Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
772
116.614.885
 
Mối cựu thù
Đàm Lan

Rơi rơi từng hạt nhạc

Xuống ly cà phê nâu

Liêu xiêu từng bóng ngả

Xuôi gót hoàng hôn sầu

 

Lâu lắm rồi tồi mới ngồi cà phê một mình vào giấc hoàng hôn liêu xiêu bóng này. Mà thực ra, chỉ có vào giấc này mới dễ ngồi cà phê một mình. Giấc sáng và tối hẳn, hầu như quán cà phê nào cũng đông. Cái thú cà phê quán không chừa riêng ai, có chăng là một số “mợ” chỉ luôn loanh quanh với những bậc cửa nhà mình, hay do một số “nhà cầm quyền” chuyên chế, không thích dắt vợ mình đến chốn đông người, nhất là đông “những kẻ ưa dòm ngó” vật sở hữu của người khác. Còn thì, tất thảy các “U”, kể cả “U” thấp nhất (đi theo bố mẹ) cũng không xa lạ gì với không khí lanh canh đá- muỗng- ly thủy tinh cùng một menu hết sức phong phú và hấp dẫn. Một loại hình mà gần đây cũng đã được phong tặng lên hàng Văn Hoá : “Văn Hoá Cà Phê”. Là bởi từ phong cách của mỗi quán . Có quán thì ầm ào giọng nhạc kích động giậm giật trong loang loáng xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, bàn ghế, thuộc loại sa-lon mút bành, trông thì ra vẻ trưởng giả, nhưng hiện rõ tính xô bồ, kệch cỡm. Những quán này hầu như chỉ dành cho lứa choai choai, hoặc một số ngổ ngáo, ngông nghênh, lấc xấc. Có quán cây cối um tùm, cảnh trí thiên nhiên được kiến tạo khá công phu và tốn kém, khuôn viên rộng, có nhiều lối rẽ, nhạc trữ tình là chủ đạo. Những quán này đáp ứng nhiều nhu cầu chung riêng. Lại có quán thì phóng khoáng, thoáng đạt, mọi sự cứ tự nhiên bày giữa thanh thiên vẻ trong sáng an bình thuần khiết, nhạc thì trung bình, không nặng không nhẹ, nhiều thể loại xưa và nay. Quán như một chốn cộng đồng, tổng hợp cho tất cả những ai có nhu cầu một chỗ ngồi cho bất kỳ một nguyên nhân nào. Có quán thì chuộng cổ, kiến trúc cổ, bài trí các vật dụng cổ, cả phần nhạc nền cũng khá cổ, một phong cách thể hiện rõ tính hoài niệm. Đừng ngỡ loại quán này thì chỉ có các bậc từ trung đến lão niên đâu nhé, mà cũng không ít những cô cậu ngồi mơ màng như nhớ về những câu chuyện cổ tích, hoặc trầm tư như đang vọng về chốn xa xôi nào lắm vậy. Có quán như lẻ loi trong một ngõ nhỏ, đơn giản từ chỗ ngồi đến bài trí, vừa đủ để thư thả chất vị và tầm mắt, vừa đủ thinh lặng cho một khoảnh khắc riêng tư cần thiết, vừa đủ vọng vào tai những cung bậc bổng trầm yên ả. Quán này hầu như chỉ dành cho một số khách thân quen ít ỏi, ít ỏi nhưng gần như thưòng xuyên, thường xuyên như một người bạn thân đầy cảm mến, thường xuyên như một nhu cầu đơn giản trong không gian sống hàng ngày. Trong cái số thường xuyên đó, có tôi.

 

