Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
502
115.989.976
 
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872-Những vấn đề tồn nghi
Đinh Kim Phúc

 

Khi giải thích về địa danh Vũng Liêm (thuộc tỉnh Vĩnh Long) tác giả Hồ Tĩnh Tâm đã viết: “Vũng Liêm gốc là Vũng Linh, hẳn ngài đại tá thực dân hiểu hơn ai hết về điều đó. Sau cái chết của ngài quan năm dưới tay Đốc binh Cẩn, Chánh quyền Pháp ở địa phương đã xua quân xuống khu vực Cầu Đá để trả thù. Hàng trăm người dân vô tội đã bị khủng bố trắng bằng súng đạn. Phụ nữ bị hãm hiếp. Trẻ sơ sinh bị bỏ vào cối mà giã. Xác người bị vùi xuống vũng nước lớn. Oan hồn của muôn dân đêm đêm nổi lên than khóc, nên người đời mới gọi là Vũng Linh; về sau đọc trại đi thành Vũng Liêm như bây giờ”.(1)

 

Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp gắn liền với địa danh Vũng Linh mà Hồ Tĩnh Tâm đề cập đến đó là cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Quận Vũng Liêm (Vĩnh Long) mà các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương gọi là “Cuộc khởi nghĩa Cầu Vông” và Lê Cẩn, Nguyễn Giao được xem là linh hồn của cuộc khởi nghĩa này.

 

Về hai nhân vật Lê Cẩn, Nguyễn Giao, trên trang mạng của tỉnh Vĩnh Long (2) chúng tôi thấy đã được ghi nhận bởi các chi tiết sau đây:

 

a. “Ông Lê Cẩn - chưa rõ quê quán - nguyên là một võ quan của triều đình Huế, làm đến chức Đề đốc. Khi nói về ông, sử sách thường ghi là Đốc binh Lê Cẩn”, “Cho đến lúc này chưa ai tìm được một cứ liệu lịch sử nào nói về năm sinh, quê quán, cuộc đời của người anh hùng nghĩa quân Nguyễn Giao. Thế nhưng, đã hơn trăm năm nay tên họ của ông gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Đốc binh Lê Cẩn, gắn liền với trận chiến Cầu Vông ở Vũng Liêm vào năm 1872”.

 

b. “Hiệp ước Patenôtre ký năm 1862 giữa triều đình Huế và thực dân Pháp thực chất là một hàng ước nhục nhã, đã gây công phẫn cao độ trong giới sĩ phu yêu nước và nhân dân 3 tỉnh miền Đông (bị dâng cho Pháp) và Nam bộ nói chung”.

 

c. “Theo tài liệu cũ thì mặc dù Tôn Thọ Tường đã lưu ý can ngăn nhưng Bồi Xê (tên tục của Salicetty) vẫn chủ quan, nghênh ngang đến Cầu Vông để nhận sự ‘đầu hàng’ của Lê Cẩn”…

 

Tất cả những chi tiết trên đều phù hợp với nội dung về cuộc khởi nghĩa này trong tác phẩm “Vĩnh Long xưa và nay” của Huỳnh Minh. (3)

 

Đến đây, chúng tôi xin mạn phép trao đổi cùng với các tác giả biên soạn phần lịch sử trên trang mạng của tỉnh Vĩnh Long:

 

- Ở chi tiết (a), đoạn viết “Khi nói về ông, sử sách thường ghi là Đốc binh Lê Cẩn”. Vậy sử sách thường ghi là quyển sử nào? Sách gì? Hiện nay đang được lưu trử tại đâu?

 

- Ở chi tiết (c), đoạn viết “Theo tài liệu cũ thì mặc dù Tôn Thọ Tường đã lưu ý can ngăn nhưng Bồi Xê…”. Thế thì theo tài liệu cũ là tài liệu nào?

