Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.609.852
 
Trả lại công bằng cho lịch sử
Hà văn Thùy

Bản tin ngày 8. 5. 2009 của Đại học Cambridge đăng trên tạp chí Nature cho hay: “Các nhà khảo cổ tìm ra dấu vết lúa trồng ở Trung Quốc vào 12000 năm trước, sớm hơn 2000 năm so với vùng Lưỡi liềm phì nhiêu của Tây Á. Tại Trung Quốc cũng tìm ra dấu vết cây kê được trồng đầu tiên cách nay 8000 năm, sớm hơn 1000 năm so với châu Âu. Những phát hiện này đã xua tan quan niệm thịnh hành tới cuối thế kỷ trước cho rằng, vùng Mesopotamia là nơi đầu tiên trên thế giới thuần hóa cây trồng.”

 

Công bố của Giáo sư Matin Jones không mới so với những tài liệu được công bố. Không những thế, nó chưa làm rõ người trồng kê trồng lúa đầu tiên ấy là ai, cũng như quá trình hình thành nông nghiệp trên vùng đất này?

Chúng tôi xin đưa ra quan điểm của mình như sau:

 

1. Tháng 2 năm 2005, trong chuyên luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa” đăng trên mạng talawas.org và bbcvietnamese.com, sau đó in trong cuốn “Góp với văn đàn” (NXB Văn Học, 2006), chúng tôi công bố thông tin: “Khoảng 70.000 năm trước, người tiền sử gồm 2 đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo con đường ven biển Nam Á di cư tới Việt Nam. Tại đây họ gặp gỡ hòa huyết sinh ra 4 chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Negritoid và Vedoid. Người Việt cổ lan ra khắp Đông Dương và Đông Nam Á hải đảo. Khoảng 40.000 năm trước, do khí hậu được cải thiện, họ đi lên khai thác lục địa Trung Hoa rồi sau đó sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Trên đất Trung Quốc, do sống phân tán ở nhiều khu vực địa lý khác nhau, người Việt cổ phân ly thành hơn 20 nhóm, được lịch sử gọi là Bách Việt. Trong thời gian này, có những nhóm Mongoloid riêng rẽ từ Đông Dương đi lên định cư ở Tây Bắc Trung Quốc, tạo thành những bộ lạc Mông Cổ, được khoa học đặt tên là chủng Mongoloid phương Bắc. Trong quá trình di cư, người Việt mang văn hóa đá mới Hòa Bình lên Trung Hoa và sau đó mang cây trồng, vật nuôi lên phát triển nông nghiệp ở Trung Quốc.

 

Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất của Bách Việt, lập nhà nước của Hoàng Đế. Xuống nam Hoàng Hà, người Mông Cổ từ bỏ đời sống du mục, học trồng kê, trồng lúa và văn hóa của người Việt bản địa để xây dựng văn hóa Hoa Hán.

 

2. Trong tài liệu CỘI NGUỒN VĂN MINH Ở TRUNG QUỐC  đăng trên tạp chí Sino-Platonic Papers Đại học Pennsylvania, số 175 December-2006, giáo sư Zhou Jixu viết, Hang Xianren trong hạt Vạn Niên (Wannian), tỉnh Giang Tây (Jiangxi), và Dốc Đứng (Yuchan) trong hạt Dao tỉnh Hồ Nam (Hunan), thuộc đồng bằng sông Dương Tử là hai địa điểm trồng lúa sớm nhất ở Trung Quốc, cách nay 12000 năm. Và cây kê được trồng ở làng Bán Pha tỉnh Thiểm Tây cách nay 7000 năm. Ông cũng cho rằng, khoảng 2300 năm TCN, khi vào chiếm nam Hoàng Hà, cư dân nhà nước Hoàng Đế học cách trồng kê của người bản địa. Nhưng khi xây dựng nền chính thống của mình, các sử sách chính thức như Thượng Thư, kinh Thi, Sử ký chỉ ghi lại lịch sừ của dân cư Hoàng Đế với nghề trồng kê bắt đầu từ 2300 năm TCN. Vì vậy, lịch sử của người bản địa bị vùi lấp.

