Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
886
116.624.620
 
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn
Elie Wiesel
Chương 2

2

Ai đó?”

Tôi gần như không nghe ra giọng nói của chính mình.  Hàng ngàn mũi kim đang tiêm lửa vào máu tôi.  Tôi khát.  Tôi cảm thấy nóng bừng bừng.  Cổ họng tôi khô rang.  Mạch máu tôi sắp nổ tung.  Tuy thế cái lạnh không bỏ tôi mà đi.  Thể xác tôi, rúng động vì chứng co giật, run rẩy như cây trong bão, như lá trong gió, như gió giữa biển, như biển trong đầu một gã khật khùng, một tên say rượu, một kẻ hấp hối.

“Ai đó?” tôi hỏi thêm lần nữa trong khi răng đánh lập cập.  Tôi cảm thấy có ai đó trong phòng.

“Y tá,” một giọng không quen nói.

“Nước.” tôi nói.  “Tôi khát.  Cho tôi chút nước.”

“Anh không được uống,” giọng ấy nói.  “Anh sẽ cảm thấy tệ hơn.  Nếu uống vào anh sẽ ói ra.”

Bị trái ý, tôi thầm lặng khóc.

“Nào, bây giờ,” người y tá nói, “Tôi sắp dấp nước lên mặt anh.”

Chị lau trán tôi, rồi lau môi tôi bằng khăn ướt.  Chiếc khăn bắt lửa khi chạm vào da tôi.

“Mấy giờ rồi?” tôi hỏi.

“Sáu giờ.”

“Ban đêm?”

“Vâng.”

Tôi nghĩ: lúc bác sĩ Russel tới gặp tôi trời mới sắp trưa.  Sáu mũi thuốc trụ sinh rồi mà tôi không để ý.

“Anh đau lắm phải không?” người y tá hỏi.

“Tôi khát.”

“Chính cơn sốt làm anh khát.”

“Có phải tôi vẫn sốt cao?”

“Phải.”

“Cao tới đâu?”

“Cao.”

“Tôi muốn biết.”

“Tôi không được phép nói cho anh biết.  Đó là luật.”

Cửa mở.  Ai đó vào.  Tiếng thì thầm.

“Sao, anh bạn?  Anh nói gì đây?”

Bác sĩ Russel cố làm ra vẻ tình cờ.

“Tôi khát, thưa bác sĩ.”

“Kẻ thù không chịu rút lui,” anh nói.  “Nhượng bộ hay không là tùy anh.”

“Anh ta sẽ thắng, thưa bác sĩ.  Anh ta không chết vì khát đâu.”

Tôi nghĩ: chắc bà nội của tôi hiểu.  Chính cái nóng trong căn phòng khô nước, không dưỡng khí.  Chính cái nóng trong căn phòng mà thể xác sống động của bà bị các thể xác sống động khác xô tới đẩy lui.  Cũng như tôi, chắc bà đã há miệng để hớp không khí, để uống nước.  Nhưng chỗ của bà không nước cũng chẳng không khí.  Bà chỉ đang uống, đang hớp cái chết, như ta uống nước, hớp không khí, miệng há ra, mắt nhắm lại, các ngón tay co quặp vào nhau.

Đột nhiên tôi cảm thấy cần nói lớn tiếng, cần lạ lùng.  Để kể lại câu chuyện cuộc sống và cái chết của bà nội tôi, để tả lại chiếc khăn trùm đầu màu đen mà bà thường dọa cho tới lúc tôi hoàn hồn nhờ vẻ mặt mộc mạc và ân cần của bà.  Bà nội tôi là nơi lánh nạn của tôi.  Hễ bao giờ tôi bị cha tôi gắt gỏng là bà can thiệp: mấy ông bố đều như thế cả, bà vừa cắt nghĩa vừa cười.  Họ nổi giận chẳng đâu vào đâu.

Ngày nọ cha tôi bạt tai tôi.  Tôi ăn cắp ít tiền trong hộc tiền nơi quầy hàng, để cho một bạn học cùng lớp.  Nó là một đứa trẻ nghèo khổ bệnh tật.  Chúng bạn gọi nó là Haim trẻ mồ côi.  Thấy mặt nó là tôi cảm thấy người mình xốn xang khó chịu.  Tôi biết mình hạnh phúc hơn nó và điều đó khiến tôi cảm thấy mình có tội.  Mắc cái tội cha mẹ mình còn sống.  Vì thế tôi ăn cắp tiền.  Nhưng khi cha tôi căn vặn, cố tìm cho ra tôi dùng tiền đó để làm gì thì tôi không nói cho ông biết.  Nói cho cùng, tôi không thể kể với cha tôi rằng tôi cảm thấy mình có tội vì ông còn sống!  Ông vã vào mặt tôi và tôi chạy tới bà nội.  Tôi có thể kể cho bà nghe hết sự thật.  Bà không gắt gỏng tôi.  Đang ngồi giữa phòng, bà kéo tôi lên đùi bà và bà bắt đầu khóc rấm rứt.  Nước mắt bà nhỏ xuống đầu tôi dù bà đang cố nén lại trong lồng ngực mình, và tôi ngạc nhiên khám phá ra rằng những giọt nước mắt của bà nội tôi nóng hổi, chúng lăn qua nơi nào là đốt cháy mọi sự ở nơi đó.

“Bà ấy tới,” bác sĩ nói.  “Bà ấy đang ở bên ngoài.  Trong hành lang.  Anh có muốn bà ấy vào không?”

Với sức mạnh phát xuất từ lòng sợ hãi của mình, tôi kêu lên, “Không, tôi không muốn, tôi không muốn.”

Tôi nghĩ là bác sĩ đang nói tới bà nội của tôi.  Tôi không muốn gặp bà.  Tôi biết bà đã chết -- có thể là chết  khát -- và tôi sợ bà sẽ không giống như trong trí nhớ của tôi.  Tôi sợ bà sẽ không quấn chiếc khăn trùm đầu màu đen, cũng sẽ không có những giọt nước mắt nóng hổi trong mắt, không có vẻ mặt sáng sủa, tĩnh lặng làm ta quên rằng mình đang lạnh,

“Anh nên gặp bà ấy,” người bác sĩ nói, giọng dịu dàng.

“Không!  Không phải lúc này.”

Nước mắt của tôi đóng thành vệt trên má tôi, trên môi tôi, trên cằm tôi.  Thỉnh thoảng, chúng còn cố chui xuống dưới khuôn mặt tôi.  Tại sao tôi khóc?  Tôi không biết.  Tôi nghĩ đó là vì bà nội của tôi.  Bà hay khóc.  Bà khóc khi bà hạnh phúc và khóc cả khi bà không hạnh phúc.  Khi bà không hạnh phúc hoặc không bất hạnh thì bà khóc vì bà không còn cảm thấy mọi sự đem tới hạnh phúc hay bất hạnh.  Tôi muốn chứng tỏ với bà là tôi thừa hưởng những giọt nước mắt của bà, như đã được di chúc, chuyện gì cũng khóc.

“Tùy anh,” người bác sĩ nói.  “Ngày mai Kathleen trở lại cũng được.”

Kathleen! Nàng dính dáng gì tới chuyện này?  Làm sao nàng gặp bà nội của tôi?  Bộ nàng cũng chết rồi sao?

“Kathleen?” tôi nói, ngã đầu xuống gối.  “Cô ấy đâu?”

“Bên ngoài,” người bác sĩ nói, có vẻ ngạc nhiên.  “Nơi hành lang.”

“Để cô ấy vào đi.”

Cửa mở và tiếng chân nhè nhẹ bước tới bên giường.  Thêm lần nữa tôi cố hết sức mở mắt nhưng cảm thấy mi mắt mình bị may dính lại.

“Em khoẻ không, Kathleen?” tôi hỏi bằng giọng rành mạch.

“Khoẻ.”

“Em thấy: anh là nạn nhân mới nhất của Dmitri Karamazov.”

Nàng cố hé miệng cười.

“Anh có lý.  Cuốn phim đó dở.”

“Thà chết còn hơn xem nó.”

Tiếng cười của Kathleen có vẻ giả tạo.

“Em đang nói quá...”

Tôi thì thầm.  Bác sĩ đang nói với nàng, rất dịu dàng.

“Em phải rời anh,” Kathleen nói, giọng rất luyến tiếc.

“Cẩn thận khi băng qua đường.”

Nàng cúi xuống hôn tôi.  Nỗi sợ xưa cũ chụp lên tôi.

“Em đừng hôn anh, Kathleen!”

Nàng đột ngột rụt đầu lại.  Trong thoáng chốc, căn phòng yên lặng.  Kế đó tôi cảm thấy bàn tay nàng trên trán tôi.  Tôi sắp nói với nàng hãy rụt tay lại, đừng liều mà phỏng lửa, nhưng nàng đã rụt tay lại rồi.

Kathleen nhón bước ra khỏi phòng, theo chân bác sĩ.  Người y tá ở lại với tôi.  Tôi thật sự muốn biết người y tá trông ra sao: già hay trẻ, đẹp hay ủ rũ, tóc hung hay ngăm đen... Nhưng tôi vẫn không động đậy nổi mi mắt.  Mọi cố gắng mở chúng ra đều vô ích.  Có lúc tôi tự nhủ rằng ra sức nhướng lên thì không đủ, mình phải dùng tới hai bàn tay.  Nhưng tay tôi bị cột chặt vào hai bên giường và vẫn còn đó các cây kim lớn.

“Tôi sẽ tiêm cho anh hai mũi thuốc,” người y tá tuyên bố bằng một giọng mà khi nghe tôi chẳng đoán ra được gì.

“Hai? Tại sao hai?”

“Mũi thứ nhất, trụ sinh.  Và mũi thứ hai, giúp anh thiếp ngủ...”

