Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
884
116.511.848
 
Cần tiến hành chuyên nghiệp hơn!
Phạm Toàn

Phải chuyên nghiệp hơn, đó là nói một yêu cầu chung nhất đối với cuộc cải cách giáo dục (CCGD) sắp tiến hành vào năm 2011.

 

Và đây là cuộc CCGD ở bậc giáo dục phổ thông chứ không phải cho bậc giáo dục chuyên nghiệp (Cao đẳng, Đại học, và hơn nữa). Đối với Giáo dục chuyên nghiệp, sứ mệnh tổ chức cuộc cải cách chỉ là đề ra được quy chế bảo đảm sự phát triển trong tự chủ của từng trường chuyên nghiệp. Các trường chuyên nghiệp phải phát triển theo cách thức khác nhau, và phát triển năng động theo trình độ của mỗi trường. Nghĩa là Bộ Giáo dục nên thẩy rằng mình không đủ sức do đó không nên có những quy định ngặt nghèo liên quan đến cách dạy và cách học của khối trường học này. Nói một cách cực đoan, một trường Đại học đích thực, ngay cả khi nó "dạy sai", thì cũng rất có thể là cái sai bác học trên con đường đi gần tới cái đúng của cuộc sống thực – mà cái "sai" vĩ đại nhất trong lịch sử có lẽ là của những người như Copernic và Gallilei dám nói ngược những chân lý thông thường tồn tại hàng thế kỷ – thay cho cái "đúng" siêu hình xa lạ được quy định ở những tu viện xây bằng đá rêu phong hoặc những tu viện có tiếng ro ro máy lạnh.

 

Vậy là, cuộc CCGD bàn tới ở đây sẽ chỉ nên là cho nhà trường phổ thông thôi. Chỉ cần nhìn một dấu hiệu sau là đủ thấy "con bệnh" Giáo dục đã nặng lắm rồi. Cuộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông gần đây nhất với điểm Văn quá thấp, đã đẩy lùi thời hạn công bố kết quả thi chung, sự kiện này cho xã hội thấy điều gì nếu không phải là cho thấy kết quả của bản thân cuộc CCGD chỉ mới đi được mươi năm? May mà không thi môn Sử, nếu không, chắc chắn sẽ có hơn là một môn học cần được chấm lại trên diện rộng để cứu lấy các cô Tú câu Tú, những người trẻ tuổi chắc chắn ai ai cũng đều mong muốn trở thành học sinh giỏi, nhưng khốn thay chỉ vì lý do nào đó mà các em không thể đạt mơ ước mà thôi.

 

Cái lý do bóp chết nguyện vọng của thanh niên muốn trở thành những con người có năng lực xây dựng đất nước nằm ngay trong cuộc CCGD được tiến hành hết sức thiếu tính chuyên nghiệp. Lấy ngay cuộc CCGD tiến hành dưới thời nhiệm kỳ ông bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển làm thí dụ: đã công bố chương trình và sách mới mang tên rất hoành tráng Chương Trình Năm 2000, viết tắt là CT-2000 – mặc dù được chuẩn bị từ những năm 1990 và ra đời muộn hai năm so với dự định khai sinh – song sau khi đã khai sinh rồi vẫn còn những tuyên bố ông chẳng bà chuộc của những người có quyền hành đối với cuộc CCGD đó, người bảo là "Cải cách", người bảo là "Thay sách". Còn với những người am tường vấn đề một cách thực sự chuyên nghiệp, họ đều thấy ngay từ khi khởi sự cả cuộc CCGD năm 1980 cũng như cuộc CCGD đẻ ra CT-2000 chắc chắn sẽ thất bại. Một nhà giáo dục đã chủ động tạo ra một phản biện thông qua một bằng chứng tích cực tại trường thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội, đã nói nguyên nhân của sự thất bại đó là đã dùng cách học giành cho 5 phần trăm dân cư (trong xã hội cũ) áp dụng vào cách học của nền giáo dục giành cho trăm phần trăm dân cư trong một xã hội hiện đại khi toàn dân phải tự hiện đại hóa mình để đồng hành với công cuộc hiện đại hóa đất nước.

 

Như vậy, cốt lõi của một cuộc CCGD (nhà trường phổ thông) là thay đổi cách học để buộc nhà giáo phải thay đổi cách dạy theo. Điều to tát đến thế đâu có nằm ở sự thay đổi chỉ nguyên một cái tên gọi "cải cách"? Ta bắt gặp ở đây một cách hiểu thấu suốt về nguyên lý chỉ đạo toàn bộ cuộc CCGD – cái nguyên lý lâu nay xã hội thường gọi bằng thuật ngữ triết lý giáo dục. Thiếu một triết lý giáo dục vững chãi, mọi việc sẽ được tiến hành với tinh thần tiểu nông theo cách gọi bằng làm theo lối cuốn chiếu, hoặc làm và được diễn đạt thô kệch vừa chạy vừa xếp hàng, điều đã gây biết bao nhiêu là lo ngại cho xã hội. Nói "xã hội lo ngại" là đúng, vì chất lượng của một nền giáo dục tác động tới hạnh phúc của từng gia đình. Nhưng trong cái xã hội đó cũng có những "đại gia" chỉ cần có cái cớ "Cải cách" để được in sách và bán sách. Hãy nhìn số lượng sách tham khảo khổng lồ sách nào cũng na ná nhau và na ná sách giáo khoa chính thức để thấy sự vô bổ của những kiến thức dối trá. Hãy nhìn hiện tượng sau mười năm dùng sách thế rồi vào đầu năm học 2008-2009 hai mươi triệu trẻ em đã còng lưng chữa chín mươi chín triệu bản sách giáo khoa. 