 

Vấn đề đặt ra là, người bản địa, chủ nhân nền kinh tế nông nghiệp trên đất Trung Hoa trước thời Hoàng Đế là ai? Họ độc lập sáng tạo nông nghiệp hay tiếp nhận từ bên ngoài?

 

Trả lời vế đầu của câu hỏi, trong tài liệu của mình, tác giả Zhou Jixu cho thấy, họ là những người từ Đông Nam Á đi lên. Nói Đông Nam Á có nghĩa là nói Đông Dương, cũng tức là Việt Nam. Họ chính là người Việt cổ từ Việt Nam đi lên như trình bày ở phần trước.

 

Vế thứ hai: có phải ở đây nông nghiệp được sáng tạo độc lập?

Vấn đề này phức tạp hơn và vì chưa có ai đề cập trước đây nên chúng tôi xin đưa ra nhận định của mình.

 

Trong tài liệu nêu trên, giáo sư Zhou Jixu cho thấy, trong các di chỉ nông nghiệp trên đất Trung Hoa đều tìm được những nông cụ như cái mai đá, cái liềm, con dao, đá cối xay, cái gậy đá cối xay, cái mai xương, rìu đá… Truy nguyên gốc của những dụng cụ này, khảo cố học xác nhận chúng đều có xuất xứ từ văn hóa Hòa Bình. Ngay cả văn hóa Ngưỡng Thiều trên tận phía Bắc Trung Quốc, cũng là từ văn hóa Hòa Bình sớm đưa lên.

Một định đề: nếu có một trung tâm nông nghiệp độc lập thì tại đó phải có những công cụ độc lập dùng cho trồng trọt! Việc các di chỉ nông nghiệp trên đất Trung Hoa sử dụng những công cụ Hòa Bình chứng tỏ rằng họ đã mượn những công cụ này từ văn hóa Hòa Bình. Một câu hỏi nảy sinh: người Hòa Bình chế tác những công cụ này để làm gì nếu không phục vụ việc trồng trọt? Chỉ có thể là, họ đã trồng lúa từ lâu. Từ kinh nghiệm canh tác họ đã sáng tạo ra nông cụ của mình. Với thời gian, cả cây trồng, vật nuôi, công cụ và tư tưởng nông nghiệp từ Hòa Bình truyền ra xung quanh.

 

 Sự kiện này cùng với chiều hướng di cư Bắc tiến lâu dài của người Việt cổ khiến ta có đủ cơ sở kết luận: việc trồng trọt ở Trung Quốc cũng được đưa từ văn hóa Hòa Bình Việt Nam lên. Như vậy, tuy chưa, thậm chí không tìm được vết tích lúa trồng sớm ở Việt Nam, ta cũng hoàn toàn có cơ sở khẳng định Việt Nam là nơi trồng cây lương thực đầu tiên trên thế giới.

 

Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: Trong hai loại cây lương thực là lúa và kê, cây nào được thuần hóa trước? Có lẽ đây là lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra. Trước nay, do phát hiện cây kê được trồng vào 7000 năm còn cây lúa những 12000 năm trước, thêm vào đó diện tích lúa trồng quá lớn nên mặc nhiên người ta cho rằng lúa được thuần hóa trước tiên. Tuy nhiên trong nghiên cứu cùa mình, chúng tôi cho rằng kê đã được dân cư Hòa Bình trồng trước và là cây lương thực chính nuôi sống dân Đông Nam Á nhiều nghìn năm trước khi cây lúa nước được phát minh.

