Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
516
115.990.315
 
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tản Đà: Trăm năm cuốn nhật ký tình yêu
Tân Linh

Ông sinh ngày 20/4 (ÂL) năm 1889 mất cũng đúng vào ngày 20/4 (ÂL) năm 1939. Đến ngày  (14/5 Dương lịch, tức 20/4 ÂL) là kỷ niệm 120 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất Tản Đà. Thơ văn ông, cuộc đời ông vẫn được người đời nay ca tụng, nhưng chúng ta vẫn còn chưa được biết nhiều giai thoại về thi sĩ lớn của thế kỷ 20. Vâng, cuộc đời ông, một cuộc đời khác thường, một tài năng khác thường đã để lại bao nhiêu câu chuyện đẹp về người thi sĩ tài hoa đến tận bây giờ.

Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi

Danh lợi bèo trôi rượu nặng vai (Tản Đà)

 

Trang nhật ký cách đây 100 năm…

 

 

Cuộc đời tài hoa và đào hoa của thi sĩ Tản Đà còn chưa được tư liệu, sách vở phản ánh hết. Lần thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người con trai trưởng của Tản Đà, hiện đang ở tại Phú Thọ dịp gần đây, tôi được ông cung cấp thêm nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời thi sĩ, chủ yếu là những mối tình thời trai trẻ của thi nhân.

 

Ông Xương bảo bố tôi tài hoa và... đào hoa lắm. Thi trượt trường Nam trở về, ông mang theo mối tình cô gái thành Nam, thiết tha và hồn nhiên trong sáng quá chừng.

 

Ông Xương cho tôi xem những trang nhật ký viết tay của Tản Đà viết cách nay đúng 100 năm kể về những mối tình tuổi trẻ. Tập nhật ký viết bằng bút mực, tả về những mối tình thơ dại của chàng học trò Nguyễn Khắc Hiếu với những tiểu thư gặp ở nơi trọ học và ứng thí hồi ở Nam Định. Cái con người đa tình đa cảm ấy đã cùng lúc phải lòng hai thiếu nữ. Mà người con gái nào trong ba chị em ấy cũng đều mến chàng. Nhưng chàng chỉ cảm mến hai người em.

 

“Cô M. Dáp mới 13 tuổi nhưng đã rất si tình, trưa và tối thường đến. Người con ông chủ nhân mới 14 tuổi cũng nhan sắc mà ăn nói hơi có vẻ đanh. Còn người con gái nhớn đầy đặn mà trắng, tính nết trung hậu, ăn mặc thời theo lối quê. Trong một giấc mộng ấy liền - đứt mê man, ly hợp không thường...” - cụ Tản Đà ngày đó thổ lộ tình yêu trên giấy như thế.

 

Cuốn nhật ký tình yêu của người thi sĩ trẻ đã đưa ta về một trời mộng xưa, khi tình yêu trai gái còn chưa nhuốm màu hiện đại. Đoạn tả cảnh chiều cuối năm chàng được nàng hái lá thơm về đun nước cho tắm. Tắm xong hai người ra vườn hái hoa và thả hồn mơ mộng giữa khung cảnh lãng mạn thanh bình: “Khách địa tha hương, giai nhân tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng hoa hồng. Trời Nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bớt đi một...”. Câu chuyện gợi nhớ Lưu Nguyễn xưa vào chốn Thiên Thai lấy hai tiên nữ, nhưng bây giờ chàng thư sinh Khắc Hiếu chỉ còn một cô Ất bên mình.

 

Cuốn nhật ký cũng kể lại những kỷ niệm như chơi bài đẹt mũi. Rồi rủ nhau đi xem chèo. Kể chuyện lưu luyến tiễn anh khóa trẻ lên tàu ngược Hà Nội... Những câu chuyện trong nhật ký cho biết ông là người nhiều hệ lụy với tình yêu.

 

Phát hiện tình cờ

 

Tập nhật ký đến tay người con trai trưởng Nguyễn Khắc Xương cũng thật tình cờ, khác nào có sự sắp đặt của ai đó. Ông Nguyễn Khắc Xương kể, lúc tôi về thành Nam chơi với bà bác thì bỗng đâu có cụ bà chừng tám chục tuổi sang bảo tôi: Ông là con trưởng cụ Tản Đà phải không? Nếu phải thì ông sang ngay gặp ông nhà tôi.

 

Ngỡ có chuyện gì, tôi liền sang. Thì ra đấy là ông Ngô Quý Chức, cháu ruột cụ Ngô Ngọc Trực. ông Chức từng làm thư ký toà soạn báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Ông cụ đưa cho tôi tập giấy đã cũ. Cuốn sổ chi chít nét chữ quốc ngữ viết tay, bảo: Tôi trả lại anh tập nhật ký của cụ Tản Đà. May cho anh là vì tôi sắp đi rồi... gặp được anh là tôi mãn nguyện.