- Còn đoạn nói về Hiệp ước Patenôtre ở chi tiết (b) thì hoàn toàn sai, bởi vì Hòa ước Patenôtre, còn gọi là Hòa ước Giáp Thân, là hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884. Gồm có 19 điều khoản. Đại diện các phía: nhà Nguyễn: Nguyễn Văn Tường, Phạm Thuận Duật; phía Pháp: Patenôtre (đại sứ của Pháp). Đây là một trong các hòa ước công nhận sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn trước sự xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam [Thực ra, nhà Nguyễn đã phải công nhận sự bảo hộ của Pháp từ trước đó với Hiệp ước Harmand (Hòa ước Quý Mùi) năm 1883. Tuy nhiên, những điều khoản trong hiệp ước Harmand quá nặng nề nên đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ các vua quan trong triều và nhân dân cả nước. Vì thế, Hiệp ước Patenôtre ra đời có tác dụng xoa dịu sự phản đối của dư luận và vua quan nhà Nguyễn. Theo hòa ước này, Thực dân Pháp sẽ trả lại phần đất từ Ninh Bình (thuộc Bắc Kỳ) trở vào đến Hà Tĩnh ở phía Bắc, và tỉnh Bình Thuận ở phía Nam cho nhà Nguyễn. Ngoài ra về căn bản Hòa ước Patenôtre không có gì khác biệt so với Hiệp ước Harmand đã ký trước đó].

Chính vì những nghi vấn trên, chúng tôi tìm đọc các tài liệu khác như cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1873), Sơn Nam đã viết: “Chúng ước lượng lực lượng nghĩa quân chừng 400 hoặc 500 và than phiền là không thắng trận hoàn toàn. Nghĩa quân chạy thoát quá nhiều vì cánh quân tiếp viện của tỉnh Châu Đốc không chịu tới kịp thời. Một chi tiết đáng chú ý là phó quản Hiếm và bọn mã tà của y bắt thêm được 13 nghĩa quân: tất cả những người này đều là dân từ Bến Trẻ, từ Trà Vinh đến hưởng ứng chánh nghĩa của ông Trần Văn Thành.

 

Bọn pháp còn tịch thâu một số giấy tờ, xác phận rằng ông có liên lạc với nhiều tỉnh ở Nam Kỳ để khởi nghĩa, ông đã từng ở Rạch Giá (vụ Nguyễn Trung Trực) và ở Vũng Liêm (có lẽ vụ giết chết tên chủ tỉnh Salicetti)[Chúng tôi nhấn mạnh].(4)

 

Đọc lại các sách lịch sử đã xuất bản cách nay hơn 50 năm như Nam Bộ chiến sử(5), trong phần phụ lục, mục Việt Nam cách mạng sử đồ, Thời kỳ thứ nhất (1859-1884),trang III, tác giả đã trình bày:

 

Phong trào cách mạng

Đảng phái thủ lãnh

Khẩu hiệu chủ trương

Chú thích

 

 

 

1872-Khởi nghĩa Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ, Bến Tre

Dân chúng

 

Tham biện Saliceti bị giết tại Vũng Liêm

 

 

Trong Việt Nam tranh đấu sử, thời gian 1871-1872, tác giả đã viết: “Khắp miền Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, quân Cần vương nổi dậy tứ tung.(6)

 

Cũng như lịch sử địa phương Vĩnh Long đã ghi nhận: “(Ngay thời Pháp thống trị chúng đã cho xây một trụ đá hàm ý ghi nhớ “công lao” của Salicetty và bè lũ !). Ngày nay, cũng tại đây nhân dân Vũng Liêm đã xây một bia tưởng niệm để luôn luôn tưởng nhớ tấm gương anh dũng bất khuất của các nghĩa sĩ Cầu Vông. Ở ấp Đầu Giồng xã Bình Phú, huyện Càng Long vào ngày mồng 3 tết âm lịch hàng năm có ngày giỗ hội. Đó cũng là biểu hiện sự tưởng nhớ các nghĩa sĩ vì nước bỏ mình. Tương truyền khoảng 200 người bị giặc đưa về đây hành hạ, giết chết và vùi xác nơi đây”.(7)

Đến đây, kết luận thứ nhất mà chúng tôi đưa ra là cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1872 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long là một sự thật lịch sử, nhưng thật sự có phải Lê Cẩn, Nguyễn Giao là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Vũng Liêm năm 1872 hay không?

