Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
547
116.536.570
 
Tổ quốc, quê hương, đất nước
Imre Kertész

Cách đây một năm, trong căn phòng này đã vang lên bốn bài nói chuyện, hai trong bốn người diễn thuyết đó – Fritz Beer và George Tabori – bắt đầu bài nói chuyện về” đất nước riêng của họ”, là nơi, họ muốn đặt tên cho nó là đất nước riêng, nhưng nó không tồn tại. May mắn lớn của hai diễn giả này, là họ đã lường trước, để nhanh chóng rời bỏ quê hương của mình, trước khi nguồn gốc xuất thân hoặc cách suy nghĩ của họ, đẩy họ vào nhà tù, hoặc tống  họ vào trại, hoặc bị giết.

 

Giờ đây, một diễn giả khác đang đứng trước mặt các vị, người đã bị chính quyền đương thời của đất nước riêng của mình – đất nước Hungary – trao cho một thế lực xa lạ, như một loại hàng hóa đã đóng dấu, trong khuôn khổ nhà nước, với mục đích cần phải thủ tiêu, như thế lực mạnh nhất thời bấy giờ – nước Đức phát xít –bằng những phương pháp tân tiến, đã thủ tiêu hàng loạt người Do thái.

 

Kẻ đó sống sót, thoát khỏi trại tập trung, cho đến tận hôm nay cũng không hiểu vì sao: có thể vì bằng bản năng của một con chó hoang, nhưng cũng có thể, vì – với cái đầu mười sáu tuổi – nó gọi đấy là quê hương, nơi nó quay trở về.

 

Muộn hơn nữa , dưới thời chiếm đóng của nhà nước Xô viết, được mệnh danh là chủ nghĩa xã hội, nó đã trải qua bốn mươi năm tự lưu đày, để nhiều năm,  sau sự kiện 1989,  rốt cuộc nó nhận ra tình trạng xa lạ không thể sao chép lại của mình, như thể nhận ra bến đỗ cuối cùng của một cuộc hành trình vô cùng- vô cùng dài, cập bến tới  một nơi, mà từ đây, xét theo miền địa lý, chẳng hề di chuyển.

 

Rất có thể, cuộc hành trình đến những bến bờ như vậy, mang lại những bài học;  nếu không tin điều đó, tôi không thể đứng trước các vị, trong ngày hôm nay.

 

Cách đây không lâu, với một vinh hạnh lớn, tôi đọc cuốn tiểu thuyết nhật ký Đất! Đất! của Márai Sándor trên đài phát thanh Budapest.

 

Márai Sándor, một trong những nhà văn hiện đại Hungary hấp dẫn nhất, có giá trị nhất, di tản năm 1948, trước khi chế độ độc tài toàn trị  Stálin xảy ra ở Hungary. Tên tuổi Márai, trong thực tế, đã bị cấm nhắc đến suốt bốn mươi năm ngay trên” đất nước riêng” của ông. Ông vẫn sống, sau sự kiện 1989, khi người ta mời ông trở về từ nước Mỹ, cho dù việc trở về nhà này, ông đã thực hiện một cách hoàn toàn khác, khác hẳn những gì mà chính quyền văn hóa Hung tầm thường thời bấy giờ tưởng tượng: ở độ tuổi tám mươi chín, trong căn nhà đơn độc tại San Diegó, ông đã tự bắn vào đầu mình.

 

Trong cuốn tiểu thuyết nhật ký nêu trên, Marai Sándor ghi lại việc chuẩn bị quá trình lưu vong của mình, trong những tuần cuối cùng ông sống ở Budapest. Tôi đã đọc trước mikro, với sự đồng cảm đặc biệt, những cân nhắc này của Márai Sándor,  khi ông biết một tương lai thế nào chờ đợi, nếu ông ở lại, ông đã nhìn thấy trước sự khủng khiếp, của những khủng bố tinh thần và thể xác, từ”sự tẩy não” từ việc”đánh mất cái Tôi” -  giữa chừng, tôi cần nhớ ra, tôi, một đồng nghiệp sinh sau đẻ muộn, cách ông ba mươi năm, tôi đã trụ lại ở đây một cách như thế nào đấy, mà người ta không tẩy não được tôi ( có thể họ không thành công,  hoặc  đơn giản tất cả trôi tuột từ bộ não của tôi), cái gọi là cái Tôi của tôi cũng không  mất ( cho dù thường xuyên tôi nặng nhọc gánh vác nó)

 

Tôi có tội? Hèn nhát? Lười biếng? Tôi không tin. Tóm lại, như cách Márai Sándor thường nói: cần phải sống, phải trải qua trạng thái này.

