Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
602
116.534.161
 
Đặc Trưng Văn Hóa và Ý Nghĩa Biểu Trưng Tôn Giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa - 1
Đinh Văn Hạnh

I. ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX, ĐẦU THẾ KỶ XX QUA GIÁO LÝ VÀ LỄ NGHI HÀNH ĐẠO CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG VÀ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA:

 

1. Sự ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội Nam Bộ cuối thế kỷ 19:

 

Nam Bộ là một vùng địa lý độc đáo, có những nét riêng. Đây là vùng đất mở về địa lý, kinh tế và văn hóa, thuận tiện trong việc giao lưu mọi mặt với các nước láng giềng trong khu vực và xa hơn. Từ rất sớm, bán đảo hình tam giác có hai mặt giáp biển này đã là nơi hội tụ, gặp gỡ của các luồng văn hóa Đông-Tây, được xem như một vùng văn hóa ở một giao điểm động, thoáng, mở-của các cư dân và nền văn hóa, văn minh.

 

Nam Bộ là vùng văn hóa của Đông Nam Á-nơi gặp gỡ, giao hòa trước sự lan tỏa của hai nền văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ với văn hóa bản địa…

 

Đặc điểm địa lý-sinh thái đã tác động trực tiếp đến quá trình lao động và đời sống văn hóa, tâm linh người Việt ở Nam Bộ. Điều này thể hiện rõ nét trong phong tục, tập quán; tính “mở” trong sinh hoạt cộng đồng làng xã, về mối quan hệ “siêu làng”; quan niệm phong thủy về vùng đất địa linh nhân kiệt phương Nam và vai trò chuyển tải văn hóa của một “nền văn minh sông nước”... Tất cả được hòa quyện và như là tiền đề góp phần tạo ra bản sắc Nam Bộ.

 

Quan niệm xem Nam Bộ là một vùng “linh địa”, dần dần nẩy sinh và phát triển trước thực tế đa dạng và bí ẩn tác động đến đời sống tinh thần, tâm lý kiêng sợ của những thế hệ lưu dân. “An Giang tân cương” có những ngọn núi vươn cao, trong đó Thất Sơn được xem là những điểm linh huyệt của vùng đất mới này. Câu phương ngôn “tiền tam giang hậu thất lãnh”, trước ba sông sau bảy núi, là niềm tự hào về quê hương mới trọn vẹn, tươi đẹp của những người ra đi khẩn hoang. Thất Sơn và Cửu Long hợp thành sơn cao thủy thâm đã tạo nên huyệt “chỉ sơn” ở Thất Sơn, chung tụ khí thiêng của đất trời, sông núi tạo ra anh hùng cứu đời. Những yếu tố “không gian văn hóa” đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm, tín ngưỡng của cư dân trong vùng.

 

Nam Bộ là vùng hỗn hợp cư trú của nhiều tộc người. Người Việt, Khơme, Hoa, Chăm... có mặt vào các thời điểm không giống nhau, trình độ kinh tế, tổ chức xã hội, tôn giáo có nhiều điểm khác biệt. Do những biến động lịch sử nên các hình thức di dân xẩy ra liên tục đưa đến những không gian văn hóa-tín ngưỡng, tôn giáo đan xen, “chồng xếp”, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tộc người.

 

Ngoài phần tâm linh nguyên thủy mang theo, lưu dân còn chịu ảnh hưởng những quan niệm của các tộc người cùng sống chung.

 

Những người đi khai hoang mở đất vốn không phải kẻ sĩ, đồ Nho, thầy học... ít có vai trò trong hoạt động làng xã, sinh hoạt tôn giáo và ít có điều kiện để học hành, hay nói cách khác, trong thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Nam Bộ chưa có một đội ngũ “dùi mài kinh sử” như vùng đất khác.

 

Trong bối cảnh Nhà nước phong kiến suy tàn, Nho giáo mất địa vị độc tôn, sùng thượng; Phật giáo Việt Nam vẫn trong cơn suy thoái, trong chừng mực nào đó không còn thích hợp với những tâm hồn đang muốn vươn lên khuấy nước chọc trời-những người đang vượt khỏi tầm kiểm sóat của Nhà nước phong kiến, đi mở đất.

 

Đạo giáo ở Việt Nam có rất nhiều màu sắc, nhưng chỉ mang “tính dân gian”, chưa có sự gắn kết hệ thống chặt chẽ trong cuộc sống của người nông dân khai phá vùng đất mới.

 

Thiên chúa giáo du nhập vào Nam Bộ trong thế kỷ XVIII, nhưng vốn có giáo lý xa lạ với phong tục tập quán cổ truyền, xuất hiện cùng với tai họa ngoại xâm, đe dọa thành quả lao động của những người khai phá đất mới.

Vì vậy, trong suốt một thời gian dài, cộng đồng cư dân người Việt ở Nam Bộ  không có một hệ tư tưởng hay tôn giáo chủ đạo nào chi phối, mà nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo mới-cũ khác nhau cùng tác động. Trong lúc những người tha phương, khẩn hoang ở vùng đất xa lạ có nhu cầu rất lớn về tín ngưỡng, tâm linh thì những tư tưởng, tôn giáo độc tôn trước đây (Nho, Phật, Lão), đã không đáp ứng được nhu cầu của họ. Đó là tiền đề cho một số tôn giáo địa phương ra đời trên vùng đất Nam Bộ.

