Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
809
116.629.508
 
Truyện ngắn ngắn - 13
Đỗ Ngọc Thạch

1.NGƯỜI CÓ CON MẮT XANH

 

Trần Long Nhãn là tên do ông nội Nhãn đặt cho, với hi vọng Nhãn sẽ có đôi mắt kỳ diệu như mắt Rồng. Về đôi mắt thì quả như lời cầu ước của ông nội, sẽ nói sau, nhưng về các bộ phận khác thì quả thật là đau xót: hai chân và hai tay Nhãn không ra hình thù bình thường mà ngắn ngủn, các ngón chân, ngón tay không xòe ra mà chụm lại thành một cục như võ sĩ quyền anh khi đeo găng! Vì thế, Nhãn không thể đi lại mà chỉ lết, mà lết cũng rất khó khăn! Và nữa, Nhãn không thể nói mà chỉ ú ớ không thành tiếng, thành lời. Người ta bảo Nhãn bị nhiễm chất độc màu da cam, vì thế, sau gần chục năm chạy chữa khắp nơi, tốn kém đến bại sản , Nhãn đành ngồi ở nhà…chờ thời vận!

 

Nói về đôi mắt của Nhãn, quả là như mắt Rồng, tức là đẹp và kỳ lạ không thể tả được. Điều kỳ lạ có thể nói vắn tắt : Nhãn có 2 tròng mắt có thể đổi màu, khi tiếp xúc với ai mà Nhãn thấy thích thì Nhãn vui và đôi mắt có màu xanh biếc như mặt hồ thu, còn long lanh, lấp lánh như mặt hồ gợn sóng! Còn khi tiếp xúc với ai mà Nhãn không thích, thậm chí thấy ghét thì hai tròng mắt đảo qua đảo lại mấy vòng rồi trắng như vôi! Lúc đầu, cha mẹ Nhãn không để ý, nhưng sau sắp xếp, xâu chuỗi các lần đổi màu đôi mắt của Nhãn lại thì phát hiện ra một điều thật thú vị: những người mà Nhãn nhìn bằng đôi mắt xanh đều là những người tốt, người tài giỏi, còn những người mà Nhãn nhìn bằng đôi mắt trắng như vôi đều là người xấu và rất xấu (bọn lừa đảo, trộm cướp, tham nhũng, giết người…) thì toàn thân Nhãn rung lên bần bật như người động kinh, sài giật!... Cha Nhãn đem chuyện này nói với một người bạn là chủ tịch Hội văn nghệ của tỉnh H,  người bạn bèn dẫn tới một cựu chiến binh (người CCB này mới đem đến Hội VN một tập truyện ngắn, chưa từng in ở báo chí nào mà đòi in sách ngay, ai cũng bận nên chưa đọc, chưa có ý kiến gì, tức chưa thể in được!). Vừa nhìn thấy người cựu chiến binh, đôi mắt của Nhãn đã xanh biêng biếc, còn lấp lánh nữa! Sau buổi đó, người chủ tịch Hội VN về đọc tập truyện của người CCB thì bị hút vào như nam châm hút sắt. Sau đó, tập sách được in và tác giả trở thành một nhà văn nổi tiếng cả nước!... Người chủ tịch Hội có người bạn là trưởng ban Phòng chống tham nhũng ở tỉnh K, biết chuyện của Nhãn liền dẫn một vị trưởng đoàn thanh tra của Trung ương vừa mới tới tỉnh nhà đến gặp Nhãn xem thực hư thế nào. Khi vừa nhìn thấy vị trưởng đoàn thanh tra kia, đôi mắt Nhãn tức thì đảo qua lại liên tục và trở thành trắng như vôi, người Nhãn còn rung lên bần bật! Người trưởng ban phòng chống tham nhũng kinh ngạc hết sức! …Và chỉ một tháng sau, người Trưởng Ban trở lại gặp Nhãn, sau khi thấy Nhãn lộ đôi mắt xanh như hồ thu thì đưa ra một gói quà và nói với cha, mẹ Nhãn:”Đây là tiền thưởng 10 triệu cho cậu bé có đôi mắt xanh đã giúp Ban Phòng chống tham nhũng phát hiện ra một tên tham nhũng cỡ bự nằm ngay trong lực lượng chống tham nhũng!” Người Trưởng Ban vừa dứt lời thì Nhãn cười, nụ cười rất tươi mà chưa bao giờ cha mẹ Nhãn nhìn thấy!...

