Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
884
116.624.509
 
Lộc rừng
Phùng Phương Quý

ăn của rừng- rưng rưng nước mắt.”

 

Lâu lắm anh chưa lên rừng Bắc Yên à? Chỉ một hai năm đã đổi khác huống hồ mười một năm.

Bắc Yên bây giờ tạm yên rồi. Cánh rừng Bản Mật âm u, sừng sững những tàn cây cổ thụ, đi cả ngày không bị nắng nay đã đổi màu. Tức là màu cây lá không còn xanh biếc của rừng nguyên sinh mà chuyển sang màu xanh lá mạ của rừng mới trồng. Màu xanh này trông yếu ớt, yểu mệnh, vì vài năm lại bị khai thác một lần.

 

Mình có thằng em kết nghĩa là chủ một doanh nghiệp đang làm ăn khá phát. Nó quan hệ rộng lắm, bất kể cửa nào. Anh cứ lên công tác, vướng mắc đâu bảo nó. Thì tụi nó có nghề gì hơn là bám vào rừng. Lộc rừng vô tận, càng dính vào càng khó dứt ra. Tính ra thằng em ấy đã gắn bó với rừng gần hai chục năm rồi. Từ một thằng lính “trên răng dưới cát tút” nó trở thành tỉ phú, điều đó thật đáng khâm phục. Anh đừng ngại. Mình nói thế nào là làm thế ấy, anh cần gì cứ bảo một câu. Nói thật nhé! Kể cả anh muốn chở gỗ pơmu về xuôi cũng được, huống hồ là chuyến công tác kiểm tra chương trình “giảm nghèo” miền núi.

 

Phố núi có những điểm hấp dẫn riêng. Không ồn ào, lạnh nhạt. Không tấp nập, bon chen. Những toà nhà càng cao tầng, càng loè loẹt thì càng xa lạ với khung cảnh lãng đãng, hoang sơ của núi rừng. Cũng quán sá đấy, cũng nhà nghỉ đấy. Cần vui vẻ cũng tìm được các nàng sơn nữ xinh đẹp, tươi mát như suối rừng buổi mai chẳng cần son phấn che đậy. Nhưng tất cả mang dáng vẻ hoang sơ, kín đáo.

- Giới thiệu với anh, đây là Hãn. Thiều Hưng Hãn, em kết nghĩa với mình. Chú nó là người hùng của xứ này. Còn đây là anh Mạnh, tiến sĩ kinh tế lên công tác ở địa phương. Sư phụ của tao về chuyên môn đấy chú Hãn ạ.

Một bàn tay lóng lánh nhẫn vàng giơ ra, cái bắt tay chặt và thân thiện. Nhìn xuống thắt lưng ông chủ doanh nghiệp thấy một bên là bao máy ảnh kĩ thuật số, một bên là bao điện thoại di động, thứ nào cũng to vật vã trông thật hung hãn.

- Tên chú dữ dội quá! Nếu đọc bỏ dấu chữ ư đi thì thành Hung Hãn. Khiếp chết đi được.

- Đại ca lên đến Bắc Yên công tác, thông cảm cho bọn em nhé. Trên này rừng núi điều kiện sinh hoạt không được đầy đủ như dưới xuôi. Em lên rừng phải hung hãn một tí mới trụ được. Cái tên tự nhiên nó hợp cảnh thế chứ con người em hiền lành, tử tế cực kì. Đại ca ở đây vài ngày với bọn em thì biết.

 

Việc đầu tiên là phải lo chỗ nghỉ ngơi cho “đại ca tiến sĩ”. Việc thứ hai là chọn một chỗ ăn uống lịch sự mời khách miền xuôi hơn mười năm mới lên thăm Bắc Yên. Mọi chuyện chẳng phải động chân tay. Hãn ngồi dạng chân, móc điện thoại ra, cái mặt nghênh nghênh thật đáng yêu.

- Hê lô! Anh mày đây! Cho nhân viên dọn dẹp thật sạch sẽ phòng “hai lẻ một” nhá. Anh có khách quý đến ở chục ngày. Bây giờ cho đứa nào đến quán nước mía ngã ba chợ thị trấn mang đồ đạc về trước cho anh.

