Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
443
116.380.557
 
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee.
Nguyễn Thị Minh Duyên

Ở Việt Nam nhà văn J.M.Coetzee, chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2003 được biết đến với những tác phẩm  như  “Cuộc đời và thời đại của Michael K (Life Times of Michael K), “Ruồng bỏ (Disgrace), Tuổi sắt đá (Age of Iron)Nhà nghiên cứu Đào Trung Đạo đã gọi Coetzee là “kẻ ngoại cuộc” [5]– một cách tài hoa mà dũng cảm ông đã vượt thoát khỏi những ràng buộc của chiếc kim cô là những tín điều từng tồn tại trong văn học, để xây dựng thành công những hình tượng văn học độc đáo.

 

Bertold Brecht từng khẳng định: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống, mà là hình tượng được khắc hoạ phù hợp với ý đồ, tư tưởng của tác giả" [6;210]. Có nghĩa là, nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện ý đồ của nhà văn, qua việc xây dựng nhân vật nhà văn gửi gắm những suy nghĩ của bản thân về cuộc đời. Đặc biệt với thể loại tiểu thuyết thì nhân vật thường hiện lên trong cả chiều dài thời gian cuộc đời, biểu hiện cho một số phận, cho một kiếp sống trong một thời đại cụ thể. Theo các nhà tiểu thuyết hiện đại thì xã hội hiện đại chỉ có bề mặt, không có bề sâu; thực tại cũng chỉ là thực tại ảo được xây dựng từ tưởng tượng. Vì thế, nên tiểu thuyết hiện đại mở ra thế giới nhân vật mà nhân vật nào cũng tồn tại những điều đáng âu lo như sự cô đơn, sự tha hoá, … Mỗi chân dung như một tấm gương phản chiếu những thân phận con người hiện đại, có giá trị kích thích suy ngẫm lớn lao.

 

Phân biệt với thế giới nhân vật của Proust, Joyce, Kafka, Hemingway, Faulkner… các nhân vật của M. Coetzee có một diện mạo riêng, không trộn lẫn. Chúng tôi gọi đó là những kẻ độc hành khiếm khuyết. Những nhân vật của Coetzee như đang bước ra từ thế giới hoang dã, xa lạ, khép kín của dân tộc Nam Phi để lạc vào một mê cung mê thất của bạo lực, thối rữa đạo đức, ác mộng... chỉ có điều đó lại là thực tại, là một thực tại nghiệt ngã của thế giới hiện đại, của một thời kì lịch sử. Đó là vị giáo sư già David Lurie trong Ruồng bỏ; đó là Magda một "gái già trinh tiết" tại một trang trại hẻo lánh trong Giữa miền đất ấy; đó là bà Curen trong Tuổi sắt đá... Tạp chí Baltimore Sun cho rằng: "Tất cả các trang viết của Coetzee là đều giống nhau trong việc tập trung miêu tả một nhân vật trung tâm. Chưa một nhân phẩm nào được trực tiếp đưa ra, tuy nhiên có vài cảnh huống được xây dựng lên làm cho người đọc phải suy nghĩ về nó” [7]. Thật vậy, trong mỗi cuốn tiểu thuyết của mình Coetzee chỉ cố công xây dựng một nhân vật chính với một số phận đặc biệt để rọi sáng sự cô đơn, làm rõ mặc cảm đớn đau và tình thế bi đát của con người thời Hậu hiện đại. Trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi chỉ xin làm rõ một trong số những kẻ độc hành khiếm khuyết ấy, đó là nhân vật Michael K trong cuốn tiểu thuyết lừng danh “Cuộc đời và thời đại của Michael K”.

 

Đúng như tên gọi của “Cuộc đời và thời đại của Michael K” - cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về cuộc đời và thời đại của nhân vật chính Michael K. Âm tiết trơ trọi của cái tên nhân vật nhắc cho chúng ta nhớ đến trong văn học đã từng có một Jozep K của Kafka. Tuy nhiên, đằng sau chữ Michael K không có dấu chấm, nghĩa là không phải một cái tên viết tắt như kiểu Jozep K trước đây. Cuộc đời của Michael K  cuộc đời của một kẻ đứng bên lề, chơ vơ,  thiếu hụt những yếu tố cấu thành dù là những yếu tố rất giản dị. Thời đại của Michael K là thời chiến tranh giữa những người cầm quyền da trắng và quân du kích đấu tranh lật đổ chính quyền độc tài apartheid tại Nam Phi.