 

Sự xuất hiện các tôn giáo ở Nam Bộ còn có nguyên nhân sâu xa ngay trong đặc điểm lịch sử cụ thể của Nam Bộ. Những biến động do chiến tranh biên giới, chính sách di dân lập đồn điền đưa lại hậu quả nhiều mặt trên bình diện chính trị và văn hóa-xã hội. Sự cướp bóc và đàn áp nông dân tàn bạo của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX đã làm bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Nam Bộ... Mất mùa, đói kém diễn ra liên miên, địa chủ bao chiếm ruộng đất, đời sống nông dân vô cùng điêu đứng. Những yếu tố trên đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của nông dân Nam Bộ lúc ấy.

 

Sự thất bại liên tiếp, khắp nơi của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp và sự đàn áp dã man của kẻ xâm lược đã tạo nên tình trạng khủng hoảng tâm lý nặng nề. Nông dân Nam Bộ coi đó là “dấu hiệu” của thời “mạt pháp”, “hạ ngươn”, và trông chờ vào sức mạnh “siêu linh” cứu vớt “trần thế”. Tư tưởng “Tai dị, thiên nhân tương cảm” phát triển mạnh. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy...        

                                                                            

Năm 1849, miền Tây Nam Bộ sôi động trước việc có một vị “hoạt Phật” giáng thế cứu đời trong cảnh lầm than, bế tắc, bệnh dịch hoành hành. Hàng ngàn người đến thọ giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, do vị “hoạt Phật” Đoàn Văn Huyên (1807-1856, còn gọi Đòan Minh Huyên) sáng lập. Ông  chữa bệnh cho nông dân bằng pháp thuật và  khuyên mọi người tu niệm. Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương không bài trí bất cứ một hình ảnh hay cốt tượng Phật nào, chỉ thờ một tấm vải màu đỏ, gọi là Trần Điều. Bàn thờ bày hương hoa, không có chuông mỏ...

 

Khai sáng trong thời kỳ đen tối, chiến tranh, đói kém, bệnh dịch đe dọa, Đoàn Văn Huyên cho rằng để tránh các tai họa đó cần phải Tu nhân học Phật, thực hiện Tứ đại trọng ân. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không ly gia cát ái, không phải ăn chay trường, tự do để râu tóc...

 

Sau khi Đoàn Văn Huyên mất, các đệ tử của ông tiếp tục truyền đạo, khai hoang mở đất và xây dựng căn cứ, võ trang chống Pháp, nổi bật nhất là vai trò của Trần Văn Thành. Tháng 3-1873, Pháp đánh úp căn cứ Bảy Thưa, cuộc khởi nghĩa của những người nông dân mà chủ yếu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương bị dìm trong bể máu. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phân tán, tầm ảnh hưởng bị thu hẹp.

Một tôn giáo mới, kế thừa Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời, đó là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do Ngô Lợi sáng lập. Thời gian tồn tại của Bửu Sơn Kỳ Hương không dài, do đó sự ảnh hưởng của nó không sâu sắc bằng Từ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo địa phương đã phát triển khá sâu rộng và có nhiều ảnh hưởng, bộc lộ những đặc trưng văn hóa Nam Bộ.  

Ngô Lợi còn gọi là Năm Thiếp, sinh năm 1831, tại Bến Tre. Tháng 5-1867, Ngô Lợi chính thức truyền đạo và thu nhận tín đồ. Tên gọi của đạo là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tháng 9-1870, Ngô Lợi thụ phong danh hiệu Đức Bổn Sư.

 

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xuất hiện đầu tiên ở vùng Châu Đốc. Tháng 7-1872, ông cho cất ngôi chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa đầu tiên tại Bình Long. Từ đây, ông mở rộng việc truyền đạo ra khắp vùng. Đầu năm 1876, Ngô Lợi dẫn tín đồ vào núi Tượng (Thất Sơn) “trảm thảo khai sơn” xây dựng xóm làng. Dân chúng trong vùng không quản ngại khó khăn, xa xôi đã tụ họp về núi Tượng khẩn hoang, học đạo rất đông. Ngô Lợi đã cho dựng nhiều ngôi chùa, đình, miếu... xung quanh chân núi Tượng. Cùng với quá trình tổ chức khai hoang và ổn định cuộc sống, Ngô Lợi đẩy mạnh việc truyền đạo, tín đồ theo ông ngày một nhiều.

 

Sau 10 năm chính thức truyền đạo, thu nhận tín đồ, Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trên một địa bàn trải dài suốt vùng Thất Sơn-miền Tây An Giang.

 

Sự ra đời của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với việc thờ đối tượng đặc trưng của Bửu Sơn Kỳ Hương là Trần Điều, bộ lòng phái phát cho tín đồ tuy khác nhau nhưng trên Bùa đời có “Tứ bửu linh tự” Bửu Sơn Kỳ Hương... Chứng tỏ nguồn gốc mối quan hệ của hai tôn giáo này.