Chưa đầy mười phút đã có chiếc xe máy Min-khờ uỳnh uỳnh tấp vào.

- Đồ đạc đâu hả anh?

Hãn bảo tôi thứ gì cần mang theo người thì để lại, còn đâu cho nhân viên nhà nghỉ đem về trước. Nhà nghỉ này lịch sự nhất phố núi đấy đại ca.

- Về bảo ông chủ mày chăm sóc đại ca của anh thật chu đáo nhé. Anh ấy cần gì cứ phục vụ  hết mình. Hết bao nhiêu tính với tao. Nhớ đấy! Không tao đến đốt nhà nghỉ của bố con nhà mày.

 

Hãn bật cười hô hố. Tôi chợt nghĩ đây mới thật là điệu cười bản chất.

Hãn lại bấm điện thoại.

- Hê lô! Chào sếp! Em có ông anh tiến sĩ mới lên, mình tổ chức cơm nước đón mừng tí nhá. Anh bảo thằng cu Thắng đánh xe đưa mấy anh em xuống Tân Kì vào A Loóng ăn thắng cố ngựa đi. Không! Anh mà vắng mặt thì còn ra cái đếch gì. Kệ mẹ nó! Mai xuống địa bàn cũng được. Các ông cứ làm như sắp có bạo loạn đến nơi.

Mười lăm phút sau, chiếc xe U-óat biển số xanh chậm chạp bò tới. Một người đàn ông cao lớn mặc sơ mi trắng, quần xanh lá cây bỏ trong ống giày da cao cổ bước xuống. Chưa bắt tay xong Hãn đã nhanh nhảu.

- Anh Hùng trưởng công an huyện, cũng là chỗ anh em trong nhà.

Tôi thầm nghĩ. Thằng này gớm thật. Dám điều cả trưởng công an huyện đi tiếp khách.

Anh Hùng phong cách sống cũng khác. Dân dã, xuề xoà và cả tin.

- Bố Hãn lại trúng mánh phải không? Cứ hôm nào chú mời anh đi ăn thịt ngựa là có lộc.

- Hôm nay chủ yếu là có anh Mạnh tiến sĩ lên công tác, còn lộc rừng lúc nào chẳng có, chẳng ít thì nhiều.

 

Anh Hùng bảo tôi tới xã nào cần nghỉ lại để anh điện cho công an xã trước. Trên này tuy nghèo, vắng vẻ nhưng tình người bao la. Hãn chợt nhớ ra. Để em gọi con mẹ Hằng Trưởng bản quản lí dự án “giảm nghèo” đến luôn cho anh làm việc trước.

- Hê lô! Chào em! Có nhớ anh không? Hế hế! Đùa tí bà chị đừng giận nhá. Này! Em có ông anh tiến sĩ kinh tế lên kiểm tra tình hình giảm nghèo của huyện đấy. Ờ! Tận Hà Nội lên đấy bà ạ, mời bà ra ngay nhà hàng A Loóng nhé. Cả anh Hùng cũng đang ở đây.

 

Hãn quay sang với chúng tôi.

- Con mẹ này uống rượu như voi uống nước lã. Các ông anh hơi vất vả đấy, nhưng đỡ cho anh Mạnh mai không phải lên Ban quản lí huyện. Mà ông anh tiến sĩ nhà tôi lên đến đây, bọn dự án phải biết điều đến chào trước chứ.

 

Tay Hãn này thật háo danh. Nó cứ mang cái hàm tiến sĩ của tôi ra hù doạ mọi người. Chị Hằng trưởng ban quản lí dự án huyện cũng ríu cả vào bắt tay, ôm vai tôi. Tất nhiên chiều nay tôi say mềm. Được xe công an đưa về nhà nghỉ nằm ngủ một mạch đến sáng hôm sau.

