Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
521
115.989.570
 
Bàn về Giá trị-2
Nguyễn Ước

4. Ðối với quốc gia

Thẩm quyền của quốc gia

Nếu các giá trị đạo đức đều mang tính tương đối thì người ta cũng có thể lập luận rằng so với quốc gia chúng tương đối nhiều hơn so với xã hội. Quốc gia như một guồng máy hành pháp, lập pháp và tư pháp với quyền bính thực thi các mệnh lệnh của nó, là bậc thẩm quyền duy nhất có năng lực quyết định cái gì là thiện và cái gì là ác cho công dân.

Cho dù công dân không đồng ý đi nữa với những cưỡng chế của quốc gia, y vẫn bị buộc phải tuân giữ luật pháp đã qui định. Tuân giữ ấy phát sinh từ việc người dân thừa nhận quốc gia là quyền lực tối thượng mà mọi người phải giữ lòng trung thành tuyệt đối. Nếu công dân nào bất trung, quốc gia có thể bắt y phải tuân theo ý chí của nó, và sự bắt buộc ấy là hợp pháp và chính đáng.

Quan điểm của Hobbes

Nếu xác nhận quốc gia là bậc thẩm quyền tối thượng đúng như trong lý thuyết nói trên, thế thì bạn không thể khiếu nại các phán quyết của nó vì nó không có cơ quan nào để giải quyết và nó cũng chẳng việc gì phải lắng nghe lời khiếu nại.

Hobbes tin rằng trong một quốc gia tự nhiên, mỗi công dân tự mình quyết định cho bản thân y và rằng vì không thể nào chịu đựng nổi kết quả của lề lối ấy nên nhất thiết phải thành lập một guồng máy nhà nước có quyền hành tuyệt đối.

Phát xít và đạo đức

Theo Hobbes, quốc vương, hoặc nhà cai trị, quyết định cái gì là thiện hoặc cái gì là ác theo những mong muốn của mình, và các quyết định ấy trở thành luật lệ để mọi phần tử trong xã hội tuân giữ. Chủ nghĩa phát xít của Hitler hoặc của Mussolini tiêu biểu cho tính chất thẩm quyền của quốc gia và sự quyết định hoàn toàn độc đoán của nhà nước về hành động nào được gọi là tốt (thiện) và hành động nào bị gọi là xấu (ác).

Chính quyền loại ấy đã gây ra những hậu quả đạo đức nào thì đến nay ai nấy cũng đã rõ, có lẽ chẳng cần phải đưa ra bằng chứng hoặc mất thì giờ thảo luận.

Chủ nghĩa Marx và đạo đức

Những gì xảy ra dưới các chế độ chính trị tại Trung Hoa và Nga trong thế kỷ 20 vừa qua cho thấy tương quan giữa giá trị đạo đức và chính quyền. Trong chừng mực chủ nghĩa cộng sản được hiểu như là nền cai trị chuyên chính của giai cấp vô sản trong giai đoạn tiến lên xã hội cộng sản phi giai cấp, thì nó vẫn chấp nhận kết luận rằng chính quyền đang cai trị hoặc quốc gia quyết định các định chuẩn đạo đức.

Dù Karl Marx từng gợi ý chế độ chuyên chính ấy phải dựa vào ý chí của giai cấp vô sản, Lenin đã duyệt lại quan điểm ấy với ngụ ý rằng đó là ý chí của Ðảng cầm quyền, mà trong thực tế vài ba lãnh tụ thượng đỉnh đưa ra những quyết định đạo đức phù hợp với các mong muốn của họ. Dường như đó là lập trường của Nga và Trung Hoa cho tới năm 1990, và tại đó, không ai có quyền khiếu nại các quyết định đạo đức của đảng và nhà nước.

Như đã nói ở trên, theo quan điểm chính thống của Marx, tình trạng ấy chỉ là tạm thời vì chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản chỉ thể hiện giai đoạn trung chuyển để tiến lên xã hội vô giai cấp. Nhưng đối với nhiều nhà quan sát các diễn tiến lịch sử trong suốt thế kỷ 20, sự chuyển tiếp ấy cho tới nay dường như đang là giấc mộng không bao giờ thành tựu.

5. Ðối với tầng lớp cai trị

Ðịnh chuẩn đạo đức đặc thù

Lý thuyết của chủ nghĩa độc tài về đạo đức biến các định chuẩn đạo đức thành tương đối đối với tầng lớp cai trị trong xã hội. Do đó, nó khiến ta phải suy nghĩ tới câu trả lời thứ tư mà người theo chủ nghĩa tương đối (relativism) phải đối mặt với cội nguồn thích đáng của các định chuẩn đạo đức.

Chủ nghĩa Marx thông giải lịch sử trong tương quan với đấu tranh giai cấp. Các định chuẩn đạo đức luôn luôn thể hiện lợi ích của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị luôn luôn là giai cấp sở hữu các phương tiện sản xuất.

Dưới chế độ tư bản, theo người theo chủ nghĩa Marx, giai cấp thống trị là những kẻ bóc lột. Các định chuẩn đạo đức của chủ nghĩa tư bản chỉ nhằm để bảo vệ quyền lợi của những kẻ bóc lột ấy. Giới răn "Ngươi không được ăn cắp" không có giá trị trong một xã hội không thừa nhận quyền tư hữu. Sự chấp nhận tổng quát luật ấy làm huấn lệnh thiêng liêng chỉ khiến cho giới hữu sản dễ dàng ôm giữ tài sản của chúng hơn. Vì chỉ có những kẻ bóc lột mới thật sự là chủ nhân tài sản nên người ta có thể nhận ra rằng thẩm quyền tôn giáo chỉ là phương thế tinh vi để bảo vệ chúng và thể hiện các quyền lợi của chúng.

Ðạo đức là quyền lợi giai cấp

Theo chủ nghĩa Marx, căn cứ vào biện chứng pháp, phân tích khoa học về lịch sử cho thấy giai cấp trưởng giả phải bị lật đổ và nhà nước được kế tục bởi giai cấp vô sản. Vì các định chuẩn đạo đức là phản ánh quyền lợi của tầng lớp cai trị nên rõ ràng các định chuẩn đạo đức của xã hội vô sản đương nhiên khác với các định chuẩn đạo đức của xã hội tư sản.

Nhận biết xu hướng lịch sử ấy và sự tiêu vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản, người có tư tưởng tiến bộ sẽ đứng chung một tuyến với các định chuẩn đạo đức tương lai ấy, và cái thiện được xác định trong quan hệ với quyền lợi của giới vô sản.

