Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
631
115.981.894
 
Chùm Khế Ngọt
Trần Lệ Thường

Không khí trong gia đình bắt đầu ngột ngạt từ lúc tôi nói Thomy sẽ xuống thăm tôi. Thomy là người Mỹ có tên Việt Nam là Thông. Anh đã sống hơn năm năm ở Sài Gòn, là thầy dạy Anh văn của tôi hai năm trước, lúc tôi đi học trên đó. Tình cảm của chúng tôi tiến triển tốt đẹp, anh muốn thăm gia đình tôi trước khi đi đến hôn nhân.

 

Ba và má không vui nhưng cũng không tỏ ý phản đối, chỉ khuyên tôi nên suy nghĩ chính chắn trước khi quyết định. Còn cậu Ba thì dứt khoát, nếu tôi kết hôn với Thông thì cậu sẽ đưa thằng Phúc đi khỏi đây. Cậu là em trai duy nhất của má. Khi chiến tranh kết thúc, cậu Ba lập gia đình với một cô gái cùng đơn vị. Thằng Phúc được chờ đón ra đời trong niềm hân hoan vui sướng của hai người yêu nhau được sống bên nhau, là kết tinh của một mối tình kéo dài nhiều năm liền. Trên mảnh đất đầy bom đạn, chết chóc hai người vẫn còn đây, cùng nắm tay nhau xây dựng cuộc sống mới. Nó được mang tên Hạnh Phúc. Nhưng trớ trêu thay, nó lại sinh ra với khuôn mặt ngờ nghệch và đôi chân thỏng thượt. Thằng Phúc bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ nơi cậu, mợ ba. Khi nó chưa đầy tuổi, một chiều mưa tầm tã, cậu Ba trở về nhà thấy nó khóc nhất từng cơn bên bậc cửa, mặt mày đã xanh xám, tìm mãi không thấy mợ Ba đâu. Ba ngày sau, có người phát hiện xác mợ tấp ở bờ sông. Năm lần bảy lượt má mới đón được cậu Ba về sống chung. Muốn cho cậu quên đi nơi chốn có nhiều kỷ niệm về người vợ quá đau khổ tuyệt vọng đã tự trầm. Cậu là thương binh, lại cần phải có thời gian để chăm sóc thằng Phúc. Nó nhỏ hơn tôi vài tuổi. Hơn hai mươi năm rồi tôi và nó cùng lớn lên bên nhau. Nhưng tôi trưởng thành đi làm việc còn nó mãi mãi là một đứa trẻ.

 

Ngày đầu tiên Thông đến, anh đưa tay cho cậu Ba nhưng cậu Ba quay phắt bỏ đi. Anh nói thông thạo tiếng Việt, phát âm chữ tr rõ ràng. Tuy vậy, có những câu nghe thật tức cười. Khen tôi xinh đẹp anh nói. “Em là một cô gái tốt đẹp nhiều”. Đôi khi một câu có cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nghe nhiều lần rồi tôi cũng quen và hiểu ý anh. Trước thái độ của cậu Ba, Thông im lặng trong khi ba má và tôi vô cùng áy náy. Anh tỏ ra thông cảm với cậu. Nỗi đau của cậu Ba mấy mươi năm vẫn còn nhức nhối. Trước đó tôi có nói với anh về thằng Phúc. “Quá khứ không thể thay đổi được, chỉ mong những ngày sắp tới anh có thể làm được những gì để xoa dịu nỗi đau”. Anh buồn buồn nói. Thâm tâm tôi cũng có nghĩ đến điều ấy. Chuyện phải là ở trước mặt, không phải làm là ở trước mặt, không phải phía sau lưng. Thằng Phúc rất vui khi Thông nắm lấy tay nó siết nhẹ. Anh đẩy xe nó ra vườn, chúng tôi cùng ngồi trên băng đá dưới một cây khế ngọt. Trái từng chùm chín vàng. “Quê hương là chùm khế ngọt cho ta trèo hái mỗi ngày”. Làm sao cho anh hiểu hết ý nghĩa câu hát kia. Thỉnh thoảng anh hát bằng giọng ngang ngang không bỏ dấu khiến tôi cười ngất. Anh đang tìm hiểu văn hóa Việt Nam, những từ bình dân. “Cua gái ác liệt” là sao?. “Mình ên” là gì?. “Bảnh” thật?. “Anh “hốt” em về Mỹ, em có chịu không?”. Tôi cười đến chảy nước mắt, như bị ai chọc lét khi nghe anh dùng từ bụi đời đó. Anh cũng biết nói đùa. Tôi bảo thằng Phúc kể chuyện “Ăn khế trả vàng” cho Thông nghe nhưng nó cười ngây ngô, đưa tay lên đầu theo thói quen xoa xoa những sợi tóc lún phún mới ra. “Em quên rồi”. Truyện này tôi đã từng kể với cả Thông và nó. “Anh kể cho”. Thông hăng hái dành rồi anh bắt đầu kể, tuy hơi khó khăn tìm từ. Thằng Phúc chăm chú nghe, thỉnh thoảng nhắc những chi tiết nào nó vụt nhớ.