Danh sách các xã cần kiểm tra đã được chị Hằng chuẩn bị trước cho tôi. Hãn điều một thanh niên khoẻ mạnh làm xe ôm đưa tôi đi. Hãn thanh minh rằng đường vào một số xã không thể đi ô tô, mà cần có một tay lái xe bản địa và chiếc xe máy tốt. Tôi cảm động trước sự nhiệt tình quan tâm của những người bạn mới quen.

 

Chủ tịch xã Bắc Quang đón tôi ở trụ sở uỷ ban mới xây. Ngôi nhà hai tầng sừng sững đứng giữa bãi cỏ rộng. Lối vào còn lầy lội bùn đất sau cơn mưa cách ba ngày trước.

- Báo cáo anh! Đây là kết quả trong hợp phần xây dựng. Hợp phần giao thông nông thôn đang triển khai đến cuối năm thì xong tuyến Lũng Sắc- Thà Nhum 8km.

Một chồng sổ sách đã được chuẩn bị sẵn trên bàn làm việc. Nhà mẫu giáo Bản Mận tổng vốn 60 triệu đồng là do anh Hãn xây tặng cho xã. Công trình kè thuỷ lợi trị giá 1,7 tỉ đồng cũng do công ty trách nhiệm hữu hạn của anh Hãn nhận thầu.

 

Tay Hãn này giỏi. Thế này gọi là “nước nó chấm nó” đây.

Suốt 10 xã tham gia dự án “giảm nghèo”, chỗ nào tôi cũng thấy sự góp mặt của Hãn. Thảo nào hắn quan tâm tới công việc  của tôi.

Một tuần sau tôi trở lại thị trấn với tâm trạng hài lòng vì công việc suôn sẻ nhưng dáng vẻ mệt nhọc vì ngồi xe máy cả trăm cây số. Phòng 201 vẫn để nguyên cho tôi từ hôm đầu. Hôm nay nhóm bạn hữu của Hãn để cho tôi nghỉ ngơi tự do. Chủ nhà nghỉ mời tôi xuống phòng massa ở tầng một.

- Anh phải hồi phục sức khoẻ mới được. Anh Hãn vừa ra lệnh cho em mà.

Cô nhân viên massa mặc váy thêu hoa văn giống như váy người Mông nhưng ngắn hơn. Phía trên là chiếc áo phông cũn cỡn màu đen. Nồi nước lá xông nóng bỏng, bay hơi nghi ngút. Cô gái bảo tôi ngồi trên chiếc giường gỗ nhỏ, rồi chùm chiếc chăn mỏng lên đầu.

- Em xông nước lá khoẻ cho anh đã. Lá này tốt lắm đấy.

Bàn tay cô gái lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ chà xát khắp cơ thể tôi. Khi cô ngồi dạng chân trên bụng tôi để massa mặt, tôi cảm thấy dưới bụng cô gái nóng rẫy. Thấy cơ thể tôi đang căng lên phía dưới, cô gái nằm xoài lên trên.

- Anh có thích em không?

Tôi chỉ biết cười ngại ngùng.

- Thôi nếu anh xấu hổ thì…để em giúp vậy.

 

Tôi lại cười. Đúng là nồi lá xông giúp hồi phục sức khoẻ rất nhanh. Tôi thấy người nhẹ nhõm dễ chịu vô cùng. Mấy khi được thưởng thức bông hoa rừng nhỏ. Tôi tặc lưỡi mặc kệ cho cô gái chủ động kéo chiếc quần lót ướt sũng xuống, còn cô chỉ việc kéo cao chiếc váy lên và tôi phát hiện cô không mặc xì líp.

 

Đoạn đường mới nâng cấp đi thị xã Bảo An trải nhựa phẳng lì. Phía taluy âm một hàng tấm tôn dày cao ngang đầu gối được bắt ốc vào những cọc bê tông nhằm đỡ cho xe cộ khỏi nhao xuống vực. Bên kia vực là dải rừng mỡ mới trồng ba, bốn năm lá xanh bạc, lấp ló hoa trắng. Bên phía taluy dương, rừng chạy trốn lên tít trên cao, bỏ lại đám nứa dại và cây chít buông những bông xơ xác gục đầu ven đường.