Nói chung hiểu riêng

Do đó, người cộng sản phải làm cách mạng chống lại các định chuẩn đạo đức của thể chế dân chủ phương tây mà họ cự tuyệt, cho là hoàn toàn trưởng giả. Người cộng sản có thể sử dụng các từ ngữ như "hòa bình", "công lý", "thiện hảo" với điều kiện chúng nhất thiết phải mang ý nghĩa riêng biệt nào đó và thích hợp với họ, vì chúng đặt trên căn bản thông giải hoàn toàn khác với cảm quan chung hoặc với các thể chế chính trị khác. Người cộng sản chủ nghĩa dường như có riêng cho họ một cuốn tự điển với rất nhiều định nghĩa co giản khác nhau cho mỗi từ ngữ, vào từng giai đoạn chính trị khác nhau.

Thực tế dị biệt khái niệm ấy là nguồn gốc của tình trạng bối rối khi có cuộc thảo luận về các vấn đề đạo đức mà tham dự viên phát xuất từ những lý thuyết chính trị khác nhau, đặc biệt với người ủng hộ việc chính quyền có nghĩa vụ can thiệp vào mọi khía cạnh sinh hoạt của quốc gia, kể cả lãnh vực tư tưởng văn hóa và nội dung giáo dục. Từ ngữ giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, và những ràng buộc có tính hệ luận từ các từ ngữ ấy có thể rất ít điểm chung.

Theo chủ nghĩa Marx, luật pháp và lực lượng cảnh sát trong xã hội gọi là dân chủ là công cụ của giai cấp bóc lột nên người cộng sản có thể không cần phải tôn trọng hoặc sẵn sàng không tuân giữ chúng. Lý thuyết ấy là nguồn cội của các định chuẩn đạo đức trong tầng lớp cai trị, thể hiện sự nứt rạn ngày càng trầm trọng trong quan hệ xã hội hơn bất cứ lý thuyết nào khác, chỉ ngoại trừ chủ nghĩa phát xít.

 

V. Các giá trị đều tuyệt đối

1. Phê phán quan điểm tương đối

Xét tự thân chúng và thời đại

Các luận cứ mạnh mẽ nhất hỗ trợ lý thuyết về tính tương đối của đạo đức đều có xuất xứ trong sự đa dạng của các định chuẩn đã được chấp nhận và lịch sử cuộc tiến hóa của các khái niệm đạo đức kể từ các phong tục thời nguyên thủy. Bắt bẻ chứng cớ ấy với lý do nó đã phạm một sai lầm có tính căn nguyên, người ta lập luận rằng chỉ có thể giải thích đầy đủ một ý tưởng hay một hệ thống bằng lịch sử của chính nó.

Rất có thể, thí du,ï tôn giáo bắt đầu trong ma thuật thời nguyên thủy, hoặc đạo đức bắt đầu từ các ý kiến có giá trị về mặt xã hội, nhưng lối giải thích ấy có thể còn hoặc không thể thích đáng nữa với ý nghĩa của tôn giáo hoặc đạo đức thời hiện đại. Hẳn không ai bài bác âm nhạc nếu có người nào đó chứng minh rằng nó khởi đầu từ sự kiện có một người tiền sử nào đó cảm thấy thật sự khoái chí khi nghe tiếng gõ lách cách của xương người hay xương thú vật.

Như thế, ta phải khảo sát các khái niệm trong tự thân chúng theo tình trạng hiện tại của chúng. Bằng chứng lịch sử chỉ có tính gợi ý để thông giải hoặc chỉ có giá trị minh họa, nó không là tối hậu đối với ý nghĩa của các định chế hiện thời.

Luật pháp đạo đức quốc tế

Những người ủng hộ quan điểm các định chuẩn đạo đức là tuyệt đối nhấn mạnh thực tế rằng nếu các nguyên tắc đạo đức là tương đối thì không thể nào có luật lệ quốc tế. Vì không có khái niệm nào được chúng ta xem là có giá trị vượt quá giới hạn của các xã hội đặc thù, nên chắc chắn sẽ có tình trạng chia rẽ ý kiến giữa các xã hội tới độ không thể bắc nhịp cầu và không thể có nguồn nào cho luật lệ đạo đức trong quan hệ quốc tế.

Chúng ta hãy nhìn lùi lại thời sau Thế chiến Hai (1939-1945) với giả định rằng quốc gia là nguồn thích đáng của các phán đoán đạo đức. Nếu quả thật khái niệm ấy đúng, ta không thể biện minh cho việc tòa án của Ðồng minh xét xử tội phạm các lãnh tụ Ðức Quốc xã, vì chính nhà nước Ðức ra sắc lệnh loại trừ dân Do Thái và phục hồi kiều dân Ðức cùng các lãnh thổ mà họ sở hữu tại các nước láng giềng. Những kẻ biện hộ cho họ và chính họ lập luận rằng xét theo nguyên tắc, những sự việc họ đã làm không xấu, đúng với nghĩa vụ công dân, vì bản thân họ chỉ thực hiện theo chỉ thị của nhà nước. Như thế, nếu thẩm quyền đạo đức không có một nguồn nào khác với nguồn quốc gia thì hành động của các lãnh tụ Ðức Quốc xã là tốt và ta không thể kết án họ.

Người ta cũng có thể lập luận rằng kẻ chiến thắng có quyền xét xử dân tộc Ðức vì hành động của người Ðức không được chấp nhận, dựa trên các định chuẩn đạo đức của Ðồng Minh. Lập luận ấy hẳn cũng tương đương với việc phủ nhận tiền đề mỗi quốc gia là một chủ thể có chủ quyền tối thượng, đồng thời lại đề ra thêm một tiêu chuẩn về đạo đức; hoặc nó giảm hạ pháp đình xử các lãnh tụ Ðức Quốc xã thành một nơi phô trương sức mạnh tàn bạo thay vì thực hiện công lý.

Chỉ có thể biện minh cho tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg thời trước và The Hague ngày nay, cũng như chỉ có thể đặt cơ sở hữu hiệu cho luật pháp quốc tế, thí dụ các công ước và tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về các quyền của con người, khi ta giả định rằng có những nguyên tắc đạo đức tuyệt đối ràng buộc mọi dân tộc trong mọi thời đại và rằng bất cứ sự vi phạm nào các nguyên tắc tuyệt đối ấy đều là đối tượng đáng bị trừng phạt.

Khách quan là phẩm tính cấp hai

Cũng khá thú vị khi ghi nhận rằng luận cứ biện hộ cho tính tương đối của các giá trị, trong nhiều khía cạnh, khá giống với luận cứ biện minh cho tính chủ quan của các phẩm tính cấp hai. Ta hãy nhớ lại rằng mùi vị và màu sắc, cùng với những cái khác, được tuyên bố là có tính chủ quan vì tri giác của người này người nọ không giống nhau, hoặc thậm chí trong một người cũng đã có sự khác biệt khi thế này khi thế nọ tùy thời điểm khác nhau và điều kiện sức khỏe trồi sụt.

