Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
659
116.600.779
 
Ranh giới mong manh
Trần Quang Lộc

Lâu lắm, có lẽ gần 8 năm hay mười năm gì đó tôi mới gặp lại gã, thằng bạn cùng quê, cùng học chung lớp chung trường thời phổ thông. Gặp tình cờ thôi, trước quán cà phê trên phố huyện vào buổi sáng của một ngày giáp tết. Với ngần ấy năm xa cách, gã không già đi mấy, nhưng tính tình có điềm đạm hơn, chững chạc hơn, lịch lãm hơn. Gã kéo tôi vào quán gọi 2 ly cà phê với bao thuốc lá con ngựa. Bạn cũ lâu ngày gặp lại chuyện nổ như ngô rang. Gã hỏi rối rít về chuyện làm ăn, chuyện vợ con, chuyện nhà cửa… Gã cho biết, gã đang làm chủ một hiệu cắt tóc lớn nhất, sang nhất và cũng đắt khách nhất tại trung tâm phố huyện. Thanh Thủy, vợ gã vẫn còn ở dưới quê, vừa trông coi ngôi nhà vừa chăm sóc đứa con đầu lòng và tiếp tục làm nghề thợ may. Cuộc sống vợ chồng gã hiện nay đang ổn định lắm, vững vàng lắm. Tôi rất mừng cho gã. Đột nhiên tôi hỏi gã :

- Từ bấy đến nay, ông đã in được mấy tập thơ rồi ?

Đang hưng phấn, sôi nổi gã bỗng xụi lơ sau câu hỏi của tôi. Giọng gã chùng xuống :

-          Phù phiếm, ảo tưởng ! Một thời nông nổi, bồng bột đã làm mất lòng bạn, gây phiền nhiễu vợ. Nghĩ lại, mình ân hận lắm Lộc ạ !

Câu nói được kết bằng tiếng thở dài sâu lắng của gã gợi tôi nhớ về những kỷ niệm buồn vui hồi chúng tôi còn sống dưới quê.

Tôi với gã cùng tuổi, tuổi Thân ! Tuổi mà ai cũng bảo rồi cuộc đời sẽ lao đao lận đận lắm. Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi. Riêng tôi ngậm ngùi thân lại tuổi Thân. Ông bà xưa đã có câu ca truyền tụng vậy mà. Biết có đúng  không chứ riêng tôi, đã gần nửa đời người rồi mà cuộc sống vẫn ba chìm bảy nổi.

Sinh cùng năm, ở cùng xóm, học cùng lớp nên chúng tôi thân với nhau lắm. Giận nhau cứ lôi cả ông bà cụ kỵ ra mà réo, thậm chí còn xông vào vật nhau huỳnh huỵch. Hết giận, sẵn sàng chia sẻ nhau từng viên kẹo lạc, nửa củ khoai lùi, quả khế ngọt, quyển vở cũ, cây bút chì gãy … Thời trẻ thơ hồn nhiên, ai chẳng thế. Nhà tôi và nhà gã chỉ cách nhau một hàng rào chè vừa thưa vừa thấp, ranh giới tượng trưng. Hồi còn nhỏ và cả sau này nữa, chúng tôi muốn qua lại nhau chỉ cần vạch rào hoặc nhảy phóc một cái là xong. Nếu là chuyện thường ngày chỉ đứng hai bên bờ rào tha hồ tâm sự. Cổng ngõ mỗi nhà chỉ dành cho người khác.

Hết lớp 10, gã bỏ học theo nghề cắt tóc. Lành nghề về mở cửa hiệu trước sân nhà rồi lấy vợ. Thanh Thủy, vợ gã thon thả, xinh xắn, nói chuyện có duyên, làm nghề thợ may. Bạn bè ai cũng bảo gã lấy vợ sớm nhưng hạnh phúc, vợ chồng đều có nghề nghiệp vững vàng, tương lai sáng sủa. Riêng tôi, tôi vẫn tiếp tục theo hết cấp ba rồi trúng tuyển vào Đại học tổng hợp văn. Ngày nhận giấy báo nhập trường cũng là ngày mẹ tôi qua đời vì bệnh cao huyết áp.

