Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
690
116.543.129
 
Một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo
Nhiều Tác Giả

“ Hỗ trợ sáng tác - nhỏ giọt, tuỳ hứng” một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo

 

Trước tiên, xin cám ơn Báo Tiền Phong đã quan tâm tới đời sống văn nghệ bốn phương, trong đó có Bình Định. Vấn đề tài trợ của Nhà nước và sự tồn tại của các Hội VHNT địa phương cũng như các Hội chuyên ngành VHNT ở Trung ương lâu nay là vấn đề “nóng”, được sự lưu ý của các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các websites, blogs cá nhân văn nghệ sĩ.

 

Bài báo “ Hỗ trợ sáng tác - nhỏ giọt, tuỳ hứng” của tác giả Lê Hoài Lương đăng trên báo Tiền Phong Online ( Chủ nhật 12/4/2009) có nhiều nội dung không đúng. Có lẽ dựa vào nội dung bài báo mà toà soạn đã có một Sapô  nhấn mạnh “ Tiền hỗ trợ sáng tác không nhiều… nhưng bị chia năm xẻ bảy tới mức người sáng tác chỉ nhận được một phần mười thì quả đáng nói . Chuyện xảy ra ở Bình Định”.

 

Để hiểu rõ thực chất và tình hình thu chi “ Quỹ sáng tạo hỗ trợ VHNT Bình Định” Sau khi nghiên cứu các tài liệu công khai tại Hội VHNT Bình Định, tôi xin có đôi điều sau:

Bài báo có 03 mục lớn “ Tiền đi đâu?” “ Hỗ trợ tuỳ hứng” và “ Bình Định có chính sách riêng”

Về mục “ Tiền đi đâu?”

 

Nội dung chủ yếu của mục này, tác giả bài báo viết “Điều đáng nói là hơn 2 tỷ đã thanh quyết toán nhưng số tiền đến với hội viên 5 năm ( 2002- 2007) được Thanh tra tỉnh công khai chỉ là 225.632.965 đ, tính các khoản khen thưởng ( nghĩa là 1/10) . Tác giả còn nhấn mạnh: “ Nói chính xác tiền đến với hội viên  (qua hỗ trợ từ tác phẩm và khen thưởng còn ít hơn vì trong số này có chi 48,7 triệu  cho 2 người không phải là hội viên Hội VHNT Bình Định - chi theo sự chi đạo của tỉnh). Và tác giả kết lại mục lớn này “ Hơn 2 tỷ đã thanh quyết toán hiện giờ vẫn chưa được công khai là chi vào đâu?”

 

Trước khi có đôi điều với  tác giả bài báo đã nêu ở trên, tôi muốn bạn đọc biết:  Lê Hoài Lương là người đã làm “đơn tố cáo” lãnh đạo Hội VHNT và phản ảnh  5 nội dung theo anh ta là nghe được,  gửi các cơ quan công quyền  trong tỉnh, Thanh tra Nhà nước tỉnh đã mất  hơn 2 tháng thanh tra ghi chép tỉ mỉ toàn bộ  thu chi, xác minh từng chứng từ, cuối cùng ngày 31/7/2008 đã có kết luận không có hiện tượng tư túi cá nhân và đúng chế độ chính sách, cả 5 nội dung  phản ánh đều không có thật. Kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh đã được UBND tỉnh xem xét Quyết định công bố. Trong văn bản của lãnh đạo tỉnh có chỉ rõ: “ Nghiêm túc kiểm điểm phê bình cán bộ, hội viên gửi đơn thư phản ánh nêu có nội dung không đúng”.Trong khi Hội chưa tiến hành kiểm điểm và có hình thức kỷ luật người có đơn khiếu kiện thì người ấy lại có bài viết mập mờ để người đọc hiểu nhầm việc chi tiêu ở Hội VHNT là bậy bạ.

 