Do đó, người ta lập luận rằng vì tính đa dạng của các ý kiến nên không thể nào đưa ra giả định các phẩm tính cấp hai có tính khách quan nào đó. Ngày nay, người ta đồng ý một cách tổng quát rằng luận cứ ấy vô nghĩa và rằng phải xem mọi phẩm tính đều có tính khách quan.

Tính độc lập của chân thiện mỹ

Chân, thiện, mỹ là các phẩm tính; chúng được xem là các phẩm tính cấp ba, để phân biệt với những phẩm tính thuần túy tri giác. Nếu luận cứ biện minh cho tính chủ quan của các phẩm tính cấp hai là vô nghĩa, thì khi dùng chính luận cứ ấy để biện minh cho việc cho rằng các phẩm tính cấp ba ấy cũng có tính chủ quan không kém, thì vẫn chẳng tạo được chút ý nghĩa nào. Do đó, các giá trị ấy đều có tính khách quan chẳng kém kinh nghiệm, ở bất cứ phương diện nào. Chân, thiện và mỹ độc lập với sở thích hoặc lợi ích của cá nhân.

Nếu các giá trị có tính khách quan, chúng chỉ có thể được khám phá chứ không được tạo thành. Vật được mong muốn vì nó có giá trị chứ không đáng giá chỉ vì nó được mong muốn. Vì giá trị có tính khách quan và tuyệt đối nên chúng ta có thể không để ý tới nó, thông giải sai về nó hoặc từ khước nó, nhưng không thể nào làm biến đổi giá trị của nó.

Người này người nọ có thể thông giải lệch lạc hoặc khác nhau về ý nghĩa của các giá trị, nhưng các giá trị vẫn tồn tại không một chút tổn thương và ta càng thẩm tra thích đáng chúng thì càng phát hiện rõ ràng thêm. Những lập luận phát xuất từ khái niệm cho rằêng có sự xung khắc nhau giữa các định chuẩn đạo đức, chỉ chứng minh cho sự thất bại của loài người trong việc tìm hiểu đầy đủ những gì có thể am hiểu.

Từ vô đạo đến thủ lãnh đạo đức

Ðể chống lại khái niệm về tính tương đối của các giá trị, đôi khi người ta còn lập luận rằng khái niệm ấy có lẽ hàm chứa chủ nghĩa bảo thủ cố chấp (a hidebound conservatism) dù ngoài mặt, nó có vẻ như ủng hộ ý tưởng cho rằng các định chuẩn biến đổi liên tục. Vì đạo đức, theo khái niệm ấy, được xác định bởi xã hội, quốc gia hoặc một giai cấp, do đó không thể khiếu nại các quyết định của chúng; người dân chỉ có cách duy nhất để biến đổi thứ luật pháp ấy là xâm phạm chúng, thí dụ tìm cách sống không theo lề lối đạo đức nào cả, nghĩa là "vô đạo đức".

Người tương đối chủ nghĩa (relativism) sẵn sàng đồng ý rằng các định chuẩn đạo đức là đối tượng của biến đổi và rằng tiến bộ trong các khái niệm đạo đức chủ yếu nhờ sự biến đổi đó. Các thủ lãnh luân lý vĩ đại như Socrates và Ðức Giêsu đều là kẻ nổi loạn chống lại các định chuẩn đã được chấp nhân và đều bị các thế hệ cùng thời đánh giá là người vô đạo đức.

Thế nhưng các thế hệ về sau thừa nhận rằng những duyệt xét của hai vị ấy là có đạo đức và rất thích đáng, đồng thời "sự vô đạo đức của họ được đánh giá là hành động thể hiện đạo đức cực kỳ chân chính". Nếu những duyệt xét của họ chỉ nhằm làm thỏa mãn ý thích nông nổi của cá nhân họ, thì chuyển biến ấy thật khó hiểu, và nó bao hàm ý kiến rằng bất cứ kẻ vô đạo đức nào nếu có khả năng chiêu mộ đủ nhân số đi theo mình cũng đều có thể được biến đổi từ kẻ vô đạo đức trở thành một thủ lãnh vĩ đại.

Những kẻ cho rằng các giá trị có tính tuyệt đối đều khẳng định Socrates và Ðức Giêsu là hai thủ lãnh đạo đức vĩ đại vì họ thấy sự thất bại của các lề luật trong thời đại họ và cái họ nhắm tới là làm mãn nguyện các đòi hỏi của lý trí hoặc thể hiện các nguyên tắc về giá trị con người. Cuộc nổi loạn của họ quả thật không bao giờ có tính vô đạo đức mà chỉ là sự tiến lên một khái niệm đạo đức cao hơn cái được thế hệ đương thời bảo lưu.

Tiến trình mở

Nếu chúng ta nhất quyết bảo vệ thẩm quyền của xã hội, quốc gia hoặc giai cấp, thì không thể biện minh cho cuộc nổi loạn chống lại các luật lệ đã được lập nên, và không cách gì chứng minh các luật lệ ấy không thích đáng nếu không viện dẫn nguyên tắc nào đó đi quá bên kia thẩm quyền của nó.

Câu trả lời của người tương đối chủ nghĩa là lịch sử đảm trách công tác ấy bằng những biến đổi xã hội vốn đòi hỏi những duyệt xét các bộ luật đạo đức và các thế hệ về sau chuẩn nhậm các định chuẩn ấy vì chúng đáp ứng thích đáng hơn các nhu cầu của họ.

2. Khách quan và không thể định nghĩa

Theo bằng chứng kinh nghiệm

Nếu chúng ta giả định có một nền đạo đức khách quan và tuyệt đối thì không dễ dàng cho thấy nền đạo đức ấy ra sao. Khác với trường phái *triết học lục địa (continental philosophy) ở nội địa châu Âu, các nhà đạo đức học (ethicists) như *G. E. Moore (1873-1958) quả quyết rằng đạo đức có tính khách quan. Moore tiêu biểu cho trường phái *triết học phân tích (analytic philosophy) tại Anh và Bắc Mỹ, những kẻ đặt các kết luận của họ chủ yếu dựa trên bằng chứng kinh nghiệm.

Vì được cung cấp qua giác quan, bằng chứng kinh nghiệm có phẩm tính tự nhiên. Kinh nghiệm về phẩm tính bắt đầu với các ý tưởng phức tạp. Mọi ý tưởng phức tạp có giá trị đều được giảm thiểu thành các ý tưởng đơn giản tới độ không thể phân tích thêm nữa.

