Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
751
115.994.735
 
Ðôi nét Hồi giáo
Nguyễn Ước

I. Lịch sử

 

Hồi giáo là tên thường dùng để gọi tôn giáo Islam, một đạo được người thuộc dân tộc Hồi tại Trung Hoa tin theo. Ngày nay, tại Việt Nam, tín đồ của đạo này muốn được gọi là Ðạo Islam. Chữ Islam trong tiếng A Rập, có nghĩa là “qui thuận, phục tùng” ý chí của Thượng đế (Allah), và là danh xưng của một tôn giáo phát tích tại Arabia trong thế kỷ 7 sau C.N. qua Ðấng Tiên tri  *Mohammed.

 

Các tín đồ của Islam được gọi là Muslim hay Moslems, và tôn giáo của họ bao gồm mọi khía cạnh của cuộc sống. Người Muslim tin rằng cá nhân, xã hội và chính quyền cần phải tuân phục ý chí của Thượng đế, đã được trình bày trong kinh Qur’an (Koran), mà họ xem đó là Lời của Thượng đế đã mạc khải cho Ðức Mohhammed, Sứ giả của ngài.

 

Thiên kinh Qur’an dạy rằng Thượng đế là đấng độc nhất, chỉ một mình ngài thao tác mà không có đối tác nào. Ngài là Ðấng Tạo hóa tạo dựng toàn thể vạn vật, và giữ quyền năng tuyệt đối trên chúng. Mọi người phải cam kết dâng hiến trọn cuộc đời mình để biết ơn, chúc tụng và vâng lời Thượng đế, vì tới ngày tận thế, vào lúc phán xét cuối cùng, họ sẽ được phân xử. Những ai tuân giữ các giới răn của Thượng đế sẽ được ở vĩnh viễn trên thiên đường, còn những kẻ mắc tội chống lại Thượng đế, không ăn năn hối hận, sẽ bị kết án sống mãi mãi trong lửa của hỏa ngục. Kể từ lúc bắt đầu cuộc sáng thế,  Thượng đế đã gởi các tiên tri tới, gồm có Ðức *Mô-se và Ðức *Giê-su, để cung cấp sự hướng dẫn thiết yếu nhằm đạt tới phần thưởng hằng cửu; sự kế thừa đó lên tới cực điểm trong mạc khởi lời toàn hảo của Thượng đế cho Ðức *Mohammed.

 

Người Muslim có bốn nghĩa vụ tôn giáo chính yếu, được gọi là Bốn cột trụ của đạo Islam. Ðó là:

1. Shahada: Nghĩa vụ đức tin. Thành kính đọc lên một lời kinh tuyên xưng có hai ý nghĩa: “Không có thần linh nào ngoài Thượng đế” và “Ðức Mohammed là Sứ giả của Thượng đế”;

2. Salat: Nghĩa vụ cầu nguyện. Phải đọc kinh mỗi ngày năm lần vào những thời điểm qui định. Các thời điểm này thay đổi theo mặt trời mọc và mặt trời lặn. Trong khi cầu nguyện, mặt hướng về thành thánh Mecca;

3. Zakat: Nghĩa vụ bố thí. Gọi là trả để thanh tẩy bằng cách san sẻ của cải của mình. Nghĩa vụ này phát xuất từ lòng biết ơn Thượng đế đã ưu ái mình, theo đúng những qui định thực dụng trong kinh Qur’an;

4. Saum: Nghĩa vụ chay tịnh. Phải ăn chay suốt tháng chay tịnh Ramadan;

5. Haji: Nghĩa vụ hành hương. Ði hành hương tới thành thánh Mecca càng nhiều chuyến càng tốt, hoặc ít nhất một lần trong đời của mình.

 

Sharia là luật lệ thiêng liêng của đạo Islam, được áp dụng vào hết thảy các khía cạnh của cuộc sống chứ không chỉ là những thực hành có tính tôn giáo. Nó mô tả một lối sống Islam và nó là những huấn lệnh về cách thức người Muslim chu toàn mệnh lệnh của Thượng đế và đạt tới thiên đường.

