Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
690
116.517.455
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 8

8.

 

Các viên chức SS chờ sẵn ở cổng trại.  Chúng đếm chúng tôi.  Kế đó, chúng tôi bị áp tải thẳng tới chỗ tập họp.  Lệnh ra cho chúng tôi qua loa phóng thanh.

“Xếp hàng năm!” “Thành từng nhóm một trăm người!”  “Bước tới đằng trước năm bước!”

Tôi nắm tay cha tôi - nỗi sợ đã cũ và quen thuộc: chớ để mình mất ông.

Sát bên chúng tôi nhô lên ống khói cao của lò thiêu.  Nó không còn gây cho chúng tôi chút ấn tượng nào nữa.  Nó cũng hầu như không còn thu hút chúng tôi nữa.

 

Một tù nhân đã quen thuộc Buchenwald bảo chúng tôi nên đi tắm rồi có thể vô ba-rắc.  Ý tưởng được tắm nước nóng làm tôi mê mẩn.  Cha tôi im lặng.  Bên tôi, ông thở nặng nhọc.

“Cha ơi!” tôi nói.  “Chỉ chút nữa thôi.  Chẳng bao lâu mình có thể ngã lưng - ngã lưng trên giường.  Cha có thể nghỉ ngơi...”

 

Ông không trả lời.  Bản thân tôi quá kiệt quệ, tôi thờ ơ trước sự im lặng của ông.  Mơ ước duy nhất của tôi là tắm càng sớm càng tốt và nằm xuống trong một chiếc giường.

 

Nhưng không dễ tới được vòi tắm.  Hàng trăm tù nhân bu quanh đó.  Lính gác không giữ nổi trật tự.  Chúng vung tay đấm loạn xạ nhưng rõ ràng không kết quả.  Những người khác, không còn sức chen lấn hoặc đứng không vững, ngồi bệt xuống tuyết.  Cha tôi cũng muốn ngồi xuống.  Ông rên rĩ:

“Cha không tiếp tục được nữa... Hết rồi...Cha sắp chết ở đây...”

 

Ông lôi tôi tới một cồn tuyết đang lố nhố những hình dáng con người và những miếng giẻ mền te tưa.

“Để cha yên,” ông nói với tôi.  “Cha không tiếp tục nổi...Thương cha với...Cha ở đây chờ tới khi chúng ta vô được chỗ tắm...Con có thể quay lại đây tìm cha.”

Tôi nổi xung khóc lên được.  Đã sống qua nhiều thứ, đã chịu khổ quá nhiều, làm sao lúc này tôi có thể để cha tôi chết?  Lúc này, khi chúng tôi có thể tắm nước nóng cho khoẻ người rồi ngã lưng?

“Cha!” tôi hét lớn.  “Cha! Đứng dậy, đi khỏi chỗ này ngay!  Ngay lập tức!  Cha đang giết cha đó...”

Tôi túm cánh tay ông.  Ông tiếp tục than thở:

“Đừng la, con... Thương cha già của con một tí... Hãy để cha nghỉ ở đây... Chút thôi mà, cha mệt quá rồi, sức cùng lực kiệt rồi...”

 

Ông như biến thành một đứa con nít, yếu ớt, nhút nhát, dễ thương tổn

“Cha,” tôi nói.  “Cha không ở đây được.”

Tôi chỉ cho ông xác chết la liệt khắp chung quanh; họ cũng đã muốn nghỉ như thế ở đây.

“Cha thấy họ mà, con...  Cha thấy họ không sao mà.  Cứ để họ ngủ.  Lâu lắm rồi họ mới được nhắm mắt... Họ mệt lắm...mệt lắm...”

Giọng ông dịu dàng.

Tôi gào lên át tiếng gió.

“Họ không bao giờ thức dậy nữa! Không bao giờ! Cha hiểu chớ?”

Cuộc cải vã tiếp tục một hồi lâu.  Tôi cảm thấy mình không cãi vã với ông mà là với chính thần chết, với cái chết mà ông đã chọn.

 

Còi hụ lên.  Báo động.  Đèn phụt tắt.  Lính gác lùa chúng tôi vô ba-rắc.  Phút chốc chẳng còn ai ở chỗ tập họp.  Chúng tôi hết sức mừng rỡ chỉ vì không còn phải ở ngoài trời, trong gió buốt.  Chúng tôi thả người xuống các tấm ván.  Giường sạp nhiều tầng.  Những nồi xúp ở lối vào chẳng hấp dẫn được ai.  Ngủ, đó mới là vấn đề hơn cả.

