Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
621
115.993.307
 
Cơn giông
Nguyễn Thúy Ái

Mẹ Thăng là một người phụ nữ đài các nhưng yếu ớt, đau ốm quanh năm, lấy chồng gần sáu năm mới sinh được Thăng. Sau khi đi chữa hết thầy lang này đến thầy lang khác, không loại trừ những cuộc hành hương cầu tự đến những đền chùa, miếu mạo xa xôi. Sau cuộc vượt cạn đầy gian nguy suýt nữa mất mạng, mẹ không có đủ sữa cho Thăng nên bà nội chạy đôn chạy đáo tìm cho Thăng một bà vú. Vú Ơn có mặt trong nhà Thăng vào lúc đó. Bây giờ khuôn mặt vú còn in rõ trong ký ức của Thăng, làm sao có thể quên được người đã từng cho mình bú. Nhưng cũng nhờ Thăng mà vú Ơn nguôi ngoai nỗi đau mất con. Bà kể rằng, không hiểu sao cái làng quê nhỏ bé heo hút, nằm gọn trong một thung lũng ấy có gì hấp dẫn mà cuộc chiến tranh nào cũng rảo gót qua và để lại bao cảnh hoang tàn. Một hôm, lúc nửa đêm quả đại bác bắn ra từ cái đồn đóng trên trái núi ngất ngưỡng ở đầu làng để nã vào một cánh rừng ở cuối làng đã đi không tới đích, giữa chừng rơi đúng vào nhà vú Ơn làm nhà sập, bốc cháy. Chồng và đứa con nhỏ mới ba tháng tuổi của vú chết thảm, vú sống sót nhờ lúc đó bị đau bụng đang ngồi ở cái hố phân cuối vườn. Mất hết nhà cửa, chồng con, vú như người điên đi lang thang đầu làng cuối xóm với hai bầu vú căng đau nhức, sữa chảy làm ướt áo rồi lại khô, chồng chất nhiều lớp làm hai vạt áo bằng vải thô của vú dày lên như hai tấm mo cau. Bà nội Thăng gặp vú ngoài chợ huyện và động lòng thương, mua bắp nấu, bánh gói cho vú ăn và nghĩ đến đứa cháu đích tôn thiếu sữa của mình. Bà dỗ dành dẫn vú về nhà cho tắm rửa, an ủi vú rồi bế Thăng đặt vào lòng. Với bản năng làm mẹ, vú lập tức cho Thăng bú. Sữa của vú mát nên Thăng lớn nhanh như thổi. Khi sữa vú đã cạn, cũng là lúc gia đình Thăng sa sút nên bà cho vú ra đi với một số tiền nho nhỏ làm kế sinh nhai và có cơ hội tìm cho mình một người chồng để nương tựa.