Nơi tôi đang ngồi là một vị trí phải nói là thuận cảm nhất của quán. Cái vị trí mà có lẽ bất kỳ ai cũng phải một chút hậm hụi tiếc nuối nếu lỡ làm kẻ đến sau. Từ vị trí này nhìn ra phía trước là một khoảng xanh hun hút bởi những mảnh ruộng con con ngắn ngắn dưới màu xanh pha bông trắng của vòm trời. Xa xa là vài mỏm núi không cao lắm, nhưng cũng đủ để vắt ngược những giấc mơ hâm hấp nào đó. Thi thoảng vài cánh cò trắng lượn vòng trong rám sương chiều bảng lảng. Nhìn hơi chếch về phía sau một chút, là vài nóc nhà ngói có, tôn có, gạch xây có, lơ phơ những nhánh cây xanh, lấm tấm những sắc hoa vàng đỏ, có lúc còn vọng ra một câu vọng cổ giọng nam trầm nghe da diết, hẳn đỏ là một người con xử sở tha phương nhớ quê. Vào lúc sâm sẩm hoàng hôn này, tôi lại may có chút cảm giác lênh đênh nhìn một ngọn khói lơ đãng thả lên trời. Từ một cái bếp than củi, hay từ một đám lá khô vun đống ? Không biết rõ, chỉ biết những sợi khói lơ thơ kia mang lại một cảm trạng mà lâu lắm rồi tôi mới lại gặp. Bình yên, êm ả, man mác, hiu hiu, nhơ nhớ, bồng bềnh…Nói chung là mơ màng dễ chịu tha hồ phiêu diêu đến tận miền hư ảnh miên man nào. Đệm vào miền tâm tưởng ấy là ngụm nước trà nóng nóng thơm thơm, hớp cà phê sữa đầm đậm béo béo đăng đắng ngòn ngọt. Xưa Tiên ông đắc đạo chắc cũng đến thế này là cùng chứ gì. Một thoáng cười trên môi, tôi liên tưởng đến cảm giác của anh chị chủ quán khi quyết định mở quán cà phê này, chắc cũng ngồi đúng chỗ tôi ngồi bây giờ, chắc cũng ngồi đúng vào thời điểm tồi ngồi lúc này, chắc cũng cảm trạng đúng y như tôi đã cảm trạng thế này. Bởi nếu không đúng tất tật như thế, thì khó mà tìm đâu ra ý tưởng mở quán ở một nơi ven thành đang nhấp nhổm đô thị, đang còn níu giữ chút đồng nội. Anh chị này trước kia cũng bôn ba đủ kiểu, từng lên và từng xuống, nói như ngôn ngữ thời hiện đại, chắc cũng đã “thấm đòn”, có vài mống con thì chúng cũng tung cánh đi dăm ngả, còn hai anh chị cũng đã chơm chớm cái đuôi U6, tìm về một chốn bình yên nhẹ nhàng mà khoan thai những tháng ngày. Có lẽ, ngoài một công việc cho qua thời gian, ngoài mục đích nhặt thêm dăm ba đồng lẻ, thì còn một mục đích mà tôi nghĩ chính đáng hơn cả, là gặp gỡ bạn bè. Chí lý quá đi chứ. Tuổi tác rồi, đi đâu cũng ngại, lại không phải lúc nào đến nhà bạn thì bạn cũng sẵn sàng có thời gian thù tiếp, nên tạo ra một điểm hợp cả mọi yếu tố thế này quả là sự chọn lựa tối ưu nhất. Thì đã bảo anh chị từng bôn ba lắm lắm rồi cơ mà. Không nảy ra được ý tưởng và thực hiện như thế này mới là lạ.

 

Tôi thuộc hệ em chứ chưa út với lứa anh chị. Nhưng tâm tưởng thì cũng tạm tương đồng, có thể nói những câu chuyện rộng hẹp mang tính xã hội và trải nghiệm. Những bạn ngang tuổi thường chê tôi “khọm”. Khọm cũng chẳng sao, nếu đó đúng là mình. Hơn nữa, trong bầu không khí thời đại đủ thứ trò nhăng nhố, đủ thứ kiểu lổn nhổn, đủ thứ loại lăng xăng, thì “khọm” có khi là đắc địa. Có lộng ngôn thêm chút là “đắc đạo” cũng không sao. Bởi “khọm” vào thời điểm cần thiết thì nó là Tĩnh, là Thiền, là Tri, là Túc. Khọm để biết mình là ai ? đang ở đâu ? cần gì ? muốn gì ? và làm được gì ? Thực ra, để biết được những điều này không phải là quá khó. Chỉ cần không đi bằng cách nhón gót, không đánh đu trên những sợi dây môi người. Thật mệt mỏi cho những ai bị rơi vào trạng thái liêu xiêu và chênh vênh ấy. Cứ phải uốn mình, nệ mình bằng bao lời ngẫu hứng khen chê của người thì thật là quá tội. Mà gớm khổ, có phải lời khen lời chê nào cũng có trọng lượng thật sự đâu, phần lớn xuất phát từ những tâm địa bất bằng, hàm ý ngược. Thế mà…Nhưng mấy ai trong đời ngộ ngay ra đuợc, cũng phải dăm bảy lằn roi mới may ra. Tôi cũng thế thôi, như học võ ấy, ăn đòn nhiều rồi thì phải biết cách tránh đòn thôi.