Sau đám tang mẹ, cuộc sống của tôi hết sức khó khăn, giấc mộng trở thành nhà khoa học cũng tan theo mây khói. Để sống qua ngày chờ cơ hội, tôi xin vào làm nhân viên hợp đồng Ban văn hóa thông tin xã.

Tuy cuộc sống mỗi người mỗi kiểu, tất bật trong cuộc mưu sinh, nhưng những lúc rỗi việc, chúng tôi ngồi lại bên nhau, khi thì bên tách trà xanh bốc khói, lúc bên dĩa cá rô chiên xù với cút rượu Bầu Đá luận chuyện nhân tình thế thái, chuyện thế giới đó đây…

Thấy tôi đi về như cái bóng, lui cui chuyện bếp núc, giặt giũ, thi thoảng vợ chồng gã đứng bên kia bờ rào mời sang dùng cơm. Qua hàng rào chè sau nhà, Thủy nhiệt tình giúp tôi nhiều chuyện lặt vặt : mua cho lọn rau, làm hộ con cá, bán giùm ổ trứng gà, đơm lại cúc áo vừa bị sổ chỉ… Thủy khuyên tôi nên lấy vợ để có người lo chuyện nhà cửa. Đàn ông con trai đi thì thôi, về nhà cứ lọ mọ chuyện cơm nước, chuyện giặt giũ, chuyện quét dọn nhà cửa … ngán lắm ! Thủy hứa sẽ làm mối cho tôi một cô giáo dạy tiểu học trẻ đẹp, đoan trang. Nghĩ mình chưa có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống anh nhân viên văn hóa xã bấp bênh lắm, tôi chưa dám tính đến chuyện vợ con. Và cũng qua cái ranh giới tượng trưng giữa hai nhà, Thủy thường kể cho tôi nghe về những kỷ niệm thời học sinh thơ mộng, chuyện buồn vui trong những năm tháng học nghề trên phố huyện. Thủy thông minh, dịu dàng, nhân hậu. Tôi rất quí Thủy và xem Thủy như một người em gái. Mỗi lần đi làm về, qua cái ranh giới mong manh đó thấy vắng bóng Thủy, lòng tôi cứ mênh mông trống trải. Riêng gã. Có lần gã xúi tôi làm thơ. Gã còn bảo, người có nhiều tâm trạng như tôi thế nào cũng làm thơ hay. Cán bộ văn hóa mà không biết làm thơ thì hỏng. Gã khoe, gã đang làm thơ, chủ yếu là để giải tỏa nỗi niềm.

Một hôm, tay cầm tờ báo, gã nhảy phóc sang sân nhà tôi. Chân chưa kịp chạm đất gã đã hét toáng rằng, gã đã có thơ đăng báo. Đang cặm cụi viết bản tin phản ánh tình hình bà con trong xã nuôi tôm sú xuất khẩu để phát trên đài truyền thanh, tôi vội buông bút chạy ra. Một bài thơ lục bát vỏn vẹn có bốn câu viết thành 8 dòng, ý tứ chẳng có gì sâu sắc nhưng cũng tạm gọi là sạch sẽ, được in trên trang 5 của tờ báo tỉnh. Làm thơ rất khó. Trên cái làng ven sông heo hút, người có thơ đăng báo như gã thì xưa nay hiếm. Tôi mừng cho gã. Gã cứ ngâm đi ngâm lại bài thơ trong niềm hưng phấn tự hào.

