Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
447
116.790.998
 
Thiệt giả, giả thiệt
Hồ Biểu Chánh
Chương 3

Sáng bữa sau ông Phán Thêm thức dậy sửa soạn đốt đèn nấu nước đặng chế vô bình trà mà uống.

Từ ngày vợ con ông mất rồi thì ông mua một cái đèn nấu nước, một bộ chén nhỏ, với một cái bình nhỏ, để sớm mai hay là trưa, ông uống nước trà, thì ông bổn thân nấu lấy mà uống chớ ông không chịu sai chú Sen.

Nước sôi ông đương chế vô bình, thì cô Phùng Xuân bước vô cửa, chắp tay cúi đầu xá ông và nói rằng: “Thưa ông cháu là thợ may ở dưới tiệm Vĩnh Hưng. Bà Tư chủ tiệm sai cháu lên đặng sửa áo sửa quần cho ông”.

Ông Phán gặc đầu nói rằng: “Phải, hôm qua bà Tư có nói. Cô ngồi trên ván đó chơi đợi tôi uống nước rồi tôi sẽ soạn đồ trong tủ ra cho cô sửa.

Cô Phùng Xuân lại ngồi ghé góc ván phía trong vách.

Ông Phán ngồi uống ít chén nước rồi hỏi cô rằng:

- Cô có đem kim chỉ theo đặng ở đây mà sửa, hay là cô tính lấy đồ đem về dưới tiệm mà làm?

- Thưa, bà Tư dặn cháu lên trên nầy mà sửa chớ đừng có lấy đồ đem về tiệm. Bà nói ở đây sửa, đặng hễ cái nào rồi ông bận thử liền cái nấy, coi như chưa vừa thì sửa lại nữa, chớ đem về tiệm rồi nhắm chừng mà sửa sợ e không vừa.

- Bà Tư tính như vậy cũng được. Cô có đem kim chỉ theo hay không?

- Thưa, có. Cháu có đem đủ thứ­ chỉ.

- Áo quần của tôi bây giờ rộng rinh hết thảy. Chắc là phải sửa mấy bữa mới rồi.

Ông ngước mặt ngó cô rồi hỏi tiếp rằng:

- Cô may tiệm bà Tư được bao lâu rồi?

- Thưa cháu lại may được vài tuần nay.

Ông Phán nghe mấy lời thì ông ngó cô trân trân rồi hỏi rằng:

- Té ra cô là người thợ may mới mà bà Tư nói hôm qua đó phải hôn?

- Thưa bà Tư nói sao?

- Bà nói cô là con của một ông Cai Tổng hồi trước phải vậv hay không?

Cô Phùng Xuân thẹn, nên cúi mặt xuống mà đáp nhỏ nhỏ: “Thưa phải”.

Ông Phán châu mày rồi đi mở tủ lấy hết áo vắn áo dài đem ra bỏ một đống trên ván. Ông bận thử vài cái cho cô Phùng Xuân coi rộng bâu, rộng tay chỗ nào bao nhiêu, rồi ông nói rằng: “Đó, cô em sửa lần đi. Sửa xong mấy cái đó, rồi tôi bận thử, hễ vừa thì lấy mực mà sửa luôn các áo kia. Cô ngồi bộ ván đó mà may. Chỗ đó có cửa sổ sáng sủa dễ may”.

Ông nói rồi bỏ đi ra trước sân mà sửa kiểng.

Cô Phùng Xuân ngồi chăm chỉ lo làm việc bổn phận, cô không dòm ngó ai hết, mà cũng lặng thinh không nói tiếng chị Một lát cô nghe ông Phán ở ngoài sân nói lớn rằng: “Chị Mười có nấu cơm thì nấu thêm gạo một chút đặng cô thợ may ăn với, nghe hôn”.

Cô lại nghe có tiếng dạ rồi thấy một người đàn bà đi ngang qua cửa sổ, tay có bưng một rổ đồ ăn, cô định chừng người ấy là người ở nấu ăn cho ông Phán.

Trưa nắng ông Phán vô nhà, ông thấy cô chăm chỉ quá thì ông cười mà nói rằng:

- Cô em có khát nước thì đi thẳng ra sau mà uống. Có chị Mười nấu ăn ở sau.

- Thưa cháu không khát.

- Thủng thẳng rồi sửa, bữa nào rồi cũng được không cần phải sửa lật đật. Ngồi lâu có mỏi thì ra phía sau nói chuyện chơi với chị Mười mà nghỉ một chút.

- Thưa mới may có một chút, có chi đâu mà mệt.

- Nhà tuy không có đàn bà, mà cô em đừng ngại chi hết. Cô đáng em đáng cháu mà ngại gì.

Ông nằm trên ghế xích đu, đưa lúc lắc một hồi rồi hỏi rằng:

- Cô em gốc gác ở đâu?

- Dạ cháu sanh đẻ tại Cai Côn.

- Ủa! Cái Côn, mà thuộc bên Sóc Trăng hay bên Cần Thơ.

- Thưa bên Sóc Trăng.

- Té ra cũng ở gần tôi mà. Tôi gốc ở Ngả Bảy. Cô em là con thầy Cai Tổng nào đó?

- Thưa cháu là con của Cai Tổng Hùng.

- Ờ, ờ tôi có nghe danh thầy. Thầy mất đã bao lâu nay?

- Thưa mới mãn tang vài tháng nay.

- Nhỏ lớn tôi mắc đi làm việc nên không có gặp thầy lần nào. Tuy không quen, chớ tôi có nghe thầy hồi trước là người tử tế mà lại hảo hớn lắm. Đời nầy thì vậy đó, phải hung bạo phải bợ đỡ thì mới khá được, chớ còn làm nhơn nghĩa, giữ chánh trực thì mang hại. Thầy Cai mất rồi bây giờ bà Cai ở với ai?

- Thưa ở với anh cháu dưới Kế Sách.

- Cô em được mấy anh em?

- Thưa cháu có một người anh với một người chị đều có vợ chồng rồi hết.

- Cô em may cho bà Tư một tháng bà trả tiền công bao nhiêu?

- Thưa bà nói bà cho cháu 7 đồng. Như ít tháng bà coi cháu may khá thì bà sẽ cho thêm.

- Bảy đồng bạc mà ăn sao đủ.

- Thưa cháu ăn ở luôn trong tiệm, nên khỏi tốn hao chi hết.

- Chớ có 7 đồng bạc mà còn phải mướn phố mà ở, nấu cơm mà ăn, thì chết còn gì?

- Thưa, cháu mới may mà được tiền công như vậy cũng khá, chớ có người lãnh bốn năm đồng.

Ông Phán nghe như vậy thì ông gãi đầu nhăn mặt bộ buồn hiu.

Chị Mười nấu cơm dọn rồi chị bước ra mời ông Phán đi ăn. Ông Phán biểu cô Phùng Xuân nghỉ may đặng đi ăn cơm. Cô cáo từ, xin để về tiệm mà ăn. Ông không cho, ông nói rằng về tiệm xa lắm, đi nắng mệt lại mất ngày giờ, ở ăn cơm nghỉ tới 2 giờ sẽ may nữa, rồi chiều sẽ về tiệm. Cô lấy làm ái ngại, mà bị Ông mời ép quá, túng thế cô nói rằng: “ông thương, ông cho cháu ăn cơm, thôi để lát nữa rồi cháu sẽ ăn với chị Mười”. Ông lắc đầu đáp rằng: “Không được. Tôi mời cô em ăn cơm có lẽ nào tôi để cho cô em ăn với bạn bè vậy sao”.

Cô Phùng Xuân bối rối quá, không biết dùng chước nào mà từ, nên đứng dụ dự hoài.

Ông Phán nói rằng:

- Tưởng là ai xa lạ kìa. Chớ cô là em cháu mà ngại nỗi gì. Tôi biểu thì phải nghe lời.

- Thưa phận cháu hèn hạ, mà ngồi đồng bàn với ông vậy cháu lỗi lắm, cháu đâu dám.

- Sao mà hèn hạ. Cô không tiền cô làm thợ may. Người ta có tiền mua áo mà người ta không biết may người ta đem mướn cô may. Cô ra công mà may thì cô ăn tiền, người ta muốn có áo bận thì phải trả tiền, hai đàng cũng vậy có ai sang hay là hèn hơn ai đâu?