 

Một tiếng động nhẹ làm tôi giật mình. Đó là tiếng động của chiếc ghế bị kéo. Chiếc ghế bị kéo ấy từ một bàn tay có khung xương to, to hơn tay tôi, bàn tay đồng bộ với bàn tay kéo ghế ấy thì đang đặt nhẹ một cái ly xuống mặt bàn tôi đang ngồi. Cũng là một ly cà phê, nhưng khác màu, cà phê đen đá. Một sự xâm nhập ngang nhiên, áp đặt, không hề thông qua một thứ phép tắc xã giao tối thiểu nào, cũng không hề cho tôi một cơ hội từ chối một cuộc tiếp xúc, cho dù là bất đắc dĩ. Cũng có nghĩa tôi đang rơi vào thế bị động, trước một đối thủ có vẻ bản lĩnh và đáng gờm. Nhưng bị động không có nghiĩa là thụ động.

- Xin chào.

Đáp lại lời chào của tôi là một cái nhìn khinh khỉnh, một thái độ cứ như đang chuẩn bị tuyên chiến, như một tráng sĩ tuốt gươm trần, hay ít nhất là cố tình tỏ ra có một ý đồ  thiếu thiện cảm. Tuy có hơi ngạc nhiên và thoáng bất bình vì hành vi khá khiếm nhã của người khách không mời, nhưng tôi chưa vội tỏ thái độ khó chịu. Một chút trải nghiệm giúp tôi tĩnh định mình, là bởi đã có động thái hẳn có mục đích, không ai vô cớ mà tạo ra một cảnh huống thế cả, cứ để xem. Cái cá tính ngang ngạnh, thậm chí đôi khi khá ngạo mạn của tôi không ít người ghét, nhưng nó cũng giúp tôi trong khá nhiều trạng huống, ví dụ như trường hợp này, nếu tôi thuần là một mệnh danh phái yếu, chắc là mặt đã tái xanh và tim thì thùm thụp loạn lên mất rồi.

- “Xin chào”. Nhưng là chào ai ? Chào bạn hay chào kẻ thù ?

Một câu hỏi lạ lùng nhất trên đời. Một câu hỏi mà tôi dám chắc chưa ai từng gặp. Hà. Khá thú vị đây.

- Tuỳ người nhận thôi. Bạn hay thù ? đôi khi không dễ rạch ròi.

Được. Bạn cũng có thể thành thù, mà thù cũng có thể thành bạn.

- Khá lắm. Nhưng trong trường hợp này thì sự hoán đổi chưa chắc

đã có thể xảy ra. Ít nhất là cho đến khi tôi đòi được món nợ cũ.

 

Vẻ mặt của câu nói không hề biểu hiện sự đùa cợt. Tôi hơi hoang mang, tôi đã nợ người này cái gì nhỉ ? Gương mặt kia không phải quen cũng không phải lạ, có lẽ trong chuỗi ngày đã qua, tôi có gặp đâu đó thì phải. Trong hàng vạn hàng vạn người đã từng hỉ nộ ái ố trên những chặng đường, có biết bao sự nợ nần. Có những món nợ không cố tình vay nhưng lại phải mang nặng cả đời mà không cách chi trả nổi. Có những món nợ ngẫu nhiên mà trót vay, trót vay rồi có khi lại rót quên, nhưng cũng lại có những món nợ cố tình vay và cố tình quên. Vậy anh ta thuộc loại chủ nợ nào ? Và tôi đã làm gì để bị trở thành một con nợ mà có vẻ như đã lâu, lâu lắm rồi ? Nợ vật chất hay nợ tinh thần ? Tôi nhìn thẳng mặt vị khách lạ lùng đến mấy giây, khả dĩ tìm cho được một nét gì nhắc nhớ. Nhưng không hề một chút ấn tượng đặc biệt nào, sao lại…

- Nếu đúng là tôi có nợ, và là một món nợ chính đáng thì sẵn sàng

trả thôi. Nhưng có thể nhắc lại không ạ ? Tốt hơn là kèm theo một chứng cứ đầy thuyết phục nào đó, kẻo dễ bị cãi xoá lắm đấy nhé.

Vị khách đột ngột vẫn tỏ ra cứng cỏi :

- Bằng chứng ư ? Chắc chắn là có. Không chỉ bằng chứng mà cả nhân chứng nữa.

