Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
688
116.610.083
 
Chẫu chàng
Nguyễn Anh Thế

Đứng từ ngoài đường cái, có thể ai đó cố nhìn qua những khe hở lỗ chỗ của hàng dứa dại đi chăng nữa cũng sẽ chẳng thấy gì ngoài những cây bụi lúp xúp, một chút mái dạ thâm đen, còng lưng mốc thếch. May mắn là trong đó có trồng cơ man là ớt. Ớt chín đỏ, ớt mới ngả màu vàng, ớt xanh ngắt chũm chọe  đủ để thấy nơi đây còn hiện hữu chút sự sống. Nhưng ở cái ngôi làng này, đến nhìn vào mặt nhau người ta còn phải gườm gườm lựa từng tí một thì ai hơi đâu mà soi vào sau lưng nhà người khác, nhất lại là ngôi nhà có cái mái rạ còng lưng và người đàn bà khắc nghiệt.

 

Ông Khoán ngồi trong thế lưng tựa vào mảnh ghế bị mối ăn lỗ chỗ, một chân co trước ngực giữ cho cái cổ cò của ông khỏi rung lên từng chặp trong những cơn ho. Chân kia, ông để thõng, ngón cái còn mím hờ vào chiếc quai tông buộc một cục dây cao su phía dưới đế. Bà tôi ngồi trên thanh gỗ, dựa vào bậu cửa. Bất giác, thằng em tôi tròn xoe mắt giật giật áo tôi rồi kéo tai tôi lại nói thầm. Nó bảo: “Trông bà giống chữ C nhỉ”. Thấy tôi có vẻ không hứng thú lắm. Nó hí hửng giảng giải: “Chả chữ C còn gì! Chữ C trong chữ “cứt gà sát” ý”, rồi há mồm cười hềnh hệch. Bà vươn nhẹ tay với cái chổi như kiểu bà vẫn làm lúc sắp đập một con chuột nhắt trong hòm cáng. Thằng em tôi co cẳng chạy văng mất dép. Tôi mon men lên ngồi cạnh bà hóng chuyện. Ông Khoán nhấc cái điếu cày trong gầm ghế vân vê que đóm rồi lại thận trọng đặt xuống. Ông kín đáo quay sang phía bà tôi:

- Hôm nay, bác có con nào không?

 

Bà chậm rãi móc túi thuốc lào ra từ lượt áo trong thứ ba, vê một điếu thuốc nhỏ vừa kéo rê trên hàm răng vừa trả lời:

- Chả có con nào sất. Hôm qua, tôi mơ thấy cả làng nhẵm phải cứt mà chịu không đoán ra. Thế chú bảo thế là con nào nhỉ?

 

Ông lại nhấc cái điếu lên. bồn chồn không yên:

- Bác cho em xin điếu thuốc, thèm quá!

- Thuốc mới thang. Đã không có còn nghiện. Bà vừa càu nhàu vừa lần túi trầu móc cho ông một nhúm thuốc lào toàn mủn. Ông khúm núm đỡ lấy, đặt nhanh vào ống điếu rồi nhét que đóm đang cháy dở vào như sợ nhúp vủn thuốc sẽ tan ra lúc nào không biết. Những tiếng roét roét đều đều và kết thúc đánh roẹt. Ông ngồi đê mê thở ra những luồng khói như khói lò hay chí ít cũng như khói bô công nông chạy dầu.

 

Ông bắt đầu ho. Những hàng gân cổ chạy rần rật. Nước mắt, nước mũi tứa ra. Hai chân đổi chỗ liên tục rồi cả hai cùng chống cằm thủ thế. Giọng ông trở lên khò khè:

- Thế thì con 10 bác ạ! Em xem sổ mơ rồi. Em phải kiếm con lợp lại cái nhà cho bà cụ. Cũng sắp vào đầu mùa mưa. Nhanh thật.