 

Chủ tịch xã Yên Kì là một trung niên dân tộc Tày, mồm miệng khá sắc sảo.

- Báo cáo anh! Xã có 7 hộ được hỗ trợ vốn nuôi bò giống, nhưng 2 con bị trúng độc chết.

- Bò cũng bị trúng độc cơ à?

 

Giải thích thắc mắc của tôi, Chủ tịch xã bảo bò chết do ăn phải bao “xác rắn” đựng muối. Ông già tóc húi cua bán rượu đầu bản rỉ tai tôi:

- Tại người của chú Hãn lăn gỗ xuống núi chèn phải, hai con bò bị gãy chân chứ “độc địa” gì đâu.

 

Thấy tôi lảng vảng mãi trong bản, một anh trong ban quản lí dự án cưỡi xe máy đi tìm. Là thấy ông già bán rượu nói lại chứ lúc đó tôi ngồi bệt trên tảng đá to dưới suối, mê mải ngắm dòng nước trong vắt len lỏi chảy qua những khe đá, tán dóc với ba cô gái Tày đang giặt quần áo. Mặt mũi cô nào cũng đỏ hồng, lấm tấm mồ hôi vì mới ngoài nương về.

- Có hai cái bể chứa nước trong bản sao các em không ra đó mà giặt giũ cho gần.

Cô gái trẻ nhất có đôi mắt ướt át liếc nhìn tôi, cười hở chiếc răng vàng.

- Chúng em chẳng thích. Vòi nước chảy chậm lắm, lại hay bị tắc. Ra suối ngồi thoải mái, lại không phải chen chúc chờ đợi.

Chính Hãn là người tìm ra tôi.

- Ôi giời ơi! Chịu bố! Thế nào mà lại tẩn mẩn tìm ra khe suối này. Em biết ngay mà. Chỗ này đẹp, bọn gái bản lại hay ra tắm giặt, bố nào dưới xuôi lên cũng mò ra đây ngồi.

Hắn quay ra giả vờ quát nạt ba cô gái.

- Đứa nào rủ rê đại ca của tao ra đây hả? Tao thì bắt đem về nhà nuôi báo cô bây giờ.

Bọn con gái cười rúc rích.

- Tại anh ấy ra xem đấy chứ.

- Thế chúng mày đã tắm chưa?

Chỉ có tiếng cười con gái dội lên từ khe đá lẫn tiếng suối chảy ào ào.

 

Chiều nay mọi người tập trung ăn vịt quay ở một quán lá sâu tít trong một ngõ phố huyện. Ngồi trên nhà sàn, tựa lưng vào lan can gỗ ngắm lũ vịt bơi lội quàng quạc dưới đoạn suối nhỏ chảy ngay bên cạnh thật thú vị.

 

Vẫn bấy nhiêu thành phần từ hôm tôi lên, thêm ông giám đốc lâm trường gày gò. Hãn cầm cốc rượu shan lùng vàng nhạt đi quanh mâm chúc mọi người sức khoẻ. Hắn giới thiệu ông giám đốc gầy gò là đối tác thân thiết lâu năm của công ty.

- Hôm nay em gọi anh Mạnh về sớm là vì có tin vui. Chẳng giấu gì các anh chị, chú mới thắng thầu công trình cung cấp gỗ cho quân đội làm hầm ngầm. Vốn hơn ba tỉ đấy, nên có khó khăn gì các anh chị giúp chú một tay.

Hãn mở cặp số, lấy ra một tập phong bì.

- Lộc bất tận hưởng. Có chút lộc rừng em xin chia sẻ với mọi người.

 

Anh Hùng trưởng công an huyện; Chị Hằng trưởng ban quản lí dự án; ông Giám đốc gày gò; anh bạn tôi là cán bộ kiểm lâm và cả tôi nữa, mỗi người nhận một chiếc phong bì từ tay Hãn. Tôi có vẻ ngượng ngập, nhưng thấy mọi người đều hỉ hả bỏ phong bì vào túi thì cũng yên tâm. Nhưng tôi linh tính từng chiếc phong bì của mỗi người nặng nhẹ khác nhau. Phần tôi, về nhà nghỉ tò mò mở ra thấy có mười tờ bạc mệnh giá 500.000.