Vú đi rồi, nhiều chuyện xảy ra với gia đình Thăng, ông mất, cha và chú út Thăng đi kháng chiến, cô Ba trốn đi theo một người đàn ông vì bà Thăng ngăn cản họ yêu nhau. Nhà rơi vào cảnh túng bấn, thất thế. Nhiều đêm chính quyền cho người vào lục soát nhà, cảnh đàn bà con nít sợ hãi nép vào nhau như đàn gà sợ đám quạ diều. Tấm ảnh duy nhất của cha Thăng để lại treo trên tường bà cũng lấy cất giấu tận đáy rương, thỉnh thoảng mới cho Thăng xem. Vốn là người đảm đang và quyết đoán, bà nội quyết tâm cứu cảnh nhà sa sút bằng nghề nấu mạch nha. Đây là nghề truyền thống ở quê Thăng nhưng sau này bị tàn lụi bởi cách làm ăn gian dối của nhiều người, thay vì nấu bằng nếp và mộng lúa, người ta nấu bằng gạo, lại là loại gạo dẻo do Mỹ viện trợ, chất trong kho đã lâu nên đã có sâu bò lổn ngổn, hôi rình mùi mốc, mùi bao. Có người còn nấu bằng khoai mì rồi độn vào mè, nào đậu phụng rang… Không còn giữ được mùi vị mạch nha tinh khiết nên dần dần món hàng đặc sản nầy ế ẩm, chỉ còn vài nhà làm cầm hơi mang ra chợ tỉnh bán cho khách qua đường. Bà Thăng vẫn giữ cách làm theo truyền thống chọn nếp bồ lem dẻo thơm nấu thành xôi, trộn với mầm lúa mướt rượt như những cọng giá, được phơi khô giã nhỏ. Hai thứ ấy ủ lại với nhau, nóng rực lên rồi nhuyễn ra thành thứ nước dùng đục như sữa, vị ngọt lợ. Bà và mẹ ép hỗn hợp ấy trong một cái bao vải, vắt lấy phần nước cốt rồi cho vào một cái nồi đồng to, loại nồi bảy, rồi nấu suốt ngày cho chất lỏng ấy đặc dần, thành chất dẻo có màu hổ phách và trở nên ngọt lịm, một vị ngọt thơm, dịu không gắt như vị ngọt đường và không bao giờ kết tinh. Rồi uy tín và học vị của ông nội Thăng, một người hiếm hoi trong làng đậu tú tài ở khoa thi hương cuối cùng của chế độ phong kiến đã thêm vào giá trị của món mạch nha ấy, cứu gia đình Thăng khỏi lúc túng bấn. Mạch nha bà Tú Đóa trở nên được ưa chuộng, người ta đặt mua để biếu xén, đi đám hỏi, đám cưới, mua đem tận ra Huế, gởi vô  Sài Gòn làm quà… Nhưng công việc dần dần quá sức những phụ nữ vốn không phải nông dân như bà và mẹ Thăng. Giữa lúc ấy, vú Ơn lại xuất hiện. Lần này ngó vú thật thảm hại, gầy đen, vác trên vai một đứa bé đang ngủ, mỏng dính và xơ xác như một miếng giẻ rách. Vú xin nhà Thăng cưu mang, nhưng mẹ Thăng, một người đàn bà còn trẻ đẹp có chồng ở xa, luôn bị đám đàn ông, đặc biệt là đám cán bộ chiến dịch xa nhà thèm nhỏ dãi như đám trẻ trước miếng mạch nha no tròn quấn trên đầu đũa. Mẹ Thăng đang ra sức bảo vệ tiết hạnh của mình nên sợ không dám tới gần những phụ nữ ngoại tình, chửa hoang, tránh họ như tránh hủi nên không đồng ý tiếp nhận vú Ơn. Còn bà nội Thăng với nửa lòng nhân hậu và nửa óc thực tế, lại là người có quyền lực cao nhất trong nhà đã nhận Vú vào như một người giúp việc, quả thực nhà Thăng đang rất cần một người như vú.

Hai mẹ con vú ở trong một gian chái nhỏ vốn dùng làm nhà kho sau bếp, nơi bà Thăng để lương thực dự trữ như bắp đậu, bí đao, bí đỏ, đường… Bây giờ nhà ít người, ruộng đất đã bán bớt nên căn nhà kho lâu nay chỉ để ủ mộng lúa làm mạch nha. Thăng là cậu chủ nhỏ chỉ lẩn quẩn ăn, ngủ ở nhà trước, trên những tấm phản bằng gỗ lim đen bóng, chạy chơi trong cái sân gạch sạch sẽ, bằng phẳng để khỏi vấp té. Thỉnh thoảng từ cái sân gạch, Thăng nhìn thấy con bé của vú Ơn tập đi trên cái sân đất sau nhà, khi vú ngồi xé những tấm thảm dày bằng mầm lúa để phơi, rễ chúng mọc kết vào nhau rất chặt. Khi biết đi, biết chạy chơi vững vàng đôi lúc cô bé mon men lên tận nhà trên, trố mắt nhìn Thăng múa may quay cuồng với cái gậy hay túm râu những con dế rồi chu miệng thổi phù phù để chúng hăng lên, đá nhau. Đôi mắt đen láy, lúc nào cũng như hỏi han, cứ nhìn Thăng như một người từ hành tinh nào mới đến. Ánh mắt đau đáu ấy sau nầy đã làm nhói buốt trái tim Thăng suốt đời.