“Chị không có mũi thứ ba trị cơn khát sao?”  Lúc này tôi khó thở.  Phổi tôi sắp nổ tung, như chiếc ấm khô nước bị bỏ quên trên bếp lửa.

“Anh sẽ ngủ.  Anh sẽ không khát.”

“Tôi sẽ không mơ thấy mình khát ư?”

Người y tá kéo mền lên.  “Tôi sẽ cho anh một mũi trị các giấc mơ.”

Chị thật dễ thương, tôi nghĩ.  Tim chị làm bằng vàng.  Chị đau khổ khi tôi đau khổ.  Chị yên lặng khi tôi khát.  Chị yên lặng khi tôi ngủ.  Có lẽ chị tươi trẻ, xinh đẹp, quyến rũ.  Chị có nét mặt nghiêm trang và có đôi mắt đang cười.  Chị có cái miệng gợi cảm, được tạo ra để hôn, không để chuyện trò.  Giống như đôi mắt của bà nội tôi, đôi mắt ấy không dùng để nhìn, không dùng để ngỡ ngàng, mà chỉ dùng để khóc.

Mũi thứ nhất.  Không có gì.  Tôi không cảm thấy nó.  Mũi thứ hai, mũi này ở cánh tay.  Vẫn không có gì,  Tôi đau trong người quá tới độ không cảm nhận được mũi thuốc tiêm vào.

Người y tá sửa lại mền, đặt các mũi kim vô hộp thiếc, dời ghế và xoay núm đèn.

“Tôi tắt đèn đây,” chị nói.  “Anh sẽ ngủ ngay thôi.”

Đột nhiên tôi có ý nghĩ chắc chị cũng muốn hôn tôi trước khi đi ra.  Chỉ là một nụ hôn thoáng chút ý nghĩa trên trán hoặc trên má, cũng có thể trên mi mắt.  Người ta thường làm như thế ở nhà thương.  Một nữ y tá tốt bụng hôn người bệnh khi chị chúc ngủ ngon.  Không phải trên miệng.  Trên trán, trên má.  Nụ hôn ấy làm yên lòng người bệnh.  Người bệnh nghĩ rằng nếu có một phụ nữ muốn hôn mình tức là bệnh mình không tới nổi tệ lắm.  Người bệnh không biết rằng miệng của người nữ y tá được tạo ra không để nói, cũng không để khóc mà là để giữ im lặng và để hôn người bệnh, cho họ thiếp ngủ mà không sợ hãi, không sợ hãi bóng tối.

Thêm lần nữa, khắp người tôi ướt đẫm mồ hôi.

“Chị đừng hôn tôi,” tôi thì thào.

Người y tá cười thân thiện.

“Dĩ nhiên không.  Nó làm anh khát.”

Rồi chị rời phòng.  Và tôi chờ mình thiếp ngủ.

 

Kể cho tôi nghe đôi chút về anh,” Kathleen nói,

Chúng tôi ngồi trong căn phòng ấm áp dễ chịu của nàng.  Chúng tôi lắng nghe một bài ca vãn điệu Gregorian đang trào dâng trong lòng mình.  Nhạc đó và lời đó chan chứa sự an bình không bão tố nào có thể lay động.

Trên bàn nhỏ, hai chiếc tách của chúng tôi vẫn chưa cạn.  Cà phê đã nguội.  Khung cảnh nửa tối nửa sáng làm tôi nhắm mắt mình lại.  Cảm giác mệt lã đè nặng lên người tôi từ lúc chập tối nay hoàn toàn tan biến.  Thần kinh tôi căng thẳng, tôi biết rằng một khi thời khắc này đã đi qua cuộc đời tôi thì sẽ mang theo với nó một phần con người tôi.

“Kể cho tôi nghe,” Kathleen nói.  “Tôi muốn biết về anh.”

Nàng ngồi bên phải tôi, chân xếp bằng tròn, trên ghế xa-long màu nâu nhạt.  Trong không khí bềnh bồng một giấc mơ đang tìm chỗ đậu.

“Tôi cảm thấy không thích làm như vậy,” tôi trả lời.  “Tôi cảm thấy không thích nói về mình.”

Nói về mình, thật sự nói về mình, tôi chắc phải kể câu chuyện bà nội của tôi.  Tôi cảm thấy không thích diễn tả câu chuyện đó thành lời nói: chỉ có thể diễn tả bà bằng những câu kinh.

Sau chiến tranh, khi tôi tới Paris, tôi thường, rất thường, bị thúc giục kể lại.  Tôi từ chối.  Tôi tự bảo mình rằng những kẻ đã chết không cần qua chúng tôi mới được nghe tới.  Họ ít rụt rè hơn chúng tôi.  Hổ thẹn không bám riết lấy họ trong khi tôi thì rụt rè và hổ thẹn.  Sự hổ thẹn không dằn vặt những kẻ hành quyết mà dằn vặt những nạn nhân của họ, đó là cách đã và đang xảy ra cho chúng tôi.  Hổ thẹn lớn lao nhất là mình bị số mệnh chọn lựa.  Con người ưa qui trách cho mình hết thảy những tội lỗi và tội ác có thể xảy tới cho mình hơn là rút ra kết luận rằng chính Thượng đế là cái khả năng bất công hiển nhiên nhất.  Tôi vẫn đỏ mặt hổ thẹn mỗi lần nghĩ đến cách mà Thượng đế đùa cợt loài người, những đồ chơi ưu ái của ngài.

Có lần tôi hỏi Kalman nhà huyền học, ông thầy của tôi, câu hỏi như sau:  Thượng đế tạo dựng con người vì mục đích gì?  Con hiểu rằng con người cần Thượng đế, nhưng Thượng đế cần gì nơi con người?

Ông thầy của tôi nhắm đôi mắt lại, và một ngàn vết thương, các mạch máu bị tê liệt vì những sự thật làm choáng váng kinh hoàng, vẽ thành cung mê mờ mịt trên vầng trán ông.  Sau đôi phút trầm ngâm, môi ông hé mở thành một nụ cười tinh tế và rất xa vời.

“Sách Thánh dạy chúng ta,” ông nói, “rằng khi con người ý thức những quyền năng của nó thì nó sẽ mất đức tin hoặc mất lý trí của nó.  Vì con người mang trong nó một vai trò vượt quá chính nó.  Thượng đế cần con người để là đấng độc nhất.  Đấng Cứu thế, kẻ được kêu mời đến để giải phóng con người, chỉ có thể được giải phóng bởi con người.  Chúng ta biết rằng không chỉ con người và vũ trụ được giải phóng mà còn đấng độc nhất lập ra các lề luật của con người và các quan hệ của con người cũng được giải phóng.  Đấng ấy đi theo con người -- kẻ không là gì cả ngoài một nắm đất -- kẻ có khả năng tái hiệp nhất thời gian và cội nguồn của thời gian, và trả lại cho Thượng đế hình ảnh thật của chính ngài.”

Thuở đó, tôi quá trẻ, không hiểu nổi ý nghĩa những lời nói đó của thầy tôi.  Ý nghĩ rằng sự hiện hữu của Thượng đế có thể kết chặt với sự hiện hữu của tôi làm lòng tôi chan chứa nỗi tự hào khốn khổ cùng với niềm thương cảm sâu xa.

Vài năm sau, tôi thấy những người công chính và ngoan đạo vừa bước tới cái chết của chính mình vừa hát, “Với lửa của chúng tôi, chúng tôi sắp bẻ gãy xiềng xích của Đấng Cứu thế nơi lưu đày.”  Chính lúc ấy, những ngụ ý có tính cách tượng trưng trong những gì thầy tôi nói đó làm tôi choáng váng.  Vâng, Thượng đế cần con người.  Bị kết án cô đơn vĩnh viễn, ngài tạo ra con người để dùng nó làm đồ chơi, để làm mình thích thú.  Đó là điều mà các nhà triết lý và các nhà thơ không chịu thừa nhận: từ thuở bắt đầu, đã không có Ngôi Lời, không có Tình Yêu, chỉ có tiếng cười náo nhiệt, bất tận mà các âm vang của nó còn giả tạo hơn cả những ảo tượng trong sa mạc.

“Tôi muốn biết về anh”, Kathleen nói.

Nét mặt nàng ảm đạm.  Giấc mơ tan loảng rồi vì tìm không ra chỗ đậu.  Tôi nghĩ: giấc mơ đó có thể đã nhập vào đôi mắt đang mở lớn của nàng.  Nhưng các giấc mơ thì không bao giờ từ bên ngoài nhập vào.

“Cô có thể kết thúc với lòng thù hận tôi,” tôi bảo nàng.

Nàng lại càng siết cái bằng tròn vô chặt hơn dưới người mình.  Cả con người nàng co rút lại, thành nhỏ hơn, như thể thân thể nàng muốn đi theo giấc mơ đó và cùng tan biến với nó.

“Tôi sẽ có dịp,” nàng trả lời.

Nàng sẽ thù hận tôi, tôi nghĩ.  Chuyện đó không tránh được.  Cái đã xảy ra thì rồi lại xảy ra.  Nguyên nhân giống nhau thì đưa tới hậu quả giống nhau và hận thù giống nhau.  Sự lặp lại là một thành tố quyết định trong khía cạnh bi thảm của thân phận chúng ta.

Tôi không biết tên người đàn ông đầu tiên công khai thét lên là thù hận tôi, cũng chẳng biết ông ta là ai.  Ông tiêu biểu cho hết thảy những người không tên không mặt sống trong vũ trụ của linh hồn những kẻ đã chết.

