Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.381 tác phẩm
2.747 tác giả
433
116.584.846
 
Những cánh chuồn trên biển
Trần Kim Sơn

Tôi đến Vàm Láng một ngày tháng tư oi bức. Nắng gay gắt trên đầu, trời không một gợn gió, chỉ có mùi mằn mặn của biển và mùi cá lan tỏa trong không khí. Ở cảng cá, tôi đứng nhìn những tàu vừa về bến, anh chị ngư dân bốc lên những cần xé cá đủ loại tươi rói. Mọi người cùng nhau phân loại, ướp đá để vận chuyển đi liền. Nhìn những nụ cười của các chị, các cô, tôi thầm

cảm ơn biển không phụ lòng người. Từ tôm cá, các anh chị sẽ có cơm ăn cho gia đình, đóng học phí cho con và nhiều thứ khác nữa cho cuộc sống…

 

Trước đây, tôi đã đến cảng cá Vàm Láng ba lần, vào ngày lễ hội Nghinh Ông tháng 3 âm lịch. Một lần trước ngày giải phóng với anh bạn dạy cùng trường quê nội ở đây. Hai lần sau, khi tôi đã chuyển sang nghề báo. Xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Nhà cửa khang trang hơn, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như ở phố thị, chứng tỏ cuộc sống của bà con đã khá hơn xưa… Trạm kiểm soát biên phòng kề bên cảng cá đã được xây mới, khang trang. Trung úy Nguyễn Hữu Nhâm, trạm trưởng, dân Hà Tĩnh, giới thiệu sơ nét về công việc hàng ngày của lực lượng biên phòng bằng giọng miền ngoài:

Trạm chúng tôi có nhiệm vụ quản l‎ý các phương tiện đánh bắt thủy hải sản gần bờ và xa bờ trên địa bàn phụ trách…

 

Theo số liệu anh Nhâm cung cấp, mỗi ngày trạm biên phòng đăng ký, kiểm chứng khoảng 200 tàu, ghe ra vào cảng. Hiện có 473 tàu đánh bắt xa bờ của người dân sở tại, 100 chiếc từ các nơi khác tới, chưa tính 500 chiếc khai thác gần bờ. Người sĩ quan mang quân hàm xanh này đã có thâm niên 12 năm công tác ở Đồn biên phòng 578.

 

Đại úy Nguyễn Danh Sự, Chính trị viên phó, cùng tuổi 37 với anh Nhâm nhưng trông có vẻ trẻ hơn, có lẽ do dáng vẻ mảnh mai, bổ sung thêm thông tin về hoạt  động của trạm:Từ tháng 10 năm 2008 đến nay, đồn chúng tôi đã kiểm tra 20.000 lượt tàu, ghe ra vào cảng…Ngoài chức năng kiểm tra, giám sát các phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản, các tàu ra vào cửa Soài Rạp, Đồn  578 còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền 18 km bờ biển Gò Công Đông. Sau mấy tách trà  xuất mồ hôi, chúng tôi xuống tàu biên phòng ra cửa biển. Các chiến sĩ trẻ ở trạm mang lên nào mực tươi, các loại khô, mà nảy giờ các em tranh thủ lúc chúng tôi nhâm nhi trà, chế biến, có muối ớt, nước mắm me và một bình rượu đế…

 

Đồng chí lái tàu quay mũi, ra khơi. Những bạn đồng hành lần đầu đến đây thực sự cảm nhận cái mênh mông của  trời biển trong nắng gió lồng lộng phương Nam.Khoảng không gian hạn hẹp ở đuôi tàu, trước cabin, trở thành  bàn nhậu dã chiến đúng theo phong cách con nhà lính.

 

Tàu dần tăng tốc, cảng cá Vàm Láng lùi về phía sau. Hôm nay không mưa nên biển lặng. Mưa mà đổ xuống thì ngoài này sóng lớn lắm chú-cậu chiến sĩ trẻ tên Nguyễn Văn Toàn, quê Cai Lậy, mới về trạm 5 tháng, nói.

