Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
764
116.499.484
 
Đọc Quyên ở ngoài nước Đức
Đỗ Quyên

(Lời bạt in trong tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ, NXB Hội nhà văn 2009)

 

Chúng tôi thật hạnh phúc và vui mừng được thưa với bạn đọc người Việt ở Đức, ở Việt Nam và ở khắp nơi trên hành tinh này rằng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có Quyên, cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh viết về người Việt, về người phụ nữ Việt sinh sống, trôi nổi trên xứ người! Những số phận mỏng manh khuất nẻo đã được văn học phản ánh, chiếu rọi khách quan và trân trọng.

 

Thưa quý độc giả! Chúng tôi muốn bài bạt này như một khảo sát chung với các đề tài của phê bình văn học, của xã hội người Việt trong thời đại làng-thế-giới mà tiểu thuyết Nguyễn Văn Thọ là một minh hoạ đích đáng. Hy vọng nó sẽ gợi mở các thảo luận tiếp theo của văn giới, của độc giả về những gì “ở trong” và “bên ngoài” cuốn sách.

 

I. Cốt  truyện hay nội dung của một bộ phim

 

Quyên cùng chồng - Dũng, vượt biên sang nước Đức. Dũng đi trước, cô kẹt lại và bị kẻ dẫn đường tên là Hùng cưỡng hiếp. Khi Quyên mang thai, Hùng thương rồi yêu cô, mà trên hết là quý thương giọt máu của mình gửi nơi Quyên. Và Hùng quyết định đưa cô sang Tây Đức nhập trại tị nạn để sinh đẻ và tìm chồng. Nhưng khi vượt biên, để đánh lạc hướng cảnh sát cho Quyên trốn thoát, Hùng bị thương trong một tai nạn. Lại “nhưng” nữa: khi hai bên hội ngộ, Dũng không chấp nhận cái thai đó và xua đuổi vợ. Quyên trở thành bơ vơ. Hai dòng nước đã ở đằng sau. Cô tự tử và được Kumar - một người Sri Lanka - cứu sống. Sau đó họ yêu nhau, sống hạnh phúc với một quán ăn nho nhỏ, tuy Quyên không được trở thành vợ chính thức. Một ngày kia, nhận được thư của Hùng báo tin sắp chết và xin được tha thứ, muốn gặp mặt con lần cuối, Quyên bèn mang con đến gặp Hùng. Hùng chết, thi hài được Quyên cho thiêu và đích thân mang tro cốt về Việt Nam. Tại đây, Hùng không còn một người thân nào. Quyên giấu người mẹ chuyện không may của mình với Hùng, và mẹ Quyên chấp nhận chôn Hùng trong khu vườn của gia đình. Trong khi đó Kumar đi tìm Quyên, với tin lành là bà mẹ Kumar đã vượt qua lời nguyền của dòng tộc để chấp nhận Quyên.

 

II. Khái niệm: “Độc giả là người không xa lạ”

 

Tôi đã từng khoan khoái đọc Quyên ở Úc châu, như một bạn văn bạn thiết, làm độc giả cho cuốn tiểu thuyết đầu tay với hai chương bản thảo mới tinh. Tôi đã từng chọn đọc, tại Canada, nhiều chương của Quyên, khi biên tập cho một tuyển tập thơ văn. Tôi đã từng nhíu mắt đọc nhảy cóc Quyên ở Việt Nam, khi nó đang đi về các chương cuối trên tay tác giả trong chiếc ô tô dưới ánh trăng đường rừng Nghĩa Lộ. Tôi đã từng hồi hộp đọc văn bản cuối cùng của Quyên, khi về lại Canada trong tuyết đầu mùa ngập ngụa, và nay hay tin sách sắp ra mắt. Nhưng mà tôi chưa được đọc Quyên trên chính nước Đức.

