Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
459
116.377.849
 
Mùi cơm khét
Nguyễn An Cư

- Cơm lại khét nữa à?

Ông ta vừa nhai vừa buồn buồn hỏi vợ. Vợ ông nhỏ nhẹ đáp:

-  Tôi lỡ tay làm cá một chút, không vào bớt lửa kịp!

 

Nhìn nét mặt lầm lì của chồng, bà tiếp:

- Sao càng già ông càng khó tính! Hồi đó cơm khét, cơm nhão gì ông cũng ăn vui vẻ; ông còn bảo ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Bây giờ khét có chút xíu ông cũng cằn nhằn, lầm lầm lì lì không ai chịu nổi! Hay là mấy hôm nay trời lạnh, vết thương cũ của ông lại tái phát? Đâu sáng mai ông vào bệnh viện khám lại xem sao.

 

Trả lời bà là tiếng đũa nhôm nhè nhẹ chạm vào chén chứ không rộn rã khua lắc cắc như mọi ngày.

Ông lẳng lặng lùa cơm vào miệng, không nói không rằng. Ông thầm nghĩ: “Phải rồi, vết thương đang âm ĩ hành mình đây. Tuy nhiên không phải  những vết thương cũ ở bụng ở đùi ông thời  chiến tranh mà là vết thương mới sau ngày giải phóng. Nó nhoi nhói mãi trong tim ông!

Vợ ông nói như mếu:

- Tôi đã nói là tôi lỡ tay mà. Ông vui lên cho tôi ăn cơm ngon một chút.

Ông ta vẫn im ru. Vợ ông sụt sịt khóc rồi buông đũa đi vào buồng nằm.

 

*

Hai mươi mấy năm trước, ông làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Thạnh nầy. Uỷ ban mua gỗ về làm nhà lồng chợ. Ông nhìn đống gỗ mới mua về còn bỏ ngổn ngang ngoài sân rồi thầm nghĩ: “Chà! Có miếng gỗ tốt quá! Vừa đủ khuôn cửa cái nhà mình. Phải chi mình mua được một miếng! Dễ… cũng bốn năm đồng”.

 

Bốn năm đồng thời đó ông đi làm mướn vài ngày có thể kiếm được. Khổ nỗi, sau 1975, ngoài thị trường không ai bán gỗ! Chỉ có sở Lâm nghiệp gần cầu Đốc Thảo, sát mé sông thị xã Long Điền mới có bán. Tuy nhiên cũng chỉ để dành phân phối cho các công trình hoặc các diện chính sách đặc biệt. Muốn mua phải có giấy giới thiệu của Uỷ ban nhân dân tỉnh, được Uỷ ban kế hoạch và Sở lâm nghiệp duyệt. Ông đâu có tiêu chuẩn mua gỗ cho cá nhân. Đi xin xỏ có thể được nhưng rắc rối lắm! Mua một vài tấc gỗ phải mất mấy ngày làm thủ tục. Đến đâu cũng phải cà phê thuốc lá xã giao! Mà phải đãi đằng trả ơn các vị lãnh đạo ông cũng không uất. Đằng nầy, tụi nó là những thằng 30 tháng 4! Thậm chí đến khi đã cầm được cái phiếu xuất gỗ trong tay mà không biết điều với thằng thủ kho thì cũng không dễ gì lựa được gỗ vừa ý. Lựa xong rồi, nó đo nó tính cũng trời ơi đất hỡi, một tấc lẻ cũng đo, mấy chỗ hư nứt cũng tính! Tụi nó chỉ là những thằng con nít, con cháu ông bự nào đó gởi vào làm. Tội nghiệp, mấy ổng cũng không hay biết gì. Có đứa cầm cái máy tính, tính còn trật tới trật lui. Còn ông, mấy chục năm kháng chiến chết chóc. Ông mặc quần áo bộ đội, đội nón cối, mang dép râu… nó cũng bất cần!

 

Cứ như là một cái lệ: Phải tốn vài chầu cà phê, vài gói thuốc Sài Gòn giải phóng, là loại ngon nhất thời đó mới xong. Mua nhiều, phải một tiệc nhậu lớn! Rút gói thuốc “Mai” hay “Lạng Sơn” do thương nghiệp phân phối đưa chúng, chúng đều lắc đầu!