 

Vậy Michael K là ai?

Một con người trôi dạt từ một đất nước bị chia cắt bởi nội chiến tới chỗ chẳng còn gì hơn là cuộc sinh tồn trắng trợn, bị bắt và quản thúc, rồi lang thang và lẩn trốn... Một con người từ khi sinh ra đến lúc lớn lên chỉ biết đến bà mẹ Anna K- một người giúp việc gia đình cho đến khi chết vẫn đeo đẳng ước muốn trở về một nông trại xa xôi nơi bà đã sinh ra. Michael K chưa bao giờ biết đến hay thắc mắc về người cha: "Anh kể rất nhiều về mẹ anh nhưng chưa bao giờ đả động đến cha anh" [3;220].

 

Theo trí nhớ mẹ anh thì: "Sau khi sinh đứa con đầu lòng, bà chuyển đến Cape Town. Bà sinh đứa con thứ hai với người chồng khác, đứa thứ ba bị chết rồi mới đến Michael" [3;14]. Tuy vậy, Michael K cũng chẳng bao giờ băn khoăn xem những người anh em, những người họ hàng của mình hiện ra sao và đang ở đâu...

Rõ ràng những chi tiết nói cho chúng ta về quê hương, gia đình người thân... để cấu thành lịch sử cả nhân của nhân vật Michael K là những nét rất sơ sài. Những chi tiết ít ỏi được nhắc đến không cho phép anh hiện lên với tư cách của một con người hoàn thiện, anh là Michael K một con người khiếm khuyết.

 

1.  Thể năng khiếm khuyết:

Michael K từ khi ra đời đã mang khiếm khuyết bẩm sinh: "có cái môi thỏ", "môi bé cuộn lên như chân con sên, lỗ mũi bên trái há hoác", “cái miệng không ngậm lại được và lớp thịt hồng hồng cứ phơi ra", "đứa trẻ không thể bú và khóc ngằn ngặt vì đói” [3;7].

 

Cùng với khiếm khuyết bẩm sinh ấy là khiếm khuyết do suy nhược, do thoái hoá, do những áp lực từ cuộc sống dội lên hình hài tội nghiệp, đáng thương của Michael K. Sau chuỗi ngày lang bạt khắp các trại tập trung, vượt qua những rào kiểm duyệt, để tìm lấy một vùng hẻo lánh mà duy trì đời sống của một sinh vật: Sự lớn lên của Michael K là sự lớn lên của "một con thỏ bị khâu vào xác con bò" [3;259]. Anh là thanh niên nhưng có sức vóc "yếu như một đứa trẻ sơ sinh" [3;229] và mang hình hài của một ông già. "Ông già có đủ mọi dấu hiệu thiếu ăn lâu dài: da nứt nẻ, chân tay đau nhức, lợi chảy máu. Các khớp xương nhô ra, ông già chỉ còn chưa đến bốn chục kilôgam. Dù trông như một ông già, anh quả quyết mới 31 tuổi” [3;3]

 

Cơ thể càng ngày càng bị thủ tiêu hoặc suy giảm những chức năng quan trọng - những tiền đề để Michael K có thể trở thành một cơ thể hoàn chỉnh như người bình thường. "Ba mươi nhăm kilogam cả da và xương [11;246]; "mình gầy như một cái que cời than" [3;284] và ngay chính anh cũng lo ngại: "Có những giai đoạn dài anh chìm trong trạng thái rầu rĩ, quá mệt mỏi nên không thể dứt khỏi giấc ngủ. Anh có thể cảm thấy cơ thể mình tàn tạ dần. Anh đang quên cả hít thở, anh tự nhủ và đặt lên trái tim: xa lắm, như ở một vùng khác, anh cảm thấy một sự duỗi ra, đóng vào yếu ớt" [3;187].

