Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
670
116.543.309
 
Cứu cánh luận-2
Nguyễn Ước

2. Ðặc trưng của vật có tri giác

Tính toàn bộ

Có thể phân biệt vật có tri giác với vật vô tri giác bằng thực tế tổ chức. Vật vô tri giác có vẻ như được làm thành bởi các thành phần, người ta có thể tách rời chúng ra mà không hủy hoại vật đó. Như trường hợp tảng đá, có thể chẻ ra thành nhiều phần và có thể khảo sát các phần nhỏ hơn ấy thay cho cả tảng đá. Ðối với sinh vật, khi các thành phần của nó bị tách ra khỏi cơ thể, chúng không còn thao tác theo chức năng giống như các thành phần gắn liền với sinh vật.

Trong sinh vật, hoạt động của các phần của nó phát sinh từ tương quan tổng quát của mọi thành phần và cái toàn bộ của sinh vật tùy thuộc vào tương tác ấy. Cơ thể con người là một hệ thống được điều chỉnh một cách tinh tế với các bộ phận này hợp tác với các bộ phận khác cho những lợi ích sâu xa hơn của cái toàn bộ.

Ít nhất năm đặc điểm

Sinh vật có ít nhất năm đặc điểm. Ðó là:

1. Ðôi khi nếu xảy điều gì đó cho cơ thể, có bộ phận nào đó bị trục trặc hay khiếm khuyết, chức năng của nó có thể được bộ phận khác đảm trách hoặc tự điều chỉnh để bù trừ cho cái bị tổn thất. Ðiều ấy đặc biệt đúng với não. Nếu cơ quan ấy chỉ đơn giản là để tổ chức các bộ phận và mỗi bộ phận có chức năng riêng biệt của nó thì khi bị tổn thất, đã không có khả năng thay thế chức năng ấy.

2. Các sinh vật sống động có năng lực tái sản sinh. Sự kiện này dường như thêm lần nữa phân biệt chúng với vật vô tri giác. Tảng đá có thể tự bảo toàn trong những biến đổi nhất định của môi trường nhưng nó không có khả năng sản sinh các tảng đá khác để chủng loại của nó trường tồn. Các vật sống động có thể có các phương cách tái sản sinh khác nhau nhưng kết quả sau cùng vẫn giống nhau. Sự kiện ấy dường như phân biệt các vật sống động với các vật không sống động.

3. Các sinh vật sống động đều có tính cảm ứng, thí dụ nhận biết môi trường của chúng. Khả năng này gia tăng theo tính chất phức tạp và sự tổ chức của hệ thống thần kinh, nhưng ngay cả hèn mọn nhất như con a-mip, một sinh vật rất nhỏ chỉ có một tế bào, ở trong nước và đất, cũng nhận biết các đối tượng ngoại tại trong vùng tiếp giáp của nó.

4. Khả năng ấy hữu dụng cho sinh vật trong cuộc tìm kiếm thực phẩm, né tránh kẻ thù và, giống như các chức năng đã được đề cập, góp phần vào việc bảo tồn cá thể sinh vật ấy hoặc chủng loại của nó.

5. Cuối cùng, sinh vật sống động đòi hỏi phải có lương thực, có khả năng tìm thấy và tiêu hóa thức ăn.

Chỉ có tính tương đối

Việc liệt kê những đặc điểm vừa kể không mang chủ ý sẽ dùng chúng như những dấu hiệu đặc trưng để phân biệt cái sống động với cái không sống động. Cho tới nay, vẫn chưa giải quyết xong vấn đề định nghĩa sự sống một cách thích đáng và đầy đủ. Khi các nhà khoa học xem xét các hữu thể theo đường ranh giữa tri giác và vô tri giác, thí dụ vi-rút, họ nhận thấy thật khó phát biểu một cách chính xác về các đặc điểm của sự sống.

Tuy thế, những phân tích vừa được liệt kê ấy cũng đủ cho mục đích của chúng ta và góp phần phân biệt một cách nhất định các dạng thức sống động tiên tiến với các đối tượng vô tri giác bình thường. Chúng minh họa cho thấy rằng cấp bậc cao hơn ấy tùy thuộc vào vật vô tri giác vì không thể có sự sống nào không có các thành tố vô tri giác. Tuy thế, cái toàn bộ có phẩm tính riêng biệt, khác với những điều kiện mà từ đó nó hiển lộ.

Thăng hoa các nguyên tố

Quả đúng là nhà hóa học có thể phân tích bất cứ sinh vật sống động nào thành những nguyên tố hóa học vô tri giác và có thể cho thấy rằng chẳng có gì còn lại, thế nhưng, một mình các nguyên tố hóa học không thể giải thích động thái của sinh vật sống động ấy. Qua sự tổng hợp, đã có cái gì đó được thêm vào các nguyên tố ấy.

