ngài đã tạo ra Auschwitz, Birkenau, Buna và rất nhiều nhà máy tử thần khác?  Làm sao tôi có thể nói với Ngài:  “Nguyện xin Ngài, Đấng Muôn đời, Chúa Tể Càn khôn, Đấng đã chọn chúng tôi giữa các chủng tộc, để chúng tôi bị hành hạ suốt ngày suốt đêm, để chúng tôi thấy cha mình, mẹ mình, anh chị em mình chấm hết cuộc đời trong các lò thiêu?  Tán tụng Danh Cực Thánh của Ngài, Đấng đã chọn chúng tôi để chúng tôi bị tàn sát trên đàn tế lễ Ngài?”

Tôi nghe giọng vị chủ tế cất cao đầy uy lực đồng thời cũng không kém phần tức tưởi, giữa những giọt nước mắt, những tiếng thổn thức và những hơi thở dài của toàn thể cộng đoàn:

“Tất cả quả đất và vũ trụ là của Thượng đế!”

 

Ông ngưng giọng từng chặp, như thể chẳng còn chút hơi sức nào để tìm cho ra ý nghĩa nằm bên trong những lời đó.  Giai điệu nghẹn lại trong cổ họng ông.

Và tôi, bí nhiệm về cái tôi đang là, tôi nghĩ:

“Vâng, con người quá đổi mạnh mẽ và lớn lao hơn Thượng đế.  Khi bị A-đam và E-va đánh lừa, Ngài đuổi họ ra khỏi Địa đàng.  Khi thế hệ No-e làm mất lòng Ngài, Ngài giáng xuống Cơn Hồng thủy.  Khi thành Sô-đôm không còn vừa mắt yêu mến của Ngài, Ngài khiến bầu trời mưa xuống lửa và diêm sinh.  Những người này đây, những người đang bị Ngài phản bội, những người Ngài để cho bị tra tấn, tàn sát, chết ngạt, chết thiêu, họ đã và đang làm gì?  Họ cầu nguyện trước Ngài! Họ tán tụng danh Ngài!”

“Mọi tạo vật đều làm chứng sự Vĩ đại của Thượng đế!”

 

Đã một thời Ngày Đầu Năm từng chế ngự tôi.  Tôi đã có thời từng biết rằng tội lỗi mình làm Đấng Hằng cửu sầu khổ; tôi đã từng kêu van Ngài tha thứ.  Tôi đã từng tin tưởng sâu xa rằng công cuộc cứu độ thế gian treo lơ lửng trên hành vi đơn độc của tôi, trên lời nguyện cầu đơn độc của tôi.

 

Hôm nay tôi không còn nài xin.  Tôi không còn khả năng than khóc.  Trái lại, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ.  Tôi là người lên án, Thượng đế là kẻ bị kết án.  Mắt tôi mở ra và tôi cô đơn - cô đơn kinh khủng trong một thế giới không Thượng đế và không con người.  Không tình yêu không ân sủng.  Tôi thôi không còn là gì ngoài tro than, tuy thế tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn năng, kẻ mà đời tôi đã bị ràng buộc vào trong một thời gian quá dài.  Tôi đứng giữa cộng đoàn đang cầu nguyện, quan sát nó như thể mình là người lạ.

Buổi phụng vụ chấm dứt với kinh cầu hồn Kaddish.  Mọi người đọc kinh Kaddish cho cha mẹ mình, cho con cái mình, cho anh chị em mình, và cho chính bản thân mình.

 

Trong một lúc lâu, chúng tôi đứng lại ở nơi tập họp.  Không người nào dám lết mình ra khỏi ảo vọng này.  Lúc đó, đã tới giờ đi ngủ, các tù nhân chầm chậm men theo lối đi về ba-rắc mình.  Tôi nghe người ta chúc nhau Năm Mới Hạnh Phúc!

Tôi chạy một mạch tìm cha tôi.  Đồng thời, tôi sợ nói lời chúc ông Năm Mới Hạnh Phúc trong khi tôi chẳng còn tin tưởng vào lời ấy.

Ông đang đứng bên bức tường, lưng còng xuống, vai lệch hẳn như thể dưới một gánh nặng.  Tôi đi tới bên ông, cầm tay ông lên mà hôn.  Một giọt nước mắt rơi xuống bàn tay ông.  Nước mắt này của ai? Của tôi? Của ông? Tôi không nói gì.  Ông cũng không nói gì.  Chưa bao giờ chúng tôi hiểu nhau tận tường như thế.

Tiếng chuông reo khiến chúng tôi giật mình về với thực tại.  Chúng tôi phải đi ngủ.  Từ chốn xa xăm chúng tôi trở về.  Tôi ngước mắt nhìn lên khuôn mặt cha tôi đang ngó xuống tôi, cố tìm thấy một nụ cười hay điều gì giông giống như thế trên nét mặt khô cằn tuổi tác đó.  Không gợn chút cảm xúc nào.  Nãn thật.

 

Ngày Yom Kipur.  Ngày Đền Tội.