 

Có chu kỳ lễ hội quanh năm gồm có Lễ hội Hiến tế (Id al-Adha), cử hành để tưởng niệm việc tổ phụ Abraham tự nguyện hiến tế đứa con trai Isaac của mình. Lễ hội này kết thúc cuộc hành hương Haji bằng việc giết và tế một con cừu. Lễ hội Id al-Filtr đánh dấu chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan. Trong đạo Islam, không có chế độ tăng lữ có tổ chức, nhưng người Muslim cực kỳ tôn kính các hậu duệ của Ðức *Mohammed và những ai được công chúng thừa nhận là người thánh thiện, các học giả và các thầy giáo, thí dụ các mullah (tôn giả) và các ayatollah (đại tôn giả).

 

Có hai nhóm căn bản trong đạo Islam. Một là người Muslim Sunni, chiếm đa số, tới 85%. Họ tin rằng sự hướng dẫn tôn giáo xác thực có nguồn gốc từ sự thực hành hoặc sunna của Ðấng Tiên tri. Họ công nhận bốn vị Ca-lip (vua kiêm giáo trưởng tối cao) là những người thừa kế chính thống Ðức *Mohammed. Hai là người Muslim Shiite, chiếm nhóm thiểu số lớn nhất, khoảng 15%. Họ tin rằng sự hướng dẫn tôn giáo xác thực được sở đắc từ những thành viên trong gia đình của Ðấng Tiên tri; trên cơ sở đó, họ chỉ công nhận nhánh của Ali, vị Ca-lip thứ tư, là cháu và cũng là con rễ của Ðức *Mohammed, làm người kế thừa chính thống.

 

Trong khi người Sunni, từ đầu tới cuối lịch sử, tin rằng trên cơ sở thực hành đạo Islam, có thể thiết lập một chính quyền chính đáng, thì người Shiite tin rằng chính quyền có tính cố hữu phi chính đáng, cách riêng kể từ khi thành viên được công nhận sau cùng của nhánh Ali, vị Imam thứ 12, khuất mặt (không còn ai trông thấy nữa) vào năm 873.

Ngoài ra, còn có một số chi phái phụ của đạo Islam, trong đó có một truyền thống huyền học chiêm nghiệm được gọi là phái Sufi. Tính đến ngày nay, trên khắp thế giới có khoảng 1.3 tỷ người Muslim.

 

II. Ðức Mohammed (k.570-k.632)

 

Còn có thể viết là Mahomet; cả hai đều là hình thức ký tự phương Tây của dang xưng A Rập Muhamad. Ðấng Tiên tri của đạo Islam ấy chào đời tại Mecca, con trai của Abdallah. Mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 6 tuổi, ngài ban đầu được ông nội nuôi dưỡng. Sau khi ông nội qua đời, ngài sang sống với một người chú và kiếm sống bằng cách chăn cừu. Tới năm 25 tuổi, ngài đứng đầu một đoàn thương buôn của một quả phụ giàu có, người mà sau đó ngài kết hôn.

 

Ðức Mohammed tiếp tục làm thương gia, nhưng dành hầu hết thời gian để trầm tư mặc tưởng một mình. Năm ngài 40 tuổi, thiên sứ Gabriel hiện ra với ngài trên núi Hira, gần thành Mecca, và ra lệnh cho ngài nhân danh Thượng đế rao truyền tôn giáo chân chính. Bốn năm sau, ngài được phán bảo là hãy xuất hiện công khai làm người rao giảng. Cơ sở lời giảng của Ðức Mohammed là Thiên kinh Qur’an, được Thượng đế mạc khải cho ngài và ngài bắt đầu đọc cho môn đệ mình ghi lại năm 625.

 

Ðức Mohammed công kích sự mê tín và thúc giục dân chúng sống cuộc đời đạo đức, mộ đạo và tin vào Ðấng Thượng đế (Allah) toàn năng, hoàn toàn công chính và đầy tình thương xót, đấng đã chọn Mahommed làm Tiên tri cho ngài. Lòng thương xót của Thượng đế được sở đắc chủ yếu qua cầu nguyện, chay tịnh và bố thí của cải.

Ban đầu, dân thành Mecca không nghe lời ngài, chỉ xem ngài như một thi sĩ; về sau, họ chống đối ngài. Ðức Mohammed phải cùng các đệ tử tìm sang tị nạn tại Medina năm 622; và thời điểm này trở thành năm thứ nhất của kỷ nguyên Mohammed, gọi là Hijra hay Hegira. Dân Medina cử ngài vào chức vụ thẩm phán cao nhất và cai trị thành của họ. Sau đó, ngài lâm chiến cống lại các kẻ thù của đạo Islam. Nam 630, ngài lấy thành Mecca. Tại đó, ngài được công nhận là thủ lãnh và tiên tri, và như thế, ngài đặt định yên ổn một tôn giáo mới tại Arabia.