Lý luận văn học có hay chưa có một khái niệm, một nội dung cho cách tiếp nhận tác phẩm thường gặp: Đọc tác phẩm với những gì độc giả có kinh nghiệm, liên hệ bản thân nhưng lại đang ở môi trường không gian - thời gian, tâm thức khác hoặc rất khác? Anh ta, cái người đọc ấy như bị hoặc được trở thành người khác, mà không là kẻ xa lạ, với vấn đề của tác phẩm. Đó là một người trai Hà Nội đọc bài thơ về Hà Nội khi chàng ở xa Hà Nội năm không còn mười tám khi vừa hết yêu. Đó là một sĩ quan Mỹ về già ở Boston đọc truyện ngắn về chiến tranh xảy ra tại Quảng Ngãi nơi ông từng tham chiến. Đó là một gái góa thâm niên vừa đã thành bà vợ chỉn chu, đọc phóng sự về người đàn bà nọ dò dẫm “đi bước nữa” ra sao. Đó là các độc giả ở Việt Nam đọc trong Quyên thấy con người Việt của họ mà cái con người ấy lại đang chia thân trên đất Đức. Đó là tôi - người viết dòng này - từng phải qua những tháng năm dài nước Đức trong bối cảnh tương tự, từng có thể là một nhân vật nào đó hay là một phần của một, hai nhân vật nào đó trong Quyên, và từng viết những trang văn thơ có nội dung tương tự tiểu thuyết Quyên. Vâng, một tôi đó đã đọc Quyên. Đỗ Quyên đọc Quyên ở ngoài nước Đức.

 

Ý thức người khác không xa lạ - xin tạm gọi vậy - sẽ cho cách đọc mang nhiều thứ tính, như: Tính bán nhập cuộc, Tính so sánh, Tính cố chấp, v.v... Tính bán nhập cuộc khiến độc giả loại này khi thấy mình, lúc thấy mất mình. Điều đó lý thú. Buộc người đọc luôn có các điểm nhìn khác nhau. Khi họ là chủ, lúc làm khách. Khi chủ quan lúc khách quan. Tính so sánh cái tôi của họ từng là nhân vật của tác giả, từng là người chứng kiến tác phẩm đã cho cách đọc văn bản một độ cao khoa học. Đó là điều tốt, nếu đừng khập khiễng. Tính cố chấp lại cản trở lối đọc này...

 

III. Sáng tác đầu tay giữa hai thái cực

 

Hoặc là xuất hiện bằng một kiệt tác, hoặc là tự vặn cổ mình. Với sáng tác đầu tay, chỉ rất ít người - hoặc là đấng thiên tài hoặc là kẻ điên rồ - mới ở hai thái cực mà thiên tài Balzac (điên rồ!) chỉ ra. Còn lại, các văn nghệ sĩ chúng ta đu đưa ở giữa, theo những mức khác nhau. Với Quyên, tôi thấy tác giả có một sáng tạo văn chương hấp dẫn ở lối kể, tài năng ở văn phong, đặc sắc ở đề tài, nhân bản ở quan niệm... Tôi cũng thấy trong tác giả này có một nhà văn “vặn” toàn thân thể và toàn hình thể văn học của mình để ra cuốn tiểu thuyết đầu đời.

Đoạn văn định mệnh sau đây có thể là một trong các điều ấn tượng nhất cho cuốn sách:

Kumar đi trước, đưa Quyên tới cuối dãy hành lang, dừng lại trước gian phòng có cánh cửa màu trắng. Cửa có cái lỗ kính quan sát như mắt chột. Anh gõ cửa, gọi lớn: Anh Dũng ơi, có khách này!

Theo dòng-nước-thứ-ba, con thuyền Quyên đi tìm lại dòng-nước-thứ-nhất. Trong cái mặt nạ trắng chỉ có một mắt. Vẻ bi hài diễn ra một cách nhẹ tênh, như cuộc sống vốn đã là và sẽ là...

 

 IV. Một tác phẩm mới của dòng văn học Việt di dân và văn học toàn cầu hóa

 

Nếu văn học của thế kỷ đã qua, trên căn bản, là văn học di dân, thì với thế kỷ này nhân loại đang và sẽ có một trào lưu văn học toàn cầu hóa.