Lúc đó, tôi đang trên con tàu vượt biển đi Nam Phi.  Chuyến đầu tiên tôi gặp gỡ biển cả.  Hầu hết thời gian, tôi ở trên boong, đăm đăm nhìn những con sóng không mệt mỏi đào những huyệt mộ xong chỉ để lại lấp đầy.  Khi còn bé, tôi tìm kiếm Thượng đế vì tôi mường tượng ngài vĩ đại và quyền uy, bao la và vô tận.  Biển cho tôi hình ảnh đó.  Giờ đây, tôi đã hiểu Narcissus: hắn không té xuống giếng.  Hắn nhảy vào lòng giếng.  Vào lúc khát vọng của tôi được làm một với biển trở nên mãnh liệt thì tôi chỉ muốn nhảy từ mạn tàu xuống lòng biển.

Tôi chẳng có gì để mất, chẳng có gì để tiếc.  Tôi không ràng buộc vào thế giới của loài người.  Tất cả những gì tôi quan tâm đã bị tan thành khói.  Ngôi nhà nhỏ với tường vách rạn nứt, nơi lũ trẻ và người già lầm rầm khấn nguyện hoặc học bài dưới ánh sáng hiu hắt của ngọn nến, đã không còn gì nữa ngoài tro than.  Ông thầy của tôi, người đầu tiên dạy tôi rằng sự sống là một mầu nhiệm, rằng bên kia ngôn từ là sự im lặng, ông thầy của tôi, người lúc nào cũng phải nâng đầu mình lên như thể không dám đối mặt với thiên đàng -- vị thầy của tôi đã từ lâu bị thu lại thành một nhúm tro tàn.  Và em gái của tôi, đứa em chế giễu tôi vì tôi không bao giờ nô đùa với nó, vì tôi rất đạo mạo, quá đạo mạo, đứa em gái đó không còn cười giỡn nữa.

Chính người lạ ấy, kẻ không quen biết, kẻ không chủ ý, đêm đó đã ngăn tôi không bỏ cuộc.  Khi tôi đang đứng bên lan can trên boong thì ông - từ một nơi nào đó tôi không biết - bước tới đằng sau tôi, và bắt đầu trò chuyện với tôi.  Ông là một người Anh.

“Đêm đẹp quá,” ông nói, tì người vào lan can ngay bên phải tôi, gần như chạm vào người tôi.

“Rất đẹp,” tôi trả lời lạnh lẽo.

Tôi nghĩ: đêm tuyệt đẹp để nói lời vĩnh biệt với những kẻ lừa đảo, với những trung kiên đã trở thành dao động, với những lý tưởng đang hàm ý phản bội, với thế giới này nơi không còn chỗ cho những gì mang tính người, với lịch sử dẫn đến sự hủy hoại của linh hồn thay vì phát huy các uy lực của nó!

Người lạ ấy không cảm thấy sợ bởi trạng thái rầu rĩ buồn bực của tôi.  Ông tiếp tục: “Bầu trời gần với biển quá tới độ thật khó nói cái nào phản ánh trong cái nào, cái nào cần tới cái nào, vì cái này đang chế ngự cái kia.”

“Đúng vậy,” tôi lại thờ ơ trả lời.

Ông ngừng một chút.  Tôi có thể thấy nét mặt nhìn nghiêng của ông: gầy, sắc, thanh nhã.

“Nếu bầu trời và biển cả lâm chiến,” ông tiếp tục, “tôi hẳn về phe của biển.  Bầu trời chỉ tạo hứng cho các họa sĩ.  Không gây hứng khởi cho các nhạc sĩ.  Trong khi biển... Anh có cảm thấy biển tới gần con người qua âm nhạc của nó?”

“Có thể,” tôi trả lời với vẻ thù nghịch.

Ông lại ngừng nói, như thể đang tự hỏi có nên để tôi ở lại một mình.  Rồi ông quyết định mở miệng.

“Làm điếu thuốc?” ông hỏi, móc bao thuốc lá ra.

“Không, cám ơn.  Tôi cảm thấy không thích hút.”

Ông thắp thuốc và ném que diêm qua mạn tàu: một ngôi sao băng bị bóng tối nuốt chửng.

“Họ đang khiêu vũ bên trong,” ông nói.  “Sao anh không tham gia với họ?”

“Tôi cảm thấy không thích khiêu vũ.”

“Anh thích ở một mình với biển, phải không?”

Giọng ông đột nhiên biến đổi.  Nó trở thành riêng tư hơn, ít đại loại hơn.  Tôi không nhận ra là con người có thể thay đổi giọng nói của mình như thể thay đổi mặt nạ.

“Vâng, tôi thích được ở một mình với biển,” tôi cáu kỉnh trả lời, nhấn mạnh tiếng “một mình.”

Ông bập bập mấy hơi thuốc.

“Biển.  Biển khiến anh nghĩ tới cái gì?”

Tôi lưỡng lự.  Sự kiện rằng ông được bóng tối bao che, rằng tôi không biết ông, rằng có thể sáng mai trong phòng ăn tôi không còn nhận ra ông, đã tạo thế thượng phong cho ông.  Nói chuyện với một người lạ thì cũng như nói chuyện với các ngôi sao: nó không gây hệ lụy cho ta.

“Biển,” tôi nói, “khiến tôi nghĩ tới cái chết.”

Tôi có cảm tưởng ông mỉm cười.

“Tôi biết điều đó.”

“Làm sao ông biết?” tôi hỏi, chưng hửng.

“Biển có sức mê hoặc rất mạnh.  Tôi năm mươi tuổi và đi du lịch đã ba mươi năm.  Tôi biết tất cả các đại dương trên thế giới.  Tôi biết.  Người ta không nên nhìn sóng biển quá lâu.  Nhất là vào ban đêm.  Nhất là khi một mình.”

Ông kể tôi nghe chuyến đi đầu tiên của ông.  Vợ ông cùng đi với ông.  Cả hai mới thành hôn.  Một đêm để lại vợ mình đang ngủ, ông lên boong tìm chút khí trời.  Ở đó, ông nhận ra được sức mạnh kinh hoàng của biển trên những kẻ đang nhìn thấy trong biển hình bóng biến chất của mình.  Ông đang hạnh phúc và trẻ; tuy thế ông cảm thấy có một nhu cầu không cưỡng nổi là nhảy xuống biển, để được mang đi hoài đi mãi theo các con sóng đang gầm thét, đang gợi lên sự vĩnh cữu, bình an, bất tận, hơn bất cứ cái gì khác.

“Tôi có ý nói với anh,” ông lặp lại rất dịu dàng.  “Người ta không nên nhìn biển quá lâu.  Không một mình và không vào ban đêm.”

Lúc đó tôi cũng bắt đầu kể cho ông nghe những gì về bản thân tôi.  Biết rằng ông từng nghĩ tới cái chết và từng bị quyến rũ bởi bí mật của nó, tôi cảm thấy gần gủi ông hơn.   Tôi kể cho ông nghe những gì tôi chưa hề kể với ai.  Thời thơ ấu, các giấc mơ bí nhiệm, những đam mê tôn giáo, các hồi ức của tôi về những trại tập trung của Đức, niềm tin của tôi rằng mình lúc này chính là sứ giả của kẻ đã chết giữa những người đang sống...

Tôi nói hàng giờ.  Ông lắng nghe, ép sát người vô lan can, không ngắt lời tôi, không nhúc nhích, không rời mắt khỏi bóng tối đang chạy theo con tàu.  Thỉnh thoảng ông đốt thuốc, và cả những lúc tôi dừng lại giữa một ý nghĩ hoặc một câu, ông cũng không nói gì.

Thỉnh thoảng tôi bỏ lửng một câu, nhảy từ đoạn chuyện này qua đoạn chuyện khác, hoặc mô tả một nhân vật bằng chỉ một chữ mà không đề cập gì tới tình tiết liên quan đến nhân vật đó.  Người lạ ấy cũng không yêu cầu tôi giải thích.  Đôi khi, tôi nói rất nhỏ, quá nhỏ tới độ ông không thể nào nghe ra một tiếng trong điều tôi đang nói; nhưng ông vẫn bất động và im lặng.  Ông dường như không dám để mình hiện hữu ngoài cõi im lặng.

Chỉ đến lúc tàn đêm ông mới lấy lại được khả năng nói.  Giọng nói của ông, sau một thời gian câm nín, nay hóa ra khàn đục.  Giọng nói của một người đàn ông, một mình trong đêm, nhìn xuống biển, nhìn vào cái chết của chính mình.

“Anh phải biết điều này,” sau cùng ông nói.  “Tôi nghĩ tôi sắp căm thù anh.”

Người lạ ấy ngữa đầu ra sau như thể để lấy làm chắc chắn rằng bầu trời vẫn còn ở đó.  Đột nhiên, ông bắt đầu đấm mạnh lên lan can bằng nắm tay siết thật chặt.  Và với giọng nói sâu thẳm, bị nén lại, ông lặp đi lặp lại mãi chỉ một câu, “Tôi sắp căm thù anh... Tôi sắp căm thù anh...”

Rồi ông quay lưng đi thẳng.

Một luồng sáng làm chân trời rạng lên.  Biển trầm lặng, con tàu lơ mơ ngủ.  Sao trời bắt đầu biến mất.  Đã tới rạng đông.

Tôi ở trên boong tàu suốt ngày.  Đêm sau, tôi trở lại đúng chỗ đó.  Người lạ ấy không bao giờ đến với tôi nữa.

 

“Tôi sẽ có dịp,” Kathleen nói.

Tôi đứng lên, đi mấy bước quanh phòng cho giãn chân.  Tôi dừng lại bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.  Lối đi băng qua đường phủ đầy tuyết.  Một nỗi khổ não lạ lùng bao phủ lấy tôi.  Mồ hôi lạnh ướt đẫm trán.  Thêm lần nữa, đêm cất gánh nặng lên và ngày sẽ tới.  Tôi sợ ban ngày.  Trong đêm. tôi nhận thấy mọi bộ mặt đều quen thuộc, mọi âm thanh đều giống những gì tôi đã từng nghe.  Suốt ngày, tôi chỉ đụng phải những cái xa lạ.