Cô Phùng Xuân không biết lấy chi mà cãi.

Ông Phán thấy chị Mười đi vô nhà sau, ông bèn nói thêm rằng: “Chớ chi thầy Cai còn mạnh giỏi, thì cô em còn sang trọng hơn tôi nữa, đừng có nói hèn hạ”.

Cô Phùng Xuân bị ép quá không thể từ chối được cực chẳng đã phải đi ăn cơm với ông Phán. Cô kính ông nên phải ngồi dưới ông một bực mà ăn thì cô rón rén không dám gắp đồ ăn. Còn ông thì ông nói việc nầy, hỏi việc nọ không dứt, coi bộ như ông vui mà có một người khách ăn cơm với ông. Ông ăn coi ngon lắm còn cô thủng thẳng ăn hết một chén cơm rồi cô cáo từ đi uống nước.

Ăn cơm rồi ông nghỉ trưa. Ông biểu cô nghỉ mà cô lại ráp may nữa, sửa tới chiều rồi được 3 cái áo. Ông bận thử thì vừa vặn, khỏi phải sửa lại nữa. Đúng 5 giờ chiều cô xin phép ông đặng về tiệm mà nghỉ, rồi sáng mai sẽ lên sửa nữa.

Mấy bữa sau cô Phùng Xuân cũng làm y như bữa đầu. 7 giờ sớm mai thì lên tới, trưa ăn cơm với ông Phán, rồi chiều đúng 5 giờ thì về tiệm.

Sửa áo tới 3 ngày, mà cũng chưa rồi. Một bữa trưa, đương ngồi ăn cơm, ông Phán nói với cô Phùng Xuân rằng: “Hổm nay có cô em ăn cơm, nói chuyện cho vui nên tôi ăn ngon quá. Ngồi ăn có một mình buồn xo, ăn không được. Để chiều tôi biểu chị Mười nấu cơm sớm một chút đặng cô em ăn rồi sẽ về. Cô em chịu phiền ăn dùm với tôi, đặng vui miệng tôi ăn mới được”.

Cô Phùng Xuân đã ăn bữa trưa rồi, không lẽ từ bữa chiều, nên phải vưng lời.

Sửa áo tới 7 bữa mới xong. Mà sửa áo xong rồi, ông lại bắt cô vá nệm, vá drap[i][i], vá mùng nữa. Chừng trong nhà chẳng còn vật chi sửa hay là vá nữa ông mới đưa tiền biểu cô ra nhà hàng mua vải mua ren đặng may màn treo cửa buồng và mấy cửa sổ.

Cô ngồi may thì ông ít hay nói chuyện với cô, song mỗi ngày hễ trưa thì ông hay nằm cái ghế xịch đu bên căn giữa, ông ngó cô có khi tới một hai giờ đồng hồ mà không nói một tiếng chi hết.

Một bữa trưa, ông đương nằm ngó cô trong nhà lặng trang, thình lình ông hỏi cô rằng: “Cô em bây giờ thân phận côi cút, gia đạo suy vi, sao không lấy chồng mà nương dựa cho đỡ tấm thân, để đi may mướn làm chi cho cực khổ?”

Cô Phùng Xuân ngước mắt ngó ông rồi châu mày đáp rằng: “Thưa phận cháu nghèo hèn có ai thèm cưới mà tính lấy chồng”.

Ông Phán cười mà nói rằng:

- Nếu vậy hễ nghèo thì không thể nào có chồng hay sao? Có lẽ tại cô em không muốn lấy chồng chớ?

- Thưa phải. Cũng tại cháu không muốn lấy chồng.

Ông Phán nghe trả lời như vậy thì ông ngồi dậy đốt một điếu thuốc mà hút, bộ Ông suy nghĩ lắm. Ông ngồi im lìm mà ngó ra sân, ông thấy một cặp chim sắc đương nhảy trước thềm, tiếng kêu chét chét; con trống nhảy chỗ nào thì con mái nhảy theo chỗ nấy, hai con không rời nhau xa, chừng con kia bay đi thì con nọ cũng bay theo liền. Ông nhìn cặp chim, rồi trong lòng sanh cảm, nên chậm rãi nói rằng: “Phận cô em còn trẻ, vừa mới bước chân vào đường đời, chưa thấy những nỗi khổ bao nhiêu, mà sao cô em nói nghe hơi như chán ngán dữ vậy! Nếu cô em ở trong cái cảnh của tôi đây thì cô em mới não nề đến thế nào nữa!”

Ông nói mấy lời thường, mà giọng nghe buồn thảm lắm. Ông nín một lát rồi nỗi thảm của ông tràn trề trong lòng, không thể dằn được nên ông nói tiếp rằng: “Cô em nói rằng cô em không muốn lấy chồng. Theo người thường họ mê mùi trần, họ nghe câu ấy, họ đều cho cô em nói quấy. Chớ theo tôi thì tôi cho cô em nói phải lắm. Làm con người còn lục đục trong cái vòng khổ não là cái dòng “sanh, lão, bịnh, tử” nầy. Nếu sanh ra thì cứ tranh đua danh lợi, mê mẩn vợ chồng cho đến ngày chết, rồi đầu thai lên kiếp khác cũng tranh danh lợi, mê vợ chồng nữa, làm như vậy hoài, thì biết chừng nào mới qua khỏi biển khổ. Huống chi kết vợ chồng mà chắc gì được hạnh phúc hay sao. Mình làm thân con gái, khi người ta muốn cưới mình, thì họ nói ngon nói ngọt, họ hẹn biển thề non, mà nhiều khi về ở với nhau rồi những lời ngon ngọt thành ra những tiếng đắng cay, những câu thề nguyền đều trôi theo dòng nước hết, rồi cái đời của mình tuy ở chốn trần gian, song chẳng khác nào như nằm trong địa ngục. Nếu may mà gặp được chồng hiền, sanh được con thảo, gia đình đầm ấm hôm sớm vui vầy, rồi thình lình gãy gánh can thường, chồng con ly biệt thì sự thương tiếc nó còn làm cho mình phải khổ não, khó chịu hơn nữa. Một cái gương của tôi đây cũng đủ làm cho người ta phải ngao ngán về nỗi vợ chồng...”.

Ông nói tới đó rồi ông nín thò tay vào túi lấy khăn ra chậm nước mắt.

Cô Phùng Xuân uất về nỗi vợ chồng, nên nghe ông nói tới việc vợ chồng thì cô buồn hiu.

Chừng cô thấy ông nhớ tới vợ con mà ông đau đớn thì cô cảm xúc trong lòng nên quên việc của mình mà tội nghiệp dùm cho ông.

Ông ngồi lặng thinh một hồi rồi ông chậm rãi nói nữa rằng: “Hổm nay cô em lên đây ở may, có lẽ cô em đã thấy rõ gia đạo của tôi rồi. Đó cũng vì vợ con mà tuổi đã lớn, trong nhà có đủ ăn, song tôi còn phải chịu buồn thảm như vầy, buồn thảm đến nỗi ốm o gầy mòn, đến nỗi những việc thiên hạ đồng cho là vui mà tôi không biết vui chi hết. Tôi nghĩ thiệt tôi phiền tạo hoá quá. Bày cho có cuộc gia đình làm chi, mà loài người phải đau đớn khốn khổ hết sức! Nếu tạo hoá bày một cách nào khác cho loài người sanh sản, chớ đừng có vợ chồng, đừng có cha con thì cái khổ của chủng ta ắt giảm được phân nữa, chúng ta trả nợ trần mà giải thoát dễ biết chừng nào. Cô em nghĩ thử coi những lời tôi nói đó phải hay là quấy”.

Cô Phùng Xuân ngừng may mà đáp rằng: “Thưa những lời ông nói đó đều phải hết thảy. Ở đời cha con cũng là tình nghĩa. Vợ chồng cũng là tình nghĩa, anh em cũng là tình nghĩa.

Nhưng mà trong ba thứ tình ấy, duy có tình nghĩa vợ chồng dồi dào hơn hết, nhiều khi nó làm cho người ta não nề thất chí đến nỗi coi chết như chơi. Ông trách tạo hoá bày vợ chồng, cháu nghĩ phải lắm chớ”.