 

Bà tôi rướn cái lưng chữ C lên một chút như định nói gì rồi lại hạ xuống từ từ thở dài. Những ngón tay run run miết thuốc lào của bà thấm đỏ thứ nước cốt trầu két lại. Tôi tò mò cậy cậy được một mảng lớn. Lũ ruồi đậu vo ve trên miệng chén, để lại những chấm đen chi chít. Ngoài sân, nắng bắt đầu đổ những vòm lỗ chỗ trên nền sân gạch. Chiếc mo cau bị gió lùa rơi một tiếng khô khốc làm vỡ òa bầu nắng. Nắng tràn lên mấp mé bậc thềm vàng như mật ong hoa vải. Tôi bỏ những ngón tay của bà, chạy xuống bậc sân reo to: “Bà ơi! Cau lại ra hoa bà ơi!”. Ông Khoán giật mình xỏ đôi tông loẹt quẹt đi ra. Bà quăng điếu thuốc lào đứng dậy. Câu chuyện buổi sáng kết thúc.

 

Hai thằng tôi lom khom bước theo sau ông Khoán, lưng của ông nhô cao hai mảnh xương vai bè bè. Mỗi bước chân, ông chỉ nhón ngón cái rồi lựa một chỗ trống rồm rộp sỏi cơm đặt nhẹ vào. Thằng em tôi để ý. Nó lại kéo tai tôi thì thầm. Nó bảo ngón chân ông tòe tòe như chữ T ấy nhỉ! Tôi vẫn im lặng. Nó quả quyết: “Giống cái xẻng hót…”. Ông Khoán quay phắt đầu lại. Nó lúng búng trong mồm. Ông đưa tay suýt ngang miệng. Chưa hiểu chuyện gì, tôi thấy người ông co rúm, rung lên bần bật. Hai xương bả vai của ông trều hẳn ra. Những ngón chân của ông di di nhẹ trên mặt đất. Tôi đã từng thấy những con mèo trong tư thế như vậy khi chuẩn bị vồ mồi. Mảng nếp nhăn dọc má ông nhão ra như một nhúm bột xay thừa nước. Phốc một cái, ông co hai chân lên nhào về phía trước, ngã dúi dụi. Hai tay ông túm chặt vào nhau. Một hàng cây cứt chó gãy dập. Những cuống hoa dài màu tím bị di nát quyện cả cánh vào đám sỏi. Thằng em tôi tất tả nhặt chiếc tông xỏ vào chân cho ông hình như là để trả nợ cho việc vừa nãy ông không đuổi nó. Nhưng ngón chân tòe của ông cứ nhất định trượt ra. Nó hì hụi ấn rồi lại nhét. Ông giật mạnh chân lồm cồm bò dậy. Nó ngã bổ nhào. Trong tay ông thò ra một cái đầu con chẫu chàng bị bóp mạnh đến mức phọt cả hai mắt đỏ lòm. Bàn chân như chân ếch của nó nhưng khô đét và có những ngón dài như ngón tay của một đứa trẻ dị dạng. Những con chẫu chàng không bao giờ sống dưới nước. Nó chỉ chui rúc trong những xó xỉnh, bò lủng lẳng trên bờ tường vây hay trên những thân cây. Thi thoảng, nó phụt cái lưỡi nhơm nhớp dính một con bọ nuốt chửng. Thằng em của tôi hét lên, bò giật lùi, rúc cả qua bờ rào. Tôi thì không thế. Ông quẳng con chẫu chàng về gần chỗ tôi bảo tôi trông hộ rồi lại rung rung người trong thế một con mèo rình chuột. Một loáng ông đã bóp lòi mắt ba con chẫu chàng.

 

Tôi ngồi chồm hỗm xem ông lột da mấy con vật không may. Đầu tiên, ông cắt khứa một vòng da quanh cổ chúng rồi một tay giữ chặt đầu, tay kia cầm nhẹ mảnh da kéo đánh sột. Những bắp cơ ẽo ọt phần vế đùi con vật giật giật mấy cái nhè nhẹ. Ông Khoán vừa làm vừa nhấp nhổm nhìn về phía sau lưng tôi. Khuôn mặt ông co lại, đăm chiêu già đi hàng chục tuổi. Ông cẩn trọng gói mấy cái đầu chẫu chàng, mấy bộ da khô đét và những cái ngón chân dài lủng lẳng vào một mảnh lá chuối khô. Những nếp gấp ban nãy trên khuôn mặt giãn dần ra, ông vừa khe khẽ huýt sáo vừa băm nhỏ ba cái thây không đầu thành một vốc thịt gọn ghẽ. Những mủn thịt nạc vương trong những kẽ thớt vẫn bốc lên một làn khói mỏng. Mọi công đoạn hoàn tất, ông đưa bọc lá chuối cho tôi “xử lí”, nháy mắt bảo tôi giữ bí mật.

