Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
824
116.628.192
 
Nhớ lắm đồng trăng
Huỳnh Kim Bửu

Từ khi ra thành phố, tôi thường quên mất những đêm trăng tỏ, những đêm trăng đẹp hồi còn ở quê. Cũng như bao thị dân khác, tôi có cuộc sống tất bật mỗi ngày, còn bị ánh điện, những dãy phố nhà cao tầng, những âm thanh ồn ào náo nhiệt, những tốc độ chóng mặt … là những thứ vẫn che khuất gương mặt chị Hằng khả ái của tôi.

 

Nhưng dù sao, tôi cũng phải chiều Nguyệt mà về quê với nàng, mỗi năm được đôi lần. “Về quê, được thưởng trăng là cái thú thứ nhất, và đã có nhiều đêm trăng làm cho chúng mình say đắm, không sao ngủ được”, Nguyệt từng nói với tôi như vậy.

 

Đêm nay, trăng hè mà là trăng thượng tuần, gần giữa tháng. Trăng phủ xuống các xóm nhà và chảy lênh láng trên đồng làng. Chúng tôi đi dạo trên đường làng. Tôi có cảm giác trăng yêu kiều, thướt tha; và đi bên tôi, Nguyệt cũng yêu kiều thướt tha như trăng. Cả Nguyệt và tôi đều thấy mình được sống trong một niềm thơ và đã có thơ nói hộ giùm: “Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ / Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ / Trăng sáng trăng xa, trăng rộng quá! / Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ” (Thơ Thơ - Xuân Diệu). Khi trăng đã lên cao và  thật sáng tỏ, thì từ trong mấy xóm nhà vọng ra tiếng hát hò đối đáp nhặt khoan. Nghe tiếng hò, Nguyệt vui lắm. Tôi nói với Nguyệt, đó là tiếng hát hò “giã gạo đêm trăng” của quê tôi. Từ lúc này, cứ mỗi chặp, chúng tôi lại nghe tiếng vạc kêu thảng thốt giữa thinh không, chắc là vì lạc đàn. Nguyệt tỏ vẻ hơi sợ, mặc dù không phải, đây lần đầu tiên, Nguyệt nghe tiếng loài chim đi ăn đêm ấy kêu trong màn sương dày đặc. Đêm trăng cứ dẫn chúng tôi đi, và chúng tôi đã đến dưới chân cột cờ thành Bình Định cao chót vót; và cách không xa là sông Trường Thi với bến sông quê Trường Thi của tôi lấp lánh ánh trăng. Không có tiếng gọi đò (vì sông nay đã có cầu) nhưng tiếng gọi đò ngày xưa lại hiện về trong tâm trí tôi: “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” (Bến My Lăng, Yến Lan). Trong khi tôi “nghe” tiếng gọi đò bằng cả niềm tâm cảm xót thương cái thuở ngày xưa không còn nữa thì Nguyệt chú ý mấy ánh lửa chài leo lét trên bến sông.

 

Nguyệt có còn nhớ không, cái lần về quê ngoại Kim Châu năm ngoái, có ngày kỵ của Ngoại đó? Chúng mình  lại gặp một đêm trăng quê tháng sáu và Nguyệt lại đòi tôi dẫn đi dạo đêm trăng. Vầng trăng còn vài hôm nữa là đến rằm vành vạnh. Ngọn nam cồ mới tối đã bắt đầu thổi, đẩy trăng dập dờn liên hồi trên sóng lúa đang thì trổ bông. Sóng lúa cứ rào rào từng đợt, nổi lên một điệp khúc nhạc đồng quê thật đáng yêu. Nguyệt có còn nhớ không, khi trăng đã quá đỉnh đầu và sương đêm đã ướt rượt trên cỏ, bỗng từ trong một xóm quê, vẳng đến tai chúng mình tiếng sáo trúc véo von? Tôi có nói với Nguyệt, chắc là tiếng sáo trúc của người nghệ sĩ đồng quê quen thuộc của làng này. Từ hồi nào tới giờ, làng này vẫn có thói quen thức khuya chờ đợi “tiếng sáo đêm trăng” của người nghệ sĩ trước khi đi tìm cho mình một giấc ngủ ngon dưới đêm trăng.

 

Lần này, vì cô giáo Nguyệt của tôi đang nghỉ hè, chúng tôi về quê ở lại hơi lâu. Lại một đêm trăng tháng sáu nữa. Bóng chiều vừa buông xuống, người ta đã thấy gương mặt chị Hằng lấp ló giữa hai rặng tre làng. Trăng từ từ lên cao và trải rộng cùng với tiếng chuông chùa làng thời công phu tối ngân nga…Bầu trời tháng sáu cao xanh, trăng càng tỏ thì sao trời càng thưa thớt, thi thoảng băng ngang nền trời vài ánh sao băng. Chúng tôi đi lên đường làng, đi ra với đồng trăng. Nguyệt mừng trăng, đi dung dăng dung dẻ hồn nhiên như trẻ thơ. Vì là đêm hè nóng bức khó ngủ, cho nên buổi sinh hoạt dưới đêm trăng ở trong thôn trang, nào cảnh “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”, “đạp chuồn chuồn xỏ luồn bánh ú” của lũ trẻ nhỏ, cảnh các cô thôn nữ ra giếng làng “gánh nước đêm trăng” nói cười khúc khích… vẫn còn kéo dài. Nhưng rồi, trong các xóm bắt đầu có sự yên lặng, đêm tĩnh mịch trở về. Chúng tôi vẫn đi trên đồng trăng. Đêm trôi dần về khuya, những bụi tre, bụi rù rì, cây ngô đồng… trùm ánh trăng ngủ ngon; trong khi đó, tiếng đổ nước ình… ịch nơi những sòng “tát nước đêm trăng” vẫn thức cùng trăng, cùng cây lúa đang khát nước… Chẳng biết động tĩnh gì làm giật mình thức dậy đàn cò trắng, đàn sáo sậu… đang ngủ trên ngọn các bụi cây, đồng loạt vỗ cánh bay táo tác vào không gian tràn ngập và đẫm ướt trăng. Hùn vào cảnh tượng đó, từ trong xóm, cất gáy vang tiếng mấy chú gà trống mớ ngủ, thức dậy nhìn trăng, tưởng chừng trời sáng; và còn nữa,  tiếng mấy chú vằn vện dỡn trăng, cắn vu vơ vào đêm trăng.