Ông Phán cười gằn mà nói rằng: “Cô em thấy việc của thiên hạ chớ cô em chưa nếm mùi vợ chồng, mà cô em còn biết như vậy đó. Chừ­ng cô em lập gia đình xong rồi thì mới thấy nhiều hơn nữa”.

Ông nói tình cờ, chớ ông không rõ tâm sự của cô, nhưng mà không lời ơ hờ ấy như bươi móc khêu gợi lòng cô, cô không thể dằn được, nên cô thở dài mà nói nhỏ nhỏ rằng: “Thưa, cháu cũng có nếm mùi chút đỉnh rồi, nên cháu mới biết vợ chồng là khổ, chớ có phải cháu thấy việc của thiên hạ mà thôi đâu”.

Ông Phán chưng hửng[ii][ii] bèn hỏi rằng: “Té ra cô em có chồng rồi hay sao?”

Đã bước tới lỡ rồi, không thể sụt lại được, nên cô chảy nước mắt mà đáp rằng:

- Thưa, thiệt cháu chưa có chồng, mà cũng như có một đời chồng rồi.

- Ủa, sao vậy?

- Thưa, hồi cháu mới được 16 tuổi thì cha mẹ cháu có hứa gã cho một người trai nghèo mà học giỏi, định hễ học thành tài rồi thì cho vầy duyên. Trong mấy năm người ấy đi học thì cha mẹ cháu thường phụ cấp tiền bạc áo quần. Lúc bãi trường người ẩy về thì thường tới lui thăm viếng có khi ở chơi năm mười bữa. Chừng người ấy học hoàn toàn rồi thì nhà cháu suy sụp, cha cháu chết, gia tài bị chủ nợ tịch hết, người ấy làm lơ đi kiếm chỗ giàu sang mà cưới vợ”.

Ông Phán trợn mắt ngó cô Phùng Xuân mà nói rằng: “Người gì mà đê tiện dữ vậy!”.

Cô nín khe, lấy khăn lau nước mắt. Ông hỏi rằng: “Người đó là ai, bây giờ làm việc ở đâu?

Cô dụ dự một lát rồi nói nho nhỏ rằng:

- Thưa làm thầy thuốc, nghe nói ở đâu trong Chợ Lớn.

- Tên gì vậy?

- Thưa tên Cộn.

- Cưới vợ là con của ai ở đâu vậy?

- Thưa, cưới con gái của ông Huyện Hàm Cử ở dưới Bạc Liêu.

- Tội nghiệp cho ông Huyện đó, vô phước quá, nên mới mang chú rễ như vậy?... Hứ! nhân tình bạc bẽo hết sức? Mê giàu sang chớ không kể nhơn nghĩa gì?... Hèn chi hồi nãy tôi hỏi sao cô em không tính lấy chồng thì cô em nói mình nghèo có ai lại thèm cưới mà mong lấy chồng. Cô em buồn cô em oán cũng phải. Đó thấy chưả Mới hứa hôn chớ chưa thành gia thất mà đã khổ não rồi đó!

- Thưa cháu nghĩ đó chắc là tại cái mạng của cháu nên cháu buồn phận cháu mà thôi chớ cháu không oán ai.

- Đến nước đó mà cô em cũng không oán? Nếu vậy thì cô em đã có cốt tu rồi, hoặc là còn thương người đó nhiều lắm.

Cô Phùng Xuân lặng thinh, chăm chỉ mà may không trả lời nữa. Chú Sen ở sau bước ra mời ông Phán đi tắm làm cho câu chuyện tới đó rồi dứt.

Cô Phùng Xuân may vá cho ông Phán Thêm đến 15 bữa mới hết công việc. Cô từ giã ông mà trở về tiệm.

Tối bữa ấy ông Phán đi chợ mua một cây lụa trắng đem về, rồi sáng bữa sau ông viết một bức thơ sai chú Sen cầm đem cho bà Tư Kiến với cây lụa và 20 đồng bạc, mà cậy bà Tư đền bồi công khó nhọc cho cô Phùng Xuân.

Trót ba năm ông Phán Thêm ôm sầu ấp thảm sớm tối hiu quạnh một mình, ít giao thiệp với ai, nên không có dịp thố lộ tâm sự đặng hả hơi mà khuây lòng chút đỉnh.

Trong 15 bữa rày, nhờ có cô Phùng Xuân ở trong nhà may vá, ăn cơm có người làm vui miệng ăn ngon, nằm buồn có người luận việc đời tiêu khiển, nhứt là nhờ có dịp ấy làm cho ông thấy ông buồn rầu mà có người khác cũng buồn rầu như ông vậy, tuy hai cái buồn không giống nhau, song cũng buồn về nỗi gia đình, thì cái không khí trong nhà ông coi ra dường như có mòi vui vẻ hơn trước.

Mà trót nữa tháng, mỗi bữa đều thấy mặt cô Phùng Xuân, đều nghe tiếng cô nói, đều có cô ngồi ăn cơm làm cho con mắt quen thấy, lỗ tai quen nghe, trong trí quen nhớ, rồi bây giờ bộ ván chỗ cô ngồi trống trơn, vắng bặt tiếng cô nói chuyện, nằm ghế xích đu không thấy hình dạng cô nữa, thì ông Phán vào ra trong lòng buồn bực lại trong trí bàng hoàng hoài.

Tại sao ông buồn bực bàng hoàng? Ông biết tại vắng mặt cô Phùng Xuân.

Mà tại sao vắng mặt cô Phùng Xuân thì ông lại buồn bực bàng hoàng như vậy. Câu hỏi ấy ông vừa nghĩ tới thì ông giựt mình. Ông không dám trà lời, ông nhút định quên cô, ngặt vì trong trí quên không được, vởn vơ thấy hình dạng cô trước mắt, văng vẳng nghe tiếng cô nói bên tai, nằm trong nhà cũng vậy mà ra ngoài sân cũng vậy.

Ông lấy truyện ra mà đọc tính làm như vậy đặng khuây lảng trí. Té ra đọc truyện mà trí không có chuyện ông đọc lại nhớ chuyện của cô Phùng Xuân nói với ông. Ông bứt rứt trong lòng quá chịu không được nữa, nên bữa sau ăn cơm tối rồi ông ngồi xe kéo đi chợ Bến Thành mà chơi. Hồi mới ra đi thì ông tính đi chợ mà chừng ra gần tới thì ông lại biểu xa phu chạy qua đường Espagne, rồi ông ghé tiệm may Vĩnh Hưng.

Lúc ấy đã quá 7 giờ tối, thợ may tốp thì về nhà, tốp thì đi chơi hết duy có một mình cô Phùng Xuân lục đục đương sửa một cái máy may mà thôi.

Ông Phán Thêm bước vô thấy cô ngồi dưới một cái bóng đèn khí sáng loà, thì mặt ông tươi rói. Cô lật đạt đứng dậy chắp tay chào ông.

Ông cười và hỏi rằng:

- Có bà Tư ở nhà hôn cô em?

- Dạ thưa có. Bà ở trên lầu.

- Cô em may tới ban đêm nữa sao?

- Thưa, hồi chiều có một cái máy hơi trục trặc nên tối rảnh cháu sửa một chút. Mời ông ngồi đỡ đây đặng cháu lên lầu cho bà Tư hay.

- Lúc nầy đồ may nhiều hôn?

- Thưa nhiều.

- Cô em sửa đồ tôi bận coi vừa quá. Sẵn dịp đi chợ tôi ghé cảm ơn cô em và cảm ơn luôn bà Tư nữa.

- Thưa cháu may có mấy bữa, công không bao nhiêu, mà hôm qua ông gởi cho bà Tư đặng đưa cho cháu tới 20 đồng bạc với một cây hàng thiệt nhiều quá. Của ông cho, cháu không dám từ song cháu ái ngại hết sức.

- Ôi! Chút đỉnh có đáng gì đâu. Công cô may tới nửa tháng cực nhọc quá mà.

Bà Tư Kiến ở trên lầu nghe tiếng ông Phán nói chuyện, bà đi xuống, đi mới được nửa cái thang thì bà nói lớn rằng: “Dữ ác hôn? Tôi lập tiệm mấy năm rồi, bữa nay ông Phán mới chịu ghé đạ Từ rày sẳp tới cửa tiệm tôi phát tài lắm rồi”.

