Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
659
116.545.625
 
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi
Nguyễn Thị Phương Châm

Vạn Vĩ là tên một làng biển - đảo thuộc trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chỉ có 25km. Vạn Vĩ cùng với hai làng biển - đảo bên cạnh là Sơn Tâm và Mu Đầu là nơi người Kinh tập trung sinh sống nên 3 đảo này còn được gọi là Tam Đảo hay Kinh Đảo. Chúng lần lượt trở thành bán đảo như hiện nay từ năm 1971 cho đến 1975 do chính phủ và nhân dân nơi đây làm nên những con đê chắn biển và những con đường nối 3 làng lại với nhau và với các nơi khác.

Vạn Vĩ là tên một làng biển - đảo thuộc trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chỉ có 25km. Vạn Vĩ cùng với hai làng biển - đảo bên cạnh là Sơn Tâm và Mu Đầu là nơi người Kinh tập trung sinh sống nên 3 đảo này còn được gọi là Tam Đảo hay Kinh Đảo. Chúng lần lượt trở thành bán đảo như hiện nay từ năm 1971 cho đến 1975 do chính phủ và nhân dân nơi đây làm nên những con đê chắn biển và những con đường nối 3 làng lại với nhau và với các nơi khác. Trong 3 làng trên Vạn Vĩ là làng lớn nhất, trước giải phóng (1949) làng này có tên là Phúc Yên. Vạn Vĩ hiện nay có diện tích 13.6km2, 4062 khẩu, 1002 hộ, chia làm 3 thôn Vạn Vĩ, Vạn Đông và Vạn Tây. Trong đó thôn Vạn Vĩ là thôn của người Kinh (2800 khẩu) còn bảo lưu được tiếng nói cũng như nhiều phong tục tập quán truyền thống. Vạn Vĩ cũng là thôn trung tâm, gần đường giao thông chính, gần bãi biển và là địa bàn cư trú gốc của người Kinh từ xa xưa. Sự khảo sát của chúng tôi tập trung vào nhóm người Kinh ở thôn này. Người Kinh ở Vạn Vĩ hiện sống bằng 4 nghề chính: khai thác biển, buôn bán (hải sản và một số mặt hàng khác với Việt Nam và các địa phương khác trong đại lục), dịch vụ du lịch. Thu nhập của họ rất khá, năm 2003 đạt 4300NDT/người, đây là mức thu nhập cao nhất trong số các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Tây (do báo Tuần cảng Phòng Thành bầu chọn từ năm 2001 và chưa thay đổi cho đến hiện nay).

Theo lời kể của người già cũng như theo bài hát truyền miệng về lịch sử Vạn Vĩ thì người Kinh ở đây gốc ở Đồ Sơn, đi đánh bắt cá rồi lưu lạc đến đảo này từ đời Hồng Thuận tam niên (tức là đời hậu Lê, năm 1511). Văn sớ trong đình cũng ghi : “Hồng Thuận tam niên quán tại Đồ Sơn”. Gia phả họ Tô (dòng họ lớn nhất ở đây) cũng ghi lại họ định cư ở đây vào thời gian trên, cho đến nay đã được 10 đời. Khi mới đến đất này “tứ vi hải thuỷ, giữa rày sơn lâm”, dần dần họ khai phá làm ăn, lập làng, lập đình, chùa, miếu, nghè thờ. Buổi ban đầu ấy cả đảo chỉ có người Kinh khai thác biển. Khoảng hơn 200 năm nay người Khách (cách gọi người Hán của người Kinh ở đây) thấy đất này dễ làm ăn mới đến cùng khai phá và dần định cư ở 2 đầu đông và tây.

Giao lưu văn hoá thực sự  trở nên rõ nét trong quá trình người Kinh ở đây sinh sống đan xen cùng người Hán. Không hi vọng tìm hiểu được tất cả các sắc thái của văn hoá truyền thống, trong bài viết này chúng tôi chỉ trình bày một số sắc thái thể hiện tập trung hơn cả văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong sự giao lưu.

Ngôn ngữ: Bởi vì hiện nay đường biên giới đã đưa Vạn Vĩ thuộc về Trung Quốc nên ngôn ngữ chính thức ở đây là tiếng Trung. Người dân Vạn Vĩ vừa nói tiếng Trung địa phương (mà theo người dân Vạn Vĩ gọi là tiếng Khách, Khách là chỉ người Trung Quốc nói chung không phân biệt người Hán hay các tộc thiểu số khác), vừa nói được tiếng Trung phổ thông vì ở trường học dạy bằng tiếng phổ thông. Hầu hết các hoạt động ngoài phạm vi gia đình là họ phải dùng ngôn ngữ này. Trong phạm vi gia đình người Vạn Vĩ dùng tiếng Kinh của dân tộc mình. Họ dạy tiếng Kinh cho thế hệ sau theo kiểu truyền miệng nên thường họ chỉ có thể nói được mà không thể đọc và viết được, trừ một số ít người được đi học tiếng Kinh ở các trường Đại học, Cao đẳng, hoặc một số người đã từng có thời gian tham gia bộ đội chống Pháp ở Việt Nam. Hiện nay trong 2800 người Kinh ở Vạn Vĩ chỉ có khoảng 15 người có thể vừa nói, đọc, viết được tiếng Kinh.

Trong sự phát triển kinh tế, du lịch, giao lưu rộng rãi ở Vạn Vĩ như hiện nay tiếng Kinh đang biến đổi mạnh mẽ, số người có thể nói tốt ngày càng ít, cũng không còn nhiều gia đình sử dụng tiếng Kinh hoàn toàn trong gia đình nữa do: họ đã quen nói Khách ở bên ngoài, số lượng người Kinh kết hôn với người Hán ngày càng nhiều (sẽ trình bày kĩ hơn ở phần 2), trẻ em đến trường hoàn toàn học tiếng phổ thông không có trường dạy tiếng Kinh. Một số thanh niên người Kinh khi được chúng tôi hỏi tại sao không nói tiếng Kinh đã trả lời: “nói tiếng Khách và tiếng phổ thông Trung Quốc đã là đủ rồi” (P.V ngày 20/2/04). 