Trước khi Thanh tra Nhà nước đến thanh tra thì văn phòng Hội đã hoàn thành  “Báo cáo tài chính công khai  từ năm 2002 –2007” có các thông báo thẩm tra, dự toán thu chi ngân sách của Sở Tài chính Bình Định dán ở “Bảng thông báo” tại cơ quan Hội từ ngày 9/12/2007 thông báo cho Ban chấp hành Hội biết và hội viên cần biết cũng có thể  xem. Anh Lê Hoài Lương là người yêu cầu “ công khai tài chính của Hội”, anh đã người đã biết rõ “ công khai tài chính 5 năm” đã hoàn thành. Tại các cuộc họp của Đoàn Thanh tra Nhà nước với Ban chấp hành Hội, Ban Kiểm tra Hội… để báo cáo dự thảo kết luận của Thanh tra  đến các cuộc họp có Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ …để nghe Thanh tra tỉnh báo cáo kết luận, anh Lê Hoài Lương đều có dự . Anh đã chất vấn đủ điều và còn  yêu cầu Đoàn Thanh tra thanh tra toàn bộ việc  chi tiêu của Hội để xoá đi mọi nghi ngờ . Tại cuộc họp anh Lê Hoài Lương cần tài liệu gì các đ/c trong Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đều yêu cầu văn phòng Hội photo cung cấp, bản kết luận của Thanh tra và Quyết định của UBND tỉnh anh Lê Hoài Lương cũng giữ một bản. Để hội viên được biết, ngoài việc dán ở “Bảng thông báo” của Hội, Ban Thường vụ Hội đã  chủ trương phổ biến cho anh em hội viên qua  cuộc họp  chi hội. Riêng chi hội văn học trước khi anh Lê Hoài Lương viết bài báo trên đã tổ chức họp 2 lần. Qua 2 lần họp này anh em hội viên yêu cầu phổ biến kết luận của Thanh tra nhưng anh Lê Hoài Lương với vai trò Chi hội trưởng đã không đọc mà chỉ hứa photo gửi cho hội viên. Nhưng kết quả đến nay hội viên vẫn chưa nhận được. Việc chỉ trích một mục trong Báo cáo tổng họp của Thanh tra từ 31-7-2008 để nói rằng chưa biết hơn 2 tỉ chi vào đâu là việc anh Lê Hoài Lương cố hiểu sai văn bản để phục vụ ý đồ cá nhân. Từ đó, việc bài báo nói chỉ 1/10 đến với hội viên là cách nói không trung thực, thậm chí là vu cáo.

Để người đọc biết cụ thể về Bản báo cáo công khai tài chính 2002-2007 của Hội với nhiều chi tiết,  tôi xin gộp lại còn 11 mục :

 

Chi khen thưởng, tổng kết,  gặp mặt văn nghệ sĩ , Đại hội Hội và 8 chi hội:221.137.719 đ; hỗ trợ cho hoạt động văn học:107.982.032đ; tổ chức ngày thơ Việt Nam: 122.009.910 đ; tổ chức trại đi sáng tác thực tế:77.536.821đ; hoạt động âm nhạc, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian và sân khấu: 138.108.730đ; hoạt động nhiếp ảnh:226.620.937đ; hoạt động mỹ thuật:210.572.856đ; tổ chức câu lạc bộ Văn nghệ, Ban sáng tác trẻ, các khoản hoạt động Ban chấp hành hội và các chuyên ngành:237.584.778 đ; chi xuất bản 31 kỳ tạp chí Văn nghệ Bình Định: 526.464.574đ; chi cho 9 tuyển tập:  Thơ Bình Định thế kỷ XX , 10 năm văn xuôi Bình Định, Nhà văn Bình Định đương đại, 10 năm ca khúc Bình Định, Tranh tượng Bình Định 20 năm, Ảnh nghệ thuật Bình Định 10 năm, 2 tập thơ Nguyên Tiêu, Tập kỷ yếu Hội viên :225.827.248 đ;  sáng tác cho tác giả: 225.632.965đ.

 

Rõ ràng qua các mục chi trên   là chi cho hội viên của Hội  trong đó đã “Hỗ trợ sáng tác”. Bản thân anh Lê Hoài  Lương là người được cử phụ trách chi hội văn học từng tham gia các đợt đi trại sáng tác, đi thực tế , dự các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, các Ngày thơ được tổ chức hoành tráng, dự hàng chục cuộc triển lãm, có nhiều tác phẩm được đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định ( 6 số tạp chí / năm), biết Hội xuất bản nhiều tập sách, nhiều thể loại… Anh Lê Hoài Lương  biết rõ Hội  đã công khai tài chính, anh yêu cầu gì Thanh tra tỉnh cũng cung cấp, nhưng anh cố tình giả vờ không biết gì. Chỉ dựa vào một số liệu rồi bảo : “ hằng năm Hội chi khoản tiền hàng trăm triệu  mà số tiền này không đến được với anh em hội viên”. Theo anh ta có lẽ số tiền “ Hỗ trợ  sáng tạo VHNT của Hội” cần chia ra cho từng  hội viên đến  ký nhận ? Rõ ràng  anh ta đã hồ đồ, cố tình  lừa dối  báo Tiền phong  vừa vu cáo Hội VHNT Bình Định khi viết: “ Hơn 2 tỷ đã quyết toán hiện giờ vẫn chưa được công khai chi vào  đâu”.

 

Về mục “ Hỗ trợ tuỳ hứng”

 

“ Hội đồng VHNT của Hội” xét duyệt các tác phẩm VHNT để hỗ trợ xuất bản, phổ biến và tặng thưởng đã làm theo  thông báo số 108/TB-UB ngày 21 tháng 6 năm 2001 của UBND tỉnh quy định: Chủ tịch Hội VHNT làm Chủ tịch Hội đồng, các Phó chủ tịch Hội và uỷ viên Thường vụ làm thành viên, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể mời một số thành viên khác tham gia Hội đồng.