 

Con người Michael K tàn tạ như một cỗ máy cũ rệu rã, mà chi tiết nào cũng chứa đựng những nguy cơ hỏng hóc khoét sâu vào lỗ hổng, sự khiếm khuyết vốn đã tồn tại từ khi xuất hiện. Hình ảnh con người khiếm khuyết này làm cho chúng ta không thể không nghĩ tới một dị hình trong văn học - thằng gù Quazimodo trong Nhà thờ đức Bà Paris. Nếu Quazimodo làm cho chúng ta thấy thương xót, thì Michael K của Coetzee làm cho chúng ta tiếc rẻ. Anh ta là một bản dập thiếu công bằng của hoá công ngay từ khi mới ra đời và mang theo những "sai lỗi" không thể khắc phục trong suốt cả cuộc đời.

 

2. Trí năng khiếm khuyết:

 Với Michael K thì đằng sau “thân hình gầy như một cái que cời than""một đầu óc ngớ ngẩn" [3;284]; đằng sau "mặt mũi xấu xí""trí óc chậm phát triển" [3;8]. Bản thân Michael K cũng nhận ra sự ngu ngơ, ngờ nghệch như một tiền định, một định mệnh của  mình: "Mình đã câm lặng và ngu ngơ từ lúc ban đầu, mình sẽ câm lặng và ngu ngơ đến lúc chót" [3;284]. Anh có những hành động bất thường, ngờ nghệch của một kẻ thiểu năng: "lủi thủi khuân vác", "băn khoăn nhớ lại", “đào đá san đất", “vùi thức ăn duy nhất của mình vào đất", "vượt rào chạy trốn", "mải miết chạy khắp các quả đồi để bắt được một con dê đực", "suốt ngày anh không ăn hoặc thấy không muốn ăn, nhưng anh chú ý thấy mình làm việc chậm hơn và trong lúc mải mê đứng hoặc quỳ trước công trình của mình, đầu óc anh để tận đâu đâu" [3;160 ]... Đây là những hành động được thực hiện bằng những xung lực bản năng, tự phát. Nó gần với hành động của những loài vật - những loại bò sát không sức mạnh, ít cơ hội vươn lên tiếp cận với ánh sáng mặt trời, lầm lũi sống một cuộc đời riêng của nó. Như một dụng ý nghệ thuật: trong tác phẩm rất nhiều lần Coetzee tiến hành so sánh, liên tưởng nhân vật Michael K với các con vật rất đa dạng, nhiều chủng loại khác nhau. Chúng tôi tiến hành  khảo sát và lập bảng thống kê sau:

 

                 Tập hợp những so sánh : Michael K và loài vật

 

Trang

Loài vật được  so sánh

Nội dung so sánh

7

Sên

- Môi bé cuộn lên như chân con sên

45

Chó

- K đứng trước mặt cô ta như một con chó ngốc nghếch

49

Chó

- Anh đã lấy trộm nước trà của mẹ anh và của bà lão giường bên, vội vàng giống như một con chó có lỗi.

63

Thỏ

- Anh đứng và ăn, ngoạm lấy ngoạm để thịt quả tươi đây đó, nhai như thỏ, cặp mắt trống rỗng.

63

Con vật

-Anh chùn lại như một con vật trong lò mổ

134

Kiến

- Mình như một con kiến không biết tổ ở đâu.

171

Giun

- Anh tuột vào hầm như một con giun

183

Kí sinh, Thằn lằn

-... như một loại kí sinh trong ruột, một con thằn lằn dưới tảng đá.

208

Thằn lằn

- ... Anh ta ngồi ngửa mặt lên trời như một con thằn lằn phơi nắng.

107

Mối

-Anh nghĩ mình như một con mối đang đào đường xuyên quả tảng đá.

213

Dế

- Anh ...vẫy cánh như càng dế

215

Chuột

- Là chuột thành phố, anh ta không biết cách sống bằng đất đai và bị lâm vào cảnh đói khát thực sự.