Nào ngờ, bài thơ lục bát 4 câu được đăng báo đã khuấy động cuộc sống bình yên phẳng lặng của vợ chồng gã. Trước kia, ngày nào cũng như ngày nấy, mùa nắng cũng như mùa mưa, cứ đúng 7 giờ là cửa hiệu cắt tóc mở toang sẵn sàng đợi khách. Mãi đến 6 giờ chiều mới chịu khép hờ. Đó là ngày thường, những ngày giáp tết có hôm đến tận khuya. Sau ngày có thơ đăng, gã thường đóng chặt cửa hiệu, xốc áo ra đi. Có dạo gã đi đến ba bốn ngày mới vác bộ mặt bơ phờ, hốc hác trở về. Hỏi đi đâu, gã bảo đi giao lưu thơ, đi tìm cảm xúc cho thơ, đi gửi thơ đăng báo … Thỉnh thoảng, gã kéo bạn thơ về nhà tổ chức ăn nhậu, đọc thơ, bình thơ thâu đêm suốt sáng. Gã khoe với tôi, bạn gã toàn là nhà thơ ở tận trên tỉnh, trên huyện. Cuộc nhậu nào gã cũng sang mời tôi nhưng đều bị tôi từ chối khéo léo. Tuy học giỏi môn văn, đọc rất nhiều sách văn học, nhưng tôi lại mù tịt về việc viết văn làm thơ. Có đến tham gia cũng chỉ ngồi chầu rìa hóng chuyện. Thủy buồn lắm ! Đôi lúc, tôi bắt gặp những tiếng thở dài thao thiết từ phía bên kia hàng rào.

Tội Thủy quá! Đang lúc nghề may ế khách, thiên hạ đổ xô đi mua hàng may sẵn thì gã lại bỏ nghề lao vào cái nghiệp văn chương mà không biết tự lượng sức mình. Thời nào cũng vậy, nghề cắt tóc thiên hạ có bao giờ thất nghiệp đâu. Với tài cạo mặt ngoáy tai nức tiếng một vùng, bình quân mỗi ngày gã thu vào tệ lắm cũng sáu bảy chục ngàn, gấp nhiều lần lương hợp đồng của một nhân viên văn hóa xã. Đó là chưa nói những ngày giáp tết. Thế mà gã dẹp tiệm chạy theo hư ảo, phù phiếm. Có lần đứng bên kia hàng rào phía sau nhà, Thủy nói với sang bằng giọng không vui : “Mấy ông nhà văn nhà thơ kỳ cục lắm anh Lộc. Ông thì đầu tóc bờm xờm như thổ phỉ, ông đầu trọc lóc như cầu thủ Ronando, ông thù lũ giống thổ địa, ông teo nhách như que tăm. Em ngán lắm”. Tôi cực lực bào chữa : “Bên ngoài thấy vậy chớ cái tâm của họ sáng lắm, lịch lãm lắm, trí tuệ lắm. Em đừng hiểu nhầm”. Thủy “ứ” một tiếng, bảo : “Trong sáng, lịch lãm gì. Hôm trước họ chê thơ nhau rồi la ó ỏm tỏi. Suýt nữa bữa đó nhà em có án mạng. Có lần ho còn lấy em ra làm đề tài sáng tác thơ tình nữa chớ”. Chết! Nếu thế thì hỏng to. Thằng bạn đang làm ăn ngon lành bỗng dưng bị quỷ ám rồi! Đã không làm ra tiền còn phải bao căn nhiều cuộc ăn nhậu tào lao. Rồi sẽ khốn khổ cả hai. Thủy thường đến nhà tôi với đôi mắt đỏ hoe hỏi mượn tiền để chi trả cho những cuộc nhậu của gã. Tiền lương hợp đồng của anh nhân viên văn hóa còn chưa đủ ăn lấy đâu đưa cho Thủy. Tôi đành phải bán 2 chỉ vàng y của mẹ để lại giúp Thủy giải quyết khó khăn trước mắt. Tôi khuyên Thủy cố thuyết phục chồng trở lại con đường làm ăn. Cứ kéo dài kiểu sống thi ca thơ phú thế nầy sẽ khổ mãi!. Thủy khóc sụt sùi bảo, sau khi có bài thơ đăng báo, anh ấy như người mất hồn, miệng lúc nào cũng lẩm nhẩm. Đang ăn bỗng dừng đũa trừng mắt nhìn lên kèo nhà, hỏi đang suy tư gì, bảo đang làm thơ. Hớt tóc cho khách mà đầu óc để tận đâu đâu. Nếu không lấy tiền nhà ra đi thì cũng kéo bạn thơ về ăn nhậu. Thủy ôm mặt khóc rưng rức : “Em nhục lắm ! Em hết chịu nổi rồi”. Thấy hoàn cảnh bi đát của Thủy tôi cũng nao lòng, nhưng không biết lấy lời nào an ủi. Riêng gã, gã không coi tôi ra gì. Mọi lời khuyên chân tình của tôi chẳng có ý nghĩa đối với gã. Rất buồn ! Thế là mất toi thằng bạn có một thời xem nhau như anh em ruột.