Thăng không biết cô bé tên gì, mọi người gọi cô bé là “em” nên Thăng cũng gọi như thế. Dù bà và mẹ không nói gì nhưng Thăng biết giữa mình và Em có một bức tường vô hình ngăn cản. Thăng có thể chia cho Em một cái kẹo, một trái chuối nhưng lại không được chơi đùa thân mật với Em. Mỗi lần mò xuống nhà kho rủ Em chơi đùa thì bà tức tốc tìm Thăng, giao cho một công việc gì đó, như đuổi gà, dán nhãn vào những lon sữa bò rỗng để đựng mạch nha hoặc bắt ngồi vào bàn học bài. Thăng học xong tiểu học, mẹ muốn Thăng được học ở một ngôi trường trung học lớn nhất của tỉnh, đó là trường Trần Quốc Tuấn. Thăng phải khăn gói ra thị xã ở trọ nhà người bà con để thi vào trường ấy. Thăng thi đậu, đó là niềm tin khởi đầu để hai người phụ nữ đơn côi trong nhà Thăng ra sức làm việc, có niềm hy vọng, có mục đích để sống, khi cha Thăng bặt vô âm tín, người chú cũng vậy. Còn người cô ruột Thăng theo chồng xa đã chết non mà đến mấy năm sau bà và mẹ mới biết. Họ tin rằng Thăng sẽ thành đạt để gây dựng lại những gì đã mất. Dù qua nhiều biến cố, bà và mẹ luôn tự hào về gốc gác và nề nếp gia đình, riêng Thăng chỉ thấy tan gác, nghèo túng.

Học ở thị xã, thỉnh thoảng Thăng vượt đèo Eo Gió về thăm nhà để lấy gạo, tiền, Thăng thấy Em cũng đi học ở trường làng, có lần vú Ơn cho Thăng xem vở của Em, Thăng ngạc nhiên vì Em học rất giỏi, toàn điểm cao, hơn hẳn Thăng khi học ở đây. Nhất là trong vở Em có những hình vẽ rất đẹp, dù ở trường không hề dạy môn ấy. Nhiều lúc Thăng bắt gặp Em ngồi vẽ say sưa bằng những mảnh gạch non trên cái sân sau, giờ đã được tráng xi măng để phơi mộng lúa, vẽ xong rồi lại xóa vì sợ la rầy. Bà và mẹ Thăng có vẻ quý Em bởi em ngoan, biết thân biết phận nhưng vì một lẽ họ không gần Em được. Sau này Thăng mới hiểu vì Em là một đứa con hoang. Cái thành kiến ấy ở những phụ nữ gia giáo nhà Thăng khó mà phá nổi.

Nhà gần huyện đường cũ, nơi ông nội Thăng từng là một viên thư lại trong ấy, giữa những tòa nhà xiêu đổ, rêu phong. Những lối đi từng dập dìu xe ngựa nay cỏ mọc đầy, chỉ có những con bò lạc vào gặm cỏ. Những cục phân bò to bằng cái bát đổ ập lên phũ phàng những viên gạch cũ kỹ được chạm khắc công phu, lên những hoa huệ đất từng e ấp dưới những gót chân khuê các, trang trí cho một cuộc sống thư nhàn. Nhưng cảnh hoang phế tiêu điều ấy kích thích trí tuởng tượng phong phú của bọn trẻ ghê gớm. Vào đây chúng thấy mình như ở một thế giới khác, cao sâu hơn, huyền hoặc hơn cái thế giới bên ngoài. Thăng kể cho Em nghe những câu chuyện về ông, về cha mà Thăng được nghe từ bà. Ở đây, Em cũng cởi mở với Thăng hơn. Một cuộc sống đầy những chịu đựng, mặc cảm, khổ tâm, khiến tâm hồn của Em lớn trước tuổi. Dù học trễ vài năm nhưng lúc nào Thăng cũng lớn hơn Em một cấp học, Thăng vào cấp trung học đệ nhị thì em vào trung học đệ nhất cấp nhưng Thăng nói gì Em cũng hiểu, còn khôn ngoan hơn hẳn những đứa con gái học cùng lớp với Thăng. Mỗi lần về Thăng mua tặng Em sách, bút chì màu. Trả ơn, Em tặng lại những bức tranh nho nhỏ, nhìn vào Thăng thấy rờn rợn và linh cảm một tài năng đặc biệt ở Em. Một lần đi tắm sông, bơi qua cái cồn giữa sông để trốn mấy đứa bạn chơi, Thăng bắt gặp Em lang thang giữa bờ bãi đìu hiu. Thăng len lén đi theo sau lưng, khi gần sát “hù” lên một tiếng tiếng khiến Em giật bắn người. Đợi Em hoàn hồn, Thăng hỏi Em làm gì ở đây. Em bảo cảnh ở đây rất đẹp, Em ước gì ghi lại được vẻ đẹp của những nhành lau phất phơ trên đèo vắng, của những con cò đơn côi đứng ở cuối bãi và cảnh núi sông kề cận bên nhau. Em hỏi Thăng ý nghĩa tên con sông quê. Vệ là gì? Thăng chịu, nhưng Thăng rất yêu cái âm thanh đó. Em bảo Em cũng thế, sau này hãy gọi Em bằng cái tên ấy. Thăng không hiểu tại sao lại sau này. Vì đi học, tên cô bé ấy cũng giống như tiếng gọi quen thuộc ở nhà.