 

Buổi chiều, tôi đưa Thông đi ngắm biển. Mặt trời hửng hờ thả xuống trên mặt biển, hăm dọa sẽ rớt nhưng chẳng ai buồn tiếp cứu. Bởi vì ai cũng biết, ngày mai mặt trời sẽ lại mọc. Biển xanh mênh mông, xa xa mờ mờ trong mây các hòn đảo rải rác nằm muôn đời muôn kiếp chờ đợi. “Sao lại muôn đời muôn kiếp?”. Thông thắc mắc. “Chờ hoài không gặp thì cứ đợi hết đời này sang kiếp khác”. Tôi giải thích với Thông, nếu bây giờ không đến được với nhau thì khi chết rồi trở thành một người khác vẫn sẽ tìm kiếm nhau. Thông cười, đôi mắt nheo lại. “Em tin là như vậy?”. “Em tin!”. Tôi trả lời chắc chắn. “Kiếp sau làm sao em nhận ra anh?”. “Nếu người đó kể được truyện Ăn khế trả vàng may túi hai gang rưỡi”. Thông không cười và tôi cũng không cười được trước câu nói đùa của mình. Đột nhiên chúng tôi cùng im lặng, giữa anh và tôi hình như có khoảng cách. Cái khoảng cách không đo được, không sờ được nhưng khiến anh và tôi không thể đến gần nhau. Cái khoảng cách hư ảo ấy cho tôi linh cảm sẽ mất anh khiến tôi thấy mình cần đến anh nhiều hơn tôi tưởng. Phải chăng, ngang trái sẽ làm ngọn lửa tình yêu cháy bùng lên mãnh liệt. Ngày đầu tiên gặp nhau ở trường, anh đưa tôi một trái táo đỏ. Tôi chẻ đôi đưa anh một nữa . Vậy là chúng tôi cùng ăn một trái táo. Anh nói về người Việt Nam nhân hậu, hiền hòa, chung thủy, hy sinh, về một đôi mắt đen trong sáng và một mái tóc dài như con suối chảy vào lòng người… Lúc ấy, tôi đã biết rằng thuyền tôi đã có bến đậu.

 

Trước ngày Thông về Sài Gòn má mời Thông ăn tối ở nhà. Những món ăn Việt Thông cũng biết nhiều, có vài món anh nấu được, đồ hải sản anh cũng thích nhưng không ngờ anh có ý muốn dùng món khô cá biển nướng. Đó là món ăn má tôi ưa thích. Mâm cơm dọn ra có thịt kho, cá chiên má vẫn nướng khô. Hầu như ngày nào bữa ăn nhà tôi cũng có khô nướng. Má còn tưởng tôi đã nói với Thông về điều này. Thật là oan! “Ở đây xứ biển, cá khô rất ngon”. Má hớn hở làm bếp, không cho ai vào, tự tay nướng khô. Tôi và Thông đi dạo trong vườn, xem những cây xoài mới lên khoảng vài tấc. Thằng Phúc có lần nói với tôi sao không nắm cây kéo lên cho mau lớn. Tôi ngậm ngùi muốn khóc. Giải thích một hồi lâu, chẳng biết nó có hiểu được hay không mà đầu nó cứ gật gật.

 

