Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
672
116.608.466
 
Lời cỏ cây
Márai Sándor

Trích đoạn

Nguyễn Hồng Nhung Dịch từ nguyên bản tiếng Hungary

 

1

Về mục đích của cuốn sách

 

Thưa bạn đọc, cuốn sách này sẽ cố gắng chân thật. Kẻ viết có một kiến thức khiêm tốn và có hạn. Cuốn sách này không khác, so với nhiều cuốn sách của xưa kia và ngày nay, muốn bàn về thân phận con người trong cuộc đời.Một con người đang thổ lộ,cần phải ở như thế nào, cần ăn , uống, ngủ, bị ốm và khoẻ mạnh ra sao, cần phải yêu ghét, chán chường,chuẩn bị cho cái chết và làm bạn với cuộc sống như thế nào.

 

Điều này không có gì to tát, vì con người nói chung, và tác giả nói riêng thường biết rất ít về cuộc đời.Nhưng thế cũng đủ cho trách nhiệm của một con người.Nhiều hơn chúng ta cũng chả thể nào gách vác nổi.

 

Như vậy, cuốn sách này sẽ chân thật, thưa bạn đọc, nó sẽ không nói về các lý thuyết, và những người anh hùng, nó sẽ chỉ bàn về những gì gần gũi với bạn. Người viết không muốn dạy, mà chỉ muốn học. Học từ những quyển sách của các nhà thông thái và những kẻ đi khai mở,học từ cuộc đời của những người khác,mà người viết đã quan sát, cảm nhận, học từ những tín hiệu của cuộc sống, từ chữ cái, từ trái tim, từ cỏ cây và đất trời cùng một lúc. Bởi vì tất cả những điều này làm nên số phận con người. Đây không phải sách thông thái, chỉ là những điều cơ bản nhất.Người viết không phải lúc nào cũng tìm ra sự thật, mà nhiều lần còn nhầm lẫn. Bởi vì người viết là con người.Nhưng người viết đi tìm sự thật tất yếu, và không xấu hổ, nếu bị nhầm lẫn. Bởi người viết là con người.Cho nên cuốn sách này sẽ giống những cuốn sách thuốc viết về cây, về cỏ ngày xưa, dùng những minh hoạ dễ hiểu để trả lời cho một chứng đau, như đau tim,hoặc bị Thượng Đế bỏ rơi.

Và hỡi ai biết nhiều hơn tôi, xin lên tiếng.

 

2

Về giá trị của cuộc sống

Chỉ sự phục vụ mới mang đến giá trị cho cuộc sống, và sự phục vụ này phải dành cho con người.Điều này nghe hơi nghiêm khắc và trìu tượng,nhưng lại là sự thật duy nhất đúng.Bạn là con người,bởi vậy bạn cần phải sống giữa con người và sống theo cách sống của họ.

 

Sống theo cách của con người nếu bạn sống chân thật. Nếu từng hành động, từng lời nói của bạn không có ý định làm hại con người.Nếu bạn gắng thử - một cách không khoa trương và kiêu ngạo-giúp đỡ con người. Đôi khi chỉ bằng cách không giấu diếm sự thật. Đôi khi chỉ bằng cách, không tiếp nối những lời giả dối. Đôi khi chỉ bằng cách, bạn không kêu lên "Đúng!" trong khi người khác gào lên "Đúng thế! Đúng thế!" Cả cuộc đời không tham dự vào sự giả dối,  là hành động phi thường hơn rất nhiều,  so với việc thỉnh thoảng mới phản đối.

 

Bên giường hấp hối, bạn mới yên nghỉ an bình, nếu ngày qua ngày bạn chỉ phụng sự cho sự thật một cách có ý thức, cho dù đôi khi sự thật chỉ vô cùng đơn giản và bé nhỏ. Nhung bạn đừng lựa chọn. Giá trị của cuộc sống chỉ có bấy nhiêu.

 

3

Rằng: cần phải sống và viết như thế nào

Tất cả những nhà thông thái mà tôi học hỏi, tư tưởng của họ đều dạy,cần phải sống và viết như thể đây là hành động cuối cùng của ta trong đời,như thể sau dòng viết cuối cùng cái chết sẽ tới.

 

Chỉ có cảm giác về sự chết, chỉ một ý thức không có nỗi sợ hãi và đớn hèn, mới cho ta một tư cách sống và một tư cách viết.Phải sống và viết đến tận cùng, nghĩa là phải quan sát thế giới và bản thân ta một cách tĩnh lặng, vô cùng chăm chú, phải để ý đến trí tuệ và những nỗi đam mê, để ý đến những ý tưởng của con người và tất cả những gì liên quan đến mối quan hệ ấy.