Tuy vậy do nhu cầu làm ăn, buôn bán đang rất phát triển ở Vạn Vĩ, do việc kết hôn khá cởi mở giữa người ở Vạn Vĩ và người ở Việt Nam hiện nay nên ngày càng có nhiều người Hán học tiếng Kinh để thuận lợi hơn cho công việc và cuộc sống của họ. Song số lượng người Kinh học để biết hoặc biết tốt hơn tiếng Kinh lại rất ít. Trẻ em người Kinh đang “loạn ngôn ngữ” (theo lời một ông thày giáo ở trường tiểu học - P.V ngày 24/2/04) do cùng một lúc chúng tiếp xúc với 4 thứ tiếng: tiếng Kinh, tiếng Khách, tiếng Trung phổ thông, tiếng Anh (từ lớp 3 trở lên). Ngôn ngữ của người Kinh ở Vạn Vĩ đã ghi nhận một quá trình giao lưu và biến đổi văn hoá rõ nét. Chúng tôi cũng cùng chung mối lo ngại với những người già về nguy cơ mai một dần tiếng Kinh ở đây.

Đời sống hàng ngày: Có thể nói trong quá trình cộng cư của người Kinh và người Hán trên mảnh đất Vạn Vĩ thì sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại thường xuyên nhất là trong đời sống hàng ngày: ăn, mặc, ở, các tập tục sinh hoạt,...

Người dân Vạn Vĩ từ xưa đến nay vẫn có tập tục ăn cháo là chính, vào những thời kì kinh tế khó khăn họ dùng độn thêm khoai lang, khoai bông, ngô, hiện nay ở nhiều gia đình mặc dù không còn khó khăn nhưng họ vẫn thích ăn cháo khoai lang. Thông thường họ ăn cháo vào bữa sáng và bữa trưa (cháo không nấu nhừ mà chỉ cần nở bung hạt gạo đều ra là được nên gọi là cháo lõng), bữa chiều có nấu cơm (cơm của họ nấu không khô và tơi như người Kinh trong nước mà nấu ướt như kiểu cháo đặc). Nhưng vẫn có một số gia đình ăn cháo luôn cả ba bữa, vào mùa hè số lượng gia đình ăn cháo cả ba bữa tăng lên vì họ cho rằng ăn cháo vừa mát dạ, vừa dễ ăn lại  dễ tiêu hoá, làm cho con người khoẻ mạnh. Do là làng biển nên cá và các sản phẩm từ biển khác là thức ăn chính của người dân Vạn Vĩ, họ ít ăn thịt, hầu như không ăn thịt bò. Món bánh đa (cả nướng và cả thái sợi ướt để nấu canh và xào), món bánh cuốn và món nem rán là những món ăn truyền thống của người Kinh được người Hán xem là mang phong vị độc đáo của Kinh tộc. Thích ăn đồ ngọt và coi trọng việc ăn đồ ngọt cũng là một đặc điểm trong ẩm thực ở Vạn Vĩ. Cháo mật (nấu bằng gạo nếp và mật), cháo chè (nấu bằng một hoặc một vài loại đậu: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu ván, và đường) là hai món không thể thiếu trong bất cứ dịp cúng lễ tết nào trong năm. Ngày thường họ dùng hai món này để đãi khách và đường cũng là là thứ quà để tặng nhau và là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, hỏi. Người Kinh ở đây gửi gắm niềm hạnh phúc, niềm trân trọng và tấm lòng của họ vào đường nói riêng và đồ ngọt nói chung. Qua thời gian định cư cùng nhau ở Vạn Vĩ dần dần hình thành nên tập tục ăn tương đối giống nhau giữa người Kinh và người Hán ở đây. Người Hán cũng thường làm những món ăn truyền thống của người Kinh như nem rán, bánh đa, bánh cuốn, người Kinh thì cũng ăn những món như khau nhục, màn thầu (bánh bao không nhân), cả hai tộc đều thường ăn cháo, trong bữa ăn thì ăn nhiều canh và ăn canh trước khi ăn các thức ăn khác, khi đãi khách hoặc có đám thì chuẩn bị rất nhiều món ăn (một mâm cỗ đám cưới hoặc cỗ trong ngày hội đình trung bình có 17 - 20 món ăn chưa kể trái cây và bánh kẹo).

Vào thời kì trước giải phóng trang phục của người Kinh ở đây mang nét đẹp truyền thống và họ gửi gắm vào trang phục nhiều thông điệp có ý nghĩa. Đàn ông mặc áo tương đối dài, không cổ, tay nối, vạt xẻ dài, buộc đai bằng dây có màu sắc, quần dài, đũng dài, rộng cạp. Phụ nữ mặc yếm thêu, áo ngắn không cổ bó mình, mở cúc trước mặc với quần rộng, đũng dài, tóc vấn cao và gọn. Nếu đi ra ngoài làng hoặc lễ hội phụ nữ mặc thêm áo dài, vẫn tay nối nhưng cổ cao, vạt dưới rộng, đàn ông thì mặc áo dài the, đội khăn xếp. Cả nam và nữ đều thường đi chân trần, người già mới đi guốc mộc. Thời đó, người Kinh tự hào về trang phục của mình vì trang phục đó đẹp, nhã nhặn, thoải mái, tự nhiên và hào phóng, còn hợp với môi trường, điều kiện lao động. Ngoài ra trang phục đó còn mang rất nhiều ý nghĩa: biểu hiện sự giàu nghèo thông qua chất liệu của trang phục, biểu hiện sự tài khéo thông qua sự tinh xảo của dây lưng trong trang phục nam và yếm thêu trong trang phục nữ, biểu hiện tuổi tác thông qua màu sắc, biểu hiện cả việc đi làm, đi chơi hay đi hội,... Hiện nay chúng tôi còn được thấy niềm tự hào ấy trên khuôn mặt và lời kể say sưa của những người già về trang phục truyền thống của họ. Đến Vạn Vĩ hôm nay rất khó có thể phân biệt được người Hán và Kinh thông qua trang phục. Họ đã mặc gần như giống nhau hoàn toàn loại trang phục hiện đại và đa dạng. Tuy vậy trong ngày hội đình thì người Kinh lại có dịp mặc những trang phục lễ hội truyền thống của mình nhưng chỉ ở những người tham gia hành lễ mà thôi.