 

Tôi thức dậy thì đã ban ngày.  Và rồi tôi nhớ ra là mình có một người cha.  Từ lúc còi báo động, tôi đi theo đám đông, không lo lắng băn khoăn gì tới ông.  Đã biết là ông đang tới hồi kết cuộc, bên mép cái chết, vậy mà tôi bỏ rơi ông!

Tôi đi tìm ông.

Nhưng cùng lúc đó ý tưởng này hình thành trong tôi:  “Mình chớ nên đi tìm ông nữa!  Giá như mình có thể buông bỏ gánh nặng chết chóc ấy, để mình có thể dùng toàn bộ sức lực mà chiến đấu cho sự sống sót của chính mình, và chỉ lo lắng cho riêng mình thôi.”  Lập tức, tôi thấy xấu hổ cho mình, xấu hổ mãi mãi.

 

Tôi đi hết giờ này sang giờ khác mà không tìm thấy ông.  Rồi tôi tới ba-rắc nơi người ta đang phát “cà phê” đen.  Tù nhân đang xếp hàng và đánh nhau.

Một giọng nói thảm sầu, van vỉ, làm tôi lạnh xương sống:

“Eliezer...con...lấy cho cha...giọt cà phê...”

Tôi chạy tới ông.

“Cha! Con tìm cha lâu lắm rồi...Cha ở đâu vậy?  Cha ngủ à?...Cha thấy trong người ra sao?”

Ông sốt như lửa đốt.  Như con thú hoang, tôi hùng hổ mở đường cho mình lấn tới nồi cà phê.  Cố hết sức, tôi bưng về một tách đầy.  Tôi nhắp một hớp.  Còn lại để cho ông.  Tôi không quên được ánh cám ơn trong mắt ông khi ông uống một hơi tới cạn - lòng biết ơn của một con thú.  Có lẽ với vài ngụm nước nóng ấy, tôi làm ông mãn nguyện còn hơn tất cả những gì tôi đã làm suốt thời thơ ấu.

 

Ông nằm trên tấm ván, tái mét, môi xanh xao khô rang, rùng mình run lẩy bẩy.  Tôi không ở được bên ông lâu.  Lệnh truyền phải ra ngoài hết để người ta làm vệ sinh ba-rắc.  Chỉ có người bệnh mới được ở lại.

Chúng tôi ở ngoài trời suốt năm tiếng đồng hồ.  Phát xúp.  Ngay khi được cho vô lại ba-rắc, tôi chạy tới cha tôi.

“Cha ăn gì chưa?”

“Có gì đâu mà ăn.”

“Tại sao không có?”

“Họ không cho người bệnh cái gì cả... Họ nói là đã bệnh thì trước sau gì cũng chết, phí phạm thực phẩm là đáng tiếc.  Cha không tiếp tục nổi tí nào nữa...”

Tôi đưa ông chút xúp còn lại của tôi.  Nhưng lòng chẳng đặng đừng.  Tôi cảm thấy tôi cho ông mà bụng mình miễn cưỡng.  Chẳng tốt lành gì hơn con trai của Thầy Cả Eliahou, tôi chịu đựng cuộc thử thách.

Càng ngày ông càng yếu hơn, ánh mắt ông mờ dần, mặt ông có màu lá khô.  Vào ngày thứ ba tính từ khi chúng tôi tới Buchenwald, mọi người phải đi tắm.  Kể cả người bệnh, sau cùng cũng phải tắm.

Trên đường từ chỗ tắm về, chúng tôi phải chờ ngoài trời trong một lúc lâu.  Người ta làm vệ sinh ba-rắc chưa xong.

 

Thấy cha tôi từ xa xa, tôi chạy tới gặp ông.  Ông bước lẹ qua tôi như một bóng ma, lướt ngang tôi mà không dừng lại, không nhìn tôi.  Tôi gọi ông.  Ông không quay lại.  Tôi đuổi theo ông.

“Cha, cha chạy đi đâu đó?”

Ông nhìn tôi chốc lát, ánh mắt ông xa xăm, hư ảo; mặt ông nay là của ai khác.  Chỉ một chút thôi rồi ông tiếp tục chạy.

 

Cha tôi bị bệnh lỵ đánh gục, ông liệt giường, cùng với ông có năm người tàn phế khác.  Tôi ngồi bên ông, canh chừng ông, không dám tin là ông có thể lại thoát chết.  Tuy thế, tôi làm tất cả những gì mình làm được để  ông còn hy vọng.

 

Ông chợt rướn người lên trên sạp, kề đôi môi sốt nóng hổi vô tai tôi:

“Eliezer...Cha phải nói cho con biết chỗ nào tìm vàng và tiền cha chôn...trong hầm nhà...Con biết...”