 

Trên đường ra biển, thỉnh thoảng, lại thấy những con thuyền neo  theo từng nhóm . Bà con ngư dân đang thả lưới, thăm phao hay thu hoạch sản phẩm của thiên nhiên. Chúng tôi bắt gặp những nụ cười thân thiện, những cánh tay vẫy chào dành cho các cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Phía bên phải, rặt một màu xanh của rừng ngập mặn: mắm, bần chen lẫn đước. Đó là bờ biển của xã Kiểng Phước, một trong bốn xã biên phòng mà 578 chịu trách nhiệm. Chung quanh tàu, những

giề lục bình trôi; trên không, những con chuồn chuồn với đôi cánh mỏng bay  3 từng lớp trên, dưới, song song nhau như những phi đoàn, cùng con tàu tuần tra, canh giữ biển, trời…Thả neo giữa dòng có một chiếc tàu biên phòng treo cờ tổ quốc, tôi tưởng đó cũng là tàu trực thuộc đồn, nhưng Sự đã giải thích: đấy là tàu của Hải đội 2 thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Hải đội là đơn vị cơ động, chịu trách nhiệm tuần tra, chốt giữ, ngăn chận mọi sự xâm nhập từ bên ngoài vào bằng đường biển…Rượu được rót ra ly và lần lượt chuyền tay nhau. Qua giới thiệu của Sự, tôi

được biết đồng chí lái tàu là trung úy Nguyễn Văn Thuận.  Trên hành trình ra biển, giữa mênh mông của nước và bầu trời xanh thẳm trên cao, trong nắng gió lồng lộng, câu chuyện giữa chúng tôi  sôi nổi hơn, khoảng cách chủ- khách không còn nữa. Và các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh cũng bộc bạch tâm tình.

 

Sự quê ở Mỹ Đức,  tỉnh Hà Tây (cũ). Tháng 8 năm 1997, sau khi tốt nghiệp Đại học Biên Phòng, chàng thanh niên miền Bắc được phân công về Biên Phòng tỉnh Tiền Giang, và nơi đến là Đồn 578 Vàm Láng. Sau một thời gian làm Đội phó Đội vũ trang, anh được đi học tiếp 2 năm rồi về Biên phòng tỉnh.

 

Thời gian ngắn ngủi ở Vàm Láng, anh đã bén duyên với cô giáo LâmThị Thu Cúc của trường tiểu học Vàm Láng 2. Hai họ đã làm đám hỏi cho đôi bạn trẻ,để Sự đi học tiếp 3 năm nữa theo yêu cầu của Bộ chỉ huy. Năm 2002, đám cưới được tổ chức nhưng mãi tới tháng 7 năm 2008 vừa rồi, anh mới được bố trí trở về 578, được gần gũi vợ và hai con.

 

- Bố mẹ ở ngoài Bắc, Sự lấy vợ trong này, ông bà có ý kiến gì không?

“Bố mẹ em quan niệm: mình muốn làm tốt công tác được giao thì phải có hậu phương vững chắc kề bên, nên chuyện chọn Vàm Láng làm quê hương thứ hai, ông bà ủng hộ hoàn toàn, chẳng ngại chuyện xa xôi cách trở.Mỗi năm, nghỉ phép, em đều về quê thăm bố mẹ, Mà đâu phải chỉ một mình em…”. Trong 6 đồng chí quê ở miền Trung và Bắc, ngoài một đồng chí còn “phòng không”, có 3 đã làm rễ Tiền Giang, trong đó có Sự. Tuy nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống nhiều người không bằng mình nên đối với vợ chồng người sĩ quan biên phòng này, cuộc sống vậy là ổn…

 

Tàu đã ra tới cửa biển. Nhìn đồng hồ, hóa ra chúng tôi đã nói chuyện đến 50’ chẳng ít. Trước mặt tôi là một dàn đáy sông cầu. Mờ mờ xa về phía trái là thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh., nơi có lần tôi đã lên sống với các chú, các anh làm nghề đóng đáy một đêm để biết công việc cực nhọc và nguy hiểm của họ và cũng để biết cảm giác nơi đầu sóng ngọn gió như thế nào trên cái chòi nhỏ. Giữa trời nước bao la và gió lộng, lần ấy, tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé. Nhưng cũng trong đêm giữa muôn trùng sóng vỗ đó, tôi được thưởng thức món cá tươi nướng chấm muối ớt tuyệt vời, cốc rượu đế nóng bừng mà dư vị ngọt lịm chưa bao giờ có…

 

Năm 1997, sau cơn bão số 5 (tâm bão vào Cà Mau nhưng gây thiệt hại không nhỏ cho các xã ven biển của miền Tây), tôi có dịp đi hết 9 cửa sông Cửu Long. Giờ đứng ở cửa Soài Rạp, tôi có cảm giác không có cửa nào của Chín Rồng mà tôi đã đến rộng bằng nơi đây. Không biết có phải mình chủ quan quá hay không?