216

Opgarder

(Sóc, kiến,ong)

- Tên của K: ( Dưới chữ loại tôi đọc Opgarder.

Giống một con sóc, kiến hoặc ong).

219

Thằn lằn

- Anh ta đưa cái lưỡi như thằn lằn liếm mối.

225

Vịt ốm, mèo còi, chim non

-Tuy nhiên... giữ thân sống sót như một con vịt con ốm yếu nhất hoặc như con mèo còi cọc trong ổ; hoặc một con chim non bật ra khỏi tổ.

232

Cá mập

- Trong ánh đèn pin (...) nụ cười của con cá mập

231

Con chim

- ...tự do như con chim

236

Côn trùng

- Anh giống một loại côn trùng cứng đờ đờ.

239

Cá vây tay

-... giống một con cá vây tay..."

251

Con búp bê vải

- Michael như một con búp  bê vải.

254

Con vật

- Một sinh vật suốt đời gập người trên đất..."

259

Thỏ - Bò

- Anh như con thỏ bị khâu vào xác con bò

261

Diều hâu - chuột

- Con người có thể tách bạch (...) giữa diều hâu và chuột?

283

Gấu - chuột bạch

- khỉ

- Làm như mình là một con gấu, một con chuột bạch hay một con khỉ.

284

Giun đất, chuột, chũi

- Mình giống một con giun đất nhiều hơn... hoặc một con chuột chũi, cũng là loại làm vườn song chẳng biết kể chuyện vì nó sống câm lặng.

         

Loài vật được Coetzee sử dụng để so sánh với Michael K là: sên, giun, kiến, chuột, thằn lằn, côn trùng, sóc, mối,... hầu hết là những con vật nhỏ bé, sống một đời sống trườn - bò - bấu víu lầm lũi. Nếu có thể so sánh với: diều hầu - gấu, khỉ, cá mập, chó... (những con vật vốn có chút ít sức mạnh, hung dữ...) thì nhân vật lại chỉ được nhìn ở khía cạnh hoang dã, càng nhấn mạnh lỗ hổng tâm lí ở nhân vật. Michael K từng bước một đang gánh vác số phận của một con vật đặc biệt được tạo nên từ những loại vật khác nhau: hoang dã có, bé nhỏ có, đáng thương có, đáng ghét có... tất cả chung nhau ở chỗ đời sống tâm lí, tình cảm bị lu mờ khi xuất phát từ một trí óc "chậm phát triển" của một loài tạp chủng vô danh.

 

Chúng ta có thể thấy rằng Coetzee không tiến hành thủ tiêu tâm lí của nhân vật một cách quyết liệt như việc đã làm của nhiều tiểu thuyết gia thời hiện đại. Trái lại ông tìm cách gài vào tác phẩm những đoạn độc thoại nội tâm, những lời miêu tả tâm lí nhân vật đầy ám ảnh. Đó là những lúc Michael K sống trong tình trạng mê sảng, mơ man, mụ mẫm, băn khoăn, “nửa thức nửa ngủ" hay thả trí tưởng tượng theo một linh hồn phiêu diêu, mặc định, phi lí. Michael K có những lúc "không vui cũng chẳng buồn khi chẳng có việc gì làm, mọi sự như nhau mà thôi. Anh có thể nằm suốt buổi chiều, mở mắt nhìn trừng trừng vào những múi trên mái tôn và những vạch gỉ; tâm trí anh không nghĩ lan man, anh chẳng nhìn thấy gì ngoài tấm sắt, những đường vạch không biến thành hoa văn hay những hình tưởng tượng" [3;183].

 

Coetzee đã để nhân vật Robert nói về Michael K như một kẻ khiếm khuyết, tội nghiệp như sau "Cậu là một đứa trẻ - Robert nói - Cậu đã ngủ suốt đời. Bây giờ là  lúc cậu tỉnh giấc. Sao cậu không nghĩ họ đang bố thí cho cậu, cậu và bọn trẻ con? Vì họ cho cậu là vô hại, cậu đui mù, cậu không thấy thực tế quanh cậu” [3;142].

