Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
489
115.989.258
 
Nghề hạ bạc
Phan Lữ Hoàng Hà

Ghi chép của Phan Lữ Hoàng Hà

 

Đêm, nước ngoài cửa sông Hàm Luông vội lớn, gió chướng sớm hây hây hất từng cơn dưới ánh trăng lung linh huyền ảo của miền biển chúng tôi vào chuyện với những ngư dân dạn dày sương gió sống nghề... "đâm hà bá".

 

CÁI NGHIỆP PHẢI ĐEO


Bước vào tháng 10 âm lịch, khi triều cường bắt đầu dồn dập theo con nước rằm và ba mươi, là thời điểm làm việc tất bật của những ngư dân sống nghề đóng đáy trên sông. Miêu tả cho thời điểm này, ngư dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói thật gọn mà rất tượng hình: "chạy". Chạy có nghĩa đã vô mùa nước chảy, cá tép trên sông nhởn nhơ nhiều hơn so với những mùa khác. Trong lúc chờ thả lưới, anh Tấn Lộc, một ngư dân có hàng đáy trên sông Băng Cung (Thạnh Phú, Bến Tre) nói cho tôi nghe về nghề sông nước ở quê mình: "Hạ bạc là xuống biển. Trải qua bao thế kỷ, tự thân nghề này đã biến hóa ra hàng chục kiểu đánh bắt tôm cá khác nhau, từ thô sơ đến hiện đại; đánh bắt ở ven bờ, dưới sông và ngoài biển xa đều có sự sáng tạo riêng của ngư dân - Lộc kể tiếp - : Sơ khai nhất là người ta đi xúc ở ven bờ sông. Dụng cụ xúc là chiếc thúng đươn bằng tre, sau lưng người đi xúc buộc lủng lẳng trái bầu già móc rỗng ruột, nổi lều bều trên mặt nước, đó là dụng cụ để đựng tôm cá khi xúc được. Còn đi xiệp là hình thức đánh bắt bằng lưới có lẽ xuất hiện đầu tiên.Thông thường, ngư dân lấy hai thân tre (hoặc trúc lớn) ghép lại thành hình chữ V rồi căng lưới qua hai đường sống của tre, và phần lưới phía đầu chữ V là chỗ để tôm cá lọt vào. Còn đi chài lưới bên bờ thì người thải chài phải quen thao tác: chài tung ra, cái miệng chài có hình tròn vo rồi chụp đều xuống nước. Ngày xưa, đăng ở ven bờ sông, người ta dùng những thanh trúc nhỏ kết lại thành từng mảng đăng dài, còn bây giờ thì dùng lưới. Với hình thức này, lúc nước lớn, lưới được đóng thành một hàng dài sát bờ sông và chờ cho đến nước ròng tất tôm cá sẽ bị kẹt trong lưới. Ngoài ra còn có đăng đó (đăng lú) trên sông rạch. Kéo lưới một, lưới đôi, lưới ba ven bờ. Đi bắt thủy sản bằng mong (dùng một thanh ván lướt nhẹ trên bùn), bằng cà kheo (đi trên bãi bồi). Lưới quay. và đi lưới ven bờ với sự hỗ trợ của người đi cà kheo dưới nước... - giọng anh Lộc trầm xuống - : Những cách đánh bắt ấy giờ mai một rất nhiều!".

 

Đánh bắt dưới sông rạch càng đa dạng: đi te, đi cào bằng tàu; đóng đáy từ trong rạch nhỏ cho tới ra ngoài cửa biển như đáy rạo, đáy sông cầu, đáy hàng khơi.

 

