Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
811
116.509.566
 
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn
Elie Wiesel
Chương 1

1

Tai nạn xảy ra vào một tối tháng Bảy, ngay trung tâm thành phố New York, lúc tôi cùng Kathleen băng qua đường để tới xem phim Anh em nhà Karamazov.

Trời oi bức, ngột ngạt: cái nóng ngấm vào xương, vào mạch máu, vào phổi.  Khó mở miệng nói, thở cũng khó.  Vạn vật bị phủ trùm một tấm vải to lớn và nhớp nháp.  Cái nóng bám vào da, như một lời nguyền rủa.

Người ta bước quờ quạng, nhìn phờ phạc, miệng khô rang như miệng người già đang nhìn sự suy sụp của đời mình, đang hi vọng vứt bỏ mọi hành trang của chính mình để khỏi nổi điên.  Hình hài họ tràn ngập sự gớm ghiếc.

Tôi mệt.  Tôi vừa làm xong công việc của mình: một bức điện tín dài năm trăm chữ.  Năm trăm chữ chẳng nói lên điều gì.  Chỉ để làm cho đầy một ngày trống rỗng.  Đây là một trong những ngày Chúa nhật đều đều và yên tĩnh, không để lại dấu vết trên thời gian.  Washington: không có gì.  Liên hiệp quốc: không có gì.  New York: không có gì.  Cả Hollywood cũng nói: không có gì.  Các ngôi sao màn bạc đã bỏ rơi tin tức.

Thật chẳng dễ dùng năm trăm chữ để nói rằng không có gì nói.  Sau hai giờ làm việc cực nhọc, tôi kiệt sức.

“Bây giờ mình làm gì đây?” Kathleen hỏi.

“Gì cũng được, tùy ý em,” tôi trả lời.

Chúng tôi đang đứng ở góc Đường Bảy Mươi Tư, ngay đằng trước Sheraton-Astor.  Tôi cảm thấy chóng mặt, nặng nề và trong đầu có màn sương dày.  Một cử động nhẹ nhàng nhất cũng có vẻ như đang cố sức cử một hành tinh lên.  Có chì trong hai cánh tay và hai chân tôi.

Tôi có thể thấy cơn lốc người phía bên phải mình, trong Quảng trường Times.  Người ta đi ở đó như đi ra biển: không phải để chống lại sự chán chường của một căn phòng đầy ứ các giấc mơ tàn lụi, mà là để cảm thấy ít cô độc hơn hoặc cô độc nhiều hơn.

Thế giới thu mình trong một chuyển động chầm chậm dưới sức nặng của cái nóng.  Cảnh vật dường như không thật.  Trong ánh đèn nê-ong muôn màu như ngày hội, người ta đi lui đi tới, cười, hát, la hét, mắng nhau, làm tất cả những việc ấy với vẻ lừ đừ cáu kỉnh.

Ba thủy thủ từ một khách sạn bước ra.  Khi thấy Kathleen, họ chửng lại, đồng thanh huýt lên tiếng sáo dài ngưỡng mộ.

“Mình đi thôi,” Kathleen vừa nói vừa kéo tay tôi.  Rõ ràng nàng khổ sở.

“Em bực họ làm gì?” tôi hỏi.  “Họ nghĩ là em đẹp.”

“Em không thích họ huýt sáo như vậy.”

Tôi nói bằng giọng giảng giải.  “Đó là cách họ nhìn phụ nữ: không bằng mắt mà bằng miệng.  Các thủy thủ để dành mắt mình cho biển: khi lên đất liền, họ để mắt lại đằng sau như những biểu hiện của tình yêu.”

Ba người ngưỡng mộ ấy đi đã một lúc.

“Còn anh?” Kathleen hỏi.  “Anh nhìn em bằng cái gì?”

Nàng thích qui hướng mọi sự vào chúng tôi.  Trong vũ trụ của nàng, chúng tôi là tâm điểm.  Đối với nàng, người khác có sống thì chỉ là để cho nàng đem ra so sánh với chúng tôi.

“Anh? Anh không nhìn em,” tôi trả lời, hơi cực lòng.  Im lặng.  Tôi đang cắn lưỡi mình.  “Nhưng anh yêu em.  Em biết điều đó mà.”

“Anh yêu em sao anh không nhìn em?” nàng rầu rỉ hỏi.  “Cám ơn lời xưng tụng.”

“Em không hiểu,” tôi tiếp lời ngay.  “Người ta không nhất thiết phải loại bỏ kẻ khác.  Em có thể yêu Thượng đế nhưng em không nhìn được Ngài.”

Nàng có vẻ hài lòng với sự so sánh đó.  Tôi sẽ tập nói dối.

“Khi anh yêu Thượng đế thì anh nhìn ai?” nàng hỏi sau một chút im lặng.

“Em chứ ai.  Nếu con người có thể ngắm nghía bộ mặt của Thượng đế thì hẳn sẽ thôi yêu ngài.  Thượng đế cần tình yêu; ngài không cần sự am hiểu.”

“Còn anh?”

Với Kathleen thì ngay cả Thượng đế cũng không phải là một đề tài để thảo luận mà chỉ là một lối đẩy đưa cuộc nói chuyện về lại chúng tôi.

“Anh cũng vậy,” tôi nói dối.  “Anh cũng vậy, anh cần tình yêu của em...”

Chúng tôi vẫn đứng tại chỗ.  Tại sao chúng tôi không cất bước.  Tôi không biết.  Có lẽ chúng tôi đang chờ tai nạn.

Tôi tiếp tục suy nghĩ, mình phải học cách nói dối.  Dù có phải bỏ ra một ít thời giờ.  Để nói dối như thật.  Cho đến lúc này, mình nói dối quá dở.  Tôi ngượng nghịu, nét mặt tôi phản lại tôi và chắc là tôi bắt đầu đỏ mặt.

“Mình chờ gì đây?” Kathleen bắt đầu nóng ruột.

“Không gì cả,” tôi nói.

Tôi đang nói dối mà không biết: chúng tôi đang chờ tai nạn.

“Anh vẫn không thấy đói?”

“Không,” tôi trả lời.

“Nhưng từ sáng tới bây giờ anh chưa ăn gì,” nàng nói một cách hờn trách.

“Không.”

Kathleen thở dài.

“Anh nghĩ là anh chịu đựng được bao lâu nữa?  Anh đang giết anh dần mòn...”

Gần đó có một tiệm ăn nhỏ.  Chúng tôi bước vào.  Được rồi, tôi tự nhủ.  Mình cũng phải học ăn.  Và học yêu.  Ngươi có thể học bất cứ cái gì.

Mười hoặc mười hai người ngồi trên ghế cao màu đỏ trước quầy đang im lặng ăn.  Kathleen lúc này thấy mình lọt vào một vùng đầy những cái liếc nhìn chằm chặp của họ.  Nàng đẹp.  Khuôn mặt nàng, đặc biệt quanh đôi môi, tỏ lộ những dấu hiệu nguyên sơ của một nỗi sợ hãi đang chờ dịp biến thành niềm thống khổ tươi rói.  Tôi muốn thêm lần nữa nói với nàng tôi yêu nàng.