Cứ mỗi mùa hè là Thăng nao nức về quê, Thăng có đủ cách nói dối để thoát khỏi sự kiểm soát của bà, nào là đến nhà bạn, đi tắm, câu cá, vào rừng. Còn Em tuổi ấy có thể đi làm thuê như nhổ đậu, bẻ bắp. Thật ra Em cũng có làm nhưng làm thật nhanh rồi cùng Thăng lang thang khắp các bãi bờ, gò đống, bìa rừng. Hai đứa trẻ trốn nhà đắm mình vào cảnh thiên nhiên hoang dã, để thu vào mắt mình bao nhiêu là vẻ đẹp. Em đắm đuối cảnh thiên nhiên và bắt đầu có những bức ký họa đầu tiên. Em bảo mọi ý nghĩa đi qua đầu mình đều bằng hình ảnh và Em muốn vẽ lại nó. Những ngày hè ấy là thời gian sung sướng nhất, Thăng thấy mình như được tung bay giữa trời rộng, như con chim ưng xoãi cánh bên một con phượng hoàng. Chỉ cần được đi bên Em, nhìn thấy em, cảm nhận được hơi thở của Em thì dù bà và mẹ có nổi trận lôi đình đến đâu Thăng cũng dám đón nhận. Có lẽ những món ăn dân dã, thanh sạch của nhà quê cùng với những vích mạch nha vét nồi, uống thứ sữa từ nếp thơm, mộng lúa trong ngần khiến vóc dáng Em nuột nà, tóc mây óng ả. Và hồn của sông, khí của núi cùng với sương mù buổi sớm, gió hú buổi chiều hun đúc nên cho Em một tâm hồn đa cảm. Và hình như được gần những phụ nữ kiêu hãnh như bà và mẹ Thăng nhưng lại xuất thân từ tối tăm đã thôi thúc cho Em khát vọng hướng về ánh sáng. Tuy là con của một kẻ ăn người ở trong nhà nhưng nhờ được học hành và lấp lánh chút tài năng, được sinh sống trong ngôi nhà cổ kính, khuôn phép nên Em có được cốt cách đặc biệt tao nhã mà hoàn cảnh của em khó có được. Bọn trẻ yêu nhau bằng một tình yêu thơ dại, lung linh mà tự mình không ý thức được sự sâu nặng của nó. Nhưng từ trong vô thức Thăng cũng xem Em như đứa em, vì cả hai lớn lên trong một ngôi nhà, cùng bú với nhau một giòng sữa mẹ…