 

Mấy tháng trời, ngày nào vợ ông nhìn mấy cánh cửa đã mua nhưng vì thiếu gỗ làm khuông, không ráp lại được cũng đều cằn nhằn ông: “Người ta chạy chọt xin đất, xin mua vật tư cất nhà đủ thứ. Con cái người ta lo cho đi học Liên xô, Đông Đức, Hungary, nay mai về làm bộ nầy bộ nọ; còn ông, bàn xin cái gì ông cũng bảo “để từ từ rồi tới mình” hoặc “phải để công bằng chứ”. Hứ! Ở đó mà ông đợi! Mình cũng mấy chục năm kháng chiến, cũng thương tích đầy mình, công cán có thua ai đâu mà bây giờ chẳng bằng ai!”

Ông nhỏ nhẹ giải thích: “Hồi trước mình đi kháng chiến, mình chỉ mong có độc lập  tự do, có mong gì ba thứ đó đâu!”. Bà cãi lại ông: “Hồi trước khác, ai cũng chỉ có cái ba lô và cây súng. Bây giờ khác! Ông dòm lại coi: Nhà cửa ông xiêu vẹo, ông cứ nong hoài bộ đồ ka-ki với đôi dép râu như để kể công hoặc hù doạ người ta chắc? Mà có ai biết, ai sợ ông đâu? Vợ con ông thì đầu tắt mặt  tối, không có ruộng đất đủ làm. Thử hỏi mình đợi đến chừng nào chứ?”

 

Ông khẩn khoản: “Kìa bà! Bà không biết chứ mấy triệu liệt sĩ chỉ có nấm mồ chứ có được gì? Thậm chí, có nhiều người còn chưa yên mồ yên mã nữa! Họ đã bỏ lại cha già, mẹ yếu, vợ dại, con thơ… Họ có đòi hỏi không? Chắc là không rồi. Như vậy mới bảo là vinh quang. Mình còn sống đây là quí lắm rồi. Đã nói đem thân trai hi sinh vì lý tưởng, hi sinh cho đất nước mà bây giờ đòi hỏi, kể công gì?”

 

Tuy nói mạnh như thế nhưng nhìn một số cán bộ chiếm hữu ruộng đất bề bề, nhà cao cửa rộng ông cũng chạnh lòng.

 

Ông chợt nảy ý định: “Tối nay mình lấy miếng gỗ của uỷ ban về làm khuông cửa. Ai mà biết được. Tụi nó đâu có cử người canh gác. Nếu sau nầy có phát hiện mất gỗ, có hồ nghi thì hồ nghi mấy em du kích, mấy anh cán bộ, ai dám hồ nghi ông chủ tịch?”

 

Ông nhẩm đi nhẩm lại: “Tối nay trăng sáng lắm. Đầu hôm, dân chúng còn đi lại quá nhiều. Từ uỷ ban vác gỗ về nhà cả cây số, chắc chắn thế nào cũng gặp người quen. Nửa đêm ít người đi đường thật; tuy nhiên, nếu lỡ gặp ai thì không thể nào bào chữa được. Chỉ có ăn cắp mới vác gỗ đi nửa đêm! Hừng sáng, lúc trăng sắp lặn là tốt nhất”.

Hôm ấy, ông thao thức suốt đêm chờ sáng. Gà gáy chặp nhứt, ông giật mình thức dậy xem đồng hồ. Mới một giờ khuya. Ông vào mùng ngủ tiếp, nhưng ông nào có ngủ được. Chốc chốc, ông lại ngồi dậy xem đồng hồ. Ông nghĩ: “ Nếu ngủ quên, sáng mai tụi nó chuyển đống gỗ vào kho là hết lấy”.

Ông dậy đốt đèn ngồi chờ. Vợ ông bỗng trở mình hỏi: “Ông thức làm chi sớm vậy?”. Ông ậm ừ: “Tối nầy lỡ uống trà nhiều, ngủ không được”. Vợ ông lại ngủ tiếp. Ông xem đồng hồ rồi nhẩm tính: Đi thôi! Gần bốn giờ sáng rồi.

Ông mở cửa bước nhẹ ra ngoài, đi thẳng một mạch đến uỷ ban xã.

