Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
794
116.523.792
 
Hiểu và làm
Thu Nguyệt

(Trích tham luận Đại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp lần V)

 

 

Trong xã hội con người hiện đại, điều quan tâm trước tiên là nền kinh tế, nhưng mục đích hướng đến của nhân loại là xây dựng một xã hội văn minh. Phải làm kinh tế  là để sống, còn sống để làm gì thì mỗi người có một quan niệm, mục đích, cách sống  khác nhau, nhưng tựu trung lại thì điểm hướng đến của nhân loại vẫn là cái Chân-Thiện-Mỹ. VHNT của chúng ta là phương tiện hàng đầu  để xây dựng cái Chân-Thiện- Mỹ.


Muốn thành công trong bất cứ một việc gì, cũng cần phải có 2 điều: Hiểu và làm. Làm mà không hiểu dễ trở thành tội phạm. Hiểu mà không làm có khi sẽ trở thành tội ác.


I. HIỂU:


Tầm quan trọng của VHNT trong đời sống tinh thần con người.

 

Ông bà ta có nói một câu rất hay, ai cũng nghe, cũng biết nhưng chưa chắc ai cũng hiểu được một cách thấu đáo câu nói ấy. Đó là câu: "Có thực mới vực được đạo". Câu thành ngữ này không chỉ ở Việt Nam ta mà rất nhiều nước trên thế giới cũng có câu tương tự như vậy, chứng tỏ đây là một chân lý của nhân loại. (Đạo ở đây là gì? Là Chân - Thiện - Mỹ, Đạo thuộc về đời sống tinh thần con người. Nhiệm vụ của văn học nghệ thuật chúng ta là góp phần xây dựng đời sống tinh thần con người, góp phần xây dựng cái "Đạo" này đây.)

 

 "Có thực mới vực được đạo", nghe câu nói này nếu không ngẫm kỹ, chúng ta dễ hiểu theo một cách rất thông thường rằng chuyện ăn no là quan trọng nhất, có ăn no rồi mới lo tới chuyện "vực" - tức là  dựng dậy được đạo lý. Thật ra - theo tôi nghĩ - câu nói ấy không chỉ có ý nghĩa như thế. Hiểu bao nhiêu đó thôi là chúng ta hiểu theo "chủ nghĩa thực dân" rồi! 

Ăn no là yếu tố hàng đầu để dựng dậy Đạo. Vấn đề hướng tới ở đây là dựng dậy Đạo chớ không phải là ăn no! Ăn no là phương tiện, không ăn no không thể dựng dậy được Đạo. Khi nói câu ấy tức con người đã đề cao cái chuyện Đạo hơn cái chuyện ăn.  Con người cần xây dựng một xã hội loài người tốt đẹp, trong đó có chuyện ăn no, nhưng đa số con người đã nghĩ rằng ăn no là mục đích nên những cuộc tranh giành, chiến tranh liên miên, đã không ngừng diễn ra từ ngày con người biết đốt lửa để nướng thức ăn cho đến bây giờ!

 

"Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" Vâng! Chúng ta phải giàu, phải mạnh để mà xây dựng một xã hội công bằng văn minh. Công bằng văn minh là mục tiêu hướng tới của chúng ta. Làm kinh tế là quan trọng lắm, nhưng cũng đừng phút giây nào chúng ta lơ là việc chăm sóc cho đời sống tinh thần. Làm kinh tế mà đời sống tinh thần sa sút thì dẫn đến việc tham ô, lãng phí và phá hoại , gây  thiệt hại về kinh tế  nặng nề còn hơn là không làm.

 

Ngày nay, có người nói rằng chúng ta cần những kỹ sư hơn là những nhà văn nhà thơ, chúng ta cần những người làm kỹ thuật hơn là những người làm nghệ thuật.  Vâng!  Những người làm kỹ thuật là vô cùng cần thiết trong việc xây dựng đất nước hôm nay. Không có kỹ thuật nước ta không thể tiến bộ, sánh vai cùng thế giới được, nhưng nếu không có nghệ thuật thì chúng ta cũng không thể trò chuyện với ai. Chúng ta có giao lưu kinh tế và cũng phải có giao lưu văn hóa. Về kinh tế thì từ sau giải phóng tới giờ chúng ta đã phát triển thấy rõ, nhưng về văn hóa, về đạo đức, về tính lý tưởng trong thanh thiếu niên... thì chắc là chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa.  Hình như đào tạo một kỹ sư dễ hơn đào tạo một nhà văn! Làm cho một con người có kiến thức dễ hơn làm cho một con người có đạo đức, có tâm hồn đẹp.