Đó chính là tư cách duy nhất xứng đáng với con người: Thượng Đế cũng không đòi hỏi chúng ta nhiều hơn.Và, không có tội lỗi nào lớn hơn và ngạo nghễ hơn,việc con người muốn nhiều hơn và muốn những cái khác,so với cái mà Thượng Đế đòi hỏi.

 

4

Về tính cách của con người

Một báu vật lý thú nhất, mà ta gặp trong đời người,chính là tính cách của con người.

 

Không gì thú vị, ly kỳ và bất ngờ,  bằng một quá trình con người tự bộc lộ bản chất của mình. Cảnh vật, kỳ quan của thế giới cũng không độc đáo bằng tính cách của mỗi người.Khi bản chất con người chợt hiện ra,  thông qua những nhận biết về thế giới,cùng một lúc,  ta cảm thấy đây mới là nhiệm vụ kiếm tìm chân chính của ta. Những hiểu biết khác chỉ làm giàu kiến thức, nhưng sự nhận biết về bản chất con người làm tâm hồn ta phong phú.Bởi đấy là kinh nghiệm trực tiếp nhất về con người,

Vâng, đúng thế, tính cách làm nên con người.

 

Vì tính cách chính là con người, nên ta vô ích giấu diếm: một cử động, một lời nói, một việc làm đều có thể bộc lộ toàn bộ tính cách,làm rơi xuống những mặt nạ hoá trang và quần áo đi mượn.

Sự gặp gỡ những tính cách riêng biệt của mỗi cá nhân chính là ấn tượng sâu sắc nhất của con người,điều mà ta cũng được dự phần.

 

5

Rằng: cái gì là ấn tượng đích thực của cuộc sống

Ấn tượng đích thực dành cho con người thực ra chỉ có thế này: Sự nhận biết ra bản thân mình.

Nhận biết về thế giới có thể vô cùng hấp dẫn, bổ ích, đầy rung cảm, hoặc đáng sợ, và đáng rút ra kinh nghiệm,nhưng sự nhận biết ra bản thân là cuộc hành trình lớn nhất, sự phát hiện đáng sợ nhất, cuộc gặp gỡ bổ ích nhất.

 

Đường dẫn tới La mã hoặc đến Bắc cực cũng không ly kỳ bằng việc phát hiện ra những tính cách của bản thân. Là khi ta nhận ra những xu hướng tính cách của chính mình, về sự nhận biết thế giới, con người, về cái tốt cái xấu, về những mối quan hệ của ta với mọi dục vọng. Khi tri thức về sự nhận biết bản thân của ta chin muồi, lúc đó ta chỉ cần đi tìm ấn tượng trong cuộc sống.

 

6

Về sự nhận biết cơ thể

Song song với sự nhận biết tính cách là nhận thức về cơ thể.

Nhưng,phải như với một tên hầu cận hư hỏng và không trung thành. Tính cách của ta phải là chủ, trí tuệ của ta phải ra lệnh, còn cơ thể chỉ là tên hầu cận.Cần hiểu và đúng mực với nó, cần nghiêm khắc, không đồng loã, như đối với một gã hầu cận luôn có xu hướng phản bội,hèn nhát và đào tẩu. Cần nhận ra những thói quen, những khuynh hướng của nó, bắt nó phải thoả thuận với thế giới, với mọi khả năng, với những thăng trầm của cuộc sống.

 

Cơ thể ta là kẻ hầu cận và thơ dại, vì nó thích đòi hỏi như những đứa bé. Nó muốn tất cả, mọi niềm vui, sự thoả mãn, và liên tục đòi hỏi. Cần phải nghiêm khắc vào những lúc đó.

Nhưng loại vật chất làm nên cơ thể, có họ hàng với nước, với đất, với những vì sao: bởi vậy trong cơ thể vừa có một cái gì đó vĩnh cửu, nhưng đồng thời, cũng đang tự huỷ hoại nó một cách nực cười. Với một khoảng thời gian ngắn ngủi, khi ta còn sai khiến được tên hầu cận này, cần nhận ra những hạn chế, những nguyện vọng thầm kín của nó, và cung cấp cho nó tất cả những gì cần thiết, để nó hoàn thành sự phục vụ,để đừng làm phiền tính cách và tri thức của ta.

Nhưng không được phép biến mình thành nô lệ cho cơ thể.

 

7

Về những cảm xúc

Tôi cho rằng: cần phải giữ thể diện của mình trước mọi cảm xúc.

Chỉ bằng cách tập trung cao độ, bằng cố gắng chừng mực, và bằng kinh nghiệm, ta mới làm chủ được cảm xúc của mình.

