Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
628
115.981.996
 
Từ Những Địa Danh Nghĩ về Chất Ký Trong Thơ Quang Dũng
Trương Quang Cảm

Trong thơ ca  thời kỳ kháng chiến chống Pháp , tôi thích cái chất thơ của Quang Dũng nhất  .Chất thơ ấy có sức lôi cuốn  lạ lùng . Điều gì đã làm cho thơ Quang Dũng hấp dẫn  người đọc .Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều để nói . Trước đây tôi đã nói về hình tượng đôi mắt .Nay tôi tiếp tục bàn thêm về đia danh trong thơ Quang Dũng.

 

Hồi nhỏ còn học trung học , tôi thích đọc truyện của nhà văn Võ Hồng .Bởi trong truyện của ông , có tên từng ngã đường, góc phố quen thuộc của Nha Trang, nơi mà tôi đang sống. Từ những cái rất thực và thân quen ấy  nhà văn đã hư cấu  làm cho tôi có cái cảm giác vui vui vì quen quen mà lại lạ lạ.

 

Với người Hà Tây, những  địa danh quen thuộc của quê hương cũng được Quang Dũng đưa vào thơ.Chắc chắn họ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn những người ở các vùng miền khác như tôi  .

 

Đưa địa danh vào trong tác phẩm của mình , điều đó cũng nói lên được tấm lòng yêu mến và gắn bó với quê hương của các nhà văn , nhà thơ. Nói như M.Gorki: ”Nghệ sĩ  thật sự vĩ đại trước hết phải là nghệ sĩ của  một dân tộc một quê hương cụ thể.” Ở đây tôi không nói Võ Hồng , Quang Dũng là nghệ sĩ vĩ đại , nhưng tôi khẳng định một điều Quang Dũng ,Võ Hồng là những nghệ sĩ của dân tộc Việt Nam, của quê hương cụ thể Nha Trang ( Võ Hồng) và Hà Tây (Quang Dũng).

 

Đưa địa danh vào văn xuôi đã là khó, nhưng đưa địa danh vào trong thơ lại càng khó  hơn.Quang Dũng rất thành công trong việc đưa địa danh vào thơ của mình và làm hấp dẫn người đọc.Từ lâu tôi đã bị  cuốn hút bởi cách sử dụng đia danh trong thơ của ông. Trong bài , tôi không có ý truy tìm nguồn gốc hay định nghĩa các địa danh mà chỉ muốn nêu lên những cảm thụ  chất ký trong thơ Quang Dũng .

 

Chất kí là chất văn tự sự viết về ngừơi thật ,việc thật có tính chất thời sự trung thành với hiện thực đến mức cao nhất .

 

Còn thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc .

 

Quang Dũng đã  kết hợp chất kí( vốn chân thật) và chất thơ( giàu hình ảnh bay bổng) vào trong những từ ngữ địa danh rất khéo

Ở bài “Đôi mắt người Sơn Tây”, tác giả viết:

 

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

 

Thành Sơn ở đâu? thế nào? người ở xa như tôi  khó mà biết  được . Tuy thế khi đọc câu thơ , tôi vẫn cứ thấy hay. Hai chữ”Thành” và “Sơn”  gợi cho người đọc cảm được một vùng núi  có thành luỹ . Từ nơi ấy em chạy giặc về, tức là chạy xuống xuôi. Câu thơ mở ra một không gian từ cao, xa  xuống dưới thấp gần. Bản thân từ “Bất Bạt “ cũng vậy, hai tiếng thanh trắc của nó gợi  cho người đọc  thấy được tâm trạng nhớ quê dồn nén  uất ức khó khuây. Còn địa danh “Bavì”, với thanh bằng cho thấy tâm trạng nhớ quê  như cứ dịu vợi ngân nga ,lan toả …Cái địa danh Tây Phương trong câu thơ:

 

” Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”.

 

Tây Phương tên một ngôi chùa cổ được trùng tu xây dựng từ giữathế kỷ XVIII trên núi Câu Lâu huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây. Đọc hai câu thơ tôi  như thấy trán em thì vương mang không gian của một trời quê hương còn mắt em thì dìu dịu phảng phất  nỗi buồn mang màu hư ảo huyễn hoặc, thiêng liêng của xứ Phật. Các  địa danh Bương Cấn , Sài Sơn , sông Đáy , Phủ Quốc …được Quang Dũng đưa vào thơ cũng rất nhuần nhuyễn :

 

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

 