 

Márai Sándor, đặc biệt còn là một trong những người đầu tiên, truyền tải ý nghĩa quan trọng của tư tưởng Franz Kafka ra ngôn ngữ riêng của đất nước ông, từ năm 1922 những truyện ngắn hay nhất của F. Kafka đã được ông dịch ra tiếng Hung.

 

Khi Franz Kafka nghe tin này, lập tức phản đối nhà in Kurt Wolff của ông : những bản dịch tác phẩm của tôi ra tiếng Hungary – Kafka viết trong thư – đặc biệt chỉ dành cho người bạn của tôi, Robert Klopstock. Robert Klopstock, người Đức gốc Hung, là một người  làm văn học không chuyên nghiệp, thực chất là một bác sĩ,  tên tuổi  nổi lên đâu đó sau này, trong làng văn di tản Mỹ-Đức. Câu chuyện giống như thể một Kafka bằng xương bằng thịt, bước vào chính thế giới huyền thoại của những truyện ngắn Kafka.

 

Để khuấy động cảm giác của mình, xem điều này có nghĩa là gì, ta có thể nói như thể, khi Thomas Mann dịch một cuốn sách của tôi ra tiếng Đức, tôi đề nghị nhà xuất bản của mình, cho phép bác sĩ riêng của tôi dịch, người biết tiếng Đức không sành  sỏi  cho lắm.

 

Không hiểu tại sao tôi lại kể cho các vị nghe mẩu tư liệu này. Có thể, tôi muốn làm sáng tỏ một điều: định luật của thế giới chúng ta chính  lại là sự nhầm lẫn, sự hiểu lầm, sự lầm lẫn về nhau. Thật dễ dàng, thậm chí một cách thân thiện, chúng ta nhầm lẫn chọn người phiên dịch cho mình, và vì nhẹ dạ nhầm lẫn trong ngôn ngữ, cuối cùng, chúng ta chỉ giới thiệu  những méo mó tư tưởng của mình.

 

Trong mọi trường hợp, tôi đề cao sự cẩn trọng, khi tiêu đề của những bài phát biểu này được lựa chọn: Reden über das eigene Land ( dịch sát từ: Bài nói chuyện về đất nước riêng) – đúng thế, tôi cho rằng cần nhận thức sự biểu hiện cẩn trọng, dựa trên nền tảng những kiến thức hiện đại sâu sắc trong tiêu đề này. Người ta có thể lựa chọn một tiêu đề khác, ví dụ: Bài nói chuyện về tổ quốc riêng biệt, bởi lẽ tiêu đề này vang lên có vẻ quyến rũ hơn, phổ biến hơn và gây ấn tượng hơn. Nhưng, tất nhiên, chính những tính chất này làm cho tiêu đề, có thể không vô nghĩa, nhưng vang lên đầy phân vân, nghi hoặc.

 

Có những ngôn từ, chúng ta vĩnh viễn không thể nói chung chung, như đã từng nói. Thậm chí: có những từ ngữ, thoạt đầu tưởng mang cùng một ý nghĩa trong mọi ngôn ngữ, vậy mà, theo từng loại ngôn ngữ, mang đến một cảm giác khác, một đồng cảm tư tưởng khác, khi người ta phát ngôn chúng.

 

Tôi cho rằng, một trong những hiện tượng trầm trọng nhất của thế kỷ chúng ta, tuy chưa được đo lường đầy đủ, chính là, cùng với sự đầu độc của các hệ tư tưởng, ngôn ngữ đã bị nhiễm độc và trở nên nguy hiểm.

 

Wittgenstein trong một ghi chép có tựa đề Những đồng cảm ( Vermischte Bemerkungen) cho rằng,  đôi khi cần lấy ra một vài diễn đạt ngôn ngữ, để „mang ra tẩy rửa” trước khi sử dụng lại chúng;

Paul Celan, khi lĩnh giải thưởng Bréma văn chương, đã từng nghiệm ra sự thất bại của ngôn ngữ như sau: „ những bài nói chuyện mang đến cái chết cần phải đi qua hàng nghìn nỗi đen tối”

Viktor Klemperer viết sách về việc sử dụng ngôn ngữ của những kẻ theo chủ nghĩa xã hội dân tộc,  còn George Orwell  tạo dựng lên một ngôn ngữ hoang đường của chủ nghĩa toàn trị, một thứ” new speak”

 

Tất cả mọi nơi đều cho rằng, các khái niệm của chúng ta, như chúng ta đã từng sử dụng, đã hết hiệu lực. Bởi vậy, tình thế này thật đặc biệt, khi người ta yêu cầu tôi: hãy nói một điều gì đó về đất nước riêng của tôi – thay vào đấy, tôi  vướng vào những phức tạp thể hiện về triết học ngôn ngữ.