Chúng tôi thấy rằng trong số 33 “Con người và Danh nhân tỉnh Vĩnh Long”(5)   tên nhân vật Lê Cẩn, Nguyễn Giao được nhiều lần nhắc đến như là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa, nhưng trên trang mạng của tỉnh Tiền Giang, trong mục Địa chí Tiền Giang / Chương ba: Quân dân Định Tường chống thực dân Pháp xâm lược (1859 - 1894), ở phần trình bày về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân lần thứ ba (1872-1878), chúng tôi thấy: “Một năm sau ngày “Tứ Kiệt” hy sinh, năm 1872 ở Tiền Giang lại bùng lên một cuộc khởi nghĩa mới do Nguyễn Hữu Huân và Âu Dương Lân lãnh đạo. Từ căn cứ Bình Cách (Chợ Gạo), cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra ở khắp vùng Mỹ Tho, Tân An và Chợ Lớn. Bấy giờ Nguyễn Hữu Huân bị đày ở Cayenne vừa được tha về giam lỏng với tư cách là người dạy học ở nhà Tô Đốc Phủ (Chợ Lớn). Thỉnh thoảng ông được về thăm gia đình rồi bí mật quan hệ với Âu Dương Lân, tổ chức cuộc khởi nghĩa.

Nhiều thủ lĩnh nghĩa quân ở các địa phương khác đã tích cực tham gia như Nguyễn Văn Chất ở Vĩnh Long [chúng tôi nhấn mạnh], Lê Công Thành, Lâm Lễ ở Cần Thơ, Long Xuyên. Đặc biệt, lần khởi nghĩa này Nguyễn Hữu Huân đã thu hút sự tham gia của hàng trăm hương chức, hội tề của mấy chục làng trong huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Hòa của phủ Kiến An, nơi trước đây ông làm Giáo thọ. Nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ trong suốt hai năm, đến giữa năm 1874 do thiếu thốn vũ khí, lương thực, nên lực lượng suy yếu dần”.(8)

Vậy ông Nguyễn Văn Chất là ai? Là thủ lĩnh nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa nào ở Vĩnh Long mà trên trang mạng của tỉnh Tiền Giang lại nhắc đến?

 

Trong quyển “Phụ trương của Báo Cứu Quốc”, số Xuân năm 1947 và nhất là trong tác phẩm nổi tiếng của Giáo sư Trần Văn Giàu,“Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” (9) đã viết: “Năm 1875(10), nhân dân tỉnh Vĩnh long, quận Vũng liêm, vùng Láng thé, nổi dậy dưới quyền chỉ huy của cụ Nguyễn Văn Chất 60 tuổi, giết chết một số quan quân Pháp”.

 

Nếu như trong Nam bộ chiến sử không nêu được tính chất của cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Vĩnh Long và trong Việt Nam tranh đấu sử tác giả đã nhằm lẫn khi cho rằng các cuộc khởi nghĩa ở miền Tây Nam bộ trong thời gian này mang tính chất Cần Vương, thì tác giả Trần Văn Giàu đã trình bày tính chất của cuộc khởi nghĩa này một cách có cơ sở khoa học: “ Cuộc khởi nghĩa này có quan hệ với một cuộc vận động tôn giáo gọi là “Đạo Lành”. Ngay khi mới xuất hiện, Đạo Lành đã được Pháp nhận định rằng nó không phải là một tôn giáo đơn thuần mà là một tổ chức dân tộc dưới hình thức tôn giáo cho nên chúng gọi đó là thứ “chủ nghĩa dân tộc tôn giáo”. Đạo Lành phát triển rất nhanh. Pháp theo dõi rất kỹ và nghị định 22-8-1874 của chính quyền thực dân buộc Đạo Lành phải giải tán. Đạo Lành bị khủng bố bèn chuyển thành “Đạo Phật đường”, “Đạo Minh sư” và tiếp tục truyền bá cái mà Pháp gọi là “chủ nghĩa dân tộc tôn giáo”.(11)

 

Sự lý giải của Trần Văn Giàu phù hợp với nhận định của Sơn Nam khi trình bày về cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (12) : “Tháng sau, ngày 22-4[?]-1873, một nghị định được ban hành do đô đốc Dupré nghiêm cấm không cho dân chúng được theo đạo Lành vì đạo này xúi giục dân đi lạc khỏi đường ngay nẻo chánh. Nghị định nói trên cũng cho biết còn nhiều người đi truyền giảng đạo này ở toàn Nam Kỳ, hàng giáo phẩm của đạo cũng như tín đồ sẽ bị phạt theo luật đàng cựu, xem như là gian đạo sĩ, phiến loạn”.