 

II. LÀM:

Hiểu những vấn đề trên là xã hội hiểu, các nhà lãnh đạo, quản lý hiểu , còn làm là phần của chính chúng ta - những người làm nghệ thuật phải làm.

 

Làm nghệ thuật không chỉ  là một cái nghề mà xã hội giao phó, chúng ta phải quan niệm như thế thì mới không trông chờ, ỷ lại, bị động và thiếu tính sáng tạo.  Làm nghệ thuật còn là một cái nghiệp của mình. Chúng ta làm ra một tác phẩm không chỉ với tư tưởng là góp một món hàng hóa phục vụ con người, mà đó còn là sự bày tỏ lòng mình với mọi người. "Bày tỏ"  ở đây là nói lên tâm sự, quan niệm và ước mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp của mình. Chúng ta cố gắng trình bày sự hướng về chân -  thiện - mỹ của mình, để người khác xem và suy gẫm, hy vọng rằng sau khi xem và suy gẫm thì mọi người sẽ có những cảm xúc để hướng về cái chân-thiện-mỹ cho riêng mỗi người. Chúng ta không trông chờ và đổ thừa cho bất cứ ai, bất cứ điều gì! Đừng than phiền xã hội không quan tâm, lãnh đạo không quan tâm, những tác phẩm vĩ đại, nổi tiếng trên thế giới, đâu ra đời nhờ sự quan tâm của ai ngoài chính tác giả của nó. Pasternak của nước Nga hùng cường và Neruda của Chi Lê nghèo đói đều được giải nobel văn chương như nhau. L.Tolstoi có điền trang mút mắt với hàng trăm nô lệ, và Balzac, Dostoievski suốt đời phải mượn nợ để sống, đều cho ra những tác phẩm vĩ đại như nhau. Được đi thưc tế khắp nơi như Hemingway và không bước ra khỏi cửa như  M. Proust đều có những tác phẩm vang dội. Học cao như  J.P. Sartre (giáo sư tiến sĩ) và M.Gorki chưa từng được đến lớp cũng dâng hiến cho nhân loại những áng văn bất hủ như nhau. Do vậy, không "bởi", "tại" điều gì cả, mà bởi, tại chính mình không cố gắng đó thôi.  Theo tôi, dân văn nghệ mình có 3 nhược điểm lớn:

 

1. Lười biếng, ít chịu khó: Đây là nhược điểm chung của dân miền đồng bằng - nơi mà "cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn" . Cứ so với dân miền Trung và miền Bắc thì chúng ta biết cái lưng của mình dài bao nhiêu! Ông bà mình bảo: "Cần cù bù tài", tài mình đã không có mấy, thì mình ráng cần cù, bù được mớ nào đỡ mớ đó. Như trên tôi đã nói: Làm mà không hiểu là tội phạm, hiểu mà không chịu làm có thể là tội ác! Người ta rất sợ tội phạm nhưng hay coi thường tội ác. Bởi tội phạm thì mọi người biết, bị trừng trị, chớ còn tội ác đôi khi đâu có ai biết, chỉ có mình mình biết thôi nên nhiều người phạm tội ác lắm! (Trong đó chắc là cũng có tôi, không huy chương vàng thì cũng không ra khỏi "tốp 10"!) Tội ác rất khó nhận ra, bởi nó núp bóng dưới nhiều chiêu bài đổ thừa "tại" "bị" ... đủ thứ! (nói đùa, dân văn nghệ mình tội phạm thì  ít nhưng tội ác thì hổng chừng là nhiều!!!)

 

2. Thiếu tâm huyết, không cầu tiến: Không chết sống với nghề. Ít ai chịu cầm bút bằng tay phải của mình, quọt quẹt bằng tay trái được chữ nào thì phúc đức cho nền văn học tỉnh nhà chữ nấy. Chính vì thiếu tâm huyết nên chúng ta không hết lòng với công việc, mà không hết lòng với công việc thì khó mà làm được việc gì.  Có những người tài năng không bao nhiêu, nhưng họ cần cù cố gắng hết sức, cuối cùng thì cũng đạt được một mức độ nào đó. Đây là luật nhân quả, ta có chăm sóc, vun bón hết lòng thì mới có hoa, còn phó mặc, tàng tàng thì chỉ nhìn thấy cỏ! Một điều rất đáng chú ý nữa là chúng ta ít chịu học hỏi, nghiên cứu. Thời đại ngày nay đòi hỏi  người làm nghệ thuật phải có trình độ, kiến thức cao, không phải là bằng cấp, học vị mà là sự hiểu biết sâu rộng thực sự. Nếu chỉ dựa vào năng khiếu thì chúng ta sẽ không làm nên những tác phẩm lớn và dài hơi được.

