Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
692
116.543.126
 
Miền Tây vòng tay thân ái
Võ Quê

Từ ngày 4 - 14. 8. 2008, đoàn văn nghệ sĩ  Huế gồm 27 thành viên với các chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu đã được Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế tổ chức trại "sáng tác bay" tại một số tỉnh đồng bằng miền Tây. Tôi may mắn được làm một thành viên trong đoàn và bài viết LONG AN - Rượu Gò Đen em rót men tràn, BẾN TRE -Ấn Tượng danh nhân! là hai trong những hồi ức đẹp về chuyến đi dài về Miền Tây, vòng tay thân ái.

 

LONG AN - Rượu Gò Đen em rót men tràn

 

Ngày 5. 8. 2008 đoàn đến thăm và làm việc tại Hội VHNT Long An vào lúc 19 giờ 30. Tại đây đoàn đã được đón tiếp long trọng mà thân tình bằng cái duyên văn nghệ. Các nghệ sĩ tên tuổi ở Long An như Nguyễn Lành, Lê Phương, Kha Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Lưu Đình Khởi, Bửu Thuyết, Nguyễn Hữu Phương, Hoàng Đỗ... Rượu Gò Đen, đặc sản nổi tiếng của Long An đã làm mềm môi nhiều văn nghệ sĩ Huế trong lần gặp gỡ đầu tiên, đúng là " rượu Gò Đen em rót men tràn, ly xà tửu rắn say thành dược liệu...". Nhân dịp này Hội VHNT Long An đã có nhã hứng mời đoàn tham quan thực tế những địa điểm tiêu biểu của Long An vào sáng hôm sau, ngày 6. 8. 2008.

 

Huyện Châu Thành, Long An là điểm đến đầu tiên của đoàn. Câu khẩu hiệu trang trọng trên hội trường "Nhiệt liệt chào mừng đoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế" thể hiện sự trọng thị, tình cảm ưu ái của Huyện Ủy, HĐND, UBND và đồng bào huyện Châu Thành dành cho văn nghệ sĩ Huế. Các thành viên trong đoàn ai cũng thấy ấn tượng, xúc động. Những thành tựu phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội của Huyện Châu Thành do lãnh đạo Huyện báo cáo, phản ánh với đoàn đã được hầu hết văn nghệ sĩ ghi chép đầy đủ, trang trọng và không khỏi khâm phục trước những nỗ lực của người dân Châu Thành trong quá trình xây dựng quê hương. Một trong những mô hình đang được huyện Châu Thành đầu tư thích đáng nhắm tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, nâng cao đời sống một bộ phận nhân dân là trồng thanh long xuất khẩu. Nhìn khu vườn thanh long mênh mông nơi đây tôi không khỏi liên tưởng đến bạt ngàn thanh long Bình Thuận. Thanh long quê mình đã bay ra khỏi vuông trời Việt, đã ngọt ngào hương trên nhiều miền nơi hải ngoại xa xôi.

 

Bảo tàng huyện Châu Thành tại Tầm Vu là điểm tham quan tiếp theo của đoàn, nơi đây lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử, cách mạng, văn hóa, kinh tế... trong đó có nguồn tư liệu giá trị của nghệ sĩ Cao Văn Lầu, người con đất Long An, soạn giả tác phẩm Dạ Cổ Hoài Lang bất hũ. Trước chân dung nghệ sĩ tài danh Cao Văn Lầu tôi thầm mong Thừa Thiên Huế mình rồi đây cũng sẽ có bảo tàng dành cho văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế, nơi lưu giữ những công trình, tác phẩm nghệ thuật, tư liệu về cuộc đời thân thế, sự nghiệp văn nghệ sĩ tiền bối đã mất hay đang còn sống. Hiện nay Thừa Thiên Huế chỉ mới quan tâm những công trình, tác giả mang tính đối ngoại như nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc Điềm Phùng Thị, Trung tâm Lê Bá Đảng... mà chưa thật sự chú ý đến việc đầu tư, xây dựng một bảo tàng văn học nghệ thuật giành cho văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Có tiếng bấc tiếng chì về việc đối nội đối ngoại chưa tương xứng của tỉnh trong giới văn nghệ sĩ và công chúng Thừa Thiên Huế vốn yêu thích các loại hình văn học nghệ thuật cũng là điều tất nhiên thôi!