Chúng tôi gọi hai chiếc bánh mì khoanh kẹp thịt bò và hai ly nước nho.

“Ăn đi anh,” Kathleen nói, ngước mắt nhìn tôi, nài nỉ.

Tôi bẻ một miếng đưa lên miệng.  Mùi máu làm dạ dày tôi đảo lộn.  Tôi cảm thấy buồn nôn.  Có lần tôi thấy một người ăn hết sức ngon lành một lát thịt mà không kèm với bánh mì.  Thèm thuồng, tôi đứng ngó hắn rất lâu.  Tôi như thể bị thôi miên, mắt dán vào những chuyển động của các ngón tay và quai hàm của hắn.  Tôi hy vọng nếu hắn nhìn thấy tôi ở đó, trước mặt hắn, hắn sẽ vứt cho tôi một miếng.  Hắn không nhìn lên.  Hôm sau, hắn bị những người chung ba-rắc treo cổ: hắn đã ăn thịt người.  Để bào chữa cho mình, hắn la lớn: “Tôi có làm gì hại đâu: hắn ta đã chết sẵn rồi.”  Khi thấy xác hắn đong đưa trên đài xử giảo, tôi tự hỏi, “Nếu như lúc đó hắn trông thấy mình.”

“Ăn đi,” Kathleen nói.

Tôi uống chút nước trái cây.

“Anh không đói,” tôi gượng gạo nói.

Vài giờ sau, các bác sĩ bảo Kathleen, “Anh ta hên.  Anh ta ít đau đớn vì dạ dày rỗng.  Anh ta sẽ không ói nhiều lắm.”

“Mình đi,” tôi vừa bảo Kathleen vừa xoay người cất bước.

Tôi trả tiền hai chiếc bánh mì và chúng tôi đi.  Quảng trường Times không thay đổi.  Ánh sáng giả, bóng tối nhân tạo.  Vẫn đám đông không quen biết đó lượn quanh và không lượn quanh.  Trong các quán rượu và các cửa tiệm, vẫn điệu nhạc kích động đập thẳng vào màng tang ta với hàng ngàn chiếc búa nhỏ vô hình.  Các bảng quảng cáo nê-ong vẫn tuyên bố rằng uống cái này hay cái nọ thì có ích cho sức khoẻ, cho hạnh phúc của người đời, cho bình an của thế giới, của linh hồn và của cái gì khác nữa tôi không biết.

“Anh muốn đi đâu?”

Nàng giả bộ như không để ý tới vẻ xanh xao của tôi.  Ai cần, tôi nghĩ.  Có lẽ nàng cũng phải học cách nói dối.

“Xa,” tôi trả lời.  “Thật xa.”

“Em sẽ cùng đi với anh,” nàng tuyên bố.

Sự buồn bã và cay đắng trong giọng nói nàng làm tôi chan chứa xót thương.  Tôi tự nhủ, Kathleen đã thay đổi.  Nàng, kẻ trước đây tin vào sự thách đố, vào hành động chiến đấu, vào hận thù, lúc này chọn lựa sự thuần phục.  Nàng, kẻ trước đây không chịu đi theo bất cứ lời kêu gọi nào không phát xuất từ bản thân nàng, lúc này thừa nhận bị đánh bại.  Tôi đã hiểu đau khổ của tôi làm tôi thay đổi nhưng tôi không biết rằng nó cũng có thể hủy hoại kẻ khác.

“Đương nhiên,” tôi nói.  “Anh sẽ không đi mà không có em.”

Tôi đang ngẫm nghĩ: đi xa thật xa, nơi con đường dẫn tới sự mộc mạc không những chỉ có một nhóm được chọn mới biết tới mà còn hết thảy mọi người đều biết; nơi tình yêu, tiếng cười, các bài ca và những lời cầu nguyện không mang theo với chúng hận thù hoặc hổ thẹn; nơi tôi có thể nghĩ về mình mà không khổ sở, không nhục nhã; nơi rượu nho và Kathleen tinh tuyền, không bị pha trộn với nước rĩ ra từ tử thi; nơi người chết sống trong nghĩa trang chứ không sống trong con tim và trí nhớ của loài người.

“Vậy?” Kathleen vừa hỏi vừa dõi theo ý tưởng của nàng. “Mình đi đâu đây?  Mình không thể đứng suốt đêm ở chỗ này.”

“Mình đi xem xi-nê,” tôi nói.

Đó vẫn là nơi tốt nhất.  Sẽ chỉ có hai chúng tôi thôi.  Chúng tôi sẽ nghĩ tới cái gì khác.  Chúng tôi sẽ ở nơi nào khác.

Kathleen đồng ý.  Chắc nàng muốn về chỗ tôi ở hay chỗ của nàng nhưng nàng biết tôi sẽ không chịu: hai chỗ đó quá nóng trong khi rạp chiếu bóng có máy lạnh.  Tôi đi tới kết luận rằng nói dối cũng chẳng khó lắm.

“Mình xem phim gì?”

Kathleen đưa mắt rảo nhìn quanh các phim chung quanh Quảng trường Times.  Rồi nàng kêu lên háo hức, “Anh em nhà Karamazov.”

Phim đó chiếu ở mé bên kia quảng trường.  Chúng tôi phải băng ngang hai đường phố.  Một biển cả xe hơi và tiếng ồn ngăn cách chúng tôi với cuốn phim đó.

“Anh thích xem một phim nào khác,” tôi nói. “Tuy anh rất thích Dostoevski.”

Kathleen nhất quyết: đó là một phim hay tuyệt, vĩ đại, đặc biệt.  Yul Brynner đóng vai Dmitri.  Nó là một cuốn phim người ta phải xem.

“Anh thích xem một phim trinh thám bình thường,” tôi nói.  “Một phim gì đó không có triết lý, không có siêu hình.  Trời quá nóng không hợp với việc thao tác trí tuệ.  Em coi kìa, Kẻ giết người ở Rio đang chiếu mé bên này.  Mình tới đó đi.  Anh muốn biết tại Brazil người ta trở thành kẻ giết người như thế nào.”

Kathleen vốn bướng bỉnh.  Thêm lần nữa, nàng muốn thử nghiệm tình yêu của chúng tôi.  Nếu Dostoevski thắng: tôi yêu nàng; nếu ngược lại: tôi không yêu nàng.  Tôi liếc nàng.  Quanh đôi môi nàng còn nguyên nỗi sợ hãi .  Nỗi sợ hãi ấy sắp biến thành niềm thống khổ. Kathleen đẹp tuyệt vời khi nàng đau khổ; mắt nàng sâu thẳm hơn, giọng ấm áp hơn, tròn đầy hơn; nhan sắc đậm đà của nàng mộc mạc hơn và người hơn.  Niềm thống khổ của nàng mang phẩm chất thánh thiện.  Đó là cách nàng trao hiến bản thân.  Tôi không thể nhìn Kathleen đau khổ mà không nói với nàng rằng tôi yêu nàng, làm như tình yêu là sự phủ định cái ác.  Tôi phải làm cho nàng không còn đau khổ nữa.