 

Điểm qua vài nét như vậy thôi, chỉ cốt để nhấn mạnh thêm rằng cuộc CCGD (giáo dục phổ thông) lần này cần tiến hành một cách chuyên nghiệp hơn.

 

Tính chuyên nghiệp đó nằm ở đâu? Tính chuyên nghiệp đó, vào thời đại công nghiệp hóa này, nằm ở những việc làm chuẩn bị cho cuộc CCGD. Đó là những việc làm thể hiện một triết lý giáo dục riêng được cụ thể hóa trong cách học của học sinh và được quy trình hóa trong cách làm việc của nhà giáo các cấp. Những việc làm này của nhà giáo cũng chỉ xoay quanh một điều, đó là tổ chức việc học của học sinh để bảo đảm trẻ em hễ đã được đi qua nhà trường thì chắc chắn được đào luyện thành những con người biết học biết làm biết sống. Nói gọn trong một câu, cuộc CCGD lần này phải đào luyện thanh thiếu niên thành những con người có năng lực sống hài hòa hạnh phúc trong nền văn minh đương thời.

 

Trẻ em phải sống hài hòa hạnh phúc trong kiểu nhà trường đó ngay từ khi đến trường học tiết thứ nhất của đời sống học đường sau khi dứt bỏ cái nôi gia đình của mình. Làm cách gì để có cái tiết học hạnh phúc ngay từ khởi thủy ấy? Không thể bằng những khẩu hiệu to tát, mà phải hấp dẫn người học vì cái tươi đẹp mới mẻ bắt gặp ngay từ tiết học đầu tiên khi nhà trường của cuộc CCGD tổ chức cách học thấm đậm phẩm chất tự học của chủ thể. Một sự nghịêp giáo dục khi đó sẽ trở thành sự nghiệp tự giáo dục, khiến cho chính trẻ em cũng được đồng hành với công cuộc cải cách nền giáo dục của tổ quốc mình, ngay khi các em cải biến bản thân mình từ một em bé tiểu nông thành một thanh niên thời công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước.

 

Đó phải là việc làm đầy phẩm chất chuyên nghiệp, chứ không thể là một việc làm qua chuyện chỉ mang tính hành chính. Đó là những điều phải chuẩn bị một cách chuyên nghịêp, chứ không thể chỉ bằng một nghị định cắt cử người này người nọ vào tổ nọ tổ kia là xong. Công việc chuẩn bị đó rất công phu, nhưng lại có thể khẩn trương nhờ huy động được các lực lượng chuyên nghiệp thay cho chỉ huy động một lực lượng hành chính.

 

Những điều mơ mộng cần thiết ấy đòi hỏi các nhà làm chính sách hãy đừng đặt một hạn định (năm 2011 chẳng hạn) cho cuộc CCGD lần này. Xin hãy thấy rằng một cuộc CCGD đích thực là hết sức khó khăn và lâu dài. Chuẩn bị cho một cuộc CCGD mà thiếu tính chuyên nghiệp, thì nhất định thất bại. Hãy để cho được tham gia vào cuộc CCGD này các tập thể tác giả gồm những nhà chuyên nghiệp về sư phạm trong nước cũng như ở nước ngoài. Hãy định ra một thời hạn để họ xuất trình bản đăng ký xin "đấu thầu" bao gồm hướng đi và cách làm CCGD của mình. Sau đó, những nhóm "trúng thầu" cần được tạo điều kiện mở trường để chứng minh trên thực địa khả năng thực thi chính cái triết lý giáo dục của họ.

 

Qua cuộc thi đua đó của các nhà trí thức, một cuộc CCGD đích thực sẽ hình thành. Người thu lợi đầu tiên và cuối cùng sẽ là trẻ em. Trẻ em trong niềm Hạnh phúc đi học! Hạnh phúc đến trường! Hạnh phúc được tự học, tự phát triển, tự giáo dục!

 

Những điều chỉ có được khi tiến hành CCGD một cách thực sự chuyên nghiệp! ./.

 

Hà nội 2009.06.26

 

Phạm Toàn
Số lần đọc: 2141
Ngày đăng: 27.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tư bản tinh khiết - Phan Huy Đường
Cứu cánh luận - Nguyễn Ước
Cứu cánh luận-2 - Nguyễn Ước
Sự cáo chung của chân lí - Phạm Nguyên Trường
Phật Giáo và hư vô chủ nghĩa[1] - Roger-Pol Droit
Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao ? - Phạm Nguyên Trường
Dục tính: sự gặp gỡ thể xác hay câu chuyện của những ẩn dụ - Nguyễn Mạnh Hà
Thế nào là người trí thức? - Paul A.Baran
Chủ nghĩa Máy móc-1 - Nguyễn Ước
Chủ nghĩa Máy móc-2 - Nguyễn Ước