Mối quan hệ giữa tôi với gã lỏng lẻo dần từ dạo thằng bạn phía bên kia sông sắp cưới vợ. Cái thằng cũng lạ, làng xã hiếm chi người lại chọn tôi đóng vai chú rể phụ ? Từ chối mãi không được, cuối cùng đành phải nhận lời. Không nhận giúp bạn thì thôi, đã nhận phải chuẩn bị đàng hoàng tươm tất một chút. Trước hôm sắm vai rể phụ, tôi sang gã nhờ tỉa sơ mái tóc. Nhằm lúc gã đang lụi hụi làm thơ. Tôi ái ngại lắm nhưng đã lỡ đến rồi. Là khách hàng thường xuyên của gã từ ngày khai trương cửa hiệu chứ xa lạ gì. Thế không hiểu sao, gã ngon tay gọt mái tóc đen nhánh bồng bềnh rất ấn tượng của tôi thành tóc đầu đinh, để lộ nguyên xi vết sẹo trắng hếu to bằng hai ngón tay nằm ngay phía bên trên mép tai phải. Vết thẹo do nghịch leo trèo hồi còn nhỏ. Phát hiện ra thì sự đã rồi. Tôi cứ đứng lặng, hai tay vò vò đầu hết nhìn vào gương lại xoay ra nhìn gã. Thấy tình cảnh của tôi, Thủy dở khóc dở cười. Còn gã cứ luống cuống xuýt xoa bảo đang tìm tứ thơ nên lỡ tay. Gã còn bảo, tóc mầy ra nhanh, tháng sau là vẫn như cũ.

Tội nghiệp thằng bạn nghèo cưới vợ. Đã tốn tiền thuê cho bộ đồ vét lại còn mất thêm một khoản cho bộ tóc giả!

Khi đời sống vật chất đã được nâng cao, việc thưởng thức những giá trị tinh thần trở thành nhu cầu cấp thiết. Vài năm đổ lại đây, công chúng đến với thơ ngày càng đông đảo. Lực lượng sáng tác cũng gia tăng đáng kể. Một vài cây bút tài năng bỗng xuất hiện gây xôn xao dư luận trên thi đàn dân tộc. Họ rất khiêm tốn, lịch lãm trong cách sống, thông minh sắc sảo trong sáng tạo, có bút pháp mới, có ý tưởng mới góp phần làm nên diện mạo mới cho dòng thơ hiện đại nước nhà. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó cũng có số ít người dùng thơ như thứ trò chơi danh vọng, như thứ màu sắc để tô vẽ cho cuộc sống giàu có. Họ rất dễ dãi trong sáng tác. Thậm chí có người còn lố bịch trong cách dùng từ bí hiểm, cố tạo nên sự rối rắm khó hiểu trong thơ đánh đố người đọc. Rồi những tập thơ chưa thành tác phẩm đó xuất hiện mọi nơi, mọi chốn đến nỗi những bậc trưởng lão trong làng văn phải dậm chân kêu trời : “Thơ lạm phát, lạm phát thơ rồi trời !”. Nguyên nhân nào khiến công chúng quay lưng với thơ ? Đã rõ.