“Có thật là em rất quan tâm tới phim đó?” tôi hỏi nàng.  “Có thật là em khao khát muốn nhìn những anh em nhà Karamazov tốt lành bị đối xử tệ bạc?”

Rõ ràng là nàng muốn.  Yul Brynner hoặc tình yêu của chúng tôi.

“Vậy mình đi.”

Một nụ cười khải hoàn, kéo dài trong chỉ một giây, làm sáng rở khuôn mặt nàng.  Các ngón tay nàng níu chặt cánh tay tôi như thể nói: lúc này em tin vào điều đang xảy ra cho chúng mình.

Chúng tôi bước vài bước tới lề đường.  Chúng tôi phải chờ một chút.  Chờ đèn đỏ đổi qua xanh, chờ dòng xe ngừng lại, chờ người cảnh sát điều khiển lưu thông đưa cánh tay mặt lên, chờ người tài xế tắc xi, kẻ không nhận ra vai trò phải đóng trong khoảnh khắc đó, dừng xe đúng vạch qui định.  Tôi phải chờ tín hiệu của người đạo diễn.

Tôi nhìn quanh.  Đồng hồ nơi cửa sổ toà nhà TWA chỉ 10:25.

“Lẹ lên,” Kathleen quyết định, kéo tay tôi.  “Đèn xanh.”

Chúng tôi bắt đầu băng qua đường.  Kathleen bước lẹ hơn tôi.  Nàng đi bên phải tôi, nhiều lắm là hơn vài bước ngay trước mặt tôi.  Anh em nhà Karamazov không còn ở xa nữa, nhưng đêm đó tôi không gặp họ.

Tôi nghe cái gì trước?  Tiếng phanh xe rít lên kỳ dị hoặc tiếng phụ nữ thét thất thanh?  Tôi vẫn không nhớ.

 

Trong ánh chớp một phần nghìn giây, tôi tỉnh lại trong khi nằm ngữa giữa đường phố.  Trong ánh lờ mờ, vô số đầu người cúi xuống nhìn tôi.  Đầu người khắp nơi.  Phải, trái, trên và cả dưới nữa.  Mọi cái đầu đều giống nhau.  Những con mắt mở lớn giống nhau phản chiếu sự kinh hoàng và tọc mạch.  Những đôi môi cùng thì thầm giống nhau những lời tôi không hiểu nổi.

Một người lớn tuổi hình như đang nói điều gì đó với tôi.  Tôi nghĩ không phải là lời thương cảm.  Ông tóc cắt rất ngắn và có ria mép.  Kathleen không còn mái tóc đen đẹp tuyệt vời mà nàng rất tự hào.  Bộ mặt nàng biến dạng, mất vẻ thanh xuân.  Như thể trong sự có mặt của thần chết, mắt nàng càng lúc càng to ra, và lạ lùng hơn nữa, nàng cũng để ria mép.

Tôi nhủ thầm, một giấc mơ.  Chỉ là mơ thôi và khi thức giấc mình sẽ quên ngay.  Nếu không là mơ, tại sao mình lại ở đây, bên vệ đường?  Tại sao những người này vây quanh như thể mình sắp chết?  Và tại sao bỗng dưng Kathleen có bộ ria?

Tiếng ồn, đến từ mọi hướng, ép chặt lên bức màn sương mù dày đặc mà chúng không thể thẩm thấu.  Tôi muốn bảo người ta đừng nói vì tôi không thể nghe họ.  Tôi đang nằm mơ còn họ thì không.  Nhưng tôi không thể thốt lên  được lấy một tiếng, dù nhỏ nhất.  Giấc mơ làm tôi câm và điếc.

Một bài thơ của Dylan Thomas -- lúc nào cũng vẫn chỉ bài thơ ấy -- lại trở về với tôi.  Bài thơ không nói về bước đi êm ái vào đêm mà về “Hãy nổi cơn thịnh nộ, hãy nổi cơn thịnh nộ trước sự lâm chung của ánh sáng.”

Thét lên ư?  Người câm điếc không thét lên.  Họ đi êm ái vào đêm, nhẹ nhàng và rụt rè.  Họ không thét lên trước sự lâm chung của ánh sáng.  Thét lên khi miệng ứ máu là điều vô ích: người ta nhìn máu chứ không nghe ra tiếng thét.  Đó là lý do tôi im lặng.  Và cũng vì tôi đang mơ một đêm hè trong khi thân thể mình đông cứng.  Cái nóng làm phát bệnh, những bộ mặt cúi xuống tôi ròng ròng mồ hôi -- mồ hôi đang nhỏ những giọt nhịp nhàng -- và tuy thế, tôi đang mơ là tôi lạnh quá tôi đang chết.  Làm sao ta có thể thét lên cưỡng lại giấc mơ?  Làm sao ta có thể thét lên cưỡng lại sự lâm chung của ánh sáng, cưỡng lại sự sống đang dần dần lạnh giá, cưỡng lại máu đang chảy ra ngoài?

 

Chỉ về sau, sau rất lâu, khi tôi đã qua khỏi tình trạng nguy kịch, Kathleen mới kể cho tôi nghe hoàn cảnh xảy ra tai nạn.

Một chiếc tắc xi đang phóng rất nhanh từ bên trái và tông vào tôi, kéo lê tôi mấy thước.  Kathleen thình lình nghe tiếng phanh xe rít lên và tiếng thét thất thanh của một phụ nữ.

Khi nàng kịp thời quành người lại thì đám đông đã bu quanh tôi.  Ban đầu, nàng không biết người nằm dưới chân những kẻ đang ngó đó là tôi.

Rồi có cảm giác mãnh liệt rằng người đó chính là tôi, nàng vẹt đám đông lấn vào và thấy tôi: tả tơi đau đớn, quằn quại, đầu chúi giữa hai đầu gối.

Và người ta thì đang nói, nói liên tu bất tận...

“Hắn chết rồi,” một người nói.

“Không, hắn chưa chết.  Nhìn kìa, hắn nhúc nhích.”

Mở đường với còi hụ, xe cứu thương tới trong vòng hai mươi phút.  Trong thời gian đó tôi tỏ ra có vài dấu hiệu còn sống.  Tôi không thét, tôi không la, tôi chẳng nói gì cả.