Chúng tôi nên ăn chay không?  Vấn đề ấy gây tranh luận sôi nổi.  Ăn chay có nghĩa là chết chắc hơn, chết lẹ hơn.  Ở đây chúng tôi đang hoàn toàn ăn chay quanh năm.  Suốt năm là ngày Yom Kipur.  Những người khác nói rằng nên ăn chay tàm tạm thôi vì ăn chay rốt ráo thì rất nguy hiểm.  Chúng ta nên biểu lộ với Thượng đế rằng ngay cả ở đây, trong địa ngục có hàng rào vây quanh này, chúng ta vẫn có khả năng hát lời tán tụng Ngài.

Tôi không ăn chay, chủ yếu là làm vui lòng cha tôi vì ông cấm tôi ăn chay.  Thêm nữa, chẳng còn lý do nào để tôi ăn chay.  Tôi không còn chấp nhận sự im lặng của Thượng đế.  Khi húp chén xúp của mình, tôi thấy trong cử chỉ đó hành động nổi loạn và chống đối Ngài.

Và tôi gặm vụn bánh mì của mình.

Tận đáy sâu tâm hồn mình, tôi cảm thấy vô cùng trống rỗng.

 

SS tặng một món quà hay ho cho chúng tôi dịp đầu năm mới.

Chúng tôi vừa lao động trở về.  Mới bước vào cổng trại, chúng tôi đã cảm giác trong không khí có điều gì khác lạ.  Điểm diện như thường lệ.  Xúp tối đó được phát rất nhanh và nuốt lập tức, một cách khổ sở.

Tôi không còn được ở chung ba-rắc với cha tôi.  Tôi bị chuyển qua đơn vị khác, đơn vị xây cất, ở đó lao động mười hai giờ mỗi ngày, phải kéo lê các khối đá nặng nề.  Trưởng ba-rắc mới của tôi là một người Do thái Đức, vóc người nhỏ thó, đôi mắt xoi mói.  Tối đó anh nói sau bữa xúp chiều không ai được ra ngoài.  Rồi chẳng bao lâu, lan truyền một tiếng khủng khiếp: tuyển lựa.

 

Chúng tôi hiểu rõ tiếng đó có ý nghĩa gì.  Một quan chức SS sẽ xem xét chúng tôi.  Hễ lúc nào hắn thấy có ai quá yếu - kẻ bị loại trừ, như chúng tôi gọi họ, hắn ghi số của người ấy: thích hợp cho lò thiêu.

Sau bữa xúp, chúng tôi tụ tập quanh các sạp giường.  Những tù nhân lão làng nói:

“Các người hên vì bị đưa vào đây rất trễ.  Ngày nay, trại này là địa đàng so với hai năm trước.  Thuở ấy Buna là địa ngục thật sự.  Không nước, không mền, ít xúp và bánh mì.  Ban đêm chúng tôi ngủ gần như trần truồng và trời dưới không độ.  Ngày nào cũng lượm hàng trăm xác chết.  Lao động nặng nhọc.  Ngày nay trại này là một địa đàng nhỏ.  Thuở đó, lũ Kapo được lệnh mỗi ngày giết một số lượng tù nhân nhất định.  Và tuần nào cũng có tuyển lựa.  Tuyển lựa không chút xót thương... Vâng, các người hên lắm.”

“Ngưng lại! Im đi!” tôi năn nỉ. “Để chuyện các bác lại tới ngày mai hay ngày khác hãy kể.”

Họ phá lên cười.  Không phải tự nhiên mà họ lên lão làng.

“Mày sợ à?  Tụi tao cũng từng sợ như vậy.  Và thuở đó có nhiều thứ cho mình sợ.”

 

Những người lớn tuổi ở yên trong xó của mình, ngớ ngẩn, bất động, bị săn đuổi.  Vài người đang đọc kinh.

Được hoản lại thêm một giờ.  Trong một giờ nữa, chúng tôi sẽ biết phán quyết: chết hoặc tạm ngưng án tử hình.

Và cha tôi? Tôi chợt nhớ tới ông.  Làm sao ông vượt qua được cuộc tuyển lựa? Ông đã có tuổi...

 

Trưởng ba-rắc của chúng tôi từ năm 1933 tới nay chưa từng ở ngoài các trại tập trung.  Anh đã qua tất cả các lò sát sinh, tất cả các nhà máy tử thần.  Khoảng chín giờ, anh đứng lên, giữ vị trí mình ở giữa chúng tôi:

“Im lặng!”

Im lặng lập tức.

“Nghe kỹ điều tôi nói đây,” (lần đầu tiên tôi thấy giọng anh run run).  “Chhút nữa thôi sẽ bắt đầu cuộc tuyển lựa.  Các người phải cởi hết quần áo.  Lúc đó từng người một tới trước các bác sĩ SS.  Tôi hy vọng hết thảy các người đều qua trót lọt.  Nhưng ai cũng phải nắm lấy cơ hội của mình.  Trước khi vào phòng kế bên, các người phải cử động sao đó cho hồng người lên một tí.  Đừng đi chậm. Chạy!  Chạy như ma đuổi!  Chớ ngó tên SS, cứ chạy một mạch tới phía trước mình!”

Anh bỗng ngưng lại một chút, rồi thêm:

“Và điều cốt yếu là: không sợ!”

Đây là chút lời khuyên mà chúng tôi rất muốn mình theo cho bằng được.

Tôi cởi quần áo, để quần áo mình trên chỗ nằm.  Tối nay chẳng còn lo có ai ăn cắp.