Ðó không phải là vấn đề có một nguyên lý bí nhiệm nào đó nhập vào cuộc phối hợp ấy mà chúng ta không biết tới xuất xứ của nó, đúng hơn, đó là hình ảnh minh họa sâu xa hơn của thực tế tổng hợp có tính sáng tạo. Chủ nghĩa máy móc không thể giải thích sự phân biệt giữa sống động và không sống động, nhưng thuyết tiến hóa hiển lộ có thể cung cấp một giả thuyết có vẻ hợp lý, tránh được việc dẫn tới một Ðấng tạo hóa ngoại tại và thần bí.

3. Ðặc trưng của tâm trí

Tâm trí tùy thuộc thể xác

Cũng nguyên lý ấy đưa ra lời giải thích cho nan đề về tương quan giữa thể xác và tâm trí, một vấn đề gây ra quá nhiều nan giải. Cho dẫu tâm trí là gì đi nữa, rõ ràng nó tùy thuộc vào thể xác. Nếu não bị chấn thương hoặc ngà ngà men rượu, ngộ độc hay rối loạn cảm xúc, thì rất khó hoặc chẳng thể nào suy nghĩ.

Sự hoàn toàn tùy thuộc của tâm trí vào thể xác đã đưa tới những nỗ lực đồng nhất nó với thể xác bằng lối nói rằng tư duy chỉ đơn thuần là một hoạt động vật lý. Biểu tượng cao nhất cho khái niệm đó là tham vọng của một số nhà khoa học trong công nghiệp điện toán, muốn sáng chế và lập trình máy vi tính điện não có khả năng thay thế cho nhân não. Tuy thế, sự giảm thiểu tâm trí thành vật chất hình như không thích đáng. Trong chừng mực chúng ta có thể nhận thấy cho đến nay, không thể có tâm trí mà không có thể xác. Tuy thế, vẫn có sự phân biệt rạch ròi, tới độ không thể nào xóa bỏ, giữa hoạt động thể lý và hoạt động tâm thần.

Lý tính và trừu tượng hóa

Chừng nào con người còn có lý trí, chừng đó nó vẫn có thể vận hành các ý tưởng trừu tượng. Có thể người duy nghiệm chủ nghĩa (empiricism) có lý khi họ khẳng định rằng hết thảy các ý nghĩ đều có nguồn gốc trong giác quan. Nhưng làm sao có thể am hiểu mà không gặp nan giải nào về các ý tưởng như số không (dê-rô), hằng cửu, Thượng đế, vô tận, năng lượng, v.v. bằng cách chỉ đề cập tới các giác quan. Giác quan bị giới hạn trong các ý tưởng đặc thu (particulars)ø trong khi đó con người suy nghĩ bằng những cái phổ quát (universals).

Chính khả năng ứng xử với các ý tưởng phổ quát là dấu hiệu đặc trưng nhất cho toàn bộ tính chất lý trí của con người. Thật khó chấp nhận lời giả định rằng các ý tưởng trừu tượng và phổ quát chỉ là những vận hành của vật chất và là vật chất. Nếu con người bị giới hạn trong nhận thức bằng tri giác tức thời và tại chỗ hay hồi tưởng, hắn không thể nào thoát ra khỏi hiện tại hoặc chuẩn bị cho tương lai. Và đặc biệt làm thế nào con người có năng lực và đạt được các thành tựu toán học, một môn học hoàn toàn trừu tượng, để bằng vào khả năng xử lý các ý tưởng trừu tượng mà gặt hái được những thành quả tuyệt vời trong cụ thể cuộc sống.

Biểu tượng và ký hiệu

Kết hợp với khả năng sắp xếp các ý tưởng trừu tượng là khả năng hình thành cùng xử lý bằng ký hiệu. Chỉ một chữ thôi, không nhất thiết phải giống hệt cái được nó biểu hiện, mà gây được hiệu quả trong ý nghĩ. Và nhiều ký hiệu có thể chẳng tiêu biểu cho cái gì cả, thí dụ con số dê-rô. Khả năng bố trí các ký hiệu cũng làm cho con người tăng thêm năng lực.

Chừng nào con người còn ứng xử với các nối kết tự nhiên, chừng đó dường như một vật đã định có thể được dùng để tiêu biểu cho một vật khác, thí dụ khói là biểu tượng của lửa. Ở đây, khói là một vật có thật, có giá trị như dấu hiệu của một biến cố có thật và đang xảy ra. Tri thức kiểu đó có giá trị nhưng nó không có hiệu quả cho bằng tri thức có thể tạo thành do bởi việc thoát ra khỏi một hoàn cảnh hiện hành hoặc việc trầm ngâm suy tưởng về ý nghĩa của các từ ngữ như "khói" và "lửa" trong một hệ thống rộng lớn hơn, thí dụ như hóa học.

Cảm nhận và thấy trước

Bằng khả năng sử dụng ký hiệu và đắm mình trong tư duy trừu tượng, con người có khả năng cảm nhận cái đẹp, sự ràng buộc đạo đức và tôn giáo mà dường như các tạo vật khác không thể nào có. Tầm quan trọng nhất của cảm giác ràng buộc này là hành động tìm kiếm chân lý và hướng các nỗ lực triệt để nhất để khám phá cho ra nó. Và nếu không có sự thao diễn của tâm trí thì dường như chẳng thể nào có các ý tưởng trừu tượng cùng những hàm ý thực tiễn của chúng.

Con người còn có khả năng sử dụng những nối kết giữa các biểu tượng để nhìn thấy trước hậu quả của một hành động nhất định mà không thật sự hoặc chưa thực hiện chúng. Ðó là một khí cụ đáng ngưỡng mộ, được hàm ýù trong cụm từ "để tránh các hậu quả tai hại".

Một người thích rượu đang lái xe, nghĩ tới một bữa nhậu và bỗng nổi cơn thèm rượu. Y có thể cân nhắc hậu quả có thể xảy ra nếu y móc chai rượu nhỏ để trong túi xách ra, làm mấy hớp, và vì thế y chép miệng, từ chối không để mình lâm vào tình thế nguy hiểm do rượu gây ra. Người ấy không nhất thiết phải uống thử rượu để thấy cái gì thật sự xảy ra. Những đặc điểm đó của hành động có lý trí gợi tới cái gì khác nữa, khiến cho ta phải suy nghĩ hơn là phản ứng thuần túy vật chất của các nguyên tố hóa học hoặc sự hội tụ của các đầu mối thần kinh trong não.

4. Tâm trí là vật chất

Cùng với nhiều người khác, người duy vật chủ nghĩa đã có những nỗ lực muôn hình muôn vẻ nhằm phủ định thực tại của tâm trí. Hầu hết các cuộc tiến công đó chĩa thẳng mũi dùi vào khái niệm cho rằng tâm trí là cái gì đó khác một cách cơ bản với thể xác và là một thực thể tinh thần bí nhiệm chiếm lĩnh thể xác nhưng không liên quan tới thể xác.

Nguyên lý bảo toàn năng lượng

Có một luận cứ dựa trên giá trị của nguyên lý bảo toàn năng lượng (the conservation of energy). Nếu tâm trí hoàn toàn độc lập với thể xác, thì hoặc nó không thể tác động lên thể xác hoặc không thể hiểu được hành động của nó. Bất cứ cái gì sản sinh hoạt động trong thể xác đều phải dùng tới năng lượng. Nếu tâm trí không là vật chất và vì nó hoạt động trong thể xác, nó phải lấy năng lượng từ một nguồn không phải vật chất.

Ðiều đó có nghĩa rằng mỗi lần tâm trí tác động lên thể xác, kho dự trữ năng lượng trong thiên nhiên phải gia tăng – và như thế, hoàn toàn trái ngược với thuyết bảo toàn năng lượng. Bảo toàn năng lượng được xem là nền tảng trong khoa học mang bản sắc Newton, và dường như không thể bác bỏ lập luận của nó. Do đó, chỉ có thể xem tâm trí là một dạng của vật chất.

Thuyết phụ tượng

Một số người theo thuyết tự nhiên (naturalism) tìm cách bảo lưu thực tế tâm trí trong khi vẫn trung thành với thuyết bảo toàn năng lượng. Sử dụng nội hàm của *thuyết phụ tượng (epiphenomenalism)), họ nêu lên giả thuyết rằng tâm trí khác với thể xác nhưng tùy thuộc vào thể xác.

Theo họ, thể xác có khả năng sản sinh những điều kiện có thể được gọi một cách thích đáng là tâm thần, nhưng các hiện tượng tâm thần không thể sản sinh hoặc tác động lên hệ thống vật chất. Tâm trí giống như hơi thoát ra từ van an toàn của một đầu máy; nó được sản sinh bởi tính thể lý (physical) nhưng không ảnh hưởng lên thể lý. Lý thuyết này dường như không được nhiều người tán thưởng lắm.

5. Tâm trí là hiển lộ

Phẩm tính và vai trò riêng

Thuyết tiến hóa hiển lộ tránh các nan giải của các lý thuyết vừa kể. Tâm trí tùy thuộc vào các điều kiện vật chất nhưng nó có phẩm tính riêng biệt, khác với chúng. Có thể diễn tả một cách thích đáng rằng các phẩm tính ấy như một loại tính thể (sort of being) nhưng không mang hàm ý nó là một loại bản thể huyền bí (mysterious substance) nào đó mà ta không biết bằng cách nào nó phát sinh. Ta phải thừa nhận nó là cái đang là nó và phải thông giải nó trong liên quan tới các qui luật của chính nó. Và ta có thể không thắc mắc về tính hiệu quả của nó.

Còn nữa, tâm lý đóng vai trò to lớn trong việc sửa đổi các biến cố. Việc giảm thiểu hết thảy các biến cố lịch sử thành các điều kiện vật chất mà thôi, như người chủ nghĩa Marx có thể làm, khiến phát sinh sự giản dị hóa quá đáng các biến cố lịch sử. Loài người có thể bị và đang bị tác động bởi các ý tưởng của nó và như thế cho thấy tâm trí là một ảnh hưởng đầy uy lực.

Nàng Kiều và con khỉ

Dường như các nỗ lực bác bỏ tâm trí và giảm thiểu toàn bộ động thái của con người thành hoạt động máy móc là một hình thức bào chữa đặc biệt cho việc phải bỏ qua một bên các sự kiện nhất định để làm cho lý thuyết Marx hữu hiệu. Có thể đúng khi quả quyết rằng một con khỉ đùa giỡn với bàn phím máy vi tính, và nếu có đủ thì giờ, nó có thể viết ra cuốn Truyện Kiều, từ đầu tới cuối.

Vấn đề là Nguyễn Du (k.1766-1820) không đòi hỏi một thời gian vô định để làm công việc đó, cũng không tùy thuộc vào sự hoàn toàn ngẫu nhiên viết vớ va vớ vẩn để hoàn thành cứu cánh của ông. Nguyễn Du biết rõ cụ muốn làm cái gì và nên tiến hành việc đó như thế nào.

Ưu việt của con người

Trong chừng mực hiểu biết của chúng ta, con người có khả năng lập quyết định và thực hiện các công tác trí tuệ mà không một hình thức hữu thể nào khác có thể làm được như thế. Bộ lông của chim công có thể có những màu sắc đẹp hơn chiếc áo đẹp nhất của con người, nhưng chỉ có con người mới biết sắp xếp các màu sắc để làm thành chiếc áo hợp ý mình. Con người có thể vận dụng các ý nghĩa, và ta không thể gọi năng lực ấy bằng một danh hiệu nào khác hơn là năng lực của tâm trí.

Quả thật rất khó tin khi cho rằng những khải hoàn của khoa học hiện đại không là gì cả mà chỉ là các phản xạ có điều kiện và rằng năng lực của tri thức tân tiến không là gì cả mà chỉ là chức năng của một bộ phận thể lý. Tâm trí phát sinh từ và tùy thuộc vào các điều kiện vật chất nhưng nó có phẩm tính riêng, khác với chúng và không thể bị giảm thiểu thành chúng. Ít nhất đó là những gì được lý thuyết tổng quát về sự hiển lộ nêu ra.

6. Các hàm ý

Cấp cao tùy thuộc cấp thấp

Ngang đây, có lẽ cần lưu ý là bạn nên cẩn thận một chút, đừng nghĩ rằng thuyết tiến hóa hiển lộ có hàm ý một lổ hổng trong thiên nhiên. Nếu có những lỗ hổng giữa các loại hữu thể khác nhau thì đó là một vấn đề thực tế, được thiết lập bởi quan sát chứ không do lý thuyết quyết định.

Nếu sự phát triển của vạn vật có tính liên tục khiến cho vật vô tri giác biến đổi sắc thái thành vật có tri giác, và các loài vật sống động khác nhau cho thấy các cấp bậc trí tuệ mờ phai dần, thành cái này cái nọ như những sắc thái khác nhau của một màu sắc, thì giả định ấy không mâu thuẫn với ý tưởng về sự hiển lộ.

Tất cả những gì được thuyết tiến hóa hiển lộ bảo lưu là các cấp bậc cao tùy thuộc vào các cấp bậc thấp mà từ đó chúng trồi ra và nổi lên (hiển lộ) nhưng chúng có phẩm tính riêng biệt, khác biệt với cấp bậc thấp, và không thể bị giảm thiểu thành cấp bậc thấp mà không bị tổn thất, như thí dụ đã nêu về nước là phối hợp của H2O hoặc vô cơ sinh hữu cơ hoặc các cơ quan chi thể làm thành một con người.

Xét theo tính khoa học

Có thể thấy giả dụ các nhà khoa học thành công trong việc sản sinh sự sống bằng cách tổng hợp các hóa chất nhất định thì điều đó không tạo ra nan giải nào cho lý thuyết này – dù hẳn gây hoang mang cho lý thuyết nào xem sự sống là độc lập với các điều kiện vật chất của nó.

Có một nguyên tắc nổi tiếng trong phương pháp khoa học là một lý thuyết hay một lời giải thích nếu muốn trở thành được ưa chuộâng nhất, nó phải đáp ứng đòi hỏi có khả năng tập hợp tối thiểu các nguyên lý cơ bản để giải thích các hiện tượng. Trên cơ sở ấy, thuyết tiến hóa hiển lộ hấp dẫn nhiều nhà tư tưởng tuy vẫn có nhiều người đánh giá nó là quá siêu hình hoặc quá suy tưởng, và khó có thể được xem là có tính hoàn toàn khoa học.

Ðặt vấn đề cứu cánh

Trong khi công nhận rằng học thuyết về các cá thể có tự tính và độc lập không còn giá trị và ta buộc lòng phải nghĩ tới biến cố như là tâm điểm của hoàn cảnh năng động, nhiều triết gia hiện đại thấy trong thuyết tiến hóa hiển lộ một công cụ có giá trị giải thích sự chuyển thể các điều kiện vật chất thành các hiện tượng tinh thần (mental phenomena).

Trên hết, dường như thuyết này có giá trị lớn lao; nó như một sự giải thích thực tế hiển nhiên của sáng tạo hoặc sự trồi ra, nổi lên của cái mới lạ trong các hiện tượng không thể hiểu bằng bất cứ nguyên lý nào trong cả ba nguyên lý của máy móc chủ nghĩa. Như thế, thuyết tiến hóa hiển lộ lại thêm lần nữa làm phát sinh vấn đề về cứu cánh hoặc cứu cánh luận trong thiên nhiên, và cống hiến sự tái khẳng định nguyên tắc tổng quát về nguyên nhân cứu cánh (final cause) trong quan hệ nhân quả, cái đã bị hệ thống mang tính máy móc chủ nghĩa bác bỏ.

7. Thuyết hiển lộ và cứu cánh luận

Chỉ là sở thích chủ quan

Phần lớn cuộc thảo luận về trật tự và vô trật tự trong vũ trụ đều phản ánh sở thích của con người. Một cách tổng quát, dường như nhiều nhà tư tưởng có cảm giác rằng không thể nào có sự vô trật tự vì trong thực tế, vật này phải có mối quan hệ nào đó với vật kia. Thông thường, khi nói tới vô trật tự chúng ta chỉ ngụ ý rằng chúng ta không thấy đúng cái trật tự mà mình đang tìm. Khi người mẹ rầy la cậu con vì căn phòng vô trật tự của nó, bà dựa vào khái niệm của bà về trật tự vì theo lẽ tự nhiên, giữa các đồ vật khác nhau phải luôn luôn có một trật tự không gian nào đó.

Phần lớn sự hoang mang mà chúng ta cảm thấy là do bởi trong tư duy của mình, khi không phân biệt nổi các ý tưởng chỉ dựa trên sở thích của mình với các ý tưởng dựa trên bằng cớ hoặc trên một chuỗi các biến cố tự nhiên.

Lập luận về bản tính mang tính cứu cánh luận của vũ trụ (teleological nature of universe) phần nhiều là giả tạo vì khi thấy sự nối tiếp tự nhiên vừa lòng hợp ý mình thì người ta quả quyết là đã tìm thấy trật tự, nhưng khi thấy nó đi trái với sở thích hay ý nguyện của mình thì người ta bảo là vô trật tự. Có lẽ đối với người bình thường, bão tố và động đất dường như là sự chống đối quyết liệt của vị thần thiên nhiên khiến cho họ bị khổ đau, còn đối với các nhà khoa học quan tâm tới các hiện tượng ấy, chúng là những thí dụ tuyệt vời của trật tự.

Hỗ trợ cứu cánh luận nội tại

Nếu giảm hạ con người xuống địa vị thích đáng của nó và đánh giá thiên nhiên trên qui mô rộng lớn hơn, chúng ta sẽ thấy rằng trật tự chỉ có nghĩa là một tình trạng trong đó cung cấp những điều kiện thích đáng để hiển lộ các biến cố.

Thông thường, khó có thể dự báo các biến cố có vẻ như bất ngờ, nhưng một khi đã xảy ra, người ta có thể thấy rằng chúng phát sinh một cách tự nhiên từ các điều kiện của chúng, thí dụ vụ đại tai biến sóng thần Tsunami kinh hoàng ở vành đai phía đông Ấn Ðộ dương ngày 26 tháng 12 năm 2004 làm thiệt mạng 225.000 người trong chỉ một ngày tại 11 xứ sở, được tìm thấy là do lằn nứt ở vỏ địa cầu gây ra địa chấn, ngay khi tai biến ấy vừa kết thúc.

Chừng nào còn được quan tâm trong phần lớn tư tưởng hiện đại, chừng đó khái niệm chính xác của cứu cánh luận hẳn vẫn phải được thể hiện trong liên quan tới một hệ thống đang triển khai trong đó thực tế quan trọng là bản tính nội tại và có hệ thống của sự phát triển.

Là một trong ba lý thuyết mang tính cứu cánh luận được xem xét trong chương này, thuyêát tiến hóa hiển lộ chỉ hỗ trợ khái niệm của cứu cánh luận nội tại như là cứu cánh luận của một hệ thống hoặc các điều kiện có hệ thống mà xuất từ đó các biến cố hiển lộ – trồi ra hoặc nổi lên.

8. Thuyết hiển lộ và tự do

Phê bình chủ nghĩa máy móc

Thuyết tiến hóa hiển lộ cũng trở thành cơ sở cho một học thuyết mới về tự do. Những nan giải của các triết gia trước đó về vấn đề này, vốn phát sinh từ thái độ nhấn cực kỳ mạnh của khoa học lên chủ nghĩa máy móc, khiến cho bất cứ lời quả quyết nào về tự do cũng dường như mâu thuẫn với chứng cớ của khoa học. Tuy thế, niềm xác tín của con người dựa trên kinh nghiệm bản thân và quan sát đồng loại đã gây nên những hoài nghi nghiêm trọng về giá trị tổng quát của thuyết duy máy móc.

Nếu mọi sự đã bị quyết định để là cái chúng đang là và không thể nào là cái ngược lại, thì Laplace có lý khi quả quyết rằng Ðấng thông suốt mọi sự (omniscient Being, Hữu thể toàn tri) có thể biết trước cả hiện tại lẫn tương lai. Bergson vạch rõ rằng một lý thuyết như thế có nghĩa là mọi sự đã được an bài ngay từ thuở khai thiên lập địa, và điều đó có vẻ khó tin khi người ta công nhận rằng thời sơ khai của vạn vật thì rất đơn giản, ngược lại với sự phức tạp thời nay.

Một lý thuyết như thế cũng có nghĩa rằng không có gì mới mẻ ngoại trừ những kết hợp có thể dự đoán của các phân tử bất biến có thể xảy ra liên tục, và điều đó cũng làm cho cuộc tiến hóa trở thành bất khả thi. Quan trọng hơn hết là học thuyết chủ nghĩa máy móc mâu thuẫn với chứng cớ hiển nhiên rằng con người có thể lập quyết định và rằng con người có thể cải thiện các điều kiện xã hội và tự nhiên dưới sự hướng dẫn của các ý tưởng.

Nỗ lực của Kant

Kant nỗ lực giải quyết vấn đề ấy bằng cách phân chia công tác cho khoa học và đức tin. Ông giới hạn chủ nghĩa máy móc vào thế giới của kinh nghiệm vốn không và không thể bao gồm bản ngã có lý trí (the rational self). Trong thiên nhiên không thể xảy ra cái gì mới mẻ hoặc không thể dự báo, nhưng con người, vì có lý trí, có thể lập các quyết định tự do. Một thỏa hiệp như thế đơn giản chỉ là sự nhượng bộ người máy móc chủ nghĩa và không được người cho rằng khoa học thống trị toàn thể vũ trụ xem trọng.

Tiến hóa là sáng tạo và tự do

Tiền đề chủ nghĩa máy móc bị thuyết tiến hóa hiển lộ phủ định bằng cách thông giải rằng cuộc tiến hóa là có tính sáng tạo đích thực và bằng những nguyên tắc tự nhiên, nó tránh khỏi khái niệm hai thế giới của Kant. Chừng nào cái hiển lộ còn mang phẩm tính riêng biệt, chừng đó vẫn không thể dự báo nó từ những thành tố hòa nhập làm thành nó. Nó là cái mới mẻ đích thực; nó là tiến hóa đích thực.

Nếu tự do có nghĩa là không thể dự đoán thì đây là lý thuyết về tự do. Tuy thế, nó là sự tự do của một hệ thống, không của một ý chí độc lập hoặc của một nhà độc tài ngoại tại.

Nếu thuyết tiến hóa hiển lộ đúng, lời khẳng định của Laplace phải sai. Tương lai phải tùy thuộc vào các điều kiện của nó vì từ các điều kiện ấy mà nó hiển lộ. Nhưng vì tính chất mới mẻ tự thân khiến nó không là đối tượng của dự đoán nên tương lai mở ra một cách đích thực.

Không thể dự đoán lâu dài

Như thế mọi dự báo lâu dài về dòng chảy của các biến cố đều bị xem là điên rồ, dù đó là xã hội vô giai cấp hoặc một vương quốc lý tưởng giữa chốn trần thế. Những sai lầm của Marx trong việc dự báo các điều kiện và tâm điểm của cuộc cách mạng cộng sản là trường hợp điển hình. Lý thuyết của ông cho rằng cuộc cách mạng ấy chắc chắn phải xuất hiện trong những nước kỹ nghệ hóa cao độ như Ðức và Anh vì theo phép biện chứng, chủ nghĩa tư bản phải phát triển đầy đủ mới có thể phát sinh cái đối lập của nó, đó là giai cấp vô sản, những kẻ sẽ là đạo quân tiên phong trên con đường tiến tới tưởng quốc Utopia đại đồng.

Thực tế của thế kỷ 20, cuộc cách mạng ấy từng xuất hiện tại Nga và Trung Hoa, nơi cả hai nước đều là nông nghiệp và không kỹ nghệ, và đấu sĩ của chủ nghĩa cộng sản tại đó là nông dân chứ không phải là tầng lớp công nhân vô sản. Cho đến đầu thế kỷ 21, hơn một trăm rưỡi năm sau ngày Marx tiên đoán, tưởng quốc Utopia ấy dường như trên thực tế đã hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của tất cả các nhà cách mạng trên thế giới.

Thế giới mở, cá nhân phát triển

Ngoại trừ những phạm vi rất hữu hạn, các dự báo là tác phẩm của những kẻ quá nhiệt tình và đều không có giá trị khả thi. Thế giới, bao gồm xã hội, là một thế giới mở trong đó nỗ lực của con người có thể làm biến đổi dòng chảy của các biến cố lịch sử theo những cách thức không trông đợi và không thể đoán trước.

Một khi lý thuyết tổng quát về "tương lai mở" ấy được kiến lập cho thiên nhiên như một toàn bộ, nó sẽ không gặp khó khăn trong việc áp dụng cho cá thể. Có thể mượn lời giải thích giản dị nhất của Bergson, kẻ đánh giá sự phát triển của cá thể gần giống với sự phát triển của thiên nhiên. Theo triết gia người Pháp ấy, mỗi cá nhân là một tích lũy các kinh nghiệm, một hệ thống mà ta không thể tiên đoán sự phát triển của nó trong tương lai vì hết thảy các hệ thống đều là đối tượng của sự xuất hiện cái mới mẻ.

Whitehead cũng có học thuyết tương tự dù ông nhấn mạnh những hoạt động chọn lọc của một bản ngã đã bị vào khuôn mẫu. Tự do được phô bày trong sự chọn lọc hoặc từ khước các ảnh hưởng của môi trường cùng với sự không thể nào dự báo một cách chính xác những gì cá nhân có thể trở thành, như một kết quả của sự chọn lọc và sự thẩm thấu của các thành tố cấu thành.

 

V. Tóm lược

Học thuyết cổ truyền về tự do cá nhân qui tự do cho tính năng hoặc quyền năng của cá nhân qua đó con người có thể lập thành những quyết định không bị gây nên hoặc bị tạo tác bởi môi trường của nó. Một lý thuyết như thế dễ dàng bị triển khai thành lý thuyết có tính co dãn hoặc thất thường tùy theo sự chọn lọc.

Tự do là tự quyết định nội tại

Lý thuyết ấy đã bị phủ định trong lý thuyết hiện đại. Tự do nay được định nghĩa như là sự tự quyết định, một sự quyết định bởi một hệ thống vốn có tính chất hoàn toàn bản ngã. Nó được phân biệt với sự quyết định ngoại tại, thí dụ sự cưỡng ép của đồng loại hoặc của các sức mạnh tự nhiên.

Nếu có ai túm lấy tôi rồi ném qua cửa sổ, đó là cưỡng ép và không tự do. Khi tôi nhảy qua cửa sổ mà không có sức ép ngoại tại nào, có nghĩa là tôi đang quyết định động thái của mình. Có thể xem học thuyết tiến hóa hiển lộ phù hợp với khái niệm thông thường về tự do.

Không thể dự báo chính xác

Chừng nào động thái của con người còn mang tính tự quyết định, chừng đó chắc chắn trong động thái ấy vẫn có những thành tố để có thể dự báo. Thông thường, có khả năng thấy trước điều người đó có thể làm trong những hoàn cảnh nhất định.

Nếu bạn dự tính tổ chức một cuộc liên hoan dành cho đại diện của nhân dân Cambodia ngày nay thì có thể tiên đoán danh sách các vị khách được mời. Những nhân vật nguyên là quan chức chính trị hay quân sự từ cấp tỉnh trưởng hoặc sư đoàn trưởng trở lên của Khmer đỏ sẽ không được mời. Chắc chắn việc mời họ sẽ gây tranh cãi. Các nam nữ siêu sao cũng sẽ không được mời vì họ chỉ quan tâm tới nhạc trẻ và lúc nào cũng muốn mình là tâm điểm chú ý của mọi người.

Có thể dự báo một động thái nhất định nhưng không thể nào tiên đoán chính xác vì tùy thuộc vào sự tự quyết định của chủ thể. Khi người ta gọi bản ngã là bản ngã đang biến đổi (a changing self), hoặc cái tôi chỉ là một cái tôi đang biến đổi, cái tôi vô thường, "vô ngã", trong một môi trường mà mọi sự tương liên tương tác, thì ta có thể hiểu tính khả thi của các hành động gây kinh ngạc và không trông đợi.

Những thành tố mới đang nhập thành bản ngã có thể làm biến đổi chiều hướng của động thái. Một thanh niên độc thân phóng đãng có thể từ bỏ cuộc sống "đập phá rộn ràng" để ngồi trầm ngâm trước hiên nhà mỗi khi chiều về, và hoán cải thành kẻ không uống rượu, không hút thuốc.

Chừng nào còn biết tới bản ngã, chừng đó vẫn còn có thể dự báo; nhưng nội dung tiên đoán ấy luôn luôn là đối tượng của sai lầm, vì bất cứ lúc nào cũng có các thành tố mới từ môi trường thâm nhập và góp phần lập thành bản ngã của cái tôi lúc ấy.

Tự do là một thực tế

Tự do không giống với và cũng không là sự thất thường ấy vì tính năng kỳ diệu (mysterious faculty) của con người; và đó là một thực tế. Lý thuyết tiến hóa hiển lộ quả thật gợi cho thấy cơ sở của tự do trong một "tương lai mở" một cách đích thực. Khái niệm hiện đại về bản ngã như một tổng hợp môi trường của nó chuyển thành khái niệm này đối với cá thể con người.

Theo khái niệm này, loài người có thể sửa đổi bản thân bằng những hoạt động có tính chọn lọc của nó, và có thể uốn nắn thế giới theo các ý tưởng của nó, dù nó không thể nào thấy trước rõ rệt hậu quả của mọi hành động. Cảm giác định mệnh chủ nghĩa (fatalism) có liên quan tới định hướng ngoại tại (external direction) có thể được thay thế bằng sự bảo đảm rằng loài người có thể hợp tác, và sự hợp tác đó sẽ gây tác động, tạo thành sự đổi khác.

Cảm giác trách nhiệm

Tư tưởng ấy cũng khiến cho chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm. Thế giới ngày mai sẽ hiển lộ từ các điều kiện hôm nay và sẽ phản ánh chúng trong cấu trúc tổng quát của nó. Cái chúng ta làm, hoặc để lại không làm, sẽ góp phần của nó trong sự hình thành thế giới đó.

Con người được tự do nhưng nó cần phải sử dụng tự do của nó cho sự phát triển thích đáng hơn bản ngã của nó và cho sự nuôi dưỡng cảm giác ràng buộc lớn lao và phục vụ cộng đoàn cùng xứ sở của mình.

Quả thật chúng ta không thể tiên đoán một cách chính xác những gì sẽ triển khai. Lịch sử qua các hành động của con người, thí dụ Cuộc cách mạn Pháp 1789 hay Cuộc cách mạng Nga 1917, là một bảo đảm rằng luôn luôn có khả năng không thể thấy trước các hệ quả. Tuy thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng phẩm tính riêng biệt được quyết định bởi các điều kiện mà từ chúng, phẩm tính xuất hiện và phản ánh chúng, khiến cho phẩm tính của sự đóng góp của mỗi người sẽ gây được tác động.

Mọi người đều bị xã hội điều kiện hóa nhưng mỗi người cũng là thành phần của xã hội. Và đó là nguồn của tự do, đồng thời cũng là sự thách đố của bạn. Kết hợp cải tạo xã hội với khái niệm hình thành thế giới ở trên, ta có thể triển khai khẩu hiệu "Nghĩ toàn cầu, làm bản địa" của phong trào hậu hiện đại bằng tác phong tiên tiến với tư duy mang tính đại thể của loài người vô phân biệt và hành động cụ thể ngay trong môi trường cá biệt của mình. Và như thế, chắc chắc tạo ta được sự khác biệt có tính tiến hóa hiển lộ.n

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2384
Ngày đăng: 21.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự cáo chung của chân lí - Phạm Nguyên Trường
Phật Giáo và hư vô chủ nghĩa[1] - Roger-Pol Droit
Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao ? - Phạm Nguyên Trường
Dục tính: sự gặp gỡ thể xác hay câu chuyện của những ẩn dụ - Nguyễn Mạnh Hà
Thế nào là người trí thức? - Paul A.Baran
Chủ nghĩa Máy móc-1 - Nguyễn Ước
Chủ nghĩa Máy móc-2 - Nguyễn Ước
Trí thức nửa mùa - Oleshuk Iu. F.
Bàn về Quan hệ nhân quả -1 - Nguyễn Ước
Bàn về Quan hệ nhân quả -2 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)