Trên xe cứu thương, chỉ trong vài giây tôi tỉnh lại mấy lần.  Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi nói cho Kathleen những chỉ dẫn chính xác đáng kinh ngạc về những việc tôi muốn nàng làm cho tôi: báo tin cho tờ báo; điện thoại cho một trong các bạn tôi yêu cầu tạm thời tới làm dùm; hủy nhiều cuộc hẹn khác nhau; trả tiền nhà, hoá đơn điện thoại, giặt quần áo.  Sau khi giao nàng việc cuối cùng trong ba việc cần làm gấp đó, tôi nhắm mắt, và suốt năm ngày, không mở mắt ra lại.

Kathleen còn kể với tôi là: nhà thương đầu tiên xe cứu thương chở tôi tới không chịu nhận tôi.  Hết thảy các giường đều đã có người.  Ít ra đó là điều họ nói.  Nhưng Kathleen nghĩ đó chỉ là kiếm cớ.  Các bác sĩ, sau khi liếc sơ tôi, quyết định là không hy vọng.  Tốt hơn là buông rơi kẻ hấp hối nhanh hết sức có thể được.

Xe cứu thương chở tôi tới Nhà thương New York.  Ở đây hình như họ không sợ người sắp chết.  Bác sĩ trực, một người nội trú trẻ, điềm tĩnh và trông có vẻ thiện cảm, lập tức vừa cấp cứu tôi vừa định bệnh.

“Thế nào, thưa bác sĩ?” Kathleen hỏi.

Nhờ phép lạ nào đó nàng không bị đuổi ra khỏi phòng cấp cứu trong khi bác sĩ Paul Russel đang săn sóc tôi.

“Mới nhìn thì hơi tệ,” người bác sĩ trẻ trả lời.

Và anh giải thích bằng giọng nghề nghiệp, “Hết thảy xương bên trái người anh ấy đều gãy; chảy máu bên trong; chấn động não; tôi chưa thể nói gì về mắt anh ấy; không biết chúng có bị ảnh hưởng hay không.  Cũng vậy đối với não: hãy cứ hi vọng là nó không bị hỏng.”

Kathleen cố nín khóc.

“Có thể làm gì bây giờ, thưa bác sĩ?”

“Cầu nguyện.”

“Có phải là nặng?”

“Rất nặng.”

Người bác sĩ trẻ, kẻ có giọng nói hết sức dè dặt như giọng nói của một người già, nhìn nàng một lúc rồi hỏi, “Bà là ai? Vợ anh ấy?”

Gần như mê sảng, Kathleen chỉ lắc đầu thay cho lời nói.

“Hôn thê của anh ấy?”

“Không,” nàng thầm thì.

“Bạn gái của anh ấy?”

“Vâng.”

Sau một chút ngại ngần, anh dịu dàng hỏi nàng. “Bà yêu anh ấy?”

“Vâng,” Kathleen thầm thì.

“Trong trường hợp này, có lý do tốt lành để không mất hy vọng.  Tình yêu có giá trị không kém gì lời cầu nguyện.  Có khi hơn nữa.”

Liền đó, Kathleen òa lên khóc.

 

Sau ba ngày hội chẩn và chờ đợi, các bác sĩ quyết định rằng trường hợp của tôi hoàn toàn đáng để giải phẫu.  Dù có ra sao đi nữa, tôi cũng chẳng mất mát gì nhiều.  Ngược lại, nếu may mắn, biết đâu mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp...

Cuộc giải phẫu kéo dài rất lâu.  Hơn năm giờ.  Hai bác sĩ phẫu thuật thay phiên nhau.  Nhịp tim tôi xuống thấp một cách đáng sợ.  Tôi gần như đầu hàng cái chết.  Với tiếp máu, tiêm và truyền dưỡng khí, họ mang tôi về lại cuộc sống.

Sau cùng, các bác sĩ phẫu thuật quyết định chỉ giải phẫu tới hông.  Mắt cá, xương sườn và các chỗ gãy nhỏ khác để về sau.  Lúc này điều quan trọng là làm ngưng chảy máu, khâu các động mạch, làm kín các vết nứt.

Tôi được mang về lại phòng mình và trong hai ngày, tôi đong đưa giữa sự sống và cái chết.  Bác sĩ Russel, người hết lòng chăm sóc tôi, vẫn lạc quan về kết quả sau cùng.  Tôi sốt cao và mất nhiều máu.

Sau cùng, tới ngày thứ năm tôi tỉnh lại.

Tôi nhớ mãi: tôi mở mắt mình ra và phải nhắm lại ngay, bị lóa mắt vì màu sắc trắng xoá của phòng bệnh.  Vài phút trôi qua tôi mới có thể mở mắt ra lại và xác định được thời gian và không gian.

Hai bên giường tôi là các chai huyết tương treo trên giá gắn vào vách phòng.  Tôi không thể nhúc nhích tay mình: mỗi cánh tay có một cây kim lớn gắn chặt vào bằng băng keo giải phẫu.  Mọi sự dàn sẵn để phòng khi tiếp máu cấp tốc.

Tôi cố cựa quậy chân: thể xác tôi không còn nghe lời tôi.  Bất chợt tôi cảm thấy hãi hùng rằng mình bị bại liệt.  Tôi cố gắng kinh người để thét thành tiếng, gọi bác sĩ, y tá hay người nào đó, hỏi cho ra sự thật.  Nhưng tôi quá yếu.  Âm thanh nghẹt lại trong cổ họng.  Tôi nghĩ, có thể mình mất luôn giọng nói.

Tôi cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi.  Sâu trong lòng, tôi phát hiện một nỗi hối tiếc: thà mình chết còn hơn.

Một giờ sau, bác sĩ Russel vô phòng và nói với tôi là tôi sẽ sống.  Chân tôi không bị cưa.  Tôi không nhúc nhích được vì khắp người bó bột.  Chỉ có thể nhìn thấy đầu, cánh tay và hai ngón chân cái của mình.

“Anh trở về từ một nơi rất xa,” người bác sĩ trẻ nói.

Tôi không trả lời.  Tôi cảm thấy tiếc là từ một nơi xa xăm như thế sao mình lại trở về.

“Anh phải cám ơn Thượng đế,” anh tiếp tục.

Tôi nhìn anh kỹ hơn.  Ngồi bên mép giường tôi, các ngón tay xoắn vào nhau, mắt anh đầy vẻ tò mò.

“Sao mà người ta phải cám ơn Thượng đế?” tôi hỏi anh.

Giọng nói của tôi chỉ là tiếng thì thào.  Nhưng tôi đã có thể nói.  Việc này làm tôi vô cùng vui sướng tới nổi lệ trào lên mắt.  Tôi thờ ơ, hoặc hầu như thờ ơ đối với việc tôi còn sống.  Nhưng khi biết được rằng mình vẫn có thể nói được, tôi xúc động rưng rưng, không che giấu nổi.

Người bác sĩ cau bộ mặt trẻ thơ của anh lại.  Tóc anh màu hung.  Đôi mắt xanh nhạt biểu lộ lòng tốt vô hạn.  Anh nhìn tôi chằm chặp.  Nhưng tôi không bực mình về cái nhìn đó.  Tôi quá yếu.