 

Ai cố gò ép mình, người ấy sẽ thất bại.Cảm xúc là một đội quân hung bạo.

Nó chống lại con người bằng các loại vũ khí, nó coi thường mọi quy tắc chơi, nó chỉ biết cào cấu cắn xé. Có một cái gì đó kinh hãi và tuyệt vời trong sự nổi loạn của nó. Con người chừng nào còn sống, chừng ấy còn đam mê.

 

Nhưng có thể rèn rũa những đam mê. Có thể biến đổi tính ích kỷ, những dục vọng, sự đói khát trong con người, sao cho mang tính người hơn. Có thể biến sự tham lam thành ý chí, cũng giống như biến đổi gió, lửa, ánh sáng, để có ích với con người hơn - kể cả khi sức mạnh của cảm xúc có thể làm nổi sóng biển, cháy trụi rừng, nhưng con người vẫn mạnh hơn. Bằng con tim và khối óc, có thể kìm hãm bạo lực, và sức mạnh chế ngự cơ thể con người. Hãy bắt những sức mạnh hoang dại phục vụ cho con người.

 

Con người, để làm được điều này, cần rất nhiều kinh nghiệm, nhiều nghị lực, trải qua nhiều đau khổ, và cần đến cả sự phi thường.

 

8

Về hành vi của con người

Bất kỳ loại hành vi nào định dựng lên một kiểu lối sống,một nếp sinh hoạt hàng ngày, khác trật tự sống của con người, đều không được phép.

 

Với con người,những hành động của thế giới chỉ có ý nghĩa, khi nó có thể tác động đến con người và cùng hoạt động với con ngưòi.

Có thể là tác động trực tiếp hoặc gián tiếp,nhưng không ai có quyền sống chỉ vì lợi ích cá nhân, vâng, và sáng tạo chỉ vì lợi ích cá nhân thôi, cũng không được phép.

 

9

Rằng:  con người là một bộ phận của thế giới

Con người,với sự bướng bỉnh và kiêu ngạo ngu xuẩn,  rất thích tin rằng, có thể sống trái ngược với mọi quy luật của thế giới.

 

Tựa hồ như giọt nước nói rằng"tôi khác biển"hoặc như tảng đá bảo"Tôi không bén lửa".Thực ra con người chỉ là một bộ phận của thế giới, là một thứ vật chất dễ hỏng, như sữa, hoặc thịt gấu, như mọi thứ được phơi bày trong chốc lát ngoài phiên chợ.Con người trong khuôn khổ thể xác, chẳng phải vật gì cao cả hơn thế giới,ngược lại chỉ là một tổng hợp vật chất đang đi tới sự tự huỷ hoại. Đá hay kim loại còn sống lâu hơn con người.

 

Bởi vậy tất cả những gì của ta được thể hiện qua thể xác đều vô nghĩa lý. Chỉ tâm hồn ta mạnh mẽ và tiếp tục tồn tại, như đá và kim loại – vì thế, không được phép nhìn bản thân mình khác, ngoài sự trường tồn của tâm hồn.

Cái tâm hồn được biểu hiện, thông qua cái thể xác đang đi đến chỗ tự huỷ hoại đó, làm nên ý nghĩa tồn tại của thế giới. Đó là sức mạnh của tâm hồn con người - ngoài ra, những gì thấy  được từ thể xác đều đáng thương và đáng nực cười.

 

10

Về sự mê tín

Không được phép sống chung với những mê tín.

Những người theo phái Gnoxtic đã đem khái niệm thứ sáu, ngày mười ba, sự nháy mắt, và lời giải thích về các con số và bói toán vào thế giới của chúng ta.  Những phái giáo thiên chúa ban đầu hỗn tạp, náo nhiệt ùn ùn đổ về La mã, những người Siri và Alexand, những kẻ xuyên tạc văn bản, những tín đồ sùng bái sùi bọt mép. Đấy là khoảng thời gian tăm tối và hỗn loạn. Những người theo trường phái Xtô-it lúc đó đã thôi ra lệnh ở La mã, nhưng những người thiên chúa giáo còn chưa cai trị. Con người bị bỏ rơi,  đối diện với thiên nhiên và bản tính của mình. Con người sợ hãi, thu mình lại, mê tín và bị bỏ bùa.

 

Bạn là người, bạn có niềm tin, bạn thừa biết đằng sau các hiện tượng là quy luật, là tri thức cao cả. Bạn hãy coi thường sự mê tín.