Người Kinh định cư ở Vạn Vĩ từ năm 1511 nhưng cho đến tận những năm 50 họ vẫn ở trong những ngôi nhà rất thô sơ được gọi là nhà sàn. Nhà làm hoàn toàn bằng tranh tre, đan tre thành tấm làm vách rồi đắp lên một lớp bùn hoặc kên cỏ dày vào, mái lợp bằng rơm rạ, sau này có mái ngói tấm lấy đá chèn ở trên, đỉnh bốn cây tre ở bốn góc nhà buộc dây treo hòn đá nặng cách mặt đất khoảng 30-40cm để giữ chắc thêm. Sàn cũng được đan bằng tre, trải rơm hoặc cỏ lên làm giường, gia súc, gia cầm ở dưới mặt sàn rất mất vệ sinh. Từ sau giải phóng (1949) những ngôi nhà sàn đã được thay thế bằng loại nhà vách đá mái ngói, phân chia thành gian rõ ràng, có gian riêng cạnh bếp để nuôi gia súc gia cầm. Đến những năm 80 kiểu nhà tầng bằng xi măng, sắt đã dần trở nên phổ biến lấn át loại nhà tường đá mái ngói. Và đến nay thì nhà 2 tầng trở lên với kiểu kiến trúc hiện đại đã chiếm 80% nhà cửa ở Vạn Vĩ thể hiện tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế ở đây (Theo P.V ban lãnh đạo xã ngày 14/2/04). Hơn cả việc ăn và mặc, nhà ở của người Kinh và người Hán ở Vạn Vĩ hiện nay hoàn toàn giống nhau: từ kiến trúc, chất liệu nhà cho đến cách bài trí trong nhà (vị trí bàn thờ chính giữa nhà, cửa nhà luôn dán câu đối đỏ,...).

Ngoài ăn, mặc, ở, trong sinh hoạt hàng ngày người Kinh và Hán ở Vạn Vĩ cũng đã có những ảnh hưởng lẫn nhau để cùng hình thành nên những phong tục chung như: trong xưng hô thường chỉ dùng hai ngôi: tao và mày. Vợ với chồng, bố mẹ với con cái, ông bà với cháu,... nói chuyện với nhau đều xưng tao - mày. Các mối quan hệ họ hàng không tuân thủ vai vế chặt chẽ mà tôn trọng tuổi tác, ai “nhìn thấy mặt trời trước” là bậc cao hơn. Tuy vậy ở người Kinh vẫn tồn tại song song cả hai cách xưng hô và quan niệm về vai vế: một mặt giống với người Hán như trên, mặt khác vẫn có gia đình -  nhất là gia đình có nhiều người già - duy trì cách gọi theo nhiều ngôi ông, bà, bố, mẹ, anh, chị,... và phân định rõ ràng thứ bậc theo vai vế trong dòng họ. Ngoài ra cả người Kinh và Hán cùng chia xẻ nhiều tục kiêng kị trong cuộc sống hàng ngày và những kiêng kị liên quan đến nghề biển: rất tôn trọng nguồn nước ngọt ở giếng nước làng, người đang có tang hoặc phụ nữ mấy ngày trong tháng không được ra giếng, phụ nữ không được bước qua các công cụ làm biển và tối kị ngồi ở đầu thuyền, lưới mới trước khi mang xuống biển dùng phải hơ qua đóng lửa,...

Như vậy trong đời sống hàng ngày, trong ăn, mặc, ở người Kinh và người Hán đã có những sự giao lưu ảnh hưởng sâu sắc. Quá trình giao lưu đó cùng với sự biến đổi chung theo hướng hiện đại của xã hội phong tục tập quán của cả hai tộc đều có những sự biến đổi và thích nghi dần với phong tục của nhau và với xu thế xã hội để dần dần hình thành nên một phong tục chung mặc dù những phong tục truyền thống của mỗi tộc vẫn không hoàn toàn mất đi.

Hôn nhân: Tình hình hôn nhân ở Vạn Vĩ hiện nay khá phức tạp: có hôn nhân liên tộc (giữa người Kinh và người Hán), hôn nhân xuyên biên giới (giữa người Vạn Vĩ và nguời Việt Nam trong nước) và có cả hôn nhân không hợp pháp (không đăng kí, không có chứng minh là nhân khẩu chính thức ở Vạn Vĩ) của những cô gái Việt Nam do nhiều nguyên nhân sang đây lấy chồng. Chúng tôi quan tâm đến hôn nhân giữa người Kinh và người Hán vì điều này đã tạo nên sự giao lưu văn hoá sâu sắc giữa 2 tộc này ở Vạn Vĩ. Những cuộc hôn nhân liên tộc như vậy ngày càng nhiều đã tác động và làm biến đổi không ít văn hoá truyền thống của người Kinh: từ cách thức tổ chức đám cưới, phong tục tập quán, ngôn ngữ cho đến việc giáo dục con cái,... Tìm hiểu kĩ hơn về đám cưới chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Tất nhiên không phải đợi đến sau những năm 50 khi có hôn nhân liên tộc thì đám cưới ở đây mới có sự giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau giữa Kinh tộc và Hán tộc mà ngay từ những ngày đầu sống cùng nhau trên đất này sự giao lưu ảnh hưởng đó đã tồn tại. Căn cứ vào sự biến đổi một số nghi lễ chính chúng tôi tạm chia đám cưới ở Vạn Vĩ theo 3 thời kì:

Trước giải phóng (1949): Đám cưới thời kì này rất cầu kì và cẩn thận về nghi lễ, trong đó có vai trò quan trọng của Bồ đa (người làm mối). Các lễ chính bao gồm: lễ đặt (dạm hỏi), lễ gánh (gánh 3 gánh lễ vật sang nhà gái), nhận thân (rể mới sang nhà gái nhận họ hàng), đón dâu, đưa dâu, bái đường, lễ tơ hồng, lại mặt. Liên quan đến các lễ này là hàng loạt chi tiết phức tạp được thực hiện rất cẩn thận như: Trước ngày cưới cô dâu khóc 3 tối để giả ơn bố mẹ, họ hàng, và bạn bè hàng xóm; Lễ vật mang sang nhà gái rất nhiều, thông thường gồm: 60kg thịt, 60kg rượu, 60kg gạo nếp, 1 đôi gà, 10kg bánh kẹo, 10kg quả, 5kg đường, 3 - 5 bộ quần áo cùng trang sức cho dâu mới, tiền (tuỳ theo hoàn cảnh và thời điểm), 1 đôi hồng cảnh (làm bằng lụa và giấy tết hoa để đặt lên bàn thờ), 1 đôi nến,... Theo những người kết hôn trước giải phóng kể lại đám cưới của người Kinh và người Khách thời kì đó giống nhau ở việc cô dâu khóc giả ơn trước ngày cưới (nhưng người Kinh khóc 3 tối còn Khách khóc 4-5 tối), đưa lễ vật bằng gánh (nhưng người Kinh chỉ có 3 gánh, còn Khách tới 12 gánh. Đây cũng là lí do mà trai người Kinh khó kết hôn được với gái Khách vì lễ vật quá nhiều), cũng làm rượu (ăn uống) với rất nhiều món ăn như nhau, cô dâu cũng che mặt và trang phục màu đỏ, chú rể không trực tiếp đi đón dâu,... Mặc dù có nhiều ảnh hưởng nhưng đám cưới của Kinh tộc thời kì này vẫn khác đám cưới người Khách ở nhiều điểm. Trong đó điểm quan trọng nhất và là niềm tự hào của người Kinh về bản sắc dân tộc là phong tục hát trong đám cưới: cô dâu khóc giả ơn cha mẹ bằng tiếng hát, nhà trai đến đón dâu dùng tiếng hát để xin phép, nhà gái hát mời nhà trai vào nhà, mời uống nước, xơi giầu, cô dâu hát giả ơn, họ hàng hát dặn dò... Hai nhà hát đối đáp nhau, nhà trai thắng mới được vào đón dâu, trên dường đưa dâu về hai nhà cũng hát đối đáp nhau theo kiểu “tức cảnh sinh tình”, gặp cái gì (ao, hồ, rừng, cây, mây trời,...) hát về cái đó, dâu về đến nhà trai lại hát mời, hát chúc, hát dặn dò,... Buổi tối khi đám cưới đã hoàn tất dân làng lại tập trung ở nhà trai hát mừng đám cưới đến đêm. Ngoài ra cô dâu người Kinh mặc áo dài dân tộc khuy chéo, lạnh thì khoác thêm áo kép, đội khăn nhiễu, về gần đến nhà trai thì che mặt, có người che dù đỏ cho suốt đường đi, chú rể mặc áo dài khăn đóng. Trong khi đó cô dâu Khách mặc áo xiêm với váy có thêu hoa và đính nhiều hạt cườm lóng lánh, chú rể mặc quần áo dài truyền thống có bông hoa tết bằng dải lụa to vắt qua người. Đám đón đưa dâu người Kinh đi nửa bàn chân để còn hát (đi bộ chậm, mỗi bước đi cách nửa bàn chân), người Khách đi bằng kiệu (1 kiệu đỏ của cô dâu, 2 kiệu đen của người đi đón và Bồ đa), cô dâu trùm kín kiệu không ai nhìn thấy mặt, trên đường đưa dâu có người thổi kèn, thổi quyển. Người Kinh còn có tục trước hôm cưới phải mang lễ ra đình cúng và ông mo ở đình sẽ đánh 3 hồi trống treo làng (trống báo hiệu và xướng tên cho cả làng biết có đám cưới),... Từng chi tiết cụ thể thì còn có khá nhiều sự khác nhau nữa giữa đám cưới của người Kinh và người Khách thời kì này mà chúng tôi chưa có điều kiện trình bày hết. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi đã phỏng vấn hầu hết những người già cưới trước 1949 ở thôn Vạn Vĩ và họ đã đều khẳng định: đám cưới của người Kinh thời đó còn giữ nhiều phong tục truyền thống của người Kinh, rất khác đám cưới người Khách và người Kinh cũng hầu như không kết hôn với Khách. Cả làng Vạn Vĩ thời đó chỉ có 2 người lấy Khách nhưng do gia đình nghèo quá bán con cho nhà giàu người Khách từ nhỏ, lớn lên họ lấy làm vợ luôn chứ không phải do sự thoả thuận giữa đôi bên bố mẹ hay do Bồ đa như các đám cưới thông thường.

Từ sau giải phóng đến đầu những năm 80: Đây là giai đoạn Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất, thành lập hợp tác xã và Cách mạng văn hoá, nhân dân công xã phân phối hàng hoá theo tem phiếu. Những sự kiện lịch sử này có ảnh hưởng sâu sắc đến hôn nhân và việc thực hành nghi lễ đám cưới của Kinh tộc ở Vạn Vĩ. Trong tình hình chung, đời sống của Kinh tộc ở Vạn Vĩ thời kì này rất khó khăn. Việc kết hôn trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng hơn, vai trò độc đoán của gia đình, gia tộc đã suy giảm. Các nghi lễ trong đám cưới hầu như không còn được thực hiện chu đáo và đầy đủ như trước nữa. Nhà trai (có khi chỉ một mình chú rể) đến nói với nhà gái là được, sau đó báo cáo với hợp tác xã. Lễ vật mang đến nhà gái thường chỉ có 2kg cá khô mặn, 1kg đường, 3 - 5kg thịt, 2 - 3 thước vải, khoảng 5 -7 NDT (nhân dân tệ - đơn vị tiền tệ Trung Quốc). Nhà gái làm một bữa cơm đạm bạc tiễn cô dâu về nhà chồng, người đến đón dâu và đưa dâu thường chỉ gồm 2-3 người anh em ruột của cô dâu, chú rể. Trong gia đình, mọi nghi lễ diễn ra nhanh chóng và không ồn ào. Ngoài các nghi lễ đơn giản trong gia đình, các đám cưới thường tổ chức với sự tham gia chứng kiến của Hợp tác xã, mọi người cùng hát vui vẻ bài hát ca ngợi Mao Chủ tịch, ca ngợi cuộc sống mới, quà cưới là những tràng pháo tay và cuốn sách Lời dạy của Mao Chủ tịch. Đám cưới thời kì này hầu như không có sự khác nhau giữa người Kinh và người Khách. Cũng bắt đầu từ thời kì này, do ít có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cao thấp, do phong tục tập quán cũng đã tương đối giống nhau, người Kinh cũng đã thông thạo tiếng Khách sau một thời gian dài sống cùng nhau ở Vạn Vĩ, nên đã có nhiều người Kinh và người Khách kết hôn với nhau. Năm 1950 - 1980 có 11 đôi kết hôn liên tộc như thế (Bộ phận quản lí nhân khẩu của Vạn Vĩ cung cấp tháng 2/04).