 

Một đặc điểm khá độc đáo là sự phát triển của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa buổi đầu đã gắn liền với sự ra đời của các làng xã mới ở vùng Thất Sơn, cuối thế kỷ XIX. Thất Sơn, đặc biệt núi Tượng là địa bàn hiểm trở có nhiều lợi thế quân sự. Từ khi Ngô Lợi dẫn tín đồ vào đây “trảm thảo khai sơn” (1876), lập thôn An Định, thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (1879) quá trình khai hoang lập làng và truyền đạo diễn ra liên tục, mạnh mẽ. Tin lành về một tôn giáo thể hiện lòng yêu thương nòi giống, đất nước, đạo pháp dân tộc ở vùng núi Tượng và những làng mới đang hình thành đã có sức thu hút nông dân, nghĩa quân thất trận trong các phong trào chống Pháp ở Nam Bộ hội tụ về đây ngày một đông. Ngô Lợi tổ chức khai hoang tiếp vùng thung lũng rộng lớn giữa núi Tượng và núi Dài, lập làng An Hòa (1882), khai phá vùng ven núi Dài, về phía Tây, lập làng An Thành (1883) và về phía Đông lập làng An Lập (1887). Cùng với quá trình đó việc truyền đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, dựng chùa miếu cũng diễn ra tại bốn làng mới ấy (trong 14 năm đã dựng 26 ngôi chùa, đình, miếu) cho tín đồ hành đạo, cúng lễ...

 

Công việc khai khẩn, ổn định cuộc sống, tổ chức sinh hoạt, mang tính cộng đồng, tương trợ. Ban ngày tín đồ đi khai hoang, làm việc tập thể, đêm về thì lễ bái, nghe giảng đạo pháp… Sản phẩm làm ra được chia đều cho mọi nhà theo nhu cầu. Ngô Lợi hướng dẫn tín đồ làm những ngôi nhà dài, chia thành nhiều căn (như khu nhà tập thể) cho lưu dân mới tới. Nông dân qui tụ về đây ngày một đông. Họ có nguồn gốc ở khắp Nam Bộ...

 

Kỹ thuật “canh hoang biến pháp” và đặc biệt giống lúa mới Tàu lụ lần đầu tiên được tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa vùng Thất Sơn sử dụng, sau đó được đưa trồng rộng rãi ở Đồng Tháp Mười, cho năng suất cao. Với hình thức tổ chức cuộc sống khá đặc biệt, áp dụng kỹ thuật thích hợp, tìm giống lúa mới... những người đứng đầu đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tổ chức thành công việc khai hoang, lập nên bốn làng mới trù phú, rộng hơn 30.000ha. Thông qua đó đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được truyền bá sâu rộng, 100% nông dân ở bốn làng này đều là tín đồ, tạo tiền đề rất cơ bản cho sự mở rộng phạm vi và phát triển đạo lúc ấy cũng như sau này.

 

Sự phát triển của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cuối thế kỷ XIX gắn với sự ra đời của một số làng xã ở vùng Thất Sơn có ý nghĩa xã hội đặc biệt. Nó đã tạo ra khả năng tập hợp những người nông dân mất ruộng, nghĩa quân thất trận trong các phong trào chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX, gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của một phận nông dân và tạo tiền đề cho sự phát triển của tôn giáo này ở một số địa phương theo hình thức: khai hoang lập làng gắn với truyền đạo...

 

Do sự truy lùng và kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, một số ông Gánh Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã rời Thất Sơn tỏa về nhiều nơi. Họ dựng chùa, truyền đạo theo cách riêng của mình làm nảy sinh biến thái. Từ đầu thế kỷ XX, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tồn tại hai hệ thống. Một hệ thống được duy trì và phát triển ở các làng An Định, An Hòa (nay là xã Ba Chúc), An Thành (nay là xã Lương Phi), An Lập (xã Lê Trì), xã Vĩnh Gia, Lạc Quới... vùng Thất Sơn. Và, một hệ thống Tứ Ân Hiếu Nghĩa thứ hai với những biến thái đặc sắc, có nhiều tác động mọi mặt với tín đồ nơi đó.

 

Ở những nơi mà các ông Đạo đi cứu đời, chữa bệnh phương xa đến như Giang Thành, Kiên Lương-Kiên Giang; Long Hồ, Chợ Lách, Bình Minh-Vĩnh Long; Chợ Lách, Mỏ Cày-Bến Tre; Cái Bè-Tiền Giang; Sa Đéc, Hồng Ngự, Cao Lãnh-Đồng Tháp; Tân Phú-An Giang; Phụng Hiệp-Cần Thơ; Cầu Kè, Châu Thành-Trà Vinh; Núi Nứa (Long Sơn) Bà Rịa-Vũng Tàu... đều hình thành các nhóm tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

 

2. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa phản ánh tâm lý và đặc trưng văn hóa của người Việt Nam Bộ:

 

Tâm lý và đặc trưng văn hóa của một bộ phận người Việt Nam Bộ theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa được biểu hiện phần nào qua cơ sở tín ngưỡng, lễ nghi, quan niệm của các tôn giáo này. Tuy nhiên, do thời gian tồn tại không dài, chúng ta ít có điều kiện tiếp cận cơ sở tín ngưỡng, lễ nghi, quan niệm của Bửu Sơn Kỳ Hương. Vì vậy, trên cơ sở những nét tương đồng của hai tôn giáo địa phương này, chúng ta có thể tìm hiểu tâm lý và đặc trưng văn hóa của một bộ phận người Việt Nam Bộ từ cơ sở tín ngưỡng, lễ nghi, quan niệm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.  

