Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
399
116.591.573
 
Thánh kiếm Miyamoto Mushashi
Nguyễn Ước

            “Trong đấu pháp, bạn phải giữ tâm trạng lúc nào cũng bình thường. Giữa cuộc sống hằng ngày cũng như khi thực hành võ thuật, chẳng chút thay đổi — với tâm trí phơi mở và trực tiếp, không căng thẳng không nghiêm trọng, bạn tập trung tâm trí để không mất quân bình. Trầm lặng thư giản cái tâm và tận hưởng khoảnh khắc ung dung ấy để sự thư giản không ngưng lại dù chỉ một chớp mắt”.

            Miyamoto Mushashi (Cung Bản Vũ Tàng) hẳn trong cảnh giới ấy khi ông vào cuộc tử chiến. Sáng đó, ông có hẹn đến một hòn đảo cách Ogura vài dặm để quyết đấu với Sasaki Kojiro, một tuyệt đại cao thủ Nhạn điểu công thủ kiếm pháp. Khi quan chức của Sứ quân đã tập trung trên bãi đấu, Mushashi, 28 tuổi, còn ngủ. Ông chỉ thức dậy khi Sứ quân cho người đến gọi, vì tưởng ông đã bỏ trốn. Trong khi ngồi thuyền ra đảo, ông đẽo mái chèo phụ thành một thanh kiếm gỗ, rồi nằm xuống nghỉ ngơi.

            Lúc sắp vào bờ, từ mạn thuyền, Mushashi chạy lướt sóng, tới trước địch thủ đang cầm thanh danh kiếm cực sắc, đợi sẵn. Với tư thế “đầu hiên ngang ngó thẳng, không ngước không cúi không nghiêng không vẹo, trán không cau mày không nhíu, mắt không nháy không trợn chỉ hơi khép, mặt bình thản, sống mũi thẳng như đang đánh hơi”. Ông nói với địch thủ “Anh sẽ không còn cần tới nó [kiếm] nữa”. Theo lời thách thức, Kijiro ra đòn trước. Mushashi lao thẳng vào mũi kiếm, một tay vung mái chèo đánh xuống đầu địch. Chiếc khăn trên đầu Mushashi bị chém đứt, lưng váy bị rạch ngang. Nhưng địch thủ gục xuống. Ông liệng kiếm gỗ, nhẹ nhàng nhảy lùi vài bước, rồi tuốt song kiếm, hoa lên với tiếng thét lớn vào Kijiro đang nằm sấp mặt.

Nhập chốn tử sinh

            Trận đấu kinh hoàng vừa kể thể hiện đúng phong cách Mushashi: bước đầu cũng là bước cuối, thế hữu hiệu nhất là thế đơn giản nhất, luôn luôn lượng đúng thời gian và khoảng cách, và đấu với một người cũng giống đấu với đông người. Ðó có lẽ cũng là cuộc tử chiến sau cùng của Mushashi, người được hậu thế tôn là Kensei, thánh kiếm của Nhật Bản.

            Thuộc giai cấp hiệp sĩ quí tộc, với tên đầy đủ là Shinmen Mushashi No Kami Fugiwara No Genshin, Ông chào đời năm 1584 tại làng Miyamoto tỉnh Mimasaka. Năm lên 7 tuổi, mồ côi cha rồi chẳng bao lâu mồ côi cả mẹ, ông về sống với người cậu ruột tu sĩ. Lớn lên trong bối cảnh nước Nhật suốt hai thế kỷ 15 và 16 gần như nôi chiến liên tục giữa các lãnh chúa, với các đạo quân cơ hữu gồm giới võ sĩ đạo mà Kiếm đạo đồng nghĩa với gốc tích quí tộc của họ, và các binh sĩ cầm trường thương, kích và súng hỏa mai mới du nhập từ phương Tây. Sau đó. tời thời hòa bình và ổn định, các võ sĩ trở thành những kẻ thất nghiệp, lãng du “hành hiệp” với đạo đường luyện kiếm mọc lên như nấm.