 

 

2.HIẾU  TỬ  MẠNH  TÔNG

 

Trong  loạt  truyện Nhị Thập Tứ Hiếu có truyện Mạnh Tông hiếu tử : Mẹ bị bệnh,  đắng  miệng  không ăn được cơm, chỉ đòi ăn măng, mà lúc đó không phải mùa măng mọc, khiến cho Mạnh Tông đi khắp rừng sâu bạt ngàn mà không tìm được măng, cuối cùng Ông Trời động lòng thương hóa phép cho mọc lên một bãi măng!...

 

Thời nay cũng có chàng Mạnh Hiếu, cũng có mẹ già bị ốm, cũng đắng miệng đòi ăn măng hoài. Bây giờ người ta đã biết làm ra măng khô, măng chua cho nên lúc nào cũng có măng, nhưng ngặt nỗi bà mẹ chàng Mạnh Hiếu lại không thích ăn măng khô, măng chua mà chỉ thích ăn măng tươi, cho nên việc kiếm măng của chàng  Mạnh Hiếu cũng không phải dễ dàng gì …Cái khó nảy cái khôn! Chàng Mạnh Hiếu nghĩ:”Tại sao người xưa thích ăn măng, người thời nay cũng thích ăn măng? Chắc chắn không chỉ riêng mẹ ta thích ăn măng, mà còn biết bao bà mẹ khác?” Nghĩ là làm, thế là Mạnh Hiếu thành lập công ty Măng Mạnh Tông, có chi nhánh ở hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc với đủ các chủng loại sản phẩm từ măng tre, măng trúc, măng giang, măng nứa…Tiếng lành đồn xa, Công ty Măng Mạnh Tông xuất phát từ lòng hiếu thảo đã chinh phục tuyệt đối khách hàng đã một lần dùng thử!

 

Hiện nay, Công ty măng Mạnh Tông của chàng hiếu tử Mạnh Hiếu đã phát triển không ngờ, nhiều bà con người Việt ở nước ngoài đã là khách hàng dài hạn, cung không đủ cầu! Đồng thời với việc mở rộng sản xuất, Mạnh Hiếu còn mời một số nhà khoa học đầu tư nghiên cứu những bí ẩn của món măng độc đáo này! Kết quả sẽ có nhiều bất ngờ!...        

 

 

3. SƠN NỮ (CÔ  GÁI  VÙNG  CAO)

 

Con gái vùng cao khác con gái đồng bằng, thành thị là đương nhiên rồi. Nhưng khác như thế nào thì ít người nói trúng và nói hết. Ca khúc Sơn Nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn hay thật nhưng cũng chỉ  nói được phần nhỏ mà thôi! Có ba “Nhà” khá nổi tiếng rủ nhau lên vùng sơn cước với quyết tâm sẽ “Nói” bằng hết bí ẩn của Sơn Nữ trong chỉ một tác phẩm của mình!...

 

Người thứ nhất là họa sĩ, mới tới “Cửa rừng” của vùng sơn cước đã bắt gặp một thiếu nữ rất xinh đẹp. Sau khi ước lượng số đo của cả ba vòng của sơn nữ cửa rừng, họa sĩ mời cô gái làm người mẫu và hi vọng sẽ có bức tranh “Sơn Nữ” tuyệt vời. Cô gái sơn nữ cửa rừng đồng ý làm người mẫu cho họa sĩ nhưng chưa kịp thực hiện thì có cuộc thi tuyển người mẫu thời trang  và cuộc thi Hoa hậu miền sơn cước. Và thật bất ngờ, cô gái trúng á khôi ở cả hai cuộc thi và thế là họa sĩ “mất mối làm ăn”, đành ôm hận phục thù mười năm chưa muộn!

 

Còn hai người kia, một là nhà thơ, một là nhà văn, đi thêm một ngày nữa thì gặp phiên chợ Tình vùng cao đã nghe nói từ lâu mà nay mới mục sở thị! Thế là hai người bị hút vào chợ Tình rồi như người bị bỏ bùa, nhà văn theo một cô sơn nữ (nói chính xác là cô gái người H’Mông – trước đây gọi là người Mèo) về tận cao nguyên đá Hà giang, còn nhà thơ thì theo một sơn nữ (người Lô Lô) về tận cái nơi rất khó đọc :Mã Pì Lèng!... Nghe nói hai người đã ở rể và đến nay thì đã bị “Vùng cao hóa” đến nỗi quên cả tiếng Kinh, tòan nói tiếng H’Mông và Lô Lô!...