Ông Phán cười mà đáp rằng: “Sẵn dịp đi chợ tôi ghé cảm ơn bà”.

Bà Tư hỏi:

- Cảm ơn gì mà cảm?

- Nhờ bà cho thợ lên sửa áo nên tôi phải cảm ơn chớ.

- Dữ hôn? Con thợ Tư nó sửa đồ, vậy mà được hay không?

- Được lắm, được lắm, áo quần của tôi bây giờ vừa vặn chớ không còn rộng rinh như hôm trước nữa. Tôi bận đây, bà coi phải vừa hay không?

Bà Tư ngó ông mà cười, biểu Phùng Xuân mở đèn trong phòng khách rồi mời ông vô chơi. Ông Phán với bà Tư nói chuyện cô Phùng Xuân lăng xăng bưng nước, lấy thuốc đãi khách. Ông Phán hỏi việc nầy, việc nọ, bộ Ông vui vẻ, chớ không phải buồn bực như hôm bà Tư lên nhà ông đó vậy. Ông ở chơi tới 10 giờ rồi ông mới từ mà về. Bà Tư Kiến đưa ông ra cửa. Bà nói rằng:

- Lúc nầy tôi coi bộ Ông khá khá, chớ hôm trước ông ốm quá, thấy phát sợ.

- Tôi bớt ốm hay sao.

- Bớt bộn.

- Mớ­i mấy bữa rày tôi ăn cơm được. Có lẽ nhờ vậy nên tôi mới bớt ốm.

- Mà bộ Ông lúc nầy coi cũng vui nữa.

- Ạ! Cái đó không chắc bởi vì tôi tưởng không thể nào tôi vui được.

- Từ hồi hôm tới giờ ông nói chuyện nghe vui vé quá chớ.

- Tới thăm bà tôi phải làm vui chớ lẽ nào tôi dám nói chuyện buồn.

- Vậy thì ông nên đi chơi hoài cho vui. Có buồn ra đây nói chuyện chơi.

- Mấy năm nay ở nhà hoài, quen thói, nên bây giờ tôi ít muốn đi đâu.

Ông Phán lên xe mà về. Bà Tư trở vô nói với cô Phùng Xuân rằng: “Tội nghiệp ông Phán, vợ con chết hết, mấy năm nay ông thất chí ông buồn rầu quá!”

Trong mấy giờ đồng hồ ông Phán ngồi tại tiệm Vĩnh Hưng thì ông vui thiệt, chớ không phải tại thủ lễ nên làm bộ vui, chừng về tới nhà thì sự buồn bực của ông chẳng những trở lại, mà còn làm cho ông khó chịu hơn trước nữa. Ông không muốn nhớ tới cô Phùng Xuân ngặt không muốn không được, mà hễ nhớ tới cô thì lòng ông bát ngát rồi ông giựt mình. Đêm ấy ông ngủ không được. Ông chong đèn ngồi trót mấy giờ đồng hồ. Trí ông hỏi lòng ông: “Vậy chớ ông có muốn cô Phùng Xuân hay không?”

Không lý muốn mà cũng không nên muốn như vậy; một lẽ là tuổi ông bằng hai tuổi của cô, cô đáng con của ông. Hai lẽ là ông già rồi. Nếu ông có vợ nhỏ, trong ít năm ông chết ông bỏ vợ bơ vơ còn như sanh con lại càng tội nghiệp hơn nữa, ba lẽ ông đã có gây cuộc gia thất một lần rồi. Tại số mạng của ông phải cô độc nên Trời Phật mới khiến vợ con chết hết, bây giờ còn miễn cưỡng cuộc thất gia một lần nữa mà làm chi, bốn lẽ là cô đương uất tình, đương khổ thân. Chẳng khác nào người chơi vơi giữa giòng sông, nếu không thể cứu vớt dùm tánh mạng cùng danh giá của cô được thì thôi, chớ có lẽ nào lại thừa lúc cô nguy khốn mà dụ dỗ ép uổng.

Ông xét như vậy thì trúng chánh lý. Mà những chánh lý ấy không đủ sức mạnh dập tắt lửa tình đương ngún trong lòng ông được, bởi vậy ông muốn quên cô chừng nào thì lòng ông lại càng khoăn khoái chừng nấy.

Ông lấy làm khó chịu nên ông tự hỏi ông: “Nợ vợ chồng mình trả chưa dứt hay sao, nên khiến lòng mình còn phải lăng xăng như vậy. Có lẽ tại như vậy đó.

Ông vẫn biết nếu ông nói mà cưới cô Phùng Xuân thì trái phong hoá mà cũng trái lương tâm nữa.

Nhưng nếu không thấy mặt cô thì ông chịu không được bây giờ biết làm sao? Đã say về tình rồi thi còn kể gì là lương tâm, còn kể gì là phong hoá, ông nhứt định phải ra tiệm Vĩnh Hưng mà tỏ thiệt cái tình của ông cho cô Phùng Xuân biết và hỏi cô nếu cô ưng thì ông cưới liền; ông cưới cô đặng gỡ mối sầu thảm của ông, mà cũng làm cho cô hưởng hạnh phúc ít năm, kẻo thân cô cơ hàn bơ vơ tội nghiệp. Chồng già vợ trẻ, ở đời cũng thường thấy hoài.

Huống chi mình đã chết vợ còn cô thì người hứa hôn thấy cô nghèo mà phụ bạc để cưới vợ khác, thế thì mình với cô kết duyên chẳng có chi phạm nghĩa mà dụ dự. Dầu vợ chồng vì khác tuổi nên tình không được dan díu, nghĩa không được mặn nồng, mà miễn là mình có cô ở trong nhà, cô có chỗ dung thân dường ấy gẫm cũng đủ mình bớt buồn trong mấy năm sổng sót, ông cứ quyết định như vậy mà ra tới tiệm Vĩnh Hưng, ông thấy mặt cô Phùng Xuân thì ái ngại quá nên mở miệng không được. Ông tính cậy bà Tư Kiến nói dùm, đến chừng ông về thì ông mời bà Tư bữa nào có rảnh xin vô nhà ông cho ông nói chuyện riêng.

Tối bữa sau bà Tư Kiến vô nhà thăm ông Phán. Có lẽ bà thấy bộ tịch của ông khác hơn xưa, bà phát nghi trong lòng nên bà vừa ngồi thì bà cười mà hỏi rằng: “Ông mời tôi vô đặng nói chuyện riêng là chuyện gì vậy?”

Ông Phán day mặt chỗ khác mà đáp rằng:

- Chuyện riêng của tôi.

- Mà chuyện gì chớ? Phải ông muốn cậy tôi làm mai hay không?

Ông Phán rất hổ thẹn, song ông gượng cười mà hỏi rằng:

- Sao bà biết?

- Mà tôi nói đó trúng hay không kìa

- Trúng. Mà sao bà biết trước chớ?

- Con mắt tôi giỏi lắm. Hễ ngó thoáng qua thì tôi biết liền.

- Mà bà nghĩ thử coi được hay không? Tôi mời bà vô đây là tôi muốn hỏi bà coi theo ý bà việc đó có nên làm hay không. Như nên thì tôi xin bà ra ơn làm mai dùm. Tôi tính làm đủ lễ nghĩa chớ không phải muốn chơi qua đường. Bà nghĩ thử coi.

Bà Tư Kiến hồi nãy bà hí hởn, mà nghe ông Phán hỏi như vậy, thì nét mặt bà nghiêm nghị. Bà ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi đáp rằng:

- Ông muốn kết duyên cùng con Phùng Xuân, thì có can danh phận nghĩa chi đâu mà không nên. Nếu được như vậy thì phận ông giải bớt sầu não được, còn phận con nọ, nó được sung s­ớng tấm thân. Ngặt có điều nầy là nó nhỏ tuổi hơn ông nhiều quá: ví như bây giờ thân nó nghèo khổ, nó không nệ tuổi lớn nhỏ, nó ưng ông, tôi sợ Ông cưới nó rồi về sau ông cực lòng chớ.

- Tại sao mà bà sợ tôi cực lòng? Tánh nết cô Phùng Xuân có chỗ không tốt hay sao?