Trăng mùng mười sắp lặn. Đường sá vắng hoe. Vài con chó chạy rong thấy ông lại sủa vang. Ông lầm lũi bước nhanh. Mấy tàu lá dừa quét qua, che khuất ánh trăng tạo thành một vệt đen di động làm ông giật mình. Ông nép mình bên hông văn phòng uỷ ban xã nghe ngóng. Có nhiều giọng ngái ngủ đều đều của mấy em du kích. Ông nín thở bước đến đống gỗ và tự nhủ: “Bình thường mình cũng đi công tác về khuya mà”. Ông lật bỏ mấy miếng gỗ nằm trên và rút nhẹ miếng gỗ mà ông đã để ý từ ban chiều. Một miếng gỗ khác lăn xuống: Cụp. Cụp! Mấy tiếng động khô khan giữa khuya làm ông hốt hoảng dừng tay. Ông nhìn quanh quẩn: “Dường như có một bóng người? Không! Chắc lại cũng là một bóng cây quét qua”.

Trăng đã lặn khuất dưới vườn dừa. Ông vác miếng gỗ bước nhanh ra đường. Trước mặt ông bỗng thấp thoáng ánh đuốc. Ông lựng khựng lẩm nhẩm: “Phải bỏ miếng gỗ xuống. Đi tay không về thôi. Không kịp nữa rồi! Phải tiếp tục vác vậy”.

Ông căng mắt nhìn kỹ bỗng giật nẩy người kêu lên: “Chết rồi! Thằng Sáu… thằng Sáu ở gần nhà mình”. Hai người chạm mặt. Thằng Sáu cười ha hả cất tiếng chào: “Á! Chú Hai mà. Con tưởng ai. Chú khiêng trái cây đi chợ bán về à?”. Tiếng cười sắc lạnh của thằng Sáu làm ông bủn rủn tay chân, ấp úng: “Ờ… ờ”.

Ông lại lầm lũi bước. Nói đúng hơn là ông chạy. Ông thở phào: “May quá! Chắc nó tưởng mình dùng khúc gỗ khiêng giỏ xé trái cây đi chợ về”. Xã ông có lệ đi chợ khuya. Chợ đầu mối, nhóm bán sớm để người ta mua gom đi thành phố. Ông lại lo sợ: “Hay là nó nhạo báng mình? Ờ… ờ. Cũng có thể lắm. Cái giọng cười của nó hôm nay có gì khang khác. Ối! Mà nó có để ý khúc gỗ đâu. Chỉ tại mình lo sợ vớ vẩn!”.

Ông yên tâm bước chậm lại, cố thở thật đều. Ông bỗng nghe tiếng chân ai thình thịch sau lưng. Ông quay lại. Bóng đêm còn dày đặc. Sương lạnh khuya tháng chạp mà mồ hôi ông vả ra như tắm. Ông nhớ chín mười năm về trước, nằm sát vòng rào bót địch chờ lệnh xung phong, ông đâu có run như thế nầy. Cái chết cận kề với sự sống. Có thể chỉ cần bò qua hàng rào kẽm gai thôi là ông ngã gục nhưng ông đâu có ngán. Có khi nằm bên bờ rào kẽm gai, nhìn ánh trăng ông còn cao hứng lâm râm ca vọng cổ: “Anh ra đi khi gà chưa gọi sáng. Trăng mùng mười còn giỡn nước bờ ao…”. Bây giờ lại khác hẳn. Tim ông đập loạn xạ. Dường như mất đi năm mười tuổi!

Hồi trước cũng những tiếng “Cụp. Cụp” như tiếng gỗ rớt ban nãy, rồi pháo địch nổ vang cả đội hình đóng quân, đất cát văng rát mặt; ông và đồng đội còn chửi đổng: “Mẹ kiếp! Đêm nào cũng “giã gạo” không để yên cho cha chú mầy ngủ”.  Vậy mà cũng có người lén cấp chỉ huy nằm vắt va vắt vẻo trên võng ngủ, không chịu chui xuống hầm. Hồi đó ông xem cái chết nhẹ như bông. Bây giờ ông lại sợ như sắp chết! Ông tưởng tượng nếu ai bắt gặp ông ăn cắp gỗ và sự việc đổ bể ra chắc ông cũng chết thật. Ông sẽ sống trong sự nhục nhã trước bao cặp mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của mọi người thì còn tệ hơn chết.