Có lần cả hai lên gò hái sim, đang say sưa tìm lặt những trái tim chín căng mọng tím than và ngọt lịm bỗng Thăng nghe một tiếng kêu rất lạ của một loài chim lớn, nhìn sang bìa rừng bên kia Thăng bắt gặp một cảnh tượng kỳ diệu, một đàn công ba con có hai con đang cùng nhau xòe đuôi ra múa. Thăng và Em không ai bảo ai nằm bẹp dưới gốc sim nín thở để xem, một con bọ bò lên gáy làm Thăng nhột nhưng không dám động đậy. Nhưng rồi một con công đi mất, điệu múa kể tiếp của hai con công còn lại là một điệu khác hẳn, của một con trống và một con mái. Chúng múa say sưa trong một vũ điệu ngây ngất men tình khiến Thăng nóng bừng cả người còn Em thì úp mặt xuống cỏ không dám xem. Chiều ấy khi trở về, một cơn mưa từ trên núi đổ xuống đuổi theo, hai đứa chạy thật nhanh, chạy đến đâu mưa đuổi theo đến đó, đến khi gặp được một cái chòi của những người giữ bắp bỏ trống thì cả hai đã ướt loi ngoi. Mưa mờ mịt, tạt vào trong lều, nhìn Em rét mướt, Thăng muốn ôm Em vào lòng, dùng môi lau khô nước trên khuôn mặt trắng ngà bê bết tóc của em, dùng tay sưởi ấm hai bầu vú nhỏ thanh khiết, tội nghiệp hằn rõ dưới làn áo ướt, run lên trong từng đợt gió mưa... Nhưng nền giáo dục nghiêm khắc của gia đình đã ngăn Thăng lại. Bao nhiêu năm sau Thăng vẫn còn oán giận sự ngoan ngoãn ngu ngốc ấy của mình. Sau này trong giao tiếp, khi ra nước ngoài Thăng gặp được biết bao phụ nữ rạng ngời, đáng say mê, và họ cũng say mê mình, trong những khung cảnh thơ mộng, ở những khách sạn sang trọng, nhưng  một cơ hội yêu đương huyền diệu như thế thì không bao giờ có lại trong đời. Một tình yêu không  thỏa lúc xuân thì đến giờ vẫn còn làm Thăng đau xót và không có gì bù đắp được.

Thăng học xong trung học, mẹ bán dần những món nữ trang quý giá cho Thăng vào Sài Gòn thi đại học. Tết năm đó, Thăng về Thăm nhà, vì xa Em quá lâu và vì ngây ngất trước những thành công đầu tiên trên con đường học  vấn nên lần về nhà ấy Thăng đã hớ hênh, không giấu được tình cảm của mình dành cho Em. Thăng mua cho Em rất nhiều quà, bằng những đồng tiền còm của một sinh viên nghèo, toàn là sách vền hội họa, những thứ Thăng lùng sục bao nhiêu ngày chủ nhật ở những chợ sách xôn trên vỉa hè Sài Gòn cùng với giấy bút cọ màu… Thăng quấn quýt bên Em, kể cho Em nghe về thành phố ấy, như một thế giới khác hẳn cái làng quê vây bọ bởi núi đồi, nơi nếp sống chỉ nương tựa vào thiên nhiên từ mấy trăm năm rồi dường như chưa thay đổi. Nghe Thăng kể, đôi mắt em rực sáng lên, hăm hở… Nhưng tất cả không  qua mắt được bà và mẹ Thăng. Bà lập tức gọi Thăng lên nhà trên, ngồi xếp bằng đối diện với bà trên bộ phản giữa, ngay trước bàn thồn tổ tiên. Cái bàn thờ rất cao, có  nhiều tầng nhiều lớp, có bộ lư đồng trên có chim hạc đứng trên lưng rùa với những bứ ctranh khảm xà cừ lấp lánh cùng những bức hoành phi câu đối toàn bằng chữ Hán mà Thăng chỉ hiểu mang máng qua lới giải thích của bà. Thăng biết đây là một cuộc nói chuyện nghiêm trọng. Bà phân tích cho Thăng nghe rằng, anh là người thừa kế duy nhất của dòng, vì ba và chú ruột Thăng ở ngòai Bắc không  biết sống chết ra sao, hơn nữa là một thanh niên gốc gác gia phong, có một tương lai đầy hứa hẹn nên Thăng không  thể lấy con gái một giúp việc trong nhà, đó lại là đứa con vô thừa nhận đến giờ cũng không  biết cha là ai. Bà chỉ nói vậy, không   yêu cầu Thăng phải suy nghĩ, phải trả lời. Không khí trong nhà chùng xuống, tối tăm, như có một đám mây nặng phủ kín bầu trời trước một cơn giông. Thăng biết bà không  nói gì với vú Ơn và Em. Nhưng họ, thân phận những người ăn nhờ ở đậu, vốn nhạy cảm với cách đối xử của chủ nhà, những người đã ban ơn cho mình, đã nhận ra sự thay đổi của hai người đàn bà cương quyết bảo vệ gia phong còn hơn bảo vệ sinh mạng của chính mình.