“Sao mà người ta phải cám ơn Thượng đế?” tôi lặp lại.

Tôi muốn nói thêm: tại sao cám ơn ông ấy?  Trong một thời gian rất dài, tôi không thể hiểu nổi trên thế gian này Thượng đế đã làm gì để xứng đáng với con người.

Người bác sĩ tiếp tục nhìn tôi thật gần, rất gần.  Trong mắt anh lập lòe ánh kỳ lạ -- cũng có thể là một bóng tối kỳ dị.

Thình lình tim tôi giật thót.  Kinh sợ, tôi nghĩ: anh ta đã biết ra  điều gì đó.

“Anh lạnh phải không?” anh hỏi, vẫn nhìn tôi.

“Vâng,” tôi trả lời.  “Tôi lạnh.”

Thể xác tôi đang run lẩy bẩy.

“Đó là vì sốt,” anh giải thích.

Như thường lệ, họ sẽ lấy nhịp tim.  Hoặc thêm nữa, họ sẽ đặt mu bàn tay lên trán tôi.  Nhưng người bác sĩ này chẳng làm gì.  Anh không làm gì cả.  Anh đã biết rồi.

“Chúng ta sẽ ra sức chống trả cơn sốt,” anh tiếp tục giảng giải.  “Chúng tôi sẽ tiêm thuốc cho anh.  Tiêm nhiều lần.  Mỗi giờ.  Suốt ngày suốt đêm.  Kẻ thù lúc này là cơn sốt.”

Anh ngừng nói, nhìn tôi một lúc rồi tiếp tục.  Hình như anh đang tìm tín hiệu, dấu chỉ, giải pháp cho một vấn đề mà tôi không thể đoán ra các chi tiết của nó.

“Chúng tôi sợ anh bị nhiễm trùng,” anh nói tiếp.  “Nếu cơn sốt tăng cao, anh thua.”

“Và kẻ thù sẽ thắng,” tôi nói bằng giọng có ý mỉa mai.  “Bác sĩ ạ, anh thấy, điều người ta nói là đúng sự thật: con người mang trong mình kẻ thù ác liệt nhất của nó.  Hoả ngục không phải là người khác.  Hỏa ngục là chính chúng ta.  Hoả ngục là cơn sốt đang nung nấu tới độ làm ta cảm thấy lạnh.”

Giữa chúng tôi đã dăng ra một dây liên kết không xác định được.  Chúng tôi nói bằng ngôn ngữ chín chắn của những người đang liên hệ trực tiếp với cái chết.  Tôi cố nở nụ cười nhưng lạnh quá, tôi chỉ nhếch được mép.  Đó là lý do tại sao tôi không thích mùa đông: các nụ cười lúc đó trở nên mơ hồ.

Bác sĩ Russel đứng dậy.

“Tôi sẽ phái y tá tới.  Tới giờ tiêm thuốc rồi.”

Anh chạm ngón tay vào môi mình, như để cân nhắc kỹ lưỡng hơn, rồi thêm, “Khi nào anh cảm thấy khá hơn, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.”

Thêm lần nữa tôi có cảm tưởng bứt rứt là anh đã biết -- hay ít ra, anh đang ngờ ngợ -- điều gì đó.

Tôi nhắm mắt.  Đột nhiên tôi ý thức được sự đau đớn đang hành hạ mình.  Trước đây tôi không nhận ra nó.  Thế nhưng, cơn đau vẫn ở đó.  Nó là không khí tôi đang thở, những lời lẽ đang hình thành trong óc, bột bó cơ thể như da tôi đang nóng bừng bừng.  Làm sao đến lúc này bản thân tôi vẫn không cảm nhận được nó?  Có thể vì tôi quá chú tâm vào cuộc trò chuyện với bác sĩ.  Anh có biết tôi đang đau đớn, đau đớn kinh khủng?  Anh có biết tôi lạnh?  Anh có biết sự đau đớn đang nung nấu da thịt tôi và trong cùng lúc đó, tôi run rẩy với cơn lạnh hết chịu đựng nổi, như thể tôi đầu tiên bị nhận chìm vào một lò nung và tiếp đó, vào một bồn nước đá.  Rõ ràng anh hiểu.  Anh biết.  Paul Russel là một bác sĩ có cảm tính.  Anh có thể thấy tôi đang điên cuồng cắn môi mình.

“Anh đang đau,” anh lên tiếng.

Anh đứng yên ở chân giường.  Tôi hổ thẹn vì răng mình đánh lập cập trước mặt anh.

“Thường thôi,” anh tiếp tục mà không chờ câu trả lời.  “Khắp người anh chỗ nào cũng bị thương.  Cơ thể anh đang dấy loạn.  Đau đớn là cách chống đối của cơ thể.  Nhưng tôi nói để anh biết:  đau đớn không là kẻ thù, chính cơn sốt mới là kẻ thù.  Nếu nó tăng cao, anh thua.”

Chết.  Tôi ngẫm nghĩ: anh nghĩ rằng cái chết là kẻ thù ấy của tôi.  Anh lầm.  Cái chết không là kẻ thù ấy của tôi.  Nếu anh không biết điều đó thì anh chẳng biết gì cả.  Hay ít ra, anh không biết hết mọi sự.  Anh đã nhìn tôi trở về với cuộc đời, nhưng anh không biết tôi nghĩ gì về sống và chết.  Hoặc anh có thể biết nhưng không để lộ ra?  Sự nghi ngại, như tiếng ong vo ve kêu lui kêu tới bên trong tôi đã khích động tột độ thần kinh của tôi.

Tôi có thể cảm thấy cơn sốt khi nó toả ra, siết tôi từng sợi tóc giống như cây đuốc đang cháy.  Cơn sốt ném tôi từ thế giới này sang thế giới khác, lên rồi xuống, lên rất cao và xuống rất sâu, như thể nó có ý chỉ dạy cho tôi biết cái lạnh ở những nơi cao và cái nóng ở những vực sâu.

“Anh có muốn dùng thuốc giảm đau không?” người bác sĩ thăm dò.

Tôi lắc đầu.  Không, tôi chẳng muốn chút nào.  Tôi chẳng cần chút nào.  Tôi không sợ.

Tôi nghe tiếng chân anh bước ra phía cửa, hẳn nó ở đâu đó đằng sau tôi.  Cứ để anh ấy đi, tôi nghĩ.  Tôi không sợ tình trạng sống cô độc, tình trạng bước đi trong khoảng cách giữa cái sống và cái chết.  Nên tôi không cần anh.  Tôi không sợ.  Cứ để anh ấy đi!

Anh mở cửa, lưỡng lự trước khi khép lại.  Anh dừng bước,  Có phải anh đang quay lại.

“Thật bất ngờ,” anh nói dịu dàng tới độ hầu như không nghe được.  “Thật bất ngờ.  Tôi suýt quên nói với anh... Kathleen...bà ấy là một phụ nữ rất duyên dáng... cực kỳ quyến rũ...”

