Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
736
116.541.472
 
Tạ Hùng Việt – Xộc Xệch nỗi Đam Mê
Lê Khánh Mai

“Chiều tím nơi chân sóng” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2007 là tập thơ thứ 7 của Tạ Hùng Việt.

Tác phẩm vừa đạt Giải thưởng thơ Khánh Hoà năm 2007. Nhà thơ Tạ Hùng Việt là nhà giáo, cử nhân, toán học. Điều này không phải là ngoại lệ. Ở Việt Nam và thế giới từng có những nhà toán học, khoa học đồng thời là nhà thơ nổi tiếng. Điều đáng nói là Tạ Hùng Việt thực sự đam mê thơ, khổ sở vì thơ và lao động thơ một cách nghiêm túc. Trong vòng 10 năm anh ra mắt bạn đọc 7 tập thơ, tập nào cũng đầy đặn, chất lượng tập sau được nâng cao hơn tập trước. Thơ Tạ Hùng Việt quý ở chất giọng tự nhiên, chân thật thốt lên từ nỗi niềm đau đáu về ký ức, từ những rung động vi tế và chiêm cảm đời sống.

 

Đọc “Chiều tím nơi chân sóng” ta luôn được trải những phút giây vui buồn, hồi hộp, ngạc nhiên vì  bắt gặp những câu thơ hay, độc đáo và mới lạ.Ví dụ anh viết thế này:

 

“Những ngọn cây viết lên trời nguệch ngoạc

ta suốt đời xộc xệch nỗi đam mê”

(Ta chia tay mùa thu)

 

Câu thơ ám ảnh bởi cái “hình thù” rất đỗi kỳ lạ của nỗi đam mê. Vì khát vọng vươn cao mà loài cây viết mãi lên trời những dòng “nguệch ngoạc”, như ẩn ngữ của niềm ký thác âm thầm. Còn cái sinh thể mang tên con người vì cưu mang nỗi đam mê mà suốt đời “xộc xệch”. Con người trong tinh thần tự ngã luôn khát khao khám phá bản thân và thế giới. Niềm đam mê là động lực để vượt mình , nâng cao mình. Trong cuộc dấn thân ấy, con người phải tập trung năng lượng sống, vắt kiệt mình để hướng đến những mục đích cao đẹp . Phải chăng con người ta khó có thể “ngay ngắn” khi trót mang trong mình những khát vọng đam mê, hay chính khát vọng đam mê là phạm trù không thể lý giải? Có lẽ Tạ Hùng Việt đã đi đến tận cùng nỗi đam mê nên mới nhận diện được cái hình thù xộc xệch của mình.

 

Nhạy cảm với mùa, anh chăm chú lắng nghe hơi thở đất trời trong thời khắc giao mùa, dõi từng bước “mùa đi qua ngực núi”, cảm nhận sự chuyển hoá không ngừng của thiên nhiên tạo vật. Mùa trong thơ anh mang sắc màu kỷ niệm, hồi ức.

 

“Mắt gầy trăng vơi lá tuôn

Mùa thu thắp một cánh buồm chân mây

Cái nơi trinh nữ mọc dầy

Gỡ gai là chạm đến ngày xưa thôi.”

(Qua đồi cỏ may)

 

Chỉ vài nét chấm phá mà hiện lên cả một mùa thu với những đặc trưng tiêu biểu: Mùa thu, mùa của sự hao khuyết. Đôi mắt thu gầy gõ; Vầng trăng thu vời vợi buồn như không thể tròn đầy; Muôn lá thu dứt mình tuôn đổ sau khi đã rút ruột mà xanh, Và, cánh buồm mùa thu mong manh hư ảo thắp lên chấp chới phía chân mây, thấp thoáng niềm hy vọng xa xôi. Mùa thu đồng nghĩa với sự mòn đi, mất mát và chia ly. Tâm thế mùa thu là tâm thế tĩnh, buồn. Tâm thế ấy nhạy cảm với kỷ niệm. Nhất là kỷ niệm tình yêu nơi miền quê “trinh nữ mọc dầy”. Cái “ngày xưa ” xanh đầy nhưng gai sắc trong hồn, khẽ chạm vào sẽ thức dậy cả một vùng tươi nguyên mà đau buốt.

 

Lại có cả mùa xuân xanh non đầy sức trẻ hối hả và thúc giục: “Luồn tay trong ngực mùa / nhẹ nhàng/ cởi/ chiếc áo đông/ chạm/ cỏ mướt xanh/ chạm/ sinh sôi vũ trụ” (Mùa xuân). Những động từ mạnh: “luồn” “cởi” “chạm” diễn tả tình cảm nồng nhiệt riết róng của nhà thơ với mùa xuân như tình yêu lứa đôi bồng bột say mê.

 

Trong thơ Tạ Hùng Việt bốn mùa vần xoay cùng những sắc thái của tâm trạng. Anh nói về mùa hạ khát cháy, cây lá “thèm những nụ hôn đầy ngất nước”; về mùa đông “nỗi buồn như giọt sương trong”, nhưng nhiều hơn là mùa thu. Ngoài những bài thơ cho mùa thu, còn có những tứ thu, ý thu đan xen trong những bài thơ khác.