Tibi và Yossi, bị chuyển đơn vị cùng lượt với tôi, tới chỗ tôi đứng, nói:

“Mình ở sát nhau nghe.  Mình sẽ mạnh bạo hơn.”

Yossi lầm bầm điều gì đó trong kẽ răng.  Nó hẳn đang cầu nguyện.  Tôi chưa bao giờ thấy Yossi là người có đức tin.  Thậm chí lúc nào tôi cũng nghĩ ngược lại.  Tibi im lặng, xanh lè.  Tất cả tù nhân trong ba-rắc đứng trần truồng dọc dãy sạp nằm.  Đây chắc là cách người ta đứng trong ngày phán xét tận thế.

“Họ đang tới!”

 

Có ba viên chức SS đứng bao quanh Tiến sĩ Mengele quí tộc, kẻ tiếp nhận chúng tôi tại Birkenau.  Trưởng ba-rắc cố vén môi cười, hỏi chúng tôi:

“Sẵn sàng chưa?”

Vâng, chúng tôi đã sẵn sàng.  Các bác sĩ SS cũng thế.  Tiến sĩ Mengele cầm trên tay một danh sách: các con số của chúng tôi.  Hắn ra hiệu cho trưởng ba-rắc:  “Chúng ta bắt đầu được rồi!”  Làm như đây là một trò chơi!

Đầu tiên đi ngang là các “chức sắc” của ba-rắc: Stubenaelteste, các Kapo, các người cai, đương nhiên là tất cả đều tình trạng sức khoẻ dồi dào!  Rồi tới lượt tù nhân thường chúng tôi.  Tiến sĩ Mengele để ý họ từ đầu tới chân.  Thỉnh thoảng hắn ghi xuống một con số.  Ý nghĩ duy nhất choán hết tâm trí tôi là: đừng để con số mình bị ghi; đừng cho hắn thấy cánh tay trái xâm số của mình.

 

Chỉ còn Tibi và Yossi đứng đằng trước tôi.  Hai anh em qua rồi.  Tôi kịp để ý là Mengele không ghi số của chúng.  Ai đó thúc tôi.  Tới lượt tôi.  Tôi cắm đầu chạy.  Đầu tôi nổ lùng bùng: mày gầy quá, mầy yếu quá, mày thích hợp với lò thiêu...  Cuộc chạy đua dường như vô tận.  Tôi nghĩ mình đang chạy suốt nhiều năm trường... Mầy gầy quá, mày yếu quá... Cuối cùng tôi tới đích, hết hơi.  Khi lấy lại được hơi thở, tôi hỏi Yossi và Tibi:

“Tao có bị ghi số không?”

“Không,” Yossi nói.  Nó thêm, cười chúm chím: “Dù có muốn thì hắn cũng chẳng kịp ghi số của mày, mày vọt lẹ quá...”

 

Tôi bắt đầu cười.  Tôi mừng.  Lúc đó, việc của người khác thì quan trọng gì tới tôi chớ!  Tôi không bị ghi số!

Những người bị ghi số đứng qua một bên, bị toàn thể thế gian bỏ rơi.  Vài người thầm lặng khóc.  Các sĩ quan SS bỏ đi.  Trưởng ba-rắc xuất hiện, nét mặt anh phản chiếu sự mệt mỏi của mọi người.

“Mọi sự kết thúc ổn thoả.  Đừng lo.  Không người nào bị gì cả.  Không ai cả.”

Anh lại rán mỉm cười.  Có một người Do thái khốn khổ, hốc hác, khô đét, đau đáu hỏi anh với giọng run rẩy:

“Nhưng...nhưng, thưa trưởng ba-rắc, họ ghi số tôi!”

Trưởng ba-rắc không kềm được cơn giận đang bùng lên của mình.  Cái gì! Có người không tin anh à!

“Thế thì đã sao nào! Thế có nghĩa tao đang nói dối à!  Tao nói cho tụi bây biết, một lần rồi thôi, không chuyện gì xảy tới cho tụi bây cả! Cho bất cứ ai cả! Tụi bây tuyệt vọng lút đầu lút cổ, đồ điên!”

Chuông reng, dấu hiệu rằng khắp trại đã hoàn tất cuộc tuyển lựa.

Với hết sức lực, tôi co giò chạy tới Ba-rắc 36.  Trên đường, tôi gặp cha tôi.  Ông chụp lấy tôi:

“Sao? Con qua được chứ?”

“Được.  Còn cha?”

“Cha cũng vậy.”

Lúc này chúng tôi thở trở lại, khoẻ khoắn biết mấy!  Cha tôi đem theo cho tôi một món quà - nửa suất bánh mì có được nhờ miếng cao su ông tìm thấy trong nhà kho, đổi đủ đóng đế một đôi giày.

Chuông reng.  Chúng tôi lại phải chia tay nhau, đi ngủ.  Mọi sự qui định theo tiếng chuông.  Chuông báo lệnh cho tôi và tôi tự động tuân lệnh.  Tôi thù nó.  Hễ lúc nào nằm mơ thấy một thế giới khá hơn thì tôi tưởng tượng ra thế giới đó không có cái chuông nào.

 

Vài ngày trôi qua.  Chúng tôi không còn nghĩ tới cuộc tuyển lựa.  Đi lao động như thường lệ, chất các tảng đá nặng lên các toa chạy theo đường ray.  Suất ăn bắt đầu sơ sài hơn: đó là thay đổi duy nhất.