 

Nếu đúng là cần phải nói về khái niệm” tổ quốc”, chúng ta cần quay ngược  thời gian một chút. Tôi, ví dụ, hơi sợ khái niệm này. Nhưng điều này chắc chắn chỉ là hậu quả tồi tệ của phản xạ.

 

Từ khi còn nhỏ, tôi từng học,  tôi chỉ phục vụ tổ quốc mình tốt nhất, nếu tôi tham gia lao động bắt buộc, rồi sau đó sẽ bị thủ tiêu. Các vị chớ nghĩ rằng tôi đang mỉa mai, giễu cợt: phong trào thanh niên quân dịch-  là „những người hùng” – với mảnh băng vàng đeo trên cánh tay, chúng tôi cần cất cao tiếng hát, hát  những bài ca yêu nước. Giờ đây tất nhiên tôi dễ dàng chứng minh những tha hóa kiểu này cho sự lầm lạc phương hướng,  dù từ  khi còn bé,  tôi đã cảm nhận được sự ngu ngốc của nó. Nhưng những điều này có thể trải qua một cách khác.

 

Hãy cho phép, tôi dẫn chứng ra đây bằng mười bài thơ cuối cùng, một ví dụ về Radnóti Miklós, nhà thơ Hungary, không còn nghi ngờ gì nữa, đã đạt tầm cỡ nổi tiếng thế giới. Tâm hồn vĩ đại này, sinh ra trong một thân xác Do thái, từ những khẳng định nội tâm sâu sắc và từ những lý do mỹ học, ngay từ khi còn rất trẻ đã theo đạo thiên chúa, và không bao giờ từ bỏ tình yêu tổ quốc không thể lay chuyển của mình.

 

Ông bị bắt làm việc trong các trại tập trung hàng năm trời, bị lũ đao phủ Hung và Đức giam giữ trong các trại giam, sau cùng, để chạy trốn những đội quân đồng minh đang truy lùng, chúng lùa ông, cùng các tù nhân khác, hành trình đi bộ về phía nước Đức. Giữa chừng, chiếc xe ngựa  chở những bệnh nhân ốm yếu, bị dừng lại, những kẻ đánh xe  muốn bảo vệ những con ngựa quý báu của họ, thế là buổi tối, lũ áp tải người Hung bàn bạc với nhau, ra quyết định, nên làm gì với cái món hàng không yêu cầu này: chỉ  một cách giải quyết hợp lý nhất, bắn chết hai mươi hai người bệnh, ngay trên đường cái quan. Và lập tức chúng đã hành động đứng như vậy.

 

Hai năm sau, khi đào bới lên nấm mồ tập thể, người ta tìm thấy thi hài nhà thơ, trong áo khoác của ông còn nguyên một cuốn sổ, chép mười bài thơ lớn cuối cùng, ông làm trong trại giam.

 

Tình yêu đối với tổ quốc của ông lớn hơn bao giờ hết, trong hình hài thể hiện của thơ ca, ông đã lựa chọn một viễn cảnh cực kỳ chân thật: những gì kẻ thù ( cần hiểu đây là những phi cơ đồng minh Anh-Mỹ) từ trên cao chọn thành những mục tiêu cần để dội bom, và xả súng, đối với nhà thơ, đấy chính là tổ quốc của ông, là mảnh đất, nơi có những con đường thân quen, có những kỷ niệm thơ ấu, và tình bạn, có những người đàn bà yêu dấu của nhà thơ…

 

Ở đây, chứa đựng một nỗi sửng sốt: các nhà thơ thường không biết, nên sống như thế nào, nhưng họ luôn luôn biết, cần phải chết như thế nào. Câu hỏi lớn sẽ là chủ nghĩa anh hùng của lòng trung thành này tác động như cái gì, nếu nhà thơ không bị đóng dấu bằng chính số phận của mình. Trong các trại tập trung, trong các nhà tù, khát vọng sống sót, đặc biệt thủ tiêu các ảo tưởng trên nền trời lãnh đạm. Nhưng thiếu các ảo tưởng này, làm sao chúng ta định nghĩa được khái niệm tổ quốc?

 

Renan, một nhà sử học Pháp,  nhà chuyên môn về vấn đề này, đã nói, không phải giống nòi,  không phải ngôn ngữ, xác định các dân tộc: con người cảm thấy trong trái tim họ, những  tư tưởng đồng điệu, những xúc cảm, những kỷ niệm và cả những hy vọng chung.