Từ lúc Thông đến chẳng thấy cậu Ba và thằng Phúc đâu. Từ bé đến bây giờ thằng Phúc không ra khỏi nhà trừ những lúc đi bệnh viện. Má rất lo lắng, bồn chồn không yên. Đến khi mọi người cùng ngồi vào bàn ăn, cậu Ba vẫn chưa đưa thằng Phúc về. Bữa ăn trở nên gượng gạo ngượng ngùng, không khí ngột ngạt khó thở. Cậu Ba muốn tránh mặt Thông. Anh cũng biết nên áy náy, ít lời. Cho rằng vì anh mà gia đình tôi trở nên không vui vẻ. Mùi khô nướng thơm lừng khiến bụng tôi đói cồn cào nhưng cũng không ăn nổi. Cái lẩu cá nấu chua sôi đến cạn nước. Vài ba câu chuyện nhạt nhẻo đẩy đưa trong gượng gạo. Tôi thấy mình đáng trách khi đưa Thông về nhà, đặt anh vào hoàn cảnh ngượng ngùng này. Lại thấy tội nghiệp cho tình yêu của mình. Thông và tôi đều không có lỗi. Cuối cùng Thông cũng từ giã ra về. Tôi hái đưa anh một chùm khế. “Nếu em may túi ba gang thì sẽ đựng không đủ đâu vì ăn khế này anh sẽ trả bằng cả một cuộc đời”. Tôi muốn bật khóc vì câu nói đượm đầy bản chất Việt của anh. Anh gửi lời chào tạm biệt cậu Ba và thằng Phúc. Đứng nơi cổng trông theo, tôi thấy dáng anh cao, người hơi nghiêng theo mỗi bước đi, chùm khế ngọt đung đưa trên tay. Thật buồn! Chuyến về thăm tôi chỉ là một kỷ niệm buồn đối với anh thay vì là một kỷ niệm vui.

 

Khoảng mười giờ tối cậu Ba đưa thằng Phúc trở về nhà. Suốt ngày vất vả lang thang ngoài đường thằng Phúc bệnh sốt vùi. Cơ thể yếu ớt của nó không chịu nổi. Nếu nó không bệnh chẳng biết cậu có trở về nhà không nữa. Tôi tự hỏi rồi cũng không thể trả lời được. Buổi sáng, trước khi đi làm tôi vào phòng thăm thằng Phúc. Thấy tôi, nó hớn hở đưa một tờ giấy tập học trò, trên đó vẽ ba trái khế chung một cuống. Nét vẽ vụng về nguệch ngoạc, tuy vậy nhìn vào vẫn thấy rõ đó là những trái khế. “Em tặng anh Thông”. Tôi xoa đầu nó, dịu dàng. “Anh về Sài Gòn rồi, chị sẽ gửi qua đường bưu điện. Khi nào đến nơi anh gọi điện về chị sẽ nói em có gửi quà tặng anh”.

 

Bức tranh vẽ mấy trái khế của thằng Phúc tôi gửi qua đường bưu điện chẳng biết anh có nhận được hay không? Cuối ngày, chờ mãi không thấy điện thoại của anh tôi liền gọi nhưng không liên lạc được. Và tiếp theo những ngày sau đó vẫn không liên lạc được với anh. Tôi  như ngồi trên lửa, khắc khoải từng giây phút. Cuộc sống nặng nề như đeo tảng đá ngàn cân. Tôi không muốn nghĩ rằng Thông im lặng vì sự việc xảy ra ở nhà tôi. Anh là người hiểu biết và tỏ ra rất thông cảm với cậu Ba. Cậu thì cho là như vậy, nhưng không tỏ ra vui mừng, còn có vẻ ái ngại nên thường tránh mặt tôi. Thấy tôi buồn bã cậu có phần hối hận. Buổi chiều đi làm về, thằng Phúc ngồi trên xe lăn trước nhà ăn khế, thấy tôi nó cười toe toét. “Chị ơi! Em muốn “cua gái ác liệt””. Hôm trước tôi nói chuyện với Thông nó nghe thấy. Tôi xoa đầu nó, cười muốn ra nước mắt. Tôi vẫn thường làm như vậy mỗi khi thấy nó thật quá đáng thương. Cậu Ba đang tỉa cây gần đó, ngập ngừng lên tiếng. “Cậu thật cố chấp, đừng giận cậu!”. “Con chưa bao giờ giận cậu”. Đúng là như vậy! Tôi đã trả lời rất thật với lòng mình. Tôi ngước mặt nhìn lên trời, một chiếc bong bóng đỏ bay lơ lửng, càng lúc càng nhỏ xíu. Chiếc bong bóng của một đứa trẻ nào đó bị đứt dây. Chiếc bong bóng sẽ không bao giờ quay lại. Có lẽ nào Thông như chiếc bong bóng bị đứt dây.