 

Nguyệt sinh ra và lớn lên ở thành phố, còn tôi đàng nào cũng gốc chân quê. Khi hai người mới quen nhau, có lần Nguyệt hỏi: “Trăng tháng tám ở quê chắc đẹp lắm, Bình nhỉ?”.Tôi nói, trăng thu mà lị. Biết ý Nguyệt, tôi đã đưa Nguyệt về quê nội để Nguyệt thưởng trăng thu. Đêm trăng ở quê, hai người cùng đi trên con đường làng ngai ngái mùi ruộng lúa mới sục bùn và mùi cỏ úa, ấy thế mà Nguyệt cứ bảo một cách nên thơ là mình đang đi trên đường trăng, Trên bầu trời cao xanh treo lơ lửng một vầng trăng, còn sao trời thì thưa thớt, và dưới mặt đất bày ra một cảnh thu sáng láng, êm đềm. Đi ngang qua một bờ hồ, Nguyệt reo lên “ô kìa” và chỉ cho tôi một cảnh đẹp đang diễn ra trước mắt: Một hồ rộng, một mặt gương soi, bầu trời đáy nước là một …Lại còn có tiếng gõ lưới  lốc cốc,  đều đều và khô khốc của mấy chiếc thuyền câu nhẹ thênh, bé tẻo teo như mấy chiếc lá tre khô trôi trên mặt hồ.

 

Khi các con của chúng tôi đến tuổi đi học cấp I – cấp II, cứ mỗi lần đến Tết Trung thu, chúng tôi lại đưa chúng về quê để đón mừng Trăng. Những năm không về quê được, Nguyệt vẫn  bày biện cho các con cùng với ông bà, ba mẹ đón trăng thu trên sân thượng nhà mình. Dưới đường phố, các đoàn múa lân đi qua, rất náo nhiệt. Thật tội nghiệp, tiếng là múa lân để đón mừng Trăng thu, nhưng mọi người (trẻ em và người lớn), không trông thấy trăng thu ở đâu hết. Trên sân thượng, cả nhà chúng tôi ngắm trăng, các con vui thích. Nhưng thằng Tuấn thì bảo: “Chúng con thích hơn trăng thu ở quê nội kia, nó thanh bình và yên ả; gương mặt chị Hằng ở đó như lúc nào cũng cười tươi với trẻ nhỏ và với người dân quê”. Còn thằng Tài vòi vĩnh: “Năm tới, thế nào ba mẹ cũng phải đưa con về quê đón ông Trăng Rằm tháng tám, cơ”.

 

Khỏi nói đồng trăng mùa đông, mùa của  mưa bão, mây đen kéo đầy trời tối ngày,  nhìn đâu thấy trăng. Nói đồng trăng mùa hè, mùa thu mà chưa nói mùa xuân là chưa nói hết cái vẻ đẹp của trăng trong một năm. Nguyệt có còn nhớ không, lần đầu chúng mình về quê là một ngày xuân, cách đây cũng vài mươi xuân? Và chúng mình đã ở lại để ngắm trăng quê trong một đêm xuân theo nguyện vọng của cả hai người. Đêm trăng ấy, chúng mình cũng dạo làng, dạo đồng để ngắm trăng, nô dỡn với trăng một cách hồn nhiên và trẻ trung như lứa tuổi đôi mươi của chúng mình hồi ấy. Sương xuống, gây gây lạnh. Dưới trăng, đồng ruộng tháng giêng lúa thì con gái trải một màu xanh mơn mởn, mang nhựa sống dâng lên lá cây ngọn cỏ. Còn nhớ không, hả Nguyệt, hôm ấy đến gần khuya sương xuống đậm, tôi giục mãi, Nguyệt mới chịu quay về nhà? Và trên đường trở về ngôi nhà của ba mẹ tôi đang phủ ánh trăng khuya, Nguyệt đòi tôi ngâm thơ một chút cho vui, vì cảnh đêm xuân đang rất đẹp. Và tôi đã hứng khởi ngâm: “Khuya nay mùa động đầu cành / Đồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần”. Nguyệt nghe xong, ngả người vào tôi, bảo: “Tiếng thơ Bùi Giáng đã nhập hồn vào trăng diễm ảo rồi, Bình nhỉ!”.

 

Huỳnh Kim Bửu
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 09.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài thơ vu lan - Diệp Hồng Phương
Những bước lên trời với ruộng bậc thang - Minh Nguyễn
Em Và Đêm Sương Nội Thành… - Lê Huỳnh Lâm
Mưa rơi TIỄN ĐƯA NHẠC SĨ ƯNG LANG - Dương Ðình Hùng
Mùa lang bạt kỳ hồ - Huỳnh Minh Tâm
Yêu… - Hiền Lương
Một sự trùng hợp “tất yếu” - Nguyễn Khắc Phê
Tớ thích Tào Tháo - Hiếu Tân
Câu Lạc Bộ Sao Khuê Nơi Chắt Chiu Ánh Lửa Ban Đầu - Võ Quê
Giáo dân làm gốc - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Đèn dầu lạc (tạp văn)
Thiền trà (tạp văn)