 

Hội đồng VHNT của Hội có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật để xét hỗ trợ là đúng quy định của Nhà nước. Họ đã làm việc công tâm “ không tư túi cá nhân”. Khi có một ấn phẩm của hội viên ra đời và có đề nghị xét hỗ trợ, Hội đồng VHNT của Hội, sau khi đọc kỹ từng tác phẩm có nhận xét riêng, họp bàn thống nhất rồi đánh giá qua phương thức  bỏ phiếu kín. Tất cả tác phẩm được xếp loại đa số 100% phiếu tán thành, ít nhất cũng 66,66%. Sau đó kết luận xếp loại, kế toán đối chiếu mức chi theo quy định và tính thành tiền theo số trang in, theo chính sách phát triển VHNT của tỉnh.

 

Hội đồng VHNT sau khi đọc kỹ từng tác phẩm có nhận xét riêng, họp bàn thống nhất rồi đánh giá qua phương thức  bỏ phiếu kín. Sau đó kết luận xếp loại, kế toán đối chiếu mức chi theo quy định và tính thành tiền theo số trang in, theo chính sách phát triển VHNT của tỉnh. Việc hỗ trợ sáng tác được khuyến khích  theo đề tài dân tộc, kháng chiến, thiếu nhi, ưu tiên tác giả là nữ,  nghèo, dân tộc thiểu số, quy chế xếp loại A, B, Khuyến khích. Để tạo ra sự công bằng dù tương đối, và nhất là cũng tránh đi sự thắc mắc không đáng có, UBND tỉnh đã có Quyết định mức hỗ trợ xuất bản tác phẩm và phổ biến tác phẩm của văn nghệ sĩ tỉnh Bình Định rất chi tiết, ví dụ trong đó phần văn học, thể loại thơ, định mức hỗ trợ đề tài kháng chiến, dân tộc, thiếu nhi, loại A 25.000 đồng/trang (khổ13x19), loại B 17.000 đồng/ trang (khổ 13x19), định mức hỗ trợ văn nghệ sĩ nghèo, văn nghệ sĩ nữ, văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, loại A 33.500 đồng/trang, loại B 25.000 đồng/trang. Định mức hỗ trợ tài năng trẻ 33.500 đồng/trang. Về văn xuôi, về tranh ảnh, kiến trúc nghệ thuật, âm nhạc nếu là xuất bản phẩm cũng quy định định mức hỗ trợ theo đề tài hoặc theo diện tác giả tương ứng với từng loại, nếu phổ biến theo loại hình triển lãm cũng có các mức hỗ trợ tương ứng. Ví dụ triển lãm ảnh, loại A đề tài 100.000 đồng/ảnh, loại A đối tượng tác giả ưu tiên 150.000 đồng/ảnh, mức cho một bức tranh cũng quy định cao hơn mức của một bức ảnh, cứ thế nhân theo số lượng triển lãm. Tác phẩm của Võ Chí Hà, Nguyễn Ngọc Tuấn, Chơn Hiền cũng tuỳ số lượng mà nhân lên, thế thôi. Còn tác giả Đào Viết Bửu, Trịnh Hoài Linh, Nguyễn Thanh Xuân rất nhiệt thành với sáng tác và công tác xây dựng Hội, và Hội cũng có gợi ý họ xin giấy phép in thơ. Tác giả Khổng Vĩnh Nguyên, Đào Quý Thạnh, Hội đồng xếp theo diện hộ nghèo để tài trợ và thực tế họ cũng có nhiều đầu sách ra đời, 2 lần đạt giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu đó thôi. Còn với tác giả Đào Tiến Đạt, vì chính sách chỉ có mục chi cho giải thưởng quốc gia và phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, chứ không có mục chi cho giải nhiếp ảnh quốc tế. Và anh Đạt cũng được Hội VHNT Bình Định hỗ trợ khi đoạt giải của Hôi NSNA Việt Nam. Ngoài ra, Hội cũng cùng các cơ quan hữu trách đề nghị cho anh Đạt và 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh khác được UBND tỉnh chi 50 triệu để triển lãm trong dịp Festival.

 