Ông bắt đầu nói mỗi lúc một nhanh hơn, như thể ông sợ không kịp kể hết cho tôi. Tôi cố cắt nghĩa với ông rằng đây không phải là chấm hết rồi, rằng cha con mình sẽ về nhà mình, nhưng ông không muốn nghe.  Ông không còn nghe tôi.  Một tia nước bọt, trộn lẫn máu, đang vọt ra trên môi ông.  Ông nhắm mắt.  Hơi thở hổn hển.

Bằng một suất bánh mì, tôi sắp xếp đổi chỗ với một người tù bên lô giường tầng của cha tôi.  Chiều đó bác sĩ đến.  Tôi tới gặp bác sĩ và nói rằng cha tôi đang đau nặng.

“Đem hắn tới đây!”

 

Tôi giải thích là cha tôi không đứng lên nổi.  Nhưng bác sĩ không chịu nghe gì cả.  Dù thế nào tôi cũng phải mang cha tôi tới chỗ của hắn.  Hắn nhìn cha tôi rồi hỏi ông bằng giọng xấc láo:

“Mày muốn gì?”

“Bệnh của cha tôi,” tôi trả lời thay ông.  “Bệnh lỵ”.

“Bệnh lỵ?  Chẳng phải việc của tao.  Tao là bác sĩ giải phẩu.  Đi đi! Để chỗ cho người khác.”

Chống cự là không tốt.

“Con ơi, cha không tiếp tục nổi...Đem cha về sạp...”

Tôi mang ông về lại, đỡ ông nằm xuống.  Ông rùng mình.

“Rán ngủ chút đi, cha.  Rán ngủ đi...”

Hơi thở ông chậm chạp, mong manh.  Ông nhắm nghiền mắt.  Tuy vậy tôi tin rằng ông thấy hết mọi sự, lúc này ông có thể thấy sự thật trong hết thảy mọi điều.

 

Một bác sĩ khác đến ba-rắc.  Nhưng cha tôi không đứng dậy.  Ông biết rằng có đứng lên cũng vô ích.

Hơn nữa, bác sĩ này chỉ đến để kết liễu người bệnh.  Tôi có thể nghe hắn đang la hét họ đừng làm biếng, chỉ muốn nằm trong giường.  Tôi cảm thấy muốn nhảy xổ tới túm lấy cuống họng hắn, bóp cổ hắn.  Nhưng tôi chẳng còn can đảm lẫn sức mạnh.  Tôi bị dán mình vào sạp giường cha tôi đang nằm hấp hối.  Bàn tay tôi đau, tôi bóp chúng quá chặt.  Ôi, để bóp cổ tên bác sĩ và những đứa khác.  Để thiêu rụi tất cả thế giới!  Những tên giết cha tôi!  Nhưng tiếng la ứ lại trong họng tôi.

 

Khi tôi về lại sau giờ phát bánh mì, tôi thấy cha tôi đang khóc như một đứa trẻ.

“Con ơi, tụi nó tiếp tục đánh cha!”

“Ai?”

Tôi nghĩ là ông đang mê sảng.

“Hắn, tên Pháp...và tên Ba lan...tụi nó đánh cha.”

Một vết thương khác thấu tim, một hận thù khác, một lý do khác để mất sức sống.

“Eliezer...Eliezer...con nói chúng đừng đánh cha...Cha có làm gì đâu...Tại sao tụi nó còn đánh cha nữa?”

Tôi bắt đầu chửi rủa những láng giềng của ông.  Họ cười nhạo tôi.  Tôi hứa cho họ bánh mì, xúp.  Họ cười.  Rồi họ nổi giận; họ hết chịu đựng nổi cha tôi; họ nói, vì ông lúc này không chịu lết mình ra ngoài để tự làm cho mình khuây khoả.

 

Ngày kế, ông than là họ lấy mất suất bánh mì của ông.

“Trong khi cha ngủ à?”

“Không.  Cha không ngủ.  Chúng chồm lên người cha.  Chúng vồ bánh mì của cha...Rồi chúng đánh cha nữa... Cha hết chịu nổi rồi...cho cha tí nước...”

Tôi biết là ông không được uống.  Nhưng ông van nài lâu tới nổi tôi phải cho.  Nước là thứ thuốc độc ác liệt nhất nếu lúc này ông uống vào, nhưng tôi làm được gì cho ông đây?  Với nước hoặc không với nước thì dù sao chẳng bao lâu nữa mọi sự cũng sẽ kết liễu...

“Con, ít nhất, con cũng đã ra ơn cho cha...”

Ra ơn cho ông!  Tôi, đứa con trai độc nhất của ông!

 

Một tuần trôi qua như thế.

“Phải cha mày đây không?” trưởng ba-rắc hỏi.

“Vâng.”