Nhận định của chúng tôi dựa trên những bằng chứng sau:

 

a. Trên khắp địa bàn Đông Nam Á, từ xa xưa, cây kê được trồng dùng làm lương thực phụ, bổ sung cho lúa trong những thời kỳ khô hạn, và là thức ăn quen thuộc của nhiều tộc người, nhất là những sắc dân thiểu số.

 

b.  Người Tsuwo và Bunun, những cư dân bản địa Đài Loan cũng như đồng bào Banar Tây Nguyên, ở hai nơi cách xa nhau qua biển rộng nhưng cùng có huyền thoại về Đại hồng thủy với chi tiết, khi nước rút, nhờ có “cây kê cuối cùng” mà nghề nông được phục hồi, loài người được cứu sống.

 

Theo lịch sử địa chất, Đại hồng thủy xảy ra khoảng 7500 năm trước. Như vậy tại thời điểm này, kê đã là cây lương thực quan trọng với dân cư Đông Nam Á. Nhờ có kê mà cuộc sống hồi sinh sau đại hồng thủy. Sự kiện này chứng tỏ rằng, ít nhất là 500 năm trước khi làng trồng kê Bán Pho tỉnh Thiểm Tây ra đời, cây kê đã được thuần hóa và phổ biến trong vùng Đông Nam Á.

 

c. Một nhân tố nữa không thể bỏ qua, đó là về đặc tính thực vật học, kê là cây chịu hạn, khả năng sống cao và thời gian sinh trưởng ngắn, thuận lợi cho việc thuần hóa.

 

Từ nhận thức như vậy, chúng tôi giả định kịch bản hình thành nông nghiệp ở Đông Nam Á như sau.

 

Khoảng 20.000 năm trước, đang trong thời Băng hà, phần lớn Trái đất còn đóng băng. Mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Đông Nam Á có khí hậu ấm và khô. Phần đông người Việt cổ sống trên đồng bằng Hainanland.

 

Một ngày nào đó, thấy những trảng cỏ có hoa hình đuôi chồn nở vàng và từng đàn chim bay đến ăn hạt. Tò mò, người ta lấy hạt xem thử thì bên trong lớp vỏ màu vàng là những hạt nhỏ li ti. Chim ăn được thì người ăn được. Kinh nghiệm dạy con người như thế. Họ bèn lấy thật nhiều hạt cỏ, đem xát bỏ lớp vỏ ngoài. Lúc đầu họ ăn sống, thấy dỡ đói, khỏa người. Sau do thu được thật nhiều nhân, họ cho vào ống tre, đổ nước vào rồi đốt trong lửa, được một chất sền sệt gọi là cháo… Từ phát hiện này, con người tiến tới thuần hóa cây kê thành cây lương thực đầu tiên. Nhiều nghìn năm, kê là lương thực chính nuôi sống con người Đông Nam Á. Và theo chân người, cây kê cũng được đưa ra khắp Đông Nam Á.

 

Tới lúc nào đó, người ta phát hiện thấy một loại cây cỏ khác, mọc thành đám, có hạt lớn hơn hạt kê và chim cũng bay tới ăn hạt. Từ kinh nghiệm, họ thu lượm hạt làm thức ăn rồi dần dần thuần hóa thành cây lương thực trồng khô, gọi là lúa lốc hay lúa nương. Gạo được bổ sung vào khẩu phần trong khi kê vẫn là lưong thực chính.

 

Khoảng 15000 năm trước, băng hà tan, nước biển dâng cao, mưa nhiều hơn. Đông Nam Á trở nên nóng và ẩm. Nhiều  vùng đất bị ngập lụt. Diện tích cây kê bị thu hẹp, đe dọa cuộc sống con người. Nhận ra trong những giống lúa lốc, có giống mọc tốt trong nước cạn, người ta bắt đầu chăm sóc những cây lúa này và dần dần nghề trồng lúa nước ra đời. Cây lúa nước với năng suất và chất lượng dinh dưỡng cao đã cải thiện cuộc sống con người. Từ đây, cây kê, lúa nương và lúa nước được cư dân Hòa Bình mang ra các vùng xung quanh và đưa lên phương Bắc cùng công cụ đá mới. Khoảng 12000 năm trước được đưa tới Xianren tỉnh Giang Tây , và Dốc Đứng tỉnh Hồ Nam. 3000 năm để cây lúa đi từ Hòa Bình tới nam Dương Tử không phải là thời gian quá dài.

