Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
738
116.008.362
 
Đọc thơ Ngân Giang :Trưng Nữ Vương
Khổng Ðức

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng  vượt dặm khơi

 

Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai

Bốn phương gió bảo dồn chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

 

Máu đổ cốt xương thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện mai sau

Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

 

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận

Non hồng quét sạch bụi trần ai

Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời

 

Ải  bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

 

Ngân Giang – 1939

 

Phải thành thật mà tự thú: Tôi là người quá tệ, hay cũng có thể là người ít có duyên nợ với văn chương; nên mãi đến cuối đời mới có trong tay bài Trưng Nữ Vương của nhà thơ Ngân Giang – bài thơ nổi tiếng nhất của Bà, dù tôi đã biết đến tên tuổi của Bà từ những năm 1940 về trước qua sự giới thiệu của nhà văn Trúc Khê Ngô văn Triện trên những trang sách Phổ Thông Bán nguyệt san của Vũ Đimh Long. Bài Trưng Nữ Vương lại càng nổi tiếng , do nhà thơ Đông Hồ vì bình giảng nó mà đột  trụy giữa Đại học Văn Khoa Sàigòn. Riêng về cuộc đời của Ngân Giang, tôi cũng không mấy lưu ý, chỉ đến khi tìm đọc bài Trưng Nữ Vương tôi mới biết cuộc đời đầy cay đắng của Bà .

 

Để đền bù lại tội lỗi lơ là bất kính đối với  bậc tiền bối, tôi đi sâu vào việc tìm hiểu bài thơ TNV mà cũng chính là tìm hiểu phần nào tâm sự của nhà thơ. Trước tôi chắc cũng đã có bao  người tìm hiểu về bài thơ  nổi tiếng này, vậy  những lời tôi viết ra có gì sơ suất mong  quí vị  thể tình cho .

 

Bài thơ hoàn thành vào năm 1939, nên hình thức thoạt nhìn vẫn là  thể thức của thơ mới, gồm có 5 đoạn , mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Nhưng đọc kỷ mới thấy trong hình thức mới vẫn còn mang nặng sắc thái khí vị của thơ Đường, đầy nhạc điệu, và từng cặp song thất vẫn đối nhau đậm đà . như: Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng  vượt dặm khơi.

 

Bốn phương gió bảo dồn chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai. …

 

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.  v…v…

 

Đối là bí quyết của thơ Đường , mà cũng là bí quyết chung cho cả thi ca Đông Tây, riêng thơ Việt nó trở thành một trong những yếu tố cần thiết. Nhưng dù sao vẫn là hình thức, có dịp chúng ta sẽ bàn kỷ về vấn đề này, giờ đây  hảy đi sâu vào việc tìm hiểu bài  TNV. Toàn thể bài thơ toát lên  cuộc đời và tâm sự của Trưng vương. Thù hận vì quân ngoại xâm đã giết chông mình, đó là động cơ chính yếu khiến cho hai bà phải vùng lên, kêu gọi mọi người – thù riêng thành thù chung – phất cờ khởi nghĩa đảm đương đại sự, thì việc riêng tư phải gác lại, nhưng làm sao quên được , nên chỉ đôi lần thôi: Thù hận đôi lần chau khóe hạnh, Một trời loáng thoáng bóng sao rơi . Bóng sao rơi” là hình ảnh của người anh hùng quá cố, của chồng cũng chỉ loáng thoáng qua thôi. Vì phận sự của người nữ tướng  là luôn luôn ngồi trên lưng ngựa rong ruổi vào rừng sâu núi thẳm rút ngắn thời gian; hay như cánh chim bằng  gội gió dầm mưa vượt suối băng sông sá gì hiểm nguy : Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

 

Gạt gió chim bằng  vượt dặm khơi

 

Câu thơ đã không còn là thơ yếu đuối của nữ lưu mà đã thành khúc nhạc hào hùng , tiếng kèn  trống, mỏ chiêng hòa lẫn với tiếng  ngựa hí voi gầm , tiếng binh khí va chạm vao nhau tiếng người hò hét…

 

Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai

Bốn phương gió bảo dồn chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

 

Nghe đâu lúc sinh tiền Ngân Giang hay nói đùa, kiếp trước Bà là một võ tướng đã giết lầm một văn nhân, nên kiếp nầy Bà phải trả nợ…Việc giết lầm văn nhân không có gì chắc, nhưng tiền kiếp là võ tướng thì có thể tin được lắm, vì phải là võ tướng xuất thân mới viết được những câu như vừa nêu. Nhưng  phải  là võ tướng nữ  mới thể hiện được tâm sự của Trưng Vương., như  những câu :

 

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

…. Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

 

…Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.