Theo Quy chế, nếu xếp loại Khuyến khích thì chỉ bằng 1/3 của loại B tương ứng. Như vậy, mức cho một tác phẩm 50 trang in loại khuyến khích sẽ chênh lệch rất xa mức hỗ trợ cho một tác phẩm 5 hoặc 600 trang loại A. Thực tế, các tác phẩm Huyền tích Kinh xưa, Trở lại Xương Quơn, đều nhận trên 10 triệu đồng là vì loại A, số trang nhiều. Tương tự thế, nhà thơ Nguyễn Văn Chương có đợt nhận 11.828.563 đ, trong đó riêng tập Thơ của anh là 9.988.563 đồng. Riêng nhà thơ Xuân Mai, tập 1,2 hồi ký Ở lại với dòng sông  là 19.799.016 đồng. Trong nhiệm kỳ, có hội viên nhiệt thành sáng tác, được đầu tư các tập cũng hơn 20 triệu, chứ đâu có “nhỏ giọt”. Hoặc tác giả Vân Bích trong nhiệm kỳ cũng có hơn 6 triệu đầu tư cho tác tác phẩm cá nhân, sao anh Lê Hoài Lương lại chỉ tách một tập không tiêu biểu, mà Hội đồng xếp lọai khuyến khích. Tác phẩm của Nguyễn Đình Sinh cũng xếp loại khuyến khích. Còn 48,7 triệu UBND tỉnh chỉ đạo chi cho nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (người Bình Định đang ở Huế) và tác giả Đinh Bá Lộc- nguyên Tỉnh đội trưởng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ- với tập sách kỷ niệm kháng chiến in ở NXB Quân đội Nhân dân thì cũng rất đúng tinh thần ưu ái người viết, dù họ không là hội viên hội VHNT tỉnh, có gì mà anh Lê Hoài Lương chỉ trích.

 

Đôi khi ở thực trạng thơ phong trào địa phương có người có tiền làm thơ cho vui rồi đem in hết tập này đến tập khác để kỷ niệm và biếu tặng . Trong khi đó người có tài, một bài thơ có khi được mua đến trăm triệu đồng, thực tế đã có ở  nước ta. Xếp loại tác phẩm để hỗ trợ là việc làm đúng đắn và tương đối công bằng, không thể tập mỏng cho 3 triệu, tập dày cho 5 triệu. Hoặc “ chỉ cần đăng ký đề tài là được nhận 8- 9 triệu ngay ”. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Tất nhiên mỗi tỉnh có cách chi khác nhau và anh em cũng hiểu ở mức độ tương đối của nó. Còn việc định lượng hơn thua quả không dễ dàng.  Việc xin giấy phép xuất bản hiện nay không quá khó khăn. Có nên lấy “đồng tiền của nhân dân ưu ái rút ruột gửi gắm” như anh Lương đã viết để góp phần “ lạm phát thơ” mà báo chí lâu nay phê phán. Từ năm  1999 Bình Định sớm  đề ra Chính  sách để hỗ trợ  cho hoạt động VHNT đã thể hiện sự ưu ái, đánh giá cao việc đóng góp của VHNT vào đời sống xã hội.

 

Theo chính sách phát triển VHNT tại Bình Định, chính sách gồm toàn bộ các hoạt động chi cho tập thể, cá nhân, vận hành trong guồng máy sáng tạo ra tác phẩm . Ngoài 1/10 số kinh phí chi cho tác giả, nhóm tác giả theo quy định của chính sách, phần 2.319.487.570 đồng  của nhiệm kỳ (2002 –2007) đã được công khai tài chính, gồm  các hoạt động tập thể: chi cho hoạt động Tạp chí Văn nghệ Bình Định, chi cho Ngày thơ Việt Nam hằng năm, chi cho hoạt động Câu lạc bộ, chi cho Gặp mặt văn nghệ sĩ, khen thưởng hằng năm ( tặng Bằng khen Hội VHNT), chi cho sự hoạt động tập thể các chi hội, chi cho các hội viên các hội VHNT chuyên ngành Trung ương dự Đại hội  các Hội chuyên ngành Trung ương ( khu vực và toàn quốc), chi đi dự các trại sáng tác, đi thực tế do Hội VHNT Bình Định cũng như các Hội Trung ương…Những điều trên, thể hiện tình cảm tốt đẹp của lãnh đạo và nhân dân. Nhưng gần đây vật giá leo thang, cần tạo điều kiện thêm cho văn nghệ sĩ,  tỉnh đã thấy cần sửa đổi bổ sung. Từ 8/10/2007 Hội đã có tờ trình xin chủ trương  sửa đổi bổ sung được UBND tỉnh đồng ý .Văn phòng Hội đã 3 lần gửi công văn đề nghị các chi hội có ý kiến cụ thể góp ý sửa đổi bổ sung  Chính sách phát triển VHNT của tỉnh . Nhưng rồi lại xảy ra chuyện kiện cáo, hoặc là sự thờ ơ trong khâu góp ý văn bản hành chính, đến nay cũng chưa có chi hội  nào đến hội photcoppy văn bản để góp ý bổ sung. Để bảo đảm sự dân chủ, các chi hội cần có ý kiến để Thường trực Hội tổng hợp trình ra cuộc họp liên tịch giữa Ban Tuyên giáo, Sở Tài chính, Sở VHTT&DL, Hội VHNT để thống nhất ý kiến trình lên UBND tỉnh quyết định như trrước đây theo quy trình văn bản Quyết định số 120/QĐ/UB Về việc ban hành Chính sách phát triển VHNT tại Bình Định.