 

Càng lên phía bắc thì thời điểm trồng lúa càng muộn. Tại vĩ tuyến 35 phía nam Hoàng Hà, do thời tiết quá khô, lúa nước không sống được, cư dân ở đây chuyển sang chuyên canh cây kê, tạo dựng văn hóa trồng kê tại làng Bán Pha khoảng 7000 năm trước. Chủ nhân làng trồng kê Bán Pha thuộc chủng Mongoloid phương Nam, là con lai tự nhiên giữa người Bách Việt  Australoid và người Mongoloid phương Bắc.

 

Năm 1924, khi khảo cổ học phát hiện ra văn hóa Ngưỡng Thiều với làng trồng kê Bán Pha cùng di cồt người  Mongoloid phương Nam, đồng chủng với người Hán ngày nay, giới khoa học cho rằng, người Hán là chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều. Nhưng nay, những bằng chứng về cổ nhân học, di truyền học và lịch sử cho thấy, người Hán tuy cũng thuộc chủng Mongoloid phương Nam nhưng chỉ ra đời từ 2600 năm TCN nên không thể là chủ nhân của nền văn hóa xuất hiện trước mình hơn 2500 năm.

 

Bản tin của Đại học Cambridge viết: “Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy các phương pháp trồng trọt từ Trung Quốc được lan truyền sang phương Tây.” (Until now, however, no evidence has emerged of such methods spreading from China to the West.)  Đúng vậy, khảo cổ học chưa tìm ra mối liên hệ giữa nghề nông ở Trung Quốc và Tây Á. Vậy phải chăng hai nơi là hai vùng nông nghiệp phát triển độc lập? Hoàn toàn không phải. Trong tác phẩm quan trọng Địa đàng ở phương Đông, giáo sư Stephen Oppenheimer chứng minh mối liên hệ nông nghiệp giữa Đông Á và Tây Á là rõ ràng nhưng không phải từ Trung Quốc mà từ Đông Nam Á. Trong trận Đại hồng thủy kể trên, người Đông Nam Á di tản bằng thuyền đã mang giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng nông nghiệp sang phương Tây. Như vậy, cũng như vùng Lưỡi liềm phì nhiêu, Trung Quốc tiếp thu nghề nông từ Đông Nam Á.

 

3. Đang tồn tại hiện trạng là, một vấn đề nào đó từng được viết trên báo, trên sách hay những trang mạng... Có người đọc rồi bỏ qua. Có người phản bác. Nhưng khi vấn đề đó được một người có học hàm, học vị viết, đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành bằng tiếng Anh, tiếng Pháp thì lập tức được coi là khoa học, đáng tin! Có những kẻ cơ hội, quên béng những lời mỉa mai báng bổ ngày nào, vội vàng tung hô “phò mã tốt áo” để dây máu ăn phần! Điều này không chỉ bất công với từng con người mà cả với những dân tộc, nhất là những dân tộc nhược tiểu. Nó cũng làm chậm bước tiến của nhân loại, giam giữ con người lâu thêm trong tình trạng ngu dân! Có không ít ví dụ. Bốn chục năm trước, giáo sư Kim Định đưa ra thuyết Việt Nho. Nhiều học giả trong nước công kích quyết liệt. Sau giải phóng sách của ông bị cấm. Nhưng khi chàng sinh viên ngữ văn đưa một vài ý tưởng Việt Nho vào luận văn và được giới đại học nước ngoài chú ý thì người ta đua nhau ca ngợi! Gần chục năm nay, trên nhiều trang mạng và nhiều cuốn sách, nhiều người đã công bố những phát hiện mới về cội nguồn và văn hóa Việt nhưng giới khoa bảng trong nước hầu như không biết tới. Và giờ, sau khi nghe hơi từ đài phát thanh nước ngoài, có thể họ sẽ đưa tin lại, tìm đọc rồi “eureka”: “Phát hiện mới về nguồn gốc nông nghiệp Trung Hoa!”