Nhưng bạn cũng nên biết rằng trí tuệ và ý thức kiêu hãnh của niềm tin không bị đe dọa, bị ép buộc, những sức mạnh bí ẩn của thế giới luôn rình rập quanh bạn. Tai nạn, trò chơi của các con số, các quy luật của chữ số, đất, không khí, những ý đồ và kế hoạch không hiểu nổi của các tia sáng, tất cả đều vô hình.

 

Bởi vậy bạn có thể giữ trong lòng một chút kính cẩn và sự run sợ. Thế giới không chỉ đầy ánh sáng hoặc tối tăm, thế giới còn hỗn loạn nữa. Không chỉ có các tia sáng, khí quyển, mà có thể còn có cả ma quỷ ( Gothe tin rằng có ma quỷ). Thế giới không chỉ có tri thức và hậu quả, đâu đấy trong các hiện tượng còn có cả sự màu nhiệm nữa.

Như vậy không được phép mê tín, vì điều đó không phù hợp với con người. Nhưng cũng không nên quá coi thường sự mê tín, vì đấy là nỗi kiêu ngạo không phù hợp với con người. Tốt nhất là bạn hãy đối xử với những sự mê tín một cách hơi nhạo báng, như một kẻ vừa mỉm cười vừa phần nào sợ hãi.

 

11

Về một hệ thống mà sau này ta nhận biết

Năm tháng trôi qua, tuổi già cuối cùng cũng cho ta một cái gì đấy, để bù đắp nỗi chịu đựng những mệt mỏi của sự lăng nhục, và những đớn đau cuộc đời.

 

Tuổi già không những cho ta nhiều kinh nghiệm - mặc dù bản thân kinh nghiệm không đủ sức mạnh dạy dỗ: con người vẫn vấp phải những sai lầm chết người, dù biết trước hậu quả của nó.

Không ! tuổi già có một lợi thế là có thể xây dựng cho mình một hệ thống từ những kinh nghiệm, nếu chúng ta không quá ngu xuẩn, hoặc trơ trẽn,nếu chúng ta không muốn trở thành những người già bụng phệ,đáng chê cười!

 

Giống như một lữ hành nhận ra những hành lộ ngoằn ngèo trên núi khi đi hành hương, khi leo lên đỉnh cao nhất, có thể nhìn thấu toàn bộ cấu tạo của con đường mình đã trải, hiểu rõ từng quy luật kết cấu, tạo ra ngọn núi.

Chúng ta cũng vậy, với những năm tháng qua đi, ta cũng nhìn rõ toàn bộ hệ thống, những gì đã xảy ra trong đời ta và trong đời những người khác. Cái nhìn thấu suốt này mà chỉ sự trôi qua của thời gian mới mang lại, chính là sự đền bù lớn nhất của đời người mà ta thu được, khi nhận biết về cuộc sống và con người.

 

12

Rằng: ngày nào ta cũng cần phải tiếp tục dấn bước

Bởi bạn là khách lữ hành, nên ngày nào bạn cũng phải dấn bước trên đường tìm kiếm một mục đích duy nhất, tìm những gì được Thượng đế giấu kín, trong tâm hồn,  và của tâm hồn bạn.

Điều này không dễ dàng. Bạn thử nghĩ mà xem, có bao nhiêu thứ quyến rũ, bảo bạn hãy nghỉ ngơi, hãy dừng chân, hãy quan tâm đến những việc khác! Bao nhiêu người đàn bà xinh đẹp đứng bên đường mỉm cười vẫy mời bạn.Cơ thể và những dục vọng của bạn trả lời những mời mọc, khiến bạn những muốn tham dự vào bao khoái lạc dịu êm ấy.

 

Nhưng hãy biết rằng sự trống trải vô hướng sẽ nối tiếp sau những phút giây khoái lạc và kiêu ngạo. Bởi vì tâm hồn bạn cần cái khác, trong khi cơ thể bạn đang ngập ngụa với hương phấn của một cơ thể lạ, tâm hồn bạn vẫn còn nguyên sự đói khát.

 

Tiền bạc, huân chương,chức tước, địa vị rải đầy rẫy trên đường đi của bạn,nhưng bạn làm gì với chúng, nếu như sự chăm chú, sức lực, thời gian, cái giá của việc nhận thức thế giới, sẽ tước hết sức lực tràn trề nhất của bạn đối với việc bạn nhận ra những gì Thượng đế muốn cho bạn biết?

Bè bạn rủ rê bên đường, gọi bạn theo chúng tham dự vào những cuộc vui: bạn sẽ được lợi lộc gì trong những cuộc vui và những thách đố ấy, khi bạn thua trận bên cạnh những ván bài và những quán rượu, và giữa chừng, tâm hồn bạn không ngớt hỏi:"Tại sao anh lại cứ mất thời gian ở đây? Những thứ này đều tầm thường và trơ trẽn. Hãy tiếp tục tiến bước, bởi vì anh còn nhiều việc phải làm lắm!"