 

3. Tự ti và tự cao không đúng chỗ: Dân văn nghệ chết vì tự cao và sống thoi thóp vì tự ti. Tự cao là không chịu nễ phục ai. Phục người khác đâu có nghĩa là tự hạ thấp mình. Không nễ phục thì làm sao có sự học hỏi để tự nâng cao? Ông bà ta dạy: "Kính thầy mới được làm thầy" Ta không biết cúi đầu trước ai thì cũng không ai cúi đầu trước ta.  Dưới cái tật tự cao ta còn cái bệnh tự mãn. Những người có chút ít khả năng, làm được vài tác phẩm kha khá thì lại không nhìn xa hơn cái "vùng phủ sóng" hiện tại của tác phẩm mình. Tại sao chúng ta không đặt chỉ tiêu cao hơn cho mình? Ước mơ đâu có tốn tiền tại sao chúng ta không dám ước mơ?  Các nhà khoa học đã chứng minh rằng con người không ai sử dụng hết khả năng của mình. Chúng ta đừng tự ti nghĩ rằng mình khả năng thấp kém, hãy cứ cố gắng làm đi, chỉ sợ nhất là mình không có khả năng cố gắng. Đừng để mình  chỉ có "khả năng luôn thấy mình không đủ khả năng"!!!

 

Các bạn đồng nghiệp quí mến!

 

Làm! Chúng ta hãy bắt tay vào công việc. Hãy sáng tác với tất cả khả năng và sự nỗ lực của bản thân mình. Tác phẩm có thành công hay không, đó không phải là điều mà chúng ta có thể chắc được 100%, nhưng làm ra tác phẩm - đó là điều mà chúng ta có thể. Phải "Đãi cát tìm vàng", ngay cả cát mà chúng ta còn không có thì lấy đâu ra vàng? Tác phẩm của chúng ta dù còn dở, chưa đem lại lợi ích gì cho ai đi nữa thì cũng đã đem lại lợi ích cho chính mình, bởi đó là thành quả, là bằng chứng cho sự nhiệt tình, sức lao động, tấm lòng của mình thể hiện ra với cuộc đời này.

 

Có thể tôi đã và sẽ không viết được gì hay hơn các bạn, có thể ngày mai này tôi không làm nỗi một câu thơ, nhưng tôi vẫn không ngại khi hô hào động viên mọi người hãy viết. Viết với tất cả lòng tâm huyết của mình, với tất cả trách nhiệm của mình.

Thu Nguyệt
Số lần đọc: 3313
Ngày đăng: 09.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài - Huệ Khải
Bàn tròn thơ Đồng bằng sông Cửu Long: Đừng quên “những miền thơ mùa trái chín” - Khuyết danh
Chào tiễn biệt bác sĩ Trần Bồng Sơn: - Nhựt Quang
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương? - Khuyết danh
Thay lời giới thiệu - Võ Ðắc Danh
Vĩnh biệt Trúc Phương - Phố Thu
Đức Cố Quản - Tô Thành Tâm
Một gương hy sinh cho đời nhớ mãi - Hà Phương
Trương Vĩnh Ký - Con người của đất cù lao và sự nghiệp văn hoá - Nguyễn Văn Châu
Cùng một tác giả
Đừng (thơ)
Em... (thơ)
Ru anh (thơ)
Vòm tre (thơ)
Hoa tím (thơ)
Thôi (thơ)
Bến (thơ)
Phận (thơ)
Ngộ I (thơ)
Ngộ II (thơ)
Ru đá (thơ)
Ước (thơ)
Chùa xa (thơ)
Lời ru (thơ)
Hiểu và làm (văn hóa)
Xót hoa (thơ)
Thông (thơ)
Sóng của hồ (truyện ngắn)
Dấu nặng (truyện ngắn)
Khan (truyện ngắn)
An (thơ)
Ru mây (thơ)
Gió tan (thơ)