Một hàm ý rõ rệt, tôi phân vân, hình như anh ta không đùa, vì câu nói thốt với một âm sắc hơi gằn gằn, cùng một nét mặt hơi gườm gườm. Nếu là một trò đùa thì đây là một trò đùa khá vụng, một trò đùa không làm người ta vui, vậy thì lý do gì anh ta có mặt tại đây ? Một thói chọc ghẹo của đàn ông ư ? Không có lẽ. Bởi chẳng ai lại mang dao mang búa đi chinh phục tình cảm cả, nhưng nếu đây là một cách làm quen của gã dở hơi thích bày ra những chuyện giật gân ? Nếu thế thì không nên mất thời gian làm gì. Nhưng liệu có thể đứng lên và bỏ đi như không có chuyện gì không ? Cái đầu hay nghĩ suy, thêu dệt của tôi cứ chùng chình chuyện dứng lên hay ngồi lại. Phía trước mặt, người đàn ông sau khi hớp một ngụm cà phê cũng im lặng quan sát tôi. Cái ngang tàng bướng bỉnh của tôi nổi lên. Muốn đấu à ? Ừ thì đấu. Xem ai phải bó tay quy hàng cho biết ? Tôi cũng trả lại một cái nhìn dò xét. Bất thần, anh ta vung tay vào mặt tôi. Phản xạ khiến tôi né đầu qua một bên, đồng thời cung tay hình chữ L gạt nhanh từ trái qua phải. Không để tôi kịp định thần. Một tràng cười kèm theo câu nói :

- Phản xạ vẫn còn nhanh lắm. Đúng là con nhà võ.

Đáng lẽ tôi phải rất tức giận vì hành động bất thường mang tính bạo lực kia, thì tôi lại ngơ ngẩn ngạc nhiên. Con nhà võ. Người này là ai ? Cái chuyện tôi học võ tận cái thuở xa xưa giờ có mấy ai biết. Mà ngay chính tôi, e cũng trả thầy hết rồi. Tôi nhìn trực vào mặt anh ta, cố tìm cho được một nét quen quen nào đó trong khi bộ nhớ tôi hoạt động hết công suât. Nó quay ngược về gần ba mươi năm trước. Vâng, đúng là gần ba mươi năm rồi. Tôi làm sao quên hình ảnh của một võ đường mà tôi đã lui tới đấy trong gần một năm. Nhớ khi tôi xin mẹ cho đi học võ, mẹ trợn mắt nhìn tôi. “Trời đất ! Con gái con lứa, không học thêu thùa may vá hay nấu nướng, mà lại đòi đi học võ.” Nhưng tôi cứ nằn nì, kèm theo vài lý do thuyết phục, nào là đi học võ không phải để đánh nhau mà là cho có sức khoẻ, con gái thì cũng phải biết chút ít để phòng thân, cuối cùng thì mẹ tôi cũng xuôi tai. Cái lễ nhập môn là một con gà trống và một chục bông huệ trắng. Ông Thầy dạy võ tặc lưỡi sau khi lướt qua cái dáng còi cọc, mảnh khảnh của tôi “Ừ thì cứ thử một tuần xem có học được không đã”. Một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, tôi trở thành một tấm gương tiêu biểu cho các môn sinh đến sau và cả những môn sinh lười tập luyện. Và hiệu quả rõ ràng là tôi thấy khoẻ ra nhiều, ăn uống cũng tốt hơn, đi lại nhanh nhẹn hoạt bát, tự tin hơn. Tôi thông thuộc dần những chảo quyền, thập lục bộ, móc, gạt, chặt, chém, tấn, giò lái, song phi, chấm đờ-réc…Thầy dạy võ bảo “Võ học càng lên cao, tâm tính càng trầm tĩnh, chín chắn, tự tin và bản lĩnh. Mới học thì còn hay ngứa chân ngứa tay ngứa mắt, ưng thể hiện những gì đã học, nhưng càng về lâu thì lại càng thấy học võ không phải để gây gỗ đánh nhau, mà là để xử sự với nhau ôn hoà và tử tế hơn. Người có võ thường là người không chấp nê những chuyện vụn vặt, lại có tâm thái nghĩa hiệp thích bảo vệ chở che bênh vực cho kẻ yếu. muốn thực hiện cái lẽ công bằng trong mọi trường hợp bất công trong cuộc sống. Vì vậy, phải tự biết giới hạn của mình, nếu không thì rất dễ chuốc hoạ vào thân. Nói cách khác, học võ vừa rèn luyện thể chất, phản xạ và cả tính cách nữa.” Quả đúng thế. Tuy nhiên, khi gặp chuyện thì không dễ gì ép cái bản năng võ thuật trong mình lại, nhất là trong những tình huống cần thiết phải tự vệ.