 

Đấy! cuộc sống đại loại sẽ nói với bạn như thế, ngày nào cũng vậy, trong phút giây nào cũng vậy -nó sẽ bảo bạn dừng lại nghỉ ngơi, thoả mãn dục vọng, vui chơi, thoả mãn khát vọng của nỗi kiêu ngạo và khao khát quyền lực. Nhưng đến khi nào những việc đó sẽ không phải là việc của bạn?

Bạn là người lữ hành nên ngày nào bạn cũng cần phải dấn bước tiếp trên đường. Bạn không thể biết, bạn sẽ sống đến bao lâu, bạn còn thời gian hay không, để đạt được mục đích cuối cùng của mình, để nhận biết ra bản thân và thế giới của Thượng đế?

Bởi vậy bạn ơi, hãy tiếp tục dấn bước,bằng những bước chân vội vã, cho dù nghèo khó cũng không sao. Bởi vì, bạn là người lữ hành.

 

13

Về những thử thách và những kinh nghiệm

Câu hỏi đặt ra là liệu những kinh nghiệm để chống lại sự cám dỗ mạnh mẽ,bất thường và rẻ tiền của cuộc sống có đau đớn lắm không?

Cần phải trả lời là không.

Những cám dỗ này là tính hiếu danh giả dối, là những khả năng cảm tính, như tình yêu, các vai trò, công danh, các dục vọng của cơ thể, thói quen ăn uống xô bồ có hại cho sức khoẻ, các chất ma tuý. Những cám dỗ về tinh thần còn nguy hiểm hơn cả những cám dỗ xác thịt như khát vọng trả thù, sự dối trá, lòng tham vô đáy. Những cám dỗ nguy hiểm này luôn luôn bướng bỉnh thử thách con người trong bất kỳ độ tuổi nào.

 

Kinh nghiệm đã dạy rằng, tất cả những gì đi quá mức độ cho phép, những dối trá bẩn thỉu dẫn đến sự vỡ mộng,  đến cảm giác buồn nôn, dẫn đến sự sỉ nhục và bệnh tật,  đều khiến chúng ta trở thành nạn nhân của mọi cám dỗ.

 

Chỉ sự trung thành với bản tính của chính mình mới không dẫn ta đến thất bại, chứ không chỉ bằng những kinh nghiệm.Trong cuộc sống không có cái xấu và cái tốt tuyệt đối,nhưng nếu không tìm thấy cái phù hợp với bản thân, ta sẽ chỉ gặp toàn những cái xấu. Nghĩa là ở đây,cũng như mọi lúc khác, đừng tìm hiểu xem bản thân những cám dỗ tốt hay xấu, mà nên tự hỏi: những điều này có phù hợp với ta hay không nếu ta quyết định đi theo nó?

 

Những kinh nghiệm về thế giới không quan trọng bằng những nhận biết về chính bản thân mình. Có những con người non nớt thiếu kinh nghiệm,nhưng trung thành với những gì mình có, nên không bị thất bại trên đường đời.Trong khi đó, có những kẻ cáo già, nhưng không biết điều chỉnh cám dỗ cho  phù hợp với đặc tính riêng của bản thân mình, nên vẫn bị vấp ngã một cách đáng xấu hổ.

 

14

Về nỗi đam mê

Nếu ai tưởng rằng có thể chạy trốn khỏi những đam mê, cũng chẳng khác gì những người cứ tưởng có thể xây dựng được những lâu đài bằng cát giữa sa mạc.

 

Đam mê trong cuộc đời chúng ta cũng có ý nghĩa như sự uyên bác, thói quen chừng mực và việc phòng thủ có suy tính. Người hoà hợp thông minh với thiên nhiên, là một người hoàn toàn, biết thả mình cho nỗi đam mê của thể xác, của cá tính,  một cách chân thành và mức độ, phù hợp với đặc điểm của cá nhân mình. Nhưng họ lại không biến thành thú vật, bởi họ biết đâu là giới hạn, khi cần phải bằng răng và móng vuốt bám vào bão tố đang ập đến mình, trong hạn chế của lý trí.

Đừng phủ nhận cơ thể, nhưng hãy đối xử với nó một cách công bằng và chiếm ưu thế,như một người thuần thú dữ. Đừng phủ nhận dục vọng, nhưng hãy đặt ra các giới hạn. Đừng phủ nhận xúc cảm, nhưng hãy ngự trị giữa cơn nổi loạn của nó,như một thuyền trưởng giữa các thuỷ thủ của con tàu đang gặp bão: nghiêm khắc, cảm thông, van vỉ và anh dũng.