 

Nhưng tôi, từ rất sớm đã kinh nghiệm được rằng, tôi nhớ lại tất cả một cách khác, cả những hy vọng của tôi cũng hoàn toàn khác, với những gì tổ quốc đòi hỏi từ tôi. Những khác biệt được tin như một sỉ nhục, cháy sáng như một nỗi bí ẩn từ sự nhất trí kêu gào xung quanh tôi, từ thế giới của những con người nhất trí đã bị loại bỏ. Tôi chịu đựng cái Tôi riêng biệt của mình như một cảm giác phạm tội,  và với cảm giác về sự phân chia ý thức, cho đến tận khi – sau một thời gian khá lâu – tôi nghiền ngẫm ra, đây không phải một cơn bệnh, đúng hơn là một trạng thái lành mạnh, và cái bị thiệt thòi, được bù đắp bằng một trạng thái tinh thần khỏe mạnh,  một cách nhìn đúng đắn.

 

Sống với cảm giác bị thua thiệt: có lẽ đây là trạng thái đạo đức ngày nay của chúng ta, để giữ cho ta trung thành với thời đại của mình. Còn hay chăng vị trí, vai trò, tác dụng của nghệ thuật, của tín ngưỡng, của  nền văn hóa con người? Cái, người ta đặt tên nó là nền văn hóa, chính là khả năng sáng tạo phổ biến nhất của một cộng đồng rộng lớn, nơi, mọi cố gắng của con người nhằm làm khả năng này phát triển tốt hơn, có nhân tính hơn,  hình như đơn giản đã biến mất. Nỗi chán chường khủng khiếp phản ánh sự thiếu vắng của tinh thần, sự rên rỉ câm lặng tuyệt vọng, dẫn đến việc kiếm tìm âm thanh của những hành động quá khích.

 

Tôi thuộc nhóm người dự phần vào những kinh nghiệm trầm trọng nhất của lịch sử và của con người trong thế kỷ này. Tôi,  như một bộ phận của những kinh nghiệm đã trải, khi nói về bất kỳ điều gì, tôi cũng chỉ có thể đọc điếu văn cho nó. Huyền thoại hiện đại của chúng ta bắt đầu bằng một tiêu cực khổng lồ: Thượng đế tạo dựng nên thế giới, con người tạo dựng nên Auschwitz.

 

Tôi không biết, người ta đã nghiên cứu hay chưa, bằng những kiến thức cơ bản trạng thái mà trước đó tôi đã phân tích như một cảm giác phạm tội và sự phân chia ý thức. Tôi đã sống sáu mươi năm trong một đất nước, nơi – từ hai tuần ngời sáng của cuộc nổi dậy 1956 – tôi luôn luôn đứng về phía của những đảng tự xưng là đối địch.

 

Lúc đất nước riêng của tôi chiến đấu trên trận tuyến của nước Đức phát xít,  mọi hy vọng của tôi trông chờ vào vũ khí  của các thế lực quân đồng minh, muộn hơn, trong giai đoạn được gọi là chủ nghĩa xã hội, tôi mơ ước cái gọi là chiến thắng của chủ nghĩa tư bản, hay đúng hơn, chiến thắng của dân chủ đối đầu với chế độ một đảng.

 

Trong phần đầu bài nói chuyện, tôi thốt lên dễ dàng làm sao từ: ” nỗi lưu đày bên trong” ;

 

Có thể chính tôi đã quên những vực thẳm động kinh, những hoang mang, run rẩy và thậm chí cả những giây phút trần trụi và ngắn ngủi của những bản khải hoàn ca bí ẩn. „ Chúng bay có biết hay không, nỗi cô đơn trong ngây ngất triền miên, tự bản thân mình cảm hứng với mình, là cái gì,  trong một đất nước sủi tăm này? Được, ta sẽ nói cho các ngươi biết…” – tôi đã viết như vậy trong cuốn Nhật ký khổ sai của tôi; Rất có thể, các tiểu thuyết của tôi thực chất chỉ nói về cảm giác này, ít hoặc nhiều, nếu như không phải là tất cả.

 

Các vị hãy thử hình dung, một đứa trẻ mười bốn tuổi, khá lớn, là tôi hè 1944. Một ngày hè nóng bức, nhưng tôi mặc một chiếc áo khoác, vì trên đó khâu một ngôi sao vàng. Lúc đó tôi làm việc tại một  xưởng nhỏ sửa chữa và chế tạo máy móc sản xuất rượu, ông chủ sai tôi vào thành phố” đòi nợ” một kẻ đặt mua một cái gì đó trước đấy.