 

Tôi lao vù vù xuống đầu nhà bà Huyên vứt ngay bọc lá chuối ở đấy phủi phủi tay hoàn thành nhiệm vụ.

 

Cụ Khoán tựa lưng vào tường. Hai mắt lờ đờ. Dử đùn đầy kẽ. Da cụ dăn deo, xỉn khô lại. Bất chợt, tôi liên tưởng đến da của lũ chẫu chàng ban nãy. Miệng cụ nhóp nhép liên tục như bắt được mùi thịt băm lá nốt thơm lựng. Nước miệng nhểu ra tràn qua miệng rơi lỗ chỗ trên cánh áo thâm của cụ.

Ông Khoán hớn hở bưng mẹt cơm đặt lên chõng rồi cầm manh áo vẫn vắt trên vai lau mồ hôi khắp mặt. Trên tấm mẹt lởm chởm vết chuột gặm xếp ngay ngắn một đĩa thịt băm lá nốt, một bát canh rau mảnh bát và mấy quả ớt cà chua chín đỏ chót. Ông Khoán chưa kịp xới cơm, cụ Khoán đã nhào đến với một miếng thịt băm nhai trệu trạo. Cứ ăn một miếng cụ lại cắn một miếng ớt to. Hàng lợi của cụ đỏ tấy lên bật cả máu. Cụ thều thào hỏi con:

- Nhà Khoán bữa nay lấy thịt ở đâu thế?

 

Ông Khoán ậm ừ:

- Thì…thì! À, hôm qua con ra lão Quyến. Lão ấy mới chắn được mẻ cá lớn, lão ấy cho vay mấy đồng.

- Chết! Vay của người ta thì lại phải giả chứ. Với lại hôm nay cho u ăn sang thế này, ngày mai lấy đâu gạo mà ăn!

- Lo gì u. Con vẫn còn chạy được. Mà đã lâu lắm rồi u có được ăn thịt đâu.

 

Cụ Khoán buông đũa trầm ngâm một chút không nói gì nữa.

Nắng xuyên qua lỗ trống trên mái rạ đổ xuống nền nhà một quầng lớn sáng bừng cả ngôi nhà, soi rõ những miếng chả chẫu chàng trắng ởn do thiếu mỡ. Bữa ăn sắp đi vào hồi kết, ông Khoán chỉ cầm đũa lấy lệ. Bà cụ dò dẫm múc một thìa canh rau mảnh bát trong sõng xúc miệng òng ọc.

Bà Huyên đứng ở bậu cửa từ lúc nào. Nhìn đĩa chả, khóe miệng bà hơi nhếch một chút. Ông Khoán ngẩng lên giật nảy mình, khuôn mặt sạm hẳn lại. Cụ Khoán hấp háy hai mắt vẻ thủ thế.

- Cụ có biết ông ấy cho cụ ăn cái gì không? Bà Huyên chậm rãi, tay vân vê bậu cửa, vo tròn một cục mùn tre.

- Bà! Ông Khoán cững lưỡi.

 

Bà cụ vẫn hấp háy đôi mắt toét nhoèn. Vẻ bất an đã lộ rõ trên khuôn mặt nhúm nhó. Đôi mắt ông Khoán ánh lên những tia van xin tuyệt vọng.

- Thịt chẫu chàng đấy cụ ạ! Chữ “ạ” kéo dài mãi.

Không khí ắng lặng, rồi chỉ thấy bà cụ oaỉ hẳn người xuống. Những nếp gấp rung rung. Cụ vật người ra sau, nôn khan ọ ẹ. Bà Huyên lùi lại, quay trở ra. Ông Khoán cũng lặng lẽ đứng dậy. Phía gần hàng cây ớt chín đỏ chói, tôi chỉ nghe thấy tiếng ông Khoán rất mỏng: “Bà ác lắm!” và một giọt nước mắt đùng đục trườn nhẹ ra khóe mắt ông. Buổi trưa chìm nghỉm trong tiếng cười đặc quánh của bà Huyên còn vọng lại.