Lần sau Thăng về, vú Ơn và Em không  còn ở trong nhà nữa. Thăng đau đớn nhưng  không biết hỏi ai. Đó cũng là lúc chiến tranh đang thời kỳ khốc liệt nhất ở quê Thăng. Dân làng người chạy vô rừng theo Cộng sản, người chạy sang những vùng khác ít bom đạn hơn. Bà nội và mẹ Thăng thu dọn chạy ra thị xã, họ không mang theo lúa gạo mà mang theo bộ đồ thờ, nào lư đồng, những bức hòanh phi, câu đối. Ở nơi mới, họ thuê một mảnh đất hoang mọc đầy cò tranh ven thị xã, một căn nhà nhỏ bằng phên tre để sống qua ngày. Nơi đây họ lại tiếp tục làm nghề nấu mạch nha và lấy bả từ mộng lúa và nếp sau khi vắt hết nước cốt để nuôi heo. Gom góp những đồng tiền khó nhọc ấy gởi vào Sài Gòn cho Thăng ăn học. Ngày Thăng sắp ra trường cũng là lúc bà nội mất. Tình hình chiến sự chuyển biến nhanh chóng, chỉ vài tháng sau quê Thăng được giải phóng nhưng Sài Gòn thì chưa. Thăng phân vân không biết nên về hay ở. Mất liên lạc với quê nhà chưa đầy một tháng mà Thăng nóng ruột vô cùng. Anh thèm khát hơi mẹ và nôn nao biết mặt cha, người cha hơn hai mươi năm qua Thăng luôn mơ tưởng. Rồi Sài Gòn cũng được giải phóng, đất nước thống nhất, Khi xe đò đi lại thông thương ra miền Trung, miền Bắc, Thăng liều vọt lên xe về nhà. Thăng ngỡ ngàng nhìn mẹ, thay vì niềm vui đoàn tụ, đôi mắt bà u sầm ôm lấy con và nói “Hòa bình rồi đó con!”. Hóa ra người cha người cha vẫn chưa hiện diện trong nhà như Thăng nghĩ và anh còn biết thêm, cha đã lấy vợ khác, một phụ nữ miền Bắc kém ông hai chục tuổi, họ có với nhau hai người con. Trong nỗi đau ấy chính mẹ lại an ủi Thăng “Biết làm sao được, chiến tranh mà con, lâu quá…” Rồi Thăng phải trở lại trường đại học để học chính trị và nhập học. Lần sau Thăng về mới gặp được cha. Khi ấy gia đình riêng của ông chưa vào, ông sống ở cơ quan và sống luôn tại đó, nơi ông mới được bổ nhiệm về làm lãnh đạo. Thăng nôn nóng đạp xe từ nhà đến văn phòng gặp cha, khi đứng trước mặt ông rồi, anh không nói năng gì. Ông nhận ra con trai và lên tiếng trước “Thăng đó hả con?” Cha trong tâm tưởng của Thăng, qua lời kể của bà và mẹ quá đẹp nên không khỏi thất vọng khi đứng trước con người thật hiển hiện của ông. Dáng cha cao lớn nhưng không vững chãi, ông ăn mặc bèo nhèo. Nói chuyện với con trai nhưng ông có vẻ dè dặt, không mấy tin tưởng đứa con được dạy dỗ trong một xã hội khác. Sau này cha con có dịp nói chuyện nhiều hơn, Thăng càng ngạc nhiên vì một người trí thức như cha lại rất giáo điều, có phần cuồng tín nữa. Những suy nghĩ của ông cũng rập khuôn như nhiều người khác. Hình như cha không đọc được hết sự thông minh và nhạy cảm trước thời sự ở đứa con trai đã trưởng thành. Bao nhiêu năm qua, Thăng hướng về cha như cỏ cây hướng về ánh sáng. Không được cận kề người sinh thành ra mình nhưng nhờ cái bóng của cha mà Thăng được lớn lên, vững vàng trong từng bước đi, dù không được cha dìu dắt. Nhưng  giờ đây sao cha trông xa lạ, anh chỉ thấy mình thuộc về mẹ…