Như thế, bạn có thể phân tích trái ổi ra các thành phần như "vàng", "ngọt" và vân vân. Lúc ấy, bạn có thể nói rằng mình đã làm cho ý tưởng về trái ổi trở nên rắc rối, nhưng thực tế, bạn không thể nào phân tích ý tưởng "vàng" ra những thành tố đơn giản hơn nữa, vì "vàng" là thành tố đơn giản được cung cấp, và nó là cái mà từ đó tri thức bắt đầu. Do bởi tính chất đơn giản của "vàng" nên không thể định nghĩa nó, và phải xem nó là cái được cung cấp khi ta trải nghiệm trái ổi.

Thiện hoặc ác trong tự thân

"Thiện" được đánh giá có phẩm tính cùng một cấp bậc như "vàng", theo cách không thể phân tích ra thành bất cứ thành tố nào đơn giản hơn nó. Nó là một đặc tính của một hành động nhất định; ta có thể nhận ra nó nhưng không thể định nghĩa nó.

Do đó, trường phái của các triết gia này khẳng định tính khách quan của các giá trị đạo đức theo nghĩa một số hành động là thiện hoặc ác trong tự thân chúng, không liên quan tới các mong muốn hoặc sở thích của con người, và cũng chẳng cần thiết phải định nghĩa cái gì là thiện.

3. Kitô giáo và đạo đức tuyệt đối

Ðại biểu cho Thượng đế

Người Kitô giáo xác nhận tính tuyệt đối của lề luật đạo đức bằng cách liên hệ nó với ý chí biểu lộ của Ðấng Tối cao. Có sự khác biệt ý kiến ít nhiều giữa những người đứng đầu các phái giáo hội Kitô nhưng nói chung, tất cả đều đồng ý rằng có thể xem một số lề luật – tối thiểu Mười giới răn – là những diễn đạt của luật lệ đạo đức tối hậu.

Giáo hội Công giáo La Mã xem Ðức Thánh cha (Pope) là không thể sai lầm trong những công bố liên quan tới đức tin và tính cách đạo đức. Vì giáo hội ấy tuyên bố mình biết luật lệ của Thượng đế và mình là người thông giải cùng bảo vệ luật lệ đó, nên thông thường, các tuyên bố về đạo đức của nó đều mạnh mẽ và kiên định.

Có tính cực kỳ lý tưởng

Li dị, ngừa thai nhân tạo, phá thai, triệt sản, hôn nhân đồng giới tính, nhân bản (cloning), v.v. và các thực hành xã hội tương tự đều bị kết án là trái nghịch với luật lệ đã được Thiên Chúa mạc khải. Như thế, xét theo thực tiễn, các vấn đề lợi ích thiết thực hoặc hạnh phúc của con người không được cứu xét và quan tâm đúng mức. Luật lệ đạo đức, theo giáo hội La Mã, có tính tuyệt đối và không thể sửa chữa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các giáo hội Tin Lành không cứng nhắc như giáo hội Công giáo, dù nó miễn cưỡng phải đưa ra những sửa chữa sâu xa trong lề luật đạo đức của mình. Tuy thế, nghiêm ngặt hơn cả có lẽ là giáo hội Nhân chứng Giê-hô-va với những lề luật đạo đức hiểu theo nghĩa đen của văn bản Kinh Thánh, thí dụ vấn đề truyền máu, tượng ảnh, v.v.

4. Lề luật là nguyên tắc tuyệt đối

Ði tìm nguyên tắc tổng quát

Có một số triết gia cho rằng các giá trị đạo đức có tính tuyệt đối. Họ không chấp nhận việc tìm thấy lề luật đạo đức trong bất cứ bộ luật thế tục nào hoặc trong bất cứ kinh sách thiêng liêng nào. Họ hoài nghi tính khách quan của các giá trị đạo đức liên quan tới nguyên tắc cố định và tuyệt đối vốn có thể được dùng để phán xét nội dung của bất cứ tập hợp luật lệ cá biệt nào.

Lập trường này có vẻ như một thỏa hiệp giữa thực tế được thiết lập theo kinh nghiệm khiến cho các bộ luật đạo đức cá biệt có tính tương đối và yêu cầu phải có các giá trị tuyệt đối có thể dùng làm tiêu chuẩn và làm lý tưởng nhắm tới.

Tính vũ trụ của đạo đức

Giả dụ có hai người bất đồng về tính chất đạo đức của một hành động; nếu không có khả năng đạt tới một quyết định chung, cả hai sẽ rất khó thảo luận về vấn đề ấy. Bất cứ quyết định nào cũng phải dựa trên những tiêu chuẩn được cả hai đồng thuận. Tiêu chuẩn thích hợp nhất – nếu có khả năng tìm thấy nó – là một nguyên tắc tổng quát được sự hậu thuẫn của hết thảy các chứng cớ có sẵn và được xem như có thẩm quyền trong các cuộc thảo luận. Nguyên tắc có thẩm quyền nhất phải là nguyên tắc phản ánh lý thuyết tổng quát về bản tính của vũ trụ.

Nếu có thể chứng minh rằng mọi tiến trình tự nhiên đều hướng tới việc sản sinh các cá thể như một cứu cánh cho hoạt động của chúng, lúc đó ta có khả năng lập luận rằng sự thực hiện toàn mãn của cá nhân là mục đích cao nhất của vũ trụ, và giá trị cùng phẩm tính của cá nhân là tiêu chuẩn tối thượng (ultimate criterion) của phán đoán đạo đức.

Một nguyên tắc tuyệt đối

Dù Kant hẳn không tán thành cách thức vừa nêu để đạt tới kết luận ấy, nhưng không có cách thức nào tốt hơn để diễn tả nội dung của nó bằng một huấn lệnh có tính nguyên tắc của ông, rằng "Hãy hành động bằng cách đối xử với con người như là cứu cánh chứ không bao giờ như là phương tiện". Người ta quả quyết rằng nguyên tắc ấy là tuyệt đối; nó đã được xác minh bằng các quá trình tự nhiên đang ràng buộc một cách phổ quát mọi dân tộc, và nó là tiêu chuẩn thích đáng duy nhất cho việc chọn lựa giữa các hệ thống này nọ của lề luật lệ đạo đức.

Luật lệ nào cho thấy nó phù hợp với tinh thần của nguyên tắc ấy tức là nó có giá trị, ngược lại, luật lệ nào cho thấy nó vi phạm nguyên tắc ấy tức là nó đáng bị lên án. Vì có thể giả định rằng các lãnh tụ Ðức Quốc xã đều biết tới nguyên tắc ấy nên các hành động của họ đều bị kết án trong chừng mực các quyết định có chủ ý của họ vi phạm tinh thần lẫn ngữ nghĩa của nguyên tắc đó.