- Không. Tánh nết của nó không có chỗ nào chê được. Ông kiếm thử hết thảy con nhà giàu, con nhà quan coi có được bao nhiêu người tánh nết bằng nó mà. Gái như nó, tuy bây giờ nghèo hèn chớ giá đáng ngàn vàng, không phải dễ kiếm đâu.

- Vậy chớ tại sao mà nếu tôi cưới cô thì tôi sẽ cực lòng?

- Ông không hiểu tại sao? Phàm con người đến tuổi nào, thì có cái vui, cái buồn, cái ưa, cái ghét, cái muốn, cái chê riêng theo tuổi nấy. Nếu ông kết vợ chồng với Phùng Xuân ông tuổi lớn, nó tuổi nhỏ ở một nhà mà hai người tính ý bất đồng thì làm thế nào mà ông không cực lòng cho được. Để tôi thí dụ cho ông nghe: ông tuổi lớn tự nhiên ông ưa thanh tịnh. Còn Phùng Xuân tuổi nhỏ tự nhiên nó ưa náo nhiệt. Ông muốn nó theo ông, ông cứ bắt nó ở nhà hoài thì nó không vui, còn ông chìu theo ý nó ông dắt nó đi chơi, thì ông buồn. Ông nghĩ coi có cực lòng hay không?




 

Ông Phán ngồi lặng thinh mà suy nghĩ rồi ông gặc đầu nói rằng:

- Bà nói trúng lắm. Người khác tuổi tự nhiên tính ý khác nhau. Nếu tôi cưới cô Phùng Xuân thì trong hai người phải có một người cực lòng. Tôi nói thiệt thà là tôi chịu cực lòng, chớ tôi không nỡ để cho cô cực lòng đâu.

- Ông can đảm lớn dữ há!

- Không phải tôi có can đảm lớn, mà cũng không phải tôi nói bướng. Tôi bây giờ chẳng còn biết chi là vui nữa. Tôi nói thiệt với bà tôi mà còn đem lòng thương cô Phùng Xuân chắc là tại cái nợ nhân duyên của tôi ở trên cõi đời nầy chưa dứt. Vậy tôi cưới cô là quyết trả cái nợ ấy cho xong mà thôi tôi hứa chắc tôi sẽ làm cho cô vui lòng luôn luôn phần cực tôi lãnh tôi gánh vác hết mà trả nợ.

Bà Tư cười ngất.

Ông Phán không có ý diễu cợt, nên thấy bà cười thì ông lấy làm lạ, ông hỏi rằng:

- Tại sao tôi nói thật mà bà lại cười?

- Muốn cưới vợ nhỏ thì cưới ai cười chê gì sao nên phải mượn cái thuyết nhơn quả của Phật mà đậy che lòng dục!

Ông Phán mắc cỡ nên ngồi lặng thinh.

Bà Tư nói tiếp rằng:

- Nói pha lửng mà cười chơi, chớ nếu ông cưới con Phùng Xuân thì hay lắm, có sao đâu mà ngại. Ông là người có tiếng tuy trộng tuổi một chút chớ chưa phải già, mà ở trơ trọi một mình, không có vợ con chi hết. Còn con Phùng Xuân thì nó nghèo nàn, không nơi nương dựa, mà cũng chưa có chồng con...

Cô gần có chồng đa bà. Cha mẹ đã hứa gã cô rồi đợi chàng ta học xong rồi thì cho cưới rủi nhà cô suy sụp nên chồng bội ước mà bỏ cô đi cưới chỗ khác.

- Sao ông biết?

- Cô có nói thật việc ấy cho tôi nghe.

- Chồng là ai ở đâu?

- Ông thầy thuốc nào đó bây giờ làm việc ở trong Chợ Lớn.

- Vậy mà nó dấu tôi chớ... Nếu có vậy thì nó ưng ông càng phải hơn nữa. Nó kết duyên với ông thì nó có chỗ nươ­ng dựa sung sướng tấm thân, còn ông thì có người săn sóc cơm nước. Nếu Trời Phật nhễu phước sanh cho ông được một chút con trai thì càng quý hơn nữa.

- Ôi! Bà bày chuyện lớn quá! Tôi không dám mơ ước cao đến thế đâu. Cầu trong mấy năm tôi còn sống sót đây, tôi bớt buồn rầu và tôi làm cho cô khỏi cực khổ tấm thân được, thì cũng đủ rồi.

- Bày chuyện là sao? Ông còn có con được lắm chớ. Tuổi lớn có được một chút con, nói đỏ đẻ cho mà nghe, không vui hay sao?

Ông Phán châu mày đáp rằng: “Bây giờ lo nói thử coi cô ưng hay không đã”. Chớ lo chi chuyện xa đường dữ vậy!”

Bà Tư cười và bà hứa để về bà hỏi dò ý cô Phùng Xuân coi cô nhửt định lẽ nào rồi bà sẽ trả lời.

Tối bữa sau, tiệm đóng cửa rồi bà Tư Kiến kêu cô Phùng Xuân lên lầu mà biểu cô đọc tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa” cho bà nghe. Bà biểu đọc quyển thứ nhì, tới lúc Hải Yến thi đậu rồi bỏ Ánh Nguyệt, thì cô nghĩ phận cô chẳng khác nào phận Ánh Nguyệt hồi trước bởi vậy cô cảm động chảy nước mắt, đọc tiếng run.

Bà Tư là người biết tâm lý nên bà thừa lúc ấy mà hỏi rằng: “Nghe ông Phán nói hồi trước ông Cai có hứa gả cháu cho người nào đó, rồi chừng họ thi đậu làm thầy thuốc, họ thấy cháu nghèo họ phụ bạc bỏ đi cưới vợ khác có như vậy hay không?”

Cô Phùng Xuân đương cảm xúc, không thể dằn lòng được nên cô mới thuật rõ tâm sự của cô cho bà Tư nghe, cô lại nói ngày cô mới lại tiệm may, cô thầy thuốc Cộn lại bận thử áo. Người đó là vợ của người phụ bạc cô hồi trước.

Bà Tư chưng hửng, ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Hèn chi bữa cô thầy thuốc Cộn bận thử áo cháu bợ ngợ, mà bộ coi thẹn thùa quá. Người đời nay phần nhiều họ không có tình nghĩa gì hết miễn có tiền thì thôi. Thứ đờn ông như vậy mà ra gì”.

Cô Phùng Xuân cười gằn mà đáp rằng:

- Thưa bà họ sang trọng lắm chớ.

- Sang với ai?

- Có vợ giàu đeo hột xoàn lớn, ngồi xe hơi tốt. Thiên hạ ai cũng phải bẩm dạ, có ai mà dám khinh dễ.

- Thiệt như vậy đó chớ? Dân của mình còn khờ quá không biết kính trọng người phải, cứ theo kính trọng mấy kẻ tiền bạc nhiều thế lực lớn dầu họ ăn cướp mà làm ra tiền bạc ấy, hay lòn cúi nhục nhã mà gây nên thế lực ấy cũng không cần. Tại trí dân còn thấp nên mới sanh cái hạng bạt lương vinh mặt múa may như vậy đó.

- Cháu nghĩ tại cháu vô duyên bạc phận. Bởi vậy cháu buồn phận cháu mà thôi chở cháu không trách ai hết.

- Nói chuyện nghe chơi chớ trách ai làm chị Mà cháu để rồi coi đời nầy quả bảo nhãn tiền. Họ bạc cháu, tự nhiên họ sẽ bị người khác bạc lại họ, chạy không khỏi đâu. Còn phận cháu, tuy bây giờ cháu buồn, song ngày sau cháu sẽ vui lắm. Cháu sẽ có chồng sang trọng mà lại tử tế bằng mười ông thầy thuốc Cộn khốn nạn đó cho mà coi.

- Thưa bà, thân phận cháu mà còn mong chồng con gì nữa.

- Ủa, sao vậy cháu ở vậy đặng chờ ông thầy thuốc đó hay sao?

- Thưa bà. Người ta có vợ rồi mà còn chờ nỗi gì. Cháu không mong lấy chồng mà là vì phận cháu nghèo, người tử tế ai mà thèm cưới; hai là vì cái tình của cháu đã khô rồi, còn vui vẻ gì mà lập gia thất.