Dù sao nhờ cái lý lịch tốt và vị trí của cha nên khi ra trường đi làm, Thăng được cấp trên chú ý, cất nhắc. Con đường sự nghiệp của Thăng nhờ thế khá thuận lợi hơn một số bạn bè của anh…Theo sự định hướng của mẹ, khi dành dụm được những đồng tiền đầu tiên, Thăng nghĩ đến việc mua đất. Lâu nay anh sống ở một căn hộ do cơ quan cấp, trên tận tầng lầu thứ mười hai của một chung cư cũ. Thăng  hay nói đùa, sống gần trời nên nên lúc nào cũng mơ về đất. Cộng thêm với số vàng dành dụm lâu nay của mẹ chắt chiu nên Thăng xây được nhà, đưa mẹ vào sống với mình. Qua vài mối tình rồi Thăng cũng gặp được người con gái mình yêu và tin cậy để giao phó đời mình. Vợ Thăng là một phụ nữ trí thức, hiền thục, sinh liền cho anh hai đứa con trai nên mẹ Thăng rất hài lòng. Thăng thấy rằng mình đã thay cha bù đắp cho mẹ công bà nuôi con, chờ chồng suốt hơn hai chục năm trời.

Khi mọi việc tưởng đã vẹn toàn, công thành danh toại và tưởng đã quên những gì  không vui trong quá khứ, thì trong đám tro than của mối tình  thơ ngây xưa cũ, heo hút Em vẫn như một hòn than âm ỉ nóng bỏng trong lòng. Càng lớn tuổi, Thăng suy nghĩ nhiều về Em, không biết bây giờ cô ở đâu. Anh ray rứt vì không bảo vệ cô lúc ấy. Nếu cuộc đời Em trầm luân thì hạnh phúc của Thăng chẳng thể vuông tròn. Thăng luôn khao khát được gặp lại Em, dù chỉ một lần trong đời. Cứ thoáng thấy người phụ nữ hao hao giống là giật mình. Ở cơ quan, một dạo Thăng thấy một cô gái trẻ làm tạp vụ có khuôn mặt và đôi mắt khá giống Em, Thăng cứ lân la hỏi thăm về gia đình và cha mẹ của cô ấy. May mà không phải. Thăng vẫn đinh ninh rằng Em phải là một họa sĩ. Mỗi khi đọc báo, xem tivi anh hay để ý đến những nữ họa sĩ. Không  hiểu nhiều về hội họa nhưng thỉnh thoảng Thăng vẫn ghé vào những phòng triển lãm tranh, lân la ở những nơi bán tranh... Khi bớt bận bịu chuyện nhà, mỗi năm Thăng tìm cách về quê thăm mộ bà nội để dò hỏi tin tức của Em nhưng không ai biết. Giống như ngày xưa, Thăng một mình lang thang qua những bãi bờ hiu quạnh, những gò đống hoang vắng ở quê nhà với hy vọng em thấp thoáng đâu đó ở đầu sông, hay một triền núi, tay cầm đầy hoa dại, túi đầy sim chín. Ngang qua làng xóm, Thăng nhìn vào từng căn nhà tối tăm, tìm dấu tích của những bức họa… Cứ thế đến mấy năm trời Thăng không hề tuyệt vọng.