Như mọi ngày, chúng tôi chỗi dậy khi trời chưa rạng sáng.  Chúng tôi nhận cà phê đen, suất bánh mì.  Chúng tôi sắp lên đường ra bãi lao động như thường lệ.  Trưởng ba-rắc chạy tới.

“Im lặng một chút.  Tôi có danh sách đây.  Tôi đọc cho các người nghe.  Ai có số tôi gọi sẽ không đi lao động sáng nay, ở lại trại.”

 

Và, với giọng yếu ớt, anh đọc lên chừng mười số.  Chúng tôi đã hiểu.  Những số đó được chọn trong cuộc tuyển lựa.  Tiến sĩ Mengele không quên chút nào.

Trưởng ba-rắc về phòng mình.  Mười tù nhân vây anh lại, níu áo:

“Cứu chúng tôi với! Anh đã hứa mà...!  Chúng tôi muốn đi bãi lao động.  Chúng tôi đủ sức lao động mà.  Chúng tôi là người lao động tốt.  Chúng tôi có thể... chúng tôi sẽ...”

Trưởng ba-rắc cố trấn an họ, đảm bảo với họ về số phận của họ, cắt nghĩa cho họ là ở lại ba-rắc thì đã sao, không phải có ý nghĩa là thê thảm.

“Nói cho cùng tôi đây ngày nào cũng ở lại ba-rắc mà,” anh thêm.

 

Dù nói gì đi nữa thì đó cũng chỉ là lời biện giải yếu ớt.  Anh nhận ra điều đó, không nói thêm tiếng nào, bỏ đi vô phòng khóa cửa lại.

Chuông vừa reng.

“Sắp hàng!”

Lúc này, lao động chắc là không nặng nhọc chút nào.  Cốt yếu là được ở xa, xa hết sức xa khỏi ba-rắc, khỏi nơi chết chóc, khỏi trung tâm của địa ngục.

Tôi thấy cha tôi chạy về phía tôi.  Khắp người tôi đột nhiên run lẩy bẩy.

“Chuyện gì vậy cha?”

Thở chẳng ra hơi, ông nói hầu như không mở miệng nổi:

“Cha, cũng vậy...cha, cũng vậy! Họ bảo cha ở lại trại.”

Họ đã ghi số ông mà ông không nhìn thấy.

“Rồi sẽ ra sao đây cha?” tôi đau đớn hỏi.

 

Nhưng chính ông là người trấn an tôi.

“Chưa có gì chắc chắn.  Vẫn còn cơ hội thoát.  Hôm nay tuyển lựa nữa... tuyển lựa có tính cách quyết định.”

Tôi im lặng.

Ông cảm thấy thời giờ của mình ngắn ngủi.  Ông nói nhanh.  Chắc hẳn ông muốn nói rất nhiều điều.  Lời ông càng lúc càng hoang mang.  Ông hiểu trong chốc lát thôi tôi phải đi.  Ông sẽ phải ở lại cô độc, quá đổi cô độc.

“Coi, con cầm con dao này,” ông bảo tôi. “Cha chẳng cần nó nữa.  Nó có thể ích lợi cho con.  Với lại, con cầm cái muỗng này.  Đừng bán chúng.  Lẹ lên! Tiếp tục nghe.  Con cầm lấy những thứ cha cho con đây!”

Của thừa kế.

“Cha, đừng nói như thế.”  (Tôi cảm thấy mình sắp oà khóc.)  “Con không muốn cha nói như vậy.  Cha cứ giữ muỗng và dao.  Cha cũng cần chúng như con vậy.  Cha con mình sẽ lại gặp nhau tối nay sau lao động mà.”

Ông nhìn tôi bằng đôi mắt mỏi mệt, đầy ắp tuyệt vọng.  Ông tiếp tục:

“Cha xin con việc này... Con cầm lấy chúng.  Hãy làm điều cha yêu cầu này.  Chúng ta không có thì giờ... Hãy làm theo lời cha của con yêu cầu.”

 

Tên Kapo của tôi đã gào lên, chúng tôi phải đi.

Đơn vị lên đường ra phía cổng trại.  Một, hai!  Tôi cắn môi.  Cha tôi ở lại, đứng bên một ba-rắc, lưng dựa vào vách.  Lúc ấy ông lại bắt đầu chạy, bắt cho kịp chúng tôi.  Có lẽ ông quên điều gì đó mà ông muốn nói với tôi... Nhưng chúng tôi đang bước quá nhanh... Một, hai!

Chúng tôi tới cổng rồi.  Họ đếm chúng tôi, theo tiếng nhạc quân hành inh ỏi.  Chúng tôi đã ra ngoài.

 

Suốt ngày đó tôi lang thang thơ thẩn như mộng du.  Thỉnh thoảng Tibi và Yossi ném cho tôi một lời đầy tình anh em.  Tên Kapo cũng thế, ra sức trấn an tôi.  Hôm nay, hắn giao tôi công tác dễ làm hơn.  Tôi thấy tim mình đau nhức.  Người ta đối xử tôi tốt lành biết mấy!  Như trẻ mồ côi!  Tôi nghĩ:  cho đến tận lúc này, cha tôi vẫn còn phù hộ tôi.