 

- Ngôi chùa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa tập trung nhiều nhất ở vùng Thất Sơn, được xây dựng từ thế kỷ XIX và rải rác ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... xây dựng những năm đầu thế kỷ 20 và trước năm 1975. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa là danh từ phổ biến chỉ nơi thờ tự các đối tượng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa không dành cho một số tín đồ có chức sắc thoát ly gia đình tới ở và tu đạo (khác hẵn với chùa Phật giáo).

 

Nhìn chung, về hình dáng, kiểu thức bố trí, chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa chịu ảnh hưởng của phái tu tiên và những ý tưởng của Lão - Trang. Chùa thường dựng theo kiểu “Bát quái” hoặc “Tứ tượng”, mái thẳng, ít nhiều chịu ảnh hưởng từ việc xây cất nơi thờ tự của Phật giáo Tiểu thừa cũng như lối kiến trúc chùa miếu của người Hoa sống trên cùng một địa bàn...

 

Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa bài trí rất nhiều bàn thờ. Các bàn thờ đều có cấu trúc như nhau, gồm hai phần Tiền nghi  Hậu tợ. Tiền nghi đặt đôi chân đèn, lư hương, bình hoa. Hậu tợ dùng để cúng phẩm. Bàn thờ không có hình ảnh hay cốt tượng. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa có những bàn thờ các đối tượng: Mộc trụ thần quan, Thổ trạch Long thần, Chánh Đức thiên la thần (ngoài trời), Tả mạng thần, Hữu mạng quan (ở cửa), Bàn thờ Thánh, Tây phương cực lạc, Trần Điều, Quan Công, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, Cửu huyền thất tổ bên nội bá tánh, Cửu huyền thất tổ bên ngoại bá tánh, Tiên tấn lễ nhạc, Hậu tấn lễ nhạc (chánh điện), Thập nhị tổ sư kỹ nghệ, Tam giáo hỏa lầu... (Hậu điện). Ở chùa Tam Bửu có thêm các bàn thờ Phật vương, Tứ - Ân - Hiếu - Nghĩa, Ngôi long đình, bàn thờ Phật Thầy Tây An, Đức Bổn Sư, Phật Trùm. Chùa Phi Lai có thêm bàn thờ Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Tứ đại thần châu, Ngũ hành v.v... Việc trông nom chùa được giao cho một người quản tự.

 

Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa gần gũi với điện thờ hơn là nơi tu hành. Các đối tượng thờ cúng đa dạng, phong phú, vừa thể hiện nội dung tam giáo Phật-Thánh-Tiên, vừa mang các yếu tố của tín ngưỡng dân gian. Tổ chức sinh hoạt của chùa có nhiều nét đặc biệt.

 

- Đình, miếu của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Là nơi thờ cúng các đối tượng tín ngưỡng của làng. Đình miếu không phải là nét riêng của bất cứ tôn giáo nào. Tuy nhiên, đối với các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Thất Sơn, một số đối tượng tôn thờ của đạo, nghi thức cúng lễ, sinh hoạt của đình, miếu đã hòa nhập và trở thành một bộ phận trong hoạt động tôn giáo, do các Trưởng gánh thực hiện. Bàn thờ của đình, miếu cũng cấu trúc tiền nghi, hậu tợ và bài trí như ở chùa.

 

Trong quá trình khai hoang lập làng, Đức Bổn Sư đã cho dựng bốn ngôi đình ở bốn làng mới theo lối tiền đình hậu tự. Bởi vậy, sinh hoạt chùa - đình gắn bó chặt chẽ với nhau. Đình có kiến trúc tương tự chùa. Cả bốn ngôi đình đều thờ chung Tứ vị linh thần. So với sự thờ phụng của đình Nam Bộ với vài ba chục đối tượng thuộc nhiều nhóm, đình các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có đối tượng thờ ít hơn, không có đối tượng thờ thuộc tín ngưỡng dân gian. Tứ vị linh thần không phải là đối tượng phổ biến của đình Nam Bộ. Bàn thờ Trăm quan đằng cựu đề cao anh hùng nghĩa sỹ vì nước là một nét đặc biệt. Cách bài trí bàn thờ của đình cũng ảnh hưởng bởi kiểu bài trí bàn thờ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, giản dị, không có ngai, long vị...

 

Các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vùng Thất Sơn có rất nhiều miếu, kiến trúc theo lối Tứ tượng. Mỗi miếu thờ một đối tượng chính nhất định bên cạnh nhiều đối tượng khác giống nhau - từ tên gọi đến cách bài trí bàn thờ. Sân miếu thờ Mộc trụ thần quan, Chánh Đức thiên la thần và Thổ trạch Long Thần. Chính điện thờ: Tiền hiền, Hậu hiền, Trăm quan đằng cựu, Tả ban, Hữu ban và các đối tượng thờ chính của mỗi miếu như: Bà Cố Hỹ, Sơn thần ngũ nhạc, Quang nhạc tôn thần, Vạn bang Ngũ hành, Tiên sư, Bà Chúa xứ v.v... Các đối tượng được thờ trong miếu cũng là một số đối tượng thờ của chùa, đình. Những vị “Chánh thần” của miếu thuộc tín ngưỡng dân gian. Điểm đặc biệt của miếu các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là sự có mặt của bàn thờ Trăm quan đằng cựu và cách bài trí bàn thờ và đối tượng thờ giống nhau ở tất cả các miếu.