Cho đến một ngày, Thăng tình cờ đọc được một mẩu tin trên trang văn hóa-nghệ thuật của một tờ báo, giới thiệu cuộc triển lãm sắp tới của một nữ họa sĩ. Bài báo viết rằng đây là cuộc triển lãm đầu tiên nhưng  người nữ họa sĩ ấy gắn bó với hội họa đã lâu, đã từng làm nhiều việc khác chỉ để được vẽ, người suốt đời chỉ có một niềm đam mê duy nhất ấy. Và tên của người nữ họa sĩ, hay bút hiệu thì đúng hơn, khiến Thăng phải xem đi xem lại, vì nó trùng với tên con sông ở quê anh. Thăng tức tốc đến xem địa điểm, dù vài hôm sau nữa cuộc triển lãm mới khai mạc. Hôm đó, lẫn trong đám khách mời đông đúc đang chen vai thích cánh trước những bức tranh, tràn ngập hoa và những lời chúc mừng, sau khi nữ họa sĩ lên đọc một bài diễn văn nhỏ, cạnh người chồng ân cần và hai đứa con khôi ngô. Thăng từ xa đứng nhìn, bồi hồi như chìm đắm vào cõi xa xăm. Thời gian đã lấy đi vẻ non tơ nhưng lại thêm cho người phụ nữ ấy vẻ chín muồi, nồng nàn. Trong chiếc áo dài tím cách điệu, giản dị và hơi có vẻ xuề xòa, hầu như không trang điểm, Em vẫn lồng lộng một thứ nhan sắc khác, mà người ta hay gọi vẻ đẹp bên trong. Thăng phải kiềm chế hơi thở, anh hồi hộp e rằng nếu mình thở mạnh thì Em sẽ tan biến mất. Một cử chỉ từ vô thức, Thăng đưa tay lên cằm, như ra vẻ suy tư, để che bớt một phần khuôn mặt của mình. Giữa bao cảm xúc mạnh mẽ, điều tràn ngập trong tim Thăng chính là, qua bao thăng trầm, Em vẫn là Em, trong sự phát triển sung mãn từ chính nội lực của mình.Từ một cái cây con yếu ớt, phải chống chọi với sương giá, nắng hạn để lớn lên, nay đã hoa trái đầy cành. Nhưng trong cái vẻ chững chạc của một phụ nữ viên mãn ấy, vẫn lấp lánh ngọn lửa ngày nào, ngọn lửa chất chứa những khát vọng, trăn trở…

Thăng cố lẫn vào đám đông, khi Em đi bắt tay những người khách quen, anh nuốt vào lòng bao quay quắt, yêu dấu nén chặt trong lòng suốt nhiều năm qua, chỉ chực tan chảy, tuôn tràn cho thỏa. Và Thăng chợt nhận ra, dù người phụ nữ ấy đứng ở góc nào trong phòng tranh, trò chuyện với ai thì người chồng cũng luôn liếc nhìn về vợ. Em đáp lại bằng một nụ cười nồng ấm kín đáo và chắc hẳn luôn làm mê hồn người đàn ông ấy.        

 Những bức tranh đóng khung trên tường kia, hầu hết là tranh vẽ phong cảnh, loáng thoáng Thăng nhận ra sông núi quê nhà và cái ngả ba sông gợn sóng, buồn thảm. Em từng hay ngồi trên cái mố cầu của chiếc cầu dài mỏng manh bị mìn và những trận lụt tàn phá, gãy làm đôi rồi gãy làm ba, sau này chỉ còn hai nhịp sát đầu cầu và vài nhịp đứng chôn chân chơ vơ ở giữa sông, để dòng nước chảy qua, quấn quýt… Nơi ấy, Em hay ngồi dõi mắt nhìn nước chảy hàng giờ không  chán.

Quá khứ dấy lên mãnh liệt, nhưng thay vì tiến đến bên Em, ôm lấy Em, tự nhiên Thăng đi thụt lui. Khi bắt gặp mình như thế, Thăng đã ra đến cảnh cửa của đại sảnh rồi quay lưng bước thật nhanh ra bãi để xe. /.

Nguyễn Thúy Ái
Số lần đọc: 1834
Ngày đăng: 22.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quân sư - Giản Tư Hải
Ngôi nhà trên sườn đồi - Nguyễn Minh Phúc
Câu chuyện về AK và lòng nhân đạo - Zozulia Efim
Tôi đã gặp mẹ - Csáth Géza
Truyện ngắn ngắn – 4 - Đỗ Ngọc Thạch
Những gã thợ săn - Trương Văn Dân
Chim chuyền buội ớt - Mang Viên Long
Rừng mê - Hoa Ngõ Hạnh
Mù tăm - Trần Đức Tiến
Ngày phán xử cuối cùng - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Mẹ và Con trai (truyện ngắn)
Bàn tay lạ (truyện ngắn)
Sống cùng hoa (tạp văn)
Người trong mộng (truyện ngắn)
Hồn Tết (tạp văn)
Vườn xưa (truyện ngắn)
Cơn giông (truyện ngắn)