Nhiều giải thưởng lớn của Mỹ, của thế giới đã dành tặng cho các trang văn về sự xa xứ sở, lìa tổ quốc. Ở Việt Nam, hình như chúng ta vẫn coi văn chương di dân là chuyện-của-người-khác, trong khi đến nay có tới 3,5 triệu con dân Việt, rải hầu khắp các quốc gia, là nhân vật ngoài đời của dòng văn học ấy.

Văn, nhất là tiểu thuyết, chuyên về người Việt đi du học, lao động xuất khẩu, di dân ở Liên Xô - Đông Âu cũ đúng ra phải nhiều và hay hơn nữa. Dệt mộng đó, tôi cám ơn tiểu thuyết của Hữu Đạt, Thế Dũng... và nay Nguyễn Văn Thọ!

Văn học về người Việt tạm cư, định cư ở vùng Liên Xô - Đông Âu cũ đang cần phải trở thành một trong các điểm sáng trên bản đồ văn học Việt. Bởi Liên Xô - Đông Âu cũ từng cưu mang một quá khứ vừa hào hùng vừa bi ai trong lịch sử, xã hội Việt Nam nửa thế kỷ qua. Điểm văn học đang sáng ấy cũng rất cần các “tác phẩm lớn”, “tác giả lớn” chuyên chở cái hào hùng bi ai của nó! Giữa làng văn Việt ở Liên Xô - Đông Âu cũ, cùng với Thế Dũng và Phạm Thị Hoài, Lê Minh Hà và Nguyễn Hoài Phương, Đoàn Minh Phượng và Phạm Hải Anh, Trần Hồng Hà và Đỗ Quyên, thì Nguyễn Văn Thọ không là tác giả mở đường nhưng anh là nhà văn thành công nhất ở sứ mạng trên. Và Quyên là thể hiện tiểu thuyết hết mình của Nguyễn Văn Thọ - một truyện ngắn gia thành danh xuất sắc trên văn đàn Việt Nam hơn một thập kỷ qua.

 

V. Thêm khúc ca bi tráng về thân phận Việt, về Việt tính

 

Ai cũng có thể suy diễn Quyên là một cách gọi khác của Kiều. (Tất nhiên, không ai lại bảo rằng tôi có ý ví tiểu thuyết này của Nguyễn Văn Thọ với Truyện Kiều của Nguyễn Du!) Chỉ là để so sánh thân phận bèo nước của người phụ nữ Việt Nam trên dòng đời nơi đất lạ... Quyên ở đây cũng có sông Tiền Đường của mình (Trại tỵ nạn Goldberg), cũng gặp Thúc Sinh của mình (Phi), cũng chịu trận đòn ghen sinh tử với Tú Bà của mình (vợ của Phi), và cũng hạnh phúc với Từ Hải của mình (Kumar)... Chẳng thể làm phép ánh xạ 1-1 cho Kiều - Quyên! Mỗi thời đại có cái người đàn bà khác nhau, và cái nỗi đàn bà cũng khác nhau ở từng chi tiết.

“Người Việt có các đặc tính gì?” - đó là câu hỏi khó theo suốt sự hình thành xã hội Việt trên mỗi thời kỳ. Nó, có lẽ, thành văn kể từ học giả Đào Duy Anh với Việt Nam văn hóa sử cương, và gần đây nhất là loạt bài, sách của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Theo cái nhìn Việt tính, Quyên là một sáng tác văn nghệ vô tình chứa nhiều thông tin xã hội học về thuộc tính của dân tộc Việt Nam.

Tất nhiên, điều đó càng đúng với các tiểu thuyết, truyện ngắn Việt Nam từng không chỉ làm chứng chỉ văn học cho xã hội nước nhà mà còn có thể xem như giấy thông hành văn chương Việt đến các quốc gia khác: Số Đỏ (Vũ Trọng Phụng), Đôi mắt (Nam Cao), Cuống rún chưa lìa (Bình Nguyên Lộc), Cũng đành (Dương Nghiễm Mậu), Thời xa vắng (Lê Lựu), Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), v.v...