Bình thường có chuyện gì, mọi người cũng nể ông là người lớn tuổi, từng tham gia kháng chiến nên đều hỏi ý kiến ông. Vậy mà vì một lần nghe vợ đay nghiến, ông đành đánh đổi tất cả!

Ông vác khúc gỗ lốc thốc chạy không dám thở mạnh. Chẳng mấy chốc ông đã về đến nhà. Ông nhè nhẹ đặt khúc gỗ xuống cạnh mấy cánh cửa. Luồng hơi bị nén trong lồng ngực ông từ từ xì ra mũi. Ông như con trâu vừa được tháo bỏ cái ách khỏi cổ.

Vợ ông nhừa nhựa: “Nãy giờ ông đi đâu vậy?” Ông lắp bắp: “Trăng sáng quá, tôi quanh quẩn xem mấy cây nguyệt quới vừa ra hoa”.

Ông cởi trần trùng trục, vói tay lấy cái quạt mo quạt phành phạch. Hơi lạnh thấm dần làm ông dễ chịu. Tim ông vẫn còn nhảy đùi đụi loạn xạ. Ông ngồi nhìn trân trân vào khoảng không tranh tối tranh sáng ngoài sân. Ký ức những đêm nằm bên bót giặc lần lượt hiện về. Đồng đội ông như ẩn như hiện…

Sáng hôm sau, ông tức tốc mướn thợ mộc đến ráp cửa. Học cắt. Họ xẻ. Họ bào. Họ đục và ráp thành khuông cửa. Ông vờ tấm tắc khen: “Mấy ông thợ nầy giỏi thật! Bao nhiêu gỗ tưởng thiếu, ai ngờ mấy ổng tính toán, gia giảm lại dư”.

Cả nhà ông không ai hay biết đã có thêm một khúc gỗ nữa. Vợ con, chòm xóm đều khen khuông cửa đẹp. Ông cũng vừa lòng lắm. Có điều, hằng ngày ra vào cái cửa cái, nhìn các thanh cửa làm ông nhớ nhớ nhiều điều và đầu óc ông cứ nằng nặng nhưng nhức hoài!

Ông nhớ mấy hôm sau đó ra uỷ ban xã làm việc, tụi cán bộ em út có những thái độ kỳ quặc khác thường. Chúng len lén nhìn ông như dò xét. Ông vừa bước ra khỏi phòng, tụi nó chụm đầu to nhỏ. Ông trở vào, tụi nó lặng im. Từ đó ông nói năng nhỏ hơn. Ông ra lệnh cũng dè dặt, khép nép hơn. Lúc về, ông líu ríu dắt xe đạp ra cổng; phía sau lưng ông lại vang lên những trận cười giòn. Ông phập phồng lo sợ cả tháng dài: “Không lẽ tụi nó đã biết! Thằng Sáu hay cái bóng đen đêm ấy nói lại?”.

Ngày nầy qua ngày khác, khúc gỗ như còn nặng oằn trên vai ông. Ông nhủ thầm: “Phải tìm cách phá bỏ khuông cửa cho khuất mắt”. Có điều ông không biết làm sao giải thích và thuyết phục vợ con ông! Bà ấy nổi tiếng tiêu xài kỹ lưỡng mà. Lý do nào lại thay cửa?

Ông tự an ủi: “Cái ông B. trưởng phòng thuỷ lợi ấy, nghe nói qua vụ làm cống đập vừa rồi, ổng xây được cái nhà trên. Cái nhà sau của ông X. ở phòng giáo dục, nghe nói cũng… lòi ra từ các công trình trường học. Thiếu gì người! Mấy ông cán bộ hưu trí làm rùm beng rồi cũng thôi. Còn mình, lấy một miếng gỗ, chỉ bằng cái lẻ của họ mà nghĩa lý gì?”

Nghĩ thế nhưng mắt ông cũng phải nhìn vào các thanh gỗ mỗi lần đi ngang cửa cái. Chiều chiều, ngồi uống trà nhìn ra sân, ông lại liếc nhìn khung cửa hoài Ông thấy mùi trà dường như không còn thơm ngon như trước nữa! Ông định dời bàn trà ra nhà sau nhưng chưa tìm được lý do.

Mấy tháng sau, ông giả vờ tức giận nói với vợ: “Hôm rồi tôi đi ăn đám tân gia của thằng Tâm, tụi nó xúm lại chê bộ cửa nhà mình quê. Chúng nói bây giờ người ta làm cửa sắt, cửa nhôm như thằng Tâm hết hà”.