 

Trên đường về lại Long An, đoàn ghé thăm nhà nữ sĩ Đinh Thị Thu Vân, Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Long An, tôi và Đinh Thị Thu Vân chỉ gặp nhau được đôi lần nhưng tình văn nghệ lại thân tình, trang trọng. Tại ngôi nhà xinh đẹp này tôi được Đinh Thị Thu Vân tặng tập thơ Một Ngày Ta Ngoái Lại  với dòng chữ "em tặng anh Võ Quê". Và tôi thầm hẹn "một ngày ta trở lại!"

 

Rời ngôi nhà xinh đẹp của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, đoàn ghé thăm hăm hai ngôi nhà cổ tại ấp Thanh Tân, huyện Châu Thành. Hai công trình này đã được các hội viên hội Kiến Trúc sư Huế quan sát, ghi chép, chụp hình tương đối kỹ và không ngớt trầm trồ về các giá trị kiến trúc. Cả hai ngôi nhà này rất cổ kính, có tuổi thọ gần một trăm năm, kiến trúc độc đáo, nội thất rất đẹp với nhiều công trình nghệ thuật tinh xảo, chạm trỗ kiệt xuất, công phu. Hai ngôi nhà cổ này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đã nhiều năm qua phải chịu cảnh nắng mưa hành hạ. Đây cũng là hoàn cảnh. số phận chung của nhiều ngôi nhà cổ hiện nay trong cả nước đang bị xuống cấp tệ hại nhưng sự quan tâm của các cấp, các ngành có trách nhiệm thì còn quá xa vời trước sự bức xúc của người dân. Được biết sau này khi trở lại Huế nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã kịp thời đưa lên báo Tuổi Trẻ một bài viết tâm huyết với ước mong chính quyền sở tại quan tâm đến số phận của hai ngôi nhà cổ ấy.

 

Rời những điểm tham quan huyện Châu Thành, buổi chiều đoàn đi thăm Đồng Tháp Mười trong tâm trạng háo hức của nhiều người, trong đó có tôi. Từ lâu, phần lớn văn nghệ sĩ Huế chỉ biết Đồng Tháp Mười qua sách báo, phim ảnh. Hôm nay đến với thực địa, đôi mắt được ngắm nhìn cảnh sắc. Bàn tay được chạm lên chiếc lá tràm xanh; được nghe gió lộng hương tràm, tôi biết trong đoàn sẽ không ít người như tôi cũng dâng lên mối cảm hoài, lòng biết ơn hào khí của những con người một thời mở đất phương nam.

 

Trước khi đoàn rời Long An sang Bến Tre bằng chuyến phà đêm, Chi Hội Kiến trúc sư Việt Nam mời đoàn dùng cơm thân mật gọi là chúc mừng đoàn Huế tiếp tục hành trình về  miền Tây thân ái. Kiến trức sư Lưu Đình Khởi, Chi hội trưởng, Giám đốc Sở Giao thông Long An là người cách đây trên mười năm đã từng cùng tôi lênh đênh trên sông Hương nghe ca Huế đến nửa khuya. Anh Lưu Đình Khởi nhiệt thành kể lại chuyện xưa. Với tôi chuyện cũ bao giờ cũng mới. Tôi thiệt tình nói với anh: Long An có một văn nghệ sĩ làm giám đốc Sở Giao thông là một hạnh phúc cho những con đường. Cho những công trình giao thông lớn nhỏ. Những con đường, những cây cầu, những giòng sông trên mảnh đất Long An sẽ được chăm sóc kỹ hơn, có nghệ thuật, nhân văn hơn nhằm giảm thiểu phần nào tai nạn giao thông đang là nỗi nhức nhối của cả nước; những bảng tên đường, tên cầu cũng sẽ chuẩn xác, không nhầm lẩn, sai sót. Anh Khẩn cười hiền: Mình cố gắng được chừng nào hay chừng ấy thôi!

 

BẾN TRE -  Ấn tượng danh nhân!

 

Tối 6. 8. 2008, đoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế cương quyết lắm mới từ giã được Long An lúc 18 giờ. Để chiêu đãi đoàn Huế, ngoài chuyện ẩm thực Chi hội Kiến trúc sư Long An đã bố trí sắn một dàn Karaoke tại chỗ. Tôi được họa sĩ Đặng Mậu Tựu đề nghị thay mặt đoàn đọc một bài thơ đáp lễ tấm thịnh tình của văn nghệ sĩ Long An. Thơ không chuyển tải hết được sự tri ân của đoàn Huế trước tấm lòng hiếu khách của Long An. Đành phải "dứt áo ra đi", trực chỉ phà Rạch Miễu. Bến Tre đang cách một dòng sông.

 

Trước khi đến Bến Tre, tôi đã điện thoại với Vũ Hồng thông tin về chuyến "sáng tác bay" của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế, Vũ Hồng đã kịp thời đưa tin lên Website Văn nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long, Vũ Hồng cũng cho tôi số điện thoại của nhà văn Hồ Trường Chủ tịch Hội VHNT Bến Tre và cho biết vì có việc lên Sài Gòn trong thời gian đoàn Huế đến. Thế là tôi sẽ không được gặp Vũ Hồng ở Bến Tre. Tiếc ơi là tiếc! Tuy mới thân quen Vũ Hồng mấy năm trở lại đây nhưng tôi đã đọc Vũ Hồng nhiều và rất quý mến con người tài hoa ấy.

 

Đã mấy lần tôi qua phà Rạch Miễu, nhưng chuyến phà đêm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi và của đoàn văn nghệ sĩ Huế. Ngày 20. 8. 2008 cầu Rạch Miễu hợp long. Năm 2009 cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng. Như vậy đây là chuyến phà Rạch Miễu cuối cùng đối với đoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Khi đã có cầu, phà Rạch Miễu được  đi vào cổ tích. Chắc chắn, thời gian tới khi trở lại Bến Tre, tôi sẽ không còn dịp bước lên phà Rạch Miễu vượt Tiền Giang. Chung một cảm giác với tôi, nhiều thành viên trong đoàn không khỏi bâng khuâng khi đồng hành trên chuyến phà đêm. Gió sông phóng khoáng ùa mát làn tóc rối những cô gái Bến Tre. Đêm Tiền Giang bình yên. Tôi nhủ lòng hãy cố tận hưởng những giây phút hiếm hoi còn lại trên chuyến phà sang Bến Tre đêm nay, bởi với tôi, đây là chuyến phà lịch sử. Cầu Rạch Miễu sẽ thay những con phà đưa khách sang sông.

 

Ban lãnh đạo Hội VHNT Bến Tre gồm nhà văn Hồ Trường, Chủ tịch Hội, nhà thơ Kim Ba, Phó chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Nhật Nam, Chánh văn phòng Hội chờ đoàn văn nghệ sĩ Huế đến trong đêm. Đang trong thời điểm bề bộn lo đăng cai tổ chức Liên hoan Mỹ thuật Khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ khai mạc trong vài ngày tới; chỉ bằng điện thoai, không có văn thư gửi trước thông tin về thời gian, mục đích yêu cầu chuyến đi của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế nhưng các anh lãnh đạo Hội Bến Tre vẫn ưu ái nhiệt tình dành thời gian để tiếp đón đoàn. Trong đêm mưa Bến Tre mát lạnh, trước cổng vào khu triển lãm mỹ thuật Bến Tre, bên ly rượu chuối hột ấm men tình văn nghệ, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Nguyễn Thiền Nghi, nhà văn Hồ Trường, nhà thơ Kim Ba, nhà văn Nguyễn Nhật Nam và tôi chén tạc chén thù mừng cuộc gặp nhau bất ngờ trên quê hương đồng khởi. Mừng ngày mai đoàn sẽ có một chuyến thực tế tham quan thú vị khi sẽ được đến thắp hương tưởng niệm trước anh hồn các danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Nguyễn Thị Định.. .được vào miệt vườn Cái Mơn biêng biếc xanh và ngan ngát hương.