Song Quyên lại cho thấy rằng, các nét hay dở trong nhân tính Việt đã hiển hiện khi người Việt Nam ra ngoài hình chữ S: Đức chịu đựng và kiên trì, sự tha thứ và nhạy cảm, độ mềm mại và dễ thích nghi ở Quyên; Tính cố chấp ở Hùng, Dũng; Sự liều mạng và nhẹ dạ ở Phi; Tính dũng cảm và tinh lanh ở Hùng; v.v... Lò đời của những người Việt du học, di dân, vượt biên đã không cho phép các Việt tính, xấu cũng như tốt, có thời gian thử lửa.

Thiển nghĩ, mức độ thể hiện nhân tính Việt có thể được xem là một mã số liên quan tới sự thành bại cho các sáng tác văn xuôi của dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại.

 

VI. Một số thành công về thi pháp, thủ pháp

 

- Chất truyện ngắn:

Nhà báo Hoàng Điệp rất tinh khi nhận xét, rằng mỗi chương tiểu thuyết là mỗi câu chuyện về cuộc sống của cộng đồng người Việt không chỉ ở nước Đức. Đúng vậy! Các chương I, II, IV, VII, v.v... về thể loại, là các truyện ngắn gần như hoàn chỉnh hay thực sự hoàn chỉnh. Là một tay súng thiện xạ trên trường truyện ngắn và bút ký văn học, Nguyễn Văn Thọ - vô tình hay hữu ý - đã thể hiện thành công của mình ở một trường viết khác: Tiểu thuyết. Các chương truyện có thể đứng độc lập vốn là một thủ pháp mạnh ở những khuynh hướng sáng tác Hậu hiện đại. Trong tâm thức nghệ thuật cũng như ở ý đồ sáng tạo Quyên, rất có thể tác giả - vì là một môn đồ tốt của trường phái Hiện thực chân chính - đã chẳng cần quan tâm cái “chất Hậu” ấy đang được dư luận coi là tân kỳ.

Để được vậy, tác giả của Quyên, một là biết dung hòa ngôn ngữ truyện ngắn và ngôn ngữ tiểu thuyết, khiến các chương sau đời sống riêng của mình vẫn có độ mềm khi được đan cài thành khối đặc tiểu thuyết. Nhà văn đã làm chủ được độ chảy của câu. Hai là biểu đạt khéo tâm lí nhân vật và xung đột truyện, khiến độc giả muốn đọc tiếp, khi mỗi “truyện ngắn độc lập” chạy hết một chương như là chấm hết một vấn đề.

 

- Chất điện ảnh:

Ngay khi đọc bản thảo các truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ, tôi thường nghĩ, văn xuôi ông này dễ dựng phim lắm. Lôi cuốn, kịch tính. Tình tiết lâm ly. Chuyển cảnh bất ngờ. Không gian, thời gian đan nhau trong sự chao đảo tâm lý, sự kiện. Quan trọng: Đề tài thời thượng mang tải các nội dung kinh điển. Các điều ấy vẫn đúng và đặc biệt phát sáng trong tiểu thuyết Quyên. Nên, ngay ở Phần 1, tôi đã mạo muội coi đó như một cốt truyện dành cho các nhà làm phim.

Chúng ta dễ thấy là nhiều kỹ thuật điện ảnh ở Quyên đã làm nên các trang-văn-hình, cho phép độc giả mường tượng từng chi tiết của nhân vật, hoàn cảnh: Đoạn mô tả sex ở Chương I đã bộc lộ rất dữ dội bản năng của con người nơi biên giới, còn khi Quyên và Kumar làm tình thì ống kính ngôn ngữ chỉ quay lướt để rồi lia về khung cảnh thiên nhiên, nơi tạo nên cái đẹp của tình dục trong tình yêu. Lev Tolstoy, Bùi Ngọc Tấn từng có các tuyệt phẩm chữ nghĩa tả tình yêu dưới trăng như thế!

 

- Chất báo chí:

Lại vẫn nhà báo Hoàng Điệp cũng có lý khi chị cho rằng, Quyên có “những chi tiết ăm ắp tính báo chí, khi tác giả chọn lựa cẩn trọng chúng đưa vào trang văn.” Theo các nhà phê bình trên thế giới, đặc tính này xuyên suốt đa số các tiểu thuyết hậu hiện đại trong nhiều chục năm qua.

 

- Và chất tiểu thuyết:

Cuốn tiểu thuyết đầu tay này thành công, như một hội tụ đẹp của vài tiêu chí chính trong nguyên tắc hiển nhiên là: Phi chất tiểu thuyết bất thành tiểu thuyết. ở Quyên, câu chuyện có cốt cách, lối dựng truyện chính tông, khe khắt mà vẫn tung hoành, thoải mái. Tả cảnh tả người đều nhuần nhụy...

Một độc sáng về thủ pháp là truyện có nhiều chi tiết “sốc và nóng”, dù khốc liệt nhưng vẫn giữ được nhân bản. Ví như: Không để Dũng, chồng của Quyên, tái xuất hiện kể từ khi đuổi vợ đi; Quyên làm tình với Phi bị vợ Phi bắt quả tang, Phi đâm chết vợ cứu người tình; Tro cốt Hùng được nằm trong khu vườn của dòng họ nhà Quyên; Hai bà mẹ Việt Nam và Sri Lanka trong việc chấp nhận Hùng vào gia đình Quyên và chấp Quyên vào gia đình Kumar; v.v... Ta còn có thể thấy độ mở về ý tứ trong không gian tiểu thuyết Nguyễn Văn Thọ (tiếc là nó “hơi bị mở” nên dễ tạo độ mờ ở tư tưởng tiểu thuyết.)

 

Một thủ pháp khác được tác giả giỏi sử dụng là các chi tiết ẩn dụ có mức khái quát về tính cách, số phận Việt. Trong truyện có hai cái vô tăm tích: Sự mất tích của Dũng và xuất xứ của Hùng. Các bí số này không thuộc về cái cụ thể của từng nhân vật. Nó là biểu hiện nghệ thuật cho sự giằng co giữa tính thiện và tính ác khi người Việt ra khỏi lãnh thổ của mình để mưu kế sinh nhai. Còn nữa, ngày nay trong kỹ thuật dàn dựng tiểu thuyết, tiết kiệm thông tin là điều các tác giả thường để tâm. Chính thế, truyện Quyên có khá nhiều nhân vật không có tên: hai người bạn của Huệ, anh thanh niên bị cưa chân gặp Quyên khi bán quần áo; còn ba người bồ của Thị chỉ có hỗn danh. Nguyễn Văn Thọ, qua trao đổi, cho rằng, “tất cả những điều ấy vừa mang tính khái dẫn, ẩn dụ vừa không làm sự chú ý của độc giả bị chi phối trong thời đại thông tin tràn ngập.”

 

Có thể kể thêm sự cẩn trọng nơi ngòi bút của tác giả khi mô tả cảnh trí sự kiện. Chẳng hạn: như mầu đèn hay cảnh bão tuyết được tả không chỉ đúng quy luật thiên nhiên mà còn hợp tâm trạng nhân vật. Đó là các cách rất hiệu quả để dự báo tình huống tiếp theo, hoặc dẫn dụ độc giả đọc tiếp.

 

VII. Một ít nhược điểm

 

Tôi cho rằng, Quyên có không nhiều khoảng thoáng nghệ thuật để độc giả chiêm nghiệm, tham dự. Đây như một nhược điểm chung cho những tiểu thuyết đầu tay (chưa được là kiệt tác!) Các tác giả thường “hồ hởi phấn khởi” kể thay miệng lưỡi của nhân vật, hành động “thay chân tay” của sự kiện. Tâm lý của nhân vật khó diễn tiến theo con tim của họ, mà lại bằng câu chữ của tác giả.