Với lời đó, anh lặng lẽ rời phòng.  Lúc này tôi cô độc.  Cô độc tận cùng có thể của một người liệt giường và đang đau đớn.  Chẳng bao lâu y tá sẽ đến với thuốc trụ sinh trên tay, để chiến đấu với kẻ thù ấy.  Thật dễ nổi khùng:  chống lại kẻ thù ấy bằng một một mũi tiêm.  Thật khôi hài.  Nhưng tôi không cười.  Các bắp thịt trên mặt tôi tê liệt, đông cứng.

Chút nữa đây y tá sẽ tới.  Bác sĩ đã nói như vậy, bác sĩ, kẻ có giọng nói trầm tĩnh như giọng nói của một người già, vừa mới khám phá ra rằng lòng tốt của con người mang theo phần thưởng của chính nó.  Anh đã nói với tôi điều gì khác nữa?  Điều gì đó về Kathleen.  Vâng: anh đã nói tới tên nàng.  Một phụ nữ trẻ trung và duyên dáng.  Không, không phải như thế.  Anh đã nói điều gì khác: cực kỳ quyến rũ.  Vâng, đúng vậy.  Đó là điều anh đã nói: Kathleen là một phụ nữ trẻ trung và quyến rũ.  Tôi nhớ lại chính xác: cực kỳ quyến rũ.

Kathleen... Có thể nàng ở đâu lúc này?  Trong thế giới nào?  Trong thế giới bên trên hay trong thế giới bên dưới?  Tôi hy vọng nàng sẽ không đến đây.  Tôi hy vọng nàng sẽ không xuất hiện trong phòng này.  Tôi không muốn nàng trông thấy tôi như thế này.  Tôi hy vọng rằng nàng sẽ không cùng đến với y tá.  Và rằng nàng sẽ không cho tôi thuốc trụ sinh.  Tôi không muốn nàng giúp tôi chiến đấu với kẻ thù ấy.  Nàng là một phụ nữ duyên dáng, cực kỳ quyến rũ, nhưng nàng không hiểu.  Nàng không hiểu rằng cái chết không phải là kẻ thù ấy.  Điều đó thật không dễ.  Nàng không hiểu.  Nàng tin hết sức tin vào sức mạnh, vào khả năng tuyệt đối của tình yêu.  Yêu đi và sẽ được bảo vệ.  Yêu nhau đi và mọi sự sẽ tốt lành: đau khổ sẽ mãi mãi rời bỏ trần gian của con người.  Ai nói vậy?  Có thể là Đức Kitô.  Ngài cũng tin hết sức tin vào tình yêu.  Về phần tôi, tình yêu hoặc cái chết, tôi bất cần.  Tôi có thể bật cười khi nghĩ tới tình yêu lẫn cái chết.  Lúc nào cũng vậy, tôi có thể phá lên cười.  Vâng, nhưng các bắp thịt trên mặt tôi không nghe lời tôi.  Tôi lạnh quá.  Trời lạnh vào hôm đó -- không, vào tối đó -- buổi tối lần đầu tôi gặp Kathleen.

 

 

Một tối mùa đông.  Từ bên trong vách nhà nghe rõ tiếng gióđang rít xuyên cây cối ở ngoài trời.

“Đi với tôi,” Shimon Yanai bảo tôi.  “Tôi muốn anh gặp Halina.”

“Hãy để tôi nghe gió,” tôi trả lời (tôi đang trong tâm trạng không thích trò chuyện).  Gió có nhiều điều nói với tôi hơn Halina của anh.  Trong gió có những hối tiếc và lời cầu nguyện của linh hồn kẻ đã chết.  Linh hồn kẻ đã chết có nhiều điều để nói hơn người đang sống.

Shimon Yanai - người có bộ ria đẹp nhất xứ Palestine, nếu không muốn nói đẹp nhất toàn cõi Trung Đông - chẳng để ý chút gì đến điều tôi có ý nói.

“Đi nào,” anh nói, hai tay thọc trong túi quần.  “Halina đang chờ chúng ta.”

Tôi chịu thua.  Tôi nghĩ: có thể Halina cũng là một linh hồn kẻ đã chết.

Chúng tôi đang đứng trong khách sảnh vào giờ giải lao giữa một buổi trình diễn vũ ba-lê tại Paris, đoàn Roland Petit Company hoặc Marquis de Cuevas, nay tôi không còn nhớ rõ.

“Halina hẳn là một phụ nữ quyến rũ,” tôi nói khi băng ngang khách sảnh để tới phòng bán rượu.

“Điều gì khiến anh nghĩ như vậy?” Shimon Yanai hỏi, có vẻ thú vị.

“Cách anh ăn mặc tối nay.  Ngó anh như một gã lãng tử”

Tôi thích trêu ghẹo anh.  Shimon đang tuổi tứ tuần, cao, tóc rậm, mắt xanh mơ màng.  Anh không bao giờ muốn được đón tiếp trang trọng.  Tôi thường nói với anh bằng giọng mỉa mai nhưng chan chứa thương cảm, “Anh bỏ ra hàng giờ trước gương để đánh bù tóc, làm lệch gút cà vạt, làm nhăn nhúm quần.”  Có điều gì đó thống thiết trong tình mến cảm anh dành cho người du mục bô-hê-miên.

Tôi hiểu rõ anh vì anh thường đến Paris và cho tôi những mánh lới khôn khéo về tờ báo tin tức tôi đang làm.  Anh thích ở với các ký giả.  Anh cần họ.  Anh là đại diện tại Paris của Phong trào Kháng chiến Do thái - lúc này nước Israel chưa ra đời - và anh không ngần ngại thú nhận rằng đối với anh báo chí rất có lợi.

Halina đứng chờ chúng tôi ở phòng giải khát, trên tay cầm ly rượu.  Chị mới ngoài ba mươi.  Gầy, mặt nhỏ, xanh xao, với cái nhìn ẩn chứa nỗi sợ hãi của một phụ nữ đang vật lộn với quá khứ của mình.

Chúng tôi bắt tay nhau.

“Tôi tưởng anh lớn tuổi hơn.” Chị cười ngượng nghịu.

“Tôi già rồi,” tôi nói.  “Đôi khi tôi già như gió.”

Chị cười.  Thật ra chị không biết cười như thế nào.  Khi cười, chị có thể làm con tim ta nứt rạn.  Nụ cười của chị như mang vẻ bảng lảng của linh hồn kẻ đã chết.

“Tôi nói thật đấy,” chị nói.  “Tôi có đọc các bài báo của anh.  Chúng được viết bởi một người đang đi tới cuối cuộc đời của mình, tới tận cùng những hy vọng của mình.”

“Đó là dấu hiệu của tuổi trẻ,” tôi trả lời.  “Tuổi trẻ ngày nay không nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ già: họ tin là họ sẽ chết yểu.  Trong thời đại chúng ta người già là người trẻ tuổi thật sự.  Họ ít ra cũng có thể khoe khoang việc họ có cái mà chúng ta không có: một khoanh mỏng của cuộc đời mà họ gọi đó là tuổi trẻ.”