Đi te là đặt một khoảng lưới hình chữ V trước mũi tàu rồi cho tàu di chuyển ngược với dòng nước chảy, còn đi cào thì ngược lại, tức giàn lưới đặt ở đằng sau đuôi tàu (thường gọi giàn cào). Riêng "hệ" đóng đáy quả hết sức phong phú: Đáy trên sông là hình thức đóng sào, căng dây để tạo thành các miệng lưới án ngữ ngang sông mà mỗi miệng lưới gọi là một khẩu. Hình thức này đóng cố định một chỗ. Đáy bè cơ động hơn: những chiếc phao bằng pit xi (ruột bánh xe tải) buộc giăng giăng trên những hàng lưới tạo thành một đường thẳng chắn ngang sông. Ngư dân muốn thử lưới bè ở đoạn sông nào thì tùy họ. Đáy rạo, đáy sông cầu đóng ngoài cửa biển. Đáy rạo không dùng lưới, ngư dân sáng tạo bằng cách đóng xuống đáy biển những thân cây đước suôn đuột, cao khoảng 10 mét, cách nhau chừng 1 mét, bố trí cũng theo hình chữ V. Khi nước biển chảy, nước làm đong đưa những thân đước, tạo tiếng kêu rào rạo, cá tôm không dám vượt qua bức tường âm thanh kỳ quái đó, thế là chúng thẳng hướng xuống đến đáy của chữ V - nơi có chiếc đục đang chờ tóm gọn chúng. Đáy sông cầu không khác như đóng đáy trên sông nhưng mỗi khẩu của nó rộng hơn và đóng ở tuốt mù ngoài cửa biển. Ông Ba Hượt, một bậc cao niên sống nghề đáy sông cầu từ thời trai trẻ ở cửa biển Thạnh Phong, tâm sự: "Làm nghề đóng đáy sông cầu vất vả, cực nhọc lắm mấy cậu ơi. Thanh niên làm nghề phải có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng giỏi và khi đụng chuyện phải dám gồng mình... uống nước mắm!". "Uống nước mắm mần chi vậy, bác Ba?" - tôi hỏi. "Để chống lạnh khi phải lặn xuống biển. Nghề sông nước, lắm khi mưa bão liên miên nên chuyện sập hàng đáy là điều vẫn xảy ra. Khi sập hàng đáy? Lắm lúc chỉ một người coi đáy với chiếc phao, họ bồng bềnh trên biển suốt đêm đen để chờ cho tới khi chủ trong bờ đưa tàu ra cứu vớt. Rồi sửa lại hàng đáy nữa chi. Uống nước mắm, lặn xuống biển làm việc sẽ đỡ lạnh...". Thấy mấy ngư dân lực lưỡng sống trên chòi canh treo giữa hàng đáy sông cầu, người nào cũng có chiếc dao bén đeo lủng lẳng trước ngực. Tôi hỏi ông Ba Hượt dao ấy để làm gì thì Ông cho biết: "Khi chẳng may bị rớt người xuống hàng đáy, nước biển chảy xiết, cuốn nhanh người vào bẫy lưới, chết không kịp thở. Vậy nên đó là dụng cụ hữu hiệu nhất để rạch rách lưới, nhanh chóng thoát người ra khỏi lưới. Nhưng rồi ông Ba than: " Làm lụng cực khổ, hiểm nguy vậy nhưng giờ đóng đáy hàng khơi khó ăn lắm rồi. Cá tép ven bờ thưa dần thấy rõ. Ông Ba chỉ tay ra tuốt mù khơi - : Muốn khá, phải bung ra khơi xa. Đánh bắt xa bờ mà gặp vận thì phất lên ào ào.

 

CHINH PHỤC BIỂN XA

 