 

Việc Chính sách phát triển VHNT của tỉnh chưa kịp thời sửa đổi bổ sung, có một số anh chị em thấy cần hỗ trợ hoặc tài trợ cao hơn mức ổn định nhưng chưa có quy định, Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội sao dám chi bừa?  Nếu  không đúng chính sách, Kho bạc Nhà nước tỉnh sẽ không thanh toán.

 

Chính sách phát triển VHNT do UBND tỉnh Bình Định ban hành có  kèm theo các văn bản cụ thể về loại hình đề tài, đối tượng tác giả, xếp loại và nhân lên theo số trang sách tương ứng, số lượng tranh ảnh triển lãm tương ứng. Như vậy, không thể nào “tuỳ hứng” được.

Cuối mục này tác giả nói đến một số chuyến đi thực tế sáng tác được chi 300.000đ rồi bảo là chi “ bèo bọt”. Thử hỏi được để tổ chức các chuyến đi này, Hội đã cử cán bộ liên hệ, Hội làm  công văn đề nghị đến các đơn vị cho anh em đến tham quan. Sáng đơn vị đem xe đến đón, tổ chức  ở lại đãi đằng, hướng dẫn tham quan và chiều đưa trả về Hội. Buổi sáng lên đường Hội chi 20.000đ/ người để ăn sáng như thế đâu có “bèo” theo giá ở Quy Nhơn. Tác giả bài báo cũng từng đi như vậy, nhưng sao lại đòi phải chi cho nhiều, nếu chi nhiều nữa chắc thế nào cũng bị kiện! Còn các chuyến đi thực tế riêng của các Chi hội thì Hội vẫn thuê xe và đảm bảo công tác phí theo quy định của nhà nước.

 

Đáng tiếc, tác giả Lê Hoài Lương đã cố gắng lập lờ, đánh tráo hai khái niệm 2.319.478.570 đồng và 225.632.965 đồng, làm cho độc giả báo Tiền phong khó phân biệt hư thực, tạo cho người ta cái cảm giác không trong sáng từ phía những người thực thi.

 

Từ cuối 2007, theo kết qủa cuộc họp BCH mở rộng, các Chi hội trưởng liên quan đã tham gia vào Hội đồng VHNT  xét hỗ trợ sáng tạo và anh Lê Hoài Lương cũng mấy lần tham gia xét, hiểu rất rõ Chính sách và Quy chế, cớ sao tìm cách không nhìn rõ vào cái chung, cứ lơ lửng đánh tráo sự thật?

 

Về mục “Bình Định có chính sách riêng?”

Thực tế trong toàn quốc hiện nay,việc tổ chức bộ máy, việc hỗ trợ  cho Hội VHNT không tỉnh nào giống tỉnh nào, chưa có một mô hình hoạt  động của Hội nào được gọi là “ Quy chuẩn” nhất. Có những tỉnh giàu trước đây từng cho Hội mỗi năm hàng tỷ, trong khi tỉnh nghèo chỉ được chi tiền triệu. Như ở trên tôi đã nói  Bình Định là tỉnh có chính sách phát triển VHNT đầu tiên trong cả nước được ban hành và Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tổ chức báo cáo điển hình trong Hội nghị cán bộ quản lý VHNT tại Cần Thơ năm 2002. Đặc biệt từ khi thành lập Hội  cho đến nay, lúc nào lãnh đạo tỉnh  cũng rất ưu ái, các ngành các cấp đều ủng hộ Hội. Nếu nói “ Bình Định có chính sách riêng” theo nghĩa tốt cho tỉnh thì không sai. Ở đây tác giả bài báo đã “chứng minh” “ Chính sách riêng” là chính sách bậy bạ nhỏ giọt, tuỳ hứng… Đây là một bài viết với những dẫn chứng ẩn ý hiểm ác, kết luận hết sức vô trách nhiệm trước thềm Đại hội VHNT Bình Định lần thứ IV! Trong khi tỉnh nhà hằng năm chi khoản tiền  hàng trăm triệu vì mục tiêu phát triển VHNT mà số tiền này lại “không đến được anh em  văn nghệ sĩ”. Một câu nói đón đưa bừa ẩu , một sự vu cáo bỉ ổi.Thử hỏi lương tâm và trách nhiệm người viết báo viết văn ở đâu, mà anh Lê Hoài Lương đã hạ bút viết bài này như vậy? Nói như vậy hơn 2 tháng Đoàn Thanh tra làm việc, từ tháng 6 đến tháng 7-2008 chẳng được gì? Liệu nói như vậy có xúc phạm đến Thanh tra Nhà nước tỉnh, xúc phạm đến Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định, đến các cơ quan pháp chế , cơ quan quản lý tài chính, kho bạc Nhà nước tỉnh đã nghiên cứu xem xét việc thu chi của Hội và xúc phạm đến tổ chức Hội. Do đơn kiện của anh, người ta đã tốn công sức vào cuộc, minh bạch hóa vấn đề. Đến nay tất cả Ban Thường vụ Hội được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chứng minh rành rành sự trong sạch trước anh chị em hội viên và trước công luận. Và họ đang xúc tiến chuẩn bị Đại hội một cách thanh thản, vui vẻ.