 

Tôi chơi không mấy ngày, lại tẩm bổ toàn “đặc sản” rừng nên trong người bừng bừng nhớ món “lá khoẻ” và bàn tay tẩm quất của cô gái trẻ lần trước.

- Cô Hương có trực không em?

Tôi hỏi anh chàng chủ nhà nghỉ.

- Hương nào hở anh? À con bé mát-xa cho anh hôm nọ…Nó tên là Hoa. Để em gọi nó về nhé.

 

Thế ra con bé cũng giữ miếng với tôi, giấu tên thật để còn đi …lấy chồng. Nghĩ đến cô gái, trong người tôi rạo rực những cảm xúc mới mẻ.

 

Điện thoại reo, cắt đứt dòng suy nghĩ.

- Anh Mạnh à! Mẹ vợ thằng Hãn vừa mất. Anh em mình vào thăm động viên vợ chồng nó tí…Anh thông cảm.

- Thế à! Phải đi thôi chứ còn thông gì nữa. Cái thằng thật không may.

Bà mẹ vợ Hãn mới sáu mươi bảy tuổi. Chiều qua bà cụ còn đi rừng, về tắm suối chắc bị cảm không cấp cứu kịp. Cũng là đám ma ở một bản nghèo, nhưng vì bà cụ là mẹ vợ của một chủ doanh nghiệp tiếng tăm trong huyện nên được tổ chức to hơn. Hãn muốn bà con ở Yên Kì thấy một thằng rể Kinh lo đám ma cho bà mẹ vợ Tày “ hoành tráng” như thế nào. Tuy là xã miền núi nhưng từ lâu bà con các dân tộc đã thực hiện nếp sống mới trong ma chay, cưới xin. Đám ma để không quá 36 giờ là phải đem chôn cất. Đám ma mẹ vợ Hãn để hơn 48 giờ. Hắn nhăn nhó với chủ tịch xã.

- Ông thông cảm cho tôi, khách khứa khắp huyện đông lắm, anh em họ không đến được thì tôi đeo mo vào mặt à.

 

Đang thời điểm Hãn tài trợ cho xã chiếc cầu xi măng qua suối, chủ tịch xã gật đầu ngay. Bà con trong bản, ngoài xã từ trước tới nay chưa thấy đám ma nào to như thế. Bà cụ thật sướng, được thằng rể Kinh dựng rạp, mổ bò, giết lợn, trống kèn cho hai ngày hai đêm liền. Ô tô con, xe máy đến viếng đỗ chật cả lối vào bản. Nhưng có lẽ người bị choáng nhất là tôi, khi thấy danh sách khách viếng toàn những Chủ tịch huyện, huyện trưởng công an, Hạt trưởng kiểm lâm, Giám đốc lâm trường. Đơn vị bộ đội và hàng chục ông chủ tịch xã. Anh bạn tôi mấy năm trước thường nhắc đến Hãn với cách gọi tếu táo là “thằng lâm tặc” bởi vì Hãn chuyên kinh doanh gỗ. Hôm nay tôi cũng phì cười khi chứng kiến đủ mặt các quan chức huyện trong đám ma mẹ vợ tay “lâm tặc” đó. Thảo nào rừng chuyển màu từ xanh biếc sáng xanh nhạt.

Hãn hỏi tôi có thích gì trên này cứ nói, kể cả gái còn trinh.

- Anh chẳng dám! Rước gái trinh về để bà xã nó tống cổ anh ra đường à. Thực lòng anh thích một nếp nhà sàn gỗ. Dưới thành phố đang có mốt chơi nhà sàn, toàn những tay lắm tiền mới dám mơ. Anh thì chịu. Chú xem có ai bán nhà cũ rẻ rẻ…

- OK! Trên này dân bản lại đang có phong trào xây nhà gạch, bỏ nhà sàn. Em kỉ niệm anh một khung nhà sàn cũ 150 m2, cả ván thưng vách luôn.