Trong đánh bắt xa bờ, sau đi câu mực, đánh bắt lưới đèn là nghề thời thượng, ghi nhận bước tiến nhảy vọt về cách đánh bắt hiện đại của ngư dân ta. Nghề lưới đèn xuất hiện đầu tiên trên các  ngư trường ngoài biển Đông khoảng năm 1990. Sau cơn bão Linda (số 5) tháng 11 năm 1997, qua đầu tư khắc phục cơn bão thế kỷ và chương trình đánh bắt xa bờ của chính phủ, số lượng tàu lưới đèn được đầu tư đóng mới tăng hơn gấp nhiều lần so trước năm 1997. Tàu có công suất từ 300 CV trở lên, có khả năng hoạt động đánh bắt xa bờ hàng tháng trên biển cả. Số lượng tàu tăng, tuy nhiên, số tàu được đầu tư đóng mới từ hai nguồn vốn trên làm ăn hiệu quả thì rất khiêm tốn: Nợ vay chưa hoàn vốn trên cả nước còn nhì nhằng hàng tỷ đồng, hàng trăm con tàu vừa đóng phải nằm ụ 'trùm mền", rệu rã theo thời gian vì không khả năng (hoặc không dám) hạ thủy! Chủ tàu đánh bắt lưới đèn Hậu Thành, anh Mai Văn Lạc (xã Bình Thắng, Bình Đại, Bến Tre), từng thổ lộ với tôi: "chinh phục biển xa ư? Nghề đánh bắt lưới đèn à? Người trong cuộc sẽ thấu đáo hơn ai hết: lớn thuyền, lớn sóng"... Song, đã hơn ba năm rồi, có một mô hình đánh bắt xa bờ (lưới đèn) ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn vững vàng phát triển đó là đoàn tàu 17 chiếc của Công ty Lâm Thủy sản xuất khẩu Bến Tre. Giám đốc Công ty Lâm Thủy sản xuất khẩu Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại: "Sau cơn bão số 5, công ty chúng tôi có thêm nghề mới: đóng tàu đánh bắt xa bờ. Qua uy tín đóng tàu của công ty, nhiều cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh đến công ty đặt đóng tàu. Cuối năm 1998, công ty quyết định thành lập dự án vay vốn đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển - chi nhánh Bến Tre (qua chương trình đầu tư đánh bắt xa bờ của chính phủ). Cuối năm 1999, ba tàu, mỗi tàu trọng tải một trăm tấn và trị giá khoảng hai tỷ đồng/tàu, đóng xong, hạ thủy đi đánh bắt ngay. Đến năm 2001, cũng từ nguồn vốn vay trên, công ty tiếp tục cho hạ thủy thêm bốn chiếc tàu nữa và hiện nay tổng cộng là mười bảy chiếc, trong đó có ba chiếc thuộc vốn tích lũy của công ty". Giám đốc chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bến Tre Trần Văn Gôm cho biết: "Trong lúc nợ vay đánh bắt xa bờ đến nay (2003) vẫn khó đòi, địa phương phải tiến hành những biện pháp mạnh để đòi nợ, thì tổng số vốn vay theo hợp đồng tín dụng Công ty Lâm Thủy sản xuất khẩu Bến Tre đã trả nốt 100% từ năm 2001". "Yếu tố nào giúp đoàn tàu mười bảy chiếc của Công ty Lâm Thủy sản xuất khẩu Bến Tre làm ăn có hiệu quả và thực hiện đúng hợp đồng tín dụng mà công ty đã ký?" - tôi hỏi, ông Nguyễn Văn Hiếu nói gọn, tóm tắt, nhưng qua đó cho thấy công ty này mạnh ở khâu tổ chức, năng động trong cách làm. Về khâu lập dự án đóng tàu, trước khi đóng tàu, ông Hiếu đi nhiều nơi, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung để tìm những thuyền trưởng giỏi, có nhiều kinh nghiệm về đánh bắt lưới đèn về với đoàn tàu. Tại địa phương cũng thế, về khâu tổ chức, công ty chọn thuyền trưởng, kỹ thuật và các thuyền viên đều có tay nghề. Mỗi tàu mười bảy đến mười tám người, trong đó bạn (ngư dân đi đánh bắt) mười hai đến mười ba người, số còn lại nắm phần kỹ thuật, quản lý, hậu cần thuộc nhân viên của công ty. Đoàn tàu chia thành hai tổ, mỗi tổ tám chiếc. Vùng biển đoàn tàu công ty thường đánh bắt là các ngư trường gần biển Côn Sơn. Mỗi đợt ra khơi trên dưới hai mươi ngày đêm, chọn lúc thời điểm trời không trăng hoặc trăng còn sáng lờ mờ. Trong tám chiếc của một tổ, cứ thay vòng nhau, một chiếc vào bờ bán cá khi các tàu đã lưới được nhiều. Cách làm này bảo đảm chất lượng hải sản đánh được, tránh chuyện dội chợ... cá (giá chênh lệch 40 - 50% nếu phải đụng chợ), giảm chi phí chung của một đợt hải hành. Hiện tại, thường mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu của công ty bán khoảng một trăm triệu đồng tiền cá (chủ yếu cá ngân, bạc má, nục, trao tráo, cá ngừ), trừ chi phí, để quỹ, các thuyền trưởng thu nhập ba triệu đồng/tháng, các thuyền viên 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có thêm chế độ khen thưởng thuyền viên. Việc khen thưởng cứ ba tháng tổng kết một lần. Tàu nào đạt chỉ tiêu, sẽ được thưởng

 

1 - 2% trong tổng số đánh bắt được; 360 thuyền viên của đoàn tàu có thu nhập ổn định.

Quả vậy, từ sức mạnh hợp quần, đoàn kết, quản lý sát, năng nổ trong cách làm nó đã giúp đoàn tàu mười bảy chiếc của Công ty Lâm Thủy sản xuất khẩu Bến Tre làm ăn có hiệu quả sau gần bốn năm chinh phục biển khơi. Song, Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu cũng thố lộ: "Giá nhiên liệu (dầu chạy máy tàu) đã tăng lên gấp 3 - 4 lần trong khi đó giá cá vẫn... giậm chân tại chỗ, thậm chí có lúc còn rớt xuống dưới 3.000đ/kg (như cá nục). Làm nghề biển mà, các "đại ca" đi trước đã nói: lớn thuyền, lớn sóng... Để giữ vững được những con tàu ra khơi, bám biển, ngư dân phải "chiến đấu" hết sức cật lực, gian lao. Nhiều năm rồi, đoàn tàu của công ty đón giao thừa, ăn Tết luôn ngoài biển cả...".

 

Vâng, đối với những con tàu làm ăn có hiệu quả, để khuyến khích ngư dân bám biển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa như điều chỉnh lãi suất ưu đãi vốn vay đầu tư từ chương trình đánh bắt xa bờ so với 7%/năm lúc đầu vì mức đó hiện không còn là ưu đãi - ông Hiếu tự sự.n

Phan Lữ Hoàng Hà
Số lần đọc: 3410
Ngày đăng: 18.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẫn trên vùng đất cũ - Nguyên Tùng
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn - Nguyễn Thị Diệp Mai
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa
Chuyện cổ tích của đất - Phan Trung Nghĩa
Ký ức một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Những mùa lúa đã xa xôi - Phan Trung Nghĩa
Người của một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Nhớ tết cũ - Phan Trung Nghĩa
Sản vật của bán đảo Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Hồ sơ một vết thương - Võ Ðắc Danh