Nhà văn mà trí nhớ kém quá.

- Ôi trời !

Tôi buột miệng. Anh ta biết khá rõ về tôi, mà tôi thì chả moi được tí ti ký ức nào về anh ta cả.

- Thôi. Tôi chịu thua anh rồi. Cho tôi biết đi, chúng ta đã từng biêt

nhau trong trường hợp nào ?

Một cái cười mãn nguyện. Cái cười dầu tiên từ khi anh ta kéo chiếc ghế và ngồi xuống. Cái cười cho tôi biết rõ ràng đây là một trò dùa dai, một trò đùa có chủ ý. Hẳn người này cũng có chút ấn tượng xa xôi nào đó về tôi. Vị khách lắc lắc ly cà phê, tiếng đá va trong ly thuỷ tinh nghe vui vui. Chậm rãi một chút nhấp môi, anh ta để cái ly xuống và hấp háy :

- Một cuộc tỉ thí không cân sức tại một ngã tư.

Tôi nhíu mày lục lọi. Ngày đó tôi đi học võ vào buổi tối, thường về khá khuya với một chiếc xe đạp. Có hai lần xảy ra sự cố. Một lần là trên đoạn đường vắng, có ba thanh niên trên hai chiếc xe đạp khác. Thấy tôi tênh tênh giữa đường, họ chẻ ra làm hai ép tôi vào giữa. Tôi không nói gì, tưởng ngon ăn, một thanh niên không phải cầm lái liền nhảy lên yên sau xe tôi. Tôi vẫn đạp xe bình thường và canh đúng tầm, một cú ve trái trúng nay phần môi trên anh ta. Do bất ngờ, lại bị vập cả vào răng, anh ta nhảy vội xuống kêu lên “Nó dố tao mày ơi!” Hai thanh niên kia vòng xe lại, tôi nhảy xuông đất quăng cái xe đạp đổ chổng kềnh, chống nạnh “Chúng mày muốn gì?” Trông tôi lúc ấy chắc oai lắm, nên cả ba vội vã “Dạ em xin lỗi” rồi lên xe chuồn thẳng. Nếu họ biết tôi đánh võ mồm là chính thì chắc…Lần khác, cũng vào giấc khuya như thế, tôi đi đến một ngã tư, chầm chậm thắng xe vì có một tốp người đang qua đường, họ đã qua gần hết, chỉ còn một thanh niên đi sau cùng. Tôi đã cố trù trừ chờ anh ta đi qua khỏi, nhưng do cố tình, anh chàng nắm ghi đông xe tôi lại, và nhét một bàn chân vào bánh xe tôi rồi la lên :

- Cô cán chân tôi rồi này.

Tức mình, tôi nhảy xuống xe cãi :

- Cán đâu mà cán, anh cố tình nhét chân vào đấy chứ.

Không nói một lời bỗng nhiên anh ta vỗ bộp lên đầu tôi một cái. Điên tiết, tôi “chấm đò-réc” một cái ngay giữa mặt anh ta. Thế là chiếc xe quay lơ giữa đường cho hai đối thủ xông vào nhau. Nói gì thì nói, con gái cũng không có sức bằng con trai, huống chi chuyện khá bất ngờ, nhưng trong lúc xoay trở, thế nào mà lưng tôi thì dưới đất, còn hai chân thì đạp ngược từ ngực anh ta trở lên mặt, hai tay tôi tuy bị giữ nhưng lại tạo điểm bấu có lợi thế, còn anh ta thì không làm gì được hơn là cứ quay mặt để tránh. Tốp người đi trước khi đó đã quay lại, can ra. Có lẽ chỉ cần nhìn vào cuộc diện là đã hiểu cả, nên có mấy chị nhỏ nhẹ bảo tôi :

- Thôi, em bỏ qua cho nó, em đi về đi.

Tôi cũng không phân bua gì thêm, lẳng lặng lên xe đạp đi. Đi một đoạn ngắn, tôi nghe tiếng chân huỳnh huỵch chạy theo, tôi thắng chậm lại chờ. Vừa đúng tầm, vẫn là cú ve trái, một lần nữa gương mặt nam nhi hứng trọn. Tôi lại nhảy xuống xe, bình tĩnh gạt chân chống, vì ngay sau anh ta là hai thanh niên khác đã ào tới lôi lại. Mấy chị kia lại chạy đến, có vẻ là người nhà anh ta, người thì mắng :

- Đàn ông con trai gì mà kỳ vậy hả ?