 

- Tam Bửu gia của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Làng có Tam Bửu tự, gánh có Tam Bửu gia là cách sắp xếp của Đức Bổn Sư. Tam Bửu gia là phủ thờ của gánh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thường được xây dựng gần nhà Trưởng gánh hoặc vùng đất có nhiều gia đình thuộc dòng họ Trưởng gánh cư trú. Tam Bửu gia làm theo kiểu nhà “bánh ít”, thường lợp lá, vách đất.

 

Tam Bửu gia có các bàn thờ: Chánh đức thiên la thần, Thổ trạch long thần (ở sân), Tả mạng thần, Hữu mạng quan (ở cửa), bàn thờ chư vị, Tây phương cực lạc, Đức Bổn Sư, Cửu huyền thất tổ bên nội, bên ngoại của dòng họ Trưởng gánh; Cửu huyền thất tổ bên nội, ngoại của bá tánh trong gánh, bàn thờ Thánh (ở nhà trước), bàn thờ Tam giáo hỏa lầu...(ở nhà sau).

 

Thực chất Tam Bửu gia là nhà thờ họ của dòng tộc Trưởng gánh, tổ chức, sinh hoạt theo tinh thần Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Vì vậy, nó là nét độc đáo trong quan hệ làng-họ-tôn giáo. Ở Việt Nam tồn tại nhiều tôn giáo, có những tôn giáo cả làng, cả họ tin theo nhưng chưa thấy có tôn giáo nào xâm nhập và chi phối sâu sắc vào quan hệ dòng tộc, làng xóm như đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, mà trong trường hợp này biểu hiện cụ thể nhất ở Tam Bửu gia.

 

- Bàn thờ tại nhà riêng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Đặc trưng hành đạo của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa là thờ phụng, cúng lễ nên bàn thờ tại gia được tổ chức trang trọng có cấu tạo tiền nghi hậu tợ và bài trí như ở chùa. Nhà tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa có tới 11 bàn thờ. Trước sân nhà có bàn thờ hai tầng, thờ Chánh đức thiên la thần và Thổ trạch Long thần. Hai bên cửa có hai bàn thờ Tả mạng thần và Hữu mạng quan. Trong nhà thờ: Tây phương cực lạc, Trần Điều, Quan Công, Thập vương, Cửu Thiên huyền nữ, Cửu huyền thất tổ bên chồng, Cửu huyền thất tổ bên vợ, Tam giáo hỏa lầu. Riêng nhà Trưởng gánh, Cư sỹ, Thông tín có thêm bàn thờ Thánh. Khi bạn bè tới thăm nhà thường xá lạy trước bàn thờ giữa nhà xem như chào ra mắt sau đó mới nói chuyện với gia chủ. Lúc về cũng xá lạy như vậy.

 

- Hội lễ và nghi thức thờ cúng của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Do phải đền trả Tứ Ân, tu nhân và học Phật nên đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có rất nhiều đối tượng để thờ cúng và thường xuyên thực hiện nhiều loại cúng lễ tại nhà riêng, Tam Bửu gia, đình, miếu, chùa. Cúng lễ Tứ Ân Hiếu Nghĩa rất nhiều loại, vừa đơn giản vì cúng vật không cầu kỳ, cách thức tiến hành nhiều lễ hội có các bước giống nhau, vừa phức tạp do thực hiện nhiều nghi thức, từ cách lạy đến các bước tiến hành, nhiều lễ hội kéo dài hai, ba ngày, thu hút hàng chục ngàn người tham dự.

 

Lạy là một nghi thức quan trọng của cúng lễ, biểu lộ hành động của tín đồ với đối tượng được phụng bái và thể hiện quan niệm đạo lý. Khác với cách lạy của Phật giáo và Hòa Hảo, động tác lạy của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, lòng kính trọng đối với “mười phương Phật”, Thiên-Địa-Nhân. Trong mỗi cúng lễ tại chùa, tín đồ đều phải lạy hết các bàn thờ với hơn 100 lạy. Lạy xong, tín đồ phải Nguyện hương chú.

 

Mỗi hội lễ và cúng lễ diễn ra trong nhiều ngày với những bước khác nhau: Cúng Tràng phan, Cúng Tiên, Cúng Khai kinh, Cúng Ngọ khuya, Cúng Ngọ Chánh, Cúng hòa nam bế lễ. Các ngày lễ Vía có thêm bước lễ Triêm Ngưỡng, lễ Lục cúng. Lễ Lục cúng Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều điểm tương tự nghi thức lễ lục cúng ở triều đình nhà Nguyễn, mà điều này không phải là phổ biến trong cúng lễ ở Nam Bộ. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa thường dùng các loại sớ, điệp khác nhau trong cúng lễ.