- Bà cụ ốm thế nào? Bà vẫn ngồi ở bậu cửa, chỉ có đốt xương giữa cột sống là chạm được vào cạnh gỗ. Bàn tay run run của bà lần mãi mà không lấy được túi trầu ra.

- Cụ chẳng chịu ăn gì mà hễ ăn là lại nôn thốc nôn tháo. Người rộc hẳn ra, tóc lại rụng từng mảng một.

- Chú hết khôn dồn đến dại à! Giọng bà quyện vào mùi thuốc lào cay xè xộc ra từ trong túi.

- Em cũng nào có ngờ bà ấy ác thế. Thôi thì cũng là tại cái thân em, không dưng lại mang mẹ mình về làm thân chui rúc xó vườn gầm chạn.

 

Bà im lặng ngả hẳn đầu tựa vào thành cửa. Được một lát, nghĩ thế nào, bà trở dậy lại gần bàn thờ xắp ba nén hương, châm lửa lầm rầm khấn.

 

Ông Khoán hốt hoảng:

- Ấy chết, bác đừng làm kinh động đến ông mà phải tội!

- Tôi thắp hương gọi ông ấy về mà dạy em ông ấy, chứ loại bà cô ông mãnh thế phúc đức gì về sau.

Bà ngồi trở lại chỗ cũ. Đôi mắt dài dại nhìn thằng em tôi đang nhảy choi choi giật cái tàu cau chưa rụng một cách vô hồn.

 

Tiền gườm gườm nhìn ông Khoán lụi cụi đi vào từ phía cổng. Hắn giáng mạnh từng nhát búa tạ xuống khúc cọc tre rung lên bần bật. Chỉ dăm hàng cọc nữa, hắn sẽ hoàn thành một bức phên cao đến nửa người chặn ngang lối đi từ ngôi nhà mái rạ xuống đoạn sân gạch ông đang đứng. Bà Huyên ngồi hong tóc ở hiên. Mái tóc rũ xuống gần chạm đất vẫn còn đen bóng. Bà mặc một chiếc áo ngủ mỏng mầu cánh dán. Hai bầu vú không bị kẹp trong nịt ngực tuy đã hơi xệ nhưng vẫn còn để hờ những đường cong lộ liễu. Ông Khoán rướn cao yết hầu như định hỏi một cái gì đó nhưng lại thở dài yên lặng. Ông lựa đi qua khoảng trống nhỏ. Tiền đưa mắt nhìn sang mẹ. Bất chợt hắn sững lại. Vết sẹo trên má đỏ rần rật. Hắn táng mạnh chiếc búa toác đôi đốt tre vùng vằng bỏ vào trong nhà.

 

Tiếng dế kêu ri ri từng hồi vọng lên từ gốc mấy cây ớt buồn tẻ. Trăng rụng lòe nhòe. Trên lối mòn quanh co lượn khúc dọc búi tre, một bầy chuột cắn đuôi nhau chí chóe. Trong nhà, cụ Khoán đã đi nghỉ từ lâu. Ông Khoán ngồi trên bậc sân quay lưng lại với mái rạ có một lỗ lớn đen hoắm phía đỉnh nóc. Trong ánh trăng lờ mờ, ông như ngồi trước cửa miệng của một con vật quái đản. Nhưng ông không để ý đến những cái đó. Đốm lửa lóe sáng theo từng hơi dài của ông, trút dần tàn và ngắn lại. Cuộn giấy và gói thuốc lào vơi đi quá nửa. Ông miên man nghĩ về cuộc đời mình. Lấy một người phụ nữ chồng chết, đã có con riêng rồi đưa mẹ về ở rể, đi sặt lấy gạo nuôi con người. Nay gót chân của ông đã mòn vẹt. Những vết cương cứng dần lại và buốt nhói. Tiếng cựa mình lạc lõng của cụ Khoán trong buổi đêm yếu ớt nao lòng. Buổi sáng, lúc đứng trên mảng sân gạch, ông biết sự hớ hênh của bà Huyên là một sự trêu ngươi, một sự mỉa mai với ông. Nếu có ai hỏi ông mọi sự từ khi nào thì ông cũng chỉ chua chát lắc đầu vì thực sự ông cũng không biết. Chỉ nhớ một buổi sáng nào đó tỉnh dậy, ông thấy mình nằm còng queo trên cái chõng tre và giật mình thấy cụ Khoán ngồi dựa lưng vào tường đất. Đôi mắt đùng đục nhìn trân trân ra phía cửa buồn mà ai oán. Nhưng có lẽ là từ ngày ông không còn đi sặt được nữa.