 

Tôi mừng như bắt được của. Số mình hên quá, gặp ngay thằng “lâm tặc” chịu chơi. Nhưng không biết làm thế nào chuyên chở về xuôi được.

- Chú quen anh em kiểm lâm, xin cho anh cái giấy phép vận chuyển gỗ. Hình như thủ tục cũng nhiêu khê lắm.

- Riêng hàng của chú Hãn đi từ đây về thành phố anh yên tâm. Thôi thế này, hôm nào anh về đi cùng xe hàng với em, chuyển cái khung nhà lên em chở về tận nơi cho anh là được.

 

Tôi thông báo cho bà xã tin vui, bà ấy còn không tin nói tôi lên rừng mấy ngày mà đã tập thói phét lác. Ngôi nhà sàn hàng trăm triệu, ông cướp đâu ra? Thế mà đầu tuần, ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Vợ tôi ở nhà mua sẵn cả thùng bia Halida chờ cảm ơn lái xe.

Hãn nhảy xuống xe, nhìn khắp lượt mảnh đất ngoại ô chừng 400m2 của tôi, gật đầu.

- Được! Cũng rộng rãi, dựng nhà sàn ở đây là “tuyệt cú mèo”. Anh gọi lấy mấy đứa thanh niên nhờ chuyển gỗ xuống.

Mấy đứa thanh niên đòi một trăm nghìn tiền bốc vác, Hãn cho thêm chúng năm chục nghìn nữa.

- Thưởng cho các các chú, chuyển nhà cho sếp của anh không hỏng gãy thứ gì.

Tôi gọi bà xã ra cảm ơn, thấy bà ấy lúng túng mãi sau bếp. Nhìn thấy vợ tôi, bất ngờ vẻ mặt Hãn tái đi, vội vàng bắt tay tôi rồi giục lái xe nổ máy.

- Em phải sang Gia Lâm giao hàng không muộn mất. Hẹn anh ở trên ấy nhé.

 

Vợ tôi hốt hoảng:

- Anh quen thằng Hân à?

- Hân nào?

- Thằng lúc nãy chở gỗ cho nhà mình ấy. Này! Thằng Hân cùng quê ngoại mình, dân lưu manh, trộm cắp đấy, anh đừng có giao lưu phìên phức lắm.

Tôi phì cười:

- Em thật hồ đồ! Nhìn gà hoá cuốc. Hân nào! Cậu ấy là Hãn, chủ doanh nghiệp trên Bắc Yên đấy. Cơ ngơi nhà mình không bằng cái bếp nhà nó, lại dám bảo nó là  lưu manh trộm cắp.

- Sao nó giống thằng Hân quê em thế, chỉ có hơi béo lên thôi. Cái thằng ngày xưa chuyên cờ bạc, trộm cắp. Em nhớ có lần nó khoắng hết cả chuồng gà nhà ông ngoại bé Thu, em nhờ công an xã bắt nhốt mất mấy ngày. Sau này nó đi bộ đội, cả xóm mới được yên ổn.

- Bà xã ơi là bà xã! Chưa già đã lẩm cẩm. Em nhầm thế nào chứ cậu này nó làm ăn như giời, việc gì phải đi ăn trộm.

Vợ tôi ngẩn người ra một lúc. Ừ! Hay là em nhầm./.

Phùng Phương Quý
Số lần đọc: 2014
Ngày đăng: 04.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một người Mỹ trên đất Pháp - Francis Steegmuller
Con ngựa ô - Khôi Vũ
Truyện ngắn ngắn – 22 - Đỗ Ngọc Thạch
Bánh vẽ - Huỳnh Văn Úc
Những mảnh vỡ 9 - Nguyễn Thị Hậu
Thời buổi này người tốt khó tìm - Flannery O’Connor
Gió rừng u minh - Nguyễn Minh Phúc
Yêu bạn gái của bạn mình - Đỗ Mai Quyên
Truyện ngắn ngắn – 21 - Đỗ Ngọc Thạch
Hội làm ma - Khôi Vũ