Người thì ẩy tay tôi :

- Em về đi. Về đi, đừng chấp chi nó nữa.

Tôi lại lên xe, lần này thì về thẳng.

Nhớ lại hai câu chuyện, tôi bật cười khi biết người đang ngồi trước mặt mình là ai.

- Anh nhớ dai thật đấy.

- Đòn đau nhớ đời mà. Hình như bây giờ vẫn còn sưng thì phải.

Bàn tay đưa lên xoa xoa mặt, cả hai bật cười.

- Thế bây giờ anh muốn đòi nợ cũ bằng cách nào ?có nhu cầu biến

nơi đây thành võ đài không đấy ?

- Khoan khoan, chờ anh dẹp bàn ghế sang một bên đã.

Câu nói chen ngang của anh chủ quán xuất hiện, thảo nào mà anh ta biết khá rõ về tôi.

- Sao rồi ? Mối cựu thù giải quyết đến đâu rồi ? Cho anh xin chân

trọng tài nhá. Yên tâm là trọng tài này công bằng tuyệt đối.

- Dạ, anh ngồi đây. Người ta đã nói chịu thua em rồi, lẽ nào còn

đòi so găng thì mất tinh thần võ sĩ đạo quá.

Ấy là do câu tôi bảo chịu thua khi không nhớ ra anh ta là ai.

- Chà, cũng biết nhân cơ hội ghê hè. Nhưng thôi, cũng được, coi

như huề há.

- Huề hiệp một thôi. Còn hiệp hai và nhiều hiệp khác nữa.

- Vậy là anh có cơ hội làm trọng tài dài dài rồi.

- Thế là quán cà phê của anh trở thành một võ đài chỉ dành riêng

cho hai võ sĩ mà thôi.

- Nhưng những hiệp đấu tiếp theo thì sẽ có những thể lệ và cách

thức khác, không dùng đến tứ chi đâu.

- Hẳn rồi. Đấu bằng tay chân chỉ là lúc mới vo ve thôi, chứ

thượng thừa rồi thì tay chân làm chi cho ồn ào.

- Anh à, tình hình này, khéo em lại đo ván lần nữa quá. Anh có cách nào giúp em không ?

Tiếng nhạc điện thoại đột ngột vang lên.

- A, có rồi, vợ gọi về ăn cơm, đúng lúc quá.

Những tiếng cuời lộng cả vòm trời hoàng hôn.

-Thôi anh về đi. Ân oán còn dài. À, thế ngày trước anh có gặp chị

ấy bằng cách nhét chân vào bánh xe không đấy ?

Lại một tràng cười.

- May quá, cô ấy không phải là võ sĩ.

- Tạm biệt.

- Tạm biệt. hẹn tái đấu.

- OK. Chà, tay đấm bao cát có khác. Vẫn ôn luyện đấy à ?

- Thỉnh thoảng thôi. Trả thầy hết rồi. Anh đừng lo.

 

Tôi cũng ra về sau cái bắt tay gắng gồng gân để “tỉ thí”. Những con phố đã lên đèn. Những sắc màu nhấp nháy nhấp nháy như giao hoà cũng cảm giác vui vui trong tôi. Thù thù. Bạn bạn. Bạn bạn. Thù thù. Hay nhỉ ? ./.

Đàm Lan
Số lần đọc: 1897
Ngày đăng: 03.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều Phủ Tây Hồ (*) - Phan Đức Nam
Truyện cực ngắn-1 - Lê Thị Điểm
Người cùng nhóm máu - Nguyễn Minh Phúc
Truyện ngắn ngắn - 13 - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện tình trong hang Én - Mai Tú Ân
Những mảnh vỡ (7) - Nguyễn Thị Hậu
Một mất mười ngờ - Huỳnh Văn Úc
Quyết định cuối cùng - Mang Viên Long
Thiên tài - Phạm Nguyên Trường
Có một tình yêu không thể nghi ngờ - Đỗ Mai Quyên
Cùng một tác giả
Sự nhầm lẫn (truyện ngắn)
Vầng trăng ngày ấy (truyện ngắn)
Câu chuyện nhỏ (truyện ngắn)
Chợ Chữ (tạp văn)
Mối cựu thù (truyện ngắn)