 

Tạm kết:

 

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1872 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long là một sự thật lịch sử và cuộc khởi nghĩa này là một phong trào yêu nước mang hình thức tôn giáo.

 

Về hai nhân vật Lê Cẩn, Nguyễn Giao gắn liền với cuộc khởi nghĩa năm 1872 được trình bày bởi các tài liệu lịch sử địa phương ở Vĩnh Long từ sau năm 1975 là xuất phát từ tài liệu duy nhất “Vĩnh Long xưa và nay” của Huỳnh Minh từ năm 1966. Cho đến nay chúng tôi thấy rằng trong khoảng thời gian từ năm 1947 cho đến năm 1966 không có một tài liệu lịch sử nào khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Vĩnh Long mà có tên hai nhân vật Lê Cẩn, Nguyễn Giao.

 

Căn cứ vào các tài liệu của Giáo sư Trần Văn Giàu, chúng tôi thấy rằng tên nhân vật Nguyễn Văn Chất trong cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Vĩnh Long xuất hiện trước tên hai nhân vật Lê Cẩn, Nguyễn Giao ít nhất là 20 năm và được nhiều tài liệu lịch sử nhắc đến. Điều này bước đầu có thể đặt ra giả thiết: Cụ Nguyễn Văn Chất, 60 tuổi chính là thủ lĩnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long.

 

Kiến nghị:

 

Để góp phần làm sáng tỏ tính chất và người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1872 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Long sớm tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về chủ đề này để giải mã những tồn nghi mà chúng tôi đặt ra.

 

Chú thích:

(1) Nguồn: http://hotinhtam.vnweblogs.com/post/1022/71909

(2) Nguồn: http://www.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?PageContentID=165&tabid=338

(3) Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa và nay, Cánh Bằng xuất bản năm 1966.

(4) Nguồn: http://www.freelists.org/post/smcc/Cuoc-khoi-Nghia-Bay-Thua

 

(5) Nguyễn Bảo Hóa, Nam Bộ chiến sử, Lửa Sống xuất bản, MCMXLIX (Viết xong tháng 5/1947). [Lưu trử Thư viện KHXH, Vb 11416]

 

(6) Phạm Văn Sơn, Việt Nam tranh đấu sử (Lược khảo), NXB Vũ Hùng, Hà Nội, 1951, trang 88. [Lưu trử Thư viện KHXH, Vv 3951]

 

(7) http://www.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?PageContentID=166&tabid=338

 

(8) Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?cap=4&idcha=2589&id=2611

 

(9) Trần Văn Giàu, “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Tập 1, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, trang 522.

(10) Sách in năm 1875 thay vì là năm 1872, đây là lỗi in ấn.

(11) Xem “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Tập 1”, Sđd, từ trang 522-544.

 

(12) Sơn Nam, Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, nguồn đã dẫn.

 

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 4383
Ngày đăng: 17.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàn Xã tắc thờ ai ? - Hà văn Thùy
Tấm Lòng của Phan Đình Phùng Rạng ngời như trăng sao - Lê Ngọc Trác
Mối quan hệ bất cân xứng - Lê Hải*
Trung Quốc có dám ....không? - Đinh Kim Phúc
Mục Lân, An Lân, Phú Lân? - Đinh Kim Phúc
Những ngày này 55 năm trước – nhớ lại Hội nghị Genève - Đinh Kim Phúc
Đài loan hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
LỊch sử và sự công bằng - Đinh Kim Phúc
Game Over! - Đinh Kim Phúc
Vì sao Greenland lại chủ trương độc lập với Đan Mạch? - Nguyễn Văn Toàn
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)