Từ những năm 80 đến nay: Đây cũng là giai đoạn có nhiều những sự thay đổi  trong chính sách về kinh tế, văn hoá tác động đến hôn nhân: giải thể hợp tác xã, mở cửa khẩu, khuyến khích phát triển kinh tế, văn hoá khu vực biên giới. Có thể chia giai đoạn này ra làm 2 giai đoạn nhỏ hơn:

- 1980 - 1990, đây là thời kì chuyển đổi nên kinh tế chung ở Vạn Vĩ vẫn còn khó khăn, lương thực ít, nguồn sống chính vẫn trông vào việc làm bãi, làm biển. Vẫn tiếp nối cả một thời kì dài đám cưới tổ chức theo kiểu “hợp tác xã”, đám cưới thời kì này chưa có nhiều chuyển biến. Thêm nữa có một thực tế - nhất là vào đầu những năm 80 - nhiều con gái Kinh tộc lấy chồng là người các tộc thiểu số và ở một số vùng núi của Trung Quốc mà theo tiếng địa phương Vạn Vĩ gọi là “nguồn”. Lấy chồng nguồn, bán đi nguồn, về nguồn,... là những cụm từ quen thuộc người Vạn Vĩ gọi những cuộc hôn nhân như thế. Tính từ 1981 - 1990 có 15 đôi Kinh - Hán kết hôn với nhau thì có đến 11 cô dâu lấy về nguồn. Khi được hỏi tại sao lại lấy chồng tận trên nguồn, bố mẹ của các cô dâu thời đó trả lời: “hồi đó lương thực thiếu thốn quá, đi nguồn cho có nhiều, ăn no”, trong khi đó các cô dâu lại trả lời: “thấy được thì lấy thôi chứ chả kể” (P.V ngày 17/2/04). Do xa xôi như vậy nên những đám cưới này rất đơn giản, đa số không làm rượu, mời rượu (tiệc cưới ở đây được gọi là làm rượu, mời đi ăn cỗ cưới là mời rượu), chỉ đưa về nhà nhau nhận gia đình, họ hàng, lễ tổ tiên và làm mâm cỗ trong gia đình là được. Có một điều thú vị là đa số các đám cưới như trên, chú rể thường ở lại Vạn Vĩ (ở rể hoặc thuê nhà ở), có đôi cũng về trên nguồn ở nhưng sau một thời gian lại quay lại định cư ở Vạn Vĩ. Những gia đình này lại trở thành những đầu mối tiếp tục giới thiệu, giúp đỡ bạn bè, người thân trên nguồn xuống Vạn Vĩ làm ăn, kết hôn và rồi lại định cư ở Vạn Vĩ. Điều này làm cho bức tranh giao lưu văn hoá ở đây càng thêm đa sắc.

- 1991 đến nay: Kinh tế bắt đầu có sự cải thiện rõ rệt theo hướng đa dạng. Vạn Vĩ trở thành khu du lịch, thành đầu mối buôn bán thông thương quan trọng. Hôn nhân liên tộc ngày càng nhiều, từ 1991 - 9/2003 đã có 36 đôi Kinh - Hán kết hôn với nhau (riêng từ 10/2001 - 9/2003 đã có 23 đôi, số liệu do bộ phận quản lí nhân khẩu của Vạn Vĩ cung cấp tháng 2/04). Đám cưới không còn tổ chức quá đơn giản như giai đoạn trước nữa. Những nghi lễ truyền thống được phục hồi tuy không còn cầu kì và phức tạp như thời trước giải phóng nữa. Các nghi lễ chính vẫn là: lễ đặt, lễ gánh, nhận thân, đón dâu, đưa dâu, bái đường, lại mặt. Lễ gánh chỉ còn là tượng trưng, không còn gánh đến nhà gái thật nhiều gạo, thịt như trước nữa, tuy nhiên vẫn đủ mỗi thứ một ít: gà, thịt, rượu, thuốc lá, bánh kẹo, quả, tiền, hồng cảnh, nến. Nhưng cũng đã có gia đình thay toàn bộ lễ gánh đó bằng tiền đưa luôn cho nhà gái (như đám cưới ngày 27/2 mà chúng tôi đã được dự). Bố mẹ và Bồ đa đã không còn có vai trò quyết định trong việc kết hôn của con cái. Cho đến năm 2000 các đám cưới vẫn được tổ chức ở từng gia đình nhưng từ năm 2001 trở đi, với sự phát triển của du lịch Vạn Vĩ có nhiều nhà hàng, khách sạn, các đám cưới ở Vạn Vĩ thường thuê những nhà hàng, khách sạn đó để làm rượu (90% đám cưới thuê như thế). Không còn đi bộ đón, đưa dâu nữa mà thay vào đó là xe hoa, cô dâu chú rể mặc váy cưới, comple cài hoa, cầm hoa, trang điểm kiểu hiện đại phương Tây. Cô dâu không còn khóc giả ơn, không còn ai hát trong đám cưới nữa. Chính sự phát triển hiện đại, sự thịnh hành một khuôn mẫu đám cưới trong giới trẻ như hiện nay đã làm cho không còn có sự khác nhau giữa đám cưới người Kinh và người Khách ở Vạn Vĩ. Những người già tâm huyết với văn hoá truyền thống Kinh tộc ở Vạn Vĩ không khỏi ngậm ngùi vì sự “cào bằng văn hoá” này (chữ dùng của một trí thức 70 tuổi trong P.V ngày 20/2/04). Một ông già 92 tuổi nổi tiếng khắp làng về sự hiểu biết phong tục truyền thống đã nhận xét: “Trước giải phóng đám cưới của ta đúng là của ta, của Khách đúng là của Khách, còn bây giờ trộn lẫn hết cả, như nhau hết cả rồi, còn gì nữa đâu” (P.V ngày 15/2/04).