 

Ngoài phần chi như trên, UBND tỉnh còn quy định Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu 5 năm một lần, giải A 12 triệu, giải B 8 triệu, giải khuyến khích 5 triệu, không hạn chế số lượng giải thưởng cho từng người, cũng là một cách đầu tư để “tái sản xuất”. Một vài ví dụ điển hình như: có hội viên viết một tập hồi ký và một tập thơ được chi  hơn 30 triệu cả tiền hỗ trợ in ấn lẫn giải thưởng; có hội viên khác cũng đã nhận cả giải thưởng thơ kịch bản, kịch hình thành vở diễn hơn  30 triệu đồng. Hay như các công trình nghiên cứu sưu tầm của các hội viên văn nghệ dân gian và VHNT các dân tộc thiểu số, Hội cũng đứng ra bảo vệ trước hội đồng khoa học để mỗi hội viên có được cả trăm triệu đồng thực hiện, ví dụ công trình của các hội viên: Nguyễn Xuân Nhân, Đoàn Văn Téo, Yang Danh, Đinh Văn Thành đã và đang thực hiện. Như vậy, đó cũng là một cố gắng không nhỏ của tỉnh nhà trong việc đầu tư cho lĩnh vực VHNT.

 

Nhân đây, tôi xin đưa ra vài con số cho thấy cố gắng của Hội trong việc thực thi các điều kiện cho hội viên hoạt động nhiệm kỳ qua: Phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mở Trại viết tại Quy Nhơn, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam mở Trại sáng tác ca khúc tại Quy Nhơn, phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức Hội thảo Xuân Diệu và giao lưu với Trường Đại học Quy Nhơn, phối hợp với Hội Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tranh, tượng, ảnh khu vực Nam miền Trung- Tây Nguyên tại Quy Nhơn…Trong một nhiệm kỳ, đã có đến 22 hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương, nâng tổng số hội viên Trung ương tại Bình Định gần cả trăm người, điều đó làm sao không làm anh Lê Hoài Lương thừa nhận thiện chí của Hội mà cứ đi “vạch lá tìm sâu” “cố đấm ăn xôi” chứng minh những sai trái của Hội không có thật thành có thật! Điều này, khiến người ta không thể không nghĩ đến việc anh đã học ở sách Tàu, sàm nhân nói với mẹ ông Tăng Sâm, nói một lần người ta không tin thì nói nhiều lần thế nào cũng có lúc tin. Hàng chồng đơn kiện mới của anh về các vấn đề đã cũ, đã minh chứng cho nhận định đó. Nhưng không ai tin anh cả, các cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết rành mạch và trả lời trước các cuộc họp.

 

Trong khi các cơ quan quản lý Tài chính, từ Kho bạc Nhà nước đến Sở Tài Chính mỗi lần ký cho rút tiền, cho quyết toán đều dựa trên chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước và của tỉnh. Thu chi ở Hội được kết luận “Đúng chế độ chính sách” nhưng lại bị anh Lê Hoài Lương  nói lơ lửng “cảm giác”“ bị sử dụng méo mó”. Sao anh Lê Hoài Lương không trích luôn một kết luận Thanh tra ngày 31-7-2008: “Nghiêm túc kiểm điểm phê bình cán bộ hội viên gửi đơn thư phản ánh nêu có nội dung không đúng”.

 

Qua sơ bộ trình bày của tôi, tôi có thể khẳng định: Chính tác giả bài báo  “Hỗ trợ sáng tác, nhỏ giọt, tuỳ hứng” đã cố tình  “ méo mó” để vu cáo. Đối với một người viết văn viết báo yêu cầu tối thiểu là phải có cái tâm “ chân- thiện- mỹ”. Lê Hoài Lương qua bài báo vừa  nói ở  trên đã thiếu hẳn 3 điều ấy.

 

Văn Thinh

 ( Trưởng ban Kiểm tra Hội VHNT Bình Định) Số DD: 0914120825

 

 “TÙY  HỨNG  HỖ  TRỢ” hay    TÙY  TIỆN  PHÊ  PHÁN

Khi đọc bài “ Hỗ trợ sáng tác” nhỏ giọt, tùy hứng của Lê Hoài Lương được đăng trên Tiền Phong Online ( Chủ Nhật, 12/4/2009 )thì rất nhiều anh chị em trong Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định đều bất bình về những nội dung sai trái của nó.

        

Với tư cách là hội viên của Hội, nguyên là phó thư ký chi hội Nhà báo tạp chí Văn nghệ Bình Định, tôi xin có đôi lời kính gởi lên Ban biên tập của bản báo này.