 

Hai tập nhật ký Tản Đà ông Trực đưa tôi nói là của Tản Đà viết từ năm ngoài hai mươi tuổi, tức là cách đây đã 100 năm. Tôi thật lấy làm bàng hoàng vì còn có người yêu quý thi sĩ mà giữ cho cả những bút tích ngày cũ. Mà hơn thế, đây là những trang viết đầu tiên thời Tản Đà bắt đầu học viết chữ quốc ngữ... Nét chữ thật đẹp và nắn nót nhưng còn nhiều lỗi chính tả quá. Một nhà Nho từng dự kỳ khoa bảng cuối mùa ở thành Nam giờ xoay sang Tây học và lần đầu viết chữ quốc ngữ. Do đó tập nhật ký không chỉ quý bởi tư liệu về thi nhân mà còn có giá trị lịch sử nhất định.

 

Theo ông Nguyễn Khắc Xương thì đây là kỷ niệm tình yêu đầu tiên trong văn đàn Việt Nam được viết ra giấy trắng mực đen, trước cả Thế Lữ, Xuân Diệu...

 

Tản Đà và những “khối tình”

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương kể: Một dạo tôi sang Vũ Di thuộc phủ Vĩnh Tường xưa chơi như để tìm lại bước chân phong trần thi sĩ hồi đầu thế kỷ trước. Một cụ bà chừng 82-83 tuổi gặp tôi rất mừng. Cụ bà thuật lại mối tình Phủ Vĩnh của nhà thơ... Dạo ấy cậu ấm Hiếu (Tản Đà) ở với ông anh là Giáo Thụ tại Vĩnh Tường, cạnh nhà tri phủ. Cách nhau chỉ một cái cầu ao... nên mới có chuyện ông dan díu với cô gái con tri phủ. Đêm trăng gió mát, cô gái ra ao chơi bỗng nhìn thấy bên kia ao Tản Đà thư sinh đương ngồi học.


Mối tình ấy rồi cũng chả đi đến đâu. Có lẽ vì thế chúng ta mới có những thi phẩm tình yêu đầu thế kỷ của người. Hãy đọc lại bài Ngày Xuân tương tư in trên An Nam tạp chí năm 1932 của Tản Đà: Ngàn dặm dám quên tình lúc ấy/ Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa/ Tương tư một mối hai người biết/ Ai đọc thơ này đã biết chưa?

 

Nhớ rau sắng chùa Hương, mùa Xuân năm 1923 không đi lên Hương Tích, Hương Sơn, ông làm bài thơ in báo. Đọc báo rồi, nghe nói sau đó có một nàng đã thân chinh gửi rau sắng về nhà cho thi nhân...

Đương nói chuyện đời, chuyện tình Tản Đà, ông Nguyễn Khắc Xương như chợt thấy mình đã bộc bạch quá nhiều về cha mình. Ông bảo: Tôi đương giữ bản quyền mọi câu chuyện đấy nhé. Viết gì thì cũng nhớ chú thêm rằng theo nhà Tản Đà học Nguyễn Khắc Xương đấy! Ông nói thêm: “Khi lấy mẹ tôi rồi, cụ gác lại hết những chuyện tình cảm ấy. Nhưng qua nghiên cứu, tôi biết cụ vẫn âm thầm nhớ đến hình bóng cũ. Tản Đà đã sống hết mình cho tình yêu không lụy phong tục lễ giáo”.

 

Không được cùng thời để “uống rượu với Tản Đà” như ông Trần Huyền Trân, tôi xin được cụng ly với ông Nguyễn Khắc Xương trưởng nam của cụ, cùng cháu gái của cụ là cô Mai Thoa đương làm việc ở Bảo tàng Phú Thọ, xin dâng nơi cửu tuyền ba vái thi hào tiên sinh nhân 120 năm ngày sinh và 70 năm ngày giỗ cụ...

 

TT&VH

Tân Linh
Số lần đọc: 1896
Ngày đăng: 14.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò chuyện với Nhạc sĩ La Nhiên - Mang Viên Long
Sức mạnh của chữ - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du - Bùi Văn Nam Sơn
Đọc và Nghe Thi Nhạc Khê Kinh Kha - Võ Công Liêm
Mãi mãi tuổi đôi mươi - Vũ Trà My
Cô gái Huế ở Sàigòn - Trần Dzạ Lữ
Người Kéo Vĩ Cầm Trên Da Thịt - Trần Áng Sơn
Anh giúp đời. Đời, ai giúp anh? - Võ Quê
Tôi dịch Csáth Géza - Nguyễn Hồng Nhung
Thời gian - Nguyễn Hồng Nhung