“Anh có biết Shimon Yanai kể gì với tôi về anh không?” Kathleen hỏi.

“Tôi không có ý kiến.”

Shimon có thể đã kể gì với nàng?  Anh ấy biết gì về tôi?  Không gì cả.  Anh ấy không hiểu rằng hễ bao giờ tôi cảm thấy mình bị hoàng hôn cuốn đi thì tâm hồn tôi chất ngất những hoài tưởng về Sighet, thành phố nhỏ thời thơ ấu của tôi; tim tôi đập thình thình, rất mạnh, rất nhanh, tới độ suốt tuần lễ sau đó tôi vẫn không lấy lại được nhịp thở bình thường; anh không biết rằng tôi xúc động bởi một giai điệu Do thái, nó mang con người tôi về lại cội nguồn của mình còn hơn tất cả Bach, Beethoven và Mozart cộng lại; anh không thể biết rằng khi tôi nhìn một phụ nữ thì lúc nào tôi cũng thấy trong đó hình ảnh của bà nội mình.

“Shimon Yanai nghĩ rằng anh là một vị thánh,” Kathleen nói.

Câu trả lời của tôi là một chuỗi cười lớn, không nín lại được.

“Shimon nói rằng anh đã đau khổ vô vàn.  Chỉ có các vị thánh mới đau khổ vô vàn.”

Tôi không thể ngừng cười.  Tôi xoay người về phía Kathleen, về đôi mắt nàng, đôi mắt được tạo ra không phải để nhìn, không phải để khóc, nhưng để nói, và có lẽ để làm người ta cười.  Nàng rụt cằm vào trong cổ áo len, dấu đôi môi đang run rẩy.

“Tôi, một vị thánh? Thật tức cười...”

“Tại sao anh cười...”

“Tôi đang cười,” tôi trả lời mà người vẫn còn rung.  “Tôi cười vì tôi không phải là một vị thánh.  Các vị thánh không cười.  Các vị thánh là những kẻ đã chết.  Bà nội của tôi là một vị thánh: bà đã chết.  Ông thầy của tôi là một vị thánh: ông đã chết.  Còn tôi, nhìn tôi đây, tôi hãy còn sống.  Và tôi đang cười.  Tôi còn sống và tôi đang cười vì tôi không phải là một vị thánh...”

Ban đầu, có một thời gian khó khăn lắm tôi mới quen được với ý tưởng rằng mình còn sống.  Tôi nghĩ về mình như một kẻ đã chết.  Tôi không ăn được, đọc được, khóc được: tôi thấy bản thân mình đã chết.  Tôi nghĩ rằng mình đã chết, tới độ trong các giấc mơ, tôi tưởng tượng bản thân mình còn sống.  Tôi biết tôi không còn hiện hữu, rằng cái tôi thật sự của tôi đã ở lại nơi đó, rằng cái tôi hiện tại của tôi không có gì giống với cái tôi kia, cái con người thật sự.  Tôi nay như rắn đã lột da.

Rồi ngày nọ, trên đường phố, một phụ nữ lớn tuổi yêu cầu tôi đến phòng bà.  Bà quá già, quá khô kiệt, tới độ tôi không nén nổi tiếng cười.  Bà già ấy tái người và tôi nghĩ rằng bà sắp ngã quị dưới chân tôi.

“Cậu không có chút lòng thương xót nào sao?” bà nói bằng giọng nghẹn ngào.

Lúc đó, bỗng dưng thực tại làm tôi choáng váng: tôi còn sống, đang cười, đang giễu cợt một bà già bất hạnh, tôi có thể sỉ nhục và làm tổn thương một bà già, giống như các vị thánh, khạc nhổ trên hình hài của chính họ,

“Đau khổ dẫn tới nơi nào?” Kathleen hỏi một cách căng thẳng.  “Không dẫn tới thánh tính sao?”

“Không!” tôi la lớn.

Tiếng la làm cơn cười của tôi ngưng lại.  Tôi đang nổi giận.  Tôi rời cửa sổ và bước tới đứng trước mặt nàng; nàng lúc này ngồi bệt dưới sàn nhà, đầu tì trên hai cánh tay đang bó gối.

“Những kẻ nói như vậy là tiên tri giả,” tôi nói.

Tôi phải cố gắng lắm mới không thét lên, không đánh thức cả ngôi nhà và những kẻ đã chết đang chờ bên ngoài, trong gió và trong mưa tuyết.  Tôi tiếp tục:

“Đau khổ phơi ra tính cách hèn hạ nhất, tính cách khiếp nhược  nhất trong con người.  Đau khổ có một giai đoạn mà qua tới bên kia giai đoạn đó, cô trở thành kẻ tàn bạo: bên kia giai đoạn đó,  cô bán linh hồn cô -- và tệ hơn nữa, linh hồn các bằng bữu của cô -- vì một miếng bánh mì, một chút ấm áp, vì một khoảnh khắc lãng quên, một giấc ngủ.  Các vị thánh là những kẻ đã chết trước giờ phút câu chuyện kết thúc.  Những người khác, những người mà số mệnh để cho sống sót, họ không còn dám soi mình trong gương, họ sợ mình có thể thấy một hình ảnh bên trong con người của chính mình: một con quái vật đang nhạo báng các phụ nữ bất hạnh và các vị thánh, những kẻ đã chết...”

Kathleen lắng nghe, sửng sờ, mắt mở to.  Khi tôi nói, nàng khòm lưng xuống sâu hơn.  Đôi môi tái nhợt thầm thì không ngừng chỉ một câu, “Nói tiếp đi! Tôi muốn biết thêm nữa. Nói nữa đi!”

Kế đó tôi rủ người xuống, ôm đầu nàng trong hai lòng bàn tay mình và nhìn thẳng vào mắt nàng, tôi kể nàng nghe câu chuyện của bà nội tôi, rồi câu chuyện của em gái tôi, của cha tôi và của mẹ tôi; bằng những lời rất mộc mạc, tôi tả lại cho nàng làm thế nào người ta trở thành một nấm mồ cho kẻ đã chết mà chưa chôn.

Tôi tiếp tục nói.  Trong từng chi tiết, tôi tả lại những tiếng thét và những ác mộng tôi thường nghe thường thấy khi đêm về.  Và Kathleen, xanh xao tái nhợt, đôi mắt ửng đỏ, tiếp tục van nài:

“Nữa! Tiếp tục đi! Nữa!”

Nàng nói tiếng “Nữa” bằng giọng rạo rực của một phụ nữ muốn kéo dài cơn khoái cảm của mình, nài nỉ người đàn ông nàng yêu đừng ngưng lại, đừng buông nàng, đừng làm nàng thất vọng, đừng bỏ rơi nàng lưng chừng giữa con đường ngất ngây và hư không.  “Nữa...Nữa...”

Tôi tiếp tục nhìn nàng và giữ nàng trong tay.  Tôi muốn vứt bỏ tất cả rác rưởi ở trong tôi, ghép nó lên đôi con ngươi và đôi môi nàng, mắt môi nàng tinh khiết quá, thơ ngây quá và đẹp tuyệt vời.

Tôi thổ lộ linh hồn tôi.  Những ý nghĩ và những dục vọng đê tiện nhất, những phản bội đau đớn nhất, những điêu ngoa mập mờ nhất của tôi.  Tôi bóc trần chúng ra khỏi bên trong tôi và đặt chúng xuống trước mặt nàng, như một hiến vật uế tạp, để nàng có thể nhìn ngó chúng và ngửi mùi thối rửa của chúng.

Nhưng Kathleen đang uống từng tiếng trong lời tôi nói như thể nàng muốn tự trừng phạt vì trước đây mình chưa từng đau khổ.  Thỉnh thoảng, nàng nhắc lui nhấn tới, cũng bằng một giọng rạo rực đó, rất giống tiếng kêu của một kỹ nữ về già, “Nữa...Nữa...”

Cuối cùng, tôi dừng lại, mệt lã.  Tôi ngã vật người trên thảm và nhắm mắt.

Trong một khoảng thời gian rất lâu chúng tôi không nói năng: một giờ, có lẽ hai giờ.  Tôi hết hơi.  Người tôi ướt đẫm mồ hôi, áo sơ-mi dán sát người.  Kathleen không nhúc nhích.  Bên ngoài, đêm đang nhẹ nhàng xê dịch.

Đột nhiên chúng tôi nghe tiếng động chiếc xe của người giao sữa tới trên đường phố.  Xe dừng lại gần cửa.

Kathleen thở vào thật sâu và nói, “Tôi cảm thấy muốn xuống đường hôn người giao sữa.”

Tôi không trả lời.  Tôi chẳng còn hơi sức.

“Tôi muốn hôn ông ta,” Kathleen nói, “chỉ để cám ơn ông ta.  Cám ơn ông ta vì mình còn sống.”

Tôi im lặng.

“Anh không nói gì cả.” Giọng nàng có vẻ ngạc nhiên.  “Anh không cười sao?”

Và trong lúc tôi vẫn không nói gì, nàng bắt đầu vỗ về tóc tôi, rồi các ngón tay của nàng mân mê những đường nét trên khuôn mặt tôi.  Tôi thích cách nàng đang vuốt ve tôi.

“Tôi thích cô chạm vào người tôi,” tôi bảo nàng, mắt vẫn nhắm.  Sau một chút ngại ngần, tôi thêm, “Cô thấy, đây là bằng chứng tốt nhất rằng tôi không phải là một vị thánh.  Về mặt này, các thánh giống như những kẻ đã chết, họ không biết thèm muốn.”

Tiếng nói của Kathleen nhẹ hơn, nghe như gợi cảm hơn.  “Còn anh, anh thèm muốn tôi?”

“Vâng.”

Tôi lại cảm thấy buồn cười: một vị thánh, tôi? Thật khôi hài kỳ lạ!  Tôi, một vị thánh!  Vị thánh ấy có cảm thấy thèm muốn thân thể phụ nữ không?  Hắn có cảm thấy cần ôm nàng trong tay, phủ nàng với những nụ hôn, cắn vào da thịt nàng, chiếm hữu thể xác nàng, sự sống nàng, bộ ngực nàng?  Không, vị thánh ấy hẳn không muốn làm tình với một phụ nữ trong lúc bà nội đã chết của hắn đang quan sát, đang đội chiếc khăn trùm đầu màu đen như ôm ấp ngày và đêm của vũ trụ này.

Tôi ngồi xuống.  Và tôi nói một cách giận dữ, “Tôi không phải là một vị thánh!”

“Không ư?” Kathleen hỏi, cười không nổi.

“Không,” tôi lặp lại.

Tôi mở mắt và nhận ra nàng đang thật sự đau khổ.  Nàng cắn môi; trên mặt nàng có nỗi tuyệt vọng.

“Tôi sẽ chứng mình cho cô thấy rằng tôi không phải là một vị thánh,” tôi lẩm bẩm một cách giận dữ.

Không nói một lời, tôi bắt đầu cởi quần áo nàng.  Nàng không chống cự.  Khi trên người không còn manh vải nào, nàng lại ngồi xuống như trước.  Đầu tựa trên hai đầu gối, nàng đau đớn nhìn tôi trong khi tôi cũng cởi quần áo mình.  Lúc này môi nàng mím lại thành một vệt thẳng trên miệng.  Tôi có thể thấy trong mắt nàng có nỗi sợ hãi.  Tôi hài lòng; nàng sợ tôi, vậy là tốt.  Những kẻ, giống như tôi, đã để lại linh hồn của mình nơi địa ngục, và tại trần gian này chỉ làm kẻ khác sợ hãi bằng hình bóng trong gương của mình.

“Tôi sẽ làm tình với cô,” tôi nói với nàng bằng giọng gay gắt, gần như thù nghịch.  “Nhưng tôi không yêu cô.”

Tôi nghĩ: chắc nàng biết.  Tôi hoàn toàn không phải là một vị thánh.  Tôi sẽ làm tình mà không có bất cứ cam kết nào.  Một vị thánh thì cam kết toàn thân trong mỗi hành động.

Nàng xỏa tóc, tóc buông xuống vai.  Ngực nàng phập phồng lên xuống không theo nhịp bình thường.

“Nếu như tôi yêu anh thì sao?” nàng hỏi, làm ra vẻ ngây thơ.

“Chuyện họa hiếm! Cô sẽ thù hận tôi thì đúng hơn.”

Nét mặt nàng ánh chút u buồn hơn, chút đau đớn hơn.  “Tôi e rằng anh có lý.”

Đâu đó, bên trên thành phố, có dấu vết bình minh trong thế giới mù sương.

“Nhìn tôi đây này,” tôi nói.

“Tôi đang nhìn anh.”

“Cô thấy gì?”

“Một vị thánh,” nàng trả lời.

Tôi lại cười.  Đây chúng tôi đây, cả hai đều trần truồng, và trong hai chúng tôi có một vị thánh sao?  Thật kỳ cục!  Tôi thô bạo vồ chụp nàng, cố ý làm tổn thương nàng.  Nàng cắn môi và không thét lên.  Chúng tôi ở bên nhau cho tới xế chiều hôm đó.

Không nói thêm một lời nào khác.

Không trao đổi một chiếc hôn nào.

 

Đột nhiên chứng sốt biến mất.  Tên tôi được rút ra khỏi danh sách bệnh nhân nguy kịch.  Tôi vẫn đau đớn nhưng tính mạng không còn lâm nguy.  Tôi vẫn bị tiêm thuốc kháng sinh nhưng thưa hơn.  Bốn mũi một ngày.  Rồi ba, rồi hai.  Rồi dứt hẳn.

Đến khi được phép tiếp khách thì tôi ở trong nhà thương đã gần một tuần và bó bột được ba ngày.

“Bạn bè anh có thể vào thăm anh hôm nay,” chị y tá nói trong khi lau người tôi.

“Tốt,” tôi nói.

“Anh phản ứng chỉ có vậy thôi sao?  Có phải anh không cảm thấy sung sướng vì có thể gặp các bạn của mình?”

“Tôi sung sướng  Rất sung sướng.”

“Anh về lại từ một nơi rất xa,” chị nói.

“Rất xa.”

“Anh không hay nói.”

“Không.”

Tôi khám phá khi đang bệnh thì mình có một lợi thế độc đáo: có thể giữ im lặng mà chẳng cần phải xin lỗi.

“Sau điểm tâm, tôi sẽ tới cạo râu cho anh,” chị y tá nói.

“Việc đó không cần thiết,” tôi trả lời.

“Không cần thiết?”

Chị có vẻ không tin: trong nhà thương không việc gì làm là không cần thiết!

“Đúng vậy.  Không cần thiết.  Tôi muốn chừa râu.”

Chị nhìn tôi một chút, rồi hạ lời phán quyết.

“Không.  Anh cần cạo râu.  Để như thế này trông anh bệnh quá.”

“Nhưng tôi đang bệnh.”

“Anh đang bệnh.  Nhưng nếu cạo râu anh sẽ cảm thấy khá hơn.”

Và không để tôi có thì giờ trả lời, chị tiếp tục, “Anh sẽ cảm thấy mình y như mới.”

Chị trẻ, bướng bỉnh, nước da sậm.  Cao, áo đồng phục trắng khuy cài kín cổ.  Chị cao hơn hẳn tôi, không chỉ vì chị đứng mà tôi nằm.

“Được rồi,” tôi nói, để chấm dứt cuộc tranh luận.  “Trong trường hợp này thì tốt.”

“Giỏi!  Đúng là bé ngoan.”

Chị sung sướng với chiến thắng, miệng chị rộng để lộ ra hàm răng trắng nuốt.  Vui vẻ, chị kể đủ thứ chuyện, chuyện nào cũng dường như có tính cách khuyên nhủ, thí dụ:  thần chết e ngại tấn công những kẻ làm cho mình có vẻ dễ thương vào buổi sáng.  Có thể tìm thấy rõ ràng bí quyết bất tử ấy trong kem cạo râu.

Sau khi giúp tôi lau người, chị mang bữa ăn sáng tới.

“Tôi sẽ đút cho anh ăn như thể anh là con nít.  Anh có mắc cở khi làm con nít ở tuổi này không?”

Chị bỏ đi và lập tức trở lại với dao cạo râu chạy điện.

“Chúng tôi muốn anh ngó có vẻ dễ thương.  Tôi muốn cậu con nít của tôi dễ thương!”

Dao cạo râu gây tiếng ồn khủng khiếp.  Chị y tá tiếp tục nói chuyện.  Tôi không lắng nghe chị.  Tôi đang nghĩ tới đêm xảy ra tai nạn.  Chiếc tắc xi phóng nhanh.  Tôi không nghĩ nó sẽ hất tôi văng vô nhà thương.

“Đây, anh đây rồi,” chị y tá vừa nói vừa cười.  “Lúc này trông anh thật dễ thương.”

“Tôi biết,” tôi nói.  “Lúc này tôi giống con nít mới sinh.”

“Chờ chút, tôi đem tới cho anh chiếc gương!”

Chị có đôi mắt rất to, tròng mắt đen nhánh, viền chung quanh chúng toàn màu trắng rất trắng.

“Tôi không muốn gương,” tôi nói.

“Để tôi mang nó tới, anh sẽ thấy.”

“Nghe đây,” tôi hăm he, “nếu chị đưa tôi chiếc gương, tôi đập vỡ nó ngay.  Một chiếc gương bị vỡ thì mang lại bảy năm xui rủi!  Có phải chị muốn như vậy?  Bảy năm xui xẻo?”

Trong một giây, chị đứng tròng, ngạc nhiên không biết tôi nói giỡn hay nói thật.

“Thật đó.  Ai cũng có thể nói cho chị biết: đừng bao giờ làm vỡ gương.”

Chị vẫn cười nhưng lúc này tiếng cười của chị nghe có vẻ ái ngại hơn trước.  Chị chà tay vô bộ đồng phục trắng.

“Anh là bé hư,” chị nói.  “Tôi không ưa anh.”

“Xui thật!” tôi trả lời.  “Tôi ngưỡng mộ chị!”

Tôi đang ngó ra cửa sổ.  Từ giường mình tôi có thể nhìn ra Sông Đông.  Có con thuyền nhỏ đang lướt qua: một chấm xám nhàn nhạt trên toàn cảnh màu xanh thẩm.  Một ảo tượng.

Ai đó gõ cửa phòng.

“Vào đi!”

Bác sĩ Paul Russel, hai tay thọc trong túi áo bờ-lu, trở lại để nối tiếp cuộc nói chuyện ở chỗ chúng tôi bỏ dở.

“Sáng nay anh cảm thấy khá hơn chứ?”

“Vâng, thưa bác sĩ.  Khá hơn nhiều.”

“Hết sốt rồi.  Kẻ thù bị đánh bại.”

“Một kẻ thù bị đánh bại, cái đó nguy hiểm,” tôi lưu ý.  “Nó sẽ chỉ nghĩ tới chuyện phục thù thôi.”

Bác sĩ bỗng nghiêm nghị hơn.  Anh rút ra một điếu thuốc và mời tôi.  Tôi từ chối.  Anh châm lửa cho mình.

“Anh vẫn còn đau?”

“Vâng.”

“Nó sẽ kéo dài trong vài tuần nữa.  Anh có sợ không?”

“Sợ cái gì?”

“Sợ đau.”

“Không.  Tôi không sợ đau.”

Anh nhìn thẳng vào mắt tôi.  “Vậy, anh sợ gì?”

Thêm lần nữa tôi có cảm tưởng rằng anh đang giấu tôi điều gì đó.  Có thể anh thật sự đã biết?  Có phải tôi đã nói ra trong khi mê, trong khi giải phẫu.

“Tôi không sợ gì cả,” tôi trả lời, đăm đăm nhìn lại anh.

Im lặng.

Anh bước tới cửa sổ, đứng lại đó đôi chút.  Lúc ấy, tôi nghĩ: cái lưng người đó và dòng sông đó không còn hiện hữu.  Địa đàng khi không có gì xuất hiện giữa con mắt và cây cối.

“Anh có một phong cảnh đẹp tuyệt vời,” anh nói, không quay người lại.

“Tuyệt đẹp.  Dòng sông ấy giống tôi: nó gần như chẳng nhúc nhích.”

“Hoàn toàn ảo giác!  Nó chỉ lặng yên trên bề mặt.  Hãy xuống dưới bề mặt, anh sẽ thấy nó hiếu động biết bao...” Anh đột nhiên quay lại, “...Thực tế, nó giống anh thôi.”

Chính xác thì anh biết cái gì, tôi tự hỏi, dù sao cũng cảm thấy lo lắng.  Anh nói như thể anh đã biết.  Biết đâu có thể tôi đã phản bội tôi?

“Đàn ông nào cũng giống dòng sông,” tôi nói, lái cuộc trò chuyện tới những cái trừu tượng.  “Các dòng sông chảy ra biển, biển không bao giờ đầy.  Loài người bị cái chết nuốt chửng, cái chết không bao giờ no.”

Anh phác một cử chỉ chán nản, như thể nói: được rồi, anh không muốn trò chuyện, anh đang né tránh, không sao, tôi chờ,

Chầm chậm anh đi tới cửa, rồi dừng lại.

“Tôi chuyển một lời nhắn cho anh.  Từ Kathleen.  Bà ấy sẽ tới thăm anh xế chiều nay.”

“Anh đã gặp nàng?”

“Vâng, bà ấy ngày nào cũng tới.  Bà ấy là một phụ nữ cực kỳ dễ thương.”

“C-ự-c-k-ỳ.”

Anh đứng lại chỗ cửa đang mở.  Giọng anh có vẻ rất gần.  Cửa hẳn ở sát giường tôi.

“Bà ấy yêu anh,” anh nói.  Giọng nghiêm hẳn lại, gằn tiếng, “Còn anh? Anh yêu bà ấy?”

Anh nhấn mạnh tiếng “anh”.  Tôi thở dồn dập hơn.  Bác sĩ đã biết cái gì, tôi day dứt tự hỏi mình.

“Dĩ nhiên,” tôi trả lời, cố làm ra vẻ bình tĩnh.  “Dĩ nhiên tôi yêu nàng.”

Chẳng có gì động đậy.  Hoàn toàn yên lặng.  Ngoài hành lang, tiếng loa phóng thanh nghe mơ hồ: “Bác sĩ Braustein, điện thoại... Bác sĩ Braustein, điện thoại...”  Những âm vang ấy đến từ một thế giới khác.  Trong phòng này hoàn toàn yên lặng.

“Tốt,” bác sĩ Russel nói.  “Tôi phải đi.  Sẽ gặp lại anh tối nay hoặc ngày mai.”

Một con thuyền khác lướt qua cửa sổ.  Bên ngoài, không gian sắc nét, sống động.  Tôi nghĩ: ngay lúc này đây, đàn ông đang bước đi trên đường phố, không cà vạt, mặc áo sơ-mi xăn tay.  Họ đang đọc, đang cãi nhau, đang ăn, đang uống, dừng chân tránh một chiếc xe, chiêm ngưỡng một phụ nữ, nhìn lên các cửa sổ.  Bên ngoài, ngay lúc này đây, đàn ông đang bước đi.

Chớm chiều, vài đồng nghiệp của tôi xuất hiện.  Họ đi thành bọn, vui vẻ, cố làm cho tôi cảm thấy mình cũng vui như họ.

Họ kể tôi nghe chuyện đồn đãi vu vơ: ai đang làm gì, ai đang nói gì, ai bất trung với ai.  Lời nói mới nhất, sự mất quyền chủ động mới nhất, câu chuyện mới nhất.

Rồi cuộc nói chuyện nhắc lại tai nạn.

“Anh phải thừa nhận là anh hên lắm mới chỉ bị có thế,” một người trong bọn nói.

Và một người khác: “Không chừng anh có thể đã mất một cái chân.”

“Hoặc kể cả bị mất trí nữa.”

“Anh sắp giàu,” Sander, một người Hungary, nói.  “Chính tôi có lần bị xe đụng.  Công ti bảo hiểm bồi thường cho tôi một ngàn đô-la.  Anh may mắn vì đó là tắc xi.  Tắc xi lúc nào cũng đóng nhiều tiền bảo hiểm.  Anh sẽ giàu, anh sẽ thấy anh là một gã may mắn!”

Tôi đau khắp người.  Tôi không nhúc nhích nổi.  Tôi gần như bại liệt.  Nhưng tôi rất may mắn.  Tôi sắp giàu.  Tôi sẽ có thể đi du lịch, lui tới các hộp đêm, bao tình nhân, ngự trên đỉnh cao thế giới: thiệt là hên!  Họ gần như nói là họ ganh tị với tôi.

“Lúc nào tôi cũng nghe người ta nói là tại Mỹ, bạn thấy có đô-la ngay trên đường phố,” tôi nói.  “Điều đó đúng thật: anh chỉ việc phải té xuống rồi lượm chúng lên.”

Họ lại rũ người ra cười và tôi cùng cười với họ.  Một hoặc hai lần, chị y tá đi vào mang theo cái gì đó cho tôi uống, và chị cũng cười theo họ.

“Quí vị có biết sáng nay anh ấy còn không muốn cạo râu!” Chị kể với họ.

“Anh ta giàu,” Sandor nói.  “Người giàu có thể đủ điều kiện để không cạo râu cũng chẳng sao.”

“Anh thật là khôi hài,” chị y tá vừa kêu lên vừa vỗ tay.  “Và anh ta có kể quí vị nghe chuyện chiếc gương không?”

“Không!” Họ la lên một lượt.  “Chị kể cho nghe chuyện chiếc gương đi!”

Chị kể với họ rằng sáng nay tôi không chịu nhìn mình trong gương.

“Người giàu sợ mấy chiếc gương,” tôi nói.  “Mấy chiếc gương chẳng tôn trọng cái lộng lẫy.  Chúng quen thuộc với cái đó quá rồi.”

Căn phòng làm người nóng bức, còn nóng hơn bên trong bột bó.  Các bạn tôi tươm mồ hôi.  Chị y tá lật lưng bàn tay lau trán mình.  Khi chị đi rồi, Sandor nháy mắt.

“Gào, không tới nổi tệ chớ?”

“Cô ta có lý lắm!” một người trong bọn nói thêm.“Chắc chắn ở đây anh chẳng buồn chán gì mấy!”

“Không, tôi không thấy buồn chán,” tôi nói.

Chúng tôi ở với nhau khá lâu cho tới khi Sandor chợt nhớ ra là có cuộc họp báo lúc bốn giờ.

“Đúng đó, suýt chút nữa quên.”

Họ vội vã đi ra, mang tiếng cười đi theo họ qua hành lang, ra đường phố, và sau cùng, vào nơi đang gánh vác nhiệm vụ lịch sử, Trụ sở Liên hiệp quốc.

 

Khi Kathleen tới thì đã gần bảy giờ.  Nàng có vẻ xanh xao hơn thường ngày, vui vẻ hơn, và còn có vẻ hớn hở nữa.  Như thể nàng đang sống trong khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời mình.  Phong cảnh đẹp quá! Anh nhìn kìa, dòng sông! Và căn phòng xinh ơi là xinh!  Rộng rải quá, sạch sẻ quá!  Anh ngó thật là tuyệt!

Thiệt kỳ quặc, tôi nghĩ.  Phòng nhà thương là nơi vui vẻ nhất thế gian.  Ai cũng trở thành diễn viên.  Kể cả người bệnh.  Ai cũng mang thái độ mới, điểm trang mới, niềm vui mới.

Kathleen tiếp tục nói.  Dù trước đây nàng không thích những kẻ mở miệng ra mà chẳng nói lên điều gì, lúc này nàng lại làm đúng y như vậy.  Tại sao nàng sợ im lặng?  Càng thắc mắc tôi càng cảm thấy thêm căng thẳng.  Có thể nàng cũng đã biết điều gì đó?  Nàng ở trong vị trí biết được điều đó.  Nàng ở đó vào thời điểm xảy ra tai nạn.  Đằng trước tôi một tí.  Nàng có thể đã ngoái nhìn lui.

Tôi rất muốn lái cuộc nói chuyện tới vấn đề đó nhưng tôi không thể chận lại những lời lẽ của nàng đang tuôn ra như suối.  Nàng tiếp tục nói, nói và nói.  Isak làm thay cho anh ở tờ báo.  Tại toà soạn, điện thoại reo liên tục: đủ thứ người hỏi thăm tình trạng anh ra sao rồi.  Và anh biết đó, kể cả cái người - tên ông ta là gì nhỉ? - anh biết cái người em đang có ý nói, người mập bự, mập như thể có bầu, anh biết mà, người đang giận anh đó, cả người đó cũng điện thoại tới.  Isak kể với em.  Và---

Có tiếng gõ cửa.  Người y tá - một người mới, không phải chị y tá sáng nay - mang vào cho tôi bữa ăn chiều.  Đó là một phụ nữ lớn tuổi, đeo kính, lãnh đạm một cách kiêu kỳ.  Bà đề nghị giúp tôi ăn.

“Bà đừng lo,” Kathleen nói.  “Để tôi làm việc đó.”

“Tốt lắm,” bà y tá già nói.  “Xin theo ý bà.”

Tôi không đói.  Kathleen cứ nhất quyết: chút  cháo nghe?  Đúng, đúng.  Anh phải ăn.  Anh mất sức nhiều quá.  Nào.  Một muổng thôi.  Chỉ một thôi.  Thêm muổng nữa nghe.  Ăn vì em mà.  Này này, thêm muỗng nữa thôi.  Tốt.  Còn chút xíu nữa thôi mà.  Anh coi đây này: một miếng thịt.  A! Ngó miếng thịt ngon thiệt là ngon!

Tôi nhắm mắt lại, cố không nghe.  Chỉ có cách độc nhất đó thôi.  Đột nhiên tôi cảm thấy muốn thét lên.  Nhưng tôi biết mình không nên thét.  Dù sao thì cũng để làm gì?

Kathleen nói và nói.

“Em cũng đã thuê luật sư.  Một luật sư rất giỏi.  Ông ta sắp kiện công ti tắc xi.  Ông sẽ tới đây ngày mai.  Ông ta nói rất có triển vọng.  Ông ta nói anh sẽ nhận được rất nhiều tiền.”

Khi tôi ăn xong, nàng cầm khay, đặt lên bàn.  Tôi có thể nhận ra khi làm cho mình bận rộn thì nàng mệt nhọc biết bao.  Lúc này, tôi đã hiểu tại sao nàng nói quá nhiều: nàng đang tới hồi sức cùng lực kiệt.  Đằng sau tính cách vui vẻ gượng gạo ấy là tình trạng kiệt sức.  Bảy ngày.  Từ lúc xảy ra tai nạn tới nay đã một tuần.

“Kathleen?” tôi gọi.

“Vâng?”

“Tới đây.  Ngồi xuống.”

Nàng nghe lời, ngồi lên giường.

“Gì vậy?” nàng hỏi, lo lắng.

“Anh muốn hỏi em chút chuyện.”

Nàng nhíu mày.  “Vâng?”

“Anh không nhận ra em.  Em thay đổi.  Em nói nhiều quá.  Tại sao?”

Có thoáng rùng mình lướt qua mi mắt nàng, qua đôi vai nàng.

“Quá nhiều việc xảy ra trong một tuần,” nàng nói, mặt hơi ửng đỏ.  “Em muốn kể hết cho anh nghe.  Anh đừng quên là đã một tuần em không nói chuyện với anh...”

Nàng nhìn tôi như thể nàng vừa bị đánh, và cúi đầu xuống.  Rồi chầm chậm, một cách máy móc, nàng lặp lại mấy lần bằng giọng đều đều, trầm trầm, mỏi mệt, “Em không muốn khóc, em không muốn khóc, em không muốn...”

Kathleen khốn khổ, tôi nghĩ.  Kathleen khốn khổ.  Tôi làm nàng thay đổi.  Kathleen rất kiêu hãnh.  Kathleen mà ý chí của nàng mạnh hơn ý chí của những người khác, Kathleen mà sức mạnh của nàng thuần khiết và là kẻ thật sự cứng cỏi, Kathleen chống lại đàn ông với một cá tính và tâm trí ngoan cường của một người đàn ông, như thể đọ sức với họ; Kathleen lúc này không còn chút sức lực nào để nén lại những giọt nước mắt, kềm lại những lời lẽ của mình.

Tôi làm nàng biến tính.  Và nàng làm tôi thay đổi!  “Em không thể nào thay đổi một con người.” tôi đã bảo nàng ngay tự thuở đầu, bảo một lần, ngàn lần.  “Em không thể làm thay đổi ý nghĩ của người ta, thái độ của người ta, những ràng buộc của người ta.  Em chỉ có thể làm thay đổi khát vọng của người ta, thế thôi.”  “Đối với em như thế là đủ,” nàng trả lời.

Và cuộc chiến bắt đầu.  Nàng muốn làm cho tôi hạnh phúc, hạnh phúc trong mọi sự.  Làm cho tôi thưởng thức những lạc thú của cuộc đời.  Làm cho tôi quên quá khứ.  “Quá khứ của anh đã chết.  Chết rồi và chôn rồi,” nàng nói cả quyết.  Và tôi nằng nặc trả lời, “Anh là quá khứ của anh.  Nếu nó bị chôn rồi thì anh cũng đã bị chôn theo với nó.”

Nàng chiến đấu ngoan cường.  “Em mạnh,” nàng nói dứt khoát.  “Em sẽ thắng.” Và tôi kiên quyết trả lời, “Em mạnh.  Em đẹp.  Em có đủ mọi phẩm chất để chinh phục người đang sống.  Nhưng ở đây em đang chiến đấu chống một kẻ đã chết.  Em không thể chinh phục kẻ đã chết.”  “Được, để rồi coi.”

“Em không muốn khóc,” nàng nói, đầu cúi xuống như thể bị đè nặng bởi tất cả những kẻ đã chết từ tạo thiên lập địa.

Tôi đã nói con người không thể thay đổi ư?  Tôi lầm.  Họ thay đổi: kẻ đã chết thì toàn năng.  Đó là điều nàng không chịu hiểu: rằng kẻ đã chết thì vô địch.  Rằng qua tôi, nàng đang chiến đấu chống họ.

Là con một và cha mẹ rất giàu, nàng có tính ngoan cố, ngang đầu cứng cổ.  Vẻ kiêu hãnh của nàng gần như ngây thơ.  Nàng không quen thua trận.  Nàng nghĩ nàng có thể thay thế cho số phận của tôi.

Có lần tôi hỏi nàng có yêu tôi không.  “Không,” nàng nóng nảy trả lời.  Và điều đó đúng.  Nàng không nói dối.  Lòng kiêu hãnh chân chính thì không dối trá.

Việc chúng tôi hiểu nhau chẳng liên quan gì tới tình yêu.  Thoạt đầu thì không.  Về sau thì có.  Nhưng không ngay vào lúc mới bắt đầu.  Cái làm chúng tôi không hiệp thành một cũng là cái giữ chúng tôi cách xa nhau.  Nàng thích cuộc sống và tình yêu; tôi thì chỉ nghĩ tới cuộc sống và tình yêu với cảm giác hổ thẹn sâu xa.  Chúng tôi ở bên nhau.  Nàng cần chiến đấu và tôi quan sát nàng.  Tôi quan sát lúc nàng chạm trán với một thực tại lạnh lùng, bất di bất dịch, mà nàng phát hiện ban đầu trong những lời tôi nói, và sau đó, trong sự im lặng của tôi.

Chúng tôi đi đây đi đó rất nhiều.  Những ngày dư dật, những giờ hối hả.  Thêm lần nữa, thời gian là một cuộc phiêu lưu.  Hễ lúc nào Kathleen ngắm một rạng đông tuyệt vời thì nàng biết cách khiến tôi chia sẻ sự hào hứng đó của nàng; trên đường phố, nàng là người chỉ cho tôi thấy các phụ nữ xinh đẹp; ở nhà, nàng dạy tôi rằng thể xác cũng là một nguồn hân hoan.

Ban đầu, ngay từ lúc đầu, tôi tránh những nụ hôn của nàng.  Chúng tôi chung sống với nhau nhưng miệng chúng tôi không bao giờ gặp gỡ nhau.  Trong tôi có điều gì đó làm tôi chùn lại không chạm đến môi nàng.  Như thể tôi sợ nếu tôi hôn lên môi nàng thì nàng sẽ đổi khác.  Nhiều lần nàng sắp sửa tính hỏi tại sao, nhưng nàng quá đổi kiêu hãnh.  Rồi dần dần, tôi buông thả mình.  Mỗi chiếc hôn lại mở một vết thương cũ ra.  Và tôi nhận ra rằng mình vẫn còn khả năng đau khổ.  Rằng tôi vẫn đang đáp lại những tiếng gọi của quá khứ.

Đêm đó, hai chúng tôi không ai ngủ.  Nằm dài bên nhau, run rẩy, trong im lặng, chúng tôi chờ bình minh.  Ngay trước lúc rạng đông, nàng kéo tôi sát vô người nàng, và trong bóng tối, hai thể xác làm tình lần cuối.  Một giờ sau, trong thầm lặng, tôi chỗi dậy, mặc quần áo, rời căn phòng không một lời từ giã, cũng chẳng ngoái đầu nhìn lui.

Bên ngoài, gió sáng sớm buốt giá quất lên các ngôi nhà.  Thành phố còn hoang vắng!  Đâu đó tiếng cánh cửa kêu. Một khung cửa sổ nào đó loé sáng, xanh xao và đơn độc.  Trời lạnh.  Chân tôi muốn người tôi chạy.  Tôi cố lê bước chầm chậm, rất chậm: tôi không muốn chịu thua bất cứ sự yếu đuối nào.  Mắt tôi trào lệ, có thể vì lạnh.

“Em không muốn khóc,” Kathleen nói.

Nàng lắc lắc chiếc đầu đang trỉu xuống.

Kathleen khốn khổ, tôi nghĩ.  Em cũng bị kẻ đã chết làm cho thay đổi.

 

Tay luật sư đến vào hôm sau.  Anh ta mang kính trắng, người tầm thước, có cái vẻ tự mãn của một kẻ chưa đặt câu hỏi mà đã biết trước người ta sẽ trả lời như thế nào.

Anh ta tự giới thiệu: Mark Brown.  “Cứ gọi tôi là Mark.”

Anh ta thoải mái ngồi xuống, tự nhiên như ở nhà mình, và rút trong cặp ra một xấp giấy lớn màu vàng.

“Tôi đã nói chuyện với các bác sĩ của anh,” anh ta nói.  “Anh đang trong tình trạng thê thảm.  Rất tốt.”

“Anh có lý, rất là tốt.”

Anh ta hiểu ý mĩa mai đó.  “Dĩ nhiên tôi chỉ nói theo quan điểm vụ kiện,” anh ta nói, nhíu mày với tôi.

“Tôi cũng vậy,” tôi trả lời.  “Tôi nghe nói anh sắp làm cho tôi giàu.”

“Tôi có nhiều hy vọng.”

“Hãy cẩn thận.  Các kẻ thù của tôi sẽ không bao giờ buông tha tôi, tôi sắp trở thành một ký giả giàu.”

Tay luật sư cười: “Ít ra có một lần luật pháp đứng về phía văn chương!”

Anh ta bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi chi tiết: chính xác, trong đêm tai nạn, xảy ra những gì?  Có phải lúc đó tôi một mình? Không.  Ai cùng đi với tôi? Kathleen.  Vâng, người phụ nữ trẻ, kẻ đã gọi anh ta.  Chúng tôi có cãi nhau không? Không.  Chúng tôi có chờ tới lúc đèn chuyển hẳn qua màu xanh rồi mới băng qua đường không? Có.  Chiếc tắc xi chạy tới từ bên trái, tôi có thấy nó đang tới gần không?

Tôi tốn thời gian hơn một chút để trả lời câu hỏi chót này.  Mark lột kính xuống, vừa lau kính vừa lặp lại, “Anh có thấy nó đang tới gần không?”

“Không,” tôi nói.

Anh ta nhìn tôi sắc bén hơn.  “Anh trông có vẻ tần ngần.”

“Tôi đang cố làm sống lại sự cố ấy, để nhìn nó thêm lần nữa.”

Mark thông minh, nhạy cảm.  Để chuẩn bị một hồ sơ tốt, anh ta quyết định thu thập nhiều chi tiết mà, về mặt nổi, có vẻ chẳng liên quan trực tiếp tới tai nạn.  Trước khi vạch chiến lược của mình, anh ta muốn biết hết mọi sự.  Cuộc phỏng vấn của anh ta kéo dài mấy tiếng đồng hồ.  Anh ta có vẻ hài lòng.

“Không có chút bóng tối ngờ vực nào,” anh ta dứt khoát.  “Người tài xế đó phạm tội lơ đãng.”

“Tôi hi vọng hắn sẽ không bị khổ sở vì việc này!” tôi nói.  “Tôi thật không muốn hắn bị trừng phạt.  Nói cho cùng, hắn không cố ý...”

“Đừng lo,” tay luật sư trấn an tôi, “hắn sẽ không phải trả tiền bồi thường, công ti bảo hiểm trả.  Chúng ta không kiện hắn gì cả, cái thằng cha khốn khổ.”

“Anh có chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn, rằng sẽ không có gì xảy ra cho hắn?”

Gã bất hạnh khốn khổ.  Không phải lỗi của hắn.  Hôm qua vợ hắn gọi điện thoại cho tôi, xin tha thứ cho hắn.  Bà gọi điện nhân danh chồng.  Hắn sợ.  Hắn sợ cả cái việc yêu cầu tôi tha thứ cho hắn.

“Tuyệt đối chắc chắn,” tay luật sư nói, miệng nở một nụ cười khô khan.  “Anh sẽ không giàu hơn và hắn cũng sẽ không nghèo hơn chút nào.  Vậy chẳng có gì phải áy náy.”

Tôi không thể dấu tiếng thở ra nhẹ nhỏm.

 

Sáng nào bác sĩ Paul Russel cũng tới trò chuyện.  Anh đã thành thói quen kết thúc vòng thăm bệnh hằng ngày bằng việc tới thăm tôi.  Anh thường ở lại một giờ hoặc hơn.  Anh vào phòng, không gõ cửa, ngồi lên thành cửa sổ, hai tay đút trong túi áo bờ-lu trắng, chân bắt chéo, mắt phản chiếu màu sắc đang thay đổi của dòng sông.

Anh nói rất nhiều về mình, đời sống của anh trong quân đội - anh từng tham dự Chiến tranh Triều tiên -, công việc của anh, những niềm vui và những nỗi thất vọng theo cùng với nó.  Giật được một nạn nhân khỏi tay thần chết là anh hạnh phúc vô cùng, như thể đạt được một chiến công vạn năng.  Mỗi thất bại đều để lại dưới mắt anh những quầng thâm.  Tôi chỉ việc nhìn kỹ anh là biết đêm qua anh thắng trận hoặc thua trận.  Anh xem thần chết như kẻ thù riêng của mình.

Anh cay đắng kể cho tôi nghe, “Điều làm tôi thất vọng là vũ khí của chúng tôi chênh lệch.  Chiến thắng của tôi chỉ tạm thời.  Thất bại của tôi là vĩnh viễn.  Lúc nào cũng vậy.”

Sáng hôm đó, anh có vẻ hạnh phúc hơn bình thường.  Anh rời chỗ anh thích đứng gần cửa, bắt đầu đi tới đi lui trong phòng như một kẻ say rượu, vừa đi vừa lẩm bẩm với mình.

“Bác sĩ ạ, anh đang say!” tôi trêu chọc anh.

“Say!” anh kêu lên.  “Dĩ nhiên tôi không say.  Tôi không uống rượu.  Hôm nay, giản dị là tôi hạnh phúc.  Hạnh phúc kinh khủng.  Tôi thắng!  Vâng, lần này tôi thắng...”

Chiến thắng của anh có mùi vị như rượu.  Anh không đứng yên một chỗ được.  Để tỏ tường hạnh phúc của mình, anh muốn trong cùng một lúc anh vừa là anh vừa là một người khác:  kẻ chứng kiến lẫn vị anh hùng.  Anh muốn hát và muốn nghe mình đang hát, muốn nhảy múa và muốn nhìn mình đang nhảy múa, muốn leo tới đỉnh núi cao nhất để thét lên, la to lên hết sức mình rằng, “Tôi đã chiến thắng! Tôi đã chinh phục được cái chết!”

Cuộc giải phẫu thật khó khăn và rất nguy hiểm: cơ hội sống sót của cậu bé mười hai tuổi ấy hết sức mong manh.  Các bác sĩ khác đã buông rơi hy vọng.  Nhưng anh, Paul Russel, anh quyết định thử điều không thể làm được.

“Cậu bé ấy sẽ làm được!” anh gầm lên, mặt đỏ bừng như sáng rực một mặt trời bên trong mình.  “Anh biết không?  Cậu bé sẽ sống! Tuy mọi sự dường như đã tan biến!  Nhiễm trùng đã ăn tới chân và đang làm độc máu.  Tôi cắt cái chân ấy.  Các bác sĩ nói làm như vậy chẳng ích lợi gì.  Rằng đã quá trễ.  Rằng cuộc chơi đã thua.  Nhưng tôi không ngần ngại.  Tôi bắt đầu hành động.  Trong từng hơi thở, tôi phải chiến đấu với mọi vũ khí tôi có được.  Nhưng anh thấy đó: tôi đã thắng! Lần này tôi thật sự chiến thắng!”

Tôi nghĩ, thật là hân hoan khi cứu được một mạng người!  Tôi chưa bao giờ nếm trải nỗi hân hoan đó.  Tôi còn không biết là nó hiện hữu.  Nắm trong tay mình mạng sống của cậu bé là thay thế vai trò của Thượng đế.  Tôi chưa bao giờ mơ mình vượt quá đẳng cấp loài người.  Con người được xác định không phải bởi những gì phủ định nó nhưng bởi những gì khẳng định nó.  Điều ấy được tìm thấy bên trong con người, không phải trước mặt con người hoặc bên cạnh con người.

“Anh thấy,” Paul Russel nói bằng một giọng khác hẳn, “cái khác nhau giữa anh và tôi là cái này đây.  Mối tương quan giữa anh với những gì chung quanh anh và những gì đánh dấu các giới hạn trong tầm nhìn của anh phát triển theo một cách thức gián tiếp.  Anh chỉ biết cuộc sống qua ngôn từ, da thịt, diện mạo và các ý tưởng của nó.  Sẽ luôn luôn có một bức màn giữa anh và sự sống của người bên cạnh anh.  Anh không thoả mãn với việc biết con người còn sống; anh còn muốn biết nó đang làm gì với sự sống của nó.  Đối với tôi, điều này thì khác.  Tôi ít nghiêm khắc đối với đồng loại của tôi.  Chúng ta có chung một kẻ thù, kẻ thù đó chỉ có một cái tên: thần chết.  Trước cái chết, chúng ta hoàn toàn bình đẳng.  Trong mắt của thần chết, không sự sống nào nặng ký hơn sự sống nào.  Xét theo quan điểm đó, tôi cũng giống như thần chết.  Trong con người, cái mê hoặc tôi nhất là khả năng sống của nó.  Các hành động chỉ là sự lặp đi lặp lại thôi.  Nếu anh từng giữ mạng sống của một người trong lòng bàn tay anh, anh cũng sẽ thấy rằng tức thời thì hơn tương lai, cụ thể thì hơn lý tưởng, và sự sống thì hơn những vấn đề mà nó mang theo với nó.”

Chương : 1    2   3    4   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1380
Ngày đăng: 17.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)