Mới đây thôi, tôi có đến thăm một người bạn đang công tác tại tòa soạn của một tạp chí. Nhằm lúc sắp tan sở, nhiều anh chị trong cơ quan đang nhộn nhạo chuẩn bị đi dự tiệc cưới con gái của một đại gia. Riêng mấy anh em trong ban biên tập thản nhiên bày cờ tướng ra đấu trí. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, một anh cười thật hiền mà rằng, họ có mời đâu mà đi. Một anh trẻ hơn, có bộ ria quặp vui vẻ giải thích, mỗi tháng ông đại gia nầy gửi về phòng biên tập không dưới mười bài thơ dài thoòng. Có tháng lên đến mười lăm bài. Khổ nỗi tạp chí không đăng vè. Cố tìm một bài đường được gia giảm chút đỉnh đăng làm phúc, nhưng … đành chịu ! Tôi rất thông cảm cho những người suốt ngày căng óc căng não trên từng trang bản thảo của bạn bè gần xa gửi đến. Họ cẩn trọng thêm bớt vài con chữ, chỉnh lại vài từ, đặt lại dấu câu cho chuẩn xác, tẩn mẩn sửa từng lỗi chính tả … Tất cả là cho trang văn, trang thơ của bạn bè tươi sáng hơn, lấp lánh hơn, sang trọng hơn … để rồi nhận về mình những cái lườm, cái nguýt, cái háy trừng từ phía tác giả. Thậm chí đôi khi còn bị liệt vào “nhóm khủng bố” nữa đấy!.

Một hôm, tôi đang chập chờn trong giấc ngủ trưa, bỗng giật thót mình bởi tiếng thét xé lòng của Thủy từ phía bên kia ranh giới đưa sang. Tôi ngồi bật dậy, xỏ dép chưa kịp ra khỏi phòng đã thấy Thủy vượt rào chạy sang. Đâu phải lần đầu tiên Thủy bị chồng hành hung thô bạo. Thủy từng hứng chịu những trận đòn nghiệt ngã của gã mà không dám kêu ca, không hề than thở. Những lúc vắng gã, nhìn qua ranh giới mong manh phía sau nhà, tình cờ bắt gặp mặt Thủy thâm tím. Đợi tôi hỏi Thủy mới òa lên khóc. Tôi chỉ biết khuyên Thủy nên nhẫn nhịn, rồi thế nào cũng có ngày gã tỉnh ngộ. Khuyên là khuyên vậy chứ tôi biết Thủy là người vợ hiền thục đảm đang, chịu thương, chịu khó, gã tốt phước mới gặp được.