 

Hiện diện trong suốt cuốn tiểu thuyết là cuộc đời nhân vật Michael K  - một cuộc đời của con người khiếm khuyết làm cho người đọc ám ảnh khôn nguôi; vừa lo sợ cho nhân vật, vừa lo sợ cho chính loài người trước nguy cơ yếu ớt, ngớ ngẩn đến thảm hại. Vì Michael K khiếm khuyết thể năng nên không có sức vóc. Vì Michael K khiếm khuyết trí năng nên không có vũ khí nhanh nhạy của tư duy. Bởi vậy anh ta bước vào cuộc sống đầy bất an, như biểu hiện của một số phận bất hạnh - mất thăng bằng - lạc vào xã hội loài người. Như cách người bác sỹ chăm sóc cho K đã chiêm nghiệm: "Với tôi, Michaels lúc nào cũng như một người vừa lăn lộn với một vốc đầy đất, vã lên người, đắp thành hình dạng một người thô sơ, tạo nên một hoặc hai sai lỗi (cái miệng và không nghi ngờ gì nữa, cả đầu óc); bỏ quên một hoặc hai chi tiết (tình dục) nhưng dù thế nào đi nữa cuối cùng cũng tạo thành một số phận bé nhỏ" [3; 254].

 

 Không cần lắp ráp cho nhân vật của mình những hình hài, những mặt nạ, những dạng tồn tại khác nhau như cách Kafka hay Chekhov đã làm (Biến dạng, Người trong bao...). Coetzee đã cho Michael K đi vào trang sách "chân thật như cuộc sống": Đó là những con người không thể nghiền nát, không thể chia cắt không thể cộng trừ - thêm bớt... nhưng nghiệt ngã thay đó là những hình hài, những nhân dạng khiếm khuyết. Thiếu sót dữ kiện không làm cho Michael K kém "sống động". Làm cho nhân vật "sống động" có nghĩa là Coetzee đi vào tận đáy bài toán hiện sinh của nhân vật .

 

Cuộc đời của Michael K phải chăng cũng là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc về định mệnh không thể thay đổi, không thể dối trá: con người là Bất Toàn. Hẳn là một dụng ý khi trong phần II của tác phẩm có nhiều chỗ Michael bị gọi là Michaels (thêm s ® số nhiều), liệu đó có phải là sự nhân lên những thân phận như K ở xã hội hiện đại?

 

 

* Tài liệu tham khảo:

J.M.Coetzee - Ruồng bỏ. (Thanh Vân dịch ). Nxb Phụ Nữ. H. 20022. J.M.Coetzee - Tuổi sắt đá.( Anh Thư dịch ). Nxb Văn học. H. 20033. J.M.Coetzee - Cuộc đời và thời đại của Michael K. (Thanh Vân dịch). Nxb Phụ Nữ. H. 20044. J.M.Coetzee - Giữa miền đất ấy.( Song Kha dịch ).Nxb Vh .H.20055. Đào Trung Đạo -J. M. Coetzee kẻ ngoại cuộc. (Tài liệu từ  hải ngoại)

rần Đình Sử -  Dẫn luận thi pháp học. Nxb Giáo dục. H.1998.

 

Nguyễn Thị Minh Duyên
Số lần đọc: 5028
Ngày đăng: 15.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mai Văn Phấn với “ hôm sau” & “ và đột nhiên gió thổi “ - Vĩnh Phúc
Tạ Hùng Việt – Xộc Xệch nỗi Đam Mê - Lê Khánh Mai
Sholokhov đập Solzhenitsyn : Thư Sholokhov gửi Ban Thư ký hội Nhà văn Liên xô - Mikhail Sholokhov
Đọc Chân Phương cuối hè - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa - Nguyễn Trung Bình
Sức hấp dẩn của “Diệt Tần” - Nguyễn Khắc Phê
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện - Trần Hinh
Lòng Mẹ và Tình Con Qua Hai Bài Thơ của Nữ Sĩ Minh Quân - Mang Viên Long
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả