Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
863
116.623.122
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 17

mười bảy


Người lái xe mới của ông được giới thiệu là Janik, tuổi trạc trung niên và đội mũ da cũ của phi công thời Thế chiến thứ nhất. Anh ít nói. Suốt từ lúc xe rời sân nhà của Job cho đến khi họ ra xa lộ chính mười lăm phút sau đó, anh im lặng. Chỉ tới lúc họ tới gần tấm bảng chỉ dẫn có chữ Xa lộ Bắc/Nam, anh mới quay qua dặn dò người hành khách của mình:


“Chúng ta đang chở một đống than bánh. Nếu có ai hỏi thì nói chúng ta đi giao hàng cho đại lý quốc doanh ở Gneisk. Tôi có công lệnh đi tới đó.” Anh chỉ mấy tờ giấy nhét bên trong miếng cao su che nắng phía trên kính chắn gió. “Hãy tìm trong hộc để găng tay. Ông sẽ thấy có một cuống giấy CMND tạm. Nó đã hết thời hạn nhưng không sao. Nếu người ta mất giấy CMND thì mấy thằng ngốc ở cơ quan CMND cấp thứ này dùng tạm trong một tháng, nhưng ai cũng biết phải mất tới sáu tháng mới có thẻ mới.”


Ông cho tay vào hộc để găng tay, tìm thấy một mẩu giấy căn cước tạm, dơ bẩn và rách. Mẩu giấy ghi rằng tên ông là Stanislaus Wrek, tuổi ông bốn mươi sáu và rằng ông cao một thước sáu với tóc nâu, mắt xanh. Cũng giống bộ quần áo ông đang mặc, nhân dạng mới của ông chẳng có chi tiết nào hợp với ông.

 

“Anh bạn này nhỏ hơn tôi nhiều quá,” ông lưu ý người lái xe.


“Không sao. Họ chẳng bao giờ nhìn. Ðó là lý do chúng tôi chở than bánh. Người ta nghĩ rằng nếu ông có than bánh cỡ này trên xe tải thì chẳng cần đi tới đại lý quốc doanh nào cả. Vậy nên cảnh sát có chận lại thì chỉ là để lấy ít bánh than thôi. Ngay cả trong vùng mỏ than cũng khó kiếm ra than bánh.”


“Còn về quân đội thì sao? Tôi thấy hình như họ đang kiểm tra đường?”


“Quân đội đang lùng kiếm mấy chiếc xe bị ăn cắp. Và súng. Ông không có súng, phải không?”


“Không, không.”


“Vậy thì khỏi lo. Âm nhạc có làm phiền ông không?”

 

Ông lắc đầu. Âm nhạc, rộn ràng như tiếng đàn phong cầm trong nhà thờ, tràn ngập phòng lái chiếc xe tải nhỏ. Trong những nhịp điệu vừa pha trộn vừa chõi nhau đó, ý nghĩ của ông loay hoay theo những giả thuyết không ăn khớp nhau. Ông nhớ lại thuở xa xưa, lúc một nửa triệu lính lý ra rút về theo Hiệp ước Varsova thì lại bị tập trung ở biên giới vì có một bản báo cáo nói rằng họ là những đơn vị phản cách mạng đã trở mặt, công khai đối đầu với chính phủ — bản báo cáo đó do Liên Sô chế tạo. Chuyện giống như thế có thể xảy ra thêm lần nữa. Trừ phi không có ai thêm lần nữa chế tạo ra một bản báo cáo. Truyền đơn là thật. Liệu người Nga có thể dùng biến cố này để loại bỏ chính phủ hiện nay và dựng lên một chính phủ ngoan ngoãn hơn, răm rắp phục vụ cho nền thống trị của Mátcơva? Nếu như thế, phải chăng bổn phận của tôi là ngăn chặn sự việc đó?


Ông mệt mỏi. Âm nhạc, dải đường trước mặt trắng và cô đơn dưới ánh đèn xe, tất cả cùng tác động như thôi miên ru ông ngủ. Chừng một giờ sau ông thức giấc, thấy chiếc xe tải đang đi ngang một thôn làng, những đường quê vắng vẻ, nhà cửa tối thui. Xe dừng lại ở một cột đèn giao thông, và ông nhìn các cửa tiệm mặt tiền có gắn cửa chớp trong một trung tâm thương mại, nhìn một con mèo đơn độc đang chạy ngang đường như kẻ cắp rồi biến mất trong một ngỏ hẽm. Ðèn đổi sang màu xanh. Khi xe tiếp tục lăn bánh, ông thấy cuối đường đằng xa, có đèn đỏ chớp nháy và hai chiếc xe đang đậu chận giữa đường. Ông quay qua người lái xe, “Cái gì vậy?”


“Không biết. Thông thường ban đêm giờ này đâu có như vậy,” người lái xe nói, giọng đầy thắc mắc.

Xe tiếp tục chạy. Khi họ tới gần, đèn đỏ đang chớp nháy chuyển thành đèn đỏ cố định. Một cảnh sát sắc phục đứng sát bên đèn đỏ, cầm súng tiểu liên tự động. Chiếc xe tải dừng lại. Lập tức, ba người cảnh sát bao vây xe. Một người bấm đèn pin soi vào đống than bánh. Lát sau, một người khác leo lên thùng sau của xe. Janik quay qua ông, nháy mắt, “Tôi đã nói với ông rồi mà,” anh nói.


Ðột nhiên, một ngọn đèn pha chiếu vô phòng lái, làm ông choá mắt.


“Chứng minh nhân dân?” một giọng cất lên.


Ông xuất trình mẩu giấy tạm. Janik đưa người cảnh sát thẻ của mình ờ phía cửa xe bên kia. Sau đó một chút, cảnh sát trả thẻ lại, “Có công lệnh chở than bánh này không?” một giọng hỏi. Janik lôi giấy tờ từ tấm che nắng ra. Tạm lắng một chút. “Ðại lý Scarnia,” một giọng nói. “Ðược rồi, chúng ta đưa các người tới chỗ đó.”


“Cái gì?” giọng Janik hỏi lớn, kinh ngạc và khổ sở.

 

“Chúng tôi được lệnh kiểm tra tất cả các xe giao hàng. Chúng tôi sẽ điện thoại cho Ðại lý Scarnia xem có đúng lô hàng này không?”


“Nhưng lúc này đã nửa đêm,” Janik nói.


“Vậy thì chờ tới sáng mai,” một giọng buông thỏng. “Cho xe chạy tới đằng trước.”


Cửa phòng lái phía tài xế bỗng bị kéo ra và một cảnh sát sắc phục nhảy lên ngồi cạnh Janik. “Ðược rồi,”

người cảnh sát nói với tài xế, “Chỉ việc chạy thẳng, tới ngả tư đầu tiên thì quẹo trái.”


Janik vô số xe, “Tôi không muốn phiền phức vì mấy bánh than này,” Janik nói. “Tôi sẽ mất một đêm ở

đồn cảnh sát vì cái đống bánh than khốn kiếp này. Anh muốn than bánh, được thôi, anh sẽ có chúng

ngay. Tôi sẽ đổ hết xuống đồn cảnh sát nếu các anh muốn.”


Người cảnh sát không trả lời. Chiếc xe tải quẹo trái. “Chạy xuống theo đường đó,” người cảnh sát nói.

“Bây giờ, quẹo vô đây. Vậy đó.”


Ðèn trước của xe tải chiếu sáng một khoảng sân, nơi xe cảnh sát dừng lại. Trong sân đậu sẵn một chiếc

xe khác. “Tôi không nói giỡn,” Janik nói. “Tôi sẽ bỏ hết than bánh này xuống cho các anh.”


Người cảnh sát giả bộ không nghe câu nói đó. “Ðược rồi. Hai người đi theo tôi. Ðưa tôi chìa khoá xe.”


Lần cuối ông ở đồn cảnh sát tới nay đã nhiều năm. Khi còn là một linh mục trẻ, ông thỉnh thoảng tới đó để hoà giải việc đánh nhau trong một gia đình nào đó, hoặc xin cho một giáo dân say rượu thuộc giáo xứ mình được phóng thích với lời cảnh cáo. Nhưng bây giờ, khi ông bước vào phòng chính của đồn cảnh sát này thì một người cảnh sát đưa ông và người tài xế đi thẳng tới một phòng giam rộng, cửa phòng giam nhìn xéo vào phòng chính. Bên trong, vài người đàn ông và đàn bà nằm ngủ trên các sạp trong khi những người khác đang đứng hoặc đi đi lại lại trên sàn xi măng bốc mùi hôi của rượu vodka và thức ăn ói mửa. “Chờ chút, thế này là thế nào?” Janik phản đối. “Chúng tôi không làm gì sai trái cả, phải không?”


Người cảnh sát lấy chìa khóa mở ổ gài cửa bằng thép. “Có giường trong đó. Chừng sáu hoặc bảy giờ nữa chúng tôi mới có thể điện thoại cho đại lý, được không? Vô đi.”


Cửa kéo ập lại. Người cảnh sát xoay chìa khoá trong ổ. Bên bàn giấy trong phòng chính, một người cảnh sát ngồi gập người trên mép bàn, đang ngủ, đầu kê lên bắp tay. Trên tường đằng sau người cảnh sát có một bảng yết thị niêm yết ảnh của những người mất tích và những tên tội phạm đang bị truy nã. Một tấm bích chương lớn hơn hết thảy, trưng bày nổi bật lên. Nó cũng khác với những bức ảnh khác vì không in vài hàng ghi chú bên dưới. Nó chỉ là bản in lại một bức ảnh, mé dưới viết nguệch ngoạc hai chữ theo dõi... Bộ mặt trên bích chương là bộ mặt của ông.


Ông quay phắt người lại như thể sợ bộ mặt trên tấm hình đó nhận ra ông và có thể kêu to lên, công bố tung tích của ông. Khích động, ông bước tới chỗ Janik đang đứng châm thuốc hút và nhìn qua song sắt. “Nhìn kìa,” ông nói. “Phía trên người đang ngủ ngồi đó.” Janik nhìn, rồi anh ta thở hai luồng khói đặc quánh ra đằng mũi. Janik nói, “Nếu con là cha thì con đi ngủ.”


Ông đi tới dãy sạp và tránh người đàn ông đang ngáy ở tầng dưới, ông leo lên tầng trên, nằm lên một ổ đệm rơm cứng trửng, nồng nặc mùi mồ hôi. Ông xoay mặt vô vách. Nếu tôi không bị phát hiện thì có cơ hội sáng mai họ để tôi đi. Nhưng than bánh có phải là chợ đen hay không và phải chăng họ quả thật dự tính điện thoại cho đại lý ở Scarnia? Mình phải hỏi Janik mới biết được.



Có điều bước xuống khỏi sạp thì nguy hiểm quá. Nếu có người cảnh sát nào đi ngang nhận ra ông, hoặc

nếu có ai trong số những người say rượu hay trong số những người bất hạnh này nhìn vào tấm bích chương rồi kế đó nhìn vô mặt ông? Nếu bị giữ lại đây, tôi sẽ không thể chặn Tổng giám mục Krasnoy, tôi sẽ không thể ngăn chuyện tệ hại nhất đang xảy ra.


Ông cảm thấy người rũ liệt vì tuyệt vọng. Lời của Thánh Phaolô xuất hiện trong tâm trí ông. Ai biết được tâm trí của Thiên Chúa hoặc ai từng là cố vấn của Ngài? Lời phán xử của Ngài khôn dò biết bao và đường lối của Ngài bí hiểm biết mấy. Nếu thánh ý của Ngài khiến tôi bị phát hiện và bị bắt giữ, thì tôi là ai mà dám thắc mắc thánh ý đó? Việc duy nhất tôi có thể làm, việc duy nhất tôi phải làm lúc này là cầu nguyện.
Ông cầu nguyện. Trong khi ông cầu nguyện thì một người bất hạnh rách rưới nào đó nằm kế sạp ông bỗng ói mửa và một người khác lớn tiếng chửi thề trong khi vẫn ngủ. Chịu sỉ nhục nhân danh Ðức Giêsu, phải chăng đó là điều tôi từng ao ước.


Có giọng nói gọi lớn một tên người. Cửa buồng giam mở. Một người cảnh sát bước vào, đi tới chỗ Janik.

“Ðang ngủ,” Janik nói. “Janik đằng kia kìa.”


Một bàn tay kéo mạnh vai anh ta. “Vậy sao. Leo xuống đi.”


Người cảnh sát dẫn ông và Janik ra ngoài xà lim, bước vào phòng chính của đồn cảnh sát, nơi đó có hai thanh niên đứng hai bên bàn giấy. Cả hai đều mặc quần bò và áo giả da. Một người cao nhòng, miệng nhai cọng diêm, cuốn qua một bên khoé miệng khi nói, “Ai trong hai người là Janik Stryka?”


Janik giơ hai ngón tay lên chào chế giễu.


“Anh là em vợ của Peter Jop, đúng không?”


“Rất hân hạnh,” Janik nói.


Người thanh niên cao nhòng quay qua người cảnh sát đã chặn họ lại trên xa lộ. “Chúng tôi lái xe đi theo họ nhưng chiếc xe khốn kiếp của chúng tôi bị hỏng máy,” anh ta nói. “Ðó là lý do chúng tôi điện thoại nhờ các anh giữ họ lại. Anh kiểm tra xe tải chưa?”


“Rồi. Chỉ có than bánh thôi,” người cảnh sát nói.


Lúc đó, người cao nhòng quay qua Janik. “Vậy là anh đang đi Gneisk... vào lúc nửa đêm.” Anh ta đưa tay chỉ. “Người này là ai?”


Trong khi người công an ANNC ấy nói thì trước mặt ông là tấm hình của ông, đầu và vai trong chiếc mũ tu sĩ và áo chùng thâm. Người của ANNC đứng đưa lưng lại bức hình đó. “Chứng minh nhân dân đâu?”

người cao nhòng nói.


Ông đưa mẩu giấy tạm. Người cao nhòng ngó nó, rồi nhìn ông chằm chặp. “Cao hơn một tí. Phải ông không?” Anh ta quay qua người công an ANNC kia. “Xét người ông ta.”


Người thanh niên kia bước tới, hai tay anh ta vỗ lẹ làng lên người ông, hông, mông, ngực, rồi tuột dây kéo chiếc áo gió rộng thùng thình xuống. “Móc hết đồ trong túi ra!” người thanh niên la lên. “Bỏ hết những thứ cứt đái của ông xuống sàn nhà. Lẹ lên.”



Ông không có vật dụng gì ngoài tấm thẻ căn cước của chính mình, chiếc nhẫn và tiền. Ông lấy chiếc nhẫn và tiền ra, thả chúng xuống sàn nhà. “Chỉ thế này thôi à?“ người cao nhòng hỏi.


“Vâng.”

Và rồi người công an kia bắt đầu lật các túi của ông ra, lộn lui lộn tới. Tìm được thẻ căn cước thật của ông và đưa cho người cao nhòng.


“Phải vậy chứ,” người cao nhòng nói, săm soi tấm thẻ. Anh ta nhìn nó thêm lần nữa, rồi nhìn lên, mặt rạng rỡ như thể trúng số. “Bem. Hồng y Bem!”


Người cảnh sát mặc sắc phục và hai người công an ANNC lập tức vây ông lại, như thể ông là một con vật quái đản nào đó. Người công an thứ hai nhìn lên vách, lột tấm bích chương in hình ông xuống khỏi bảng yết thị. Như một diễn viên đang đóng kịch câm, anh ta múa may một cách kệch cỡm và giơ cao tấm bích chương có hình ông lên trên đầu mình. “Nhìn em đây! Nhìn em đây người ơi!” anh ta hát. Người công an ANNC cao nhòng nhìn tấm hình và nổi cơn cao hứng, hú lên một tiếng man dại, rền vang khắp căn phòng. “Giêsu Ma...khốn nạn! Ôi tha lỗi cho con. Ðức Giáo chủ.” Anh ta quay qua người công an ANNC thứ hai. “Mẹ kiếp, cám ơn ông trời, nhờ chiếc xe thổ tả của nhà ngươi, nếu nó không cà rịch cà tang thì chúng ta theo họ suốt đường và đã tới Gneisk rồi, để cho họ bị đội công an Gneisk tóm được, phỏng tay trên của mình, và lúc đó chúng ta chẳng kiếm chác được chút cứt đái nào cả!”


“Tôi là người chặn ông ta lại cho các anh,” người cảnh sát sắc phục nói.


“Ðúng đếch chịu được, anh chí lý. Tôi sẽ báo cáo tên anh. Lúc này, cùm họ lại cái đã. Ðiện thoại đỏ đặt chỗ nào?”


“Ở trong kia.” Người cảnh sát sắc phục chỉ vào một phòng kế bên. Thêm lần nữa, người công an cao nhòng lại hú lên quái đản. “Lẹ lẹ lên, mẹ kiếp. Chúng ta báo cáo lên thiếu tá ngay lập tức.”


Người cảnh sát sắc phục lúc này bước tới tay cầm mấy sợi dây xích dài. Trước tiên, cả ông lẫn Janik đều bị còng, rồi tay họ bị xích vào một lòi tói sắt. Sợi xích kéo xuống cột luôn hai cổ chân. Khi người cảnh sát quấn xích sắt quanh mắt cá chân, anh ta nhìn lên, “Con xin lỗi phải làm việc này, thưa Ðức cha. Con là người Công giáo sốt sắng. Ðây chỉ là nghề nghiệp thôi.”


“Không sao,” ông nói.


Người cảnh sát có vẻ áy náy, tuy vậy vẫn khoá sợi xích lại và dẫn họ đi như thể họ là hai con chó bị dắt dây, tới một băng ghế sát bên nhà cầu. Họ ngồi, chân tay bị xiềng xích, đối mặt với buồng giam rộng lớn mà những cư dân bên trong đang bu lại song sắt nhìn họ chằm chặp.


“Tôi làm cho anh bị rắc rối thậm tệ,” ông nói với Janik.


“Ðừng lo, thưa Ðức giáo chủ. Con quen làm khách của chính phủ rồi. Cha nghĩ là họ sẽ đưa cha con mình đi đâu?”


“Tôi không biết.”


Vào lúc ấy người công an ANNC cao nhòng từ phòng bên bước ra, theo sau là trợ thủ của mình. Cả hai tới bàn giấy, cười gằn. “Phục Vụ Yếu Nhân,” người cao nhòng nói với người cảnh sát sắc phục. “Sân bay Mito ở đâu?”


“Ðó là một căn cứ quân sự, cách đây chừng mười sáu cây số.”



“Ðược rồi. Chúng tôi cần hai xe. Một cho chúng tôi, một hộ tống.”


“Chúng tôi chỉ có hai chiếc thôi,” người cảnh sát nói. “Mà một chiếc đang đi tuần bên ngoài.”

 

“Thế thì trưng dụng luôn, gọi nó về đây. Chúng ta đi!”

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17   18    19    20    21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1237
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)