 

Đương nhiên tôi có mặt trong việc dọn một cái lối đi nhỏ song song đường chuột chạy thẳng từ dãy ớt xuống tận cuối khu vườn cùng ông Khoán. Ông cởi trần vung con dao quắm phạt ngang những cây dại dọc lối đi. Tôi theo phía sau gạt những cây dại ấy sang hai bên. Chủ yếu là những cây cứt chó đang mùa trổ hoa. Nhựa trào ra từ ngang thân cây rỏ tong tỏng vào sỏi cơm, tan sền sệt tựa máu tươi. Đàn chẫu chàng mất chỗ ở, lao rào rào lên những cành tay tre là là mặt đất. Chúng bám một tay vào đó để treo mình. Đôi mắt mở thao láo. Tôi thốt lên thú vị khi phát hiện mí mắt của lũ chẫu chàng giống hệt mí mắt người. Ông Khoán hốt hoảng:

- Bậy nào! thủi thui…thủi thui…không được nói thế cháu ạ. Chẫu chàng nào mà mắt giống mắt người.

Nhưng tôi tin rằng ông cũng nhìn thấy như tôi. Vì vừa mắng tôi xong, mặt ông đã xanh ngắt như đổ tràm. Không chỉ thế, bà Huyên và con trai từ nãy đứng bên bờ sân gạch nhìn sang bây giờ cũng lủi mất.

 

Bà hớt hải đuổi chúng tôi ra sân chơi rồi khép hờ cánh cửa lại. Bà và ông Khoán lầm rầm cái gì đó vẻ rất hệ trọng. Thằng em tôi ghé sát tai vào cạnh cửa, hai mắt hấp háy liên tục. Nó chạy xuống sân mặc cả đòi tôi phải làm phu kéo nó ngồi trên mo cau đi hai vòng quanh làng, nó mới cho tôi biết. Nó bảo bà nói với ông Khoán rằng như thế là điềm gở rồi, kiểu gì cũng phát trong nay mai. Bà còn thắp hương, vừa nhìn que hương vừa phán trông sờ sợ. Còn ông Khoán ngồi rúm ró trên ghế, hai tay chặp một, run run trước ngực.

 

Trời không nắng. Buổi chiều nhờ nhợ. Cái nóng không biết từ đâu đùn lên một cách chầm chậm. Hàng cây ớt cạnh sân ban đầu oằn mình một chút rồi rũ rượi nằm bệt xuống mặt đất. Có lẽ nóng từ lòng đất. Cả cái góc vườn bây giờ như một chảo lạc rang. Những viên sỏi cơm không được ai đảo cháy đen mặt dưới. Ông Khoán thẫn thờ buông tấm liếp rơm nhìn lặng. Dưới góc vườn ấy, bầy chẫu chàng vung nhảy loạn xạ như một vũ hội. Con này chưa rơi xuống, con kia đã nhảy lên nhịp nhàng, vội vã. Những cành tay tre bị bấu kín. Vài con không may mắn thực hiện mãi một động tác vô nghĩa đến tuyệt vọng. Sau phát nhảy cuối cùng, Chúng nằm ngửa bụng. Hai chân sau giãy giãy yếu ớt, hai chân trước co quắp trước ngực thủ thế. Mi mắt của chúng co lại để lồi hai con ngươi. Tôi cũng buông một tấm liếp chống xuống đất, nhìn theo ông, nhận xét:

- Oi quá ông nhỉ!