Năm 632, Ðức Mohammed xúc tiến cuộc hành hương sau cùng đi Mecca, và ở đó, trên ngọn núi Arafat, thiết chế các nghi lễ của cuộc hành hương Haji. Sau khi quay về, ngài ngã bệnh rồi từ trần tại nhà người vợ ưu ái của ngài, nữ tử của Abu-Bakr.

 

III. Hồi giáo triết học

 

Thuật ngữ A Rập falsafah dùng để chỉ các nguồn gốc Hi Lạp của môn học này trong văn hóa Islam. Vào thế kỷ 9 sau C.N., một phong trào chuyển ngữ chủ yếu đặt trung tâm tại Baghdad, nay là thủ đô của Iraq, đã giới thiệu cho người Muslim một bộ phận có tính tuyển chọn trong tri thức Hi Lạp. Nó bao trùm không chỉ các ý tưởng của *Plato, *Aristotle và *Pythagoras, mà còn của Galen, *Plotinus và Proclus cũng như các học thuyết có nguồn gốc giả kim, luyện đan.

 

Tính chất phức tạp của sự thừa kế này được tìm thấy trong các nhà tư tưởng sớm sủa nhất như Kindi (từ trần khoảng năm 870), al-Farabi (từ trần năm 950) và đặc biệt Ibn Sina (*Avicenna) (từ trần năm 1037), học giả có những công trình tổng hợp siêu hình học mang bản sắc tân Plato chủ nghĩa, khoa học tự nhiên, và huyền học. Còn nữa, các triết gia Hồi giáo thời ấy đều cho rằng có sự hòa hợp cốt tủy giữa *Plato và *Aristotle.

 

Những lao động của các triết gia ấy được đáp ứng bởi sự chấp nhận đằm thắm, theo luật lệ của người Muslim Sunni và tư tưởng thần học càng ngày càng hợp nhất và được củng cố trong chính giai đoạn ấy. Các vấn đề được tranh luận phóng khoáng, liên quan tới trí thức về những đặc thù của Thượng đế chống lại những phổ quát, và có tính tâm linh thay vì bản tính vật chất của sự trừng phạt hay phần thưởng ở đời sau. Ðồng thời còn tranh luận về cuộc sáng thế rằng có phải đó là sự giải phóng từ Nguyên lý Ðệ nhất thay vì ex nihilo (xuất từ hư không); các triết gia bảo lưu lập trường thứ nhất (sự giải phóng) còn các thần học gia thì bảo lưu lập trường thứ hai (xuất từ hư không).

 

Triết gia kiêm thần học gia và nhà luật học nổi tiếng al-Ghazali (từ trần năm 1111) kết án các quan điểm triết học đặc thù là bất tín, dù tới lượt lập trường của ông bị Ibn  Rushd (*Averroës) bác bỏø. Các triết gia Hồi giáo cũng có những đóng góp vào các lãnh vực như luận lý học, tâm lý học và đạo đức học.

 

Sau Ibn Rushd, trong khi triết học ứng xử theo tư tưởng chính thức của Sunni, nó vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các nhóm Hồi giáo Shiite và trong các truyền thống thần bí (huyền học) chịu ảnh hưởng của Ibn Arabi (từ trần năm 1240) và Suhrawardi (từ trần năm 1234)./.

        

 Ảnh : Nhà Thờ Hồi Giáo

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3120
Ngày đăng: 17.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Của Người Đang Trẻ - Lê Khánh Mai
J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC : Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ - Phạm Ngọc Hiền
Triết học tâm trí - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -2 - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -3 - Nguyễn Ước
Sự chấm dứt của một Nước Mỹ Kitô Giáo - Jon Meacham
Cái ngông của Nguyễn Công Trứ nhìn từ thời nay - Nguyễn Mạnh Hà
Ngôn ngữ thơ - Đông La
Trịnh Công Sơn và Chiến Tranh Việt Nam - Ban Mai
Phạm vi của triết học ngày nay - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)