Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
796
116.012.165
Võ Phiến

Võ Phiến tên thật Đoàn Thế Nhơn. Sinh ngày 20/10/1925 tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1933, khi ông lên 8 tuổi cha mẹ ông vào Rạch Giá lập nghiệp, Võ Phiến ở lại Bình Định sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm Đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật, ký tên Đắc Lang.

 

1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội  trong một thời gian ngắn, sang năm 1946 ra Hà Nội học trường Văn lang; đến tháng 12/1946 trở về Bình Định tham gia kháng chiến. Năm 1947, làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948 kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là bút hiệu ông nói lái từ tên Viễn Phố ), và dạy học ở trường trung học bình dân Liên khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu sau xin chuyển về Quy Nhơn. Tại đây, Võ Phiến tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chũ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958 tại Sài Gòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn… và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh. Năm 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.

 

Tháng 4/1975 ông rời nước định cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Làm công chức thuế vụ. Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công đóng góp vào nền văn học Việt Nam hải ngoại, chủ trương tập san Văn học nghệ thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn học Nghệ thuật đã mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải ngoại. Võ Phiến là tác giả của trên 30 tác phẩm gồm đủ mọi thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, biên khảo, phê bình, dịch thuật. Võ Phiến được đánh giá là một trong những nhà văn lớn trong nền văn chương Việt Nam. (*)

 

Tuy ông viết nhiều thể loại, nhưng theo tôi, tùy bút là thể loại độc đáo của ông. Nếu bạn đọc yêu văn chương đã từng biết đến tùy bút của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời”, Mai Thảo với “Chuyến tàu trên sông Hồng”, Hoàng Phủ Ngọc Tường “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, thì không thể bỏ qua tùy bút của Võ Phiến. Tôi cho rằng họ là những nhà văn viết tùy bút hay nhất trong dòng văn chương hiện đại Việt Nam. Nếu giọng văn của Nguyễn Tuân ngông và khinh bạc, Mai Thảo lấp lánh giàu chất thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường tài hoa và say đắm, thì tùy bút của Võ Phiến đem đến cho người đọc những nụ cười dí dỏm, có duyên. Đọc tùy bút của ông, bạn đọc khám phá những nét tinh tế của nền văn hóa Việt, bình dị nhưng sâu sắc. Thỉnh thoảng phải bật cười vì những lời văn hóm hỉnh. Tùy bút Võ Phiến như dòng suối mát lúc trưa hè. Lần đầu tiên Văn chương Việt trân trọng giới thiệu tùy bút “Chiếc áo dài” của nhà văn Võ Phiến với giọng văn ấy.

Ban Mai giới thiệu.

Số lần đọc: 4323
[ Trở lại ]
Tổng số tác phẩm: 1
Chiếc áo dài (tạp văn)