Qua việc tìm hiểu về hôn nhân ở các giai đoạn lịch sử có thể thấy quá trình giao lưu văn hoá Kinh - Hán ngày càng trở nên sâu sắc. Trong quá trình giao lưu đó văn hoá của cả hai tộc này ở Vạn Vĩ đều có những sự biến đổi do xu thế xã hội chung, do sống đan xen nhau lâu dài,...  Kinh đổi thành Hán, Hán đổi thành Kinh là hiện tượng không có gì lạ ở Vạn Vĩ. 

Lễ - Hội: Cũng như các làng người Kinh trong nước, Vạn Vĩ cũng coi trọng các lễ tiết trong năm: Tết nguyên đán, Rằm tháng Giêng, 3/3, Đoan Ngọ, Hội đình 10/6, Rằm tháng 7, Trung thu, Cơm mới 10/10, chạp mả tháng Chạp. Trong các lễ tiết đó, Tết nguyên đán và Hội đình là hai dịp quan trọng nhất, phản ánh tập trung văn hoá, tín ngưỡng của người dân Vạn Vĩ.

Tết nguyên đán: Người dân Vạn Vĩ chuẩn bị Tết rất chu đáo, từ trước Tết khoảng 1 tháng họ đã dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, đồ cúng lễ, tranh thủ hoàn thành các công việc để dành thời gian nghỉ ngơi cho dịp tết. Từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi, các gia đình, các dòng họ làm lễ quét mả, sửa sang, trang trí, cúng mồ mả vì theo họ ma quỷ, người âm trước tết cũng phải làm cho đẹp đẽ để về ăn tết cùng gia đình, dòng tộc. Điều này khác hẳn với phong tục của người Hán quét mả vào thanh minh tháng 3. Trước giải phóng Tết đến nhà nào cũng gói bánh chưng vuông đúng truyền thống dân tộc, người Khách không biết gói bánh này, sau giải phóng cũng còn một số ít gia đình duy trì tục gói bánh chưng nhưng từ khoảng những năm 60 thì bánh chưng vuông đã vắng bóng nhường chỗ cho bánh tày, thứ bánh nếp tròn và dài mà người Kinh học cách làm của người Khách. Cho đến nay cả bánh tày cũng hầu như không còn ai gói nữa, họ mua của người trên nguồn làm mang xuống Vạn Vĩ bán. Trưa 30 tết nhà nào cũng mang thịt lợn, gà, cá, có thể thêm cả bánh, quả,... ra đình cúng rồi sau đó mới về nhà cúng bái tổ thần trong gia đình. Chiều 30 Tết nhà nào cũng sửa sang lại bàn thờ, treo đôi hồng cảnh mới (2 hoa tết bằng giấy hoặc lụa treo trên 2 thước lụa hồng), thay chân hương, dán câu đối đỏ và những lời cầu chúc mới lên bàn thờ và bên ngoài cửa nhà, cửa bếp, nấu cháo mật, cháo chè cùng với các loại bánh, quả, một mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên sau đó cả gia đình ăn bữa cơm đoàn tụ giống như người Khách. Đến tối nhà nào cũng làm bánh bạc đầu (bánh bằng bột nếp quấy chín, viên tròn, nhân bằng lạc, vừng, đường, rắc bên ngoài bột nếp khô, bánh trắng bạc) để cúng giao thừa ngoài trời. Trước giao thừa người dân Vạn Vĩ có tục treo khăn thờ, khoảng 4 cái khăn bằng vải lụa màu xanh, đỏ dài 2m, rộng 0,4m, treo xế bên trái bàn thờ suốt từ trước khi cúng giao thừa cho đến rằm mới cuốn lại coi như hết tết. Sáng 1 tết làm một mâm cúng mang ra giếng thắp hương với ý nghĩa là để mua nước mới, mong cho nguồn nước ngọt dồi dào cả năm (khoảng 2-3 chục năm nay tục này không còn). Trong ngày mồng 1 cả nhà chỉ ở nhà, không đến chơi nhà khác, ăn cháo chè, rau dưa, bánh chứ không ăn mặn cho đến khi lặn mặt trời. Từ ngày mồng 2 mọi người đi chơi, thăm hỏi nhau, mừng tuổi nhau phong bao và vẫn thực hiện việc hương khói cúng bái ngày 2 lần cho đến tận ngày đưa các cụ. Trong khi đó người Khách ở đây chỉ cúng 30 Tết, còn lại các ngày 1,2,3 không cúng nữa, ăn mặn như bình thường. Người Kinh ở Vạn Vĩ còn có tục giết gà vào ngày 3 tết lấy tiết gà chấm lên 4 mảnh giấy đỏ rồi dán lên bàn thờ và để đó cho đến tận 30 tết tới thì bỏ đi. Riêng họ Tô (dòng họ lớn nhất ở Vạn Vĩ) đốt vàng đưa các cụ vào 3 tết, còn các họ khác hầu hết làm vào 4. Sau đó đến 9 lại nấu cháo mật cháo chè cúng tổ tiên và đến rằm (được gọi là tết con) lại giết gà, làm nhiều nhắm (người Vạn Vĩ gọi thức ăn là nhắm) để cúng bái tổ tiên và chính thức hết tết, mọi người bắt đầu đi làm. Kinh tộc ở đây đón tết long trọng hơn người Khách rất nhiều, việc cúng bái tổ tiên cũng chu đáo hơn. Mặc dù có những sự giao lưu dễ nhận thấy trong các phong tục nghi lễ đón tết nguyên đán của người Kinh và người Khách ở Vạn Vĩ như màu sắc trên bàn thờ, dán câu đối, tặng phong bao, cúng bánh tày, cúng cháo,... nhưng tết của người Kinh ở đây không có sự khác biệt nhiều so với tết của người Kinh trong nước mà vẫn giữ được nhiều nét truyền thống như: tục chạp mả mời người âm về ăn tết, tục cúng lễ ở đình, tục cúng ở bên giếng cầu nguồn nước ngọt,...