 

4. Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt. Đất nước chưa bao giờ lâm nguy như hôm nay. Nên nhớ rằng, trong nghìn năm chống phương Bắc, ngoài tinh thần yêu nước của người dân, đất nước còn được bảo vệ bằng vành đai trùng điệp núi đồi hơn trăm cây số ở phía Bắc. Nay với những “con đường hữu nghị”, vành đai vững chãi ngàn năm bị xóa bỏ! Ngoài biển, cái “lưỡi bò” tham lam quài đản Đại Hán liếm hết biển Đông với hạm đội diệu võ dương oai. Trong khi đó, lòng người Việt ly tán. Không chỉ vì mâu thuẫn “Quốc Cộng” mà còn vì hơn nửa thế kỷ người dân bị tước mất cả quyền yêu nước!

 

Trong hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc này, đâu là sức mạnh bảo vệ đất nước? Cái sức mạnh duy nhất chính là lòng người! Trước thời điểm sống còn này, làm sao để toàn thể người Việt gác những oán thù tranh chấp, đồng lòng giữ nước?

 

Để góp phần làm nên sự cố kết lòng người, trong nhiều năm chúng tôi đã bỏ tâm trí và công sức tìm lại cội nguồn dân tộc. Hy vọng rằng những phát hiện này không chỉ giúp viết chính xác cuôn sử thời sơ khai của người Việt mà hơn nữa góp phần thay đổi vận mệnh dân tộc. Khi hơn 80 triệu người nhận thức được rằng mình có một tổ tiên vĩ đại, sáng tạo ra cội nguồn văn hóa của nhân loại, sẽ biết sống thế nào cho xứng đáng!

 

Mơ ước và tin tưởng là một chuyện nhưng dù sao, chúng ta đang sống trong  cái chợ toàn cầu với luật chơi của nó. Vì vậy, muốn khẳng định mình, thuyết phục cộng đồng nhân lọai, chúng ta cũng phải dịch những ý tưởng của chúng ta để công bố với toàn thế giới. Chúng tôi mong rằng, có những vị hằng tâm hằng sản đứng ra chọn trong rất nhiều bài báo đã công bố về gốc Việt và văn hóa Việt ra tập sách chất lượng nhất để dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa và phổ biến rộng trên toàn thế giới.

 

Chúng tôi cũng băn khoăn, nhiều người Việt thành tài ở nước ngoài, trong số đó có những vị là giáo sư nghiên cứu, giảng dạy Việt học. Quý vị dạy những gì? Có dạy Việt Nho với Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh và đạo Việt An vi? Có dạy “Trước khi người Hán ra đời thì Việt tộc đã sống trên khắp đất Trung Quốc và xây dựng nền văn minh lúa nước rực rỡ.” Hay họ vẫn dạy những thuyết của Aymonier hồi đầu thế kỷ cho rằng tổ tiên người Việt từ chân Thiên Sơn đi xuống? Hay dạy thuyết Aurousseau cho rằng “Năm 330 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt của Câu Tiễn chạy loạn tràn xuống phương Nam, thành tổ tiên người Việt chúng ta? Và  60% tiếng Việt mượn từ tiếng Hán!” Một người bạn Canada viết cho chúng tôi lá thư có đoạn:

 

"Tôi rất tiếc là đã gây ra một lỗi lầm khủng khiếp và ân hận đã làm cho người đọc hiểu sai về nguồn gốc của người Việt Nam. Tất nhiên người Việt Nam có một nền văn minh duy nhất, phân biệt rõ ràng với văn minh Trung Hoa. Là người bị thống trị trong nhiều thế kỷ, người Việt nam đã đau khổ và tôi lấy làm tiếc vì sự xúc phạm tới bất kỳ người đọc nào.