 

Khi từ căn nhà bước ra, tôi  cố gắng đi nhanh về phía tàu điện, bỗng thấy những người bán báo rong, nách cắp những tập báo nóng hổi, tràn ra từ một nhà in gần đấy, gào tướng lên một tít báo giật gân mới nhất: „ Cuộc đổ bộ bắt đầu! cuộc đổ bộ bắt đầu!”. Đấy là ngày 6 tháng sáu.

 

Tôi mua ngay một tờ báo, mở ra đọc trên đường phố và cười thật rộng miệng khi đọc, quân đồng minh đã đổ bộ lên bờ biển Normandia, những người, như tờ báo viết:”cố gắng làm chủ những vị trí cầu chính”

 

Tôi bỗng ngẩng lên, và cảm thấy những đôi mắt của người đi đường dừng lại trên người tôi, với ngôi sao vàng khâu trên áo khoác, tôi biểu lộ nỗi vui sướng đồng tình với thắng lợi  của kẻ thù.

 

Một cảm giác không bút nào tả xiết, khi tôi đột nhiên nhận ra vị trí của mình: Giống như một nỗi nhục nhã, một sự hoảng sợ, một sự khinh bỉ, một cảm giác xa lạ, một sự kinh tởm và chối bỏ rơi vào vực thẳm không đáy. Hai mươi năm sau, tôi sống lại cảm giác tương tự, tất nhiên với nhiều nghiệm sinh hơn, khi giới truyền thông của đất nước riêng của tôi hào hùng truyền đi, Nasszer đã xâm lăng Tel- Aviv như thế nào…

 

Như vậy, các vị đã thấy, kể từ khi ra đời và tồn tại, tôi luôn luôn là một thực thể đặc biệt, kẻ mà chính quyền của đất nước riêng của tôi – phần lớn là những kẻ toàn trị - thường xuyên coi như một”kẻ thù bên trong”;

 

Và cũng những viên chức văn hóa của chính quyền ấy, khi nhắc đến những trí thức không gốc rễ, vô tổ quốc, theo phong cách đa chiều, vô dân tộc, bằng một nụ cười mắc bệnh thần kinh méo mó, tôi sẵn sàng nhận ngay ra bản thân mình.

 

Nếu giờ đây cần nói rõ hơn, không vòng vo về „đất nước riêng của tôi”, hãy cho phép tôi trình bày như sau: tồn tại  một đất nước, nơi tôi sinh ra, nơi tôi trở thành công dân của đất nước ấy, một đất nước có thực, tôi nói, tôi đọc và viết những cuốn sách của tôi, bằng ngôn ngữ của nó; nhưng đất nước ấy chưa bao giờ là của riêng tôi, thực chất, tôi là của riêng nó,  trong bốn mươi năm, nó tồn tại như một nhà tù của tôi, chứ không phải như một quê hương của tôi.

 

Nếu tôi được phép gọi tên cái vật vĩ đại này, tôi luôn gặp gỡ trong hình dạng một đất nước, tôi có thể gọi tên nó ra: đấy là nhà nước. Một nhà nước chẳng bao giờ là của riêng chúng ta.

 

Một nhà nước, thưa các thính giả thân mến của tôi, không khác, ngoài một quyền lực giấu trong mình nó những khả năng bí mật và rùng rợn, thể hiện ở nơi này nơi khác, mức độ nhiều hay ít, một quyền lực, rất hãn hữu ngay cả trong thời quá khứ, đã từng đóng một vai trò có ích, nhưng trước tiên, và trên hết, vẫn chỉ là một quyền lực, mà chúng ta cần phải đương đầu với nó, là thứ - nếu những thế lực chính trị cho phép – chúng ta cần cải tạo, kìm hãm, kiểm tra, và ngăn chặn nó, không cho trở thành cái tiếp theo từ bản chất của nó: thành thuần túy quyền lực, thành quyền lực nhà nước, thành nhà nước toàn trị.

 

Cách đây không lâu,  Ilse Aichinger khi nhận giải thưởng của nhà nước Áo, đã bắt đầu bài nói chuyện của mình như sau:” Nhà nước – tất cả các nhà nước – là một sự đáng nghi ngờ,  là sự ngờ vực của những văn phòng hành chính, những tòa nhà cổ kính cực kỳ kín cổng cao tường, nơi các bộ, các cơ quan chính quyền, nơi giải quyết thủ tục, các văn phòng – trong trường hợp chiến tranh cả các văn phòng gốc  -  đều đánh nhau vì chỗ, tôi đã nhận ra điều này từ lâu. Giống như mọi đứa trẻ, tôi rất hay hỏi. Nhưng không bao giờ hỏi về nhà nước, vì tôi cảm thấy, nhà nước mang rất nhiều bộ mặt, bộ mặt này phủ lên bộ mặt kia, cơ quan này bảo vệ cơ quan kia, bởi vậy, con người không biết đằng nào mà bám víu vào.”