Hội đình: diễn ra từ ngày 9/6 đến 15/6 âm lịch hàng năm. Theo lời những người già ở đây kể lại là trước kia ở Vạn Vĩ không chỉ có đình mà còn có chùa thờ bà Liễu Hạnh nhưng từ khoảng 5 đời trở lại đây không còn chùa nữa, đất có chùa xưa nay vẫn còn đó gọi là bàu chùa, không ai dám trồng trọt hay xây dựng gì ở đó. Hiện nay ở bên Sơn Tâm vẫn còn giữ được chùa thờ Bà chúa Liễu Hạnh, người Vạn Vĩ cũng hay sang đó lễ. Đình Vạn Vĩ trước kia rất đẹp, sàn gỗ và những cây cột gỗ lim to cả người ôm với nhiều bức chạm trổ đẹp nhưng cho đến nay qua nhiều lần trùng tu, xây dựng đình đã hoàn toàn mới, cột, sàn ximăng, cổng sắt, hầu như không còn có hoạ tiết trang trí gì. Trong đình treo rất nhiều câu đối trên ban thờ và các hàng cột trong đó có 2 đôi câu đối được các cụ già ở làng cho là cổ nhất là: câu đối hai bên cửa đình: “Thánh đức lưu tồn thiên cổ tại, Khôn ân kính ngưỡng vạn đại truyền” và câu đối hai bên ban thờ chính: “Cổ tại Nam bang thành nguyên lệ sơn hà tri vĩnh cố, Kim triều Bắc quốc kính nghiêm tồn xã tắc chi di phong”. Khám thờ chính của đình đặt ngai thờ 5 vị theo thứ tự từ cao xuống thấp: Bạch Long trấn hải đại vương, Cao Sơn đại vương, Thánh Tổ, Điểm Tước, Trần Triều. Liên quan đến đình và lễ hội đình ở Vạn Vĩ còn có 8 ngôi miếu và nghè: miếu bản cảnh, miếu Bà, miếu Ông, miếu Cao Sơn, miếu Lục vị linh quan, miếu Thị khẩu nam phương, miếu Thị khẩu đông phương, nghè thờ thần Bạch Long trấn hải ở trên núi Bạch Long ngoài biển. Hội đình gồm có 4 lễ chính:

Nghinh thần: sáng 9/6 cả làng tập trung ở đình để đi ra bãi rước thần về mở hội. Đi đầu là ông chấp hiệu tiền quân, tiếp sau là các ông chấp hiệu trung quân, chấp hiệu hậu quân, chấp hiệu chiêng, trống dập, bàn hương án có bệ để thần ngự, lọng, bàn phù giá bày hoa quả, kẹo bánh, quạt. Đi theo sau là các ông mo, ông chúc, ông đám, quan viên, các bà nhà tơ, nhà trò và dân làng nối nhau rất dài đi sau cùng. Đám đi trật tự, bằng hàng nhau, trang phục hoàn toàn là quần áo lễ hội theo truyền thống được qui định chặt chẽ như người khiêng mặc áo vàng, ông mo mặc áo dài đen, ông chúc mặc màu tím, ông đám mặc màu xanh,... Đoàn đi từ đình ra bãi chính, ông mo làm lễ xin rước ông Bạch Long trấn hải đại vương về, nếu xin âm dương được thì đốt pháo rồi quay về. Trên đường về vòng qua bên nam nghinh lục vị linh quan và đệ nhất, nhị, tam Long vương ở 2 miếu. Sau đó về đình thắp hương rồi đoàn rước lại đến miếu bên Đông rước thần Cao Sơn về. Khi đã đón các thần về, buổi chiều tối làm lễ đóng cây đám mở hội. Cây đám là cây gỗ có trang trí giấy đỏ, chiều dài chạy ngay chiều rộng của cửa đình. 8 ông đám đem cây đám ra làm lễ rồi đặt cây đám vào vị trí sẵn có chắn ngang trước cửa đình cách mặt đất khoảng 1,5m để cho mọi người vào lễ đều phải cúi đầu  trước thần thánh. Cây đám được đặt ở đó cho đến ngày tan hội.

Tế thần: sáng 10/6 là lễ tế chính, có lợn, gà, và rất nhiều lễ vật khác như bánh, quả, sau đó ngày 11 đến ngày tống thần mỗi ngày một lần tế. Lần tế chính kéo dài hơn 2h với sự tham gia của 26 người trong ban tế: 1 ông mo, 3 ông xướng (1 chính, 2 phó), 8 ông đám, 1 ông chúc, 1 ông mạnh bái, 1 ông bê văn, 6 ông bê rượu, 1 ông hoà ứng, 4 người nhà tơ hát. Lễ tế diễn ra rất thành kính, trang nghiêm, dân làng xem tế rất đông. Đã thành thông lệ hội đình ở đây cứ buổi sáng tế lễ buổi chiều hát nhà tơ. Toàn bộ văn tế, văn sớ, lời hát nhà tơ, ngôn ngữ giao tiếp trong hội đình đều là tiếng Kinh. Đây cũng là một hình thức bảo lưu ngôn ngữ dân tộc và thúc đẩy việc học tiếng Kinh của lớp trẻ ở Vạn Vĩ.

Ngồi mâm: kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày tùy vào năm tổ chức hội to hay nhỏ, hiện nay chỉ còn ngồi 2 ngày. Nam giới từ 19 tuổi trở lên được tham gia ngồi mâm ở đình. Nhà ai có tang hoặc có phụ nữ sinh con còn trong tháng không được tham gia. Mâm ở đình ngồi 6 người chia ra các cấp: cao, trung, thấp theo thứ bậc tuổi tác và chức sắc khá chặt chẽ. Mâm 6 người nên chia ra 3 người chuẩn bị cỗ ăn 1 ngày, mỗi người tự nấu ít nhất 6 sứ nhắm (1 món ăn đựng ra 1 đĩa được gọi là 1 sứ nhắm) ở nhà rồi gánh ra đình bày lên mâm. Như vậy một mâm ít nhất cũng có 18 sứ. Mâm theo qui định trong đình là ngồi 6 nhưng hiện nay do lượng khách đến Vạn Vĩ và muốn tham gia vào lễ ngồi mâm ngày càng nhiều nên Ban tổ chức lễ hội phải lên danh sách trước và phân bổ vào các mâm nên số lượng có thể tăng lên 8 hoặc 10 người 1 mâm. Họ vừa ăn bữa cơm cộng đồng ở đình vừa nghe hát múa rất vui vẻ, dân làng thường hát đến đêm.