Hai tiếng “ Bương Cấn “, người ở xa Nam Trung bộ như tôi , chưa một lần có dịp đặt chân đến , nhưng vẫn thấy nó hay thế nào ấy . Đồng bương, người đọc như hình dung ra  cái đồng có mương, có bương( cây gần như cây tre) và cánh đồng gập ghềnh cao thấp . Còn hai chữ “Sài Sơn” thanh bằng  đi liền với “lúa vàng” gợi ra cho người đọc  như thấy cánh đồng lúa vàng hoe như trải dài ra trước mắt ngút ngàn . Chữ “Đáy” trong “sông Đáy” đi   liền với chữ  “ chậm nguồn “, người đọc như hình dung  ra cảnh con sông Đáy có bờ sông cao , dưới đáy sâu nước chảy chầm chậm . Đọc bốn câu thơ ta thấy  câu một gợi ra một không gian cánh đồng quê thân thương . Câu hai gợi ra một không gian của biển lúa vàng mênh mang . Câu ba gợi ra một nét chạy ngang quanh co mềm mại . Còn câu 4 gợi một đường nét thanh mảnh dựng đứng nghiêng nghiêng.

 

Quang Dũng, “nhàthơ xứ Đoài “ còn có duyên văn tự  với vùng đất cheo leo ở mãi tận Tây Bắc . Sông Mã , con sông chảy qua Sơn La , Hoà Bình , Thanh Hoá  và cũng là địa danh nơi đoàn quân Tây Tiến đóng binh. Hai chữ “sông Mã”tiếng trước thanh bằng tiếng sau thanh trắc  góp cho giọng thơ trầm hùng. Dấu “~”trong chữ “Mã” kết hợp với chữ “ơi” cuối câu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” làm cho âm giọng không chỉ trầm hùng mà còn ngân vang … Chữ “ Lát”  trong địa danh Mường Lát đi liền với chữ hoa” Mường Lát hoa về trong đêm hơi” , gợi cho người đọc có cảm giác  như  cảnh nơi ấy lát hoa, rải hoa thật là sang trọng mơ  mộng và  lãng mạn . Cái âm Pha trong  “Pha Luông”đi với cái âm “xa”trong “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi’ nghe như cứ pha vào mưa , luồng vào gió , con mưa chạy dài rộng khắp mịt mù trong mưa rừng sương núi .Còn trong hai chữ địa danh  Mai Châu, ta nghe như trong đó có cái gì tươi trẻ trong sáng .Từ đó gợi cho người đọc như thấy đoàn quân Tây Tiến , sau khi xuyên sơn , vượt lũng  băng rừng , lội suối đến một cái thôn Mai Châu. Ở đó những cô gái trẻ  trung  chạy ra chào đón các anh bộ đội  tặng những cơm nắm,  xôi đùm ấm áp nghĩa tình quân dân:

 

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuyủ dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ,ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi   

( Tây Tiến)

 

Địa danh Bố Hạ trong bài thơ Bố Hạ, người đọc có thể cũng không biết ở đâu nhưng khi đọc lên cái thanh sắc trong từ Bố  với cái thanh nặng trong từ Hạ, người đọc từ hình dung đó là một vùng đồi núi gập ghềnh khó đi . Hay địa danh Phồn Xương cũng trong bài thơ ấy lại đi với từ rét làm cho ta thấy cái rét , càng rét đến tận xương da hơn nữa:

Cuối năm trên đường đi Bố Hạ

Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn

Bãi sỏi quanh co dòng nước chậm

Cheo leo cầu tạm, vắt sông Thương

…………………………………….

Nhớ ai trên đường đi Bố Hạ

Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm

Đồn cũ Phồn Xương rét cuôi năm

( Bố Hạ)

 

Đến đây tôi có thể nói rằng trong thơ Quang Dũng  đầy những địa danh.Cái tài của Quang Dũng là ông đã vận dụng nó vào trong câu thơ hết sức nhuần nhuyễn  và đem lại cho người đọc  những cảm xúc chân thực và cũng hết sức bay bổng. Có thể người đọc cho tôi là suy diễn .Nhưng mỗi người có một cảm nhận riêng, miễn sao cảm nhận ấy có lí và giúp mình cảm nhận được cái hay của thơ nói chung và thơ Quang Dũng nói riêng./.

 

Trương Quang Cảm
Số lần đọc: 3279
Ngày đăng: 30.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi nét về Logos và Logic * - Nguyễn Ước
Ðôi nét Kitô giáo - Nguyễn Ước
Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? - Nguyễn Khắc Phê
Ðôi nét Do Thái giáo - Nguyễn Ước
Ðôi nét Hồi giáo - Nguyễn Ước
Thơ Của Người Đang Trẻ - Lê Khánh Mai
J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC : Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ - Phạm Ngọc Hiền
Triết học tâm trí - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -2 - Nguyễn Ước
Triết học tâm trí -3 - Nguyễn Ước