Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.528.098
 
Củ khoai Hồng Lục
Phan Thế Hải

3-  Củ khoai Hồng Lục

Người miền Trung có câu: “Nghệ Yên Thành- Thanh Nông Cống”, để chỉ sự phồn thịnh của Yên Thành. Cùng ý đó, người Nghệ An còn có câu: “Yên thành là mẹ là cha, đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”.

Là huyện trồng lúa nổi tiếng của xứ Nghệ, trong mọi thời, Yên thành đều chiếm khoảng 15% sản lượng lương thực của toàn tỉnh. Tiếng là huyện lúa, nhưng kể từ khi tôi lớn lên, chuyện đủ ăn ngày hai bữa cơm là điều xa xỉ. Thay vào sự thiếu hụt đó là khoai, là sắn. Bởi lẽ, khoai sắn thường được thu hoạch vào vụ giáp hạt.

Với người dân Hoa Thành, sắn thường mua ở chợ Láng. Đó là chợ thuộc xã Quang Thành, một xã miền sơn cước ở phía Tây Yên Thành. Hồi học lớp 6, khoảng 13 tuổi, đã có lần, tôi theo cánh anh Thuận, chị Thúy lên đó mua sắn rồi gánh về. Với tôi lúc đó là chuyến đi dài như lên cung trăng.

Đường lên đó là đường đất, sau vài trận mưa bị xói lở như bộ xương người, gập ghềnh đầy ổ trâu ổ gà, qua nhiều đèo dốc, lại phải đi bộ. Hai bên đường là những ngọn núi bị chặt trơ trọi như những cái đầu lở loét. Dẫu gánh trên vai có hơn hai chục cân sắn nhưng với một đứa trẻ 13 tuổi nó nặng như núi Thái sơn. Khi tôi gánh về đến Đồng Vằng mới nhận thấy, hai bàn chân đã dày đặc những vết phồng rộp. Đúng vào lúc đó, như có phép màu, mẹ tôi lên rước, nhờ đó tôi cũng bò được về đến nhà.

Còn khoai thường mua ở chợ Bộng. Chợ thuộc xã Hậu Thành, cách nhà tôi hơn chục cây số. Đây là vùng bán sơn địa, việc tưới tiêu thất thường, nhưng trồng khoai thì ngon nổi tiếng.

Là vùng lúa nên khoai sắn được coi là đặc sản. Đời vui vậy, những nơi khoai sắn là chủ lực thì lúa gạo lại là đặc sản. Với Yên thành, vùng lúa thì khoai sắn lại là của hiếm. Thậm chí khoai còn được dùng làm phương tiện thanh toán, thường tính bằng mớ, bằng rổ, bằng gánh.  Những người đi rú trong lúc mệt nhọc vẫn thường chọc gẹo mấy cô sơn nữ bằng câu: “Trăng lên đến đỉnh mu rùa, cho anh đ. cái đến mùa trả khoai.” Trong trường hợp này, khoai còn là phương tiện đổi chác lấy những thứ mà người ta không mua bán được.

Thế mới có chuyện củ khoai của Hồng Lục.

Tên thật của anh là Hồng. Người đâu ở miệt trên Đồng Vằng, lấy o Lục ở xóm trên. Hình như nhà anh không còn người thân thích nên anh mới ở rể. Anh to khỏe, hiền lành, chỉ tội sức vóc lớn lại ở rể nên được bữa no lại là chuyện quý hiếm.

O Lục có nghề phụ là đi chợ. Tiếng là chạy chợ nhưng chỉ bán nước chè xanh, mấy quả ổi, vài mớ trầu cau lặt vặt. Thế đã là một sự năng động lắm rồi. Hồi đó ai mua bán đều khép vào tội “con buôn”. Mà “con buôn” thì gắn liền với bóc lột, xấu xa vô cùng.

Một hôm o Lục đi chợ, anh ở nhà một mình đói quá, nhìn xuống gậm dường có mớ khoai. Sau khi đắn đo nhiều lần, đành liều, lấy 1 củ, mang xuống bếp nướng.