 

“Có những ước ao cứ xa tít tắp

Bỗng tật nguyền bất biến với thời gian

Có phút đau không thể lành lặn được

Chợt nỗi buồn thăm thẳm trong tim”

(Một chiều thu)

 

Có thể nói mùa thu là mùa của thơ Tạ Hùng Việt. Nó giống như “tạng” thơ trầm buồn của anh.

Với cuộc đời, Tạ Hùng Việt bày tỏ quan niệm về lẽ sống, cách ứng xử với hoàn cảnh, những băn khoăn, chọn lựa trước những ngõ cụt, ngã rẽ hay sau thất bại, vấp váp.

 

“Xé chút nắng lau mặt chiều tro bụi

cỏ lại xanh từ những kết thúc buồn

ta đứng cuối con đường mù mịt gió”

(cây trên xứ cát)

 

Ở cuối con đường mù mịt gió rất có thể tương lai đang khép lại. Hoàn cảnh ấy thử thách con người. Thất vọng buông xuôi hay thoát ra làm lại từ đầu? Câu trả lời của nhà thơ là: “Xé chút nắng lau mặt chiều tro bụi”. Câu thơ lạ, đưa ra hướng giải quyết bất ngờ, nhanh nhạy, dứt khoát và quyết liệt. Trời đã về chiều. Gương mặt chiều nhọ nhem tro bụi, nhưng nắng chưa tắt, đó là niềm nương tựa một cơ hội cuối cùng. Phải xé lấy, giành giật lấy chút nắng để xoá đi những vết bẩn, trở lại thanh sạch tinh khôi. Bởi nếu chần chừ do dự bóng đêm sẽ sập xuống đời người. Giữa cái ranh giới mong manh ánh sáng và bóng tối, trụ vững và gục ngã, tồn tại và tan biến, thái độ ứng xử khôn ngoan ấy đã mở ra một hiện thực mới “cỏ lại xanh từ những kết thúc buồn”.

Tiếp tục ý tưởng trên đây, Tạ Hùng Việt còn có nhiều câu thơ khiến ta suy ngẫm.

 

“Nhặt những mảnh vỡ buồn sau ngày bão

anh xếp thành lối đi ngay dưới chân mình”

(Nẻo đời chật hẹp)

 

Cơn bão nổi lên không phải từ trời mà từ đời chật hẹp. Nó cũng tàn phá ghê gớm và gây tổn thất không kém thiên tai, làm đổ vỡ, cách chia lòng người. Nhà thơ đã nhẫn nại gom nhặt những mảnh vỡ buồn, biến nó thành “vật liệu quí” nâng niu xếp lại thành lối đi mới, nâng bước chân người. Hoá ra những buồn đau mất mát đôi khi cũng còn có ích. Thơ có thể cao vời ở đâu đó, nhưng với Tạ Hùng Việt ta nhận ra thơ chính là cuộc đời, là kinh nghiệm sống được chắt lọc từ thất bại, khổ đau và hy vọng.

 

Thơ Tạ Hùng Việt nhìn chung có tiếng nói nhỏ nhẹ và trầm tĩnh như thể anh tiết chế cảm xúc để diễn đạt đến tận đáy những suy tưởng về thế giới, nhưng vẫn không giấu được tình cảm mãnh liệt và đắm đuối. Anh viết về cuộc chia tay với người mình yêu như thế này: “Em đi/ ngút ngàn bàn tay vẫy/ em có thấy/ một bàn tay chết đuối cuối tầm nhìn” (Ở một góc sân ga). Cuộc chia ly, một người đi, rất nhiều người đưa tiễn, có “ngút ngàn bàn tay vẫy”. Những tưởng đó là cuộc chia ly bình thường vì nó rất vui vẻ, rộn ràng, rồi sẽ chẳng còn dư âm. Vậy mà có “một bàn tay chết đuối cuối tầm nhìn”. Bàn tay ấy nói lên một cách muộn màng tình yêu thầm lặng, của một người đứng ở đằng xa, ở một góc khuất, ở phía sau mọi người để yêu dịu dàng, đơn phương, chân thành và mong manh hy vọng.

 

Những câu thơ hay dẫn ra trên đây làm nên sức thuyết phục của tập thơ “Chiều tím nơi chân sóng ”. Nó như thứ ánh sáng êm dịu ban mai, hay những giọt sương nho nhỏ long lanh. Mặc dù Tạ Hùng Việt chưa có được thành công về lập tứ – một yếu tố nghệ thuật có hiệu quả cao trong sáng tạo thơ, nhưng những ý tưởng bất ngờ vụt hiện đã níu người đọc đến với anh. Tạ Hùng Việt vừa bước qua tuổi bốn mươi, anh vẫn giữ được giọng thơ trẻ như khi viết những bài đầu tay, bởi trong anh còn chan chứa đam mê. Đây là cơ sở để ta tin và mong đợi.

 

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 2659
Ngày đăng: 06.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sholokhov đập Solzhenitsyn : Thư Sholokhov gửi Ban Thư ký hội Nhà văn Liên xô - Mikhail Sholokhov
Đọc Chân Phương cuối hè - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa - Nguyễn Trung Bình
Sức hấp dẩn của “Diệt Tần” - Nguyễn Khắc Phê
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện - Trần Hinh
Lòng Mẹ và Tình Con Qua Hai Bài Thơ của Nữ Sĩ Minh Quân - Mang Viên Long
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” - Nguyễn Khắc Phê
Nhận xét truyện dài: Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)