         

Bài viết này không ngoài mục đích cung cấp cho Ban biên tập nội dung kết luận của Đoàn thanh tra mà UBND tỉnh Bình Định căn cứ vào đó, đã ra quyết định ( Quyết định số 1684/ QD-CTUBND, ngày 07/8/2008 ) yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, hội viên đã có đơn thư phản ảnh, nêu những nội dung không đúng sự thật .

         

Nội dung cốt lõi của kết luận là trong 5 năm ( 2002- 2007 ) hoạt động, Hội Văn học nghệ thuật Bình Định đã thực hiện đúng việc thu chi tài chính kế toán, không để xảy ra hiện tượng xâm phạm tài sản, tiền nong của Nhà Nước, cán bộ quản lý không có biểu hiện tư túi cá nhân, lạm dụng tiền tài của Ngân sách.

         

Nhiều nội dung phản ảnh không đúng, gây nghi ngờ làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể Hội và  cá nhân lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tỉnh.

         

Từ nhận thức riêng của mình, tôi vẫn nghĩ là Ban biên tập báo Tiền phong chưa hề biết được nội dung kết luận của Đoàn thanh tra tỉnh và cũng chưa thấu hiểu hết trách nhiệm cùng sự lo lắng của lãnh đạo tỉnh Bình Định đối với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà đang có những biểu hiện chống báng cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ bỡi những đơn thư phản ảnh sai sự thật của một số cán bộ hội viên của Hội. 

          

Sau đây, tôi xin phân tích mấy điều mà theo tác giả bài báo là những “đòn phủ đầu” đối với lãnh đạo Hội VHNT Bình Định.

         

Đó là “tiền đi đâu?”, anh ta thẳng thừng vạch mặt rằng: với 2,3 tỷ đồng khoản  tiền chi trong 5 năm :2002-2007 (Số tiền được tính từ những con số kết luận của Đoàn thanh tra: Tổng số kinh phí hoạt động được cấp: 2.790.670.000đồng, tổng số kinh phí đơn vị được thanh quyết toán:2.319.478.570đồng) . “ Nhưng  chỉ có 225.632.965 đồng, chỉ bằng 1/10 so với tổng số tiền đã chi là đến được với hội viên” .Đây quả đúng là một “ý kiến lớn” mà tác giả đã dựa trên sự nhận định lệch lạc, nghi ngờ người khác theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người” của mình.

        

Trời đất ơi! Chẳng lẽ Đảng, Nhà Nước cho thành lập Hội VHNT ra để rồi thành cái nơi có quyền đi nhận tiền Ngân sách về rồi chỉ độc làm một cái việc duy nhất là chia tiền đút túi hay sao mà anh ta cứ khẳng khái chất vấn thế?.

       

Xin nói rõ, số tiền trên 225 triệu đồng đó là số tiền mà Hội đã chi cho một số hội viên có tác phẩm theo đúng mức hỗ trợ mà lãnh đạo Tỉnh đã cho phép ( theo quyết định của UBND tỉnh đã nêu trên ). Không có khoản tiền nào”đến được với hội viên”một cách chung chung xô bồ theo kiểu suy nghĩ mờ ám của tác giả.

        

Không cần nói, ai cũng hiểu là kinh phí sáng tạo văn học được Tỉnh cấp là để phục cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

        

Trong 5 năm trời (2002-2007 ), với khoản kinh phí tuy không nhiều nhưng đã được lãnh đạo Tỉnh cân đối, hỗ trợ như vậy, Hội khắc phục rất nhiều khó khăn thiếu thốn để đảm bảo thực hiện được những hoạt động chuyên môn của cả 8 chi hội chuyên ngành, đảm bảo số kỳ, số lượng tạp chí văn nghệ, rồi đi thực tế, hội họp…trong từng năm.  Và các khoản chi tiêu ấy, hằng năm, Hội đều phải chấp hành  nghiêm chỉnh chế độ thanh quyết toán với Sớ Tài chính, với Kho Bạc Nhà nước. Nếu chi sai một đồng, Hội sẽ bị các cơ quan quản lý tài chính này xuất toán, buột bồi hoàn ngay.                                                          

        

Do vậy, còn lại 2,1 tỷ đồng, con số do Lê Hoài Lương làm phép trừ, rồi gân cổ hỏi: “Chi vào đâu và sao chưa được công khai?” thì ta cũng dễ dàng hiểu được khoản tiền ấy chi vào đâu.

       

Còn về công khai số liệu thì rõ ràng từ  12/2007, Hội đã dán bản”Bản báo cáo tài chính công khai 5 năm (2002-2007) ở tại văn phòng Hội để tất cả hội viên có điều kiện tìm hiểu, ghi nhận.

      

Và cái vấn đề “Hỗ trợ tùy hứng” và “Bình Định có chính sách riêng!?” mà anh ta đã dồn bút lực để giáng “đòn chí tử” xuống Thường vụ Hội và cả lãnh đạo Tỉnh thì nó cũng đủ để bộc lộ sự hám tiền và cả sự hiểu biết nửa vời của anh ta về trách nhiệm kiểm toán và chế độ quản lý tài chính mà Nhà Nước đã giao cho các cơ quan chuyên môn .