Qui chiếu cho các cá biệt

Có thể minh họa lợi thế của việc xem lề luật tuyệt đối như một nguyên tắc bằng cách cho thấy rằng nó là nguyên tắc độc nhất dùng để giải quyết vấn đề sự đa dạng của các luật lệ đạo đức đặc thù. Người ta có thể tranh cãi rằng mỗi xã hội phải hình thành cho chính nó các luật lệ phù hợp với hoàn cảnh đặc thù, với các vấn đề cá biệt hoặc với truyền thống riêng biệt của nóù và rằng những yêu cầu ấy có thể cho thấy có sự đa dạng đáng kể. Luận cứ ấy tự nó chẳng có chút ý nghĩa nào.

Chừng nào chưa xâm phạm nguyên tắc về giá trị con người – như được trình bày trong huấn lệnh của Kant – chừng đó các luật lệ của xã hội ấy vẫn còn thích đáng. Người ta có cơ sở để phê phán chúng một khi nguyên tắc tuyệt đối ấy bị xâm phạm hoặc không được đếm xĩa đến do bởi sự tác động quá đáng của các phương thế cổ truyền hoặc để làm thỏa mãn ý chí quyền lực của cá nhân nào đó hay của nhóm quyền lợi nào đó.

Xã hội tiến bộ nào cũng tìm cách sửa đổi liên tục hệ thống luật pháp và các huấn lệnh đạo đức của nó nhằm làm cho chúng ngày càng thích đáng hơn với nội hàm của lề luật đạo đức tổng quát.

Xã hội, thế giới và giá trị con người

Ý chí của tập thể – quốc gia hay xã hội – thường được nhân danh như một giá trị tuyệt đối. Khái niệm ấy có lẽ bắt rễ từ luận điểm của *Jean Jacques Rousseau (1712-1778) và một số nhà tư tưởng tiền cách mạng Pháp 1789 về khế ước xã hội. Ðại khái, các nhà tư tưởng ấy cho rằng con người tự nguyện hình thành xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của mỗi người. Quá trình lập thành cộng đoàn ấy đưa tới sự hình thành, trực tiếp hay gián tiếp một khế ước của xã hội mà mỗi cá nhân phải tuân giữ. Và một trong các nhiệm vụ của nhà nước là tìm cách quản lý việc thực thi nghiêm chỉnh khế ước đó, vì quốc gia đã được ủy quyền, bất khả thu hồi, để thể hiện ý chí chung ấy.

Ngày nay, với sự đóng góp của các nhà khảo cổ học, nhân chủng học và xã hội học đã cho thấy lập luận của các tư tưởng gia châu Âu thời đó không có cơ sở. Sự hình thành xã hội hay quốc gia thường do bởi sự thắng thế của một bộ tộc hoặc sắc dân này chinh phục sắc sân kia hoặc các bộ tộc cần sự lãnh đạo chung để chống xâm lăng, v.v. Quá trình hình thành có tính không tự nguyên như thế cũng góp phần giải thích lý do khiến cho người cầm quyền thường lấy quyền lực làm mục tiêu ưu tiên, và có quá nhiều cơ hội ý chí tập thể bị nhân danh cho ưu quyền của các nhóm đặc lợi, khiến tập thể hoặc một số cá thể bị ngược đãi dưới nhiều hình thức.

Tuy thế, cụm từ "khế ước xã hội" cũng có thể được cắt nghĩa là niềm mong muốn tôn trọng các giá trị có tính tuyệt đối. Vấn đề là tái thông giải nó và thể hiện nó theo dạng thức mới đúng theo lịch sử và thích hợp với thời đại. Người ta ngày càng thấy giá trị hiệu lực trong quan điểm của nhà tư tưởng Pháp *Montesquieu (1689-1755) về chủ trương tam quyền phân lập. Thêm nữa, niềm mong muốn ấy ngày càng tìm được nơi trình bày trong các quyền của con người, kể cả quyền dân sự và chính trị được pháp chế hóa trong một xã hội pháp trị chủ nghĩa và trong các tuyên ngôn, công ước quốc tế của Liện hiệp quốc nói chung về quyền của con người, hoặc nói riêng về phụ nữ, thiếu nhi, người lao động, v.v.

5. Ý nghĩa của thiện

Khảo hướng và định chuẩn

Có thể làm sáng tỏ chủ đề này bằng cách khảo sát những nỗ lực có tính lịch sử trong quá trình phát hiện nguyên tắc chính yếu ấy. Lối xử lý chủ đề này hẳn rất gần gũi với lập trường của chủ nghĩa duy tâm nhưng những nguyên tắc tổng quát của nó có thể được chấp nhận bởi nhiều triết gia không muốn xưng mình là người duy tâm chủ nghĩa.

Ở đây, chúng tôi không có ý đòi hỏi bạn, kẻ đang đọc những dòng này, chấp nhận lập trường ấy vì nó liên quan tới giả định rằng ta có thể định nghĩa "thiện", một công việc vốn bị các nhà tư tưởng nổi tiếng xem là không thể nào làm. Có lẽ chức năng duy nhất của giả định này là nỗ lực cho thấy một số chiều hướng trong đó lý thuyết đạo đức học chuyển động trên con đường tìm kiếm giải pháp cho vấn đề đạo đức.

Ðịnh nghĩa sơ bộ về "thiện" gợi ý cho thấy rằng nó tương đương với cái đáng giá hoặc với cái làm thỏa mãn lòng mong muốn. Kẹo có giá trị đối với trẻ em, tiền đối với người khốn khó và nước đối với kẻ đang khát. Có nhiều vật làm thỏa mãn những mong muốn hữu cơ, nhưng giữa các vật đó có những điểm khác nhau khiến chúng ta khó có thể chứng minh cho lời quả quyết của mình rằng vật này thì hơn các vật kia. Nếu điều đó đúng, chắc chắn phải có định chuẩn hoặc chuẩn mực để phân biệt các đối tượng đang làm thỏa mãn những mong muốn của chúng ta.

Khoái lạc chủ nghĩa

Có một trường phái gồm các nhà đạo đức học, được gọi là người theo chủ nghĩa khoái lạc (hedoism). Họ khẳng định rằng tiêu chuẩn để phân biệt giữa các đối tượng khác nhau của mong muốn là "cân đo đong đếm" thấy chúng cung cấp khoái lạc nhiều hơn đau đớn. Người theo thuyết này lập luận rằng, xét theo tự nhiên, toàn thể loài người mong muốn khoái lạc chứ không mong muốn đau đớn, và có vẻ hợp lý khi cho rằng cái được mọi người mong muốn chắc chắn là cái đáng mong muốn; do đó, chỉ có khoái lạc là có giá trị.