Bạn không làm khác được, vì đấy  là những gì, con người có thể làm được.

 

15

Sự lãnh đạm với cái Tốt

Phần lớn nguyên nhân thật của mọi hoàn cảnh bất hạnh, nghèo đói, tuyệt vọng, nhục nhã của con người không phải do sự độc ác của con người mà thuần tuý chỉ do sự lãnh đạm. Đấy là"sự lãnh đạm với cái tốt" mà Kinh Thánh đã từng nói đến.

 

Một kẻ giết người khó có thể coi như sự đáng chú ý của con người.Sự giết người cần đến sức mạnh, cá tính, trí tưởng tượng, và những động cơ thúc đẩy. Nhưng có thể đề phòng những kẻ giết người. Có người một cách thường xuyên, có người không chống đỡ nổi, có người reo rắc sự đói nghèo,thảm hoạ cho hàng triệu con người,đó là người ngoan đạo và lãnh đạm, người quay đầu khi nhìn thấy những đê tiện,bất công nào đấy,người không nhấc điện thoại, nếu cần phải giúp đỡ, người thận trọng đi quanh những nỗi đói nghèo của con người rồi lặng lẽ tránh xa, cho dù chẳng cần những cố gắng quá mức, những hiến dâng ghê gớm, cũng có thể mang lại chút lòng ham sống cho người khác, hoặc giúp đỡ một kẻ nghèo khó.

 

Một kẻ gây chiến với thế giới vì sự chuyên quyền của mình chưa nguy hiểm bằng một kẻ lịch sự, đứng giữa một cách có tính toán, một sự trung lập hèn nhát và ích kỷ cá nhân. Đấy là tội ác cơ bản.Loại người này tạo nên một thế giới mà chúng ta phải cảm ơn họ,nếu từ những kinh nghiệm thu thập được,ta sẽ từ bỏ thế giới loài người trong giờ phút hấp hối, mà không  tiếc rẻ gì cho lắm.

 

16

Về: tiếng gọi của thế gian

Trong đời tôi đã gặp nhiều rắc rối và phiền toái, do xung đột thường xuyên của những vai trò thế gian xa lạ, với bản tính tồn tại của tôi đáp lại tiếng gọi hấp dẫn của cuộc sống. Bởi vì con người là một sinh vật xã hội, nên những xu hướng của nó chẳng có gì đáng trách: rất đúng đắn, nếu con người đi tìm nhóm bạn hữu của mình.

 

Từ những buổi chuyện trò ấm cúng, thân mật, người ta làm quen với quan điểm của nhau, và nếu như phần lớn sự đồng cảm không tìm thấy được - như một giải thoát có tính chất tạm thời cho sự cô độc của cuộc sống - thì cũng bõ công mệt nhọc để tìm đến với nhau.Con người là sinh vật xã hội, nên nhiều lúc, chính trong đám bè bạn, họ bộc lộ hết những khả năng tính cách đẹp đẽ của mình: người nào trò chuyện một cách từ tốn, công bằng, cách diễn đạt dễ chịu có suy nghĩ , thường cố gắng chấp nhận nhận quan điểm của người khác về thế giới,về các vấn đề của số phận con người, họ thường kiên nhẫn trả lời những phản bác, không vội vã kết tội, thường lập luận đúng đắn câu trả lời của mình và không vì thói lịch sự hay sự đẹp lòng mà đi chệch khỏi sự thật mà mình đã biết. Những người như vậy thực ra đã hoàn thành nhiệm vụ đẹp nhất của con người, khi đến đám đông, làm quen với ý kiến của những người khác nhưng lại không bỏ qua ý kiến của mình.

 

Nhưng đại đa số con người vì thói sĩ diện, vì khát vọng trốn tránh sự buồn chán tìm đến người khác.Và rất ít khi ta tiêu khiển thời gian vào những đám người, mà sau đó ta không cảm thấy lương tâm cắn rứt,như thể ta là đồng bọn của những cuộc vui chơi vô độ. Cần phải hết sức chú ý, để khỏi rơi vào những sự mời mọc, mà chủ nhà thường hy vọng vào sự tôn danh nào đó từ những"đám khách khứa".Với đám người này, các vị khách được coi như một món hàng khan hiếm,mà chủ nhà đem bán trên thị trường của sự hiếu danh.

 

Tôi luôn tránh xa những buổi hội họp mang đầy tính chất giả tạo. Tôi cũng không ngại ngùng, nếu cần phải xúc phạm đến những vị chủ nhà hiếu danh,hoặc kiêu ngạo, mời đến nhà của họ.