 

Chuyện tiền kiếp hay tái sinh có thể là chuyện đùa, nhưng thân thế của Ngân Giang là sự thật, tài sắc như Bà mà ngay từ thuở trẻ cũng đã lắm  chìm nổi long đong. Phải từng trải cô đơn hay ít ra cũng mang một tâm sự đầy cay đắng mới tạo được một áng thơ tuyệt tác như Trung Nữ Vương. Theo tôi đặc biệt là bốn câu  cuối bài :

 

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.

 

Mở đầu bài viết tôi đã dùng cụm từ “ tìm hiểu bài thơ…” là sai. Vì trình tự của thi ca mang tính gián tiếp, nó đòi hỏi sự thẩm thấu dấn thân hơn là tìm hiểu. Bài thơ, nói như A.Badiou - một nhà thơ, một học giả hiện đại của Pháp – là một cuộc giải phẩu, nó là sự tồn tại đặc biệt. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ của tình cảm, phương thức diễn tả của nó là hình ảnh, là ý tượng, nó sẽ đưa đến sự tĩnh quan mặc tưởng.Và trong sự tĩnh quan mặc tưởng  ấy sẽ đưa chúng ta đến thế giới siêu việt thế tục.. Đó là Đạo, là thứ mỹ học cổ đại mà cũng là bản thể của triết học. Đạo làm cho vật có đầy đủ tính thiên nhiên, không thể cân đo, suy đoán, nhưng có tính chất hợp với qui luật và cách nhìn của mọi người, có thể trực giác được tính  tạo hóa thiên nhiên của nó. Chúng ta hơi dài dòng , xin trở lại với thơ, chi có bảy chữ : Ải bắc quân thù kinh vó ngựa. mà nói hết được sụ chiến thắng của Trưng vương, chỉ nghe vó ngựa quân tbù đã kinh sợ chạy tán loạn rồi. thắng lợi với quân dân, với đất nước là niềm vinh quang. Nhưng với Nữ vương lại là niềm chua xót:

 

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

 

Giáp vàng chói lọi  đi với khăn trở tóc tang tạo thành một sự tương phản kinh khủng (contraste), khiến đầu voi còn cảm thấy lạnh, hay nỗi lạnh lẽo cô đơn này từ lòng người góa phụ tỏa ra. Mức xốn xang bức rức đến trương độ không cầm lòng nín lặng được nữa phải thốt thanh lời , thanh tiếng khóc não nùng :

 

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời  bóng lẻ loi…

  

Trăng chếch ngôi trời…đến đây tôi không biết nói gì hơn .là trong sự sáng tạo hình ảnh Trưng Nữ Vương , Ngân Giang  đã nhập vào cảnh vào người mà tạo ra một cảnh giới cao nhất của mỹ cảm, đó là hiện tương  mà người xưa gọi là “Diệu Ngộ”, cảnh giới có ý nghĩa siêu hình, thân phàm của chúng ta chỉ còn biết mặc tưởng mà thôi, càng mặc tưởng càng thương tiếc Ngân Giang – một đời tài hoa….

 

7/2009

 

Khổng Ðức
Số lần đọc: 5255
Ngày đăng: 25.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhận diện truyện ngắn "Vàng lửa" qua yếu tố văn hóa - Đặng Văn Sinh
Những đối lập gay gắt trong "đất không giấu mặt" (1) - Lê Quang Trang
Một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo - Nhiều Tác Giả
Đối thoại với các linh hồn. - Ban Mai
Người gọi những giấc mơ - Lê Huỳnh Lâm
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Bình luận mỹ học :cũ và mới. - Yến Nhi
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc - Nguyễn Hưng Quốc
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Chiến tranh và cuộc đời – nhìn từ cây bút trẻ - Nguyễn Trung Bình
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)