 

Chính tôi cũng chẳng biết mình muốn gì - muốn hôm nay trôi qua thật lẹ hay không.  Tôi sợ đêm nay tôi thấy mình cô độc.  Thật tốt lành biết mấy nếu được chết ngay lúc này!

Cuối cùng đã tới lúc bắt đầu chuyến về trại.  Tôi thèm nghe lệnh chạy biết mấy!

Nhạc quân hành.  Chiếc cổng.  Trại.

Tôi chạy tới ba-rắc 36.

Trần gian chốn này vẫn có phép lạ sao?  Ông còn sống.  Ông đã thoát cuộc tuyển lựa thứ hai.  Ông đã chứng tỏ được mình vẫn còn dùng được... Tôi đưa lại ông dao và muỗng.

 

Akiba Drumer đã bỏ chúng tôi mà đi, làm nạn nhân của cuộc tuyển lựa.  Mới đây, ông đi lang thang giữa chúng tôi, mắt đờ đẩn, kể cho chúng tôi về sự suy nhược của ông:  “Tôi không tiếp tục nổi...Xong hết rồi...”  Không nâng được tinh thần ông lên.  Ông không chịu nghe những gì chúng tôi nói với ông.  Ông chỉ lặp đi lặp lại rằng với ông tất cả xong hết rồi, rằng ông không còn có thể theo đuổi cuộc chiến đấu, rằng ông chẳng còn chút hơi sức lẫn đức tin nào.  Thình lình, đôi mắt ông lạc thần, không còn gì nữa ngoài hai vết thương há miệng, hai hốc mắt kinh hãi.

 

Trong những ngày tuyển lựa ấy, ông không phải là người duy nhất mất đức tin.  Tôi quen một thầy cả đến từ một thành phố nhỏ ở Ba lan, một ông lão lưng còng, môi lúc nào cũng run run.  Ông  cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, trong ba-rắc, ở bãi lao động, khi xếp hàng.  Ông có thể đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối hàng hàng trang sách Talmud, tranh luận với chính mình, đặt câu hỏi cho mình.  Và ngày nọ, ông nói với tôi:  “Chấm hết rồi.  Thượng đế chẳng còn ở với chúng ta nữa.”

 

Và như thể hối hận vì những lời quá đổi phạm thượng, quá đổi lạnh lùng đó, ông nói thêm với giọng yếu ớt:

“Ta biết.  Con người không có quyền nói những điều như thế.  Ta biết.  Loài người quá nhỏ nhoi, quá hèn mọn và không đáng kể gì trong cuộc mưu tìm am hiểu những cách thức bí nhiệm của Thượng đế.  Nhưng ta làm được gì?  Ta không phải là một hiền giả, kẻ được chọn, cũng không là một vị thánh.  Ta chỉ là một tạo phẩm bình thường bằng xương bằng thịt.  Ta cũng có mắt và ta có thể thấy những gì người ta đang làm ở đây.  Đấng Ân sủng thiêng liêng đâu rồi?  Thượng đế đâu rồi?  Làm sao ta có thể tin, làm sao ai khác có thể tin vào Thượng đế đầy ân sủng?”

 

Akiba Drumer khốn khổ, nếu ông có thể tiếp tục tin vào Thượng đế, nếu ông có thể thấy được bằng chứng của Thượng đế tại đồi khổ nạn Núi Sọ này, thì ông đã không bị cuộc tuyển lựa túm lấy.  Nhưng ngay khi ông cảm thấy trong đức tin của mình có những nứt rạn đầu tiên thành vết thì đó là lúc ông đã đánh mất lý do chiến đấu và ông bắt đầu tử nạn.

 

Trước khi xảy ra cuộc tuyển lựa là ông đã tự kết án mình rồi, vươn cổ mình ra cho tên đao phủ.  Tất cả những gì lúc ấy ông yêu cầu chúng tôi là:

“Trong vòng ba ngày nữa tôi sẽ chẳng còn ở đây... Xin đọc kinh cầu hồn Kaddish cho tôi...”

Chúng tôi hứa với ông.  Suốt thời gian ba ngày ấy, hễ thấy khói bốc lên từ ống khói là chúng tôi sẽ nghĩ tới ông.  Chúng tôi sẽ tụ tập đủ mười người để cử hành một lễ đặc biệt.  Tất cả bạn hữu của ông sẽ cùng nhau đọc kinh Kaddish cho ông.

 

Kế đó, ông đi thẳng về phía bệnh xá, bước chân vững chải hơn, chẳng ngoái nhìn lui.  Xe cứu thương đang chờ chở ông tới Birkenau.

Những ngày đó thật kinh hoàng.  Chúng tôi nhận được các cú đánh nhiều hơn đồ ăn; chúng tôi bị lao động nghiền nát.  Và ba ngày sau khi ông đi, chúng tôi quên đọc kinh Kaddish.

 

Đông đến.  Ngày ngắn.  Đêm trở lạnh gần như không chịu nổi.  Trong những giờ sáng tinh sương, gió buốt quất chúng tôi như roi.  Chúng tôi được phát quần áo mùa đông - những chiếc sơ-mi mong manh, dày hơn.  Việc ấy cho những người lão làng thêm tư liệu đùa cợt.

“Lúc này các người mới thiệt sự nếm mùi trại!”