Bộ mặt của người phụ nữ ấy lại càng tái nhợt hơn.  “Điều anh nói thật khủng khiếp.”

Tôi bật cười, nhưng có lẽ tiếng cười của tôi gượng gạo quá: tôi cảm thấy mình không thích cười.  Tôi không thích cười, chẳng kém gì không thích trò chuyện.

“Chị đừng nghe tôi,” tôi nói.  “Shimon sẽ nói cho chị biết: tôi không bao giờ ăn nói trịnh trọng.  Tôi giỡn, thế thôi.  Tôi đang giả bộ dọa cho chị sợ.  Nhưng chị đừng để ý.  Những gì tôi nói chỉ là gió.”

Tôi sắp rời họ - viện cớ như thường lệ là phải đi gọi gấp một cú điện thoại khẩn cấp - ngay lúc đó tôi thấy trong mắt Halina có cái nhìn bối rối.

“Shimon!” chị kêu lên mà không cất cao giọng.  “Coi ai đó kìa: Kathleen!”

Shimon nhìn theo tay chỉ của Halina, và trong một giây - chỉ một giây - mặt anh như ám bóng mây.  Má anh tối lại, như thoạt nhớ tới điều gì đó đau đớn.

“Anh tới yêu cầu cô ấy nhập bọn mình đi.” Halina nói.

“Nhưng cô ấy không đi một mình...”

“Chờ một phút! Cô ấy sẽ tới đây.”

Nàng tới.  Và đó là lúc khởi đầu mọi chuyện.

Thật ra tôi có thể dễ dàng bỏ đi trong lúc Shimon đang nói chuyện với nàng ở phía đầu kia khách sảnh.  Lúc ấy cú điện thoại của tôi vẫn còn khẩn cấp không kém trước đây.  Tôi không muốn ở lại chút nào.  Mới nhìn nó giống một tình thế cổ điển.  Ba nhân vật: Shimon, Halina, Kathleen.  Halina yêu Shimon, kẻ không yêu chị; Shimon yêu Kathleen, kẻ không yêu anh; Kathleen yêu...  Tôi không biết nàng yêu ai và tôi không cần biết.  Tôi có ý nghĩ: họ đang làm khổ nhau trong một vòng tròn chật kín mít.  Tốt hơn mình chớ có dính vào chút nào, dù chỉ như một người chứng.  Tôi không bao giờ quan tâm tới sự khổ đau cùng kiệt.  Đau khổ của người khác chỉ hấp dẫn tôi trong chừng mực nó khiến người ta nhận ra cái mạnh và cái yếu của bản thân, trong bầu khí hướng tới sự nổi loạn.  Tình yêu của Halina và Shimon hoàn toàn không đưa tới điều gì thuộc loại đó.

“Tôi phải đi thôi,” tôi bảo Halina.

Chị nhìn tôi nhưng không nghe; chị đang quan sát Shimon và Kathleen ở phía đằng kia khách sảnh.  “Xin anh đừng đi,” chị yêu cầu tôi với giọng khiêm tốn, gần như hạ mình.  Kế đó, chị nói tiếp, để thêm phần thuyết phục hoặc để tỏ rõ sự hờ hửng của chị.  “Anh sắp gặp Kathleen.  Cô ấy là một cô gái khác thường.  Anh sẽ thấy.”

Chống cự cũng vô ích: Kathleen và Shimon đây rồi.

“Chào Halina,” Kathleen nói, bằng tiếng Pháp nặng giọng nhấn Mỹ.

“Chào Kathleen.” Halina trả lời, rõ ràng đang che dấu sự căng thẳng trong lòng.  “Để tôi giới thiệu một người bạn...”

Không một cử chỉ, không một chuyển động, không một tiếng nói, Kathleen và tôi nhìn nhau hồi lâu như thể lập thành một giao cảm trực tiếp.  Nàng có khuôn mặt trái xoan, cân đối, đẹp lạ thường và não nùng.  Mũi hênh hếch làm nổi bật đôi môi gợi cảm.  Đôi mắt hạnh nhân của nàng ngun ngút lửa câm nín, thầm lặng: một hoả diệm sơn đang yên ngủ.  Với nàng, đây có thể là giao cảm thật sự.  Và trong khoảnh khắc đó, hốt nhiên tôi hiểu ra tại sao tiếng cười của Halina không còn tự nhiên nữa.

“Hai người quen nhau rồi sao?” Halina hỏi nàng với nụ cười gượng gạo.  “Hai người nhìn nhau như thể đã quen nhau.”

Shimon im lặng.  Anh đang nhìn Kathleen.

“Vâng,” tôi trả lời.

“Cái gì?” Halina kêu lên, không tin hoàn toàn.  “Cả hai từng gặp nhau rồi ư?”

“Không,” tôi trả lời.  “Nhưng chúng tôi đã biết nhau.”

Hàng ria của Shimon gờn gợn sóng, khó có thể nhận ra.  Tình hình đang hồi hết sức căng thẳng thì đột nhiên chuông báo reo lên.  Đã hết giờ nghỉ.  Khách sảnh bắt đầu thưa người.

“Sau buổi diễn này chúng ta đi xem gì nữa?” Halina hỏi.

“Chắc tôi không đi được,” Kathleen trả lời.  “Có người đang chờ tôi.”

“Còn anh?” Halina nhìn tôi, mắt mở lớn hun hút nỗi buồn cô lạnh.

“Không,” tôi trả lời.  “Tôi phải gọi điện thoại.  Chuyện khẩn cấp.”

Halina và Shimon đi.  Chỉ còn hai chúng tôi, Kathleen và tôi.

“Anh nói được tiếng Anh không?” nàng hỏi tôi bằng tiếng Anh, có vẻ gấp rút.

“Được.”

“Chờ tôi chút,” nàng nói.

Nàng bước lẹ tới người đàn ông đang đứng chờ phía đầu kia khách sảnh, nói với người ấy mấy lời.  Tôi vẫn còn cơ hội đi.  Nhưng tại sao tôi bỏ chạy?  Và chạy đi đâu?  Sa mạc nơi nào cũng giống nhau thôi.  Các linh hồn kẻ chết ở đó.  Và đôi khi chúng giả bộ dọa giết linh hồn những kẻ chưa chết.

Vài giây sau Kathleen quay lại.  Tôi thấy mặt nàng thoáng vẻ bất cần và cả quyết, như thể nàng vừa thực hiện một hành động quan trọng nhất đời mình.  Người đàn ông vừa bị bỏ rơi và bị làm bẻ mặt vẫn đứng đó, ngây người, không nhúc nhích, như bị một lời nguyền rủa giáng xuống.

Bên trong, màn đã kéo lên.

“Chúng ta đi,” Kathleen nói bằng tiếng Anh.