Thế nhưng, không chắc rằng hết thảy các khoái lạc đều có giá trị ngang nhau. Một số người cho rằng khoái lạc tinh thần thì tốt hơn khoái lạc thể xác, rằng khoái lạc bền lâu thì tốt hơn khoái lạc chóng qua, rằng khoái lạc nào có một tí đau đớn tối thiểu theo sau – gọi là "thú đau thương" – thì đáng giá hơn là các khoái lạc bị đi kèm với khổ não không thể tránh. Có người quả quyết rằng khoái lạc của kẻ tham ăn, kẻ nghiện rượu và kẻ trụy lạc không đáng giá như vẻ bên ngoài của chúng.

Sự sống là giá trị tối thượng

Nếu chúng ta thừa nhận rằng có một số khoái lạc này đáng giá hơn khoái lạc kia, thì khoái lạc, trong tự thân chúng không có giá trị tối thượng, và như thế, phải có tiêu chuẩn nào đó khác với chúng để có thể phân biệt chúng. Có lẽ sự sống tự nó có giá trị chân chính. Nếu thuyết tiến hóa đúng, thì dường như thiên nhiên khẳng định rằng việc duy trì sự sống trong mỗi cá thể và các chủng loại là đáng giá. Ý chí muốn sống có tính phổ quát.

Một số người theo thuyết tiến hóa lập luận rằng khoái lạc là cái dẫn đưa tới kiểu mẫu đáp ứng thích nghi nhất với môi trường để duy trì sự sống và rằng khoái lạc rút rĩa giá trị của nó từ chức năng công cụ ấy. Khoái lạc của kẻ tham ăn, của kẻ nghiện rượu và của kẻ trụy lạc bị đánh giá là khoái lạc giả tạo vì chúng đưa tới tình tạng suy kém sức khỏe. Chúng là "những đợt sóng tội lỗi của cái chết", hiểu theo nghĩa đen từng chữ một.

Duy trì sự sống là định chuẩn

Ðối với người theo thuyết tiến hóa, duy trì sự sống là định chuẩn để theo đó chọn lựa loại khoái lạc nào ta nên theo đuổi và kiểu mẫu động thái (type of behaviour) nào ta nên thể hiện. Ðiều đó không chỉ đúng cho cá nhân mà còn đúng cho xã hội và chủng loại.

Có những mô hình hạnh kiểm (modes of conduct) nhất định mà xã hội phải chấp nhận và bắt phải thể hiện nhằm duy trì sự sống của chính nó. Và lập luận ấy thỏa đáng cho giá trị của các định chuẩn ấy vì nếu không có chúng, không thể nào đáp ứng cứu cánh sinh tồn. Chúng ta có thể giả định rằng sự sống là giá trị và sự duy trì sự sống chính là cái được chúng ta gọi là "thiện".

Dường như đó là một định chuẩn cao hơn khoái lạc, do bởi có những lúc chúng ta phải buông bỏ khoái lạc vì lợi ích của sự sống. Trẻ em có thói quen độc hại là ưa thích những thực phẩm không tốt cho chúng. Chúng ta không cân nhắc giá trị của thực phẩm bằng những thèm muốn của đứa trẻ mà bằng sự hiểu biết chín chắn về cái gì cần thiết cho sức khỏe của trẻ em. Chúng ta buộc đứa trẻ phải từ bỏ sự mong muốn đơn thuần – mong muốn chỉ vì mong muốn – mà chấp nhận sự mong muốn cái tốt hơn – cái thiện – cho bản thân nó.

Cũng một cách thức như thế, khi tình hình sức khỏe đòi hỏi, chúng ta phải uống những thứ thuốc khó nuốt, bỏ thuốc lá hoặc cai rượu, chịu mổ xẻ. Chúng ta biện minh cho những hy sinh ấy, hoặc đôi khi chỉ là kiêng cử, hãm mình, dựa trên nguyên tắc rằng sư sống có giá trị hơn khoái lạc đơn thuần.

6. Giá trị của nhân cách toàn mãn

Có giá trị cao hơn sự sống

Duy trì sự sống cá nhân không thể là giá trị tối hậu vì có thể từ bỏ nó một cách chính đáng khi có các yêu cầu cao hơn. Trong chiến tranh, quốc gia đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân. Khi bị yêu cầu phải quyết định giữa sự sống và các nguyên tắc của mình, kẻ tử đạo sẵn sàng buông bỏ sự sống. Chúng ta hoan nghênh hành động anh hùng của những ai hiến dâng sự sống của mình khi ra sức giải cứu người khác.

Những hình ảnh minh họa ấy gợi cho thấy có những giá trị cao hơn tự thân sự sống. Ðiều ấy thể hiện trong lý thuyết cho rằng người ta không cần phải sống đủ tháng đủ năm nhưng chỉ cần sống tốt lành. Không phải cứ sống là tốt, cái tốt thật sự chính là phẩm chất cuộc sống của mình. Do đó, tiêu chuẩn chân chính của giá trị là sự phát triển đầy đủ nhân cách. Ai cũng có nghĩa vụ đạo đức tức là phải thể hiện toàn mãn các tiềm năng làm người của mình trong hoàn cảnh riêng của mỗi người, và trở thành người thích đáng nhất với tất cả năng lực của mình.

Toàn diện và nhất quán

Khi nhấn mạnh tới sự thể hiện các khả thi, dường như toàn bộ vấn đề là sống toàn diện một cuộc đời toàn mãn. Ðiều đó chính xác và chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Mỗi cá nhân là điểm hội tụ của môi trường con người của y, một diễn đạt của vũ trụ. Càng sống toàn diện thì càng thích đáng trong quá trình hoàn thành chức năng của cuộc sống.

Ngoài ra, còn cần phải nhấn mạnh tới cái có thể gọi là nhất quán. Chính sự nhất quán cung cấp cho cá nhân tính đáng tin cậy và thăng bằng. Người được phát triển toàn mãn là kẻ có một cuộc sống toàn diện và nhất quán, phong phú và hội nhập. Ðó là những gì chúng ta có ý nói tới qua những diễn tả như sống ngăn nắp, sống có lý trí, nhân cách thích đáng.

Quan điểm về cuộc sống tốt hoặc thiện này – vốn được đồng hóa với lập trường tổng quát mang tính duy tâm chủ nghĩa – cũng tương hợp với một số quan điểm phi duy tâm chủ nghĩa (non-idealistic view) Người theo Aristotle nhấn mạnh cứu cánh luận nội tại, cùng đích tự nhiên của mỗi cá nhân và nghĩa vụ phải thực hiện các khả thi của mình để đạt tới một cuộc sống trọn vẹn và hòa điệu.