 

Trong suốt thời gian đưa đoàn đi tham quan các thắng tích Bến Tre, nhà văn Nguyễn Nhật Nam đã rất sôi nổi nhiệt tình cung cấp cho đoàn nhiều chuyện hay về sông nước Bến Tre, về những giai thoại “ông già Ba Tri”, về lai lịch, xuất xứ từng địa danh, tên cầu, tên rạch… gắn liền với các sự kiện thời Nguyễn Phúc Ánh bôn ba gian khổ, hiểm nguy trước sự truy đuổi của Tây Sơn. Qua những câu chuyện kể, Bến Tre càng trở nên hấp dẫn kỳ thú và có sức cuốn hút tôi trên mỗi cung đường.

 

Khi dâng nén tâm hương trước bàn thờ Nguyễn Đình Chiểu, tôi có cảm giác anh linh, hồn thiêng ông Đồ mù đang hiện hữu nơi đây. Đang sáng lên dũng khí, bút lực  một nhà giáo, nhà thơ trước nỗi đau mệnh nước thăng trầm. Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Câu thơ thành một tuyên ngôn cho người, mọi thời, mọi nơi chốn. Câu thơ thành ngọn lửa soi rọi tâm hồn, tuổi trẻ thế hệ tôi để có những năm tháng đấu tranh trên mặt trận đường phố, chống bạo quyền bất công áp bức, đòi hòa bình, đòi thống nhất đất nước.

 

Rời khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, tôi đến với khu lăng mộ Phan Thanh Giản bằng sự háo hức bởi hiện nay mọi người đã được đến viếng một công khai minh bạch, không còn lén lút, sợ hãi như trước đây. Không còn lén lút, sợ hãi có nghĩa là Phan Thanh Giản đã được vinh danh. Trong tâm thức tôi Phan Than Giản là một người có tính tình cương trực và thanh liêm, là một nhà thơ với nhiều tác phẩm để đời. Những năm đi thi hội, ông có làm tập thơ Du kinh. Khi người bạn là Lê Bích Ngô chết, ông có tập Toái cầm. Thời gian đi sứ sang Trung Quốc, có tập Kim đài (1832). Khi đi sứ sang Pháp để thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông, ông viết Sứ trình nhật ký (1863). Hầu hết các sáng tác của Phan Thanh Giản sau này được tập hợp lại trong hai bộ sách Lương Khê thi thảo (in 1876) có 103 bài. Cả hai tập bao gồm nhiều thể loại văn học. Về thơ, có thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ tả cảnh và vịnh người, vịnh vật trên đường đi sứ. Về văn, có các thể loại tấu, sớ, biểu, luận, thuyết, tựa... làm trong suốt thời gian ông làm quan, trong số đó có bài sớ gửi vua Tự Đức trước khi chết.

 

Nhờ được đến khu lăng mộ Võ Trường Toản mà tôi mới có dịp hiểu kỹ thêm thân thế một người con đất Thừa Thiên Huế đã có những cống hiến cho vùng đất nam bộ.Võ Trường Toản hiệu là Sùng Đức, quê làng Thanh Kệ, dinh Quảng Đức (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), sau vào Nam, ngụ tại huyện Bình Dương, phủ Gia Ðịnh (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông nổi tiếng là một người thầy đạo cao, đức trọng, uyên bác. Trong thời chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh, ông ở ẩn, mở trường dạy học, không tham gia vào chính sự. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh, Ngô Tùng Châu, Phạm Ðăng Hưng, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn vv...

 

Nguyễn Phúc Ánh rất mến mộ ông, nên mỗi khi ghé Gia Định thường triệu ông đến giảng sách, đàm đạo. Nguyễn Phúc Ánh muốn trọng dụng ông, nhưng ông khéo léo từ chối, chỉ tiến chúa Nguyễn 10 điều về phương lực cứu quốc và kiến quốc.Võ Trường Toản được các sĩ phu Nam Bộ tôn là "Thái sơn Bắc đẩu", là "Gia Định xử sĩ". Tác phẩm của Võ Trường Toản hầu như bị thất lạc hết, chỉ còn lưu truyền bài "Hoài cổ phú", viết bằng quốc âm, dài 24 câu. Ông mất ngày mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (tức 27 tháng 7, 1792). Để tưởng nhớ công đức của ông, học trò cũ đã viết đôi liễn:

 

Sinh tiên giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử

Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong"

(Dịch nghĩa: Lúc sống dạy dỗ được người, không con cũng như có. Chết, tiếng tăm còn để, mất mà chẳng mất).