Khoai chưa kịp chín thì o về. Anh biết bởi nghe tiếng con chó oăng oẳng ngoài cổng. Anh sợ quá, đành khều củ khoai ra cho vội vào túi quần. Tội nghiệp anh, củ khoai nóng quá, nóng lan sang cả đùi khiến anh phải nhảy lò cò cho đỡ nóng.

O Lục về thấy lạ hỏi: - Làm răng mà phải nhảy rứa?

Anh trả lời: - Mệ mi về, con chó hấn còn mừng nữa là tau!

Sau này, khi đời sống khá giả, câu chuyện đó được anh kể ra như một kỷ niệm buồn của thời khoai sắn.

 

4- Ông Lý Cục

Tên thật của ông là Chu Văn Linh. Con gái đầu của ông tên Lý, nên người ta vẫn gọi ông là ông Lý. Ông làm nghề thợ mộc. Ông trạc tuổi cha tôi, người to khỏe, lực lưỡng, thường cởi trần để lộ một khối u sau bờ vai nên người ta gọi ông là Lý Cục. Ông được dân Hoa thành nhắc đến nhiều bởi câu nói: Thịt lợn ngon thật!

Cái chân lý mà ông Lý Cục phát minh ra là vào ngày 2/9/1965. Sỡ dĩ tôi nhớ chính xác ngày đó vì đó chính là ngày kỷ niệm 20 năm quốc khánh. Hồi đó, hợp tác xã tổ chức cho bà con ăn Tết độc lập tập trung ở sân kho hợp tác xã. Cùng với việc dựng rạp, nấu nướng linh đình là việc giết lợn tập trung, các gia đình xã viên kéo ông bà con cái ra đó để ăn tập thể.

(Sau này tôi mới hiểu, cái kiểu ăn tết tập trung đó cũng đã diễn ra ở Campuchia dưới thời Polpot).

Cánh ông Lý cùng với nhiều trai tráng khác chịu trách nhiệm giết lợn, nấu nướng cho bà con. Khi tảng thịt được vớt từ nồi nước luộc ra, ông Lý Cục thái thịt, bày ra đĩa. Dường như không kiềm chế được sự cám dỗ của thịt lợn nóng sốt, ông đã bốc một miếng cho vào mồm rồi suýt soa: Thịt lợn ngon thật!

Giờ ngẫm lại, câu nói đó chẳng có gì đáng nhớ, chẳng có gì mới và chẳng văn chương tẹo nào. Nhưng với thời đó là cả một sự phát minh, có thể so sánh với việc Newton nhìn quả táo rơi mà phát hiện ra lực hút của trái đất, Archiméde nằm trong bồn tắm mà phát hiện ra định luật về sức đẩy của nước.

Thực ra thì thịt lợn là một phạm trù ẩm thực bình dân. Đó là quan điểm phổ biến hiện nay. Ít ai biết rằng, cách đây không lâu, thời chúng tôi còn thơ ấu, thịt lợn lại là một phạm trù kinh tế, gắn liền với ước mơ cháy bỏng của một bộ phận dân chúng sống trong những quy định hà khắc của nhà nước.

Sự cháy bỏng của ước mơ không phải là do sự thấp kém của thẩm mỹ, hay sự thấp kém của văn hóa mà là sự thấp kém của đời sống. Trước một nhu cầu rất chính đáng là phải sống, phải tồn tại, phải chống lại sự suy kiệt của giống nòi, thịt lợn được coi là cứu cánh, được coi là nguồn dinh dưỡng quý hiếm cứu vãn sự suy kiệt ấy.

Vùng nông thôn như Hoa Thành, thời đó nhà nào cũng nuôi lợn, thế nhưng không ai phát hiện ra thịt lợn ngon. Giờ nói ra nhiều người cho là bịa, nhưng ai đã sống qua thời đó mới thấy đó là chuyện của một thời. Lý do đơn giản, nông dân nuôi lợn, nhưng không được giết thịt. Nuôi được bao nhiêu, phải cân đủ nghĩa vụ cho nhà nước, sau đó mới được thịt. Mà cân cho nhà nước thường được nhà nước tính giá theo cách của họ.