           

Là nơi thờ tự quan trọng, chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa diễn ra rất nhiều lễ: Quản tự và hai cư sỹ thay phiên cúng lễ hai lần trong ngày vào lúc 6 giờ và 18 giờ. Hàng tháng có thêm ba lễ Vía thường, nhằm vào các ngày 9, 19, 29 Âm lịch. Cúng phẩm gồm dẽo (xôi), ngọt (chè), trái cây do chủ phiên - một tín đồ được phân công đóng góp mang tới thực hiện.

 

Hàng năm chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa có rất nhiều lễ lớn, thu hút hàng ngàn người tham dự:

Tháng giêng có sáu lễ: Chánh Đán (ngày 2-3), Ra mắt (ngày 7), Ngọc Hoàng (ngày 9), Thập nhị công nghệ (ngày 12-13), Thượng nguyên (ngày 14, 15 và 16), Khai kinh đầu năm (ngày 24).

Tháng 3 có hai lễ: Vía Phật Trùm (ngày 12-13), Thái Dương (ngày 19).

Tháng 4 có hai lễ: Vía Phật Thích Ca Đản sanh (ngày 8), Phật Vương (ngày 23-24).

Tháng 5 có hai lễ lớn trùng ngày là lễ sinh nhật Đức Bổn SưĐoan ngọ (ngày 5).

Tháng 6 có lễ Vía Tam giáo hỏa lầu (hai ngày 11 và 12).

Tháng 7: lễ Trung nguyên (ngày 14-15).

Tháng 8 có ba lễ: Phật Táo (ngày 3), Vía Phật Thầy Tây An (ngày 12-13), Vía Thái Âm (rằm tháng 8, Tết Trung thu).

Tháng 9 có một lễ lớn: Trùng Cửu (ngày 9).

Tháng 10 có ba lễ lớn liên tiếp nhau: Vía Niết Bàn (ngày 8), Vía Tổ (ngày 12-13), Hạ nguyên (ngày 14-15 và 16).

Tháng Chạp có ba lễ: Chư Thiên (ngày 23), Hoàn Kinh (ngày 24), Rước Chư Thiên (ngày Tất niên).

Ở đình, mỗi năm có hai lễ vào dịp tết Nguyên đán là lễ Dựng nêu rước Chư thiên và Hạ nêu, nghi thức cúng lễ như ở chùa, và hai lễ lớn đó là lễ Kỳ YênLạp miếu (hay Chạp đình). Lịch lễ Kỳ Yên ấn định tuần tự trong tháng Giêng, liền nhau tại bốn làng: An Định ngày 19-20, An Hòa ngày 21-22, An Thành ngày 23-24, An Lập ngày 25-26. Lễ Lạp miếu diễn ra trong tháng 11 Âm lịch cũng theo tuần tự như trên mỗi làng (mỗi làng 2 ngày từ mồng 9 đến 16). Nghi thức Kỳ yên, Lạp miếu cơ bản giống nhau với các bước cúng lễ: Thỉnh Sắc, Cúng Tiên, Khai Kinh, Lục Cúng, Ngọ Khuya. Trong khi cúng người ta cũng đọc sớ điệp và kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa như ở chùa.

 

So với sinh hoạt, nghi thức cúng lễ ở các đình làng Nam Bộ, đình của các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều điểm khác: số lễ ít hơn, các bước tiến hành không giống nhau, cúng phẩm là những con heo, gà làm bằng bột. Nghi thức cúng lễ ở đình chịu ảnh hưởng của nghi thức cúng lễ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chúng giao hòa, khó phân biệt ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo.

 

Miếu các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vùng Thất Sơn ngoài việc cúng lễ hương, hoa, đăng thường nhật, hàng năm mỗi miếu đều có một ngày lễ lớn, gọi là lễ Cầu an được tổ chức long trọng, thu hút nhiều người tham dự. Nghi thức, cúng phẩm, các bước lễ cầu an ở miếu đều giống nhau: Cúng Thượng Tràng phan, Thỉnh sắc, Cúng tiên, Cúng khai kinh, Lễ dâng lục cúng, Cúng Ngọ khuya, Hòa nam lễ tất. Điểm khác nhau của lễ cầu an giữa các miếu là nội dung bài sớ cúng vị thần của miếu. Ở bốn làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vùng Thất Sơn, lễ cầu an dường như tháng nào cũng có, vì số lượng miếu rất nhiều...

 

Là nơi thờ tự riêng có của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm tùy theo lịch lễ mà Tam Bửu gia tiến hành các nghi thức cúng lễ như ở chùa, nhưng do người trong gánh thực hiện.

Tam Bửu gia có ba lễ lớn riêng: Lễ hội Bửu đài (tổ chức hai lần vào ngày 5/5 và ngày tất niên Âm lịch) và Lễ giỗ ông bà trong gánh (hay đối kỵ, vào một ngày do thành viên trong gánh chọn). Mỗi lễ hội diễn ra một ngày, nghi thức giống nhau. Cúng Chánh Ngọ là bước lễ quan trọng nhất. Cúng lễ ở Tam Bửu gia mang tính chất kỵ giỗ, hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, đồng đạo và biểu lộ sự đoàn kết trong gánh. Tính chất đó thể hiện sự gần gũi giữa Tam Bửu gia với nhà thờ họ của người Việt nói chung.