“Ông bệnh rất nặng.”

“Bác sĩ chẳng làm gì cho ông cả.”

“Lúc này, bác sĩ không thể  làm gì cho ông.  Cả mày nữa cũng chẳng làm được gì.”

Hắn đặt bàn tay đầy lông lên vai tôi và thêm:

“Nghe tao đây, nhỏ.  Chớ quên là mày đang ở trại tập trung.  Ở đây, ai cũng phải chiến đấu cho bản thân mình và đừng nghĩ tới kẻ khác.  Ở đây, không cha, không anh em, không bè bạn.  Mỗi người sống và chết riêng mình nó.  Tao cho mày tí lời khuyên - đừng đưa suất bánh mì và xúp của mày cho người cha già cả của mày.  Mày không thể làm gì cho ông ấy.  Và mày đang tự giết mày.  Thay vào đó, mày phải lấy suất ăn của cha mày.”

Tôi lắng nghe hắn từ đầu tới cuối.  Hắn có lý, tôi nghĩ thầm trong chốn sâu kín nhất của tâm hồn mình, nhưng tôi không dám thừa nhận.  Việc cứu người cha già nua của mình đã trễ quá rồi, tôi tự nhủ.  Mày phải có hai suất bánh mì, hai suất xúp...

 

Trong ánh chớp của một giây, tôi cảm thấy mình có tội.  Tôi chạy tìm ít xúp cho cha tôi.  Nhưng ông không muốn xúp.  Ông chỉ muốn nước thôi.

“Cha đừng uống nước...ăn xúp đi...”

“Cha nóng ran cả người...sao con quá ác với cha vậy, con của cha?  Một giọt nước thôi...”

Tôi mang cho ông chút nước.  Rồi tôi rời ba-rắc đi điểm diện.  Nhưng đang đi tôi lộn vòng trở lại.  Tôi leo lên nằm tầng trên cùng của sạp giường.  Người tàn phế được ở lại trong ba-rắc.  Vậy tôi sẽ tự làm người tàn phế.  Tôi sẽ không rời cha tôi nữa.

 

Lúc này bốn bề chung quanh im ắng, chỉ trổi lên tiếng than van.  Trước ba-rắc, SS đang ra lệnh.  Một tên sĩ quan đi ngang các sạp.  Cha tôi năn nỉ tôi:

“Con ơi, cho cha tí nuớc...Cha nóng trong người quá...Bao tử cha...”

“Im đi, đằng kia!” tên sĩ quan gào lên.

“Eliezer,” cha tôi tiếp tục, “cho cha giọt nước...”

Tên sĩ quan bước tới ông, quát ông im đi.  Nhưng cha tôi không nghe hắn.  Ông tiếp tục gọi tôi.  Tên sĩ quan quật một cú dùi cui khủng khiếp vô đầu ông.

 

Tôi không nhúc nhích.  Tôi sợ.  Thể xác tôi sợ hãi nó cũng sẽ lãnh một cú như thế.

Rồi từ trong họng cha tôi thoát ra tiếng lục cục, tiếng đó là tên tôi: Eliezer.

Tôi có thể cảm thấy là ông còn thở - lúc được lúc không.

Tôi không nhúc nhích.

Khi xong điểm diện, tôi leo xuống, tôi thấy môi ông run run đang thì thầm điều gì đó.  Cúi xuống ông, tôi đăm đăm nhìn ông trong hơn một giờ, ghi khắc vào mình hình ảnh bộ mặt đầm đìa máu của ông, chiếc sọ tan tác của ông.  Rồi tôi phải leo trở lại chỗ nằm, phía trên cha tôi, ông vẫn còn sống.  Hôm đó ngày 28 tháng Giêng, 1945.

 

Tôi thức giấc rạng sáng 29 tháng Giêng.  Tại chỗ cha tôi đã có một người tàn phế khác nằm.   Họ hẳn đã đem cha tôi đi ngay trước khi trời sáng, mang ông vô lò thiêu.  Lúc ấy, có thể ông vẫn còn thở.

Không có lời cầu nguyện bên mồ ông.  Không có nến thắp lên để tưởng niệm ông.  Lời cuối cùng của ông là tên tôi.  Một lời kêu gọi mà tôi không đáp lại.

 

Tôi không khóc, nó làm tôi đau đớn tới độ không khóc được.  Vả lại, tôi chẳng còn nước mắt.  Và trong chốn sâu thẳm của con người tôi, trong những nơi thầm kín của lương tâm yếu nhụt của tôi, liệu tôi có thể đã tìm ra nó, và có lẽ tôi có thể tìm ra cái gì đó tương tự - giải thoát sau cùng!

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8   9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 2542
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)