Vợ ông chồm lên: “Quê hả? Nhà của cán bộ mấy chục năm kháng chiến không lẽ để thua nhà của mấy thằng nhóc đó hay sao? Ông thay cửa I-nóc cho tôi. Bao nhiêu tiền tôi cũng lo hết”.

Ông thở phào nhẹ nhõm. Ông vội vàng tháo khuông cửa ra manh mún. Ông lấy mấy khúc gỗ làm chuồng gà. Nó nằm khuất dưới đáy chuồng gà mấy năm trời. Tâm hồn ông cũng bình lặng mấy năm…

Không ngờ mấy năm sau, thằng con trai ông dở chuồng gà làm lại. Vừa thấy mấy khúc gỗ, ông chợt nhớ lại chuyện xưa! Nhớ lại cái đêm hồi hộp đi ăn cắp gỗ của uỷ ban, nhớ sự dằn vật mỗi lần nhìn khuông cửa, nhớ tiếng cười sắc như dao của tụi cán bộ uỷ ban…

Ông choáng váng: “Không biết hồi đó đến giờ có ai biết không nhỉ?”. Ông cố nhớ lại thái độ của từng cán bộ xã mấy hôm sau đó: “Phải rồi, tụi nó đã thưa về ủy ban huyện mà mình không hay! Chứ lý do gì nhiệm kỳ sau đó huyện uỷ và uỷ ban huyện đề nghị mình hưu non? Thằng Sáu… thằng Sáu? Không! Nó là nông dân chân chất biết gì. Vả lại mình đâu có thù oán gì với nó? Chắc là cái bóng đen đêm ấy. Mà ai? Thằng Khai phó chủ tịch xã hay thằng Tuấn trưởng công an?”.

Hôm đó ông xách búa chẻ tan nát mấy khúc gỗ sạp chuồng gà nhét vào bếp lửa vợ ông đang nấu cơm và làm đồ ăn. Nhìn ngọn lửa cháy lách tách ông nghe trong lòng ông cũng có tiếng reo nho nhỏ. Ông nghĩ thầm: “Cho chúng mầy thành tro bụi, thử xem chúng mầy có còn theo ám ảnh tao không cho biết?”. Báo hại hôm ấy cả nhà ông ăn cơm khét nghẹt! Vợ ông cằn nhằn ông: “Ai bảo làm tài khôn, nhét thêm mấy khúc củi săng vào cho than đỏ rực cả bếp!”. Ông cười cười lẳng lặng nhai  từng và cơm nhỏ…

 

Hai mươi mấy năm rồi, mọi chuyện tưởng đâu đã “tan theo tro bụi” để tâm hồn ông được bình thản tuổi già; nào ngờ hôm nay cái mùi cơm khét làm ông nuốt không trôi!

Ông buông chén đũa chống tay ôm đầu. Ông chợt nhớ vợ ông đang giận dỗi bỏ vào buồng, ông cũng uể oải bước vào kể hết sự việc và nỗi lòng của ông cho bà nghe.

Biết được nguyên nhân vì sao chồng đã càu nhàu bà về nồi cơm khét, bà vui vẻ an ủi ông: “Thôi ông à. Ông dằn vật tấm thân ông bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Từ nay tôi sẽ cố gắng không để cơm khét nữa đâu”.

Ông áo nảo lắc đầu, nghiêng người ép mũi vào gối. Ông vụt đẩy chiếc gối ra. Mùi ẩm mốc từ chiếc gối một lần nữa làm ông liên tưởng đến mùi … cơm khét!

 

              (Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 42 ngày 9.11.2000

                    Và Báo Đồng Khởi 17.6.2003)

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 1855
Ngày đăng: 11.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mảnh vỡ (8) - Nguyễn Thị Hậu
Chùm Khế Ngọt - Trần Lệ Thường
Chuyện người hỏng thi - Đỗ Ngọc Thạch
Chết đuối - Trang Thanh Trúc
Quyền khinh bỈ - Lương Văn Chi
Vai phụ - Khôi Vũ
Cơn mưa nghịch mùa - Nguyễn Minh Phúc
Cho Esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng - Jerome David Salinger
Núi lở - Đỗ Ngọc Thạch
Trăng sáng trong thành Đồ Bàn - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)