Theo đó, một con lợn mang bán cho nhà nước, mang tiền về ra chợ chỉ mua được một con gà. Thế nhưng nông dân vẫn phải muôi. Nghề nông không nuôi lợn thì không có phân bón ruộng. Thêm vào đó, nuôi lợn là cách thức để tận dụng rau cỏ trong vườn, cùng với đó là cám tận thu từ việc xát thóc.

Do giá lợn nhà nước thu mua quá rẻ, nên dân không hào hứng lắm với việc nuôi lợn. Nuôi chỉ để vừa đủ nghĩa vụ với nhà nước. Vì lý do đó nên thịt lợn đã trở thành một phạm trù riêng có của giới công chức và dân cư đô thị, còn với nông dân, thịt lợn đã trở thành một phạm trù xa xỉ ngoài tầm mong muốn của họ.

Chính xác hơn thì thỉnh thoảng vào dịp Tết, người dân vẫn có thịt lợn theo chế độ của hợp tác xã, nhưng thường không được ăn nóng sốt. Đơn giản là, sau khi luộc chín, thịt lợn được bày ra đĩa, đặt lên bàn thờ tổ tiên, sau khi khấn vái xong, chờ cháy tàn hương xong mới được bê xuống, thái bày ra đĩa, lúc đó, việc thưởng thức món thịt lợn sẽ không tạo cảm giác thăng hoa như trường hợp của ông Lý Cục đã phát minh.

Ông Lý Cục là thợ mộc giỏi, quanh năm làm không hết việc. Ai làm nhà hay sữa chữa gì đó liên quan đến nghề mộc đều gọi đến ông. Chưa hết nhà này đã có nhà khác mời. Thế nhưng ông vẫn nghèo. Thời đó nó vậy, tiền công thời đó chẳng được bao nhiêu. Gia đình ông lại đông con. Giờ đây, phát minh của ông “Thịt lợn ngon thật” dễ bị chìm vào quên lãng, nhưng với lứa chúng tôi thời đó, phát minh này quan trọng không kém gì định luật vạn vật hấp dẫn của Newton khi quan sát quả táo rơi.

 

5- Ông Mẫn Sói

Xã Hoa Thành quê tôi nổi tiếng là đất học nhưng lại rất thuần khiết. Lý do đơn giản, làng nằm ở vùng đồng bằng, cả làng chỉ có con tỉnh lộ duy nhất chạy qua đó là tỉnh lộ 538. Tiếng là tỉnh lộ nhưng tổng chiều dài của nó chỉ độ vài chục cây số. Xuất phát từ ngã ba Cầu Bùng, tỉnh lộ này kết thúc ở xã Công Thành tiếp giáp với quốc lộ 7.

Sự thuần khiết của làng được thể hiện bằng sự thuần khiết về giọng nói, về phong tục tập quán. Việc xuất hiện một người nói tiếng ngoại huyện đã là chuyện lạ, thường là là đề tài trêu chọc cho cánh trẻ con chúng tôi trong những đêm trăng thanh rỗi việc.

Ông Mẫn nói tiếng bắc, làm nghề chữa xe đạp. Đầu ông hói, quê tôi gọi là sói nên người ta vẫn gọi ông là ông “Mẫn Sói” như một sự kỳ thị về sự không thuần khiết về âm điệu của ông.

Ông Mẫn sói lập nghiệp ở làng tôi từ bao giờ, tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, khi lớn lên tôi đã thấy ông ở đó rồi. Nhà ông ở cạnh đường 538, cạnh nhà ông Tân Từ. Tiếng là nhà nhưng đó chỉ là ba gian lợp tranh, bé nhỏ, khang trang hơn nhà chị Dậu mà nhà văn Ngô Tất Tố đã tả trong tiểu thuyết “Tắt đèn”. Cạnh nhà là cái lều chữa xe đạp được che bằng phên nứa, nơi ông kiếm kế sinh nhai nuôi một lũ con lít nhít.