 

Những cánh chuồn chuồn bám theo tàu hạ thấp độ cao. Tôi nhớ đến câu ca dao: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.Đúng thế thật. Trời bớt nắng. Mặt biển giờ chuyển sang phản chiếu màu mây.Trung tá Võ Xuân Mến, đồn trưởng 578, lệnh cho tàu quay vào, chạy dọc theo bờ từ Vàm Láng sang Gia Thuận. Rừng ngập mặn ở  hai xã biên phòng này

thưa hơn so với Kiểng Phước. Thấp thoáng phía bên trong là nhà của các hộ dân làm nghề nuôi thủy sản. Những ly rượu, miếng khô tiếp tục chuyền tay. Sếp đồn tâm sự: “ Ở đây, có muốn buồn cũng không buồn lâu được…”. Thì ra, do quân số thiếu, cán bộ chiến sĩ của các đội công tác, của trạm kiểm soát phải choàng gánh công việc cho nhau, bận rộn luôn, ít có thời gian để nghĩ

tới chuyện riêng tư. Và cá tôm, bà con ngư dân với tính cách hào phóng của người Nam bộ, người miệt biển, đã cho những người lính mà họ coi như người thân của mình ăn thoải mái sau mỗi chuyến ra khơi…

 

Trời tắt nắng. Mây đen vần vũ trên đầu. Những con chuồn chuồn bay quanh chúng tôi cũng bay thấp xuống, sát sạt mui  tàu, báo hiệu trời sắp đổ mưa. Trung úy Thuận giảm tốc rồi quay tàu lại, trở về cảng cá. Vừa lên đến trạm kiểm soát, mưa đã ào ào đổ xuống. Nhờ cơn mưa lớn bất ngờ, tôi có dịp ngồi lại với đồng chí trạm trưởng bên bình trà nóng anh mới pha. Hoàn cảnh gia đình ở ngoài quê khó khăn, anh không thể đưa vợ con vào cùng. Vợ anh, cô giáo trung học cơ sở, vừa làm mẹ vừa làm cha. “ Mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm gia đình một lần khi nghỉ phép. Nói thực, không có chồng bên cạnh, vừa đi dạy vừa lo cho hai con, tôi biết cô ấy cực lắm. Nhưng là vợ lính biên phòng, cô ấy cũng cảm thông được mình vì nhiệm vụ…”- Nhâm nói. Tết Kỷ Sửu vừa qua, vợ con anh đã thu xếp vào chơi, ăn Tết ở miền Nam. Và những ngày ngắn ngủi ở xã biển này, chị đã hiểu được vì sao anh gắn bó với nơi này, biết được bà con ngư dân Vàm Láng rất yêu quý các cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong đó có trung úy trạm trưởng vì các anh là người luôn bên họ, lúc bình thường cũng như lúc bão giông. Những gia đình sống quanh cảng cá đã nhắc lại cơn bão gần đây nhất là bão Durian, cơn bão số 9 năm 2006. Theo dự báo của ngành Khí tượng Thủy văn, cơn bão này sẽ đổ bộ vào Gò Công Đông.Trước khi bão tới, anh Nhâm và các đồng đội vừa lo thông báo, liên lạc với các tàu cá vừa lo sơ tán dân vào sâu trong đất liền, lo sắp xếp tàu, ghe neo đậu cho an toàn, có lúc phải trực tiếp lên tàu ra đón ngư dân còn bị kẹt lại ở các dàn đáy hàng khơi. Rồi khi bão đến, dù tâm bão lệch qua cù lao Lợi Quan của huyện Tân Phú Đông, nhưng các anh cũng phải trợ giúp tận tình những gia đình không sơ tán kịp, người già và trẻ con và giải thích, động viên người thân của các ngư dân trên những con tàu đánh bắt xa khơi không vào bờ được đang hoảng loạn. Và sau bão, lực lượng biên phòng cũng là lực lượng chính