Có lẽ hôm đó bị gã hành hung bạo liệt quá nên Thủy mới đánh liều vượt rào chạy sang tôi. Tôi chỉ còn đứng lặng xót xa nhìn Thủy với khuôn mặt sưng húp, nhạt nhòa nước mắt. Lấy hộp dầu cao hổ đưa cho Thủy, tôi bảo : “Em tạm lánh về với bà cụ ít hôm. Đợi nó tỉnh rồi hãy về. Mỗi lần say sưa là về đánh đập, em chịu sao cho nổi”. Thủy đưa ống tay áo lên gạt nước mắt : “Em chịu hết nổi rồi anh. Gần một năm nay, nếu không nhờ gạo của mẹ em mang xuống giúp, chắc phải chết đói. Vậy mà sáng nay, anh ấy còn bảo em đưa năm trăm ngàn để góp tiền in thơ. Thủy khóc nức – Nợ anh chưa trả nổi, lấy đâu ra …”. Thủy chưa nói hết câu, từ phía bên kia bờ rào, gã nhảy vọt sang, hùng hổ chỉ vào mặt tôi, cạn tàu ráo mán : “Mầy là thằng giả nhân giả nghĩa. Bấy lâu nay mầy dụ dỗ quyến rũ vợ tao lại còn bòn rút tiền của. Rồi tao sẽ tính sổ với mầy. Xoay sang phía Thủy, gã tròn mắt – “Còn con kia, có về không thì bảo. Hay muốn ở hẳn bên này ? Được, nếu thế thì tao đốt nhà”. Hết sức bất ngờ sau câu nói của thằng bạn có một thời thân thiết như anh em một nhà. Tôi đứng lặng thở dài. Gã rút hộp quẹt ga bật lửa dí vào mái tranh nhà tôi. Rất may, bà con hàng xóm nhanh tay cản kịp. Lúc này, người có mặt chia thành hai nhóm : nhóm lên án gã hồ đồ, ghen bóng ghen gió rồi vu oan cho bạn, nhóm bảo tôi bất lương, đi quyến rũ vợ người. Hơi đâu để tâm đến những lời đàm tiếu từ miệng người đời. Đột nhiên tôi bảo Thủy  : “Đến nước nầy tôi phải ra đi, đi càng sớm càng tốt”. Vói lấy chiếc túi du lịch nhét vội hai bộ đồ, tôi đi thẳng. Ngang qua gã, tôi dừng lại nhìn vào mặt gã gằn từng tiếng : Mầy bất nhân bất nghĩa, dẫm đạp lên danh dự bạn bè, khắc nghiệt với vợ con. Nếu không tu tỉnh sớm rồi sẽ ăn năn không kịp. Ra khỏi cổng, tôi gọi xe thồ phóng ngay ra thành phố. Sau lưng bỗng có tiếng người giục nhau đưa Thủy đi cấp cứu.

Không bị níu kéo, không sợ ràng buộc, một thân một mình đi đâu chẳng được. Lên thành phố, tôi làm đủ mọi nghề kiếm sống : đạp xe thồ, khuân vác, phụ hồ, kèm trẻ tư gia … Tối, nằm gát tay lên trán thở dài. Tội Thủy quá ! xinh đẹp, nhân hậu lại gặp phải thằng chồng chẳng ra gì. Con đường phía trước của tôi mịt mù quá, xa xăm quá. Càng nghĩ càng thêm ngao ngán.

Đang lặn ngụp trong cuộc mưu sinh, bỗng gặp thằng bạn hồi cùng học cấp ba. Nó đang làm phóng viên cho một tờ báo lớn trong thành phố Hồ Chí Minh. Thấy hoàn cảnh bi đát của tôi, nó bảo vào sống với nó học làm báo kiếm sống. Tôi rất ái ngại. Thời buổi bây giờ làm việc gì cũng phải qua đại học. Cái bằng tốt nghiệp tú tài loại khá có giúp được gì cho tôi trong lúc nầy ?!. Bạn tôi động viên, nghề làm báo cứ viết cho hay, viết cho giỏi, thu hút được người đọc là nhất. Nếu có chí thì vừa học vừa làm rồi cũng nên sự nghiệp. Đang bế tắc, con đường phía trước bỗng thênh thang rộng mở.

Có công mài sắt ắt ngày nên kim. Có chí thì nên. Ông bà xưa dạy thế quả thật không sai. Sau năm năm miệt mài vừa học vừa làm, nhất là được thằng bạn tốt giúp đỡ, tôi đã trở thành nhà báo thực thụ. Không những là cây bút phóng sự nổi tiếng, tôi còn có bằng đỏ cử nhân báo chí, nói được tiếng Anh, sử dụng computer thành thạo, được tổng biên tập cử đi viết bài tại các điểm nóng trên cả nước.