Ông làm nghề chữa xe đạp. Trên tuyến 538, xe đạp đi qua nếu có nhỡ thủng xăm hay cong vành, đưa vào quán nhà ông sữa chữa xong lại đi tiếp. Bà Mẫn tên gì không ai biết, người ta chỉ gọi bà theo tên chồng. Người bà xồ xề, nói tiếng kẻ Vạn. Điều đau buồn là bà cũng không làm nghề nông. Hàng ngày bà đi chợ bán nước mắm.

Thời bấy giờ, không làm nghề nông là một tội lỗi. Chỉ có sản xuất mới tạo ra giá trị. Lưu thông làm gì tạo ra giá trị. Thành phần phi nông nghiệp là thành phần bóc lột, là tàn dư còn sót lại thời thực dân. Đó là những điều mà người lớn thường nói với đám trẻ con chúng tôi như những bài học chính trị đầu tiên.

Cứ như cách nghĩ ấy, với ông Mẫn là một tội đồ. Đó là lý do để đám trẻ con chúng tôi lấy ông làm tiêu điểm để  chọc ghẹo. Vào những đêm hè oi nồng, bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập nhau ở sân kho hợp tác xã, đối diện với nhà ông. Anh Nam là chủ chòm, cùng nhau khởi xướng và hô to: “Tích cực mài dao, cạo đầu Mẫn sói!” Sau lời khởi xướng ấy, chúng tôi đồng thanh hô to: Tích cực! tích cực! tích cực!

Đầu tiên nghe bọn trẻ hô, ông không nói gì. Nhưng rồi dường như sức chịu đựng của ông là có hạn, nên ông ra khỏi nhà hỏi chúng tôi: - Chúng mày là con nhà ai? Người ta làm gì mà chúng mày không cho người ta nghỉ ngơi? Mỗi lần thấy ông ra, bọn tôi lại chạy tán loạn và lấy làm thích thú. Sau khi ông vào nhà rồi lại vẫn điệp khúc cũ. Đến khuya, khi đã hô mệt nhoài rồi đứa nào mới về nhà đứa nấy đi ngủ.

Khi tôi vào cấp hai, không ngờ lại học cùng con gái ông. Nó tên Nhung, người phổng phao, cao hơn chúng tôi nửa cái đầu. Lần đầu tiên tôi hỏi mượn nó cái thước kẻ, nó vui ra mặt, lật đật mở cặp lấy ngay ra đưa cho tôi với vẻ cung kính. Trong lớp khi có việc gì nó là đứa hăng hái nhất, đặc biệt là các khoản đóng góp. Dường như nó nhận thấy thân phận của mình nên với mọi việc nó đều nhiệt tình quá mức cần thiết.

Nó học cũng tạm, mặt mũi dễ coi, lại nhiệt tình nhưng không mấy đứa dám thân với nó, chỉ vì nó là con ông Mẫn sói. Có lần cãi nhau với bạn, bọn con Hoa làm một câu: “Mi là con nhà buôn!” lập tức mặt nó xám ngoét, rồi gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Hai vai rung lên từng đợt, từng đợt thật tội. Hết cấp hai nó nghỉ học đi lấy chồng. Dường như chuyện đến lớp với nó là một gánh nặng! ./.

Phan Thế Hải
Số lần đọc: 1797
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vợ người - Nguyễn Anh Thế
Gã lang thang tóc trắng - Trương Văn Dân
Viên đạn cuối cùng - Mai Tú Ân
Người tìm thuốc trường sinh - Hiếu Tân
Biển - Khôi Vũ
Hồ sơ của một phiên tòa - Sâm Thương
Bóng chiều - Phan Đức Nam
Kên kên - Minh Diện
Chiếc áo dị kỳ - Trương Văn Dân
Chuyện Quê tôi - Phan Thế Hải
Cùng một tác giả
Chuyện Quê tôi (truyện ngắn)
Củ khoai Hồng Lục (truyện ngắn)
6- Hồng Quang1 (truyện ngắn)
16- Phan Sỹ Minh 2 (truyện ngắn)