 

Hơn hai tháng sau tôi mới xin được nghỉ  phép để đi Sài Gòn, tìm đến những nơi quen biết Thông, những trường anh  đã dạy hỏi thăm tin tức. Cuối cùng tôi cũng được biết, đêm đó trên đường về thành phố xe gặp tai nạn, anh bị thương rất nặng được đưa vào bệnh viện cùng với nhiều người khác. Sau đó gia đình đã đón anh về Mỹ. Bằng một phép nhiệm mầu nào đó tôi về được đến nhà nằm li bì mê man. Tôi thấy mình rơi, rơi mãi giữa không trung. Hoảng loạn, sợ hãi tôi chới với kêu gào trong tuyệt vọng rồi choàng tỉnh bật dậy thảng thốt. Tất cả người thân đang nhìn tôi long lắng, luôn cả thằng Phúc với đôi mắt lơ láo và chiếc miệng lúc nào cũng giật giật. Thiếu một người! Cảm giác trống vắng, hụt hẩng phủ chụp lấy tôi khiến tôi bật khóc nức nở. Má choàng tay ôm tôi và xoa đầu vỗ về. “Bình phục rồi Thông sẽ liên lạc với con”. Cử chỉ của má khiến tôi liên tưởng đến những lức tôi xoa đầu thằng Phúc. Trong lòng tôi cũng nghĩ như má, cho dù có chết đi tôi cũng tìm được anh qua truyện kể “Ăn khế trả vàng”.

 

Mấy năm qua rồi, bao  nhiêu là điều đã xảy ra. Bao lần mặt trời lặn rồi mọc, ba má và tôi không ít lần tự hỏi: Thông còn sống hay đã chết rồi. Có những chiều đi ngắm biển, thấy các hòn đảo vẫn còn nằm im lặng trơ trơ giữa muôn trùng sóng gió, tôi thầm hỏi: Các hòn đảo ấy nằm đã bao năm rồi? Tuổi xuân đang dần qua, tôi đã bước qua tuổi ba mươi theo thời gian không ngừng trôi. Biển vẫn mênh mông và vẫn bạc đầu thương nhớ.

 

Một tối, vào giường nằm nhưng tôi chưa ngủ được thì chuông điện thoại reo lên. “Thưa cô! Cô có muốn nghe “kể chuyện đêm khuya” không ? Tôi xin kể truyện Ăn khế trả vàng may túi hai gang rưỡi”. “Trời ơi! Thông!”. Tôi bật dậy hét toáng lên. Anh bị thương rất nặng và bị nhiều vết sẹo trên mặt khiến anh ngần ngại không liên lạc với tôi. Năm năm rồi, quá dài cho một thử thách. “Em có còn muốn “hốt” anh về Việt Nam không?”. Sau nhiều chuyện kể lể với nhau, cuối cùng anh đã hỏi. Tôi nói tôi vẫn chờ luôn cả thằng Phúc và những người thân của tôi nữa. “Anh nhớ mấy trái khế ngọt nhà em. Anh về chung sức nuôi dưỡng, bảo trợ những người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Em sẽ giúp anh chứ?”. Tôi khóc, những giọt nước mắt  mừng vui trong lần hội ngộ sau bao năm dài xa cách. /.

Trần Lệ Thường
Số lần đọc: 2012
Ngày đăng: 10.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện người hỏng thi - Đỗ Ngọc Thạch
Chết đuối - Trang Thanh Trúc
Quyền khinh bỈ - Lương Văn Chi
Vai phụ - Khôi Vũ
Cơn mưa nghịch mùa - Nguyễn Minh Phúc
Cho Esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng - Jerome David Salinger
Núi lở - Đỗ Ngọc Thạch
Trăng sáng trong thành Đồ Bàn - Mang Viên Long
Ai thắng ai ? - Huỳnh Văn Úc
Khoảng cuối thời gian - Trang Thanh Trúc
Cùng một tác giả
Mùa đông hoa trắng (truyện ngắn)
Hoa Hòang Anh vẫn nở (truyện ngắn)
Hương đêm (truyện ngắn)
Trầm (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Bài học vỡ lòng (truyện ngắn)
Vòng tay yêu thương (truyện ngắn)
Gió bên hè (truyện ngắn)
Bông lục bình (truyện ngắn)
Thằng Tửng (truyện ngắn)
Đôi chân mày lệch (truyện ngắn)
Đêm ngắn (truyện ngắn)
Dây tóc tiên (truyện ngắn)
Lục Bình trôi (truyện ngắn)
Ngày nắng (truyện ngắn)
Đêm pháo hoa (truyện ngắn)
Song nguyệt (truyện ngắn)
Lan Hồ Điệp (truyện ngắn)
Quên (truyện ngắn)
Hoa cúc trắng (truyện ngắn)
Tóc rối (truyện ngắn)
Trái phá (truyện ngắn)
Hoa Loa kèn đỏ (truyện ngắn)
Ở lại đó (truyện ngắn)
Chùm Khế Ngọt (truyện ngắn)
Con muốn hư hỏng (truyện ngắn)
Gió mát ở sau lưng (truyện ngắn)
Mưa chiều (truyện ngắn)
Biển có sóng (truyện ngắn)
Học trò cũ (truyện ngắn)
Những con cá khô (truyện ngắn)