Chủ yếu là cách phát triển cá nhân

Cả lý thuyết máy móc chủ nghĩa lẫn triết học quá trình cũng đều nhấn mạnh các mục đích giống như thế. Một khi mọi biến cố được đánh giá là những thể hiện các hoàn cảnh cá nhân của mình và là những diễn đạt của chính vũ trụ, thì phẩm chất của cuộc sống mới là cái quan trọng. Mục đích hoặc cùng đích hoặc mục tiêu chủ quan của ta – tùy theo cách gọi của mỗi người – là cách thức không thế này thì thế nọ, liên quan tới sự phát triển cá nhân mỗi người để thể hiện các lý tưởng của cá nhân trong liên quan tới sự thể hiện nhân cách của mình.

Vì khái niệm này về phát triển cá nhân là thập phần quan trọng nên đồng thời nó cũng là sự diễn đạt lợi ích tổng quát của vũ trụ, một quá trình mang tính toàn bộ vũ trụ có thể được xem như dành cho cứu cánh của các cá nhân đang phát triển. Có thể xem sự thành toàn của cá nhân là giá trị được lập nên bởi bản tính của chính vũ trụ.

Thiện là toàn mãn nhân cách

Ðiều này biến cá nhân thành giá trị tối hậu của vũ trụ, và định nghĩa "thiện" dưới dạng sự thể hiện toàn mãn của cá nhân. Nó thể hiện mỗi cá nhân như một hệ thống ở đó những thành tố khác nhau quyện vào nhau và qua tương quan ấy, dẫn tới sự thể hiện đầy đủ ý nghĩa của từ ngữ cá tính.

Quan điểm này có vẻ phù hợp với phần lớn tâm lý học hiện đại về nhân cách, vốn nhấn mạnh tới nhân cách hội nhập và thích ứng hữu hiệu. Có thể có ít nhiều dị biệt trong cách hiểu từ ngữ "nhân cách" mà ở đây chúng ta không có thì giờ và cũng chẳng là nơi thích hợp để thẩm tra nó. Dường như nhà tâm lý học quan tâm hơn tới sự ổn định của con người, trong khi đó triết gia thích nhấn mạnh sự phát triển của nó.

Một hình ảnh tích cực

Người thích đáng là người có những sở thích toàn diện; chúng quyện vào nhau làm thành một khuôn mẫu nhất quán (a consistent pattern), ở đó y nhận ra mình không là một cá thể nhỏ như hạt bụi mà là một diễn đạt của cái toàn bộ vượt quá bản thân y. Con người nửa vời, yếu đuối tinh thần, chật hẹp và cứng nhắc, là hình ảnh biếm họa; con người thấu đáo, hợp lý với sự nhận biết các giới hạn của mình và mong muốn khắc phục chúng, chính là hình ảnh thích đáng hơn của nguyên lý sáng tạo trong vũ trụ.

Quan điểm như thế về cuộc sống thiện trái ngược với nhiều định nghĩa phổ thông và đại chúng về thiện. Có một số người nghĩ tới thiện như là sự phục tùng các lề luật do Thiên Chúa hoặc do con người đặt ra. Hiểu như vậy, con người thiện tức là con người không bao giờ làm sai. Có điều con người ấy cũng chẳng bao giờ phát triển tối đa vì đặc điểm chính yếu của luật lệ là chúng thể hiện cái tối thiểu của đạo đức.

Với mục đích ấy, luật lệ qui định cấp bậc thấp nhất mà dưới cấp bậc ấy, con người không thể bước đi mà không sợ bị trừng phạt, nhưng luật lệ không cống hiến niềm khích lệ hoặc cơn thách đố nào để con người phát triển. Nếu xét theo lý thuyết ấy thì người ngủ say mãi mãi, chẳng bao giờ thức giấc, sẽ là người đức hạnh cực kỳ vì có lẽ y chẳng bao giờ vi phạm luật lệ. Một người lý tưởng kiểu đó không bao giờ hấp dẫn nổi chúng ta vì hẳn chúng ta đang kỳ vọng nơi y điều gì đó tích cực hơn.

Ðạo đức là sống tích cực

Ðạo đức có tính luật lệ thường được diễn tả bằng một chuỗi những cái cấm kỵ "Ngươi không được..." Nền đạo đức ấy giữ cho xã hội ổn định nhưng xã hội đó không bao giờ có thể thăng tiến. Tinh thần đạo đức xuất hiện mạnh mẽ mỗi khi gặp thách đố. "Ngươi sẽ..." thì thích hợp hơn vì nó đặt các nghĩa vụ ra cho chúng ta để chúng ta thực thi với một thái độ tích cực hơn các công dân đang phải chịu đựng luật pháp; và như thế, "Ngươi sẽ..." sẽ làm cho chúng ta thành những con người có ý nghĩa.

Xét theo ý nghĩa ấy, ta thấy chỗ đứng của "Ngũ giới" trong các tín đồ Phật giáo chung một tuyến với quan điểm tích cực trên. Theo tinh thần Phật giáo, Ngũ giới không phải là năm điều cấm kỵ mà là năm điều thệ nguyện trên căn bản người tín đồ "nguyện không làm". Thí dụ: Nguyện bất tổn sinh; nguyện không trộm cắp, v.v. Sự tự nguyện ấy mang lai ý nghĩa tích cực và động thái chủ động với tinh thần thoải mái, lạc quan.

Cũng thế, lý thuyết Phật giáo không trình bày những mong muốn cái có giá trị hoặc đáng giá về mặt đạo đức dưới dạng thiện hoặc ác mà là dưới dạng "công đức" (kusala) hoặc "không công đức" (akusala). Khi người Phật giáo thể hiện một việc thiện có nghĩa người ấy "làm công quả", đóng góp công đức vào thiện nghiệp riêng của mình (tư nghiệp) và chung của cộng đoàn và vũ trụ (cộng nghiệp); và làm điều ác có nghĩa là không công đức. (Xem Ðại cương triết học Ðông phương).

Niềm hứng khởi trong cuộc sống

Trở lại với quan điểm tích cực nêu ở trên, ta thấy rõ ràng rằng giá trị phản ánh cứu cánh luận nội tại đã được triển khai trong chương trước. Giá trị là sự thể hiện khuôn mẫu của cái toàn bộ trong mỗi biến cố, và các giá trị cao hơn được tìm thấy trong những biểu thị cao hơn của vũ trụ.

Giá trị đạo đức áp dụng trực tiếp vào toàn bộ và áp dụng gián tiếp vào các thành tố hợp thành cái toàn bộ ấy. Nó là sự hiệp nhất các thành tố thành một toàn bộ qua đó khuôn mẫu được thể hiện, và như thế, lập thành giá trị.