 

Ông không trả lời tôi mà yên lặng thở dài. Dạo này, tôi hay bắt gặp ông như vậy. Lúc chẳng có chuyện gì, không dưng ông cũng thở dài đánh thượt. Suốt cả buổi trưa ông phải đi xin khắp làng được mấy ôm rơm về nẹp thành liếp để rọi tạm mấy lỗ thủng trên mái nhà. Trời đất thế này thì kiểu gì cũng bão. Bà cụ lại đang ốm. Ông bảo với bà tôi như vậy.

 

Bệnh của cụ Khoán ngày càng trầm trọng. Cho đến ngày hôm nay, cụ đã nằm liệt giường được một tuần. Tóc trên đầu cụ rụng gần hết, vương vãi, bết lại ở kẽ vạc giường. Cụ sợ ánh sáng nên suốt ngày chỉ nằm quay lưng vào tường. Đồng tử mắt giãn, da khô xác như da rắn. Bà tôi mím chặt môi, khẽ lắc đầu. Bà Huyên cho đóng kín bưng lối thông giữa hai nhà. Người đời vẫn bảo cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Nhưng với tất cả những gì có thể, hình như bà muốn đảo ngược cái lẽ đời ấy.

 

Vừa sáng sớm, ông Khoán đã gọi cổng bảo tôi tẹo lên nhà ngó cụ một chút cho ông. Ông lấy đà, nhảy lên xe đạp thẳng. Dáng ông gù gù, gãy hẳn về phía trước. Mắt nhìn hun hút. Bà từ trong bếp chạy ra lẩm bẩm: “Hẵng gượm hút điếu thuốc lào có được không!” rồi lẩn thẩn đi vào bếp.

 

Tôi chỉ dám chơi quanh quất ngoài sân, chịu không dám ngó mặt vào trong nhà. Tôi vẫn hay nghe bà kể chuyện về những người sắp chết. Bà bảo khi ấy họ không còn là người của cõi trần nữa. Lúc mấy con quỉ dưới địa ngục gõ cửa chuẩn bị đưa họ đi, họ sẽ mọc những chiếc nanh nhọn hoắt, đôi mắt còn toàn lòng trắng và những chiếc móng tay dài ra, quắp lại, không ngừng cào cấu xung quanh hòng trốn lệnh của diêm vương. Kể đến đây, bà đi một đường thuốc lào dài men theo hàm răng trên rồi chép miệng: “Tao thấy người ta bảo có cả thiên đàng. Nhưng làm chó gì có. Mà nếu có thì chỉ chó, mèo mới được lên thiên đàng chứ đã là người thì chả chó nào thoát nổi địa ngục đâu con ạ!”. Tôi ấp úng hỏi:

- Thế ít nữa bà cũng xuống đấy à?

- Tiên sư bố mày mong tao chết sớm hở!

 

Thằng em tôi từ nãy yên lặng giờ thủ thỉ:

- Chắc là tại bà hay đánh con đấy!

 

Bà cầm que bời lên nhưng nghĩ thế nào lại hạ xuống. Nó bật dậy cười khành khạch:

- Bà cũng sợ xuống địa ngục…a ha…bà cũng sợ địa ngục!

 

Lần đầu tiên bà cười theo nó:

- Tao sợ chó gì!

 

 

Bà Huyên dẫn một người khách đi vòng qua lối ông Khoán phát quang. Người khách đi trước, bà theo sau, mặt hơi cúi. Gần đến đoạn sân vôi, người khách đứng lại, quay lưng nhìn một lượt ra xung quanh. Đôi mắt người khách nheo nheo. Con chim chích chòe gần búi tre lích tích một hồi dài. Người khách hỏi một câu vu vơ:

- Thế đất này sao tự nhiên ngăn đôi làm gì! Rồi chẹp chẹp miệng.

 

Tự nhiên, bà Huyên quay sang tôi gắt gỏng:

- Ông Khoán đâu?