       

Có lẽ nhiều anh em trong Hội văn nghệ thuật tỉnh đã biết Bình Định là tỉnh đầu tiên sớm ban hành quy định về sự hỗ trợ xuất bản và phổ biến tác phẩm của văn nghệ sĩ . Đây chính là sự quan tâm  của lãnh đạo tỉnh đối với lực lượng sáng tác văn học. Và Hội cũng là cơ quan đã tranh thủ trình và mong Tỉnh  sớm ban hành chính sách hỗ trợ đó. Ấy thế mà khi Hội chi phí theo quyết định của Tỉnh thì anh ta lại phê phán là: “Dường như không có quy chuẩn nào”

       

Còn 3-4 “minh chứng” nữa mà anh ta đã nghe láo nháo đâu đó lại vơ vào làm căn cứ để phê phán Thường vụ Hội là “hỗ trợ tùy hứng”.

      

Xin nói nhỏ (vì thực ra cũng chẳng muốn nhiều người biết ) về cái chuyện mà anh ta “cần nói thêm”. Và cũng chính cái điều anh ta  nói thêm này, nó đã làm lộ rõ cái chân tướng hám tiền mà  anh ta đã khéo giấu khuất sau những lời lẽ quy kết chê bai lãnh đạo Hội. Đó là chuyện Hội tổ chức các chuyến đi thực tế về các địa phương và đến các  doanh nghiệp và được các đơn vị này  cho xe đưa đi đón  về và chiêu đãi cơm nước nghỉ ngơi. Cho nên sau mỗi chuyến đi, Hội chỉ chi theo thực tế (là 300.000 đồng cho 15người/một chuyến, khi đi Cát Khánh- Đề Gi, Thủy điện Sông Hinh năm 2006) thì bị anh ta phê phán ngay:”Sao lại có thể chi số tiền quá bèo bọt như vậy”. Theo anh thì Hội phải lên dự toán đúng ba -rem  nào tiền xe cộ đi về, nào tiền ăn, tiền nứơc uống, nào bao thứ chi cần cho tham quan sáng tác, …nghĩa là dư sức, dư chứng cứ để rút tiền triệu trong Ngân sách đem về mà chia cho anh em, như thế mới là đúng điệu, không tùy hứng.

       

Và để tiếp tục minh chứng cho ý kiến phê phán “xác đáng” của mình, anh ta đã nêu lên một số dẫn chứng việc chi tiền hào phóng cho văn nghệ sĩ của một số tỉnh bạn ( như Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi,…).

Như “Hội viên ở khắp nơi chỉ cần đăng ký đề tài là được nhận 8-9 triệu đồng.

Như Chi hội nhiếp ảnh của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên : “Được giải ngân ngay 40 triệu đồng từ đầu năm (2008).

Như ở Gia Lai, tỉnh tài trợ theo quy mô: “cứ thơ mỏng hơn truyện nên quy đồng 3-5 triệu đồng / một cuốn”.

 

Và như Quảng Ngãi “cũng chi hẳn hết tiền cho anh chị em nào đăng ký trong năm”.

 

Việc mỗi tỉnh có một chính sách riêng là việc bình thường và việc nghiên cứu học tập lẫn nhau là việc do Trung ươg Hội tổ chức hoặc các hội tìm hiểu qua văn bản trao đổi. Không chối cãi gì, khi chính anh ta đã bảo những việc này là nghe từ nhà thơ này, nhà văn nọ nói… Ấy thế mà anh ta không  ngần ngại gì khi lên tiếng  chê trách quy định hỗ trợ của Tỉnh nhà  và ra ý mách bảo, chỉ vẽ cho lãnh đạo Tỉnh Bình Định nên học tập và áp dụng những thông tin chưa kiểm chứng ấy.

 

Thật là cách nghĩ  và lối nói của một con người hay tùy tiện và thiếu mô phạm.

Cuối cùng, tôi kính mong Ban biên tập Báo quan tâm .                                                               

 

Phạm Thành Trai

(Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam- Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định)

ĐT: 0986606216

 

 

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 3472
Ngày đăng: 14.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đối thoại với các linh hồn. - Ban Mai
Người gọi những giấc mơ - Lê Huỳnh Lâm
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Bình luận mỹ học :cũ và mới. - Yến Nhi
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc - Nguyễn Hưng Quốc
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Chiến tranh và cuộc đời – nhìn từ cây bút trẻ - Nguyễn Trung Bình
Bóng người trong Đời vạn dặm - Lê Khánh Mai
Khát vọng về một tình yêu thần thánh - Đặng Văn Sinh
Uống rượu với chồng, Một "đoạn trường thơ" - Đặng Văn Sinh
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)