Tôi muốn hỏi nàng những câu bất tận, nhưng quyết định dành chúng lại về sau.

“Vâng,” tôi nói.  “Chúng ta đi.”

Chúng tôi vội vàng rời khách sảnh.  Bỏ người đàn ông ấy lại đằng sau, một mình.  Rất lâu sau đêm ấy, tôi không dám quay lại rạp hát này.  Tôi sợ thấy người ấy vẫn đứng đó, đúng ngay chỗ chúng tôi đã bỏ lại.

Chúng tôi bắt đầu cất bước.  Trời lạnh.  Cả hai đi chầm chậm như để tỏ ra mình mạnh mẽ và cái lạnh chẳng thấm vào đâu.

Kathleen không khoác tay tôi và tôi không khoác tay nàng.  Nàng không nhìn tôi và tôi không nhìn nàng.  Chân chúng tôi bước đều nhịp, dù có lúc một trong hai đứa phải đột nhiên dừng lại, để suy nghĩ hay để cầu nguyện.

Sau khi im lặng đi dọc bờ sông Seine trong một hoặc hai giờ, chúng tôi băng qua cầu Châtelet, rồi khi tới giữa cầu Saint-Michel, tôi đứng lại, nhìn xuống dòng sông.  Kathleen bước thêm hai bước rồi cũng đứng lại.

Sông Seine in hình bầu trời và các cột đèn, lúc này để lộ cho chúng tôi thấy bộ mặt mùa đông bí nhiệm của nó, cái sâu kín trầm lặng của nó, nơi sự sống nào cũng tiêu tan, nơi ánh sáng nào cũng tắt lịm.  Tôi nhìn dòng sông và nghĩ tới ngày nào đó tôi sẽ lìa đời.

Kathleen tới sát tôi hơn, nàng sắp nói điều gì đó.  Tôi lắc đầu ra hiệu nàng đừng nói.

Chút sau tôi bảo nàng, “Đừng nói.”

Tôi còn đang nghĩ tới cái chết và tôi không muốn nàng nói với tôi.  Chỉ trong im lặng, nghiêng mình trên dòng sông mùa đông, lúc ấy con người mới có thể thật sự nghĩ tới cái chết.

Ngày nọ, tôi hỏi bà nội mình, “Bà ơi, trong mùa đông, làm thế nào kẻ dưới mồ giữ mình cho khỏi lạnh?”

Nội tôi là một phụ nữ mộc mạc, ngoan đạo, thường nói với tôi rằng Thượng đế ở khắp mọi nơi, cả trong sự dữ, cả trong sự trừng phạt, cả trong sự bất công.  Không chuyện gì mà bà không cầu nguyện.  Da bà trắng như cát sa mạc.  Đầu bà trùm chiếc khăn màu đen lớn thật lớn mà dường như bà chẳng bao giờ cởi ra.

“Kẻ không quên Thượng đế thì chẳng bao giờ thấy lạnh trong mồ của mình,” bà nói.

“Cái gì làm kẻ đó ấm?” tôi nằng nặc hỏi.

Giọng nói nhỏ nhẹ của bà trở thành tiếng thì thầm: bí mật đây.  “Chính Thượng đế.”  Nụ cười làm khắp nơi trên khuôn mặt bà sáng lên, sáng cho tới mép khăn trùm đầu đang rũ xuống giữa trán.  Bà vẫn cười như thế mỗi khi tôi đặt cho bà một câu hỏi có câu trả lời rõ ràng.

“Vậy nghĩa là Thượng đế ở trong mồ với những người đàn ông và đàn bà đang bị chôn dưới đó?”

“Đúng,” nội tôi quả quyết với tôi.  “Chính ngài giữ cho họ ấm.”

Tôi nhớ lúc ấy tôi chợt buồn lạ thường.  Tôi cảm thấy thương hại Thượng đế.  Tôi nghĩ: ngài vô phước hơn con người, con người chỉ chết một lần, con người chỉ bị chôn một lần trong mồ.

“Nội ơi, nói cho con biết, Thượng đế cũng chết sao?”

“Không.  Thượng đế không bao giờ chết.”

Câu trả lời của bà như một cú trời giáng.  Tôi cảm thấy muốn khóc thét lên.  Thượng đế bị chôn sống!  Lúc đó tôi thích đảo ngược các vai trò; tôi thích nghĩ rằng Thượng đế thì chết còn con người thì không.  Tôi thích nghĩ rằng, khi con người đóng kịch như thể mình đang chết thì chính Thượng đế lại bị đất phủ lấp.

Kathleen chạm cánh tay tôi.  Tôi giật nảy người.

“Đừng chạm tôi,” tôi bảo nàng.  Tôi đang nghĩ tới bà nội của tôi và ta không thể thật sự nhớ tới bà nội mình đã chết nếu ta không cô độc, nếu một cô gái có mái tóc đen, đen như chiếc khăn trùm đầu của bà nội tôi -- chạm vào cánh tay ta.

Bỗng dưng tôi nảy ra ý nghĩ rằng nụ cười của bà nội tôi có ý nghĩa tương lai sắp lộ ra: bà biết rằng câu hỏi của tôi không dính dáng gì tới bà, rằng bà sẽ không biết tới cái lạnh lẽo của nấm mồ.  Thân xác bà sẽ không bị chôn mà là được phó cho gió mang đi mọi hướng.  Và chính thân xác của bà -- thân xác màu trắng và đen của nội tôi -- quất lên mặt tôi, như một trừng phạt vì  tôi đang quên lãng.  Không, nội ơi! Không, cháu không quên.  Hễ lúc nào lạnh là cháu nghĩ tới nội, cháu chỉ nghĩ tới nội thôi.

“Nào,” Kathleen nói.  “Chúng ta đi.  Tôi lạnh rồi.”

Chúng tôi lại cất bước.  Gió cắt mặt mình nhưng chúng tôi tiếp tục đi.  Chúng tôi không bước nhanh hơn.  Sau cùng, chúng tôi dừng chân ở Đại lộ Saint Germain, phía trước Deux-Magots.

“Tới nơi rồi,” nàng nói.

“Cô ở chỗ này?”

“Vâng.  Anh muốn vào không?”

Tôi phải cưỡng lại mình để đừng nói không.  Tôi rất muốn ở bên nàng, cùng nàng trò chuyện, sờ vào tóc nàng, ngắm nàng lịm vào giấc ngủ.  Nhưng tôi sợ mình bị thất vọng.

“Vào đi,” Kathleen cả quyết.

Nàng mở cánh cửa nặng nề và chúng tôi bước lên cầu thang dẫn tới căn hộ của nàng.

Tôi lạnh.  Và tôi nghĩ tới bà nội của tôi, bộ mặt bà trắng như cát sa mạc trong suốt, và chiếc khăn trùm đầu của bà đen như đêm nghĩa trang tối mịt mùng.

Chương : 1   2    3    4   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1562
Ngày đăng: 17.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)