Tôi đã đi trước, hé tấm liếp cho người khách khom lưng chui qua nên chẳng chả lời. Bà cũng chả buồn hỏi lại, chun mũi lách nhẹ vào trong. Người khách ngồi ngay ngắn bên chõng tre, nhìn cụ Khoán chăm chăm. Bà Huyên đảo mắt khắp lượt ngôi nhà, tò mò như thể đã lâu lắm rồi bà không đặt chân lên đây. Bà kéo nhẹ tấm áo cho gọn lại và ngồi thu mình hơn một chút. Cụ Khoán vẫn mở mắt từ ban nãy không chớp lấy một cái. Từng nếp da trên khuôn mặt cụ bị kéo xô vào nhau. Người khách kéo nhẹ tấm chăn dạ mỏng xuống để lộ dần từng ùng thịt đỏ như thịt quả chay lộn xộn dọc hai bắp chân cụ. Một vài hố thịt như vậy đã có những sợi cơ nhũn ra. Vẫn một vẻ trầm lặng, người khách nói như thì thầm:

- Để thế này rồi hỏng!

Bà Huyên đang nghĩ vẫn vơ ở đâu giật thót mình hỏi lại:

- Bác bảo sao cơ?

 

Trong sự lặng im rờn rợn, quanh khóe miệng cụ Khoán hơi giãn ra một chút.

Tôi lại vén tấm liếp cho người khách chui qua. Đứng trước hàng cây ớt, ông chống tay vào cạnh sườn nhìn bao quát một lượt nữa, chép chép miệng, bước chậm ra cổng. Bà Huyên liếc xéo, chạy giật vào hàng cây ớt vặt mộc vốc ớt cà chua chín đỏ mòng mọng. Đứng trước tấm liếp, bà ngẫm nghĩ một chút rồi vén nhẹ chui vào. Tôi nép chỗ bậu cửa chỉ dám hé mắt nhìn. Cụ Khoán nằm bệt, hai tay, hai chân bất động nhưng mắt mở trừng trừng. Bà Huyên đứng im, từ từ bóp nát vốc ớt.

 

Đột ngột, bà thở hắt ra, hạ giọng:

- U nằm thế này, chả ai trông rồi chuột bọ nó gặm chân, gặm tay con mang tiếng phải tội chết.

Tôi chưa bao giờ thấy khuôn mặt cụ Khoán bình thản thế. Bà Huyên rung rung người, nhào ấp xuống giường trát đỏ vốc ớt vào những hốc thịt. Vừa làm, bà vừa hờ cay độc:

- Chuột này…chuột này!

Im lặng đến tê người. Cụ Khoán tru một tiếng ngắn, khô khốc. Bầy chuột làm tổ trên mái rạ nẩy bật lên, rơi bình bình xuống sân vôi. Bà Huyên khoan khoái, vén cao tấm liếp. Tôi giật lùi, xiêu vẹo, chạy thục mạng về phía búi tre.

 

Hai ngày sau, cụ Khoán chết. Lúc người ta đưa đồng cụ ra khỏi mảnh vườn thì trời nổi một cơn giông lớn. Sau những ngày oi nồng, mưa đổ ào ạt như trút. Lũ chẫu chàng lần lượt rời bỏ những cành tay tre. Chúng nhảy loạn xạ, túa ra khắp nơi bắt đầu cho một mùa giao phối mới.

 

(Hà Đông – 06/08)

Nguyễn Anh Thế
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 09.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Màn trình diễn Tổng vệ sinh đường phố - Feng Jicai
Tên đao phủ trên cổ thành - Sâm Thương
Nguyệt Thực - Lê Vũ
Vai diễn của hai người cô đơn - Đỗ Mai Quyên
Một trường hợp - Mang Viên Long
Hai lần bác sĩ - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm cỏ tuyết - Kiệt Tấn
Chuỗi hạt trân châu - William Somerset Maugham
Vườn mê 1 - Nguyễn Anh Thế
Lộc rừng - Phùng Phương Quý
Cùng một tác giả
Vườn mê 1 (truyện ngắn)
Chẫu chàng (truyện ngắn)
Vợ người (truyện ngắn)
Con đường bụi đỏ (truyện ngắn)
Vườn mê 2 (truyện ngắn)
Cò Quăm (truyện ngắn)