 

Đúng thế, tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều nhận ra, và có kinh nghiệm về nhà nước, nhưng những kinh nghiệm này, sau đó trở thành cái gì hoặc chỉ làm chúng ta méo mó,  có thể - không  hời hợt – mà là  những sự khác biệt. Những kẻ như tôi, mà nhà nước toàn trị dạy dỗ, không làm cho tôi đi chệch khỏi những kinh nghiệm, bởi cả cuộc đời của nó chỉ diễn ra trong cái khung của những kinh nghiệm này.

 

Như vậy, các vị có thể thấy: dù sao tôi vẫn phải mang ơn rất nhiều đất nước riêng của tôi –  điều này có vang lên một cách mỉa mai, giễu cợt đi chăng nữa, cũng không phải vì tôi, mà chính là vì, sự thật đang mỉa mai, giễu cợt.

 

Tôi lớn lên từ con số không, với trí óc lành mạnh – hay nói đúng hơn với một đầu óc thực tế - ngay từ khi còn bé, tôi đã học cách thích nghi với cái không có gì, học cách hành động và chứng minh trong cái không có gì, như thể đơn giản, cái không có gì chính là cuộc đời dành cho tôi, tôi cần nhận ra bản thân từ đó,  không khó khăn hơn một đứa trẻ học nói: nếu niềm tin ngây thơ của tôi không sót lại nguyên vẹn trong các giá trị, tôi không bao giờ có thể tạo ra bất kỳ cái gì.

 

Nhưng những giá trị ấy đến từ đâu – tôi đã nhiều lần tự gặng hỏi mình – nếu xung quanh tôi, người ta đều phủ nhận chúng, và lòng tin của chúng ta vào các giá trị ấy nảy sinh từ đâu, nếu trong đời thực, ta chỉ gặp toàn những lời bác bỏ chúng?

 

Ở đây tôi hiểu lòng tin như con người đặt cuộc đời mình vào những giá trị, rồi còn lại một mình với chúng, cho dù bị nhốt vào phòng giam riêng, một kẻ không đợi cuộc xử án, mà đợi một bản án khác: cần nói thêm – hãy cân nhắc kỹ - một bản án thuận lợi, chỉ có nghĩa là bác bỏ mọi hành động của chúng ta.

 

Tôi đã lớn lên trong một đất nước,ở đó tôi tự nghiền ngẫm mình. Tại đấy, tôi nhận ra bản chất thật sự của những kinh nghiệm của mình, mà trong một thế giới tự do hơn, có thể sẽ bị ẩn dấu.

 

Tôi đã trở thành nhà văn trong một đất nước như thế. Như một nhà văn, đất nước này buộc tôi phải lựa chọn riêng một hiện thực từ ngôn ngữ, lựa chọn những khái niệm từ nội dung của chúng, hay đúng hơn, lựa chọn hệ tư tưởng từ  những kinh nghiệm.

 

Trong một khoảnh khắc ngộ ra, từ bốn mươi năm về trước, khi bằng  sự chân thực đau đớn của những suy tưởng văn chương, đã hình thành không gì cưỡng nổi trong tôi, như một kế hoạch cuộc đời, để tôi hiểu rằng bằng sự lựa chọn này tôi đã chấp nhận nỗi lưu đày tinh thần tự nguyện.

 

Tôi đã lựa chọn hay chăng điều này, điều không tránh khỏi, đồng nhất với con người, với số phận của một kẻ có đời sống tinh thần trên thế gian ?

 

Trong tập truyện ngắn có nhan đề Sự lưu đày và đất nước  Albert Camus giải thích, từ phù hợp chính xác với từ” đất nước”  ở đây là: „ một cuộc đời tự do và trần trụi, mà chúng ta cần khám phá ra, chúng ta lại được sinh ra một lần nữa”  Và”lưu đàybằng chính cách thức của nó, chỉ ra một con đường, dẫn tới một điều kiện duy nhất, là khi ta cùng lúc vứt bỏ sự nô lệ và quyền sở hữu

 

Đối với tôi, chưa bao giờ tôi có vấn đề với quyền sở hữu; nhưng để tôi có thể vứt bỏ sự nô lệ, trước hết tôi cần trải qua trạng thái hoàn toàn của nó, cùng với tất cả mọi hậu quả đi kèm.