 

Một sự sửa chữa chính thức sẽ đến. Tôi đã gửi email tới chủ biên của Canadian Doctors' magazine, đề nghị tạp chí vui lòng chuyển lời xin lỗi chân thành của tôi tới những người bị tôi xúc phạm. Tôi sẽ cố nói với bạn đọc Bắc Mỹ rằng lịch sử Việt Nam được miêu tả bởi sự tuyên truyền Mỹ thập niên 1960 và 70 là tuyệt đối không chính xác (HVT nhấn mạnh) mà tôi chính là một minh họa đơn giản. Thân ái, Dr. Michael Roberts”    

   

Tuyên truyền Mỹ xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt chưa hết. Không chỉ do những người có thiên kiến như K.Taylor mà cả những người biết Việt Nam một cách méo mó qua lăng kính Tàu! Vấn đề là chúng ta phải làm được cuốn sách chuẩn về lịch sử văn hóa Việt, đem dạy trong nhà trường chúng ta và công bố với toàn nhân loại.

Giờ là lúc ta đủ tự tin để nói với thế giới rằng:

 

-    40.000 năm trước, khi trời ấm lên, người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus di cư vào châu Âu. Tại đây họ gặp đông đảo người Việt cổ chủng Australoid từ Trung Á cũng vừa tới. Hai dòng người hòa huyết sinh ra người Europian tổ tiên người châu Âu mà dòng máu châu Á vượt trội.

-    10.000 năm trước, khi băng hà tan, người châu Âu rời cuộc sống hái lượm để nuôi con cừu con dê đầu tiên thì tại Đông Á, người Việt đã là dân cư nông nghiệp thuần thục. Không chỉ sáng tạo ra lương thực nuôi sống loài người, người Việt cổ còn để lại cho nhân loại tư tương nông nghiệp vĩ đại.

 

Khi tư tưởng vĩ đại đi vào Nhân Dân sẽ tạo ra sức mạnh vĩ đại. Việt Nho với Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh; với quan niệm về vũ trụ hài hòa tham thiên lưỡng địa chẳng phải là phép thần cứu nguy nhân loại trong lúc nghiêng nghèo này sao?

 

Không phải vô cớ mà tạo hóa cho phương Đông đi trước phương Tây hàng vạn năm. Chính trầm tích văn hóa tích tụ ở phương Đông là tài sản tinh thần và trí tuệ vô giá cho nhân loại hôm nay. Tìm lại và khai thác nguồn văn hóa ấy là trả lại công bằng cho lịch sử!./.

 

Tháng Năm 2009

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4014
Ngày đăng: 16.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Láng Giềng Hữu Nghị hay Bá Quyền Nước Lớn - Đinh Kim Phúc
Ranh giới lưỡi bò . - Đinh Kim Phúc
Đường Ranh Giới Lưỡi Bò của Trung Quốc ở Biển Đông là Bất Hợp Pháp - Đinh Kim Phúc
Một giải pháp cho vấn đề Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Trung Quốc-Asean và vấn đề biển đông - Đinh Kim Phúc
Có thể chọn ngày 1-5-1895 làm mốc thời gian đầu tiên thành lập Thành phố Vũng Tàu? - Đinh Văn Hạnh
Trung Quốc muốn gì ? - Đinh Kim Phúc
Những Người Lãnh Đạo Phong Trào Duy Tân Ở Quảng Ngãi - Lê Ngọc Trác
Chủ quyền của Trung Quốc trên biển đông-những điệp khúc cũ - Đinh Kim Phúc
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)