Chúng tôi đi lao động như thường lệ, cơ thể đông đặc.  Các khối đá lạnh lẻo tới độ có vẻ nếu chạm tới thì tay chúng tôi bị dán chặt vào chúng.  Nhưng dù gì rồi cũng quen dần.

Ngày lễ Giáng sinh và đầu năm Dương lịch, không lao động.

 

Chúng tôi được cho xúp nhiều hơn, tuy loảng hơn.

Khoảng giữa Tháng Giêng, bàn chân phải của tôi bắt đầu sưng húp vì lạnh.  Tôi không đặt bàn chân đó xuống đất được.  Tôi đi khám.  Bác sĩ, một bác sĩ cao quí người Do thái, tù nhân như chúng tôi, hoàn toàn dứt khoát: tôi phải mổ.  Nếu còn chờ thì các ngón chân - và có thể cả cái chân - sẽ bị cưa.

Việc ấy là cái rơm rác sau cùng!  Nhưng tôi không chọn lựa được.  Bác sĩ đã quyết định mổ, và không có chuyện nói tới nói lui gì cả.  Tôi còn mừng rằng chính ông ấy là người đưa quyết định.

 

Người ta đặt tôi vô giường có khăn trải giường trắng.  Tôi đã quên là người ta nằm ngủ có khăn trải giường.

Bệnh xá không tệ chút nào.  Chúng tôi được phát bánh mì ngon và nhiều xúp hơn.  Không còn tiếng chuông reng.  Không còn điểm diện.  Không còn lao động.  Thỉnh thoảng tôi có thể gởi cho cha tôi một miếng bánh mì.

Nằm gần tôi là một người Do thái Hungary, bị ngã quị vì kiết lỵ - da bọc xương, đôi mắt lạc thần.  Tôi chỉ có thể nghe giọng nói của ông; đó là dấu hiệu duy nhất ông còn sống.  Không biết ông lấy đâu ra hơi sức mà nói?

“Thằng nhóc, mày chớ vội mừng.  Ở đây cũng có tuyển lựa.  Thường xuyên hơn ở ngoài.  Nước Đức không cần những tên Do thái đau ốm.  Nước Đức không cần tôi.  Đến lần vận chuyển sắp tới, mày sẽ có láng giềng mới.  Vậy hãy nghe lời ta, và nhớ lời ta khuyên: ra khỏi bệnh viện trước khi có cuộc tuyển lựa sắp tới!”

 

Những lời đó như phát ra từ lòng đất, từ một dáng người không mặt, làm tôi chới với hãi hùng.  Thật đúng là bệnh xá quá nhỏ và rằng nếu trong vài ngày tới nhiều người bệnh vào thì phải tìm ra chỗ cho họ.

Nhưng có thể ông láng giềng không mặt của tôi sợ mình sẽ ở trong số nạn nhân đầu tiên nên đơn giản là chỉ muốn tống cổ tôi đi, cho giường tôi trống chỗ để ông có cơ hội sống sót.  Có thể ông ta chỉ dọa thôi.  Tuy vậy, nếu ông nói đúng sự thật thì sao?  Tôi quyết định chờ các biến cố.

 

Bác sĩ tới nói với tôi mai là ngày mổ.

“Đừng sợ,” ông thêm.  “Mọi sự sẽ êm xuôi.”

Lúc mười giờ sáng, người ta đem tôi vô phòng giải phẫu.  Bác sĩ “của tôi” đã ở đó.  Điều ấy làm tôi an tâm.  Tôi cảm thấy hễ khi nào còn có ông ở đó thì chẳng có gì trầm trọng xảy ra.  Trong mỗi lời ông nói đều có niềm an ủi và trong mỗi ánh mắt ông nhìn đều chuyển cho tôi lời nhắn nhủ chứa chan hy vọng.

“Con của ta, nó làm con đau lắm đấy,” ông nói, “nhưng rồi sẽ qua thôi.  Cắn răng con lại.”

Cuộc giải phẩu kéo dài một giờ.  Họ không chịu đánh thuốc mê.  Tôi gắn chặt mắt vào ông bác sĩ của tôi.  Rồi tôi cảm thấy mình lịm đi...

 

Khi tỉnh lại, mở mắt ra, đầu tiên tôi chẳng thấy gì ngoài màu trắng mênh mông, màu chiếc khăn trải giường tôi.  Kế đến tôi để ý tới khuôn mặt bác sĩ, cúi xuống người tôi.

“Mọi sự xong xuôi tốt đẹp.  Con trai của ta, con thật can đảm.  Nay con ở lại đây an toàn nghỉ ngơi thoải mái, và sẽ lành.  Con sẽ ăn ngon miệng, thư giản cơ thể và thần kinh của con.”

Tôi chỉ có thể dõi theo những cử động của người ông.  Tôi không hiểu hết những gì ông nói nhưng tiếng thì thầm của ông làm tôi thấy người mình khoẻ ra.  Thình lình, trán tôi toát mồ hôi lạnh.  Tôi không cảm giác gì cái chân của mình!  Có phải người ta đã cưa nó?

“Bác sĩ,” tôi lắp bắp. “Bác sĩ...!”

“Gì thế, con?”

Tôi không đủ can đảm hỏi ông việc đó.

“Bác sĩ, con khát...”