- Cháu đừng có thất chí, ở đời có kẻ quấy mà cũng có người phải, chớ không phải hết thảy đều thấy giàu mà ham, còn thấy nghèo như cháu mà chê đâu. Bà nói thiệt cho cháu biết ông Phán Thêm ông hay phận cháu bị chồng phụ bạc rồi bây giờ ra thân may mướn cực khổ, ông thương nên ổng cậy bà làm mai nói dùm, đặng ổng cưới cháu đó. Ổng cũng biết ông lớn tuổi hơn cháu nhiều song ông thấy người ta phụ bạc cháu ông giận nên ông tính cưới đặng làm cho cháu sung sướng tấm thân kẻo cháu cực khổ tội nghiệp.

Cô Phùng Xuân nghe nói như vậy thì cô chưng hửng không biết lời chi mà đáp.

Bà Tư muốn đập sắt trong lúc còn đương cháy đỏ, bởi vậy bà nói tiếp rằng: “Thiệt ông Phán không phải giàu sang gì lắm. Nhưng mà theo danh giá thì ông cũng được người ta kêu bằng “ông”. Còn gia tài sự nghiệp thì bây giờ ông có nhà cửa từ tế, có ruộng đất mỗi năm thâu góp huê lợi được 5 ngàn giạ lúa. Ổng lại lãnh tiền hưu trí mỗi năm được hơn 700 đồng bạc nữa. Bề ăn ở thì ông được sung sướng rồi, mà ổng lại có nhơn đức, thiên hạ ai biết ổng thì cũng đều yêu mến. Nếu cháu ưng ông, thì cháu hết lo cực khổ nữa. Chà chà mà nếu cháu sanh cho ổng được một chút con trai, ôi thôi, quý biết chừng nào!

Cô Phùng Xuân rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: “Cháu bây giờ côi cút hèn hạ, cha chết, anh nghèo, mẹ bơ vợ Thân cháu chẳng khác nào như người té dưới giếng sâu, bạ đâu níu đó, miễn sống được thì thôi còn kén chọn gì nữa. Ông Phán có lòng nhơn đức ông muốn cửu vớt cháu. Ơn ấy như biển, biết lấy chi mà đền đáp cho vừa. Ngặt cháu xét phận cháu, nếu cháu ưng ông thì có chỗ bất tiện”.

Bà Tư tưởng cô dụ dự vì tuổi tác bất đồng nên bà nói rằng:

- Có cái gì đâu mà bất tiện. Đời nầy tuổi cỡ ổng đó họ cưới vợ nhỏ thiếu gì. Họ cưới 17- 18 nữa kia chớ. Có ai cười chê gì mà cháu ngại.

- Thưa bà, không phải cháu ngại về tuổi tác.

- Vậy chớ cháu ngại cái gì? Ông trơ trọi một mình không có vợ con. Cháu vô đó thì làm vợ lớn, chớ không phải làm bé, mà cũng khỏi con ghẻ.

Cô Phùng Xuân thờ dài mà đáp rằng:

- Cháu ngại là vì ông Phán thì lấy thiệt tình mà thương cháu còn phận cháu thì cái tình khô héo đã lâu rồi, nếu cháu ưng ông, cháu sợ cháu không làm cho vui lòng ông được, rồi cái ơn của ông cháu không trả, mà cháu còn làm buồn cho ông.

- Cháu sợ như vậy cũng phải. Vợ chồng phải một trang một lứa với nhau thì mới vui. Chớ kẻ lớn người nhỏ thì thế nào cũng không hiệp được. Tuy vậy mà vợ chồng thương nhau chẳng phải vì tình mà thôi đâu cháu, phần nhiều là vì nghĩa nữa. Cái tình nó hăng hái một hồi rồi phai lạt; cái nghĩa nó êm ái mà mặn mòi nên nó mới bền dai. Qua lớn tuổi, qua thấy rõ việc đời lắm. Gia đình mà được đầm ấm lâu dài là nhờ nghĩa chớ không phải nhờ tình đâu.

Cô Phùng Xuân không trả lời nữa cô cử ngồi lặng thinh, mà bộ cô suy nghĩ lắm. Bà Tư nói tiếp rằng: “theo ý qua thì phận cháu nên ưng ông Phán lắm. Cháu viết thơ thưa cho bà Cai hay đi. Qua chắc bà Cai cũng khuyên cháu ưng nữa. Thôi khuya rồi, cháu xuống dưới đi nghỉ đi. Nầy, cháu nhớ viết thơ cho bà Cai nghe hôn”.

Cô Phùng Xuân đi xuống lầu, cô không nói cô ưng hay là không ưng. Nhưng mà đêm ấy cô ngủ không được cứ nằm suy duyên xét phận hoài. Vì cô đã hứa hôn với ông thầy thuốc Cộn đã mấy năm, tuy chưa chung chăn gối, song cũng trộm nhớ thầm yêu nhiều khi bãi trường ông đến thăm hai đàng cũng có chuyện vãn cùng nhau rất thân thiết. Nay ông phụ bạc thì cô phiền trách, nhưng mà mối tình đã vấn vít trong lòng lỡ rồi, không dễ gì mà gỡ cho được. Đã biết hễ ông cưới vợ khác thì nhân duyên của hai chồng đã dứt, cô lấy chồng khác không lỗi gị Mà cô lấy chồng khác có biết trong trí quên ông được hay không. Nếu lấy chồng mà còn tưởng tới duyên xưa thì lỗi với chồng nhiễu lắm.

Vì cô nghĩ như vậy nên trong lòng dụ dự không dám lấy chồng. Mà bây giờ thân cô nghèo khổ, phải may thuê vá mướn đặng kiếm cơm ăn. Nếu không lấy chồng, rủi gặp cơn đau yếu thì biết đâu mà nương dựa.

Cô bối rối hết sức không biết đường nào phải, nẻo nào quấy mà nhứt định. Đến khuya cô mới viết thơ gởi cho mẹ mà hỏi coi mẹ dạy lẽ nào thì cô sẽ làm theo lịnh mẹ.

Bữa sau bà Tư hay Phùng Xuân gởi thơ về Sóc Trăng, thì bà định cho cô đã chịu rồi, nên lật đật cho ông Phán Thêm hay. Nhân dịp ấy bà nhắc lại những lời cô nói với bà lại cho ông Phán nghe. Ong Phán nghe mà nói rằng: “Tôi cưới cô là tôi làm nghĩa bởi vậy tôi mong cô lấy nghĩa mà đối với tôi vậy thôi, chớ tôi đã già rồi, tôi dại gì mà mong cô ấy lấy tình mà đãi tôi hay sao. Xin bà làm ơn tỏ ý của tôi lại cho cô biết. Nếu tình của cô đã khô, thì tình của tôi cũng đã héo. Vậy thì cô với tôi lấy nghĩa mà phối hiệp cùng nhau lại càng quý hơn nữa.

Cách một tuần lễ, bà Cai Tổng Hùng gởi thơ trả lời. Cô Phùng Xuân chờ đêm tối cô mới lên lầu, đọc thơ cho bà Tư nghe. Trong thơ bà Cai Tống nói rằng: “ông thầy thuốc Cộn đã bội nghĩa thi mình chẳng còn chi mà phải ái ngại. Huống chi bây giờ mình đã nghèo nàn lưu lạc, chẳng nên kén chọn cho lắm. Ông Phán Thêm đã giàu có mà lại không có vợ con vậy thì nên ưng ông đặng có nơi nương dựa.

Bà Tư nghe đọc thơ rồi thì bà cười nói rằng: “Qua định trúng hay không? Qua biết trước thế nào bà Cai cũng khuyên cháu ưng ông Phán. Vậy bây giờ cháu nhứt định lẽ nào?”

Cô Phùng Xuân chảy nước mắt mà đáp rằng: “Cháu phải vưng lời má cháu”.

Bà Tư cho ông Phán hay. Ông Phán đưa bạc mượn bà mua áo quần cho cô, lại mua một đôi bông, một bộ dây chuyền với một đôi vàng tây mà làm lễ cưới.

Y phục cùng nữ trang sắm xong rồi ông Phán mới định ngày thành hôn. Cô Phùng Xuân có gởi thơ trước nên bữa cưới có bà Cai Tổng Hùng lên, với con trai lớn của bà là Hương Chủ Tráng.

