Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
740
116.611.534
 
Chuyện văn chuyện đời
Trần Huy Thuận

Thành phố được lên “hạng”, một số đường phố lâu nay chưa có tên, nay được đặt tên. Trong dịp này, tên nhà văn CV cũng được đặt cho một đường phố. Chuyện này đáng ra không lấy làm lạ, bởi ông là một nhà văn nổi tiếng “cấp Quốc gia” (như cách nói của Đặng Hồng Nam, một nhà văn “trẻ” sống ở Thành phố này). Nhưng vẫn là “chuyện lạ”, bởi khi ông còn sống, còn viết, thì “một số người” không ưa ông. Họ nói ông kiêu ngạo, có chút “tên tuổi” đã tỏ vẻ coi thường vai trò lãnh đạo của họ…Thì xưa nay con ngựa hay bao giờ chả là con ngựa “bất kham”? Ông đã bị họ “hạ bệ” bằng một “chiến dịch” có bài bản, rất “lo-gic” và…rất “dân chủ”, bằng cách bật đèn xanh cho một số kẻ bất tài, bất mãn, bất… đức, đặt điều phê phán, chửi bới ông, thông qua diễn đàn một “Đại hội”! Họ còn phao tin ông là người “ngoại tỉnh”, nên không gắn bó lắm với việc đào tạo thế hệ người làm văn nghệ của địa phương. Cái đòn này như “gãi đúng chỗ ngứa”, vì con người ta vốn… thừa tính “cục bộ địa phương”  mà! Oái oăm là sau khi đã tổ chức thành công “Đại hôi Hạ bệ”[1], thì người ta liền tiến hành ngay lễ trao tặng huân chương cho nhà văn, cùng một lúc với lễ “chào mừng Đại hội thành công tốt đẹp” – Tuyên dương và hạ bệ đã diễn ra trong cùng một  thời điểm với cùng một con người. Ngẫm mà “ghê” cả người!

 

Ai cùng từng nghe hoặc từng nói; từng tự nhủ hay từng khuyên dạy kẻ khác, rằng: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Ấy vậy, mà người đời vẫn cứ lao vào con đường “tối hạ” ấy, hết thế hệ  này sang thế hệ khác. Nghiệp chướng chăng? Cũng có thể là nghiệp chướng thật. Bởi không ít kẻ đã “thân liệt, danh bại” về nó mà rồi vẫn cứ không thể nào “thoát’ ra được.

 

Nhưng không phải là không có nhiều người leo lên đến tột đỉnh vinh hoa nhờ cái công việc viết lách, trở thành những “QUAN VĂN”, thậm chí “VUA VĂN”! Vâng, VIẾT – LÁCH! Chữ nghĩa dân Việt Nam ta quả rất tài tình. Viết đi với Lách thì “Thánh” hết chỗ nói! Cái chữ “lách” này có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy. Và trong thực tế, khi “cần kíp” (trong giành giật vị trí), người ta không thèm “lách” và “luồn” – bởi làm như thế chậm lắm; mà phải “xông phứa lên”, mà “trèo lên đầu lên cổ” kẻ khác. Đó chính là sự cám dỗ từ cái bả vinh hoa của văn chương vậy! Cơ quan Hội văn nghệ tỉnh nọ liên tục “đánh” nhau suốt mấy chục năm trời, kể từ khi nhà văn CV bị bôi nhọ và phế truất - truy đến tận cội nguồn gốc rễ, cũng là xuất phát chính từ cái bả mà người ta cứ nói là “tối hạ” đó!

        

Vậy, Văn chương đâu có “tối hạ”? Nó có ánh hào quang của nó đấy chứ! Nó có cả xôi – thịt; có cả “hơi đồng”, thậm chí còn có cả nhà lầu xe hơi hẳn hoi nữa cơ. Thế thì việc người ta tranh nhau, hạ gục nhau, làm nhục nhau… có gì là lạ? Rõ ràng làm gì có kẻ ngu ngốc đến đận đi tranh giành cái thứ “tối hạ” của người khác? Nó là “nghiệp chướng” của người ta, lấy về mình để “chuốc họa” vào thân ưì?!.

         

Sau Đại hội ông C V có bảo với L H: “Chú muốn làm (ý nói chức Chủ tịch Hội) thì chú bảo anh, việc gì chú phải làm (ý nói những việc trong Đại hội) như vậy” (Xem chú thích 1).