Ông mang cho tôi nước.  Ông mỉm cười.  Ông sắp sửa bước đi, thăm các bệnh nhân khác.

“Bác sĩ?”

“Gì?”

“Con có dùng được chân của mình nữa không?”

“Con ạ, con không tin ta sao?”

“Con tin tuyệt đối, thưa bác sĩ.”

“Thế thì, nghe lời ta đây.  Nửa tháng nữa con sẽ hoàn toàn bình phục.  Con sẽ đi đứng như bất cứ ai.  Gan bàn chân con đầy mủ.  Ta phải xẻ chỗ sưng.  Con không bị cưa chân.  Con sẽ thấy mà.  Sau thời gian nửa tháng, con sẽ đi lui đi tới như mọi người khác.”

Tôi chỉ phải chờ nửa tháng.

 

Hai ngày sau cuộc giải phẩu của tôi, có lời đồn lan trong trại rằng mặt trận đã đột nhiên kéo tới gần.  Người ta nói Hồng Quân đang tiến về Buna, lúc này chỉ còn vấn đề bao nhiêu giờ nữa.

Chúng tôi đã quá quen với lời đồn loại đó.  Đây không phải lần đầu có tiên tri giả báo trước cho chúng tôi về “hoà bình dưới thế”, “đàm phán với hồng quân để thả chúng tôi ra”, hoặc những lời đồn nhảm khác... Và thường thì chúng tôi tin chúng.  Chúng như liều thuốc tiêm móc-phin.

Nhưng lần này các lời tiên tri đó có vẻ có cơ sở hơn.  Trong mấy đêm vừa qua, chúng tôi nghe có tiếng súng xa xa.

Láng giềng của tôi, người không mặt, nói:

“Chớ để chính mày bị phỉnh gạt vì các ảo giác.  Hitler đã làm rõ ra rằng hắn sẽ thủ tiêu tất cả những người Do thái trước khi chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, trước khi chúng ta có thể nghe tiếng gõ chót hết.”

 

Tôi lớn tiếng:

“Việc ấy liên can gì tới ông chớ?  Bộ chúng ta phải coi Hitler là một nhà tiên tri à?”

Đôi mắt đờ đẩn, lờ mờ của ông nhìn tôi.  Cuối cùng ông nói giọng mệt mỏi:

“Ta có đức tin vào Hitler hơn vào bất cứ ai khác.  Hắn là kẻ duy nhất giữ lời hứa, tất cả những lời hứa của mình, đối với dân Do thái.”

 

Lúc bốn giờ chiều cùng ngày, như thường lệ, chuông reng triệu tập tất cả trưởng ba-rắc đi báo cáo.

Họ trở về, tan tác.  Họ chỉ mở được môi vừa đủ để thốt ra một tiếng: di tản.  Trại sẽ để trống, chúng tôi được chuyển về phía sau, xa hơn.  Tới đâu?  Tới chỗ nào đó sâu trong nước Đức, tới các trại khác, thiếu gì trại.

“Chừng nào?”

“Tối mai.”

“Có lẽ người Nga sẽ tới đây trước đó.”

“Có lẽ.”

Chúng tôi hoàn toàn biết rõ họ sẽ không tới như thế.

 

Trại thành tổ ong.  Người ta chạy quanh oang oang nói với nhau.  Trong ba-rắc nào cũng diễn ra việc sửa soạn cho chuyến đi tới.  Tôi quên bàn chân thê thảm của mình.  Một bác sĩ vào phòng, tuyên bố:

“Mai, ngay lúc chạng vạng, trại sẽ lên đường.  Lần lượt theo từng dãy.  Bệnh nhân ở lại bệnh xá, không di tản.”

Tin mới này làm chúng tôi suy nghĩ.  Liệu tụi SS có để lại hàng trăm bệnh nhân đi khệnh khạng trong các ba-rắc bệnh xá, chờ người giải phóng mình đến?  Liệu chúng có để người Do thái nghe chuông đồng hồ gõ tiếng thứ mười hai?  Rõ ràng là không.

“Tất cả những ai mất năng lực sẽ bị giết sạch,” người không mặt nói.  “Và đưa tới lò thiêu làm mẻ cuối cùng.”

Về phần tôi, tôi không nghĩ tới cái chết, nhưng tôi không muốn bị tách rời khỏi cha tôi.  Chúng tôi đã cùng nhau chịu đựng quá nhiều, cùng nhau đau khổ quá nhiều; đây chẳng phải lúc chia lìa nhau.

Tôi chạy ra ngoài tìm ông.  Tuyết dày và các cửa sổ ba-rắc phủ đầy băng giá.  Tay cầm một chiếc giày vì bàn chân phải của tôi không xỏ vô được, tôi chạy, chẳng cảm thấy đau hoặc lạnh.

“Chúng ta làm sao đây?”

Cha tôi không trả lời.

“Chúng ta tính sao đây, cha?”

Ông đắm mình suy nghĩ.  Sự chọn lựa trong bàn tay chúng tôi.  Lần này chúng tôi có thể quyết định số mạng của mình.  Cả hai chúng tôi có thể ở lại bệnh xá là nơi, nhờ ơn vị bác sĩ của tôi, tôi có thể đưa cha tôi vô như một bệnh nhân hoặc y tá.  Hoặc ngược lại, chúng tôi có thể đi theo những người khác.