giúp dân sửa chữa, dựng lại nhà của bị sập, bị hư hỏng…Rời ấp Chợ, tôi đến ấp Đôi ma 2 thăm cơ ngơi của Đồn biên phòng 578.Giống các đồn biên phòng dọc biên giới Tây Nam, 578 giờ đây cũng có cơ sở khang trang, đầy đủ các phòng làm việc cho từng đội công tác, ban chỉ huy, hội trường…xây dựng trong một khuôn viên rộng rãi, bề thế. Tôi chợt nhớ đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy đồn biên phòng 790, tiền thân của 578 bây giờ đóng tại ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước. Lúc ấy, còn khó khăn nên cơ sở tạm bợ, nhờ vào đình làng , nơi còn lưu giữ bản sắc phong thần vua Gia Long ban tặng và bộ xương cá ông không còn nguyên vẹn theo thời gian. Mới nhớ ra, ngày xưa Vàm Láng là một ấp của xã Kiểng Phước và đình làng Kiểng Phước được bà con gọi là đình Vàm Láng. Đi lững thững trong khuôn viên đẹp của đồn 578, tôi miên

man nghĩ đến thời điểm những ngày đầu mới giải phóng. Hồi ấy, Đoàn 27B Công an nhân dân vũ trang miền Bắc  gồm 87 CB, CS lấy từ tiểu đoàn 12 Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và Công an tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Huỳnh Văn Lự, quê ở Gò Công, làm trưởng đoàn, chi viện cho tỉnh Gò Công, chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của Ty Công an, đến 16/6/1975 đã triển khai kế hoạch bố trí các chốt tiền trạm để bảo vệ bờ biển, bảo vệ an ninh trật tự, sau này đã trở thành các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, trong đó có 578 hiện giờ. Nếu như đa số cán bộ, chiến sĩ của đồn bây giờ là người Tiền Giang, trong đó có Gò Công nên nhà cửa ở rải rác trên địa bàn 4 xã mà đồn phụ trách thì các thế hệ cán bộ biên phòng, từ lúc còn là Công an nhân dân vũ trang (trực thuộc Bộ Nội Vụ) đến khi chuyển thành Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc Phòng) đã sống tập trung ở một nơi mà người dân quen gọi là làng Biên phòng, xã Long Hòa. Sáng nay đọc báo, thấy bài của bà Hồ Thị Yến Thu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng.. Tác giả nhắc đến hệ thống các hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng của nước ta, bao gồm rừng ngập mặn,rạn san hô, đầm phá ven biển, các thảm cỏ biển và nhiều khu vực bãi triều, cửa sông. Các hệ sinh thái này có giá trị kinh tế lớn, như một km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp khoảng 450kg hải sản, mỗi kilômet vuông rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản tương đương 10.000 USD…Bên cạnh giá trị kinh tế, các hệ sinh thái biển có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính và giúp điều tiết khí hậu, bảo vệ đường bờ

và vùng ven biển khỏi xói lỡ, bão nhiệt đới và triều cường. Thế nhưng, các hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.Tác giả kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy luôn bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn vốn vô giá đó. Đọc bài báo, tôi nhớ  trước khi từ giã 578, trung tá Vũ Quang Phòng, Trợ l‎y Tuyên huấn Phòng chính trị, BĐBP tỉnh Tiền Giang, có nói đến 7 nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội biên phòng. Hai trong những nhiệm vụ đó là bảo vệ lợi ích tài nguyên quốc gia trên khu vực phụ trách, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. Tuy quân số còn chưa đủ nhưng tôi tin các cán bộ, chiến sĩ của 578 sẽ  phối hợp tốt với Hải đội 2, với Đồn 562 Cần Giờ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh 18km bờ biển, sẽ cần mẫn như những cánh chuồn chuồn tôi gặp trên biển. Ngày xưa, người anh hùng Trương Định đã lập lũy pháo đài, nay vẫn còn dấu tích, để bảo vệ sự toàn vẹn của quê hương. Thế hệ hôm nay, những người lính biên phòng Tiền Giang, trong đó có 578, chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn đời thường, giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân ở một góc trời phương Nam của Tổ quốc…/.

 

Trần Kim Sơn
Số lần đọc: 2177
Ngày đăng: 05.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn bẩn - Trần Huy Thuận
Hội An và bài học vỡ lòng của tôi - Nguyễn Trung Bình
Lầu Đất: Di dân được mới nói bảo tồn. - Giản Tư Hải
Tây nguyên du ký - Vũ Ngọc Tiến
Tự Thuật - Nguyễn Thành Thống
Suy tưởng về một thị dân –Ghi chép về Márai Sándor- - Imre Kertész
Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Cây gõ thiêng trả ơn ngôi cổ tự - Phan Hoàng
Cội Nguồn Phú Quốc - Huỳnh Kim
Vàm Cỏ Đông Mùa Mắc Cạn - Phùng Phương Quý
Cùng một tác giả
Viết thuê (truyện ngắn)