         

Đúng ra thì đó là chuyện “CÁI GHẾ QUAN TRƯỜNG”, chứ không phải chuyên VĂN CHƯƠNG, nhưng khởi nguồn, chính là tại VĂN CHƯƠNG mà ra, tức là nếu Tỉnh nọ không có cái Hội Văn chương kia, thì làm gì có chuyện tranh chấp đó. Và khi đã vào cuộc tranh cướp ngôi thứ như vậy, cái gọi là “nghĩa xưa, tình cũ” cũng bị ném vào sọt rác. Vẫn theo bài báo vừa trích dẫn: Dưới thời ông C V làm Trưởng ty Văn hóa, L H làm diễn viên đoàn chèo, sau lên Trưởng đoàn . Hậu sinh khả úy là như thế đáy! Nhưng cái anh chàng “phản thày” đó chẳng qua cũng chỉ là một con rối. Kẻ “đứng sau giật dây”, kẻ “ném đá giấu tay”, kẻ “đốt nhà mượn tay người khác”, không hề lộ diện. Trường hợp này, bài học về “hiệu ứng đám đông” đã được chứng minh rõ rệt.

 

Và khi đã là chuyện “sôi thịt”, thì sau khi có được cái vị trí mà mình mơ ước, kẻ “chiến thắng” bao giờ cũng tranh thủ phát huy đến cao độ cái công việc “vơ vét” cho nhanh đầy túi tham. Chính điều đó, đã dần dần hình thành một lớp người chống đối mới, chống lại anh, chống lại kẻ mà trước đây họ đã “hồ hởi” tụng ca anh, bầu anh vào cái ghế quan trường đó. Đến lúc này, thì phải “phế bỏ” anh thôi. Và anh thì cũng nhận ra cái nguy cơ đen bạc đó. Thế thì, đang lúc quyền còn trong tay, anh phải nghĩ ra một cách nào để tự bảo vệ mình chứ? Sau vở kịch ĐẠI HỘI LẬT ĐỔ nói trên, người ta phải dựng vở khác. Đề tài vở mới này táo tợn hơn, đó là loại ngay đối thủ ra khỏi vòng bầu bán. Thế cho “chắc ăn”! Vậy là một “chiến dịch” săm soi, bới móc lý lịch được khẩn trương tiến hành. Rồi một cuộc họp bất thường của Ban chấp hành được triệu tập, tiếp đến là một quyết định khai trừ được biểu quyết thông qua. Đối thủ nặng kí thế là bị loại – mặc dù cái việc “phát hiện” lý lịch ấy “đúng” thật, nhưng cái “động cơ” thì chẳng “đắn” chút nào. Cuộc bầu bán sau đó, diễn ra suôn sẻ! Có người thốt lên: “Cái chức thủ lĩnh Văn chương” này cũng “xôi thịt” đến mức ấy ư (“Làm cái Chủ tịch Hội Văn nghệ (địa phương) thì ăn bàn ăn giải gì mà đánh nhau khiếp quá!” – Bài báo đã dẫn).

         

Và cái chức “TỐI HẠ” này, ở cơ quan Văn nghệ tỉnh nọ, cho đến nay, vẫn còn là miếng mồi của rất nhiều sự tranh chấp võ biền, ngoài văn hóa và không văn chương.

        

Nhưng dù sao thì tên nhà văn CV cũng đã được đặt cho một đường phố vốn “không tên”. Như vậy là, tuy chậm một chút, cuối cùng thì Văn chương đích thực cũng đã “thắng”. Giờ đây, những người “chống” ông thời đã kẻ còn, người mất. Người mất thì không nói làm gì, nhưng kẻ còn, liệu họ nghĩ gì nhỉ? Thôi, nghĩ gì cũng là quyền của họ; chỉ có linh hồn ông, hẳn là đang mỉm cười nơi chín suối!

 

[1] bài “Cuộc chiến ở Hội Văn nghệ Nam Định trong mắt một hội viên”. Tác giả Đặng Hồng Nam. Báo Tiền phong Chủ nhật số 28, ra ngày 9/7/2006

 

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 2370
Ngày đăng: 18.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng tư ..nổi sóng !!! - Vũ Trà My
Mưa Pleiku - Tạp bút thơ - Vĩnh Phúc
Trăng 14 Hội An - Nguyễn Thị Hậu
Hai cái chết tạo nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Đoàn Vị Thượng
Người nữ trong nhạc Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Phêrô và Giuđa - Nguyễn Hữu An
Câu Chuyện Dịch Thuật :Bao Giờ Có Những “Dịch Trường”? - Bùi Văn Nam Sơn
Sông gốm - Nguyễn Thị Hậu
Tiềm thức Huế : Trịnh Công Sơn và tâm vô trú - Trần Hạ Tháp
Đọc sách : Ký ức văn nghệ sĩ trong đời tôi – dòng hoài niệm một thời - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)