“Chúng ta sẽ làm sao đây, cha?”

Ông im lặng.

“Hay là cứ để mình bị di tản theo với những người khác,” tôi nói với ông.

Ông không đáp.  Ông nhìn bàn chân tôi.

“Con có nghĩ con đi bộ được?”

“Vâng, con nghĩ là được.”

“Cứ hy vọng là mình sẽ không hối hận về việc này, Eliezer.”

Sau chiến tranh, tôi biết được số phận những người ở lại bệnh xá.  Đơn giản là hai ngày sau cuộc di tản, họ  hết thảy được người Nga giải thoát.  Tôi không quay lại bệnh xá.  Tôi về ba-rắc mình.  Vết thương của tôi há miệng, chảy máu; tuyết nơi tôi dẫm chân đỏ ửng lên.

 

Trưởng ba-rắc phát gấp đôi suất bánh mì và bơ, cho cuộc hành trình.  Chúng tôi có thể tự do vô nhà kho lấy nhiều sơ-mi và quần áo khác.

Trời lạnh.  Chúng tôi đi ngủ.

Đêm chót ở Buna.  Lại một đêm chót khác.  Đêm chót ở nhà, đêm chót ở biệt khu, đêm chót trên tàu, và bây giờ, đêm chót ở Buna.  Bao lâu nữa chúng tôi còn kéo lê đời mình hết “đêm chót” này sang “đêm chót” khác?

Tôi không ngủ chút nào.  Qua ô cửa kính đầy băng tuyết có thể thấy chớp sáng đỏ loé lên.  Tiếng đại bác xé màn đêm yên lặng.  Người Nga đang ở gần biết mấy!  Có tiếng thì thầm từ sạp này qua sạp khác: hên lắm thì người Nga sẽ có mặt ở đây trước cuộc di tản.

 

Có người la lớn:

“Rán mà ngủ.  Gom sức cho chuyến đi.”

Tiếng la ấy làm tôi nhớ lại những lời khuyên cuối cùng của mẹ tôi ở biệt khu.

Nhưng tôi không ngủ nổi.  Tôi cảm thấy chân mình đang rực cháy.

 

Sáng hôm sau, bộ mặt trại thay đổi.  Các tù nhân xuất hiện ăn mang lạ lùng: như một vũ hội hóa trang.  Ai cũng mặc nhiều quần áo, cái này tròng lên cái kia, giữ cho mình khỏi lạnh.  Những kẻ lang thang bụi đời, bề ngang dài hơn bề cao, có vẻ chết hơn là sống; những tên hề khốn khổ, mặt mũi như bóng ma của họ thò ra trong đống quần áo tù! Ôi, những tên hề!

Tôi cố tìm một chiếc giày thật rộng.  Uổng công.  Tôi xé một cái mền, quấn bàn chân bị thương của mình lại.  Rồi tôi đi lang thang khắp trại, tìm ít miếng bánh mì nữa hoặc vài củ khoai.

Vài người nói chúng tôi sẽ bị đưa tới Tiệp khắc.  Không, tới Gros-Rozen.  Không, tới Gleiwitz.  Không, tới...

Hai giờ chiều.  Tuyết vẫn rơi rất dày.

 

Lúc này thời giờ trôi qua lẹ làng.  Hoàng hôn xuống.  Ngày đang biến mất trong trời xám xịt một màu.

Trưởng ba-rắc chợt nhớ mình quên làm vệ sinh ba-rắc.  Anh ra lệnh bốn tù nhân trở vô lau sàn gỗ... Lau vào lúc một giờ trước khi rời trại! Tại sao? Cho ai?

“Cho quân đội giải phóng,” anh la lên.  “Để họ biết rằng ở đây con người ta sống chứ không phải con lợn.”

Lúc này chúng tôi là người sao?  Ba-rắc được làm vệ sinh từ trên xuống dưới, rửa sạch mọi xó.

Lúc sáu giờ chuông reng.  Thần chết đang cúi xuống.  Mai táng.  Đám rước sắp cất bước chân đầu tiên của nó.

“Sắp hàng! Lẹ lên!”

 

Trong khoảnh khắc ngắn, tất cả chúng tôi xếp hàng, theo từng ba-rắc.  Đêm xuống.  Mọi sự trong tầm kiểm soát, đúng y như kế hoạch dự liệu.

Đèn pha tới.  Hằng trăm lính SS nhô người ra khỏi bóng tối, có lũ chó chăn cừu đi kèm.  Tuyết rơi không ngừng.

Cổng trại mở.  Dường như phía bên kia, đêm còn đen đặc hơn đang chờ chúng tôi.

Ba-rắc thứ nhất bắt đầu bước.  Chúng tôi chờ.  Chúng tôi phải chờ năm mươi sáu ba-rắc lên đường trước chúng tôi.  Trời lạnh quá.  Trong túi tôi có hai miếng bánh mì.  Giá lúc này được ăn thì sướng biết mấy.  Nhưng tôi không được quyền ăn.  Chưa.

Tới lượt chúng tôi: Ba-rắc 53... Ba-rắc 55...

Ba-rắc 57, đằng trước bước!

Trời không ngừng tuyết.

 

 

Chương : 1    2    3    4    5   6    7    8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 3473
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)