 

Nhà riêng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng có nhiều cúng lễ. Hàng ngày cúng lễ hai lần: sáng cúng lễ Thái Dương, hòang hôn cúng lễ Thái Âm. Gia chủ chỉ dâng hương, nước, đăng, quỳ lạy trước các bàn thờ. Hàng tháng và trong năm theo lịch lễ như ở chùa, nhà riêng tín đồ cúng lễ trọng thể hơn. Bàn thờ thường có thêm ngũ quả, hoa, dẽo (xôi), ngọt (chè)... Ngoài ra, mỗi gia đình đều có nhiều ngày cúng lễ Đối kỵ (giỗ ông bà, cha mẹ cả bên chồng lẫn bên vợ) và một ngày cúng lễ chung cho mọi vong linh trong họ qua nhiều thế hệ. Trước khi tiến hành lễ này, gia chủ phải có khay trầu rượu tới chùa Tam Bửu xin phép và rước Trưởng gánh tới cúng giúp cho.

 

Không kể đến ảnh hưởng của tôn giáo, thì ngay trong việc thờ phụng tổ tiên, cúng lễ tại gia của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng có nhiều điểm khác với tục thờ cúng ông bà của người Việt nói chung.

 

- Hôn nhân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Hôn nhân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa được trình bày dưới đây là những điểm riêng so với phong tục nói chung.

Khi hai gia đình thuận ý cho con cái kết hôn, nhà trai tới nhà ông Gánh trình báo và nhờ xem ngày làm lễ Giáp lờiĐám nói (lễ Đại Tân Khoa). Người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng do tổ tiên phiêu bạt khắp nơi nên những người trùng tên họ không được lấy nhau (ví dụ người họ Nguyễn sẽ không được lấy người họ Nguyễn cho dù chưa xác định có cùng huyết thống hay không). Sau lễ Đám nói một thời gian ngắn sẽ tiến hành lễ Nạp Tế. Trước lễ cưới (Tiểu đăng khoa) vài ngày, cô dâu chú rể phải tới nhà ông Gánh mời ông làm chủ hôn và xin phép ông được ra trình lạy, cẩn báo Thầy Tổ tại chùa Tam Bửu. Lễ này có người gọi là Phụ Ngọ. Sau lễ cưới ba ngày, cô dâu, chú rể về lại nhà vợ để làm lễ Phản bái.

 

Như vậy, hôn nhân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa diễn ra qua 6 bước, duy trì đầy đủ nghi thức riêng đến tận ngày nay. Các bước tiến hành, từ cách thức cúng lạy, vai trò của ông gánh đến món ăn tiệc cưới đều bị ảnh hưởng của quy định sinh hoạt tôn giáo.

 

- Táng tục:

 

Nếu bị bệnh nặng gia đình tín đồ nhờ ông Gánh cầu kinh ba đêm. Khi có người qua đời, người thân bưng khay trầu, cau, rượu tới trình báo với ông Gánh, sau đó tới chùa báo với Thầy Tổ. Việc xé tang, viết bài khâm, lập bàn thờ, ép lòng phái, bùa chú vào xác chết do ông Gánh và cư sỹ thực hiện. Trước khi liệm làm lễ nhập mặt. Thi thể được kẹp bằng 7 hay 9 thanh tre (Võng nội) tùy theo nam hoặc nữ. Các thanh tre được buộc bằng ba dải vải trắng gọi là Võng ngoại. Thi thể được trùm trong một tấm vải lớn may kín ba chiều gọi là Khâm, xem như quan tài, vì không dùng quan tài gỗ. Thông thường người chết được chôn trong vòng không quá 24 tiếng, trường hợp phải chờ người thân ở xa, có thể để tối đa 3 ngày. Sau khi chôn, thì xả tang và mở cửa mả ngay.

 

Quan niệm không dùng quan tài, xác chết chôn trong đất theo truyền ngôn là của Đức Bổn Sư. Ông cho rằng con người sinh ra từ đất, nước, không khí, lửa do vậy khi chết phải hoàn trả về cho “tứ đại”, giúp thân xác mau tiêu, linh hồn sớm siêu thoát. Mộ để phẳng, dùng đất trồng cây cối mau tươi tốt. Thời gian gần đây, tục chôn người chết không dùng quan tài ở vùng Thất Sơn không còn được tín đồ thực hiện. Tuy nhiên, ở vùng Núi Nứa, Long Sơn tục này vẫn  duy trì. Để tránh đau khổ cho người thân người ta dùng ba quan, là quan tài dùng chung cho mọi người quá cố để khiêng thi hài đến huyệt...

 

- Trang phục của tín đồ của Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Trang phục của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, không phân biệt chức sắc hay tín đồ, là trang phục cổ truyền của người Việt ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, được duy trì đến nay. Vì thế, nét riêng của trang phục Tứ Ân Hiếu Nghĩa chỉ gây chú ý từ đầu thế kỷ XX (sau phong trào Duy Tân) và các quá trình chuyển tiếp trong “cái mặc” của thời đại.      

 

Bộ bà ba đen là trang phục truyền thống của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Mỗi tín đồ phải có tối thiểu một cái khăn đóngmột chiếc áo dài đen (may bằng vải thường, không dùng vảo tốt) để mặc khi đi cúng lễ. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa dù là đàn bà hay đàn ông cũng không cắt tóc, để mọc dài tự nhiên, búi lại sau gáy. Việc để tóc, râu là  chứng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ.