Lễ cưới ông Phán làm sơ sài mà thôi, ông dọn một tiệc mời vài người bạn thân thiết đến dự. Đến chiều bà Tư Kiến hiệp với bà Cai Tổng và Hương Chủ Tráng đưa cô Phùng Xuân lên lạy bàn thờ cha mẹ chồng và bàn thờ bà Phán rồi nhập tiệc, chớ không có lập hôn thơ hôn thú chi hết.

Ông Phán Thêm với cô Phùng Xuân đã gần gũi nhau trót nửa tháng, cỏ ăn cơm chung với nhau, có nói chuyện với nhau trước, nay giao duyên hiệp cẩn, lẽ thì chẳng có chi mà phải e thẹn như gái giá trai tợ Đã vậy mà ông đã được phỉ tình, còn cô thì được an phận. Lẽ thì ngày nay là ngày vui vẻ lắm mới phải. Mà chừng mãn tiệc, khách từ mà về bà Cai Tổng với Hương chủ Tráng cũng theo bà Tư Kiến xuống tiệm may ngủ nhờ đặng khuya ra xe về Sóc Trăng cho dễ. Bạn bè dọn dẹp đóng cửa đi nghỉ, thì ông Phán với cô Phùng Xuân lại cũng giữ một mực nghiêm nghị như trước, không ai lộ vẻ vui mừng chút nào hết.

Ông ngồi tại bàn giữa đốt đèn nấu nước mà uống. Cô lăng xăng lo dọn dẹp những đồ bày đãi khách hồi chiều. Ông uống vài chén trà rồi kêu cô, mời ngồi cái ghế ngang mặt ông đó mà nói rằng: “Qua với em mà gần nhau đây, qua không tính trước, mà qua chắc em cũng không dè, ấy là tại đôi ta có duyên nợ nên Phật Trời mời khiến như vậy. Qua đã có nói với bà Tư có lẽ bà cũng có nhắc lại với em chớ. Qua biết phận qua lắm nên qua cưới em qua chẳng hề dám mong mỏi em lấy cái tình mà đối với qua; qua chỉ mong em lấy cái nghĩa mà yêu nhau vậy thôi. Còn về phần của qua, thì qua hứa chắc, qua sẽ ráng mà làm cho em vui vẻ luôn luôn. Hễ qua còn ở chốn dương trần nầy được bao lâu, thì trong khoảng thì giờ ấy qua chẳng hề để cho em buồn một chút nào hết. Lòng dạ của qua như vậy đó. Vậy nếu em ăn ở với qua mà em có muốn việc chi, hay là có buồn việc chi, thì em cứ tỏ thiệt cho qua biết. Vợ chồng phải lấy chân tình mà đối đãi nhau. Qua nói thiệt qua cưới em đây qua vì em nhiều hơn là vì quạ Vậy em đừng ngại chi hết”.

Những lời ấy bề ngoài nghe nghiêm chỉnh, mà bên trong chất chứa không biết bao nhiêu tình bởi vậy cô Phùng Xuân ngồi nghe thi cô cảm xúc, nên cô rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: “Em cũng đã nói với bà Tư phận em thể như người té xuống giếng sâu, ông cưới em thì cũng như ông đã ra tay mà cứu vớt em. Em nguyện trọn đời em sẽ làm thân trâu ngựa mà đền bồi cái ơn trọng của ông. Em chỉ muốn bao nhiêu đó mà thôi chớ chẳng muốn điều chi khác. Em còn ngại một điều là tuy em trẻ tuổi, song tình của em đã khô rồi, em sợ trong đạo vợ chồng ông không vui về cái thói lợt lạt của em đó mà thôi”.

Ông Phán cười mà nói rằng:

- Qua đã nói lấy nghĩa đối với nhau cũng đủ, em đừng ngại sự đó. Mà bây giờ em phải kêu qua thế nào chớ kêu bằng ông hoài hay sao.

- Kêu quen rồi biết làm sao.

- Qua nói chơi vậy chớ, kêu thế nào cũng được. Bề ngoài có quan hệ gì đâu.

Ông Phán Thêm có vợ mới tuy ông không lộ sự vui mừng cho ai biết, tuy bề cư xử ông không đổi một chút nào, song tôi tớ trong nhà đều thấy ông không buồn bực như trước nữa, mà ông lại hay nói chuyện hay bàn luận việc đời, hay chỉ đường ngay nẻo dại cho vợ biết. Có khi vắng vẻ, ông cũng tỏ dấu lả lơi mà hễ vừa mở miệng hoặc vừa có cử động thì dường như ông hổ thẹn, nên ông ngập ngừng. rồi ông lập nghiêm sửa liền cái dấu lả lơi ra dấu lễ nghĩa.

Còn cô Phùng Xuân, thì cô giữ đạo làm vợ vẹn toàn, cô chăm nom từ miếng ăn, từ điếu thuốc, từ giấc ngủ, từ bình trà của ông, sáng ông thức dậy thì cô sẵn nước nóng cho ông rửa mặt, trưa ông nực thì có sẵn nước mát cho ông tắm, chỗ ông nằm ngồi chẳng hề có một chút bụi áo quần ông mặc đều sạch sẽ luôn luôn.

Các việc trong nhà cô xem xét hết thẩy, chẳng để xảy ra một việc gì trắc trở mà phải cực lòng ông. Bề ăn ở của ông Phán thiệt là thảnh thơi, an ổn, ông không dè ngày già mà còn được hưởng hạnh phúc đến thế nầy. Có bữa ông ngồi ông nghĩ đến cái gia đình cực lạc của ông bây giờ đây thì chẳng khác nào một bức tranh thanh bạch treo trước mắt ông, nhưng mà ông nghĩ cho kỹ lại thì bức tranh ấy còn có một chỗ lu lờ nên không được hoàn toàn như ông muốn. Chỗ lu lờ ấy là cái tình của cô Phùng Xuân.

Thiệt như vậy cô Phùng Xuân ở với chồng thì cô trọn đạo, cô lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, cô kính trọng chồng, nhưng mà đối với chồng thì cô thiếu cái nét thân thiết dan díu, dường như sự niên kỷ bất đồng nó đã ép cái tình của cô không phát hiện ra được vậy. Ông Phán muốn bôi cái khóm lu lờ trong bức tranh gia đình thanh bạch của ông. Đầu tiên ông tính dắt cô đi chơi. Ông dắt cô đi luôn mấy đêm, bữa thì đi nhà hàng ăn cơm Tây bữa thì mướn xe đi hứng gió, bữa thì đi coi hát bóng, bữa thì đi coi hát cải lương. Ông làm cho cô đầy đủ các cuộc vui, rồi ông hỏi cô có vui hay không, thì cô cúi mặt nói rằng: “Em muốn cho ông vui lòng, nên ông dạy thế nào em cũng vưng theo hết, chớ kỳ thiệt trong đời nầy có việc gì mà làm cho em vui được đâu.

Ông Phán nghe mấy lời như vậy thì ông lắc đầu, song ông không thối chí, ông quyết lập thế khác mà nhen nhúm lửa tình cho vợ, đặng ông hưởng trọn hạnh phước gia đình. Ông mới mua hột xoàn cho vợ đeo, ông dắt vợ xuống tiệm Vĩnh Hưng mà đặt may y phục theo kiểu kim thời cho vợ bận, phải thoa môi son, phai giồi má phấn rồi ông còn mua một cái xe hơi mới để vợ chồng đi chơi.

Cô Phùng Xuân xuôi xị, chồng khiến bề nào cô cũng làm theo bề nấy. Cô không cãi, không phiền. Cô đã có nhan sắc sẵn, nay thêm trang sức thì sắc của cô càng đẹp bội phần bởi vậy cô ngồi xe hơi đi chơi, trẻ già thảy đều trầm trồ liếc ngó. Cô được sung sướng dường ấy, cô được chồng yêu dường ấy, mà đối với chồng cô cũng giữ một mực chẳng bao giờ cô lộ vẻ vui mừ­ng hay là tỏ vẻ dan díu chút nào.