 

Đó là lý do vì sao cho đến nay, sơn nữ vẫn còn là bí ẩn đối với dân vùng xuôi, đồng bằng!...

 

4.CON GÁI ĐỒNG CHIÊM

 

 

Hình ảnh đặc trưng của thôn nữ đồng quê phải là vùng đồng chiêm trũng: mỗi khi đi làm đồng là có một bộ “Nông phục” lỉnh kỉnh không kém bộ đội binh chủng Hóa học mỗi khi lâm trận: một bộ xà-cạp để cuốn chặt hai chân (cuốn từ bàn chân cho tới bẹn), một tấm vải như cái đai cuốn quanh bụng, có cô không chịu được nóng nực, bức bối thì chỉ cần một sợi dây chuối. Cái đai  ngăn không cho các loại côn trùng chui vào chỗ có đôi nhũ hoa và là chỗ để treo một ống vôi (thường là một ống bằng nứa) để chống đỉa (đỉa nhiều vô kể, mỗi khi thấy đỉa bám vào đâu đó trên người thì cầm cái que cắm sẵn trong ống vôi chấm vào con đỉa một cái là nó tuột khỏi người ngay tức thì (đỉa rất sợ vôi đã thành tục ngữ “Sợ như đỉa  phải vôi”). Và cũng khá quan trọng trong bộ Nông phục là cái khăn mỏ quạ cuốn trên đầu chỉ hở hai con mắt! Cho nên, đứng trước một đội quân được trang bị từ đầu đến chân kín mít như vậy, ta không thể biết ai là cô Đào, ai là cô Mận, Mơ…

 

Những năm chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi đã đóng quân ở một vùng đồng chiêm trũng như thế. Và, tiểu đội trưởng Bối của tôi đã yêu tha thiết một cô thôn nữ tên Huệ. Cô Huệ lúc đó lại đang là Trung đội phó dân quân (vừa sản xuất vừa chiến đấu mỗi khi có máy bay Mỹ bay tới oanh tạc), rất bận rộn nên chưa muốn cho tiểu đội trưởng của tôi xin cưới. Nhưng chàng Bối khẩn thiết xin cưới ngay, nếu không mẹ chàng sẽ bắt chàng về quê cưới vợ! Lúc đó, cả Trung đội nữ dân quân đi đến quyết định: Cho 10 cô gái cao bằng nhau, gày béo như nhau đứng một hàng, nếu chàng Bối  nhận ra được ai là cô Huệ thì sẽ cho cưới ngay, không thách cưới gì cả! Sáng  hôm sau  sẽ tổ chức thách đố thì nửa đêm, cô Huệ lén đến báo cho chàng Bối biết sẽ chấm một vết vôi vào vai trái để cho chàng nhận ra mình! Không ngờ chuyện đó bị lộ, khi mười cô gái xuất hiện trước mặt chàng Bối thì vai trái của cả mười cô đều có chấm vôi!...Khỏi nói chàng Bối và cả cô Huệ nữa đã “đau”  như thế nào! Và cái sự “đau” này  trở thành nỗi đau thật sự và tàn khốc khi buổi trưa hôm đó, trận địa pháo của chúng tôi bị trúng bom của máy bay Mỹ, và quả bom rơi và nổ ngay sát tiểu đội trưởng Bối khi anh đang phất cờ lệnh cho khẩu pháo nhả đạn!...Trong đám tang tiểu đội trưởng Bối sau đó, cả mười cô gái có chấm vôi hôm ấy đều đội khăn tang với nghi thức người vợ… Nhưng , Bối ơi, anh chỉ cần một cô Huệ thôi phải không?!