Qua nghề làm báo, cũng có nhiều cô gái trẻ đẹp, giàu có yêu tôi, yêu say đắm. Nhưng không hiểu tại sao tôi không quên được Thủy. Với ngần ấy năm xa cách, sống trong cảnh đô hội phồn vinh, tôi vẫn cứ nhớ, nhớ đến da diết, nhớ cồn cào người đàn bà mộc mạc, giản dị, nhân hậu đã một thời cùng tôi san sẻ những vui buồn. Nhiều lúc tôi muốn bay về thăm quê, thăm Thủy nhưng cái nghiệp báo chí cứ ràng buộc từng ngày, khó bứt ra được.

Chuyến công tác miền Trung lần nầy, tôi quyết định sẽ về thăm quê. Đang lang thang trên phố huyện quê nhà tìm mua vài cuộn phim thì bất ngờ gặp gã.

*

Gã nói bằng giọng của người biết lỗi :

- Mình ân hận lắm Lộc à. Từ ngày ông bỏ quê ra đi, tôi sống trong nỗi trăn trở, dằn vặt. Hãy vì tình bạn ngày xưa ông đừng để bụng làm gì chuyện cũ. Con người ai không trải qua một thời nông nổi ?!

Tôi khoát tay :

- Thôi, đừng nhắc lại chuyện cũ. Ông đã hiểu ra là tốt.

Gã bỗng sôi nổi đề nghị :

- Thế nào ông cũng phải ở lại ăn tết với vợ chồng tôi. Nếu không vì tôi thì vì Thủy vậy. Thanh Thủy nhắc đến anh luôn. Ngôi nhà của ông Thủy thường qua lại trông nom tử tế. Mọi thứ vẫn như xưa. Bây giờ ông cứ về trước. Sắp xếp công việc xong tôi cũng về ngay chiều hôm nay.

Tôi đứng lên chia tay gã rồi vẫy xe thồ trở về nơi mà cách đây gần 10 năm tôi đã ra đi.

Trả tiền thuê xe xong, tôi dừng lại đầu cầu phía bên này nhìn về làng cũ, làng ven sông mang nhiều kỷ niệm thời thơ trẻ. Vẫn mái tranh xưa thấp thoáng dưới hàng cây xanh lá, vẫn giàn hoa tím sau nhà rực rỡ, vẫn mấy cây dừa xiêm soi bóng bên dòng sông quê phẳng lặng, vẫn râm ran tiếng gà trưa âm điệu gợi buồn. Không biết hàng rào chè vừa thưa vừa thấp vẫn còn hay đã bị thay thế bằng dây kẽm gai sắc nhọn ?! Tôi tin chắc ranh giới mong manh ấy vẫn còn tồn tại bởi Thủy là người sống vì kỷ niệm. Giờ này chắc Thủy đang ngồi trước chiếc máy khâu, cũng có thể nàng đang thay tôi dọn dẹp căn nhà cũ kỹ để đón thêm một mùa xuân trống vắng.

Rồi không hiểu sao, tôi vẫy xe thồ đến bảo chở gấp lên bến xe đò liên tỉnh. Ngồi trên xe, tôi ngoảnh nhìn về làng cũ, tiếng gà trưa xao xác, lòng tôi bỗng nao nao một nỗi buồn./.

Trần Quang Lộc
Số lần đọc: 1783
Ngày đăng: 15.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cá Lóc nướng trui - Phùng Phương Quý
Bên kia sông - Phùng Văn Khai
Một ngày và một đời - Trần Quang Vinh
Chùm truyện mi ni - Dương Đức Khánh
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (Phần 2) - Đỗ Ngọc Thạch
Cha con hội ngộ - John Cheever
Có tật giật mình - Huỳnh Văn Úc
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (phần 1) - Đỗ Ngọc Thạch
Cocktail - Di Li
Phượng Ý - Trần Quang Phong
Cùng một tác giả
Ranh giới mong manh (truyện ngắn)
Lan trinh nữ (truyện ngắn)
Hoàng hôn quê ngoại (truyện ngắn)
Trăng mười sáu (truyện ngắn)
Nửa Đời Nhìn Lại (truyện ngắn)