Một buổi chiều ông Phán đi xe hơi với cô ra đường Catinat dạo chơi ông bịt khăn đen bận áo dài đàng hoàng, còn cô thì giồi phấn đeo xoàn hực hớ. Vợ chồng ngừng xe rồi dắt nhau vô một nhà hàng lớn kiếm đồ muạ Chừng trờ ra tới cửa thình lình có một cô, y phục sắc sảo chạy a lại nắm tay cô Phùng Xuân mà nói rằng: “úa! Chị T­ự Cha chả lâu gặp chị quá. Bây giờ chị Ở đâu?”

Ông Phán không biết cô ấy là ai, mà ông lại sợ vợ thẹn thùa, nên ông dang ra, rồi chậm rãi lên xe mà ngồi để cho vợ thong thả mà nói chuyện. Cô Phùng Xuân nhìn lại thì người mừng cô đó là cô Huyện Khải, vốn là chị em bạn học của cô hồi trước. Cô cũng mừng rỡ mà đáp rằng:

- Thiệt, từ ngày đám cưới chị cho tới bây giờ chị em mình không gặp nhau nữa. Gần 4 năm rồi. Bây giờ ông Huyện đổi đi tỉnh nào?

- Ở Sài gòn hoài, chớ có đổi đi đâu. Mình còn nhỏ đi tỉnh làm gì phai hôn chị.

- Phải, a.

- Nhà tôi ở sau Đất Thánh Tây. Mời chị lên chơi cho biết nhé.

- Cảm ơn, để khi khác. Chị có được mấy đứa con rồi?

- Chưa có đứa nào hết.

- Sao mà dở vậy?

- Tại Trời chưa cho thì thôi chớ biết làm sao. Ối! Mà tôi cũng không muốn có con sớm.

Để chơi cho thong thả, có con nó bó buộc lắm.

- Có con vui chớ.

- Vui giống gì? Đã biết hạng mình hễ có con thì mướn vú nuôi. Chớ không lẽ mình cho bú được. Mà dầu mướn vú mình cũng phải coi chừng cực nhọc quá. Tuần nào thích đi Vũng Tàu hay là Long Hải mà chơi nếu để con ở nhà mình không an lòng, còn nếu đem theo thì lòng thòng bất tiện. Nầy chị, mấy chị học một lớp với mình hồi trước, bây giờ họ có chồng ở Sài gòn đây bộn bộn.

- Ai đâu?

- Để tôi kể cho chị nghe: chị Quế hô đó chị nhớ hôn?

- Ờ, nhớ.

- Chị Quế có chồng là ông Đốc Học Lang ở trong trường Sư Phạm. Chị Thình thì có chồng là ông Trường Tiền[iii][i] Hị Chị Nghĩa thì có chồng là ông Kinh Lý Hải. Mẩy chị đó tôi gặp hoài tôi biết nhà họ hết. À, tôi còn quên chị Bình chớ. Chị Bình Cần Thơ đó mà.

- Phải. Tôi nhớ lắm, chị Bình mập đó mà.

- Phải rồi chị biết bây giờ chị Bình ở đâu hay không? Chỉ ở trong Bà Chiểu. Chồng chỉ là ông thầy thuốc Phị Trời ơi, chỉ đẻ con liền xì, đẻ năm một mới đây mà chỉ đã được 8 đứa con rồi đa chị.

- Vậy thì chỉ có phước lắm.

- Có phước chớ! Nếu chỉ cứ đi cái nước đó hoài, tôi sợ con chỉ sau thành một đạo binh, rồi chỉ chạy cơm cho nó ăn đó mà chết chớ.

- Có giỏi lắm thì chừng 10 đứa chớ bao nhiêu...

- Ý, tôi sợ tới hai chục đa chị? Đẻ sao mà đẻ hà rầm[iv][ii] vậy không biết? Lụi hụi ít ngày nghe chỉ đẻ; mình đi thăm mà cũng mệt nữa. Gặp nhau mừng quá, mắc nói lăng xăng nên quên hỏi chị coi bây giờ chị ở đâu.

- Tôi có chồng ở Sài gòn đây.

- Vậy hay sao? Cơ khô dữ hôn! Vậy mà có hay đâu. Chị có chồng về trên nầy hay sao?

- Phải.

- Trời ơi? Đám cưới hồi nào? Sao chị không mời tôi? Chị thiệt là tệ! Hồi đám cưới tôi, chị làm dâu phụ. Mà chừng chị lấy chồng chị lại không mời tôi chớ? Tôi phiền chị rồi quá. Chị có chồng làm việc gì ở đâu?

- Không làm việc gì hết.

- Chắc là giàu lớn lắm rồi.

- Đủ ăn vận thôi, chớ không phải giàu.

- Không phải giàu, sao lại không làm việc?

- Chồng tôi hưu trí rồi.

- Hưu trí rồi?...

Cô Huyện Khải nhìn cô Phùng Xuân trân trân, tưởng cô giễu cợt.

Cô Phùng Xuân cười mà nói rằng:

- Tôi nói thật đa chị.

Cô Huyện Khải nghiêm sắc mặt mà hỏi rằng:

- Nếu vậy thì chồng chị chắc là trộng tuổi rồi.

- Phải lớn hơn tôi nhiều.

Hồi trước làm việc sở nào lên tới chức gì?

- Làm Thông Phán Sở Thương chánh.

- Đám cưới chị không cho hay nên tôi có dè đâu.

- Cưới hỏi sơ sài nên tôi không dám mời chị em.

- Tôi muốn mời chị đi luôn lên nhà tôi đặng chị em mình nói chuyện chơi.

- Xin lỗi chị, bữa nay không tiện, vì tôi mắc đi mua đồ.

- Nhà chị ở đâu?

- Tôi ở đường sau nhà thờ Chợ Đũi.

- Thôi để bữa nào rồi tôi sẽ kiếm nhà chị tôi thăm. Chị em mình bây giờ được tụ về Sài gòn bộn rộn thiệt tôi mừng quá. Để tôi có gặp chị Quê, chị Thình, chị Nghĩa, chị Bình thì tôi cho mấy chỉ hay rồi mình lựa một bữa làm tiệc đặng chị em tụ hội nói chuyện chơi.

- Thôi yến tiệc làm chi. Gặp nhau mừng như vầy cũng đủ rồi.

Cô Huyện Khải nắm vạt áo của cô Phùng Xuân mà coi rồi hói rằng:

- Tiệm nào may áo cho chị đây khéo quá?

- Tiệm Vĩnh Hưng ở đường Espagne.

- À, phải rồi. Cách mấy tháng trước tôi có nghe cô thầy thuốc Cộn khen tiệm Vĩnh Hưng lắm. Để bữa nào tôi mua hàng đem mướn tiệm ấy may ít cái áo bận chơi. Tiệm nầy may theo kiểu kim thời khéo thiệt. Chị bận coi đẹp quá.

Cô Phùng Xuân sợ Ông Phán chờ lâu nhọc lòng, nên cô từ giã cô Huyện Khải rồi bước ra xe hơi.

Cô Huyện Khải đứng ngó theo, thấy cô Phùng Xuân lên ngồi một cái xe hơi thùng kiểu mới tinh, mà trên xe lại có một người khăn đen áo dài ngồi đàng hoàng, cô định người ấy chắc là ông Phán hưu trí, nên cô lắc đầu miệng lại chúm chím cười.

Xe rút chạy ông Phán hỏi vợ rằng:

- Cô nào đó, mà kêu em bằng chị Tư?

- Cô Huyện Khải, chị em bạn học của em hồi trước.

- Em quen, sao em không mời cô lên nhà chơi?

- Em không có mời. Song chỉ có hói thăm nhà và chỉ nói để bữa nào chỉ lại chơi.

- Em có chị em bạn thì mời họ tới lui chơi cho vui, ở đời minh phải giao thiệp với người ta chớ.

Cô Phùng Xuân không trả lời nữa. Cô cúi mặt xuống mà sắc lại buồn.



i] khăn bọc nệm

 

[ii] bất ngờ, ngạc nhiên

 

[iii] trưởng ty công chánh

 

[iv] liên tục, không dứt

 



 

 

 

 

Chương : 1    2    3   4   
Hồ Biểu Chánh
Số lần đọc: 1466
Ngày đăng: 01.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Ai làm được (truyện dài)
Ái tình miếu (truyện dài)
Thầy thông ngôn (truyện dài)