 

Tôi cho rằng, thưa các thính giả thân mến của tôi, điều từ từ hình thành, là khi nói về đất nước riêng của tôi, tôi lại phát biểu về những điều cao siêu hơn. Thay cho những lời nói rỗng tuếch, được biểu thị bằng những mê muội diễn giải về lòng yêu nước, tại sao tôi lại không ca tụng một điều, đúng là tôi đã nhận được từ đất nước riêng của tôi: những kinh nghiệm tiêu cực?

 

Trở thành kẻ xa lạ - cũng trong căn phòng này George Tabori, hay đúng hơn Tábori György đã nói – trở thành kẻ xa lạ „ không sao cả”. Trong thực tế, không chỉ không sao cả, mà còn không thể tránh khỏi. Không thể tránh khỏi, bởi vì, cho dù ta ở lại nhà, hay lên đường, trước, sau ta sẽ cần nghiền ngẫm về tính chất vô tổ quốc, dành cho chúng ta, trong cái thế giới đã xác định này.

 

Tự lựa chọn hay sự lựa chọn bất lợi, tôi có thể nói: tôi sống trong một vị trí thế giới bất lợi, và nếu tôi muốn xác định chính xác vị trí bất lợi này, tôi không thể dùng những khái niệm giống nòi, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đây  như một hình thức tồn tại tinh thần, dựa trên những kinh nghiệm tiêu cực của tôi.

 

Đúng thế, tính chất Do thái của tôi đã xác định những kinh nghiệm tiêu cực này, hay tôi có thể nói như sau: Trong cái thế giới nói chung của những kinh nghiệm tiêu cực, nhờ tính chất Do thái của mình, tôi đã thắng quyền được sử dụng; bởi tất cả những gì từ sự ra đời Do thái của mình, mà tôi phải trải qua, tôi đều coi là quyền được sử dụng, một quyền được sử dụng những kiến thức sâu sắc nhất thu thập được từ hoàn cảnh con người và từ những con người trong thời đại chúng ta. Tính chất Do thái của tôi như một kinh nghiệm tiêu cực, nhưng vì tôi sống một cách thiết thực, nên cuối cùng chúng lại dẫn đến sự giải phóng cho tôi.

 

Tôi đã tới đoạn kết thúc những điều định thổ lộ, tôi cảm thấy quả là có lý nếu các thính giả thân mến của tôi đặt câu hỏi: từ đầu tới giờ tôi  chỉ nói về quá khứ - nhưng quả thật có thể làm thay đổi được hay không, một sự kiện chính trị cách đây sáu năm, dựa trên nền tảng những kinh nghiệm có liên quan đến đất nước riêng của tôi, và cuộc sống hiện tại đang hình thành từ sau sự kiện đó?

 

Tôi xin thú thật, bản thân tôi suy nghĩ nhiều về câu hỏi này. Sản phẩm rất khiêm tốn của sự ngẫm nghĩ suy tư này, chính là bài phát biểu của tôi, mà các vị vừa nghe. Thật may mắn, có thể nói,  ít khi có một công việc, chúng ta làm để giải phóng trạng thái tinh thần riêng của mình, lại có ích  cho một cộng đồng  lớn hơn, thậm chí cho cả một dân tộc.

 

Trong trường hợp của tôi, tôi cho rằng khó có thể nói như vậy. Tôi cảm thấy, còn lâu mới đến lúc Endlösung (chính sách diệt chủng Do thái)Hungary cảm thấy sự mất mát của hàng trăm nghìn người từ chính cơ thể dân tộc riêng của họ. Sẽ còn lâu, mới đến lúc, họ nghiền ngẫm, Auschwitz trước đó chưa bao giờ là vấn đề cá nhân của dân Do thái nằm rải rác trên thế giới, mà chính là sự kiện trầm cảm của văn minh phương tây, rất  có thể người ta sẽ coi như  sự bắt đầu của một công nguyên mới từ đó;

 

Sẽ còn lâu, đất nước của tôi mới có thể thừa nhận sức mạnh tạo ra giá trị, và tính chất quan trọng của những kinh nghiệm tiêu cực.