" Mời khách"đó là cả một nghệ thuật, cần đến rất nhiều sự tế nhị, tâm hồn cao thượng,những hiểu biết về con người và hoàn cảnh. Còn nhận lời hay không đó là vấn đề của phép lịch sự, cũng như những vấn đề khác thuộc về con người.

 

17

Về những kẻ hùng biện trong đám đông

Chúng ta cần cẩn thận với những kẻ khi ở đám đông, không bao giờ nói chuyện với người ngồi bàn bên cạnh,mà chỉ thích nói cho cả đám đông nghe thấy.

 

Họ muốn đám đông phải nghe thấy từng từ của mình, họ keo kiệt chú ý sao cho không có lời nói nào của mình rơi xuống gầm bàn, họ liên tục kể các mẩu chuyện, họ hùng biện cốt chỉ để khoe tài và mong mỏi đám đông say mê.Những kẻ này thường được ưa chuộng, và thường xuyên được mời, vì họ thường là linh hồn của các cuộc tiếp tân,và đôi khi mua vui cho cả đám khách khứa.Nhưng đó là những kẻ hùng biện giả dối. Những gì họ nói không quan trọng, và cũng chẳng cần thuyết phục người nghe, họ chỉ nói để thoả mãn lòng hiếu thắng. Những đám người như thế cần phải thận trọng tránh xa.

 

18

Rằng: vào năm bốn mươi tuổi, con người biết tất cả

Marcus Aurelius đã từng nói,vào năm bốn mươi tuổi,trí tuệ của người đàn ông đã được chiếu sáng, đã sống qua tất cả và biết tất cả, cái đã xảy ra trước kia với con người ,và cái sẽ xảy ra sau đó. Từng phần cụ thể có thể khác nhau, hoặc có sự thay đổi, nhưng những sự kiện chủ yếu - những sự kiện chủ yếu của đời sống con người - sau bốn mươi năm đều xảy ra đại loại như vậy.

 

Con người đã trải qua những đam mê, rút kinh nghiệm về những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên, và biết một cách chắc chắn rằng mình sẽ chết. Caesar không thể biết nhiều hơn, Antonius cũng thế, Marcus Aurelius cũng vậy, con người sẽ không bao giờ có thể biết nhiều hơn nữa về bản thân mình và thế giới. Những cái khác chỉ là sự lặp lại.

 

19

Rằng: khi một người đã biết một điều gì đấy, sẽ trở nên bình thản

Đằng sau kiến thức là sự bình thản.

Nếu bạn biết sự thật về cuộc sống, bạn sẽ trở nên điềm đạm và bình thản. Sự thanh thản này không phàn nàn. Không kết tội, không mè nheo, không trả thù, không đòi bồi thường, không cần lời giải thích. Tất cả đều vô hy vọng, cái thuộc về con người.Chỉ có thượng đế là hoàn toàn, chỉ có linh hồn là không tuyệt vọng. Vậy con người còn muốn điều gì khác, ngoài sự bình thản, khi quay về với thượng đế bằng những khát vọng của con người?

 

Con người giác ngộ là người im lặng. Họ biết rằng,không thể được giúp đỡ.Điều anh ta có thể làm được nhiều nhất là không làm hại người khác, và làm hại chính mình. Người đang sống hướng về cái chết,người đang sống giữa những con người, nghĩa là sống trong sự bất công, người ấy có thể hy vọng gì hơn?

Nhưng nếu trái tim họ đã được dạy dỗ để bình thản và ngoan ngoãn, đó sẽ là sự an ủi trong lành.

 

20

Về sự thoải mái và sự cô độc

Chúng ta vô ích kêu lên:

“ Không hề gì,cái ngáng chân của kẻ khác! Tất cả rồi sẽ thành cát bụi!”- nếu trong đáy sâu tâm hồn, ta không cảm thấy trách nhiệm của mình với thế giới. Tôi thường xuyên tự kết tội mình.

 

Thực ra từ bỏ mọi thứ: sự kiêu ngạo, những điều kiện vui chơi, hoặc từ bỏ những thoả mãn có tính vật chất cũng như có tính chất xã hội, không phải là việc quá khó. Để xa lánh con người, để chỉ cống hiến cho những nhiệm vụ, và môi trường nhỏ bé của những nhiệm vụ đó, để chỉ gánh vác sự phục vụ con người. Điều này thực hiện cũng không dễ, nhưng không phải không làm được. Người ta sẽ đánh giá xấu sự rút lui của chúng ta, vì họ coi thường và phê phán những hành vi xử sự này.Họ đặt tên nó là: Lập dị,

 

Nhưng đồng thời có thể cảm thấy một chút kính cẩn của thiên hạ trong đó.