Nguyễn Văn Thọ không muốn là chủ nhân trên các trang văn nhiều tầng tâm lý? Khi tâm sự cùng tôi, anh cũng nghĩ rằng ở tiểu thuyết điều cốt yếu là những trường đoạn tâm lý và suy tư của nhân vật; thiếu chúng hay mô tả yếu, không logic, cuốn truyện dễ bị gãy. Và anh tự nhận đã sinh ra nhân vật Quyên quả là rất phức tạp. Hoàn cảnh sống ngặt nghèo đã tạo cho Quyên cách suy nghĩ không tuyến tính mà luôn có đột biến để vượt thắng hoàn cảnh, trở về bản ngã...

Về ngôn ngữ tiểu thuyết, trong một vài trường đoạn, tác giả có vẻ không bị sa vào sự từ tốn của Nàng tu từ và ưa chạy theo Chàng tự nhiên. Tác giả cho biết anh không quen lối tu từ lộ liễu, mân mê chữ nghĩa, mà thấy hợp hơn với cách chơi từ như Tô Hoài, nó hiện diện mà không hiện diện.

 

VIII. Tạm kết

 

Gần đây, vấn đề môi trường di dân, xu thế hội nhập, bối cảnh toàn cầu hóa trong nghệ thuật ngôn từ đã được thể hiện rất rõ trong văn học tiếng Việt, dù tác giả có chủ ý hay không. Ở  kỷ nguyên E-mail và Internet, thời thế tạo ra nhà văn hơn là ngược lại.

Nhiều tác phẩm văn xuôi của các tác giả ở ngoài nước như Đỗ Kh., Nam Dao, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Linh, Lê Minh Hà, Thuận, Đoàn Minh Phượng... có đề tài và cách viết được văn đàn và nhất là độc giả trong nước coi như thuộc về mình. Khác với thơ, với văn xuôi, lại là tiểu thuyết, tác giả rất cần một cái đích ngoài nghệ thuật để chia sẻ và nâng cao con người. Nên, nếu nói về nhân thân, trong những người viết hiện đang sinh sống ở ngoài hình chữ S mà tôi được quen biết, Nguyễn Văn Thọ có thể là người-trong-nước nhất. Nếu đúng vậy, thì đấy là điểm tựa sống còn của tiểu thuyết Quyên, để mà cùng những gì hay dở mang trên mình, nó xứng danh là một trong những cuốn sách cho thời đại di dân của chúng ta. Bạn thấy ở đó có văn chương Việt hiện đại nói về người Việt hiện đại trong cảnh quan thế giới như là không biên giới, trên màu da của mỗi sắc dân, theo nhịp đi của từng ngôn ngữ…

 

Trước khi chào tạm biệt các trang sách trong Quyên, xin diễn lại ý của T.S. Phạm Thành Hưng, nói về cuốn tiểu thuyết khác cũng của một tác giả Việt ở nước ngoài: Những văn phẩm này xuất hiện nhờ một môi trường sáng tác có tính toàn cầu, nơi va đập nhiều dòng văn hóa, nơi mà người Việt Nam có cơ hội tiếp nhận những cảm xúc và nhận thức sát thực và cần thiết./.

 

 

Hà Nội - Vancouver, tháng 12-2008                                                              
Đỗ Quyên
Số lần đọc: 3919
Ngày đăng: 15.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trái Tim Còn Lại – Thơ Hoàng Lộc - Mang Viên Long
Phương Quý – Tình người xứ cọ - Tạ văn Sĩ
Đỗ Thượng Thế và Tập Thơ Trích Tôi - Huỳnh Minh Tâm
Đọc "Ma thuật ngón" - Phan Chín
Sen hồng vô tận ý - Cao Quảng Văn
Đoàn Văn Cừ : Đường Về Quê Mẹ - Một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 - Lê Xuân Quang
Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận - Lê Khánh Mai
Y Uyên: Hiện thực chập chờn - Nguyễn Ước
Trần Hữu Dũng, Thơ còn bao điều muốn nói - Inrasara
Thân phận lưu vong - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)