 

Nghiêm chỉnh hơn cả: khi người ta chuyển đổi những kinh nghiệm tiêu cực thành những hành động tích cực, cần hiểu rằng, hãy mang lại sự đoàn kết lay chuyển đến tận gốc rễ cuộc sống cá nhân của chúng ta, sự đoàn kết, - không phụ thuộc vào quyền lực, vẫn có thể tổ chức và duy trì được một cuộc sống- để „„cùng lúc có thể vứt bỏ cả sự nô lệ lẫn quyền sở hữu”

 

Hãy cho phép tôi nhận định, đất nước Hungary chưa lựa chọn được giây phút hợp lý nhất – tất nhiên còn phụ thuộc vào cuộc lựa chọn này – để bước vào hàng ngũ các nước dân chủ.

 

Đây là giây phút, khi, nền dân chủ trong các nước điều hành bằng những truyền thống dân chủ cũ cũng đang có vấn đề. Ai mà không nhìn thấy, dân chủ không muốn, hoặc không thể phù hợp với hệ thống giá trị được dựng lên từ bản thân nó, để không ở nơi nào, người ta không tạo thêm những lý tưởng, mà chúng ta xứng đáng sống vì nó.

 

Giờ đây, khi vương quốc toàn trị cuối cùng sụp đổ, kéo theo sự đổ vỡ, sự bất lực, cảm giác thất vọng. Như thể tâm trạng chán ngán não nề đang tràn ngập châu Âu, khi vào một sáng bình minh xám xịt bỗng nhận ra, thay vì hai thế giới có thể, đột nhiên chỉ còn lại một hiện thực duy nhất cho châu Âu, chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa tư bản, một thế giới chiến thắng những lý tưởng giáo điều, không sự lựa chọn.

 

Nổi bật lên hai nguyên lý cơ bản lớn, đã từng là động cơ của khả năng sáng tạo của châu Âu: tự do và chủ nghĩa cá nhân, giờ đây không bao giờ còn là những giá trị không suy suyển nữa.

 

Chúng ta cần điều chỉnh ảo tưởng  dựng lên về con người của chủ nghĩa nhân đạo thế kỷ thứ mưới tám- mười chín, Auschwitz đã chỉ ra điều này; Cơ cấu sản xuất quét sạch đi tất cả  của thời đại chúng ta, và những công cụ, phương pháp  điều khiển quần chúng đi kèm theo nó, đã cuốn nốt những tàn dư còn sót lại của tự do cá nhân.

 

Nhà văn có thể làm được gì? Viết, và thử cố gắng không quan tâm đến việc, có ích hay vô ích, những điều mình đang làm. Tất nhiên, đối với đất nước vây xung quanh, nhà văn rơi vào mâu thuẫn sâu sắc với nó.

 

Nhưng, có thể làm khác được hay chăng? Nơi ở chật hẹp, mà ngày nào ta cũng sống ở đó, không tượng trưng hay sao cho mọi nơi ở khác, trên thế gian, và ngay cho bản thân cuộc sống?

 

Nếu không như vậy, cơn thần kinh của tôi trên trái đất này, trên bầu trời này, có thể tôi có quyền thay đổi nó.

 

Tổ quốc? quê hương? đất nước? – tất cả những điều này có thể bàn theo một cách khác – hoặc tuyệt đối ta không bao giờ nói đến chúng nữa.

 

Có thể, đến một lúc, con người nhận ra đây chỉ là những khái niệm trừu tượng, và cái thật sự cần cho cuộc sống, không là gì khác, ngoài một nơi có thể ở.

 

Rất có thể một nơi như thế xứng đáng cho mọi cố gắng nỗ lực. Nhưng đây là câu hỏi của tương lai, hay từ quan điểm của tôi: là một ảo tưởng.

 

„Wer jetzt kein Has hat, baut sich keines mehr”

„Ai giờ đây chưa có, sẽ không xây nhà nữa” – một vần thơ của Rilke đã ngân lên như vậy. Đôi khi tôi có cảm giác, vần thơ này viết thẳng cho tôi./.

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung ( 2008-09-20 )

Nguồn: Bài nói chuyện tại Müncheni Kammerspiele. 1996.

 

 

 

 

Imre Kertész
Số lần đọc: 2155
Ngày đăng: 31.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiến nghị làm người - Phan Huy Đường
Tản mạn chuyện thơ : Ai bảo thơ Đường không có Mật ? - Cao Quảng Văn
Lời cỏ cây - Márai Sándor
Từ khóc cười của tuổi thơ - Trần Hạ Tháp
Từ Phố núi - Võ Quê
Tình đất tình người - Nguyễn Trung Bình
Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương - Minh Nguyễn
Tuồi thơ Huế -Mùa hạ mãi xanh - Võ Quê
Giải pháp thời thất nghiệp ! - Vũ Trà My
Đóa Dã quỳ và nhà thơ Xuân Sách - Tạ Quang Luyện