 

Điểm đặc biệt trong trang phục của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa từ áo quần cho đến việc để râu tóc không phải là nét riêng của sự sáng tạo trang phục của một tôn giáo mới mà là sự bảo lưu tập tục dân tộc, cho dù tập tục đó, đầu thế kỷ 20, đã từng bị lên án. Sự duy trì đầy bản lãnh ấy đã tạo ra nét riêng khi trang phục xã hội qua nhiều đổi thay...

 

- Những ngôn từ đặc trưng của Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Những ngôn từ đặc trưng của Tứ Ân Hiếu Nghĩa là hệ thống những ngôn từ riêng, được sử dụng phổ biến thay cho cụm từ, khái niệm phổ thông tương ứng trong  tiếng Việt. Những ngôn từ này có thể do người lập đạo, ông Trò, ông Gánh hay dân gian đặt ra nhằm bộc lộ nội dung riêng theo tín ngưỡng, chỉ sự việc mới hoặc kiêng húy... mà người ngoài đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không có, không dùng hoặc không phổ biến. Có thể phân loại đặc ngữ Tứ Ân Hiếu Nghĩa theo nội dung phản ánh của khái niệm: chức sắc, cơ cấu tổ chức, kiêng húy, ngôn ngữ dùng riêng trong lễ tục và sinh hoạt thường nhật... Ví dụ:

 

Cung (cũng gọi là cuông): Từ thay cho chữ công khi nói tới nhằm tránh gọi tên Quan Công.

Vuông: Đơn vị tính diện tích khoảng đất thay cho công đất là cách gọi phổ biến ở Nam Bộ (1 vuông đất = 1 công đất), nhằm tránh gọi tên Quan Công.

Ngọt: Từ thay cho chè, đường (thực phẩm, đường = ngọt), cũng với ý nghĩa như “lộ” hay “nẽo”.

Lại: Từ dùng thay cho chữ “Lợi” (người theo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không nói “có lợi” mà chỉ nói “có lại”), nhằm kiêng tên Đức Bổn Sư Ngô Lợi.

Trong dầu: Danh từ dùng để chỉ cái đèn (thắp), nhằm tránh gọi tên ông đạo Đèn.

Lên đăng: Tức thắp đèn hay đốt đèn, nhằm kiêng tên húy ông đạo Đèn.

Lớn: Từ thay khi nói có chữ “Trùm” (không nói “bao trùm...”), nhằm kiêng tên húy Phật Trùm.

Vẹp: Danh từ thay cho tiếng Vịt (gia cầm). Vẹp là tiếng kêu của con vịt, thay cho tên gọi chính thức thông dụng của nó, nhằm tránh phát âm “Dịch” (tiếng Nam Bộ), tức dịch bệnh, điềm xấu, cần tránh nói.

Ngoài ra, một số từ khác cũng dùng để gọi nhằm tránh tên húy của một số vị chức sắc là ông Trò, ông Gánh thuộc lớp tiền nhân có nhiều công lớn với đạo, như Trác (thay cho trước), Thới (thay cho Thái), Kiêu (thay cho Cao) v.v... nhưng ít rộng rãi và phổ biến trong tín đồ.

Dẻo: Là xôi, nếp (thức ăn), phẩm vật chính thức của mọi cuộc cúng lễ. Gọi dẻo phần nào nhằm thể hiện sự dẻo dai, đoàn kết...

Ngọt: Từ gọi thay cho các loại chè có dùng đường (ngọt) nói chung.

Kỉnh: Tức là cúng (cúng lễ = kỉnh lễ).

Lên: Đốt, thắp nhang và đèn (đốt đèn, thắp nhang = lên đăng, lên nhang).

Lọn: Danh từ dùng để chỉ quả cau (có lẽ là tránh gọi cau vì tiếng Nam Bộ gọi như “cao”, mà tiếng này vốn kiêng húy gọi là kiêu).

Phụ ngọ: Lễ trình báo, cúng chùa, một trong những bước quan trọng của Hôn nhân.

Độ: dùng bữa, ăn cơm (Độ cơm = ăn cơm, độ ngọt = ăn chè...)

Điệu nghệ: Từ chỉ chung những người ăn ở, cư xử có đạo nghĩa, hào hiệp, làm tròn bổn phận Tứ Ân Hiếu Nghĩa (ví dụ người ta thường nói ông A là người điệu nghệ để chỉ bao hàm đầy đủ các đức tính trên)./.

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 4076
Ngày đăng: 10.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Bằng và Nghệ Thuật Viết Chân Dung Văn Học - Đỗ Ngọc Thạch
Hoàng Sa-Trường Sa Là của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Những bất lợi lớn trong các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên - Nguyễn Trung
Bàn về Vạn vật -1 - Nguyễn Ước
Bàn về Vạn vật -2 - Nguyễn Ước
Từ Những Địa Danh Nghĩ về Chất Ký Trong Thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Tửu Lượng Trong Truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Đôi nét về Logos và Logic * - Nguyễn Ước
Ðôi nét Kitô giáo - Nguyễn Ước
Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)