 

 

5.MÙI  CHỒNG 

 

Thị  Đào là một thôn nữ đẹp người đẹp nết, được làng xóm quý mến, nhưng không hiểu sao bất hạnh lại ập đến dồn dập : Lấy chồng được ba bảy hai mốt ngày thì chồng nhập ngũ, đi một mạch tới tận chiến trường ác liệt. Thị Đào nhớ thương chồng mỏi mòn con mắt…Một năm, hai năm rồi ba năm vẫn không thấy chồng về mà cũng chẳng có tin tức gì , Thị  Đào khóc thương nhiều quá đến nỗi mù cả hai mắt, chẳng làm ăn gì được, suốt ngày cứ lần mò xếp đi xếp lại những bộ quần áo, vật  dụng của chồng…Xếp nhiều đến nỗi  chỉ thoáng ngửi qua là biết ngay đó là quần áo, đồ vật mà chồng thường dùng trước đây…

Nói về người chồng, tên gọi Lực Điền,  sau ba năm chiến đấu, sắp tới ngày đại  thắng thì lại bị thương rất nặng và oái oăm thay vết thương toàn ở phần mặt làm cho khuôn mặt của anh ta bị biến dạng, không còn hình thù như mặt người bình thường nữa. (Đúng lúc này ở nhà người vợ bị mù… - có sự thần giao cách cảm gì đây?). Sau khi vết thương lành, đáng lẽ từ trại an dưỡng  người chồng sẽ đi thẳng về nhà như bao người lính khác. Nhưng anh chàng Lực Điền lại nghĩ:  Bộ mặt mình gớm ghiếc  thế này về chỉ làm khổ vợ mà  thôi!  Anh chàng Lực Điền bèn xin vào làm việc ở một cơ sở sản xuất của thương binh, cách nhà tới chục cây số…Muốn quên tất cả đi nhưng không sao quên được, làm việc được một tuần lễ  thì  anh chàng Lực Điền lần mò về nhà. Đêm hôm ấy trời tối đen như mực, anh chàng Lực Điền nấp ở bụi cây sau nhà, nhìn vào nhà thấy vợ ngồi một chỗ như người bị mù thì bồn chồn không yên!  Chỉ sau khoảng mười phút, anh chàng Lực Điền nghe tiếng vợ nói từ trong nhà vọng  ra: “Chàng Lực Điền ơi!  Về rồi sao không vào nhà, đứng đó muỗi đốt chết!” Anh chàng Lực Điền nghe mà bàng hoàng, sửng sốt,  thoáng  nghĩ:  “Tại sao vợ mình lại biết mình về nhỉ? Mình là lính đặc công, đến không ai biết đi không ai hay  cơ mà!  Tiếng người vợ lại vọng  ra: “Chàng còn nghĩ  ngợi gì nữa ! Em đã ngửi thấy cả mùi vết thương trên mặt chàng rồi đó! Vào nhà đi, vợ chồng hội ngộ mà còn e ngại nỗi gì!”

 

Chàng Lực Điền chạy vút vào nhà, ôm chầm lấy người vợ rồi khóc rống: “Tại sao vợ tôi lại bị mù thế này?”  Người vợ sờ lên những vết sẹo trên mặt chồng mà nói: “Thôi đi nào, khóc như trẻ con thế! Em nay tuy đã mù nhưng mũi lại thính lắm, anh vừa về tới đầu nhà là em ngửi thấy mùi anh liền! Anh dù có bị thương đầy mặt  cũng chẳng sao!” Nói rồi hai vợ chồng lại ôm lấy nhau mà khóc, khóc vì vui sướng! …Được một lúc, người vợ nói:”Cái “của quý” ấy nó không những không bị thương mà còn khỏe ra thế a?!” Chàng Lực Điền không nói gì mà chỉ nghĩ:”Nó mà bị thương thì còn gì đời trai!” Còn người vợ không nói gì nữa mà nghĩ:”Ôi, thật là kỳ diệu! Tiếc là ta bị mù rồi, không biết mặt mũi nó ra sao mà khỏe thế?!”…Đó là lúc cả hai vợ chồng Lực Điền và Thị Đào cùng sung sướng tột đỉnh!... /.              

     

Sài Gòn, tháng 6-2009

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3044
Ngày đăng: 30.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tình trong hang Én - Mai Tú Ân
Những mảnh vỡ (7) - Nguyễn Thị Hậu
Một mất mười ngờ - Huỳnh Văn Úc
Quyết định cuối cùng - Mang Viên Long
Thiên tài - Phạm Nguyên Trường
Có một tình yêu không thể nghi ngờ - Đỗ Mai Quyên
Những người bạn cùng lớp - Phan Bích Thủy
Ba truyện ngắn - Karinthy Frigyes
Ở lại đó - Trần Lệ Thường
Những mảnh đời * - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)