 

Hài cốt ông lúc đầu được chôn tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương. Năm 1855, Phan Thanh Giản tâu xin lập miếu thờ ông tại làng Hòa Hưng. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), Phan Thanh Giản cùng với đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông, hiệp trấn An Giang Phạm Hữu Chánh, cùng với nhiều sĩ phu khác đứng ra lo việc cải táng Võ Trường Toản về làng Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre, với ý nghĩa là không để mộ thầy nằm trong vùng Pháp tiến chiếm.

 

Trong bài viết Đội quân tóc dài Bến Tre ngày ấy, người phụ nữ Bến Tre bây giờ của Lê Quang Nhung có đoạn viết: “Trên đất Bến Tre, ta bắt gặp không ít địa danh mang tên “Bà”: Rạch Bà Nhựt, Bà Hiền, Bà Giải. Giồng có giồng Bà Nhiên, Bà Khắc, Bà Thủ. Cồn có cồn Bà Tư, Bà Tam, Bà Thiết. Cầu cũng có Cầu Bà Mụ, Bà Vụ, Bà Ba Ngởi. Chợ có chợ Bà Khoai, Bà Hiền, Bà Điểm… Đó là cách đặt tên để ghi công các “bà” giỏi giang trong khai hoang, lập ấp, giữ làng.”. Còn hôm nay tôi vui mừng được đến viếng  một địa danh được hình thành từ thế kỷ 20: Đền thờ bà Ba Định - bà Nguyễn Thị Định, người mà năm 1959 đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre và lan rộng ra khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, hình thành "Đội quân tóc dài" nổi tiếng.

 

Trên đường về phà Đình Khao để qua Vĩnh Long, Cái Mơn là một điểm đến lý tưởng với những vườn cây trái xanh tươi. Khu lưu niệm Pétrus Ký tọa lạc bên cạnh những ngôi vươn mơn mởn ấy. Tuy được bài trí đơn giản, không huê dạng nhưng sự có mặt của khu lưu niệm đã nói lên được lòng tri ân của người dân Cái Mơn đồng thời khẳng định tầm vóc và vai trò quan trọng trong hoạt động văn hóa quốc tế của nhà bác học về ngôn ngữ này. Lại một nén tâm hương thương tưởng về người. Lòng tôi dường đang có nắng thiên ân trong chiều Cái Mơn.

 

Một ngày Bến Tre với chuyên đề viếng lăng mộ các danh nhân đã tạo nên một nét độc đáo, đầy tinh cho đoàn văn nghệ sĩ Huế. Chuyên đề này đã thành một tuor du lịch hành hương của xứ dừa. Có dịp vượt hàng ngàn cây số để tìm viếng nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân là một hạnh phúc cho những người làm văn nghệ trên mọi miền đất nước. Riêng tôi, tôi còn mong thêm những lần về. Vâng, chắc chắn tôi sẽ về. Về với Bến Tre - ấn tượng danh nhân!./.

 

Ảnh : Từ trái qua -Nhà văn Hồ Trường , Nhà thơ Võ Quê và Họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Võ Quê
Số lần đọc: 2875
Ngày đăng: 23.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Huế Thơ Mừng Gặp Người Kinh Bắc - Võ Quê
Ngồi lại với Huế…. - Mang Viên Long
New Orleans – thành phố u buồn - Ngô Kế Tựu
Quảng Trị , cuộc đất nghĩa tình - Mang Viên Long
Truân chuyên đường tới Việt y đạo. - Hà văn Thùy
Người mẹ trẻ và nỗi đau da cam - Vũ Ngọc Tiến
Phú Quốc mùa biển lặng - Huỳnh Kim
Bềnh bồng sông nước miền Tây - Huỳnh Kim
Cánh cò trên đảo Đình Vũ - Khải Nguyên
Miền gốm cổ Gò Sành- 1. - Sương Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)