            Xuất thân Ni Ten Ichi Ryu (Nhị Thiên Phái), với kiếm sắc Mushashi nhập giang hồ, chốn hễ tuốt kiếm là đối mặt với cái chết dữ dằn nếu không của địch thủ thì của chính mình. Bằng tập luyện gian khổ và chênh vênh bên bờ tử sinh, người võ sĩ đạo đi tìm ý nghĩa cuộc đời và thành toàn bản thân trong thái độ kiên quyết chấp nhận cái chết. Hai thanh kiếm, một ngắn một dài được tôi luyện và mài dũa tới độ bén nhất, đeo với lưỡi hướng lên trời nên tuốt kiếm cũng là ánh chớp công thủ, và thậm chí có thể vô tình tự chém đứt mình. Kiếm là vua vũ khí vì sử kiếm đi đôi với luyên tâm. Mushashi đã 2 lần tham gia binh đoàn nội chiến và hơn 60 lần tử chiến với các kiếm sĩ do ông khiêu chiến hoặc bị họ tìm tới so tài.

            Hiến thân cho Kiếm đạo (Kendo) từ nhỏ, năm 13 tuổi, Mushashi đã hạ tay kiếm Arima Kihe, phái Shinto. Năm 16 tuổi rời quê nhà lên đường “hành hiệp” và ông chém gục cao thủ Tadashima Akiyama. Năm 21 tuổi, ông lên kinh đô Kyoto và đánh phục hận làm tan tành môn phái Yoshioka. Sau đó ông lang thang khăp nước, nơi nào cũng so kiếm với đủ loại kiếm khách thuộc đủ loại môn phái. Suốt 16 năm với hơn sáu chục trận đấu, Mushashi còn sống nghĩa là như ông kể, “không hề có trận nào không thắng”. Không chải tóc, không vợ con, không sinh kế, người cao lớn, diện mạo dữ tơn, y phục nhếch nhác, và người đời kể rằng ông ít bước vào phòng tắm vì sợ bị tập kích. Khi dùng kiếm thật, khi dùng kiếm gỗ, khi gậy dài gậy ngắn, hoặc đôi khi chỉ một thanh tre mảnh mai, ông loại các địch thủ khỏi vòng chiến.

Ðạo từ mũi kiếm

            Kể từ sau trận đấu với Kijiro, Mushashi bỏ kiếm và làm bạn với Ðạo Nguyên, một thiền sư kiếm khách. Ông kể rằng mình chỉ còn suốt ngày đêm chiêm nghiệm tìm cho ra những nguyên lý cơ bản, nhờ thế, tới năm ngũ thập, ông nhận thức được đấu pháp trong võ học và binh pháp như một con đường đạo. Từ bỏ cuộc sống tiện nghi khi làm môn khách của lãnh chúa Churi ở lâu đài Mumamoto, năm 1643, Mushashi qui ẩn trong một hang đá, và viết cuốn Go Rin No Sho (Ngũ Luân Kỳ Thư), giao cho đệ tử Teruo Nobuyuki vài tuần trước khi qua đới năm 1645, lúc 61 tuổi. Ông để lại lời đoan chắc “Một khi bạn đạt tới chiến pháp, thì không điều gì bạn không hiểu”,“Bạn sẽ thấy Ðạo trong tất cả mọi sự”. Ông kể rằng từ năm 50 tuổi, “với tác dụng của Ðạo tôi thể hiện nhiều khả năng và nhiều bộ môn nghệ thuật – tất cả mà không cần tới vị thầy nào”.

            Thật vậy, Mushashi trở thành bậc thầy trong hội họa và thủ công. Thấm đẫm Thiền tính, ông để lại nhiều họa phẩm Thủy mạc, các bức tượng điêu khắc gỗ và kim loại, v.v. Tác phẩm của ông được đánh giá thuộc loại cao nhất. Ông còn làm thơ viết nhạc. Như thế, Kiếm thánh đã đi rất trọn và rất đẹp con đường song hành Thư Kiếm của người võ sĩ đạo.

Go Rin No Sho

            Ngũ Luân Kỳ Thư là một tập sách mỏng chia thành 5 quyển trong đó Mushashi viết về Heiho (Binh pháp hay Chiến pháp: dạy cách dùng binh và sử kiếm) với nguyên lý của Ðạo là “tự nhiên”“nhận thức năng lực của tự nhiên, hiểu biết tiết nhịp của mọi tình huống, thì có thể ra tay rất tự nhiên với bất cứ đối thủ nào”.