Sự kính cẩn và chấp nhận này làm thoả mãn sự kiêu ngạo của chúng ta.

Ngoài ra ta cũng đồng thời từ bỏ được nhiều sự phiền toái, khi ta tránh xa con người.

Thế nhưng vẫn có một âm thanh thì thầm bên tai ta, rằng ta đã hành động một cách ích kỷ và bừa bãi, khi ta hoàn toàn xa lánh sự tiếp xúc với con người, và ẩn náu trong sự cô độc của một kẻ tu hành ngạo mạn, ta trốn tránh vào sa mạc của lối sống và tác phẩm của mình.

Trước tiên – nói như những người Pháp - tất cả những kẻ tu hành biết rõ giờ tàu chạy, đều khả nghi. Nghĩa là phần đông những kẻ đi tu, có thể vì tự ái hoặc tự ti, đều biết rất rõ giờ tàu chạy cũng như con tàu nào có thể đưa họ quay trở lại với thế giới loài người! Phần lớn những kẻ” cô đơn vĩ đại” này đều toả sáng một thứ ánh sáng kiêu căng, như ánh sáng của miền Bắc cực, chỉ sáng mà không sưởi ấm và soi rõ.

 

Sau nữa, không ai có quyền trở thành kẻ cô đơn.

Kẻ có quyền trở thành cô đơn, trở thành kẻ xa lánh loài người, nếu, làm như vậy họ sẽ phục vụ con người được nhiều hơn. Cũng chính vì vậy, vì lý do chán đời, vì sự bướng bỉnh, hoặc vì thái độ kiêu ngạo, con người ta không có quyền trở thành cô đơn. Chỉ trong trường hợp, vì thái độ chừng mực và tính chất công việc, ta muốn như vậy sẽ phục vụ con người được nhiều hơn, chỉ lúc đó ta có quyền rời bỏ cộng đồng của mình.

Nhưng một công việc và một người như vậy thường là hiếm, bởi vậy ai định lựa chọn sự cô độc, xin hãy vấn hỏi lại kỹ càng lương tâm của mình.

 

21

Rằng: thời gian sẽ quyết định tất cả

Khi bắt buộc phải quyết định một điều gì đó liên quan đến cuộc sống và hoàn cảnh của con người, ta đừng quên đặt quyết định đó trong sự chuyển dịch của thời gian:

Bởi vì tất cả mọi quyết định chỉ đúng và có hiệu lực trong một thời gian nhất định.

 

Hãy cứ tự quyết định, nhưng không phải bằng mọi giá!

Hãy tự quyết định, nhưng không phải hoàn toàn chắc chắn như vậy!

Hãy để trong mỗi quyết định của con người,  một chút khả năng của cuộc chơi, để con người đủ thời gian và không gian thích ứng, để những ý định của con người tìm ra vị trí của nó, giữa những định luật biến đổi của vũ trụ.

 

Hãy đừng bằng thề thốt, bằng đinh và búa đóng chặt vĩnh viễn vào thời gian, những gì màn đêm và những buổi bình minh vẫn có thể làm biến đổi, những gì trái tim và trí óc của bạn vẫn có thể mài rũa, thay đổi, thêm bớt… cả hôm nay, ngày mai, và mãi mãi.

Hãy cho mọi quyết định thời gian và không gian của nó, để nó phù hợp với hình thức và vị trí cần có của nó.

 

Bạn hãy tự quyết định, nhưng đừng ép buộc!

Hãy tự quyết định, nhưng đừng bằng mọi giá!

Hãy hành động! Nhưng phải biết tin tưởng vào thời gian.

Rồi bạn sẽ thấy, ngày mai hoặc nhiều năm sau nữa, không phải do bạn quyết định mà chính là do một không gian, nơi mọi quyết định của con người được sáng tỏ: đó chính là thời gian./.

 

Márai Sándor
Số lần đọc: 2231
Ngày đăng: 28.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ khóc cười của tuổi thơ - Trần Hạ Tháp
Từ Phố núi - Võ Quê
Tình đất tình người - Nguyễn Trung Bình
Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương - Minh Nguyễn
Tuồi thơ Huế -Mùa hạ mãi xanh - Võ Quê
Giải pháp thời thất nghiệp ! - Vũ Trà My
Đóa Dã quỳ và nhà thơ Xuân Sách - Tạ Quang Luyện
Đảo sầu riêng - Ngô Kế Tựu
Kahlil Gibran - Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn - Kahlil Gibran
Chợ Chữ - Đàm Lan
Cùng một tác giả
Lời cỏ cây (tạp văn)
Casanova ở Bolzano (truyện dài)