Dù lý thuyết về con người cá thể toàn diện này có là một định nghĩa thích đáng hay không về thiện, nó vẫn hàm chứa âm thanh của một nốt nhạc có giá trị mà khi nghe tới, hẳn mọi người đều cảm thấy hứng khởi. Nó là một thách đố, xem sự toàn mãn của cuộc sống là lý tưởng ta nên hướng tới trong liên tục phấn đấu. Vì cuộc sống thiện được định nghĩa một cách ngắn gọn là sự toàn mãn, nên nó có nghĩa rằng bạn và tôi cần tìm kiếm những sở thích mới và những trải nghiệm mới.

Mạo hiểm và biến đổi

Cuộc sống phải là một cuộc thám hiểm luôn luôn mở rộng trước mắt. Con người – cả nam lẫn nữ – hoàn tất khuôn mẫu sự sống (the life-pattern) của mình lúc tuổi còn rất trẻ. Nếu ngay lúc ấy, ta đặt qua một bên mọi hiếu kỳ hoặc bất cứ sở thích cái mới mẻ nào tức là ta bắt mình từ nay sẽ sống vô sinh và bạc nhược. Chúng ta đều biết rằng kẻ sống triền miên với quá khứ thì lúc nào cũng thấy thời đại này chẳng đức hạnh chút nào. Những kẻ như thế không bao giờ có năng lực đáp ứng cơn thách đố để phát triển.

Giống như xã hội phải thường xuyên biến đổi các định chuẩn của nó để đáp ứng hoàn cảnh mới, giống như các nhà khoa học liên tục duyệt xét lý thuyết của mình để tích lũy các sự kiện mới, cá nhân cũng thế. Chúng ta cần phải bồi đắp thị hiếu thiện qua âm nhạc, văn chương và bằng hữu. Vì mỗi người là cái y hấp thu nên chúng ta cần phải chọn lựa một cách khôn ngoan và lành mạnh, và đồng thời, cần mở rộng phạm vi các sở thích văn hóa.

Một quan điểm vị kỷ?

Có khả năng nhiều người có thể bảo rằng lý thuyết tổng quát này bảo trợ tính vị kỷ rẻ tiền trong đó con người chỉ biết quan tâm tới sự phát triển cá nhân của y. Nghĩ như thế tức là trong căn bản, đã hiểu sai các điều kiện của phát triển.

"Kẻ nào giữ lại đời mình chắc chắn đang đánh mất nó". Không ai có thể phát triển thích đáng nếu chỉ quan tâm tới các sở thích và lợi ích của riêng mình. Người ấy phải trung thành với chính nghĩa – nghĩa là nguyên cớ để sống – cái mà về mặt tôn giáo và về mặt xã hội vượt quá bản thân y; người ấy phải quan tâm tới các sở thích và các lợi ích của đồng loại.

Chỉ kẻ nào hiến thân cho người khác mới thật sự tìm thấy bản thân. Ta chỉ cần quan sát những tương giao hoán đổi của hạnh phúc được cung cấp cho người mẹ qua sự hy sinh của bà cho đứa con, để từ đó nhận ra rằng đó cũng là định luật thẳm sâu của thiên nhiên. Ðó cũng là khái niệm cứu thế trong Kitô giáo và hạnh Bồ tát trong Phật giáo Ðại thừa mà ta sẽ hiểu rất cụ thể khi thăm dò dưới lăng kính triết học.

 

VI. Tóm lược

Tương đối và tuyệt đối

Vấn đề các giá trị vừa được chúng ta xem xét theo cách triển khai thành câu hỏi các giá trị có tính tuyệt đối hay tương đối.

Nếu các giá trị có tính tương đối, ta phải quyết định có phải cá nhân, xã hội, quốc gia hoặc giai cấp cai trị là nguồn thích đáng của các định chuẩn đạo đức. Nếu các giá trị có tính khách quan hoặc tuyệt đối, ta phải quyết định rằng có phải cái thiện chỉ là đặc tính của các hành động nhất định, có thể nhận thấy nó nhưng không thể định nghĩa nó.

Có phải cái thiện sở đắc tính khách quan và thẩm quyền của nó từ lời tuyên bố của Thượng đế, hoặc có phải cách tốt nhất là cứ xem cái thiện có tính tuyệt đối theo nghĩa một nguyên tắc nhấn mạnh giá trị tối hậu của cá nhân như một diễn đạt của vũ trụ theo cứu cánh luận nội tại.

Chính trong cảnh giới ấy của các giá trị, xuất hiện sự rạn nứt sâu xa nhất trong tư tưởng hiện đại. Và chính từ cảnh giới ấy đưa ra những thách đố và những cơ hội hứa hẹn nhất cho các nhà tư tưởng. Rõ ràng bất cứ khẳng định nào về các định chuẩn tối hậu của giá trị đều phải đặt cơ sở trên một khái niệm nào đó về bản tính của vũ trụ.

Các nẻo đường khác nhau

Những kẻ tin vào siêu hình học hoặc vào sự suy tưởng về bản tính tối hậu của vũ trụ, sẽ tìm cách kiến lập các giá trị trên sự khẳng định có căn cứ nào đó về bản tính của vũ trụ. Những kẻ xem siêu hình học là không sinh lợi hoặc chẳng ai ưa, sẽ đưa mắt nhìn tới kinh nghiệm và các ngành khoa học xã hội để thu thập dữ kiện.

Những kẻ cảm thấy toàn bộ chứng cớ đều chỉ rõ cho họ thấy một kết luận rằng mọi giá trị đều tương đối, sẽ chọn đường lối này; trong khi những kẻ cảm thấy các giá trị đều tuyệt đối sẽ theo đường lối nọ; và không thể nào có sự thỏa hiệp giữa hai đường lối đó.

Sự phân ly ấy có lẽ rõ nét nhất trong vấn đề chân lý, mà đã tới lượt nó xuất hiện để chúng ta cùng thảo luận trong chương kế.n

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2521
Ngày đăng: 07.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thi Tính Tự Do - Khổng Ðức
Từ thơ chữ Hán Nguyễn Du, hiểu thêm tác giả Truyện Kiều - Võ Phúc Châu
Bóng của một cái bóng - Phan Huy Đường
Bàn về Thượng đế -1 - Nguyễn Ước
Bàn về Thượng đế -2 - Nguyễn Ước
Cần tiến hành chuyên nghiệp hơn! - Phạm Toàn
Tư bản tinh khiết - Phan Huy Đường
Cứu cánh luận - Nguyễn Ước
Cứu cánh luận-2 - Nguyễn Ước
Sự cáo chung của chân lí - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)