            Ở đây, chữ Ngũ Luân có thể làm ta liên tưởng tới kinh Phật: Tứ đại chủng đất, nước, lửa, gió và Không tính, hoặc từ Luân bảo (bánh xe báu) của Chuyển luân vương giúp du hành và hàng phục 4 phương. Tuy thế, có lẽ nên nghiền ngẫm từng chữ trong sách như một công trình tổng hợp Nho Phật Lão và Thần đạo tuy ở Lời nói đầu, Mushashi viết: “Khi soạn sách này, tôi không dùng kinh Phật hay sách Khổng giáo, cũng không dùng binh thư cổ hay sách võ học”.

            Quyển Ðịa, bạn phải thấu hiểu mọi điều nhỏ nhất và lớn nhất, nổi ở mặt ngoài và sâu ở mặt trong. Ðạo như con đường thẳng vạch trên đất. Quyển Thủy bàn về kiếm pháp; đạo (tâm và chiến pháp) cơ bản là nước, thanh khiết và uyển chuyển như nước, chỉ được lãnh hôi bằng trực giác. Quyển Hỏa về đấu pháp, rèn luyện bền bỉ, chiến đấu quyết liệt. Quyển Phong bàn về phong cách và kỹ thuật sử kiếm của các môn phái khác. Cuối cùng, quyển Không, tối hậu, tâm trí không còn vô minh, kiếm pháp sẽ phóng khoáng, chính xác, trực tiếp, đi theo cái thiện và cũng là cái tự nhiên. Tận cùng của nguyên lý là không nguyên lý nào.

            Ngũ Luận Kỳ Thư là võ thư số 1 của Kiếm đạo, một môn mà giờ đây, tại Nhật và trên khắp thế giới, hàng ngày vẫn được nhiều người đến Ðạo đường tập để luyên thân tâm và phong cách. Sách có tới ít nhất 5 bản dịch bằng tiếng Anh. Hiện nay, các nguyên lý của nó được dùng trong nhiều ngành võ học khác nhau. Ngoài ra, khi doanh gia Nhật dấn thân vào thương trường với tinh thần võ sĩ đạo, sách còn được dùng như một “chiến pháp” kinh doanh cho ngưới á đông lẫn người phương tây. Nó bất hủ tới độ tạp chí Time ở Hoa Kỳ đã đề cao: “Ở Phố Wall, khi Mushashi cất tiếng, mọi người lắng nghe”.

Sách lược 9 điểm của Mushashi

            Trong quyển Ðịa. Mushashi tóm lược việc luyện chiến pháp của mình thành 9 điểm:          

            1.Ðừng nuôi dưỡng những ý nghĩ không lương thiện.

            2. Ðạo nằm ngay trong sự cần cù thao luyện.

            3. Tập làm quen với các ngành nghệ thuật.

            4. Am hiểu Ðạo của mọi nghề chuyên môn.

            5. Phân biệt lợi và hại trong các vấn đề trần thế.

            6. Triển khai trực giác để tìm hiểu và phán đoán mọi sự.

            7. Nhận thức được những cái không thể thấy bằng mắt.

            8. Ðể ý tới cả những điều nhỏ nhặt.

            9. Không làm điều vô ích./.
Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2694
Ngày đăng: 23.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân ngày giỗ đầu nhà văn Sơn Nam (13/8/2008 -13/8/2009): Nhớ người mấy độ phong sương - Trần Trung Sáng
Lê Lựu như tôi biết - Phùng Văn Khai
Người hỏi đường cùng mây trắng - Trần Áng Sơn
Nhà giáo, nhà văn Mang Viên Long:Làm thầy trở thành làm thợ! - Nguyễn Tam Phù Sa
Đìu hiu… mưa rơi - Trần Áng Sơn
Hoàng Tố Nguyên , Nhà thơ lớn của đất nước - Hà văn Thùy
Nguyễn Tam Phù Sa : Sông niệm cõi hoài - Trần Áng Sơn
Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Giáo, Nhà Thơ…Đoàn Vị Thượng - Trần Áng Sơn
Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách - Phùng Văn Khai
Một thoáng nhớ về Mai Trinh Đỗ Thị - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)