Tống thần: Ngày, giờ làm lễ tống thần được xem cẩn thận trong 3 ngày 14,15,16 nhưng thường vào buổi tối ngày 14 hoặc 15. Chỉ có ông mo, 8 ông đám và ông chúc làm lễ. Nhà tơ hát một canh, sau đó ông mo đọc văn “tế ngu” với nội dung trong những ngày mở hội vừa qua dân làng có điều gì ngu dại, có lỗi lầm gì trong việc tế lễ thì mong Ngài xá tội cho. Đến giờ ông mo xin âm dương rồi cùng các ông đám đưa cây đám ra ngoài của đình coi như đã tống thần. Khi trở vào 2 cô nhà tơ mặc áo dài trắng múa bông, 2 cây bông do ông đám đầu chuẩn bị là 2 cây tre dài khoảng hơn 1 thước, buộc nhiều hoa giấy vào 2 đầu cây hoặc bào thân cây tre đó ra làm hoa. 2 tay hai cây bông cô nhà tơ múa biểu thị động tác quét đằng đông, đằng tây, vùa múa vùa hát, cuối cùng cô ném cây bông đó ra ngoài đình, dân làng đã chờ sẵn bên ngoài tranh nhau cướp bông để cầu sức khoẻ, cầu con cái, cầu duyên và cầu cho người yên vật thịnh.

Hội đình chính thức kết thúc vào ngày hôm sau hôm tế thần khi ông đám mới tiếp ông đám cũ, phải làm một ván lễ  đọc báo cáo giao cho nhau trước thần, sau đó ông đám mới cùng nhà tơ đi thắp hương và hát ở tất cả các miếu, nghè (gọi là tân hạ), tối lại quay về đình hát múa mừng ông đám mới và chính thức kết thúc hội.

Liên quan đến ngày hội đình còn rất nhiều phong tục hay nữa mà chúng tôi chưa có điều kiện trình bày như: trước giải phóng có tục mỗi ông đám nuôi 1 lợn để đến ngày hội thi, con nào to nhất thì làng thịt để tế thần, con nào bé nhất thì phải chạy 3 vòng quanh đình, tục bầu ông mo, tục những người có công trạng trong làng được ghi vào văn sớ đọc trong đình và người nhà phải làm lễ mang ra đình cúng tạ, lệ đóng góp trong hội đình, lễ vào làng của con trai 19 tuổi để được ngồi mâm,...

Đình là trung tâm văn hoá - tín ngưỡng đặc sắc, là niềm tự hào của người dân Vạn Vĩ về truyền thống dân tộc mình. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu tác động, ảnh hưởng của một nền văn hoá khác nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay một lễ hội đình đặc sắc, mang đậm bản sắc của văn hoá Việt Nam. Mặc dù hình dáng ngôi đình, cách bài trí trong đình, lễ vật cúng tế, có phần giống với những ngôi miếu và chùa của người Khách ở đây, song hầu hết những nghi thức cúng tế, hát múa, trong hội đình Vạn Vĩ còn rất “thuần Kinh” (lời ông mo trong P.V ngày 16/2/04). Chúng tôi dễ dàng nhận thấy có  nhiều sự giống nhau giữa lễ hội đình Vạn Vĩ và hội đình Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) như tục đóng và cất cây đám, ông đám nuôi lợn thờ, múa bông,... Như vậy trong quá trình mấy trăm năm giao lưu văn hoá Kinh Hán ở Vạn Vĩ, không phải yếu tố văn hoá nào của người Kinh cũng có sự biến đổi sâu sắc mà vẫn có những phong tục, nghi lễ còn mang đậm bản sắc dân tộc minh chứng cho việc giữ gìn, duy trì và làm giàu vốn văn hoá truyền thống của người Kinh dù họ sống ở đâu đi nữa.

Với một số sắc thái văn hoá mà chúng tôi vừa trình bày ở trên có thể nhận thấy quá trình giao lưu và biến đổi văn hoá đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử định cư của người Kinh ở Vạn Vĩ. Tồn tại đến ngày nay là bức tranh văn hoá Kinh tộc Vạn Vĩ nhiều màu sắc trong sự giao lưu rộng mở, đa chiều: giao lưu giữa người Kinh và người Hán cùng định cư, giao lưu giữa người Kinh ở Vạn Vĩ và người Hán các vùng khác, giữa người Kinh ở Vạn Vĩ và người Kinh trong nước qua việc buôn bán hoặc kết hôn,... Trong nhiều nhân tố tác động đến sự giao lưu văn hoá rộng mở ở Vạn Vĩ hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng của vị trí hành chính, sự phân chia biên giới đã đưa Vạn Vĩ thuộc về Trung Quốc và chính điều này đã làm cho sự giao lưu văn hoá ở đây mang màu sắc khác biệt. Trong quá trình giao lưu ấy, một mặt người Kinh và người Hán ở Vạn Vĩ tiếp nhận văn hoá của nhau dần dần tạo nên một vốn văn hoá chung, mặt khác mỗi tộc lại bền bỉ gìn giữ riêng cho mình truyền thống văn hoá bản địa. Vì vậy văn hoá của Kinh tộc ở Vạn Vĩ hiện nay rất đặc biệt: không hoàn toàn giống Hán nhưng cũng rất khác với văn hoá của người Kinh trong nước. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn cho công việc tìm hiểu văn hoá làng biển Vạn Vĩ. Nghiên cứu nhỏ này của chúng tôi mới chỉ là những khám phá bước đầu trong khi vấn đề giao lưu, biến đổi văn hoá, bản sắc văn hoá lại là những vấn đề quá lớn. Bằng những đợt nghiên cứu điền dã được tiếp tục trong thời gian tới, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp được cho bạn đọc nhiều hơn nữa về những chiều cạnh văn hoá đặc sắc của Vạn Vĩ -  một làng người Kinh định cư ngoài biên giới Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương Châm
Số lần đọc: 2838
Ngày đăng: 27.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại