Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
887
116.619.844
 
Ở lại đó
Trần Lệ Thường

Cái nắng chói chang, khiến cho tôi có cảm giác bị đốt cháy. Nắng như chưa từng được nắng. Rực rỡ, tràn đầy. Cái nắng mà ở một nơi nào đó của đất nước, mọi người thèm được nắng. Trong nắng là gió, gió mượt mà êm mát như có bàn tay ai cầm phạt phe phẩy. Tôi còn cảm thấy trong gió còn có mùi thơm gì đó mà tôi chưa thể xác định là hương gì.

“Cô vào trong nhà nghỉ đi. Ban cũng đang quay về”. Chú Chín Cho cán bộ huyện từ trong trạm đi ra đưa cho  tôi chai nước lấy ở bên căn tin. Ban đã đưa khách tham quan xuống hồ câu cá. Anh không biết tôi xuống đây. Ngày hôm qua tôi còn chưa biết hôm nay tôi sẽ đi U Minh Thượng. Tôi giận anh. Hơn một tháng rồi chúng tôi không có liên lạc với nhau, trước ngày anh về huyện An Minh nhận công tác.

 

Gần một năm trời yêu nhau, tôi tưởng đã hiểu rõ anh nhưng thật ra tôi còn chưa hiểu hết anh. Anh sống trong gia đình một người chú. Ba má anh đã qua đời sau ngày hòa bình ít lâu vì thương tật. Cuộc sống không hề êm ả yên vui với một người thiếm gút mắc, khắc khe, so đo từ miếng ăn đến cái mặc. Những đứa anh em chú bác luôn sợ anh dành mất phần và giỏi giắn thông minh hơn chúng. Im lặng nhẫn nhịn, anh còn cho là rất may mắn vẫn còn có một người chú.

 

Dòng kênh trước mặt tôi đen ngòm, có nhiều lục bình, bèo tây, vỏ giọt và xuồng ba lá được buộc sẵn chờ đưa khách du lịch đi tham quan. Bên kia kênh là rừng tràm đang tắm mình trong nắng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy rừng tràm không phải qua phim ảnh. Có một cảm giác thật lạ. Gió thổi, chiếc nón vải tôi đội trên đầu bay xuống. Chú Chín nhanh hơn tôi, nhặt lên đập đập vào người phủi bụi. “Ban đang quay về đó”. Chú nói khi thấy tôi cứ đứng ngó mong, nheo nheo mắt.

 

Chiều hết giờ làm việc anh thường đón tôi đi dạy về rồi cùng đi uống nước chuyện vãn. Tôi kể với anh về mấy đứa học trò nghịch ngợm của mình, ngày hai mươi tháng mười một khiêng đến nhà tôi một chậu to hoa mười giờ đủ màu, về cô giáo dạy văn cứ phát âm chữ “tr” ra “ch”, về những chồng tập học sinh mang về nhà chấm điểm, về từng trang giáo án mỗi đêm. Anh cười, nơi khóe miệng hằn một nếp nhăn. Anh hay nói trời cao đất rộng mà thành phố thì quá chật chội đông đúc. Khi anh cho biết vừa nhận quyết định về huyện tôi đã muốn quỵ xuống.

 

Về huyện! Xe chạy vài tiếng đồng hồ đã đến nơi vậy mà tôi tưởng xa xăm lắm. “Chúng mình sắp sửa kết hôn mà”. Tôi muốn run lên khi nói với anh. “Thì vẫn kết hôn. Em về đó dạy học”. “Không! Em muốn ở gần ba má”. Anh phì cười. “Trời ơi! Em hơn hai mươi bảy tuổi rồi, còn muốn ngủ chung với má”. “Không giỡn đâu! Em không về đó đâu! Không đời nào!”. Tôi quyết liệt phản đối. Từ bé đến bây giờ tôi chưa về nông thôn lần nào. Tôi biết, nông thôn ngày nay đã đổi mới, đang vươn lên. Như đứa con gái mới lớn đang tập tành son phấn. Như một người đi đôi săn đan đẹp bày đôi gót nứt nẻ. Tôi không muốn về vì sợ không thích nghi được với người, với cảnh, với sinh hoạt ở nơi đó. Nhất là tôi sợ đi xuồng ghe sông nước. Anh vỗ về. “Ở đó sẽ có cả hecta đất cho em trồng bông mười giờ”. Tôi không cười trước câu nói đùa của anh. Cuộc tranh cãi kéo dài nhiều ngày sau đó. Tôi hết khóc lóc năn nỉ chuyển sang dọa nạt. “Về đó thì sẽ không có đám cưới”. Anh cười vì không bao giờ tin tôi nói thật.

 

Anh đã từng bị phụ bạc. Khi đưa bạn gái về nhà chơi thì Uyên mới biết anh chỉ là cháu của một ông chú có chức quyền. Chú có người con trai lớn là Tòng, kém anh một tuổi, những năm học phổ thông lẹt đẹt gần cuối lớp, nhờ cần câu của ba kéo lên cũng có một chỗ ngồi tàm tạm. Hai người bắt đầu đến với nhau lúc nào anh cũng không biết, khi Uyên đột ngột nói chia tay với anh thì hai người đã thân mật lắm rồi. “Chỉ mong sao cô ấy hạnh phúc”. Anh kể xong buông một câu kết. Tòng là người trăng hoa, mai người này, mốt người nọ, không thật lòng với ai. “Yêu em được yêu thêm tình phụ hả? Anh có phải hòa thượng đâu mà từ bi”. Tôi mượn hai câu hát để trêu anh.

 

Rồi thì anh đi, không tạm biệt, không chia tay. Đến nhà, đến trường thì tôi tránh. Thả cho tôi hàng bao nhiêu tin nhắn tôi cũng không trả lời, không nghe điện thoại. Nhưng tôi khóc mấy ngày liền, như mặt trời không bao giờ còn mọc nữa. Giận hờn uất ức. Cả nhà ai cũng nói tôi trẻ con. “Làm việc nhà nước, đưa đi đâu thì đi đó”. “Ba không biết đâu. Ảnh xin về huyện đó”. Má tôi an ủi khuyên nhủ. “Con cũng nên chịu hẹp một chút. Thương một người thì hãy vì người đó”. “Em sợ ở đó không có trường hay sao?”. Chị tôi trêu ghẹo rồi cất tiếng hát. “Mùa bông tràm em có nhớ U Minh”. Cải lương thì má và chị rất thích. Hôm qua hát tuồng Thoại Khanh – Châu Tuấn đến nữa đêm. Nằm trong phòng thao thức trăn trở nghe văng vẳng tôi chợt giật thót người. Thoại Khanh vạn dặm tìm chồng, cắt thịt cho mẹ chồng ăn qua cơn đói. Tôi rồi cũng sẽ là Thoại Khanh, tuy không có mẹ chồng. Ở nơi phương trời xa đó biết đâu không phải là Châu Tuấn mà lại là một chàng Trần Thế Mỹ. Nghĩ xa, nghĩ gần, nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng tôi chỉ thấy mình rất nhớ anh. Hầu như không ngủ cả đêm, sáng tôi đến cơ quan anh hỏi thăm đường đi U Minh Thượng.

 

“Cô có muốn đi vào rừng không?”. Nghe chú Chín đề nghị tôi háo hức gật đầu. Chú gọi thêm một người nữa chạy máy. Tôi vụng về xách giày bước xuống vỏ ngồi. Chiếc vỏ giọt rẻ nước rào rào lẫn trong tiếng máy nổ xình xịch. “Kênh này đào sau ngày hòa bình”. Chú Chín ngồi trước mũi thỉnh thoảng quay lại nói chuyện. Con kênh rộng nhiều khúc quanh. Hai bên là tràm, dày mịt. “Rau dừa nè!”. Lẫn trong đám bèo tây là những cọng rau dừa xanh rờn. “Rau này ăn với mắm kho”. Chú cười khi nghe tôi reo. “Ở đây có nhiều thứ rau, bồn bồn, điên điển nè… lát nữa trở về trạm ăn cơm cho biết canh chua rau rừng U Minh Thượng”. “Mình đến máng chim nghe chú Chín!”. Vọng đang chạy máy nói thật to. “Ừ! Đến đó đi!”.

 

Chúng tôi chưa đặt chân lên bờ đã nghe tiếng rần rần thật to. Chim đậu trên các cành cây vỗ cánh bay lên rào rào. Chim nhiều không kể xiết. Đen kín một khoảng trời. Tôi đứng ngẩn người nhìn. “Những người chụp ảnh phải kiên nhẫn chờ. Thấy yên lặng êm ả chim lại quay về”. Chú Chín sửa lại vành nón, lấy chai nước uống một hơi. Rừng nhiều thứ cây lạ, không phải chỉ có tràm. Thật bí hiểm và cũng thật tuyệt vời. Thành phố đầy đèn màu và khói xe lùi lại sau lưng, như một chiếc bóng mờ, lòng tôi thanh thản nhẹ nhàng.

 

Chợt có tiếng vỏ máy nổ xình xịch rồi một chiếc vỏ giọt cặp vào bờ. Ban nhảy lên bờ, cầm dây buộc vào một thân cây. Anh mặc chiếc áo màu vàng nhạt tôi đã tặng, đầu đội nón tai bèo màu trắng. Trông là lạ. Anh nhìn tôi cười, không có vẻ ngạc nhiên. Mấy người đi cùng cũng lên bờ đi dạo quanh đó. “Anh biết là em à?”. Anh vỗ nhẹ lên đầu tôi. “Chú  Chín gọi điện cho anh nói. Anh có kể chuyện em với chú”. “Chú này!”. “Nếu chú không nói anh cũng chẳng ngạc nhiên vì anh biết em sẽ tìm anh”. Một chút gió, một chút nắng, một chút bồi hồi xuyến xao. “Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng”. Tôi chợt nhớ câu hát trong tâm trạng lâng lâng. “Ba má anh đã từng chiến đấu ở đây, trong rừng tràm này”. Anh nói về một thời đạn bom khói lửa mà ba má anh đã trãi qua, cái thời chúng tôi còn chưa ra đời. Anh có một người chú ngã xuống ở đây khi chưa đầy hai mươi tuổi. Mảnh đất đau thương mang xương thịt của bao người đang mãnh liệt sống. tràm xanh như mái tóc xanh của những chàng trai cô gái.

 

Lẩn quẩn trên đó một lúc chúng tôi quay về. Đã gần mười hai giờ. Chú Chín bảo tôi đi với Ban, chú đi cùng với mấy người khách. Ban đẩy vỏ ra bằng những động tác thành thạo. “Anh đi xuồng ghe bao giờ mà rành quá vậy?”. Ban đứng trước mũi buộc lại quay nón. “Lúc còn nhỏ anh vẫn thường về quê nội. Tập bơi bằng hai trái dừa khô”. Anh say sưa nói về U Minh có nhiều thú quý hiếm. Có năm loài nằm trong sách đỏ Việt Nam: Rái cá lông mũi, rái cá vuốt bé, mèo cá, cầy giông đốm lớn, sóc lửa. Về chim có 12 loài có giá trị bảo tồn,  trong đó có tám loài bị đe dọa tiệt chủng... “Mới về hơn một tháng mà anh đã biết nhiều như vậy”. “Anh đã tìm hiểu nhiều năm nay rồi. Qua lời kể của ba má, U Minh luôn ở trong tim anh. Em còn chưa biết ở đây có nhiều lại thực vật rất lạ. Mọi thứ đối với em sẽ rất lạ kỳ nhưng sẽ khiến em say mê cuốn hút khi tìm hiểu”. Anh nói khi nào có thời gian sẽ đưa tôi đi xem khu quần thể heo rừng, khỉ, đi câu cá giải trí. Tôi với tay vóc nước. Thật bất ngờ! Nước trong lòng bàn tay tôi trong vắt mát lạnh. Ban cho biết bên dưới là lớp than bùn nên nhìn thấy dòng kênh đen ngòm. Tôi lấy chai nước suối đã uống hết nhận đầy một chai nước. “Em lấy nước làm gì?”. “Đem về thành phố làm quà U Minh”. Ban vớt một chiếc bèo tây đưa cho tôi. “Tặng em!”. “Ở thành phố cũng có bèo tây”. Tuy bỉu môi nhưng tôi vẫn xòe tay để anh thả chiếc bèo lên. “Nhưng bèo U Minh cánh to, dày dạn phong sương hơn”. Tôi nhìn anh, anh đen hơn, rắn rỏi hơn, chững chạc hơn. Chàng trai thành phố đón tôi mỗi chiều trước cổng trường biến đâu mất. Anh như chiếc bèo U Minh Thượng.

 

Tiếng nhạc chuông điện thoại vang lên. Cả hai cùng cho tay vào túi. Chúng tôi để nhạc chuông điện thoại giống nhau. Là điện thoại của anh. Ban cầm máy, mặt có vẻ bần thần. “Anh không thể giúp gì được cho em”. Rồi anh cúp máy vội vã. Thấy tôi nhìn, anh nói: “Tòng và Uyên chia tay rồi”. Một cuộc tình chóng vánh như hoa mai mùa xuân. Tôi nghĩ thầm. “Cô ấy khóc, xin lỗi, muốn quay lại…”. Tôi giật bắn người. “Anh nói sao?”. “Thì em nghe rồi đó”. Anh cười hì hì khi thấy vẻ mặt khẩn trương của tôi. Tôi khoát nước tác vào người anh. “Anh chị không ngồi yên làm sao em chạy được?”. Vọng la ơi ới trong tiếng máy nổ rền.

 

Chiếc vỏ của chú Chín chạy tít đàng xa, bỏ chúng tôi một quãng. Mặt trời ở ngay trên đầu. Chuông điện thoại lại reo, lần này là điện thoại của tôi. Anh ngồi đưa lưng về phía tôi, quay đầu lại, tò mò. Chị tôi gọi điện đến. “Chiều tối em sẽ về đến nhà”. Trả lời xong, tắt máy tôi nói với anh. “Chị em hỏi em ở lại đó luôn rồi hả?”. “Anh mong như vậy!”. Ban cười, khóe miệng hằn một nếp nhăn. “Em bằng lòng về đây dạy rồi phải không?”. Tôi quay ngoắc mặt đi nơi khác để giấu một nụ cười. Nụ cười giống như nụ cười của anh. “Còn phải hỏi!”. Tôi nghĩ thầm.

Bỗng tôi nhận ra trong gió có mùi hương tràm thoang thoảng. Mùi  hương mà khi mới xuống tôi chưa biết là hương gì. Mới đây mà đã thấy thân quen. Thì ra đi xuồng ghe trên sông nước cũng có cái thú. Lời hẹn bữa cơm canh chua rau rừng U Minh Thượng của chú Chín khiến bụng tôi đói cồn cào./.

Trần Lệ Thường
Số lần đọc: 2182
Ngày đăng: 25.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn ông và cây thông nhỏ - Phùng Văn Khai
Truyện ngắn ngắn - 12 - Đỗ Ngọc Thạch
Giới trí thức thối tha - Phạm Nguyên Trường
Vụ cướp lúc nửa đêm - Giản Tư Hải
Vết son - Mang Viên Long
Ngày gặp lại - Phan Bích Thủy
Chùm truyện mini - Vĩnh Phúc
Số phận con Cún - Huỳnh Văn Úc
Họa vô đơn chí - Đông La
Truyện ngắn ngắn -11 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Mùa đông hoa trắng (truyện ngắn)
Hoa Hòang Anh vẫn nở (truyện ngắn)
Hương đêm (truyện ngắn)
Trầm (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Bài học vỡ lòng (truyện ngắn)
Vòng tay yêu thương (truyện ngắn)
Gió bên hè (truyện ngắn)
Bông lục bình (truyện ngắn)
Thằng Tửng (truyện ngắn)
Đôi chân mày lệch (truyện ngắn)
Đêm ngắn (truyện ngắn)
Dây tóc tiên (truyện ngắn)
Lục Bình trôi (truyện ngắn)
Ngày nắng (truyện ngắn)
Đêm pháo hoa (truyện ngắn)
Song nguyệt (truyện ngắn)
Lan Hồ Điệp (truyện ngắn)
Quên (truyện ngắn)
Hoa cúc trắng (truyện ngắn)
Tóc rối (truyện ngắn)
Trái phá (truyện ngắn)
Hoa Loa kèn đỏ (truyện ngắn)
Ở lại đó (truyện ngắn)
Chùm Khế Ngọt (truyện ngắn)
Con muốn hư hỏng (truyện ngắn)
Gió mát ở sau lưng (truyện ngắn)
Mưa chiều (truyện ngắn)
Biển có sóng (truyện ngắn)
Học trò cũ (truyện ngắn)
Những con cá khô (truyện ngắn)